Văn Hải ngoại (kỳ 90): Cao Bình Minh – Trên một khoảng đường

Trên một khoảng đường

Buổi đầu, với cặp kính trắng hơi dày chàng đã gây cho tôi sự chú ý. Hôm đó chàng tới xin việc và đang ngồi chờ được test. Cặp kính ngó nhiều độ khiến tôi thấy nghi ngờ khả năng tinh nhạy của hai mắt chàng – cái khả năng cần thiết phải có để có thể đọc được trong một phút khoảng ba mươi con số zip code khác nhau trên những bìa thơ mà chọn bỏ đúng vào cái hộc – lại trúng vào ngày coi test của Mariana, con nhỏ Mễ có tiếng là gắt gao khó chịu, nên tôi chắc chắn chàng không thể nào qua nổi.

Vậy mà chàng đã pass được với con số 32 lá trong một phút và được nhận. Bây giờ đến lượt tôi phải hướng dẫn chàng cặn kẽ hơn trong cách thức làm việc. Tôi phát lúng túng một cách vô duyên, nói năng chỉ dẫn có phần lộn xộn báo hại chàng làm lộn xộn theo. Thành thử nguyên những tuần lễ đầu tôi cứ phải (?) quanh quẩn gần chàng để điều chỉnh mọi thứ lại cho đúng. Sau này khi đã thân thiết chàng mới tiết lộ là những ngày đó chàng vừa thấy bực mình vừa tội nghiệp cho tôi hết sức. Chàng nghĩ tôi đã quá sốt sắng với nhiệm vụ đến nỗi phải rình rập chàng giống như một mật thám.

Nhưng cũng nhờ quanh quẩn bên chàng tôi mới có cơ hội quan sát kỹ lưỡng. Mới thấy chàng có thân hình rất “thể thao” đặc biệt ở đôi vai rộng – giàu tưởng tượng một chút sẽ thấy giống như vai mấy ông chơi banh bầu dục trên tivi – Cách ăn mặc của chàng ngó giản dị, lúc nào cũng quần Jean và áo thun ngắn tay, có cổ. Tôi nghĩ có thể đang ở vào mùa hè hoặc có thể chàng muốn ngầm khoe nét khỏe mạnh ở tay và ngực. Tóc chàng cắt chải gọn gàng, hơi thưa. Về sau tôi hay đem sự thưa tóc của chàng ra chọc ghẹo. Tôi gọi chàng là Đại nguyên… sói. Tôi nói khoảng năm hay mười năm nữa nếu ông bỗng thấy chán đời muốn lên sống trên chùa chắc không phải xuống tóc. Chàng bị quê nhưng còn cố vớt vát – Càng khỏe, khỏi phải mất hàng giờ trong mục chải gỡ, uốn ép sấy nhuộm gội… giặt ủi… Tôi biết chàng muốn ám chỉ mái tóc rậm rì uốn thành nhiều lọn của mình nên cười – Bộ ông chẳng mất công hay sao… mỗi khi muốn rửa mặt phải đội nón để phân biệt ranh giới nếu không sẽ thành ra… gội đầu. Chàng nín thinh. Về nhà nghĩ lại tôi giật mình thấy mình đã quá trớn.

Cuối tuần đó chàng bận việc gì không tới chơi như thói quen, tôi đâm run cho rằng chàng giận muốn đoạn tuyệt luôn – dù sao cũng chính tôi hay gây ra chuyện – nên vội vuốt giận chàng bằng một món quà nhỏ: một chai dầu dưỡng tóc. Chàng nhận món quà nhưng hỏi có phải tánh em lúc nào cũng thích chơi chua thiên hạ hết phải không? Tôi phải thề sống thề chết rằng món quà hoàn toàn là do thiện ý.

Trở lại thời gian đầu, quan sát chàng trong giờ làm việc chưa chán, tôi lại theo dõi chàng trong mười phút nghỉ. Lúc nào chàng cũng đứng một mình – gần mấy chiếc xe để xếp các thùng thơ lên – với điếu thuốc và ly cà phê nhỏ – mua ở xe bán thức ăn – trên tay. Ngó chàng coi thật lạc lõng, thật buồn giữa những người làm chung đang cười nói ồn ào. Tôi thắc mắc rồi tự mình tưởng tượng ra đủ thứ nguyên nhân để giải thích tại sao chàng lại có vẻ cô đơn tách biệt như vậy. Chắc chàng đang thương nhớ gia đình – cha mẹ anh chị em chú bác cô dì… còn kẹt lại bên nhà… Hay là chàng đang… thương vợ nhớ con còn bên đó cũng có thể. Hoặc chàng đang bị cắn rứt vì nghĩ tới bạn bè chiến hữu đang bị đày đọa trong ngục tù. Biết đâu chàng chẳng là một quân nhân. Hay là ngay tại đây chàng đang gặp khó khăn trong đời sống, vợ yếu con đau… Và cũng có thể chàng đang bị – tôi mong sao điều này đúng nhất – tình phụ cũng nên…

Nhưng cho dù với bất cứ nguyên nhân nào cũng làm tôi thấy xúc động thấy thương cảm hết sức nên cứ muốn làm quen thân để gần gủi chia xẻ và giúp đỡ (?) chàng.

