Văn Hải ngoại (kỳ 303): Bể dâu – Nam Dao (22)

Chính ủy dạo này thật lạ, hỏi han chuyện nhà chuyện cửa. Tôi thành khẩn:

– Thưa đồng chí, tôi không nhớ được gì! Cha đi công tác ở đâu tôi không biết. Còn mẹ, mẹ tôi chết khi tôi còn bé. Tôi chỉ còn bà ngoại, già lắm rồi! Khi tôi lên đường đi B, bà dặn, sống khôn thì chớ chết, thác thiêng mà lúc bà đi về hầu các cụ thì mày cũng chỉ có cháo lá đa thôi con ạ!

Chính ủy lắc đầu, tay ghi chép. Vỗ vai tôi, Chính ủy thân mật:

– Thế những người đồng đội, thân nhất là ai? Có kỷ niệm gì không?

Nhất định là có, báo cáo đồng chí. Khi ấy, tôi đã bị điều qua sư đoàn 325, toàn tân binh mới vào để bổ sung chiến trường. Cùng qua coi bọn lính trẻ, có Tạ, Trung đội phó, đi B từ năm 67. Nó người Bãi Cháy, vạm vỡ, nhanh như vượn và khôn như quỉ. Tội một điều là nó hay nói, nói nặng, và nói thẳng với mọi người, kể cả cấp trên. Trước đó, có Trường Sơn chết ở Bàu Bính. Tay này yêu Giang, cô bé giao liên đi mua thuốc Tây bị chặn khám. Cô ta nuốt hết đủ loại thuốc để phi tang, nhưng sau đó thuốc hành đến phát điên. Bàu Bính bị tấn công, Giang cứ lừng lững đi trong lửa đạn. Sơn nhảy ra tính cứu, nhưng dẵm phải mìn chính ta gài để chặn địch. Rồi khi rút từ bờ bắc sông Nhung về An Thái, thằng Phi người làng, nói gở là thèm một bát cháo gà. Nó cũng chết, không hiểu chết thế nào, trừ chuyện khi chết nó vẫn đói. Cũng trong đợt ấy, có thằng An. Nó còn măng tơ, lãng mạn, ra trận sợ nên cứ i ỉ ngâm “Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh”. Về đến An Thái mới biết nó lạc đâu mất. Cả trung đội không ai nói gì, nhưng đứa nào cũng nghĩ chắc nó toi, không bom đạn thì mìn chông, chẳng thể thoát được… Đầu tháng tám, hội nghị Paris tái họp. Chiến trường đột nhiên yên tĩnh. Hội đàm, tiếng nói át tiếng bom. Tạ ngửa mặt nhìn trời chi chít sao, cười khẩy ‘‘Nhưng át được bao lâu. Tiên sư chúng nó!‘’. Tôi không đáp. Bọn lính “tơ” hoàn hồn, rủ rỉ tâm sự với nhau, kháo là hòa bình đến nơi rồi. Ngồi bên Tạ, tôi nghe tiếng sột soạt. Quay nhìn, mặt nó đờ đẫn, tay thọc trong quần. Nó hự lên một tiếng, mặt áp vào đất ẩm, chân từ từ duỗi ra. Lát sau, nó thở phào, giọng bẽn lẽn ‘‘…Tớ nhớ vợ tớ quá. Cứ đêm thế này, không bom không đạn là lại nhớ!’’. Rồi nó kể, vợ tớ kháu lắm nhé. Ngày làm than thì nhem nhuốc, nhưng nó về tắm một cái là trắng như tiên trên giời, sờ vào là má hây hây, người hừng hực. Nó hỏi tôi ‘‘Thế cậu đã… ấy với cái Thắm chưa?’’. Ấy à? Ấy chứ lị. Nó hềnh hệch, ừ, làm ma không chồng quỉ không vợ thì phí của giời. Tôi khẽ quát ‘‘Lại nói gở!‘’.

