Văn Hải ngoại sau 1975 (230): Trần Kiêm Đoàn – Con yêu bánh nậm

Trần Kiêm Đoàn sinh năm 1946 tại Liễu Cốc Hạ, Hương Cần, Hương Trà, Huế. Học trường trung học Hàm Nghi (1959-1963), Quốc Học (1963-1966); tốt nghiệp sư phạm Việt Hán tại Đại học Sư phạm (1966-1970) và Cử nhân Giáo khoa Văn khoa tại Đại học Văn Khoa (1971), Huế. Dạy học tại các trường Nguyễn Hoàng, Hải Lăng, Khai Trí, Hiền Lương Nghĩa Thục ở Quảng Trị, và Phan Sào Nam, Bán Công, Nguyễn Tri Phương và Đồng Khánh ở Huế. Trần Kiêm Đoàn sang định cư ở Mỹ năm 1982. Tốt nghiệp Thạc sĩ Xã hội học tại Đại học California State, Sacramento (1988) và Tiến sĩ Tâm lý học tại Đại học Southern California USC (2000). Giảng dạy tại các Đại học California State University Sacramento và Lutheran Pacific University, bang California, Mỹ. Trong suốt 20 năm từ 1983, là chuyên viên xã hội của Sacramento, bang California và cũng là chuyên viên ngành Tâm lý Trị liệu với County Sacto và Viện Tâm thần East-West Psychology Foundation.

Tác phẩm: Hương từ bi (Thơ, bút ký, Huế, 1966), The Impact of Relocation on the Vietnamese Refugees in the United States (CSUS, 1988), Chuyện khảo về Huế (tập truyện, Làng Magazine, U.S., 1997, 2003; Trẻ, Việt Nam, 2000), The Vietnam War and Its Psychological Aftermath (LA., 2000), Con yêu bánh nậm (tập truyện, Kim Quang, U.S., 2003; NXB Thuận Hoá, 2004), Từ ngõ Huế xưa (Tuyển tập ký sự và biên khảo, Nxb Thuận Hóa, 2006), Tu bụi (truyện dài, Nxb Thuận Hóa, 2007), Đạo Phật và tuổi trẻ (biên khảo, Vô Ưu, 2014), Xôn xao hoàn rỗng lặng (tập thơ, Vô Ưu, 2015), Về Huế (tùy bút, NXB Phụ Nữ, 2019).

Viết rải rác thơ, văn, bút ký, biên khảo, nhận định… trên các báo tiếng Việt và tiếng Anh trong và ngoài nước.

clip_image002

Con yêu bánh nậm

Lần đầu tiên tôi gặp Con Yêu Bánh Nậm ấy bằng xương bằng thịt sờ sờ vào một sáng trời mưa lâm thâm trên bến đò Thừa Phủ.

Đò đầy, cô lái sắp đẩy ra khỏi bến thì có tiếng gọi từ phía lái:

– O ơi! Chờ chút! Cho Con Yêu Bánh Nậm lên với cả hắn trễ tội!

Con Yêu Bánh Nậm lẫm lũi kẹp cặp sách trước ngực, chạy thục mạng xuống bến và nhảy lên đò. Tôi còn đứng lớ ngớ chưa tìm ra chỗ ngồi, bị con Yêu đạp nguyên đôi guốc mộc lên bàn chân trần đau điếng. Tôi la lên nho nhỏ: “Ái, đau!” và cúi gập người ôm bàn chân tội nghiệp của mình vừa khi con Yêu nhận ra là đang làm đau đồng loại. Con Yêu ngỡ ngàng ngó quanh trong lúc đò từ từ ra khỏi bến. Tôi hơi ngờ ngợ vì dáng quen quen. Sau lần áo mưa trong vắt, tôi có thể đọc được cả bảng tên thêu màu “xanh-lơ-ma-rin” nổi bật trên nền áo trắng: H. T. Đông Ba, C2, trường Đồng Khánh. Ngày đó, dân Quốc Học nhìn những cô em Đồng Khánh mang bảng tên màu xanh là ngây thơ, màu tím là đợi chờ, màu hồng là đã chín. Học trò lớp đệ tam (lớp 10) mang màu xanh là đàn chim non mới bước vào ngưởng cửa trung học đệ nhị cấp, nhí nha nhí nhảnh, hầu hết còn “phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai…” Lên đệ nhị (lớp 11) mang màu tím là sắp sửa làm “bà tú”, trong cặp sách thường có bụi “ô mai” vương vãi lên thư tình. Và lên tới đệ nhất (lớp 12) mang màu hồng, suy tư và cuộc đời lốm đốm màu triết học, nên có nàng đã che nắng bằng sách Jean Paul Sartre, Albert Camus… thay cho chiếc nón bài thơ! Còn con trai Quốc Học mà mang bảng tên “Ba sọc” như tôi là đã có quyền khỏi bận áo len giữa sương thu và gió lạnh, ưỡn ngực cho nhân gian thấy ta đây là học trò Đệ nhất. Dù có lỡ sa cơ thi rớt tú tài toàn phần thì cũng còn đường rút vào quân trường Thủ Đức làm “quan một nhà binh”, mai vàng le lói như thường.

