Văn Hải ngoại sau 1975 (232): Hồ Như – Giấc mơ thiên đàng

GIẤC MƠ THIÊN ĐÀNG

Hôm qua có lời đồn rằng hiến cơ thể cho y khoa sau khi chết sẽ được lên thiên đàng, hôm nay người ta đổ xô đi làm thủ tục dâng tặng. Bình thường hàng người ở Ban Xe Cộ đã dài lắm rồi, hôm nay còn dài hơn nữa. Tôi dậy trễ hơn đa số mọi người, cho nên đến khi tôi lái xe đến nơi, chỗ đứng cũng không còn nói gì đến chỗ đậu xe. Mấy người đứng cuối hàng nhớn nhác cố nhìn lên đầu hàng, mặt đăm chiêu nhăn nhó. Chờ lâu quá hả, tôi gợi chuyện. Người phụ nữ đứng cuối cùng nghiêng vào tai tôi thì thầm: không biết có hạn định số người không nữa. Tôi lái xe về, vì nhắm rằng hàng người đang đứng kia đã quá đủ cho nhân viên trong ban tất bật đến quá giờ tan sở, vì muốn kiểm chứng xem có thật hiến tặng cơ thể sẽ chắc chắn được lên thiên đàng hay không, và vì muốn biết thêm có giới hạn số người hay không, để khỏi phí công tìm cách xếp hàng ngày mai.

Thượng Đế của chúng tôi, như những vị tối cao ngự ở những thế giới khác, không có hình dáng và tiếng nói. Như thế cũng tiện, vì chúng tôi, những con người lau nhau nhăng nhít dưới cõi trần tục, có thể ôm ấp trân trọng những bóng sắc và âm thanh thượng đế riêng cho mình. Với riêng tôi, đôi khi đấy là Cary Grant nam tính, Brad Pitt trai trẻ, hoặc Clint Eastwood rất ngầu. Suy ra từ đó, tôi chắc thượng đế của các ông rất nhiều khi có đường cong bốc lửa và giọng nói như hơi thở. Tôi cũng tin rằng Thượng Đế sẽ thấy chuyện này là buồn cười hơn đáng giận (khi ngài cười, giọng cười ấy có giống Alain Delon không nhỉ?).

Mặt khác, không nhìn thấy và nghe thấy Thượng Đế cũng sinh ra lắm đều bất tiện. Chẳng hạn khi có ai đó, thậm chí chức sắc cao cấp của ngài, truyền lại thông điệp của ngài, lũ người yếu đuối, tham lam và đa nghi như chúng tôi phải làm sao? Tin hay không tin? Vâng theo hay không vâng theo? Lời các vị chức sắc chắc như bắp, nói ra với vẻ tín mộ sâu sắc, kèm theo những chi tiết u linh như giọng nói sấm rền hoặc bụi cây bốc cháy chẳng hạn, nhưng chúng tôi luôn tỉnh cơn mê nếu câu chuyện ấy dẫn đến một kết luận không hứng khởi kiểu không được ham của nhà người, không được ăn thịt heo… Nghe nói ở một thế giới khác đã có bọn vô thần đi kiện cả con trai của Thượng Đế vì muốn chứng thực những lời vàng ngọc của vị quý tử ấy đã được ghi chép cẩn thận trong các cuốn kinh thiêng. Cũng may, Thượng Đế của chúng tôi, tuy vẫn muốn giữ hành tung bí mật (chắc hẳn sợ bọn báo chí theo dõi săn tin), nhận thức rõ sự nghi ngại tiềm ẩn trong những sinh vật ngài đã tạo dựng nên theo khuôn mẫu của chính ngài, đã lập một trang mạng riêng để cho chúng tôi biết ý ngài. Theo những nhà chuyên môn và những báo cáo, trang mạng có tất cả những chương trình chống phá hoại và len lách mới nhất và hơn thế nữa để duy trì mức an ninh tối cao xứng đáng với đại diện của đấng tối thượng. Cho đến nay, tuy đã có nhiều lần các nhóm len lách mạng tuyên bố đã nắm được khóa vào của trang Thượng Đế, những lời tuyên bố đó chưa bao giờ được xác nhận chính thức. Như thế, chúng tôi giữ lòng tin dè dặt vào những gì xuất hiện trên trang mạng, lòng tin thường được nhân đôi nhân ba rất nhanh nếu có người chung quanh đã tin và đã làm theo những điều trên trang mạng ấy.