*

Sổ tay:

… Bất ngờ, bệnh nhân buột miệng nhắc Thắm. Hỏi gặng về Thắm đôi ba lần, bệnh nhân nín lặng, làm như điếc. Điều gì bí ẩn? Tuần trước, tôi lại lân la khơi chuyện. Vùng đứng lên, bệnh nhân réo tên Thắm gọi ầm ĩ, xông ra vườn, lết chạy đến kiệt lực rồi ngất đi. Thời gian sau, anh ta lại im lìm, không nghe, không nhìn. Xem lại hồ sơ bệnh lý, anh ta bị thương ở đùi, sau phải cắt vì vết thương nhiễm trùng tấy lên… Nhưng làm thế nào để gần gũi anh ta thì mới có thể chẩn cho sát bệnh? Mấy hôm nay, mình đi bắt châu chấu mang đến gửi bệnh nhân, miệng bảo, này quân tăng viện đây. Bà X bảo mình “lây” điên. Bệnh nhân có vẻ mừng rỡ. Ít nhất, anh ta cũng ngước lên nhìn mình, miệng kêu ‘‘Cám ơn Thủ trưởng!’’. Lân la hỏi anh về Thắm, anh quay mặt, tay trả lại những con châu chấu.

…Elhanan xưa có đề cập rất nhiều đến trạng thái psychose [1] vì sự tổn thương libido [2] mà bệnh nhân không chấp nhận. Ông ta cho rằng libido không phải chỉ là tình yêu và khả năng thỏa mãn dục tính trai gái. Libido rộng hơn thế, gần với Eros trong thần thoại Hy Lạp, là thứ tình yêu dành cho cả cái thế giới bên ngoài của một cá thể. Nếu cái tình yêu đó mất và không có gì đền bù được, cá nhân trở thành cô độc và chỉ tồn tại được bằng cách tạo ra thế giới của riêng mình với những qui luật của nó, dần dần tiến đến trạng thái tâm thần phân lập[3], có thể mất hết ý thức về mọi hiện thực khách quan. Nhưng khi cái hiện thực khách quan – Elhanan chép miệng – tương ứng với một cơn điên tập thể như trong thời Nazi ở nước Đức, thì tạo ra và sống trong thế giới phân lập của mình là điên hay tỉnh? Vì vậy, Elhanan cho rằng chữa bệnh ‘‘điên’’ của một người không thể tách được sự chẩn đoán những cơn điên của cả xã hội!

*

Dân đáp, giọng quả quyết:

– Tôi không thể là Phan Thượng Dân. Thằng anh em song sinh của tôi chết rồi. Chính mắt tôi, tôi thấy nó chết ngày 19 tháng tám. Phan Thượng Nhân thì còn sống.

– Dân chết ngày 19 tháng tám? Chết ra sao? Anh cố nhớ lại đi…

Dĩ nhiên là nhớ vì muốn quên cũng chẳng được! Phải, tôi kể cho Chính Ủy, đầu tháng tám, chiến trường yên tĩnh. Bên ta ngưng pháo, địch cũng thôi bom. Lính kháo, hòa đàm ở Paris nhất định sẽ thành công. Chúng tôi chuyển thương binh về phía bắc sông Thạch Hãn. Xác lính chết đầy giòi bọ, sau khi kiểm tra đơn vị, tên tuổi, đem xúc tất cả vào những căn hầm chữ A, thắp hương cúng kiếng rồi lấp. Bọn lính “tơ” lầm rầm khấn, các anh phù hộ, cho hòa đàm suôn sẻ, chúng em nguyên vẹn mà về lại hậu phương. Chính ủy tiểu đoàn đến động viên, báo ta thắng lớn ở Paris, Ních-xơn nhượng bộ, chỉ cần ta cho phép nó rút hết sáu mươi ngàn lính Mỹ an toàn là cái gì nó cũng chịu. Tạ cao giọng ‘‘Thì cho chúng nó cút, giữ làm đéo gì! Cuốn xéo sớm lúc nào hay lúc đó!’’. Chính ủy cười, dĩ nhiên, nói ‘‘Nhưng còn nhiều vấn đề. Bồi thường chiến tranh chẳng hạn. Các cậu yên trí, “trên” lo hết. Lính chúng mình sẽ được đền bù’’.

