Văn Hải ngoại (kỳ 304): Bể dâu – Nam Dao (23)

Cha xứ Hưng Nguyên tên là Nguyễn Trường Văn, sau năm 54, đổi tên thành Tín khi quyết định ở lại không đi Nam, nhắc mình giữ đức tin vào Chúa để phục vụ giáo dân. Cha có những nét thân quen lạ lùng. Cha nói, tôi mới biết cha là chú tôi. Tôi không phải họ Phan, mà là họ Nguyễn, tên cha đẻ ra tôi là Nguyễn Trường Võ. Họ Phan là họ cha mượn một người đồng chí thời Quốc Dân Đảng bị chết trôi sông. Phan Thượng Chính thật ra là Nguyễn Trường Võ, người Giáp Đoài. Chú tôi lôi ra cho tôi xem gia phả. Ông cố tổ tôi là Nguyễn Trọng Thức, đã từng sang Pháp, sau cộng tác với Tây Sơn trong thời Gió Lửa. Đến đầu triều Gia Long, con ông là Nguyễn Quốc Thư cùng mẹ là Đặng Thị Mai về tá túc xứ đạo Bùi Chu, đẻ ra Nguyễn Trường Tộ. Cụ Tộ cũng bôn ba đây đó, dâng Tế Cấp Bát Điều lên triều đình Tự Đức, không được dùng, đau đến đứt ruột mà chết. Cụ sinh ra ông tôi, Nguyễn Trường Cửu, tục gọi là Đồ Cửu. Ông tôi nối chí cố tổ, tiếp tục biên soạn cuốn Tề Nhân Thế Luận, nhưng lực bất tòng tâm. Ông sinh được ba người con trai, cha tôi là con cả. Ngoài chú tôi, tôi còn một ông chú khác hiện là Linh mục tại Rô-ma. Chú tôi chép miệng, gia tộc mình là vậy, may còn có tôi nối dòng. Hai chữ nối dòng làm tôi điếng người. Tôi vội thưa, còn anh Nhân, Phan Thượng Nhân. Chú bảo chú biết rồi, đưa cho tôi một cái phong bì, thư cha tôi gửi cho tôi.

Tôi ở lại giáo xứ, hỏi chú, Tề Nhân Thế Luận là gì? Sao ông tôi làm tiếp chuyện cố tổ để dở dang mà lại lực bất tòng tâm? Chú kể, cố tổ tháp tùng hoàng tử Cảnh đi Paris, quen Seyès, một Linh mục theo cách mạng Pháp, nhờ thế được đọc Công Ước Luận của Rousseau, Vạn Pháp Tinh Lý của Montesquieu. Tề Nhân là mọi người như nhau. Cố tổ yêu lẽ công chính, muốn đưa xã hội phong kiến quân quyền đến một xã hội mới, con đường ắt phải khởi đi từ truyền thống nước ta, văn hoá xưa là văn hóa Tống Nho. Đến đời cụ Tộ, cụ kêu gọi cách tân qua con đường khoa học kỹ thuật, từ phát xuất đó mà từng bước cải cách chính trị và tổ chức xã hội. Rồi đến thời ông tôi, ông lại cho rằng đề xuất của cụ chỉ có một mặt, mặt kia là văn hóa, cái mặt đã thấm sâu vào đến xương tủy dân tộc. Ông dạy ‘’tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’’ là một thể loại qui nạp bóp chẹt con người. Thiên hạ phức tạp hơn quốc gia, quốc gia phức tạp hơn gia đình. Từ tề gia đến trị quốc, là hai khuôn mẫu khác biệt, không thể suy từ cái nọ qua cái kia như hệ luận. Còn đúc kết về tu thân, tu thế nào? Trai thì Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Gái, thì Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Tất cả đều nhằm ổn định một xã hội dựa trên quân quyền và phụ quyền. Cá nhân mỗi con người teo tóp lại đến chỉ còn là những cái đinh con vít mất hết tự do, tự chủ, quay thế nào cho phù hợp với guồng máy xã hội là quay. Như thế, kỹ thuật và khoa học có đổi thay là đổi thay bề mặt, hời hợt như sóng trên biển, như gió trên cây. Ông cho rằng phải thay thế quân quyền – phụ quyền bằng ý thức về dân quyền. Muốn vậy, cá nhân như chủ thể phải giải phóng khỏi khuôn mẫu cũ, cướp lại cái tự do mà xã hội phong kiến tước đoạt, cùng nhau tạo ra một tập hợp đồng thuận trong tinh thần Công Ước. Trầm ngâm, chú tôi tiếp, sau cuộc khởi nghĩa của Quốc Dân Đảng ở Yên Bái thất bại, cha tôi gia nhập đảng Cộng Sản Đông Dương, đọc Tư Bản luận, cảm thấy cái hy vọng một xã hội công chính là có thể có được. Khả năng có và con đường để đạt đến là hai phạm trù tách biệt. Cái trước, đến từ lý luận. Cái sau, từ hành động, làm đòn bẩy thay đổi xã hội. Hành động thì sai một ly, đi một dặm… Chú tôi chép miệng, hành động lại là sự cụ thể hóa chẳng phải chỉ của cả lý luận mà còn cả tâm linh. Phần tâm linh sâu thẳm là phần những người theo cách mạng ngày nay phủ nhận. Họ giản lược con người theo phép duy vật nhưng lại thiếu phương pháp biện chứng, đến độ con người trong lý luận của họ là con người chỉ còn một tầm kích, không toàn diện, và vì thế không có thật. Họ cũng hứa hẹn thiên đàng, đặt tên là thế giới đại đồng. Thay cho ba ngôi trong Ki Tô giáo nay có biện chứng lịch sử một bên. Có tính khoa học bên kia. Ở giữa là Đảng chuyên chính của những người Vô Sản, không thể sai lầm, vô cùng quyền lực, chẳng khác gì Thượng Đế. Muốn linh thiêng phải có uy vũ, và thế là người ta đề ra đấu tranh giai cấp. Không tạo được mưa, được nắng, chú tôi bảo, thôi thì người trần mắt thịt tạo ra oan khổ vậy.