Hình như mới bắt gặp những đôi mắt quen từ phía lái, con Yêu khoát tay, cười ấm áp với bạn. Hàm răng trắng quá làm cho đôi môi không son phấn cũng hồng lên phơn phớt. Khuôn mặt hình trái sầu đông, trắng mịn, lấm tấm nước mưa nằm ủ trong mái tóc đen mướt, dài kín bờ lưng, được gói sau lớp áo mưa gọn gàng như tạc bằng gỗ mun. Con Yêu Bánh Nậm lừa khi không có ai thấy, bèn phóng cho tôi một cái nhìn ái ngại, môi chúm tròn xoe, nói bên tai vừa đủ cho tôi nghe:

– Xin lỗi!

Tôi mím miệng, không trả lời nhưng trong bụng lại muốn nói: “Con gái chi mà đanh đá. Nói lời xin lỗi mà cái bộ lạnh lùng như bị người khác đưa chân cho mình đạp cũng không bằng!”

Thế nhưng khi quay về phía lũ bạn, Con Yêu lại cười nói tía lia. Tôi giật mình khi nghe cô bé có bộ mặt hiền khô của con gái nhà lành nói với một cô bạn bằng một thứ ngôn ngữ có vẻ “chanh chua chuối chát”, rằng:

– Nì, Mi-nhon Thượng Tứ, chiều qua trốn giờ Quốc Văn đi “đào kép” với bồ tèo phải không? Các thám tử của ta bắt gặp chàng và nàng đi xe đạp mùi mẫn về ngã Bao Vinh. Khai mau! Về dưới đó làm chi? Bộ muốn về “vật Sình” hả? Thú thiệt đi, ta tha cho. Còn chối bải bải như mấy mụ hàng cá cãi nhau ở chợ Đông Ba thì đừng trách ta là không có lòng… từ bi thấy chi nói nấy đó nghe!

Nàng có tên “Mi-nhon Thượng Tứ” dường như cũng bị nao núng, cố lấn tới sát bên cạnh Con Yêu Bánh Nậm để nói nho nhỏ như rót mật… gấu vào tai:

– Khỉ! Nói chi to rứa! Anh nớ là sinh viên dạy kềm tau học chứ bộ…!

Con Yêu Bánh Nậm tung bùa bức hại sinh linh không thương tiếc:

– A, thì ra chàng “prề-xẹp-tơ” thấy lơ thì… chụp của mi đó hả?! Chết rồi, con nhỏ Mi-nhon ơi! Học trò Đồng Khánh xưa nay có ngạch đất yêu… quỷ tò te mấy cụ sanh viên dạy kèm và thực tập đó chơ chi nữa!

Nàng Mi-nhon bèn xuống giọng:

– Nì, Con Yêu Bánh Nậm, đồ tinh le! Mi đừng ác cho tau nhờ cái “đức… Quốc xã” của mi với có được không. Ba Mẹ tau mà nghe được thì tau chỉ có nước bỏ học ở nhà nấu ăn rửa chén!

Con gái Huế một mình là hoa hổ ngươi thẹn thùng, một cơn gió nhẹ trần gian thổi qua cũng vội vàng khép đôi cánh lá lại. Nhưng có hai nường Huế họp lại là thành hoa bưởi hoa ngâu, e ấp liếc mắt một cách kín đáo như lời gọi thầm, đủ làm cho bao chàng choáng váng. Khi tới ba “o” trở lên là thành hoa vông vang tinh nghịch, muốn đội nắng, trổ trời mà lên!

Dân nam nhi Quốc Học mà chỉ có vài mạng, “gươm lạc giữa rừng hoa” trên chuyến đò buổi sớm thì dù có thuộc loại nghịch lớp chọc thầy như tôi cũng phải biết điều mà ngồi im thin thít.

Đò tới bờ. Đường ai nấy đi… Thêm một ngày mới qua đi, tưởng chừng như không lưu lại một dấu tích gì.

Hôm sau, chiếc xe đạp sửa xong, nhưng hơi khác với mọi ngày vì tôi không còn thấy hăng hái đạp xe ra cửa Ngăn, qua cầu Trường Tiền, rẽ về Quốc Học nữa. Cả đêm, dù cố quên đi chuyện trong ngày, thế mà vẫn cứ nhớ về Con Yêu Bánh Nậm. Lòng dặn lòng phải ghét cho được vẻ lạnh lùng “làm điệu” của con Yêu, nhưng lại không quên được tiếng thì thầm “Xin lỗi” phát ra trừ cái miệng xinh xinh, dễ thương thì chưa đủ mà dễ ghét lại không đành. Sáng ra, tôi trở chứng muốn cất xe đạp ở nhà, tiếp tục đi học qua đò Thừa Phủ. Chân đã bước lên đò mà mắt tôi vẫn cứ nhìn quanh bóng dáng của con Yêu “ác nhơn” đó. Tôi tỉnh hẳn khi có tiếng bình luận của đám nữ sinh áo trắng với nhau “Cái Con Yêu Bánh Nậm nớ lại trễ học nữa rồi!”; và “Cái con thiệt tình là Yêu Bánh Nậm. Chuyện chi người của người ta hắn cũng biết… Hắn mô rồi? Mà vắng hắn cũng buồn tụi bây hỉ!”