Chỉ ba ngày ba đêm không bom không đạn đã là một đền bù rồi. Lính chúng tôi không phải bò, không phải lết, không phải kéo xác đồng đội, không phải há mồm để giảm sức áp của bom trong không khí, không phải giỏng tai nghe tiếng đạn xé gió để đoán địch đang đến từ đâu. Chúng tôi đi đứng thẳng thắn khoan thai, hít thở thảnh thơi, thong dong tỉ mẩn lau súng, thông nòng, soát lại cơ bẩm. Tạ cười ‘‘Đéo mẹ nó, súng với đạn! Bây giờ đánh đấm gì nữa mà lau với chùi! Sờ vào nòng, ghê cả tay nó quay lại bọn lính tơ, hềnh hệch chúng mày may, vừa ra chiến trường là hoà bình, toàn mạng về với cha, với mẹ!’’. Thằng Thao, mới mười bảy tuổi, rú lên ‘‘Em ấy à, em sẽ đi học nốt cấp ba…’’. Nó vỗ ngực ‘‘Đây, học sinh chuyên toán nhé. Loại giỏi nhất Ý Yên, Nam Định nhé’’. Nghe đến quê Thắm, tôi nhìn sang nó, lòng bỗng nôn nao. ‘‘Cậu Ý Yên hở, nhưng làng nào?’’. ‘‘Em ở ngay thị xã…’’. ‘‘Cậu tả cho tôi xem, tôi có người quen ở Ý Yên’’. Tôi nghe nó nói, ghép hình bóng Thắm vào phố, vào chợ. Vào con sông Đáy lững lờ. Tạ ngồi nghe, thình lình lên tiếng ‘‘Thằng bé con nhà mình năm nay mới học xong cấp 2’’. Nói xong, nó quay mặt về phía biển, tay quệt nước mắt.

Sáng tinh mơ ngày thứ tư, Quảng Trị bị lùa dậy bằng một trận mưa pháo đại bác 105 ly. Quà sáng, điểm tâm bằng bom bướm do một đoàn Con Ma bay qua rắc xuống. Ôi, thế là những ngày hòa bình bèo bọt. Tạ quát lính xuống công sự, chửi địt mẹ nó, vừa đánh vừa đàm, hết đàm lại đánh, hết đánh đến đàm. Thằng Thao vội vã kẹp súng, quơ nón cối, nhảy ào xuống giao thông hào. Mặt nhớn nhác, rỉ mắt tép nhèm, nó nắm lấy tay tôi, hỏi ‘‘Thế lại đánh nữa à?’’. Chúng tôi nằm trong công sự cầm cự có lẽ đến hàng tuần. Ngày qua ngày, tiếng cánh quạt những đợt trực thăng đổ quân tiếp viện. Tiếng xích sắt M-113. Bên địch, lính Lữ Dù 1 đang lấn đất tiến vào. Ống liên hợp điện đài réo lên. Chính trị viên trung đoàn phổ biến đến toàn thể bộ đội lệnh từ Quân Ủy Trung Ương, ta không lùi một bước, bám công sự giữ vững trận địa để mừng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng tám.

Lữ Dù 1 xua quân đánh thẳng vào những công sự phòng thủ đúng ngày đó. Trước khi xung phong, máy bay địch thả bom xăng, lửa hừng hực bốc cháy trong chiến hào. Hàng chục con người mình mẩy thành những ngọn đuốc sống vùng nhảy lên mặt đất, cắm đầu chạy, miệng la thét đau đớn, làm bia cho hàng tràng đạn đại liên tới tấp ghim vào thân thể. Họ co giật rồi ngả xuống như những thân cây đổ, mỡ người cháy xèo xèo bốc khói lẫn vào mùi xăng hăng hắc. Không còn cách nào tránh chết cháy, tôi hô lính bỏ công sự, bò về phía lính Dù. Đêm tối, lính rút lưỡi lê, trùi người vào cát, cứ trước mặt bò tới. Khi hỏa châu bựt sáng, nằm im giả chết. Đạn veo véo bay sát đầu, gió xé rách khoảng không vạch ra một hấp lực vô hình xô đẩy lính vào vòng tay thần chết đang mở ra đón đợi.