Giả tỷ như lần này. Sáng sớm ngày hôm qua, mới thức dậy tôi đã thấy tin đồn rải rác trên mạng về chuyện hiến thân thể thì được lên thiên đàng. Tin này cũng được loan ra bằng năm dòng gửi lên trang mách nhau những chỗ bán hàng hạ giá, gần như không đọc được vì quá nhiều những ký hiệu khích động, hưng phấn cũng như nhiều dấu hỏi và ba chấm. Đùa nhau kiểu này (hàng rẻ quá mức đáng tin tưởng) cũng thường thôi, và đôi khi tôi cũng gửi thêm vài dòng xác nhận nửa vời (mới nghe tụi bạn cũng mách tin này…) rồi ngồi trước màn hình cười ha hả khi nghĩ đến vài ba kẻ dễ tin đang phóng xe hết tốc độ đi mua món hàng ấy. Nhưng mới sáng sớm, café mấy ngụm chưa đủ ngấm nên tôi ngáp dài, vươn vai trong khi gồng mình trong trí tưởng để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Suốt ngày, các trang mạng đăng lẻ tẻ vài dòng, rồi cuối ngày những nguồn thông tin đáng tin cậy nhất đồng loạt ra hàng tít về chuyện này. Lúc ấy Ban Xe Cộ đã đóng cửa từ lâu, nhưng các bản tin buổi tối vẫn có vài cuộc phỏng vấn những người toe toét hả hê vì đã bắt kịp thời cơ.

Bỏ hàng người dài dằng dặc ở Ban Xe Cộ, tôi về bàn làm việc riêng của mình, trong căn phòng rộng đột nhiên im ắng hẳn so với ngày thường: rõ ràng có ít nhất vài đồng nghiệp của tôi đang xếp hàng đâu đó ở những chi nhánh Ban Xe Cộ khác nhau. Không buồn xem hôm nay có việc khẩn cấp gì, tôi vào trang mạng của Thượng Đế kiểm tin. Quả thế, một cột tin nằm khiêm nhường giữa những lời khuyên bảo và răn đe của Thượng Đế cho biết sự kiện giảm giá của thế kỷ đã được phê chuẩn: nếu tặng cơ thể cho y khoa khi chết, người ta không cần phải qua phán xét cuối cùng (nghe đâu cũng chờ đợi lâu lắc không kém chờ ra tòa) mà được chuyển thẳng lên thiên đàng. Với những kẻ như tôi, ngập ngụa trong tội lỗi từ đầu đến chân, cơ hội trúng số độc đắc đã đến, tuy phải cho đi một phần tối quan trọng của cuộc sống, nhưng khi chết rồi chẳng phải cơ thể chỉ còn là bó da bọc xương thịt hay sao? Lúc ấy, mặc kệ cơ thể bị mổ xẻ thế nào, vì linh hồn tôi, phần cao thượng của con người tôi thường được Thượng Đế nhắc đến nửa ca ngợi nửa dọa dẫm (đúng kiểu vừa đập vừa xoa của Nghị Quế với chị Dậu) sẽ có được sự sống đời đời ở thiên đàng, nơi chắc chắn phải trội hơn những thiên đàng trần tục thường được ca tụng như Hawaii hay là Bali chẳng hạn. Cả ngày tôi không làm việc được, ăn uống cũng không thiết, chỉ mơ màng nghĩ đến những cảnh giới cực lạc: không biết những chàng đẹp trai ở đấy có phục vụ tôi chu đáo không, tôi phải làm gì để có thêm quyền lợi phụ trội ấy? Chưa đến 10 giờ tối tôi đã nằm trong giường, dù không ngủ được cũng phải nằm yên đợi trời hừng sáng để đến Ban Xe Cộ xếp hàng.