Nguồn gốc và lịch sử Con Yêu Bánh Nậm cũng xa xôi và mơ hồ như lịch sử một loài hoa dại. Ngay cả những nhà “Huế học” tiếng tăm cũng lắc đầu quầy quậy khi bị hỏi về gốc gác của danh xưng này. Những người Huế rặt, Huế chay như Bửu Ý, Bửu Tôn, Tôn Nữ Quế Hương, Tôn Nữ Hỷ Khương, Thái Kim Lan… khi nói về xuất xứ của Con Yêu Bánh Nậm cũng “lý giải” theo lối suy đoán rằng: Ngày xưa các ông Hoàng bà chúa trong cung Nguyễn vốn là những tay ăn sang và ăn hàng thượng hạng. Các ông bà thường chờ gánh bánh nậm dài ruột như con chờ mẹ đi chợ về. Khi các o bán bánh nậm gánh trễ hàng tới cửa thì bị mắng một cách vừa mang vẻ trách móc, vừa thân tình một cách rất Huế là: “Đồ con yêu nờ!” Mấy cô hàng bán bánh nậm không muốn mất mối tốt nên cũng lanh miệng lanh mồm vừa đỡ đòn vừa tía lia kể chuyện dân tình ngoài nội phủ để làm vui lòng khách. Con Yêu Bánh Nậm “rất có thể” ra đời từ đó, hay không biết tự bao giờ nhưng với Huế thì hình tượng Con Yêu Bánh Nậm vừa dễ thương, vừa dễ ghét…

Cũng có người dùng phép “hội ý” trong lục thư của Trung Hoa mà giải thích nguồn gốc của Con Yêu Bánh Nậm rằng là: Bánh nậm Huế là một loại bánh lá mỏng dính. Bản chất bánh nậm hiền, bình dân, dễ gần gũi, thơm ngon và hài hòa màu sắc với lá gói xanh, bột bánh trắng, nhụy tôm hồng. Nhưng bánh nậm cũng rất mượt mà, trơn truột và dễ đong đưa như đôi môi mỏng, cái lưỡi lắt lay của những người con gái Huế “ruột để ngoài da”.

Những “Con Yêu Bánh Nậm” trong thế giới con gái Huế là những con vịt trời nở trứng và lớn lên trong đàn vịt đồng: Vừa mang bản chất lém lỉnh, ranh mãnh, nghịch ngợm, rắn mắt của loài “yêu”, nhưng cũng vừa e ấp, hiền từ, thuần hậu, và mặn mà nhưng rất đơn sơ của dòng “bánh nậm”. Bánh nậm Huế hiền đến mức thành món ăn “đằm bụng” cho em thơ và cho người già vừa khỏi bệnh và mỏng manh tới độ gió thổi cũng bay! Vì vậy, những chàng trai Huế từng bị nhiễm bùa yêu… bánh nậm đã ngoan ngoãn phán rằng, Con Yêu Bánh Nậm là “cục quậy” nhưng cũng vừa là “cục cưng” trong vòng bè bạn. “Đồ con yêu Bánh Nậm!” là tiếng mắng yêu cho một sự thông minh đầy lém lỉnh và một sự lém lỉnh đầy thông minh của một cô gái Huế chưa đến nỗi… ế chồng. Con Yêu Bánh Nậm giữa nếp sống Huế cũng như cái thiết bảng của Tôn Ngộ Không trên đường Tam Tạng về Tây Trúc thỉnh kinh: Dữ dằn mà nhân nghĩa, xốc nổi mà yêu thương. Cuộc đời có Con Yêu Bánh Nậm thì coi chừng chuyện “thâm cung bí sử” cũng có khi thành chuyện tiếu ngạo giang hồ nổ như bắp rang. Nhưng nếu vắng Con Yêu Bánh Nậm thì chuyện thâm cung bí sử đó rồi cũng chìm sâu vào chuyện đời thường. Huế chắc sẽ khô khan và lặng lẽ hơn nếu những chuyện tình dễ thương, điểm màu lãng mạn “vang bóng một thời” không còn ai nhắc tới. Những “cánh hạc bay lên vút tận trời” mà không có Con Yêu Bánh Nậm thì vẫn trầm trầm, lặng lẽ trong riêng tư và theo thời gian đi vào quên lãng.