Lính hai bên trộn vào nhau trong đêm đen mịt mùng, một tay nắm lưỡi lê, tay kia quơ lên. Nón sắt, ta đâm. Nón cối, là bạn. Và ngược lại, nón cối, địch đâm… Cứ như thế, những con người đâm nhau, máu phọt ra thấm xuống cát trắng, cát thản nhiên nhấm nháp vị tanh tưởi của máu đổ ra mặt đất khốn khổ. Pháo tắt, người đâm, kẻ bị đâm rú lên. Pháo sáng, tất cả nằm im giả chết. Vũ trụ thu lại thành một trò chơi kinh dị, sống chết lặp đi lặp lại, xác người văng vãi khắp nơi. Tiếng thằng Thao, thằng bé ở Ý Yên, hực lên ‘’Giời ơi, em vừa đâm lòi ruột một người, thủ trưởng ơi. Em… em…!’’. Pháo sáng lại chiếu rọi một vùng trời. Thằng Thao thình lình nhổm lên đứng thẳng người, hai tay đưa lên trời, kêu ‘‘…Thôi, bắn đi! Bắn cho tao chết đi!’’. Một loạt đạn vang lên chát chúa. Tôi nhắm mắt lại, lẩm bẩm, Thao ơi, sao mày lại tự tử kiểu ấy. Có cái gì lành lạnh dí vào trán. Tôi mở mắt. Nòng khẩu súng M-16 đưa đẩy nghịch ngợm. Người lính dù, miệng nhếch cái cười khinh mạn, mắt nháy tôi như trêu trọc. Tôi nhìn kỹ. Anh ta giống tôi. Cũng mắt. Cũng mũi, cũng mồm. Anh chỉ khác bộ quần áo rằn ri. Tôi, quân phục xanh rêu. Anh, nón sắt. Tôi, mũ cối. Anh có thể bóp cò. Tôi buông con dao găm vấy máu. Bỗng nhiên thật bình thản, tôi chậm rãi nhắc lại lời thằng Thao ‘‘Thôi… Bắn đi!’’. Anh ta lắc đầu. Có lẽ anh là Nhân chăng? Tôi hỏi. Anh lắc đầu, buồn bã ‘‘Là ai cũng thế! Bắn làm gì nữa. Chết vậy quá đủ rồi!’’. Anh không bắn, thế thì anh là Nhân, anh em của tôi, chẳng thể khác được. Tôi vui mừng đứng dậy, tay giơ về phía anh. Đúng lúc đó, tôi nghe một tiếng nổ lớn. Như khán giả xem ảo thuật, tôi nhìn thấy cả thân thể mình bật lên đu bay trên những đám mây rám sắc thép tôi đỏ đêm 19 tháng 8. Không mong nó rơi xuống, tôi biết tôi chỉ muốn từ biệt trái đất kinh hoàng này. Và tôi bay, mỗi lúc một cao…

*

Sổ tay:

…. Thằng Thao điên hay tỉnh? Anh lính dù điên hay tỉnh? Trong cái tập thể lính hai bên đang chém giết như thế, tách khỏi hành vi giết người bằng cách giết chính mình chắc không ai trong cơn điên cuồng đó cho là tỉnh!

… Nhưng cái gì là cơn điên của tập thể? Mình hỏi, rồi nghe tiếng Elhanan đáp, là hiện tượng ám thị của đám đông bị thôi miên! Trong trường hợp này, người điên tách khỏi đám đông hóa ra kẻ tỉnh nhất. Vì hắn là kẻ chối bỏ hiện thực bên ngoài hầu giữ được nguyên vẹn ý thức về bản thể của mình!

*

Tôi nhớ những buổi tối, bà tôi lẩm nhẩm cầu kinh, tiếng thì thầm, lạy Chúa ba ngôi lòng lành, Chúa không cứu rỗi thì ai cứu được bầy cừu con Chúa tội nghiệt khi vào giờ lâm tử. Bà cầu kinh một mình, giấu giếm cả tôi. Cho đến khi tôi phát hiện cây thập tự làm bằng hai đõn tre buộc lại, bà mới bảo, cháu ơi, người ta bảo tôn giáo là thuốc phiện, nghiện ngập tất sa đọa, thiếu đạo đức cách mạng. Một mình bà, bà cầu Đức Mẹ che chở. Phần cháu, muốn sống như mọi người thì chỉ được phép tin vào Cách Mạng… Thế đi, cho bà yên lòng! Vâng, để yên lòng bà, tôi ngậm tăm, lớn tiếng hô phất hai lá cờ trong ba dòng thác cách mạng như mọi người, được quàng khăn đỏ, làm cháu ngoan bác Hồ. Nhưng khi học hết cấp 3, tôi không được vào đại học, lý do úp úp mở mở nhưng tôi sau cũng hiểu được rằng tôi gốc công giáo. Muốn tiến thân, chỉ có một cách là đăng ký đi bộ đội, thề diệt Mỹ-Ngụy, góp tay vào công cuộc thống nhất đất nước. Để có hy vọng nhập ngũ, tôi biếu bà Bí thư xã cái nhẫn đính hôn của mẹ tôi, vừa khóc vừa van xin bà nói với ông Bí thư lờ đi cái khoản tôn giáo trong lý lịch tôi. Và đấy là lần đầu tiên tôi thành công. Oái oăm thay, đó là sự thành công cho phép tôi khoác lên mình cái áo màu xanh xỉn, đeo lên vai vũ khí giết người, kẹp vào hông lựu đạn ‘‘ù ét”, cứ từng bước lò dò đến chỗ chết. Bác sĩ biết, tôi không chết, chỉ cụt một chân. Hạ bộ mất một ít cơ năng, đái dắt cả ngày, lắm khi sót đến không chịu nổi. Tất cả để đổi lấy cái Huân chương Chiến Công năm 72 tôi đã vất đi đâu mất.