Gần hết mùa hè – thời gian hơi dài – tôi mới có dịp quen nhiều hơn với chàng. Cũng nhờ vào mấy trận bão đã kéo mưa liên miên về thành phố và một lần nhờ chiếc xe của tôi dở chứng hư. Những trận mưa liên miên khiến trong giờ nghỉ không ai có thể ra sân được – chàng cũng vậy – mà phải tụ tập lố nhố ở hàng hiên, nơi tôi đã đứng từ bao lâu nay để kín đáo quan sát và thắc mắc về chàng từng ngày. Tình cờ – hay cố ý – mà chàng lại đứng gần bên tôi và lại gợi chuyện trước. Khi đó – biết chàng đang đứng cạnh – tôi làm bộ như đang ngắm mưa, ngó chăm chăm mấy chiếc xe nơi parking đang ướt dầm ướt dề. Chàng mở đầu bằng cái chép miệng và nói mưa nhiều quá… Tôi hơi giật mình không chắc chàng nói với tôi hay với ai khác nhưng cũng dạ và lập lại câu của chàng mưa nhiều quá. Chàng tiếp tục – Cô..à… cô Linh đi làm bằng …? Chắc chắn là chàng nói với tôi rồi. Tôi chỉ cho chàng thấy chiếc xe màu sữa của mình. Chàng nói chứ gặp thời tiết này mà đi chuyển bằng bus thì rất cực…

Mấy ngày mưa kế đó – trong giờ nghỉ – chàng cũng đứng cạnh tôi và bây giờ thì gợi chuyện hỏi thăm về vấn đề lương bổng, về những quyền lợi được hưởng trong hãng – làm như lúc mới tới xin việc, ông Clayton chẳng hề nói chi cho chàng biết – Dù vậy tôi cũng trả lời một cách sốt sắng, cặn kẽ từng điều một. Chàng nói Phụng Linh – hết kèm theo chữ cô – thật là thành thạo… Tôi không biết đó là lời khen thật tình hay chàng muốn chọc mình nhưng trong bụng vẫn thấy vui vẻ bồi hồi.

Câu chuyện giữa hai bên cứ lòng vòng trong thời tiết nắng mưa, trong công việc làm chứ chàng chưa hỏi về cá nhân tôi – dĩ nhiên – tôi cũng không đủ bạo để hỏi về chàng – về cái thắc mắc tại sao chàng có vẻ buồn buồn cứ hay đứng một mình – Cho tới một hôm, trời cũng mưa mờ mưa mịt từ sáng sớm. Chiếc xe bỗng nổi cơn không chịu nổ máy mà thằng em lại đi học mất nên tôi phải đi làm bằng xe bus. Trạm xe chót cách hãng tôi hai block đường và tôi đang co ro đội mưa đi, trong bụng nguyền rủa chẳng ngớt chiếc xe lên cơn không chịu lựa dùm ngày, thì chàng trờ tới. Chàng nhận kèn cho tôi chú ý rồi hạ kiếng xe chồm ra mời tôi lên. Hoàn cảnh này tôi không còn làm bộ từ chối cho đúng phép được, chui vô xe liền. Thật cảm động, chàng ân cần đưa hộp Kleenex cho tôi lau khô tóc tai mặt mày và hỏi tại sao tôi phải đi bộ. Đang ấm ức nên tôi đem trút cạn… than phiền chiếc xe, than phiền thời tiết và than phiền luôn hãng bus không chịu đặt thêm trạm để tôi phải đội mưa băng qua tới hai block đường… Chàng mỉm cười. Khổ thật. Nhưng chương trình dự báo thời tiết loan báo mưa sẽ còn kéo dài tới nửa đêm, vậy nếu Phụng Linh thấy không có gì bất tiện khi tan việc chịu khó chờ tôi sẽ đưa về dùm… Chứ buổi tối, trời lại mưa mà đứng đợi bus thì đủ thứ bất tiện. Chúa ơi! Tôi còn ráng làm bộ e ngại – để chàng nói tới hai lần – mà trong bụng mừng quýnh, không ngớt… cám ơn trận mưa kéo dài, cám ơn chiếc xe nổi chứng bất tử và cám ơn luôn cả những cái bất tiện khi phải đón xe bus.