Yêu hớp hồn

Chiều về, tôi lại qua đò ngang nhưng không xuống bến vội mà đi lửng thửng khuất sau bóng hàng cây bạch đàn rủ lá. Tôi cố nói rõ với chính mình là mình chẳng có ai để đợi, thế nhưng đôi chân bước đi lại vướng vít trong sợi dây vô hình níu lại, mắt nhìn bâng quơ những bóng trắng xa lạ xuống đò. Rồi những buổi chiều qua đi và qua đi, không còn dấu vết nào để lại trên bến sông nhiều khi tím lịm.

Khi tôi ngỡ đã quên thì Con Yêu Bánh Nậm bỗng đâu hiện hình trở lại trên một chuyến đò chiều rất muộn, khách qua đò hầu hết là những người lớn làm ăn buôn bán. Tôi tự trách mình yếu đuối vì trống ngực đánh rộn ràng. Để thể hiện chí nam nhi theo tinh thần “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai” của chàng Lục Vân Tiên, tôi cố nhìn con Yêu thản nhiên như chưa bao giờ gặp mặt. Và hình như cũng để cho xứng mặt con cháu Nguyệt Nga oanh liệt gan to như cóc tía, Con Yêu nhìn tôi lạnh lùng như nhìn đám bèo trôi vất vưởng trên sông. Đò ra giữa sông thì trời đổ mưa nặng hột. Tôi không dám che cặp sách lên đầu vì sợ ướt sách vở, nên chỉ còn biết ngồi trơ chịu trận. Bỗng đâu như có đám mây dày đặc bay lướt trên đầu và tôi chỉ còn nghe tiếng mưa rơi lộp độp và một khuôn mặt thật gần. Tôi ngồi trân như phỗng đá. Có tiếng ra lệnh, “Mau! Che lên cả ướt chừ!” Dưới ánh sáng mờ mờ của chiếc áo mưa trải rộng trên đầu hai đứa, khuôn mặt Con Yêu Bánh Nậm ngự cả khung trời cảm xúc trong tôi. Cơn mưa theo đám mây mùa Thu của Huế thường đến và đi nhanh như giấc mơ. Trước khi con Yêu rút chiếc áo mưa ra khỏi mái đầu hai đứa thì tôi cũng chỉ kịp nói “Cám ơn!” mà không nghe tiếng trả lời. Chuyến đò, cơn mưa và giấc mơ rất Huế tan loãng bề ngoài, nhưng mọc rễ ở bề sâu.

Tôi cố nán lại để về những chuyến đò thật muộn vì không muốn gặp ai mà thật tình thì tôi cũng chẳng có ai để gặp; thế nhưng tôi vẫn cảm thấy như có một người không hình, không ảnh như cô gái Liêu Trai vẫn chờ tôi ở đâu đó. Lại một chuyến đò muộn và mưa giữa sông. Chẳng có ai che nên mưa ướt như chuột lột. Lên bờ, có tiếng ai đó nghe quen quen từ bên hiên của quán lá bến đò: “Khổ chưa tề! Ướt hết rồi!” Tôi ngó quanh, thì ra là Con Yêu Bánh Nậm. Bắt gặp cái nhìn thương cảm và dịu dàng như người chị, tôi cảm thấy chút hạnh phúc mơ hồ chưa ló mặt, hỏi vụng về: “Ai khổ rứa?!” Vẻ ấm áp trên đôi mắt con Yêu bỗng chùn lại và tiếp theo là một câu trả lời lạnh lẽo: “Ơ! Mà xin lỗi, tui quên!” Dừng lại ngoài hiên quán một lúc, khách qua đò đã về hết, tôi không biết nói gì thêm và cảm thấy mình đứng trơ ra một cách thừa thãi nên lững thững bỏ đi.

Cái kiêu hãnh phòng ngự của anh học trò làng lên Huế học to như những đụn rơm nhà giàu cuối mùa gặt làm tôi lòng dặn lòng là phải coi Con Yêu Bánh Nậm như “pha”. Thế nhưng cái hồn tranh tre lãng mạn lại phủ kín lấy tôi. Ăn, ngủ, học, chơi… nơi đâu tôi cũng cảm thấy như đã bị con Yêu “hớp hồn”. Bực quá, tôi lấy phấn vẽ một vòng tròn lên bảng to như cái nong phơi lúa, để đặt mình trong “vùng cấm địa”, thế mà bóng dáng Con Yêu Bánh Nậm đã ngồi đó tự bao giờ. Tôi thu nhỏ vòng tròn thành một chấm để thế giới không còn ai lọt vào được, nhưng cái chấm long lanh đó lại trở thành đôi mắt thăm thẳm của Con Yêu.

Cả một “Trường tương tư” dằng dặc như Lý Bạch hiện hồn về! Tôi lẳng lặng buông xuôi để cho nỗi nhớ Con Yêu làm tình làm tội. Tôi bỗng cảm thấy đời vô vị và cảm giác thành khô khan như muốn nứt ra từng mảnh nhỏ, nếu một buổi chiều nào đó vắng bóng con Yêu Bánh Nậm qua chuyến đò chiều trên bến đò Thừa Phủ. Tôi không hiểu thói quen tích lũy ngày lại ngày sẽ thành nỗi đam mê, hay nỗi đam mê dần dà tạo ra lề, ra thói. Nhiều đêm trăng đi dưới con đường vắng có hai hàng cây mù u lọc ánh trăng thành những đốm sao kẻ hoa văn trên đường, tôi bỗng cảm thấy rờn rợn. Tôi có cảm giác như mình đã bị Con Yêu Bánh Nậm nhiều phép thuật thôi miên nên mới nhớ nhiều đến thế.