Cuối năm 73, tôi ra viện, về làng. Thương binh Phan Thượng Dân được đón tiếp như một vị anh hùng. Tôi nhìn xuống phần thân thể gửi tặng lại những ngày tháng chiến tranh, vừa mừng, vừa tủi. Ông Chủ tịch xã bảo, bà tôi đã qua đời, nhân dân xã ta lo lắng ma chay đầy đủ. Tôi điếng người, nước mắt chạy quanh. Vào nhà, nhà trống trơn. Vẫn một chiếc chõng con, dưới gầm chõng là hai cái nồi, một cái xoong và dăm cái bát, cái đĩa dân làng đã xếp gọn. Tôi vất cây nạng, ngồi thụp xuống, khóc nức lên, khóc tức tưởi. Chao ôi, những ngày đầu tàn cuộc chiến là cái tang bà tôi. Ngồi trong căn nhà gianh, tôi gục đầu, ôm mặt khóc suốt đêm như một đứa trẻ con lạc đường. Bây giờ, tôi là người cô độc. Không thân thích. Không nghề nghiệp. Không đồng đội. Những thằng Tạ, thằng Phi, thằng Thao… chúng mày đâu cả rồi? Thắm nữa, em ở đâu? Nếu em còn, em sẽ thấy thân thể tôi tật nguyền, liệu em có nhắc lại cái câu ngày xưa dưới địa đạo Vĩnh Mốc, rằng em không muốn mất tôi nữa không? Gặp lại thằng Thành, cũng thương phế, tôi đi với nó và em gái nó ra nghĩa địa viếng mộ bà. Mấy hôm sau, tôi qua nhà bà Nhiều ở làng bên, người gần gũi giúp đỡ bà tôi. Lúc đó tôi mới biết bà tôi trối trăng để lại cho tôi vài chữ do ông bác viết, dặn lên Hưng Nguyên tìm một người tên Tín. Hóa ra đấy là chú tôi. Còn người tôi cứ tưởng là bác thì chính là cha tôi, cũng chết và chôn ở làng. Tôi kín đáo tìm hiểu. Chủ tịch xã bảo ‘’Bác nhà về quê đây thì đồng chí đang ở mặt trận, khoảng giữa vụ mùa năm 72‘’. ‘’Thế sao bác tôi lại chôn ở đây?’’. Ông bí thư gãi đầu ‘’Ấy là khi bà ốm nặng thì bác nhà từ Hưng Nguyên về. Nhưng bà chưa đi, bác nhà đã lăn đùng ra đâu hai tuần sau khi đến đây, đúng lúc Mỹ ném bom mọi nơi trước khi ta ‘‘bắt’’ nó ký Hiệp Định Paris! Đồng chí biết, chúng tôi cũng cố gắng nhưng chỉ có thể ma chay sơ sài cho bác nhà. Nghĩa tử là nghĩa tận mà’’.