Lúc tan việc, mưa càng nặng hột hơn nữa. Chàng nói sẽ đi đường trong vì mưa lớn quá đi freeway sẽ rất nguy hiểm. Tôi nói tên con đường, khu vực của mình ở rồi ngồi nín thinh chờ chàng gợi chuyện. Lần này chàng mới chịu hỏi đủ thứ về tôi. Chàng khen tên tôi đẹp nhưng hai chữ Phụng Linh nghe có vẻ hơi… Ba Tàu.

Chạy lòng vòng rồi cũng tới nhà. Thời gian đủ cho chàng nắm được gần hết “thân thế sự nghiệp” của tôi qua lời cung khai tận tình. Tôi mời chàng lên nhà nhưng chàng hẹn lần khác vì đã tối. Khi tôi ra khỏi xe chàng, chúc ngủ ngon. Tôi nói cám ơn và đứng tần ngần – dưới mưa – ngó theo chiếc Datsun màu vỏ trứng gà của chàng đang chớp đèn hiệu quẹo phải mà tưởng tượng chàng cũng đang ngó lại mình qua tấm kính chiếu hậu.

Cơm nước xong ngồi coi tivi chương trình Fall Guy có mấy màn phóng xe rượt bắt trên xa lộ, tôi thấy nhớ rồi bỗng nhận ra một điều freeway dẫn từ nhà tới hãng thật là dài, mỗi ngày lái xe tôi cứ muốn ngủ gục đi hoài như không muốn tới. Trái lại khoảng đường trong chàng đưa về sao mà thật ngắn, dù phải quanh co bao nhiêu là lối quẹo mặt quẹo trái, qua không biết bao nhiêu đèn đỏ đèn xanh.

Những ngày mưa gió rồi cũng hết, nhưng chàng vẫn tiếp tục đứng với tôi nơi hàng hiên – mỗi ngày vào giờ nghỉ – Câu chuyện đi xa hơn để tới những lãnh vực của đời sống, bạn bè, trường học… và nhất là những kỷ niệm của thời cũ bên quê nhà. Dù vậy chàng vẫn chưa tới nhà tôi như đã hứa mà tôi cũng không thể mở lời rủ rê – phải giữ thể diện một chút chứ – dù trong lòng rất muốn.

Tháng mười, tôi hơi ngượng khi đưa chàng cái thiệp mời sinh nhật. Chàng cầm cái thiệp mà mặt mày đỏ rần – không hiểu tại sao – nói ngại quá. Tôi tha thiết trấn an. Chỉ trong vòng thân hữu thôi… má, mấy thằng em họ và một vài đứa bạn học. Chàng vẫn nói ngại quá. Tôi dụ khị. Có chi đâu mà ngại, mấy thằng khỉ em của Phụng vui tánh lắm… còn mấy nhỏ bạn nữa, đứa nào cũng dễ thương… tới đi rồi Phụng giới thiệu cho…

Sau bữa ăn, tụi bạn lục đục kéo nhau về nhưng chàng còn ngồi lại với tôi đến gần mười một giờ rưỡi. Lúc về chàng còn hẹn tuần sau sẽ tới ở chơi lâu hơn (?) Tôi mặc thử cái áo len màu rêu non – món quà của chàng – đứng ngắm nghía hoài trước kiếng thấy thật vừa khít khao và thật ấm. Tuần sau chàng giữ lời, tới rủ tôi đi ăn sáng. Từ đó, tôi và chàng càng thân thiết hơn trong những lần chàng tới nhà ở lại ăn cơm, những lần rủ tôi đi coi phim, đi ăn, đi mua sắm. Trong những lần đi chơi này chàng cởi mở hơn nói về mình nhiều hơn. Gom góp lại mới thấy những điều ngày trước tôi đã tự tưởng tượng về chàng không hẳn hoàn toàn là … tưởng tượng. Vớt vát được vài phần là sự thật.

Quả thật cha mẹ chàng còn kẹt lại bên nhà, chàng sang đây với hai đứa em – trai và gái – chàng là một quân nhân. Tôi chọc “Giặc lái mà bị kẹt lại tới năm năm thì thật dở…” Chàng cười buồn. Những ngày đó thành phố Nha Trang thật là hỗn loạn. Gia đình chỉ có tôi là con lớn thì làm sao dứt áo di tản cho đành… Tôi muốn hỏi sao bây giờ ông lại bỏ đi nhưng thôi. Ý chừng chàng cũng đoán được nên nói tiếp. Ba năm rưỡi hơn đi tù thả về sống cũng không yên thân. Tụi địa phương cứ theo làm khó dễ trăm điều… cùng lúc hai đứa nhỏ lớn lên cần có một tương lai sáng sủa hơn nên tôi phải thay ông bà già đưa chúng đi. Đúng ra bản thân mình cũng muốn tìm một không khí mới nhẹ nhàng hơn dễ thở hơn nhưng chỉ được một phần. Phụng Linh thấy không… từng tuổi này mà phải bắt đầu làm lại mọi thứ kể cả ngôn ngữ thì thật là mệt quá sức.