Rồi một lần cho một đời bỗng đến. Đêm Thành Nội của Huế, sau bữa cơm tối, thường chỉ có những mảng đêm núp trong những khe nứt của cổ thành. Đường vắng, có hai người gặp nhau sau bóng trăng long não, nhưng vẫn tảng lờ như “bên tê” chỉ là đám bụi đường. Con Yêu Bánh Nậm và tôi chỉ dám để cho những đuôi mắt sau lưng ngoái lại nhìn nhau. Mỗi tâm hồn là một đền thờ thầm lặng. Thờ cái “điệu riêng” của Huế: Không nói thẳng, không nhìn thẳng, gói ghém những cơn sốt tình cảm đang cháy đỏ trong lòng mình và làm bộ lạnh lẽo như đang nhìn sao băng vệt sáng ngoài không gian. Nhưng hình như “ngải” của Con Yêu mạnh quá làm chân tôi líu ríu bước theo, xa nửa tầm mắt, cho đến khi cái bóng biến mất sau bình phong cửa ngõ có hoa giấy leo tường và hai hàng bông cẩn bao quanh. Biết được “Động Yêu” rồi là khỏi sợ bị lạc. Trong im lặng đã có những câu chuyện nghìn năm để kể.

Hôm sau, gặp lại Con Yêu trên chuyến đò chiều. Khi bước ra khỏi đò, Con Yêu nhìn tôi cười cười dìu dịu. Dáng cười đó đã kích thích lòng can đảm của tôi tới mức tôi dám mở lời: “Tụi mình về cùng đường!”. Con Yêu Bánh Nậm không nói gì mà chỉ hỏi lại: “Tối qua đi theo ‘người ta’ làm chi rứa?” Câu hỏi còn gay go hơn là gặp Thầy Hai hỏi “oral” thi tú tài nữa. Tôi có thể trả lời dài hơn cả một bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, nhưng đang trong tình thế cam go nên hỏi bâng quơ: “Đông Ba học lớp Đệ Tam C2 phải không?” Bất ngờ, lại đến lượt Con Yêu tròn mắt ngạc nhiên, hỏi: “Vì răng mà biết tài rứa?” Tôi thật thà giải thích: “Thì ‘dòm’ trên ngực… a tề!” Con Yêu liếc nhanh xuống ngực mình và thấy cái bảng tên thêu trên áo trắng nằm sờ sờ ra đó, nhưng lại đỏ bừng mặt và mím môi nói như giận lẫy: “Xí! Ăn nói chi lạ!” Rồi quày quả bước nhanh đi trước. Khi không mà bị “lỡ bước thiên đường”, làm tôi nhớ lời mẹ tôi thường nói “Thật thà là cha dại. Dại là bà ngoại của ngu!” Và tự nhiên tôi bỗng cảm thấy mình đi từ thật thà qua dại, rũng rãi tới… ngu lúc nào không hay!

Thế nhưng Con Yêu Bánh Nậm có “kính chiếu yêu” khác người thường, nên hình như đã rung động vì biết nhìn thâu thiên địa để thấy được cái “dại” đầy thật thà chất phác của gã học trò “làng” như tôi. Qua khỏi cửa Ngăn, “nó” đi chậm lại và đứng tần ngần sau cái nhà ngói đổ chứa mấy cổ súng thần công. Như bị thôi miên, tôi đi về phía “nó”. Cố lục hết những ngăn ký ức, từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Dưới Mái Học Đường thời tiểu học cho tới Triết học nhập môn bậc tú tài, để tìm cho ra một câu tỏ tình duyên dáng, nhưng tôi cũng chỉ ngớ ngẩn hỏi một câu còn nhạt thếch hơn hồi nãy: “Đông Ba tuổi con chi rứa?!” Con Yêu Bánh Nậm tỏ lòng nhân đạo bằng cách cắn một bên môi dưới để khỏi hoác miệng cười vì gặp phải chàng “Kim Lang” ngớ ngẩn mà cũng dở chứng đa tình. Cố giữ giọng bình thường, Con Yêu chậm rãi trả lời: “Đông Ba tuổi Dần, con cọp. Mà hỏi làm chi?!” Thật tình tôi cũng không biết hỏi như thế để làm chi nữa! Có lẽ trong phút bối rối tôi lại sực nhớ ông thầy bói chợ Hương Cần gặp bất cứ cô cậu nào mới lớn ghé qua cũng hỏi tuổi, rồi tán: “Dần, ngọ, tuất là tam hạp… dần, thân, tỵ, hợi là tứ hành xung!” Người ta có thể xốc nổi và trở thành hùng biện trước một sự đương đầu tranh cãi, nhưng trong một thoáng chốc đợi chờ tình cảm lại rất dễ lạc đường. Tôi nói ngu ngơ như người bị lạc: “Ai biết ai! Hỏi cho vui thôi mà…!”