*

Sổ tay:

Thú thật, ra đến bệnh viện tâm thần Qui Nhơn, tôi có cảm tưởng như bị đi đầy. Nằm chơ vơ ở khúc rẽ sang cầu Sông Ngang, bệnh viện có khoảng gần một trăm bệnh nhân, một bác sĩ’‘chế độ cũ’’ đã luống tuổi, mười hai nhân viên gồm y tá, y công và năm cái chuồng nhốt đâu độ mấy chục con chim. Bệnh nhân thường không thân thích, bị những cú sốc cực kỳ bạo liệt trong chiến tranh, mất cha mẹ, vợ con… trong những hoàn cảnh trớ trêu bi đát. Điên để quên hết nên gợi trí nhớ cho họ là phương thức điều trị nghịch lý và vô vọng. Chỉ có một ít thuốc an thần, bất khả kháng tôi mới dùng đến. Thiếu mọi phương tiện, tôi gần như bị bó tay. Một trăm người điên, tức một trăm thế giới cá biệt. Mỗi ngày tôi đặt chân vào mười cho đến mười lăm thế giới, nửa tiếng sau lại bước ra, xoay tua quá một tuần thì hết số bệnh nhân. Tôi bất lực, cuối cùng vì bất lực nên kiệt lực. Ông bác sĩ ‘‘chế độ cũ’’ lo, bảo ‘‘ bác sĩ không thể tiếp tục như thế, sẽ phát điên lên đấy!’’.

Nhưng trong một tập thể những người ai cũng điên những nỗi điên riêng, không có cái điên-tập thể kiểu Elhanan đề cập. Ông ta bảo, điên-tập thể đến từ sự ám thị của lịch sử. Người Đức bị cộng đồng Âu Châu o ép đè nén, khiến cái Tôi-thăng hoa lý tưởng bị cái Tôi-tục lụy trần trụi của mỗi cá nhân kéo xuống xé rách thành hai mảnh, một bên là bản năng, bên kia là trí huệ. Chỉ bật một que diêm kiểu dòng giống arien là dòng đặc tuyển của đấng Tối Cao, tức thì ngọn lửa tiền sử của bản năng bùng cháy trong những lò thiêu ở Auschwitz, thiêu sống hàng triệu người Do Thái. Oái oăm thay, tôn giáo của những nạn nhân người Do Thái này cũng cho rằng xưa nay họ vốn được Thượng Đế chọn lựa. Và thật kinh hoàng khi chỉ một thoắt, những kẻ văn minh được nuôi dưỡng trong Chân-Thiện-Mỹ của thế kỷ Ánh Sáng bỗng trở thành loài thú man rợ nhất từ khi có trái đất này!