*

Sổ tay:

…Ông giám đốc ề à ‘‘Trên điều cậu đi Qui Nhơn, công tác trong một bệnh viện chuyên sâu về tâm thần đấy!’’. Bà X chua loét, giọng hồ hởi ‘‘Mừng cho anh. Cứ ở cái nhà thương Sài Đồng này, chữa trăm thứ bệnh, thuốc lại không có, nửa Tây y nửa Đông y mãi, làm sao lên tay nghề được!’’. Tôi cám ơn cả hai. Trong đợt bàn giao bệnh nhân, tôi đề nghị, để Phan Thượng Dân cùng tôi vào Qui Nhơn. Lý do: bệnh nhân đang ở giai đoạn bình phục, đổi bác sĩ có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược hẳn tiến trình hồi phục. Bà X, nay đã lên chức Trưởng khoa, đỏng đảnh ‘‘Vâng, tôi đồng ý, đi cho có cặp. Trên đường, tha hồ bắt cào cào, châu chấu!’’. Nhìn bà, tôi cười mỉm. Tôi nhớ, y tá kể lại, là bà từng lớn giọng ‘‘Đám bác sĩ trẻ chúng nó có cái cười hỡm thế nào ấy, không ưa được!’’. Dù sao, thời gian trước mắt vẫn cứ phải lo cho Dân. Anh ta đang có đà bình phục, bỏ thì phí, sợ lắm khi không còn dịp.

Chúng tôi lên đường vào đầu mùa mưa. Dân không hỏi gì, tay giữ rịt hộp đựng châu chấu, lẳng lặng lên ngồi cạnh tôi trong chiếc xe của bộ Thương Binh Xã Hội. Đi được một ngày mới đến địa phận Vinh. Quốc lộ 1 có sửa sang, nhưng còn những đoạn xe ì ạch tránh hầm hố lồi lõm. Hôm sau xe vào địa phận Quảng Bình. Từ lúc đó, nét mặt Dân bỗng âu lo, ôm hộp châu chấu vào lòng, miệng mím lại. Cơn xúc động lúc một mạnh khi xe đến Vĩnh Linh. Dân lắp bắp: ‘‘Thủ Trưởng, mình vào chiến trường rồi hẳn?’’. Tôi lắc đầu, nói giọng chắc nịch ‘‘Hết chiến tranh lâu rồi, làm gì có chiến trường nào nữa!’’. Dân không tin, tai giỏng lên nghe ngóng, miệng lẩm bẩm ‘‘Đã chiến tranh rồi, làm sao thật sự hết để có được hòa bình!’’. Chợt có tiếng máy bay. Dân hoảng hốt quát: ‘‘Bom… Ngừng lại. Nó sắp đánh’’. Anh nhổm người lên, nhưng thật may, tiếng máy bay xa dần. Dân thở ra, lẩm bẩm ‘‘Chắc bọn thám thính. Nó phát hiện thì tí nữa thế nào Con Ma cũng bay đến’’. Đột nhiên, Dân quay sang nhìn tôi, hỏi: ‘‘Cứ đi thế này là đi đến đâu? Đi làm gì?’’. Tôi chưa kịp trả lời thì Dân nhoài người về phía anh lái xe, khẩn khoản ‘‘Đồng chí, vào đường mòn mà đi chứ thế này trống huếch trống hoác nó đánh thì mình phăng teo ngay!’’. Tôi lại phải ghì Dân xuống. Và cho đến nay tôi cũng chẳng hiểu động lực nào khiến tôi khi đó bật miệng đáp ‘‘Đi tìm Thắm…’’. Dân nghe, ngơ ngác một lúc rồi trở nên hiền hòa. Anh nhìn tôi, ‘‘Đây đâu có phải đường về Ý Yên đâu!’’. Tôi không biết phải nói gì, bỗng hối hận. Nói mà không có, bệnh nhân có thể mất hết niềm tin tuởng vào người y sĩ. Và khi không thể chinh phục lại được cái niềm tin ấy thì coi như là vô phương chữa chạy.

Xe chạy thêm nửa ngày thì vào địa phận Quảng Trị. Tay chỉ về hướng Tây, Dân bảo: ‘‘Cổ Thành ở bên kia… Đi tí nữa thì đến Ngã Ba Máu!’’. Nói xong, mặt Dân tái mét, người run lên như sốt rét. Dạo gần đây, tôi dùng phương pháp thôi miên trấn an Dân. Tôi yêu cầu Dân lặp lại một số động tác, rồi đưa anh ta vào giấc ngủ. Dân nhắm mắt nhưng chân tay vẫn thỉnh thoảng co giật…


[1] Loạn tâm.

[2] Dục năng.

[3] Schrizophenie.

Comments are closed.