Thế nhưng Con Yêu Bánh Nậm bỗng hóa phép thần thông, hỏi tôi những câu gần gũi, dễ trả lời đến độ tôi cảm thấy sự bối rối tan đi nhanh, nhường chỗ lại cho câu chuyện săn giòn và ấm áp. Tôi đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác vì Con Yêu tỏ ra chuyện gì xảy ra xung quanh cũng biết. Con Yêu hiện nguyên hình không còn “ớn lạnh dễ sợ” đối với tôi nữa. “Nó” ngoan ngoãn như một đứa em dịu hiền; nghịch ngợm và thóc mách như một đứa bạn “đầu nậu”; chăm sóc như một người chị cả thương em và dịu hiền hay có khi “kẻ lớn” như người mẹ.

Con Yêu Bánh Nậm là ngọn gió Nồm trong cơn nắng chướng; là vẻ nghịch ngợm “cà lắc” đối đầu với kiểu cách chừng mực, trầm trầm bốn mùa ba cõi của tình cảm Huế.

Con Yêu Bánh Nậm là sứ giả có biệt tài biết “chọc” thiên hạ kịp thời kịp vụ, nhưng cũng biết “chơi” mà chia niềm vui đúng lúc. “Nó” là bà già trầu ưa luận bàn thiên hạ sự mà không sợ mất lòng ai; là thằng Mõ cả tiếng dài hơi báo cho làng trên xã dưới những tin “trái mùa” mà thế giới khuê các khép kín của Huế tránh không nhìn nhưng lại nghiêng nón muốn nghe. Con Yêu có phù phép hô phong hoán vũ làm cho những cái miệng “tôn nữ hoàng thành” kín như bưng cũng thập thò tâm sự. Riêng Con Yêu Bánh Nậm của tôi thì vừa thông minh đáo để, vừa nhạy cảm truyền đời, vừa thấp thoáng chút oai vang đĩnh đạc của sư tử Hà Tây, nên dù có quý vị hảo hớn Lương Sơn Bạc trấn ải Đông Ba thì e cũng không cứu nổi tôi khỏi bị “hớp hồn” sau lớp cổ thành đầy chông gai cảm xúc mà do sự quê mùa chất phác, tôi đã dại khờ ngây ngất đi qua!

Có một tác giả, Nguyễn Ngọc Dũng, viết trong báo Xuân Tuổi Trẻ năm 2002 đã gọi dòng sông Hương là “Dòng Sông Mang Tên Con Gái”. Có người ngẫm nghĩ cho rằng, sao lại không gọi những nàng tên Hương là “Những Người Con Gái Mang Tên Dòng Sông”?! Con người là sản phẩm của vũ trụ hay vũ trụ là sản phẩm của con người. Con Yêu Bánh Nậm là sản phẩm tình cảm của Huế và đã có những nàng Yêu Bánh Nậm cựu trào bỏ Huế mà đi…

Tôi cứ ngỡ những Con Yêu Bánh Nậm ngày xưa, nay chỉ còn là vang bóng. Nhưng tôi bỗng ngẩn người khi có Bố Cáo hẳn hoi rằng, sẽ có Đại Hội Con Yêu Bánh Nậm toàn thế giới năm 2002 được khai diễn trọng thể vào mùa Hè tại Mộng Hoàn Cốc, thung lũng Hoa vàng San Jose, xứ California!

Dọc con đường rầm rập dấu chân cuộc đời của những người Huế xa quê, tôi đã gặp những Con Yêu Bánh Nậm “xưa tê”, những người phụ nữ Huế hãnh diện tự nhận mình là Con Yêu Bánh Nậm một thời. Không biết những Con Yêu Bánh Nậm “toàn ròn” đó có sinh ra được thế hệ Yêu Bánh Nậm nối dòng hay không? “Có” hay “không” chẳng phải là câu trả lời chờ đợi vì hoàn cảnh đã đổi thay và những nhánh sông xưa không chảy lại đầu nguồn. 

Gái Huế

Gái Huế cười duyên sau nón Huế
Trái tim bọc vải quấn trăm vòng
Lòng như biển động còn e lệ
Tình nấp đằng sau những chấn song

(Hà Huyền Chi)

Vậy là tôi có được buổi chiều đầu tiên với một người con gái Huế.