Tôi nói với Elhanan, hiện tượng vừa nói trên khá gần với chuyện lên đồng ở xứ sở tôi. Elhanan căn vặn, thế nào là lên đồng? Tôi kể có những người từ thưở thiếu thời ‘‘đội bát hương’’ xin được các ông Hoàng bà Chúa linh thiêng thu nhận, người thì ‘‘cốt’’ ông Hoàng Mười, kẻ ‘‘cốt’’ bà Chúa Thượng Ngàn…Lên đồng là nhập ‘‘cốt’’, thường được một đồng-cô dẫn giắt qua những ‘‘giá đồng’’, mỗi giá tương ứng với một ‘‘cốt’’. Người lên đồng đầu phủ khăn, lắc lư theo tiếng hát của cung văn, tiếng nhạc bát âm đủ kèn, nhị, chiêng, trống… cho đến khi nhập đồng là hoàn toàn mất ý thức về cái Tôi, trở thành cái Tôi-thăng hoa, hành xử như những ông Hoàng bà Chúa ở ngoài mọi thực tại. Elhanan hỏi, những người lên đồng thường là những ai? Họ hình như đều có một đặc điểm là họ không tương hợp hoàn toàn với giới tính của họ, ít là về mặt tâm lý.

Elhanan ngẫm nghĩ, mấy ngày sau gặp lại, nói tôi nên đào sâu hiện tượng lên đồng-tập thể. Ông nhấn mạnh, tập thể đó có tổ chức, nghĩa là một tập thể có chủ tể và một thứ ‘‘vật linh’’ mang khả năng tập hợp mọi cá thể và điều khiển hành động tập thể ngoài nguyên tắc hiện thực. Tập hợp trong trường hợp này có tính loại trừ và triệt tiêu ý thức cá nhân khi ‘‘vật linh’’ xúc tác lên tiềm thức tập thể, thậm chí khơi dậy bản năng nguyên thủy trong vô thức, đưa mọi người vào trạng thái nhập ‘‘cốt’’. Thời xa xưa, ‘‘vật linh’’ có thể là một tiếng phèng, một câu chú, một buổi tế vật cho thần linh. Sau này, ‘‘vật linh’’ là bất cứ gì gây ra một phản ứng tự động của tập thể, và thường nó được cấu thành từ lịch sử, văn hóa của một xã hội. Người chủ tể, như thời con người tổ chức bộ lạc, là kẻ được đồng loại tin đã sở hữu được ‘‘vật linh’’ và có quyền năng phân phát nó đến mọi thành viên trong bộ lạc. Ngày nay, người chủ tể đó là những nhà chính trị.

*

Thấm thoát hơn ba năm chúng tôi ở Qui Nhơn. Thời gian sau này, anh ta thôi không gọi tôi là Chính ủy, nhưng lẩn thẩn hỏi:

– Điên có phải là bệnh không, bác sĩ?

Tôi nhìn xuống cánh đồng vừa gặt phía dưới khu vườn của nhà thương. Ngẫm nghĩ, tôi tránh trả lời thẳng, thành thật:

– Trong ban quản trị ở Sài Đồng, có vài vị bác sĩ bảo tôi điên. Tôi ‘’lây’’ bệnh anh. Họ đã làm báo cáo, cho rằng hành vi tôi khiến bệnh nhân trong viện mất lòng tin, nghi ngại, và vì thế họ thuyên chuyển tôi về Qui Nhơn đây!

– Hành vi nào?

– Thì tôi cũng đi bắt châu chấu ma. Anh có nghĩ rằng tôi điên không?

– Có lẽ cũng đôi chút. Điên ở cái nghĩa đồng loại không hiểu. Còn tôi, tôi biết bác sĩ không điên. Bác sĩ có gì cứ nói thật với tôi. Như tôi, nói được với bác sĩ, hình như tôi đỡ hẳn. Nay chỉ thỉnh thoảng tôi mới lại nhức đầu, rồi hoảng hốt, chẳng duyên cớ gì…

– Trong những giấc mơ, anh vẫn gọi Thắm, gọi mẹ! Anh nói về mẹ anh cho tôi nghe đi…

– Bác sĩ biết, mẹ tôi đi Nam năm tôi mới lên sáu! Tôi chỉ có một bức ảnh mẹ tôi khi mẹ còn là con gái. Bà tôi còn giữ, nước ảnh đã ố vàng, bà cho lại tôi cái nhẫn hứa hôn của cha, cùng bốn năm tờ bưu thiếp mẹ tôi gửi từ Sài Gòn vào năm 55… Bà tôi kể, cha tôi đi kháng chiến biền biệt, mẹ về vùng tề với bà bảy năm, chỉ bí mật gặp cha đúng được ba lần. Cuối năm 54, Nhân ốm. Ở nhà quê bấy giờ chẳng có thuốc men gì. Mẹ ẵm Nhân lên Hải Phòng chữa bệnh, kẹt không về được, rồi không hiểu thế nào lọt xuống tàu há mồm xuôi Nam. Đấy, chuyện mẹ tôi chỉ có vậy!