Còn những điều tôi bói sai là chàng chẳng hề bận tâm lo lắng hay thương nhớ vợ con – nơi đây hoặc quê nhà – chi hết bởi vì chàng còn độc thân. Chúa ơi! Tôi phát mừng húm trong bụng khi chàng hơi đỏ mặt xác nhận đang còn là… người cô đơn. Nhưng tôi vẫn làm bộ:

– Are you single?

– Thôi mà…

Chàng cười nói. Ôi nụ cười làm tôi muốn hôn chàng hết sức.

Chiều thứ bảy tôi ngỏ ý muốn ra biển chơi. Chàng ngạc nhiên đang mùa Đông đâu có gì mà ra đó… Lạnh quá làm sao Phụng Linh bơi nổi? Tôi nhăn nhó, đâu phải em muốn bơi… em chỉ muốn được sống phần nào trong khung cảnh mô tả trong quyển “Moby Dick ” vừa mới đọc … Chàng cười, nhưng khung cảnh trong cuốn sách đó hình như được dựng ở một vùng biển nào thuộc Âu Châu, còn ở đây… Tôi làm bộ muốn giận, thì mấy cái quán bia… những chiếc tàu… đám hải âu và biển … cộng thêm chút tưởng tượng là coi như giống rồi. Ông không muốn đi phải không. Dĩ nhiên là chàng phải chở tôi ra biển.

Cả hai ăn cua hấp và uống bia trong một quán nhà sàn vách ván có cửa sổ rộng lấp kiếng để nhìn ra biển. Chưa chiều hẳn mà sương đã lên lờ mờ, mấy chiếc tàu nhỏ đậu ngoài xa đã lên đèn và đám hải âu cũng thưa bay lượn, xếp cánh chen chúc nhau đậu trên các cọc gỗ và hàng lan can của bến. Tôi thích chí nói – Ông thấy không, chịu khó tưởng tượng nhiều một chút thì cũng giống như em và ông đang ngồi trên một bến cảng nhỏ nào thuộc đất Pháp hay Anh vào thế kỳ 19 chứ bộ … Chàng cười đốt thuốc và nhả khói. Tôi hít mạnh mùi thơm nồng nồng của khói Marlboro trộn lẫn với mùi thơm (?) của hơi thở chàng thấy buổi chiều sao mà ngây ngất.

Khi đưa tôi trở về chàng như thoáng buồn khi cho biết khoảng thứ ba sẽ đi San Francisco thăm người bạn. Tôi muốn hỏi bạn trai hay gái nhưng im lặng.

Đi thăm bạn về chàng ngó bộ không vui. Món quà cho tôi – con ngựa lồng tạc bằng ngọc thạch giả mua tại khu phố Tàu trên đó – khi đưa chàng cũng không hỏi xem tôi có vừa bụng, có thích hay không nữa. Tôi hờn muốn liệng tại chỗ nhưng ngó mặt mày chàng coi thảm sầu – con ngựa lại tạc đẹp – nên thôi. Tôi sợ làm chàng buồn thêm và sợ con ngựa bể uổng. Thứ bảy chàng gọi rủ ra biển. Tôi ngạc nhiên lặp lại lời chàng hôm trước – Đang mùa Đông có gì đâu mà ra đó… lạnh quá làm sao ông bơi nổi. Chàng thở hắt một cái nói chuẩn bị đi chàng tới liền.

Chàng dắt tôi vào cái quán cũ và ngồi vào chỗ của lần trước. Hôm nay trời bỗng trở nên ấm nên không có sương. Mấy con hải âu còn dềnh dàng bay lượn và có mấy người Mỹ đang chơi trượt nước bằng ca nô. Chàng gọi cho tôi nửa con tôm hùm hấp còn chàng thì chỉ uống bia. Uống và hút thuốc liên miên. Tôi nói chuyện này chuyện kia nhưng chàng chỉ ậm ừ có vẻ không chú ý – Mắt ngó đâu đâu ra ngoài biển – khiến tôi cụt hứng đành cắm cúi thanh toán nửa con tôm bự kềnh. Hôm nay gặp con tôm thịt giòn và ngọt hết sức, tôi gở tỉ mỉ không sót một chút nào. Suốt thời gian đó chàng vẫn im lặng “nốc” bia và “phun” khói thuốc. Ăn xong món tôm tôi đâm ra thất nghiệp không biết phải làm gì – không lẽ đòi chàng kêu thêm hay lại ăn tiếp cái vỏ tôm? – đành lấy cái nỉa xăm xăm múi chanh rồi chấm vô chén nước sốt còn thừa cho đỡ dư tay dư chân.

