Văn Hải ngoại (kỳ 301): Bể dâu – Nam Dao (20)

Hai tuần sau khi cặp vào đất liền, thuyền nhân được đưa đến Galang. Vào trại tập hợp đám người lưu vong chờ xét duyệt xin đi định cư ở một nước thứ ba, Nhân ngạc nhiên, không ngờ số người ở đây lên đến hơn chục ngàn. Họ đi từ khắp nơi. Miền Trung, thì Phan Rang, Phan Thiết… Miền Nam, Gò Công, Bình Dương, Bà Rịa… Có người đã ở trại ba, bốn năm, nhưng chưa nước thứ ba nào phỏng vấn. Có kẻ chỉ đợi dăm ba tháng là đi. Trại có hai nhà thờ, một là của người Việt, một của người Campuchia. Ngoài ra, trại cũng xây được một ngôi chùa. Và thờ Phật thì không phân biệt chủng tộc, chỉ cưu mang ‘‘Nạn nhân Cộng Sản’’, nói cách nói của nhà sư chủ trì người gốc Bình Ðịnh. Trại bầu một ban Trị Sự lo vấn đề xã hội, việc liên lạc với chính quyền sở tại, với các cơ quan từ thiện. Ban Trị Sự tổ chức hai lớp học cho trẻ em, một phòng sinh hoạt để giúp đỡ chuyện giấy tờ, một lớp tiếng Anh cấp tốc. Vấn đề xã hội khá phức tạp. Thuyền nhân phần đông chỉ ăn, ngủ và đợi phỏng vấn nên đám thanh niên độc thân đã bắt đầu hút sách, cờ bạc, rượu chè và lập băng lập đảng. Sống trong dãy nhà dài thuồn thuỗn, mái lợp tôn nóng đến chảy mỡ, họ thường tụ tập, ẩu đả và quấy phá mọi người. Thằng Hai ra nhập băng đảng Miền Nam thành đồng trong khi em nó, thằng Ba, vào băng cựu chiến binh Cộng Hoà. Hai băng xung đột liên miên, bên nào cũng trưng cờ chính nghĩa. Ban Trị Sự gần như bó tay, phải nhờ cảnh sát địa phương can thiệp.

Dao Ánh gặp lại Kim Ngân, một người đẹp nổi tiếng học trước mình hai năm ở trường Ðồng Khánh thời trung học. Kim Ngân vào Sài Gòn học Dược rồi quay về Huế mở một tiệm thuốc Tây trên đường Lê Lợi, góc Phạm Ngũ Lão. Chồng nàng, dạy Toán ở Ðại Học Huế, có tiếng là tài hoa. Kim Ngân nay rũ rượi, tóc rụng từng mảng, đi chân đất, mặt mày bụi cát lem nhem. Nàng thẫn thờ, cả ngày lê hết chỗ này lết đến chỗ kia, hát đi hát lại:

‘‘Trên đời người trổ nhánh hoang vu

Dưới vòng môi mọc từng nấm mộ …’’

lâu lâu cười lên lanh lảnh, ngay sau đó lại gào khóc cho đến khi ngất đi. Ánh hỏi, mới biết thuyền có gia đình Ngân bị hải tặc chặn. Ðứa con gái lớn bị ba thằng giặc biển đè ra, chồng nàng thấy vậy, liều mạng xông vào, bị đâm lòi ruột nhưng chưa chết ngay. Nằm hấp hối, anh chồng phải chứng kiến cảnh sau là vợ, rồi đến đứa con gái nhỏ, bị lột quần lột áo, thân xác tả tơi, gào thét vô vọng. Hải tặc bắt đứa gái lớn mang đi. Kim Ngân ôm xác chồng, miệng rủa Trời rủa Ðất. Hai mẹ con lên đất liền thì đứa bé gái không ăn uống gì được, suốt ngày kêu ‘‘Con dơ quá, cho con đi tắm’’, vài tuần sau cũng chết. Kim Ngân phát điên, ra đâm đầu xuống biển nhưng người trong trại cứu kịp, nằm liệt giường liệt chiếu hai tháng. Từ đó, Kim Ngân mất trí nhớ, hỏi tên cũng không biết, chỉ còn độc một câu hát buộc vào đời sống ngày qua ngày như một loài thảo mộc nhiễm độc.

Chiều chiều, Nhân và hai mẹ con Ánh thường đi ra nghĩa địa của trại. Nằm sau một dãy đồi cát, những ngôi mồ thuyền nhân mọc lên như nấm với những ngày những tháng ghi để đánh dấu sự vô vọng bước vào một tương lai ổn định. Nhìn ra biển, Nhân lại nhớ mẹ. Xa tít tắp bên kia, bến bờ quê hương nay chẳng còn gì ngoài hình ảnh mớ tóc mẹ bạc dưới ánh trăng chập chờn lẩn vào hàng cây trong khu vườn cạnh con rạch ở Phước Trung ngày chàng ra biển.

Dũng và Mai cũng ra ngồi, mặt hướng về phía mặt trời lặn, sắc hồng tía ánh lên tóc, lên môi, lên má. Tìm đâu được một cây đàn ghi-ta, Dũng so dây, bật lên những tiếng tan ra trong gió mơ hồ. Bé Quỳnh gục vào vai Nhân, không nói năng. Ánh nói, giọng thẫn thờ, ‘‘Có phải quá khứ nay nằm đằng sau không nhỉ?’’. Dũng dạo dăm nốt nhạc, khe khẽ hát ‘’Trên đời người, trổ nhánh hoang vu…’’. Thình lình, nghe văng vẳng ‘‘ …dưới vòng môi mọc từng nấm mộ’’ nhưng bỗng nghẹn lại trong gió rì rào. Đàng sau những nấm mộ lạnh lẽo giữa một chốn u linh, chợt tiếng cười lanh lảnh cất lên, thê lương, não nùng. Không hẹn, ai cũng đợi tiếng gào khóc. Nhưng lần này, không, không nghe thấy gì nữa.

Hôm sau, ban Trị Sự trại Galang thông báo Kim Ngân đã cắn lưỡi chết tối trước.

Comments are closed.