Nhìn khuôn mặt anh ta dúm dó, mép giật lên như sắp vào một cơn động kinh, tôi im lặng, giả tảng nhìn ra xa. Anh lại ôm hộp các-tông lên vuốt ve. Lát sau, anh lẩm bẩm lập lại như nói với chính mình, chuyện mẹ tôi chỉ có vậy! Tôi đánh bạo, thốt:

– Chắc là anh có đôi chút giận hờn mẹ?

– Tôi không chọn làm đứa trẻ mồ côi mẹ! Ân oán từ kiếp nào đấy, tôi không biết!

Nhìn vào mắt anh ta, tôi nhỏ nhẹ:

– Mẹ anh cũng đâu chọn vứt đứa con trai ở lại. Những sự ngẫu nhiên trong bàn cờ đời khiến có những con chốt sang sông thí mạng do định mệnh.

*

Gần như bực bội, Dân ngắt lời tôi:

– Oan khổ dễ tạo ra hơn hạnh phúc. Bác sĩ cứ hỏi về cha tôi, tôi chẳng biết nói gì. Thôi, bác sĩ đọc bức thư cha tôi gửi cho tôi, may ra bác sĩ hiểu phần nào.

Đưa vào tay tôi một phong thư khá dày, Dân quay ngoắt người, chống nạng bỏ đi. Bức thư dài, kể chuyện từ khi Nguyễn Trưòng Võ thành Phan Thượng Chính, gia nhập Đông Dương Cộng Sản Đảng sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, cướp chính quyền vào thời điểm Nhật hàng Đồng Minh cho đến cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến. Bức thư hé một chút chi tiết về cuộc tình giữa cha và mẹ Dân. Nhưng sự bí mật về người cha đi không về mới là yếu tố giúp tôi tìm ra phương pháp trị liệu cho con bệnh. Tôi xin trích bức thư:

Ngày… tháng…

Con thân yêu,

…Chiến tranh tiếp tục… Kết cục là chiến thắng Điện Biên. Và sau đến hiệp định Genève. Năm 55, cha về Kiến Thụy thì bà ngoại cho biết mẹ bế Nhân lên Hải Phòng chữa bệnh. Chỉ kịp ôm con ngủ một đêm, sáng hôm sau cha tức tốc đi tìm mẹ con. Không tìm được, cha lại về Kiến Thụy. Vẫn biệt vô âm tín. Đến đầu năm 56, bà ngoại cho cha xem bức bưu thiếp đầu tiên mẹ gửi từ Sài Gòn về. Thời gian đó, chuyện gia đình đã chia ly, còn chuyện đất nước, lại là những day dứt khủng hoảng. Cha nói với bác Vũ Đình Huỳnh, người gần gũi ông Hồ, Đảng ta đang thanh lọc nội bộ đồng thời phá nát cơ sở gia đình, làng xã bằng cách vu oan giáo họa, lấy quyền lợi nhử người này để giết người kia. Thế thì còn cái gì gọi là xã hội? Bác Huỳnh chua chát, ‘‘duy vật dở chứng, chẳng biện bác gì cả. Không còn xã hội cũ, thì xây dựng xã hội mới!’’. Cha kêu, Đảng bị sói mòn, vỡ thành mảng. Đồng chí chúng ta bị đánh, bị bức tử! Bác Huỳnh lại cười nhạt, ‘‘ Thì đồng chí này đánh đồng chí kia, chứ còn ai vào đấy! Chỉnh Đốn Tổ Chức mà!’’. Cha nài nỉ, anh phải nói thẳng với ông Hồ. Bác nhún vai, buông thõng, nói rồi! Nhìn cha buồn bã, bác tiếp, còn cậu nữa, cậu cũng phải cẩn thận. Bác Huỳnh dặn, ‘‘ Cậu cứ bám lấy thành thị. Ai bắt đi công tác về quê thì cáo ốm. Nhớ đấy! Và thu mình lại…’’.