Không hiểu sao hôm nay chàng lại kỳ cục như vậy. Nhứt định đòi rủ tôi đi chơi rồi đem ra đây bỏ ngồi trơ ra một đống. Ngó mặt chàng thật ủ ê như người bị mất của, nhưng chàng đi San Francisco về chứ đâu phải đi Las Vegas. Hay… thôi rồi – tôi nghĩ – lên trên đó chàng ham vui theo bạn bè nhậu nhẹt say sưa la cà làm sao để bị lọt vô ổ phục kích của đám “con bà cô” – mấy chữ này tôi lượm của một nhà văn đang ái mộ – nên mới tả tơi như vậy. Mặt mày ngồi thộn ra một cách đau khổ chắc là đang nhớ lại … cảm giác. Ý nghĩ làm tôi phì cười khiến chàng hơi giật mình, chớp chớp mắt – Ủa Phụng Linh ăn xong rồi à… có muốn ăn thêm gì nữa không? Cám ơn ông à – tôi rủa thầm trong bụng – được ông ân cần như vậy chẳng thà đi một mình còn ít thấy tủi thân. Chàng ngó quanh quất muốn tìm người bồi bàn nhưng tôi chận lại lắc đầu đòi về. Chàng nói còn sớm mà. Tôi nhăn mặt tự nhiên em thấy hơi nhức đầu. Chàng đành đứng lên ra quầy trả tiền. Tôi ngồi ngó mấy người Mỹ đang trượt nước tự nhiên nhớ tới cuốn phim kinh dị về con cá mập chuyên môn tấn công người. Ờ phải chi chàng rủ đi coi phim cho tôi đỡ thắc mắc vì thái độ im lặng của chàng. Có thể cho rằng chàng bị lôi cuốn bởi những tình tiết trên màn ảnh hoặc bị bắt buộc im lặng để giữ lịch sự nơi trình chiếu. Phần tôi, ít ra cũng có việc làm khoảng hai giờ đồng hồ – trung bình của một cuốn phim – trong khi nửa con tôm hùm hấp dù bự dù ăn thật lâu thì cũng chỉ kéo dài mười lăm phút là cùng.

Ra xe chàng ngần ngừ một hồi rồi rủ tôi tới nhà chơi. Hai đứa tụi nó đi picnic chiều mai mới về. Câu nói cộng thêm gương mặt ướp bia đỏ gay của chàng tự nhiên làm tôi ớn ớn lẫn một chút hồi hộp – tim đập hơi mạnh – chàng năn nỉ – Từ trước tới giờ Phụng Linh chưa tới nhà mà… tới cho biết… cho vui. Tôi đang buồn cần có bạn để tâm sự. Xì – tôi muốn nổi cộc – chắc nguyên cả thời gian trong quán ăn chàng cũng đang cần có bạn để nói chuyện. Tôi muốn hỏi nhưng nghĩ sao lại thôi chỉ thở ra. Đi thì đi…

Khu chung cư chàng mướn có vẻ cũ kỹ và có nhiều người Việt Nam. Tôi đoán. Giàn bí giàn mướp leo um tùm cùng những bụi xả bụi ớt, những luống rau thơm trồng trong các bồn hoa. Chàng ở tầng trên, một phòng. Tôi chú ý mấy tấm tranh chì than vẽ John Lennon, Charlie Chaplin, và Charles Bronson lớn dán trên tường. Chàng mỉm cười hơi mắc cở nói lúc mới qua chưa có gì làm cả ngày nằm nhà vẽ cho vui. Tôi trách – ông vẽ đẹp như vậy mà dấu nghề… không vẽ tặng em một tấm… Chàng lắc đầu, mấy năm nay bỏ nghề giải nghệ nên bị cùn tay lụt bút rồi… không vẽ được nữa.

Rồi chàng đem túi nước ngọt – trên đường về ghé mua ở Seven Eleven – đi vô bếp mở tủ lạnh lục cục lấy đá pha nước. Tôi ngồi ngó loanh quanh bỗng chú ý tới cái khung ảnh để trên đầu tủ nhạc lồng hình hai đứa con gái ngồi đâu lưng với nhau cười thật tươi. Hậu cảnh của bức ảnh là một vườn hoa màu tím nhạt, thật dễ thương. Lúc đó chàng đem nước lên thấy tôi đang ngắm nghía tấm ảnh bỗng thở ra nói – hình tôi chụp cho Vân và Nga đó – Nga vừa lấy chồng.