Những buổi chiều sau đó là câu chuyện dài của anh học trò nhà quê và Con Yêu Bánh Nậm “cả gan tháo vải quấn trăm vòng”. Huế ơi! Những vòng vải tơ lụa bọc điều: Vòng cho mẹ, vòng cho ba, vòng cho anh em, vòng cho họ hàng, vòng cho phố phường, vòng cho trường Đồng Khánh, vòng cho mấy chàng Quốc Học, vòng cho núi Ngự Sông Hương, vòng cho ký ức, vòng cho tương lai, vòng cho mưa dầm suốt tháng… Những vòng quấn càng lơi dần, âm hưởng của trái tim càng kỳ diệu. Cho đến khi trái tim về lại thuở hồn nhiên thì tất cả chỉ còn là hư không và im lặng. Sự im lặng hồi sinh cho một mối tình đầu… Huế quá!

Tình cảm gái Huế như trái nhãn lồng Đại Nội. Trái nhãn nội phủ tự nó vốn đã trơn tru, dày cơm, mọng nước rồi. Chỉ cần cắn vào trái nhãn căng tròn sức sống thiên nhiên cũng đủ ngọt ngào, sóng sánh cả môi, răng. Vậy mà người Huế cũng phải đem mo cau hay giỏ tre để lồng lại; để bó những trái nhãn trầm mình trong khuôn khổ. Những trái nhãn lồng là hiện thân của những người con gái Huế. Phải biết lồng trái tim giữa mùa ươm trái dậy thì. Mơ mộng, lãng mạn, đam mê, vương vấn, dậy sóng tới đâu… thì cũng phải “lồng” mới chín mọng, mới ngọt ngào, thơm tho, danh giá được.

Trong cái lồng chật hẹp đó, người con gái Huế có một thế giới lồng lộng bên ngoài chiếc lồng để ước mơ và nhìn ra xa bên kia chân trời giới hạn. Bứt ra khỏi chiếc lồng là thành nhãn chùm, nhãn hoang, nhãn ngang, nhãn mớ… chứ đâu còn là “quý phái nhãn lồng” nữa! Ước mơ và thực tại cùng lớn lên với nhau như bóng với hình. Và có chàng trai Bắc kỳ, Lữ Yên, một lần đến Huế đã thấy được:

Những đôi mắt trữ tình sau chiếc nón
Những nồng nàn cuốn nhỏ vấn trong khăn
Tay không nắm, sợ ôm choàng vũ trụ
Chân ngại ngùng líu ríu giẫm lên trăng

“Líu ríu” mà dám “giẫm lên trăng” thì chỉ có mấy o gái Huế mới “bạo ngầm” đến thế mà thôi. Những nàng xứ Bắc có bao nhiêu là hội hè đình đám, hát ví, hát dặm… quanh năm để hẹn hò và trao gởi. Những nàng con gái xứ Nam cũng có nhiều dịp để cất cao điệu “lý qua cầu” trên mái chèo, giữa cuộc vui bên những đồng bằng và kinh rạch cho “người dưng khác họ đem lòng nhớ thương“. Chỉ có mấy o gái Huế mới “ngó làm chi mây trắng xa xôi, mắt buồn quá chao ơi là tội” như Mường Mán bắt gặp từ trong nếp cũ. Đó là sự cố gắng làm ngơ hay làm bộ chối bỏ chính mình để “đan một chiếc lồng nhỏ, nhốt hết vầng trăng khuya“!

Con Yêu Bánh Nậm cũng không dám bứt phá chiếc lồng, nhưng lại dám hé mắt nhìn quanh và chúm môi… huýt gió. Sự ngổ ngáo dấy loạn trong vườn, gây bão tố trong ly nước làm cho những cô gái lồng son lắc đầu ngỡ ngàng, nhưng trong thâm tâm lại cảm thấy như được chia sẻ một mảnh trời tự do đầy thích thú! Con Yêu Bánh Nậm dám cười to trong đám đông; dám ngồi xổm ăn bánh bèo giữa chợ; dám lè kè ôm chuyện kiếm hiệp Cô Gái Đồ Long đọc say sưa trên bến đò; dám tranh cây cà-rem với gã học trò con trai trong lúc mấy cô gái “con nhà” lắc đầu le lưỡi. Nghĩa là Con Yêu Bánh Nậm dám sống “nổi loạn” một cách nhẹ nhàng như… Huế!

Tính “cà lắc” của những Con Yêu Bánh Nậm cũng là cách biểu hiện sự nhanh trí, bén nhạy và tinh thần hài hước ngầm kiểu Huế. Trên mặt hồ tĩnh lặng, vẫn cần hình ảnh linh hoạt của những con chim bói cá; trong nếp sinh hoạt êm đềm tới mức trầm mặc của Huế vẫn cần những tiếng cười vui hồn nhiên của tuổi trẻ. Con Yêu Bánh Nậm là tuổi trẻ của tuổi trẻ – thích cười nhưng sợ hở mười cái răng – của Huế.