Hòa bình mới chập chững, quyền lực ngoài miệng nhận sai trong Cải Cách Ruộng Đất và Chỉnh Đốn Tổ Chức nhưng vẫn tiến hành Cải Tạo Công-Thương nghiệp, thủ tiêu mầm mống một xã hội dân sự pháp trị qua vụ đàn áp Nhân Văn-Giai Phẩm, tước đoạt quyền ngôn luận, thu tất cả về một mối là Đảng lãnh đạo mọi mặt. Đầu những năm 60, những người nắm quyền lực muốn thống trị toàn bộ xã hội, tiêu diệt mọi mầm mống dao động đối kháng trên miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa đầy sáu tuổi. Cách tốt nhất là dọa giặc ngoài. Có giặc ngoài, ắt diệt thù trong thành lẽ tất nhiên. Giặc ngoài là giặc Mỹ, cấu kết với Diệm, kẻ phá Hiệp Thương và Tổng Tuyển Cử. Nghị Quyết 15 cho phép tổ chức đấu tranh võ trang trong miền Nam là một sai lầm khủng khiếp. Sau đó ít lâu, thời gian Đảng họp hành sửa soạn Nghị Quyết 9 rất căng. Con đường chung sống hòa bình không thông, chủ nghĩa giáo điều Mao-ít áp đảo. Và như thế, những người chủ trương Chiến Tranh Giải Phóng ở miền Nam hoàn toàn thắng thế. Một cuộc thanh trừng nội bộ được sửa soạn. Cha sẵn bất mãn, nay người ta biết là mẹ đang ở miền Nam, hẳn cha trở thành đối tượng đáng ngại. Cục Bảo Vệ thuộc bộ Công An yêu cầu cha tiếp tay với họ kết tội một vài đồng chí của cha thời Quốc Dân Đảng. Cha không làm, viết thư cho ông Hồ và ông Giáp rồi treo cổ định chết, nhưng cha chết hụt, công an rình sẵn xông vào chứ không để cho chết. Bức thư lại là cái cáo giác quan điểm của cha về vấn đề Giải Phóng miền Nam!

…Cha đi học tập cải tạo. Một, rồi hai, ba lệnh kéo đến đâu 10 năm. Gặp Phùng Cung, anh em chuyện trò hỏi nhau, nếu phải làm lại từ đầu thì sẽ làm gì? Khi đó cha chỉ biết cha sẽ chống Giải Phóng miền Nam bằng võ trang, chống Cải Cách Ruộng Đất, chống Cải tạo Công-Thương nghiệp…Còn xây dựng một quốc gia với những tiêu chí như Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc thì cha vẫn cứ tâm nguyện như từ thời dấn thân đi làm Cách Mạng. Một năm tù ở Cổng Trời, cha nghĩ lại và biết mình như thế vẫn cứ còn lầm lẫn. Cho đến nay, cuộc chiến giành Độc Lập chỉ vẫn đơn thuần là giành quyền lực từ ngoại bang về tay Đảng. Sau đó, Đảng làm gì để Giải Phóng Dân Tộc thì còn là một bước.

Dân Tộc nào cũng tập hợp những con người. Cha tự hỏi, có thể nào giải phóng dân tộc mà không giải phóng con người? Ở đây, con người cá nhân là cứu cánh, chứ không phải con người tồn tại qua phận vụ trong vận hành xã hội. Con người – phận vụ, thành tố trong gia đình, làng xã, quốc gia… có thể trải qua những giai đoạn phải giữ vai trò những con vít, cái đinh trong một guồng máy để giữ cho tập thể tồn tại trước những nguy cơ hủy hoại đến từ bên ngoài. Trong những giai đoạn đó, con người phải thỏa hiệp và tương nhượng với tập thể, phủ nhận cá nhân mình như cứu cánh. Nhưng đã gọi là giai đoạn, sự phủ nhận kia không mang thuộc tính tất yếu. Và giải phóng chính là tiêu hủy những giai đoạn nói trên để mang con người – phận vụ quay về con người – cứu cánh. Trong chiến tranh, con người – phận vụ với chức năng chiến sĩ có thể chết phanh xác. Nhưng trong thời bình, một thời dĩ nhiên lâu dài hơn, con người – cứu cánh có thể nào sống không hồn không vía giữa đồng loại, múa may rập theo chức năng của những con rối để mặc cho quyền lực điều hành xã hội giật dây?

Giải phóng con người là gì? Cha thiết nghĩ, tạo điều kiện cho mỗi con người phát huy được cá thể của mình trong niềm tương ái và sự đồng thuận về những giá trị tạo nên chất keo gắn bó những cá nhân cấu thành xã hội, là giải phóng. Đó chính là Giải Phóng Văn Hóa, cái nền tảng cho Giải Phóng và Độc Lập Dân Tộc, một công cuộc thường trực, không quyền lực nào có thể tự nhận là mình đã hoàn tất. Cơ sở của Giải Phóng Dân Tộc là giải phóng cho mỗi con người, con người – cứu cánh, và những con người này chỉ có thể là những con người tự do trong một xã hội tập hợp trên sự đồng thuận.