Vân là tên con nhỏ em chàng hay nhắc với tôi, còn Nga? Tôi chận đầu, hèn chi mà ông coi buồn dữ! Nhưng cô nào là cô Nga? Chàng ngồi xuống trước mặt tôi, giọng tang thương – Nga mặc cái áo len màu đỏ. Bạn của con Vân. Lúc xuống ghe vượt biên Nga còn nhỏ như một đứa con nít…

Bây giờ chàng mới chịu nói – có lớp lang thứ tự – về một năm hơn trong trại tị nạn ở Hong Kong và mấy năm ở đây, khoảng thời gian của mối tình giữa chàng và cô nhỏ mặc áo len ngắn tay màu đỏ, có cặp mắt lớn thật buồn nhưng nụ cười thật đẹp thật tươi, trong khung ảnh tôi đang cầm trên tay. Lúc còn ở quán ăn – ngoài biển – chàng cứ im lặng khiến tôi thành như thừa thãi, giờ nơi đây – trong nhà – chàng lại nói nhiều quá khiến tôi đâm thừa. Cứ ngồi hết ngó gương mặt thê thảm còn nồng hơi bia của chàng – tới ngắm hai cái miệng cười hớn hở của hai con nhỏ trong hình.

Bây giờ mới thấy rõ là tôi có tài tưởng tượng. Khi chưa quen, đã có lần tôi tưởng tượng rằng chàng bị tình phụ thì giờ đúng ngay là chàng bị … phụ tình. Cô nhỏ Nga đã lấy chồng tuần rồi. Nguyên do để chàng đi San Francisco và trở về mặt mày như mất của như … thất tình. Nhưng sao bụt nhà lại không thiêng, những gì tôi tưởng tượng về chàng cho chàng đều đúng, đều thành sự thật, còn những tưởng tượng cho tôi thì lại sai be sai bét. Ôi! Những giờ nghỉ đứng nơi hàng hiên, những lần mưa đưa về, những xuất phim, những bữa ăn, những khói thuốc, những nụ cười, những tâm sự… chỉ là những tưởng tượng sai. Tôi bỗng thấy cay mắt và nóng cả mặt mày vì mắc cở với chính mình. Và cả với chàng. Ly nước cam uống cho đỡ nghẹn vị bỗng thành ra đắng nghét. Có tấm kiếng soi ở đây chắc tôi sẽ thấy mặt mày mình thê thảm không thua gì mặt chàng. Và dường như chàng cũng đã nhận ra mặt tôi… kỳ cục nên hỏi:

– Phụng Linh có làm sao không? Mặt em hình như hơi bị xanh.

– Em … muốn đau.

– Đau như thế nào… à hình như lúc nãy ngoài biển Phụng có nói hơi đau đầu phải không? Để tôi đi lấy thuốc.

– Thôi được rồi. Tôi chận chàng lại.

– Sao vậy… phải uống thuốc… nếu không… đau thì mệt lắm.

– Chỉ thấy khó chịu một chút thôi… vả lại bụng Phụng hơi trống uống thuốc vô sợ bị xót ruột.

Cái cớ tôi đưa ra thật là vô duyên nhưng chàng tưởng thật nên ân cần đề nghị đưa tôi đi ăn cháo. Tôi lắc đầu. Chàng hơi ngẩn ra rồi phát tay – À, được rồi, Phụng mệt không muốn ngồi xe nữa thì để tôi nấu mì. Nhà có sẵn mì gói. Ăn một chút rồi uống thuốc.

Chúa ơi nếu còn là ngày hôm qua chắc tôi lại cảm động, lại ngây ngất vì những tưởng tượng từ những lo lắng chăm sóc này của chàng. Nhưng sự thật đã không phải là sự thật. Tôi thấy mũi mình cay xé. Trong bếp chàng làm gì mà mở nước rào rào, dao thớt lụp cụp. Tôi lấy tay áo quệt mắt ngó khắp phòng. Cái bàn viết bề bộn sách vở, cái tivi cái ghế nệm, cái tủ nhạc nơi mặt kính có dán mấy chữ “Are we having fun yet?” Mấy tấm tranh chì than: bộ mặt Charles Bronson lầm lầm lì lì. Cái miệng đang hát há tròn vo – như cặp kính đeo trên mắt – của John Lennon. Vẻ rầu rỉ của Charlot… mắt tôi dừng lại ở nụ cười đẹp tươi roi rói của con nhỏ mặc áo len đỏ ngắn tay. Tấm hình chính tay chàng chụp.

Tôi đứng lên lấy cái xách tay đi ra khỏi phòng. Loáng thoáng hình như chàng có hỏi với lên câu gì đó nhưng tôi không quay lại cứ đi thẳng xuống lầu về phía trạm xe bus ở đầu đường.