Khi nói về gái Huế, hay người phụ nữ Huế thì cả khách Huế lẫn người Huế thường ngại nói đến nỗi mâu thuẫn do sự giằng co giữa ước mơ và thực tế; giữa nhu cầu và đạo lý; giữa đam mê và nếp cũ; giữa quá khứ và bây giờ. Có lần Nguyễn Khoa Diệu Hiệp đã nhắc lại lời ai đó khi nói về Huế – có lẽ về người đàn bà Huế thì đúng hơn – rằng: “Huế đau thương nhưng vẫn dịu dàng, thùy mị và sôi nổi; Huế đa tình mà vẫn chung tình; Huế lãng mạn và Huế đoan trang, Huế thâm trầm và kín đáo; Huế nghèo nhưng quý phái và trang nghiêm…” Làm sao cô gái Huế suốt đời phải đóng vai người leo núi, cứ cheo leo hoài giữa đỉnh cao và vực thẳm cho được. Cố leo lên cao trong sự mệt mỏi rã rời mà dễ dãi buông tay là sợ rơi vào vực thẳm. Đỉnh cao là khát vọng mà vực thẳm là bên ngoài nền đạo lý khắt khe. Hình như số phận của người con gái Huế là phải lựa chọn một thái độ sống có quá ít quyền lựa chọn. Một số phận đã được đặt định theo nghi thức cổ kính muôn đời như người phụ nữ theo đạo Hồi phải che mảnh vải âm u trên khuôn mặt diễm kiều chỉ vì phải ở trong vòng gia giáo ấy.

Cái tài tình của người con gái Huế là vẫn thản nhiên leo núi với đôi cánh vô hình của một loài chim với những bước chân có vẻ êm đềm trên gai góc của cảm xúc để đi vào tương lai. Dốc thẳm, rừng xanh, vực sâu, gió chướng và mây trời lồng lộng… không phải là nỗi gian truân mà trở thành hương hoa tô điểm cho một hướng nhìn, một cách sống truyền đời của Huế. Tình yêu đầu đời với người con gái Huế là một chuỗi sao băng của tình cảm. Sự nồng nàn chỉ dám lóe lên từ sâu thẳm và ẩn giấu một nơi nào đó giữa khe suối tình tự rất riêng tư của một mình hay hai đứa. Biển tình của Huế, thường lặng lờ mà dậy sóng như ý của Chế Lan Viên: Bên trong “tình yêu như lửa đỏ mà bên ngoài vẫn cứ trắng như không”. Lối biểu hiện tình cảm e ấp của loài mẫu đơn – vương giả chi hoa – đó đã làm cho bao nhiêu chàng trai một thời hay mãi mãi đòi đoạn ruột gan vì bị nhiễm “bùa yêu” xứ Huế!

Tôi là một trong những chàng trai bị “nhiễm bùa” từ Con Yêu Bánh Nậm Đông Ba!

Nhưng bùa ngải nào rồi cũng có ngày hết linh ứng, nếu không có một tấm lòng nguyên khối ngự trị bên trong. Con Yêu Bánh Nậm có cả một lấm lòng dạt dào như thế.

Ngày tôi nắm được bàn tay búp măng nhỏ nhắn và ấm áp của của em trong tay tôi thì Con Yêu Bánh Nậm đã ngoan ngoãn từ bỏ lốt “Yêu” để hiện nguyên hình là Người Em Đông Ba. “Bùa ngải” thuở học trò trên bến đò Thừa Phủ, dưới ánh trăng Hoàng Thành rồi “mai tê” cũng chỉ còn là hoài niệm. Bùa ngải thượng thừa nhất của những Con Yêu Bánh Nậm xứ Huế là tình cảm chan chứa, nét duyên dáng mặn mà và tấm lòng chịu thương chịu khó trong hạnh phúc hay giữa cô đơn như điệu hò ru con cất lên đòi đoạn trong đêm:

Đêm khuya cầm bốn tao nôi,
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương!

Và cái “duyên thầm” của gái Huế là để cảm nhận chứ rất khó để nắm bắt hay tô vẽ bằng màu sắc, diễn tả bằng lời, ghi dấu bằng năm tháng. Nguyễn Bắc Sơn, dù đã “mái tóc mây trời” vẫn còn rung động qua cảm nhận “một chút mặt trời rơi vào ly nước lạnh” khi nghe giọng nói ân tình và nhìn mái tóc sông Hương của cô gái Huế:

Tôi ra quán cà phê, trò chuyện cùng cô gái Huế,
Giọng nói Hương Giang, giọng nói ân tình.
Ta mà cũng có người yêu mến nhỉ?
Tóc mây trời bên mái tóc em xanh.

Cũng có khi chỉ gặp nhau một thời hay một lần thôi. Rồi những vầng trăng đi qua. Những đám mây trắng đỏ vàng xanh ngày xưa không còn nơi cố xứ. Nhưng tôi vẫn cứ gặp lại hoài một quê hương không có điểm khởi đầu và kết thúc. Từ một nơi lạc đường trên đất Mỹ, tôi tần ngần dừng lại và nhắm mắt để được gần với dòng sông thật hiền, bên mái tóc em xanh.

Nguồn: http://www.trankiemdoan.net/van/taptruyen/conyeubanhnam/cybn-cybn.html

Comments are closed.