Không, chết phanh xác chứ không thể sống phanh hồn! Vì vậy, cha nghĩ lại, thì ra cha tưởng đi giải phóng dân tộc mà hóa thành kẻ xây nhà tù để tước đoạt tự do của chính mình. Thì ra cha bị ngôn từ đánh bùa, hai chữ Độc Lập không đồng nghĩa với Giải Phóng Dân Tộc, và chẳng thể nào có giải phóng dân tộc mà lại không giải phóng con người. Cho nên cha mất Tự Do và hiểu, nếu mai này thế hệ các con chinh phục được quyền con người – cứu cánh, Tự Do là tất yếu. Và không Tự Do, thì đừng nói gì đến Hạnh Phúc…

*

Mấy hôm sau, Phan Thượng Dân đòi lại bức thư. Anh ta nhìn xuống đất, vẻ băn khoăn, xoắn tay bóp lấy nhau. Tôi biết anh chờ đợi gì. Rủ anh ra vườn, chúng tôi thủng thỉnh người trước kẻ sau. Gió Lào thỉnh thoảng thổi về, nóng rát mặt. Ngồi trên chiếc ghế đá quay mặt về phía biển, tôi khẽ khàng:

– Tôi chỉ mong có được một người cha như cha anh.

Dân tròn mắt nhìn tôi. Lát sau, anh ngả người tựa vào thành chiếc ghế gỗ dưới lùm cây, tay đưa lên trán che nắng.

– Bác sĩ ạ! Đêm qua tôi nằm mơ. Một giấc mơ khủng khiếp. Trong giấc mơ, tôi không tật nguyền, đứng giữa sân cổ thành Quảng Trị nguyên vẹn chứ không phải chỉ là gạch đá bây giờ, mắt cứ ngong ngóng trông về phương Bắc. Thình lình, một đám người ở đâu xông ra. Họ mặc áo chẽn màu trắng, quần thùng, đầu quấn khăn đỏ, tay kiếm tay dao. Vây quanh, họ la thét, gầm gừ: hai châu Ô Lý của chúng tao. Bay ở Quảng Trị chết, chết hết, là để trả cái oán xưa. Nói đến đấy, họ biến mất, nhưng sau đấy lại toàn là lính hiện ra. Bộ đội ta, có Thao, có Phi, có đám lính ‘’tơ’’ bổ xung sư 325. Lính miền Nam, có lính Dù mũ đỏ, Thủy Quân Lục Chiến mũ xanh, Biệt Động Quân mũ nâu. Họ chen vai thích cánh, lởn vởn, da trắng xanh, mắt nhìn buồn bã. Nhưng không có tiếng xe tăng, máy bay. Không có tiếng bom, tiếng đại pháo, tiếng AK, tiếng M-16. Tất cả là một sự im lặng chết chóc. Tôi kêu, Tạ đâu, tao ở đây! Thằng Phi, thằng Thao… súng chúng mày đâu, sao không quàng lên vai? Tất cả vẫn im lặng. Vòng trong, vòng ngoài, lính lẳng lặng xiết dần vào. Trên không, bỗng có tiếng ầm ì. Chắc lại Con Ma. Chắc lại Thần Sấm. Tiếng ầm ì mỗi lúc mỗi gần, rồi nổ tung, choáng óc, ù tai. Lính cả hai bên Nam – Bắc bỗng biến sạch, chỉ còn một đàn bướm nhởn nhơ trong máu, lửa bùng lên khắp ngả. Đâu đó, có tiếng Thắm thét ‘‘Trời ơi, sao trời làm khổ chúng tôi thế này!’’. Nhìn quanh nhưng Thắm đã biến đâu mất, tôi gào ‘‘Thắm ơi, vào hầm trú, nó đánh bom!’’.

Hổn hển, Dân đưa tay lên quẹt nước mắt trên má trên môi. Anh ta hít hà, vai cứ bần bật run lên, nghẹn ngào:

– Thế có phải là cả Thắm, cả Tạ cũng như thằng Phi, thằng Thao đều chết hết rồi sao? Hả, bác sĩ?

Tôi biết trả lời thế nào đây? Và không thể kìm mình, tôi mặc cho nước mắt tôi đổ ra. Tôi cũng khóc, khóc cho hả. Dân ôm lấy vai tôi nức nở. Đám bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong nhà thương ùa ra xem. Ai đời, anh bác sĩ trẻ ôm con bệnh của mình cùng khóc. Tôi cố nén:

– Anh Dân ơi! Bây giờ ai cũng bảo là chúng mình cùng điên…

Nhìn tôi, Dân đưa tay quệt mắt. Tôi nghẹn giọng:

– Thế giới này điên, điên… Điên đến độ kẻ tưởng mình không điên chính là người điên nhất!

Dân mỉm cười. Một lúc sau, Dân nói, giọng độ lượng:

– Mặc, ai nói gì mặc ai! Vô tư đi thôi!