Tôi đi thật chậm chờ nghe tiếng kêu và bước chân gấp gáp của chàng rượt theo phía sau. Chàng sẽ níu tôi lại hỏi lý do bỏ đi… Tôi sẽ khóc hu hu nói hết cho chàng biết những gì tôi nghĩ, tôi đã tưởng nhưng sai bét… và chàng sẽ… Nhưng tôi đi tới trạm xe ngó lại phía sau cũng không có ai hết. Trạm bus dán tấm poster lớn quảng cáo phim sắp chiếu tuần tới “A view to a kill”. Tôi nhớ lời chàng rủ đi coi phim nầy và tôi đã chê sao cứ lựa toàn phim có cảm giác mạnh. Chàng cười ít ra coi phim action cũng dễ hiểu hơn. Tôi đứng ngó sững tấm poster mà như còn nghe bên tai tiếng cười nhẹ nhàng của chàng. Ngọn điện trắng – lồng bên trong – chiếu sáng hình anh chàng điệp viên 007 và một cô gái đẹp dìu nhau đứng trên cái thành sắt khổng lồ của cây cầu vàng nổi tiếng của San Francisco. Lại San Francisco … tôi giận dỗi… giờ tôi mới hiểu tại sao chàng cứ nói tới những sương mù, những con đường nhiều dốc, những chiếc xe điện, những công viên và những đàn bồ câu… Giờ tôi mới hiểu tại sao chàng cứ lặn lội lên đó hoài. Mai này nếu có nhiều tiền tôi sẽ thực hiện ước mơ của mình – đi du lịch khắp nơi – nhưng thành phố này tôi sẽ không thèm đặt chân tới. Tôi không muốn đi qua những dấu vết, những kỷ niệm của chàng… đau lòng lắm. Chiếc xe bus ì ạch tấp vào trạm mở rộng cửa. Tôi bước lên tìm một chỗ ngồi ở phía cuối xe, gần cửa kiếng.

Xe từ từ chạy, tôi quay nhìn ra muốn thấy chàng đang hớt hãi phóng tới hai tay quơ quơ gọi tôi trở lại nhưng bên đường chỉ có người đàn ông da đen vừa đi vừa vặn người uốn éo với cái máy hát lớn vác trên vai. Trời ơi không lẽ chàng vẫn còn hì hục với mấy gói mì trong bếp mà không hay rằng tôi đã biến mất. Hay chẳng lẽ chàng lại nghĩ rằng tôi đi mua… thuốc lá – như chàng vẫn thường băng qua cái liquor đối diện nhà tôi để mua những khi đến chơi thình lình hết thuốc hút. Mà cũng có thể chàng đã biết tôi bỏ đi nhưng cứ mặc kệ… chỉ lo nghiền ngẫm nỗi buồn của chàng thôi. Mắt mũi tôi càng thấy cay quá sức cuối cùng tôi bật khóc tấm tức.

Cũng may chuyến xe bus đêm thưa người – chỉ có mấy già Mỹ ngồi phía trước, một cặp trai gái đang bận âu yếm nhau và hai ông đang xì xồ nói chuyện. Không ai chú ý để biết rằng tôi đang khóc. Nước mắt nước mũi tuôn ra tùm lum, tôi cứ lấy tay áo mà quệt. May mà buổi chiều lúc sửa soạn đi chơi sợ trời lạnh nên tôi mặc áo pull dài tay, giờ có thể dùng nó thay thế khăn mù xoa hay giấy Kleenex. Tôi vốn không có thói quen mang những thứ này trong sắc tay. Nghĩ tới những tờ khăn giấy tôi chợt nhớ tới lần mưa bão ngày mới quen. Chàng đã đón tôi lên xe, ân cần đưa nó cho tôi lau khô tóc tai mặt mũi. Nước mắt tuôn ra nhiều thêm vì nhớ và biết rằng từ đây sẽ không còn những ân cần đó, không còn những đưa đón. Xe có hư tôi phải đón bus mà đi cho dù mưa gió bão tố, cho dù ban đêm – với đủ thứ bất tiện – như đêm nay.

Tấm tức khóc thật lâu – đường về sao mà thăm thẳm – nước mắt rồi cũng cạn bớt chỉ còn những lần nấc nhè nhẹ. Tôi cố gắng định thần chú ý để xuống cho đúng trạm. Tình cờ mà có chuyến bus này chạy ngang cả hai nhà – tôi và chàng – nếu không lội bộ đến nửa đêm cũng chưa về tới. Tôi nấc lên nho nhỏ. Mà có khi về cũng không bao giờ tới bởi trăm thứ bất trắc du đãng cướp giật hãm hiếp. Tôi phát run không dám nghĩ tiếp. Mà cho dù những không may có xảy đến cho tôi chàng cũng sẽ không hề biết tới. Hoặc có biết cũng chỉ biểu lộ bằng cái nhíu mày thêm vài tiếng chắc lưỡi xót xa bàng quang. Lại nấc lên nữa.

Xuống trạm chót, trước khi quẹo vào nhà, tôi đứng quệt cho khô nước mắt. Đi chơi về mặt mày đầm đìa làm sao giải thích cho êm xuôi với má. Khi chiều xin má đi chơi biển nên đâu thể bắt chước nhân vật nữ trong “Chuyện phim buồn” … dối má tối nay rằng đã trót lỡ xem phim buồn… được… Còn nói thật làm sao dám. Hai tay áo và gió lạnh một hồi cũng làm ráo mặt mũi, tôi lủi thủi mở cửa rào đi lên nhà. Vậy mà vẫn còn ráng liếc ra đầu đường mong thấy có chiếc Datsun màu vỏ trứng đang vùn vụt quẹo vô.