Ngẫm nghĩ, Dân chậm rãi hỏi:

– Nhưng cái gì cứu được chúng ta bây giờ, bác sĩ?

– Cái Đẹp! Tôi quả quyết.

– Có phải bác sĩ bảo là một trong ba cái Chân-Thiện-Mỹ?

– Không, tôi đáp, ba cái đó là một. Cái gì đúng, cái gì tốt, thì tự thân đều đẹp cả. Cái đẹp của Tâm Hồn…Một cái Đẹp toàn diện là thế! Thế giới chỉ có thể thay đổi bằng cái Đẹp ấy. Và chỉ cái Đẹp mới giữ được trí nhớ!

– Không, giữ trí nhớ là những trang sử, ai cũng nói vậy!

Tôi lắc đầu, ngậm ngùi:

– Sử do người chiến thắng viết, và họ chỉ nói già ra là một nửa sự thật. Còn nửa kia, điều liên quan đến những người chiến bại, đều dối trá cả, chẳng đáng để tin. Bây giờ làm gì có người yêu sự thật lịch sử đến độ bị thiến như ông Tư Mã Thiên đâu!

Dân ngẫm nghĩ, rồi khẩn khoản:

– Tôi phải làm gì?

Tôi buột miệng:

– Làm thơ…

Dân bật cười:

– Người điên làm thơ?

Tôi nói, giọng chắc như đóng đinh:

– Chứ sao! Điên làm thơ, thơ mới hay. Còn tỉnh, người ta làm tiền bằng đủ cách, cách hiển nhiên là chiếm chức trọng quyền cao. Bây giờ họ thế cả!

Bóp trán, Dân ngẫm nghĩ một lát rồi nói, giọng tiếc nuối:

– Tôi có học văn ít năm, luận văn tốt nghiệp định viết về Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân…Làm sao ở đây có sách để đọc nhỉ? Vùng này lại là quê hương của Bích Khê, của Hàn Mạc Tử. Bác sĩ có đọc họ chưa?

– Chưa! Miền Bắc chúng mình coi loại văn chương không hiện thực xã hội chủ nghĩa là phản cách mạng cho nên tôi cũng mù tịt. Nhưng để tôi hỏi xem. Có lẽ ông bác sĩ ‘‘chế độ cũ’’ biết chỗ tìm sách đấy!

*

Ông bác sĩ già ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhẩn nha:

– Cách nhà thương chừng sáu bảy cây số, dòng nữ tu đó ở trong một dãy nhà dân địa phương gọi là cu-văng Francesco. Các bà nữ tu đều đã có tuổi, nhưng xưa vẫn cử người đến giúp đỡ nhà thương những công việc như giặt rũ, khâu vá và bếp nước. Ông Giám Đốc nhà thương ngày trước lên thị xã báo cáo với ông Trưởng phòng Y Tế, Đảng ủy của nhà thương. Ông Trưởng Phòng mắng mỏ thế là mất lập trường, tôn giáo cũng như thuốc phiện, hút vào thì còn đâu là xã hội chủ nghĩa.

Tôi nghe, bật cười. Đợi ngày nghỉ, tôi rủ ông đến thăm các dì trong nhà tu, nhân tiện hỏi thăm xem có cách nào tìm được thơ Hàn Mạc Tử và Bích Khê. Các dì, gọi là ma-sơ, vui vẻ tiếp chúng tôi và đưa vào chào Mẹ bề trên. Bà năm nay chắc ngoại thất tuần, lưng gù, nhưng cặp mắt vẫn tinh anh. Bà dịu dàng:

– Từ ba năm nay, chúng tôi không còn được làm gì phục vụ nhà thương. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng sẵn lòng. Thơ thì tôi sẽ bảo tìm cho các ông, dân ở đây chắc thế nào cũng có người còn giữ được. Gớm, sao cán bộ trên thị xã ngặt nghèo đến độ đuổi không cho chúng tôi giặt rũ, nấu ăn cho những người bệnh. Các ông ấy sợ chúng tôi tuyên truyền tôn giáo, nhưng quên bệnh nhân là những kẻ không bình thường, điên thì tuyên truyền để làm gì! Người tu hành chúng tôi chỉ muốn làm cái phần vụ của mình để góp phần xoa dịu những bất hạnh, thế thôi!

– Dà, dà… Ông bác sĩ ‘‘chế độ cũ’’ bắt lời. Tụi tui nhiều cái hổng hiểu nổi. Thôi thì trên biểu, dưới nghe cho rồi!

Tôi xấu hổ, đỏ mặt. Lát sau, tôi quả quyết:

– Thưa Mẹ, một số người phục vụ bệnh viện vừa xin nghỉ. Nhà thương có nhu cầu, nhân tiện đến xin Mẹ giúp như ngày xưa.