Má với tụi em bận theo dõi mối tình truân chuyên của Thần Điêu Đại Hiệp nên không ai chú ý đến điệu bộ thiểu não của tôi. Tôi nhẹ mình, vô phòng tắm mở đèn – không dám ngó mình trong kiếng như thói quen – mở nước rửa mặt rồi về phòng thay quần áo lên giường nằm trùm mền. Má gõ cửa hỏi sao không ra coi phim. Ăn cơm nữa không má có phần để cho mày. Tôi nói với má con còn no lắm… Mệt quá nên muốn ngủ sớm. Má chắc lưỡi đi cho dữ. Má tưởng có cậu Phát nên nấu thêm cơm. Tôi cố nuốt nghẹn ngào… Dạ ổng đưa con tới nhà nhưng thấy đã khuya nên không lên sợ phiền. Má cười hừ tới chơi gần như trong nhà mà vẫn còn bày đặt khách sáo… thôi ngủ sớm đi cô nương.

Câu má nói vô tình làm bụng tôi đau thắt. Chàng vẫn giữ kẽ, vẫn tiếp tục khách sáo bởi chàng không muốn xoá khoảng cách, không muốn tiến tới gần. Bởi có con nhỏ áo len đỏ chắn ngang chận bước. Thì thôi cũng đành chớ biết sao hơn. Tôi mệt mỏi tắt đèn cố nhắm mắt ráng ngủ để khỏi phải nghĩ tới nữa. Ngoài phòng khách cả nhà vẫn tiếp tục coi tivi – mở hơi lớn – đến đoạn Quách Phù chặt đứt cánh tay của Dương Quá và đang khóc lóc đặt chuyện để chạy án. Giọng ông bà Quách Tĩnh hùng hổ trách mắng con gái rồi xử mắt trả mắt tay trả tay. Nằm nghe mà phát ghét. Lúc còn trẻ vừa đút đầu vô võ lâm ông ta được Hoàng Dung mê chết mê sống, đeo sát chân – dù bộ vó cục mịch, đầu óc thật thà – thì làm sao hiểu được cái đau xót của thứ tình yêu… một chiều. Tôi thông cảm và thương cho cô con gái tuy cách trả hận có hơi tàn ác một chút. Tôi sẽ không giống cô ta – thử hỏi làm sao tôi nỡ chặt đứt cái cổ vạm vỡ hay cánh tay cứng cáp của chàng cho đành – nhưng cũng sẽ không như một ông thi sĩ cứ đứng bên này khoảng cách mà quơ mà ngoắc đến mòn tay để cuối cùng cũng chỉ có mình mình với đất trời lồng lộng với sông nước chập chùng còn người ta thì dửng dưng đi mất.

Tôi sẽ không mạnh bạo mà cũng không yếu đuối, tôi sẽ bắt đầu từ ngày mai với một “đời sống” hoàn toàn không có mặt chàng trong đó. Tôi sẽ làm đủ trăm cách để chấm dứt liên lạc và gặp gỡ với chàng. Nếu cần tôi sẽ dám xúi má dọn nhà, đổi số phone… Tôi cũng dám nghỉ việc bỏ sở luôn. Tôi sẽ rẽ ngang, sẽ quẹo mặt quẹo trái tìm cho mình một lối khác chứ không thèm lếch thếch theo sau lưng chàng đâu. Tội nghiệp cho cái trái tim thích tưởng tượng của tôi, từ trước đến giờ cứ tưởng rằng được bước song đôi cùng chàng ai ngờ sự thật mình chỉ là kẻ hì hục chạy theo sau. Mà chàng thì cứ mãi mê đuổi theo cái bóng áo đỏ chẳng buồn ngoái lui hay chờ tôi một bước nhỏ.

Và mai này không còn tìm thấy không gặp mặt tôi nữa, không hiểu chàng sẽ cảm thấy như thế nào. Tôi cố tưởng tượng ra chàng lúc đó nhưng không nổi nữa bởi mí mắt nặng cứng cơn buồn ngủ.

Còn đang ngủ mê mệt tôi bị thằng em xông vô phòng kêu dậy gấp. Mở mắt ra thấy nó đứng bên giường – mình trần trùng trục ướt mồ hôi tay cầm tạ – nói chàng đang đợi tôi ngoài phòng khách. “Ông nội đi đâu mà sớm dữ”. Tôi chới với ngồi lên ngó cái đồng hồ nhỏ để trên bàn ngủ. Mới có sáu giờ ba mươi…

Trích VĂN, số 53, tháng 11-1986

Nguồn: https://sangtao.org/2018/01/12/tren-mot-khoang-duong/

Comments are closed.