Mẹ bề trên ngạc nhiên nhưng cười:

– Các sơ đến giúp thì Chúa Nhựt, ngày của Chúa, là ngày nghỉ phải về nhà tu, bác sĩ Giám Đốc có ưng không?

Tôi mau mắn gật. Khi đi về, ông đồng nghiệp ‘‘chế độ cũ’’ kêu, thế nào cũng sẽ lại có vấn đề với ‘‘trên’’.

Độ một tuần sau, Mẹ bề trên phái một bà sơ mang đến cho nhà thương hai tập thơ. Sơ người thanh mảnh, tóc bạc trắng, ăn nói mềm mỏng, và nói giọng Bắc chứ không là giọng địa phương. Sơ bảo Mẹ bề trên phái đến để giúp việc. Tôi hỏi:

– Sơ làm được việc gì?

– Việc gì tôi cũng làm được! Sơ nhếch miệng cười dịu dàng.

Từ đó, sơ giặt rũ khâu vá cho bệnh nhân, buổi trưa giúp một số người ăn uống, sau thì ra vườn ngồi cạnh những chiếc lồng chim, che mắt nhìn về phía biển cuối tầm mắt. Đó cũng là nơi Dân thường ra, tay vẫn lăm lăm hộp cạc-tông đựng châu chấu như một đúa trẻ ôm đồ chơi như một vật tùy thân. Lạ là mỗi khi gặp sơ, Dân nói nho nhỏ:

– Không, không phải đâu. Mẹ tôi ở trên trời cơ mà!

Sơ chỉ cười dịu dàng, lẳng lặng ngồi xa ra, và lại nhìn về nơi biển nhòa vào chân trời.

Phần Dân, tôi biết bệnh tình anh khá hơn trước nhiều, nghĩ đến lúc nào Dân bỏ được cái hộp châu chấu thì chắc Dân có cơ bình phục.

*

Sổ tay:

Nhưng dẫu gì thì Dân cũng đã từng nhập đồng trong chiến tranh và khi đồng thăng, anh ta đã phản ứng thật bất thường để rơi vào tình trạng thương bệnh. Phản ứng đó, vô tình hay cố ý? Phải chăng đó là cách thanh tẩy để tìm lại cội nguồn của bản thể?

… Tôi loay hoay mở ra đọc lại luận án tôi viết về hiện tượng lên đồng tập thể do Elhanan làm giáo sư hướng dẫn. Ông gợi ý, Hitler từng là chủ tể Nazi. Và Stalin, chủ tể thời Liên Xô hy sinh gần hai mươi triệu người để xây dựng xã hội chủ nghĩa Stalinít. Năm sau, tôi trình bầy trong luận án rằng ‘‘ vật linh’’ của người Việt Nam là đất-nước trong truyền thống yêu nước để chống nạn ngoại xâm từ phương Bắc hàng ngàn năm nay. Và chủ tể, cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Elhanan đọc và bảo hết tệ sùng bái cá nhân thì chủ tể là Đảng Cộng Sản. Và ông hóm hỉnh tiếp, đất-nước như ‘‘vật linh’’ thì hầu như đó là chuyện tự nhiên cho mọi cư dân vùng sản xuất lúa-nước từ thuở chưa có công nghiệp và giai cấp tư bản. Nhưng không hiểu làm sao mà ông thở dài, vẻ mặt băn khoăn, gỡ kính ra lau. Tôi hỏi. Ông đáp bằng một câu hỏi lại, giọng buồn bã, ‘‘Hết ngoại xâm rồi thì các anh làm gì?’’. Tôi không ý thức hết được tầm câu Elhanan nói. Ông trầm ngâm, ‘‘ Tập thể các anh xác định mình bằng cách chống lại những cái khác-mình. Nhưng khi những cái khác-mình không còn hiện hữu như đối tượng để chống thì có hai nguy cơ. Thứ nhất, các anh chống lẫn nhau. Thứ nhì, các anh tìm cách thành nạn nhân cho một cái thế lực ngoại lai nào đó đè nén để chống lại. Trong cả hai trường hợp, tôi đều buồn. Không một dân tộc nào lại có thể khẳng định mình bằng toàn những phủ định, kể cả sự phủ định của những cái khác mình. Người Việt Nam các anh đã giang tay đóng đinh chịu tội cho cả nhân loại. Lẽ ra, các anh có thể xuống thập tự giá để phục sinh, sống bình thường, và chết hạnh phúc. Để được thế, các anh phải biết mình là ai và muốn trở thành gì!’’.

Comments are closed.