Cũng may tôi không ngủ được, và giữa đêm quyết định đến Ban Xe Cộ xếp hàng, vì hóa ra tôi không phải là người duy nhất thao thức với viễn ảnh thiên đàng. Những bóng đèn điện tiết kiệm năng lượng sáng soi lờ mờ đám đông lặng lẽ xếp hàng trước cổng, trầm ngâm nhiều hơn là bứt rứt. Cũng phải, trong lúc cầu xin vé vào thiên đàng mà lại lộ ra hành vi xô lấn chụp giựt thì xem không được, hơn nữa biết đâu vì thế mà vào sổ đen không đạt chuẩn chương trình Hiến Thân Lên Thiên đàng nữa? Đã chuẩn bị sẵn, tôi mang túi xách đựng nước và thức ăn vội vã chạy vượt những người cũng đang muốn vào hàng, và nhờ lanh tay chân đỡ phải chờ năm sáu mạng, tính ra chắc cũng bớt được ít nhất ba mươi phút đến một giờ, vì ai cũng biết nhân viên nhà nước trong Ban Xe Cộ nổi tiếng lề mề, bao nhiêu tuổi cũng chậm như các cụ già tám mươi. Đứng ngồi trong hàng, cơn buồn ngủ lúc này mới đến làm tôi khốn khổ, những tiếng thì thầm chung quanh càng làm trĩu nặng thêm mí mắt. Tôi nhờ người đứng sau đánh thức dùm nếu hàng di chuyển, nhưng biết làm sao tin được những người đang đăm đắm nhìn cái cửa hẹp vào thiên đàng. Cũng may bốn năm tiếng sau Ban Xe cộ mới mở cửa làm việc, tôi cũng gà gật được một chút. Số phục vụ phát ra đến sau tôi ba người là hết, thật là hú vía và may mắn là tôi đã có thể chạy thục mạng như thế giữa ban đêm. Cẩn thận nhét tấm vé nhỏ vào túi quần jean chật xong (chắc chả ai dám móc túi trong lúc này, mà dù có bạo gan cũng móc không nổi, lát nữa, muốn lấy ra tôi còn phải toát mồ hôi nữa là), tôi gọi điện thoại cho xếp ở sở làm, ho hen vài tiếng xin nghỉ bệnh, chắc xếp cũng biết tỏng rồi nhưng hy vọng xếp thông cảm. Nếu tối nay xếp gọi lại hỏi thăm tôi sẽ tận tình chỉ dẫn cho xếp sau những kinh nghiệm ngày hôm nay.

Là một trong những người cuối cùng đến khung cửa sổ nhỏ của một nhân viên Ban Xe cộ, khuôn mặt bơ phờ của tôi không khác gì tấm gương soi khuôn mặt bơ phờ của người ấy, hai nếp nhíu giữa đôi lông mày, cái miệng trễ xuống không còn thể nào kéo ra hay thậm chí mím lại thành một nụ cười gọi là. Tôi luồn tờ đơn đã điền xong, ký hẳn hoi và thẻ lái xe qua khung cửa hẹp. Không buồn ngước lên xem tôi có thật sự giống như tấm hình in trên thẻ lái xe không, người ấy cầm con dấu đóng xuống mặt đơn, đặt lên chồng giấy ngất ngưởng bên cạnh. Tránh qua một bên, tôi nghiêng trái nghiêng phải nhìn chồng đơn, lo lắng sợ tờ của mình sẽ bị rớt xuống đâu đó trên đường đến người đánh dữ kiện vào máy, hoặc nhỡ người ấy cho dữ kiện sai thì làm sao? Tôi lầm bầm trách Ban Xe cộ đến thế kỷ này rồi mà chưa tự động hóa mọi thứ, đáng lẽ chỉ cần đưa tờ đơn vào máy chụp dữ kiện là bớt đi nhiều khả năng lầm lỗi. Lảo đảo bước ra khỏi tòa nhà, tôi tự an ủi rằng công sức bỏ ra để được chen vào cánh cửa thiên đàng của tôi cũng chưa là bao so với công đức của những người đã vào trước tôi, như tích thiện cả đời và tử vì đạo chẳng hạn.

o0o

Khi tôi mở mắt lần đầu tiên sau khi nhắm tịt cả hai không dám nhìn tai nạn kinh hoàng đang xảy ra với mình, ý nghĩ đầu tiên của tôi là: may quá, mình đã điền đơn kịp, bây giờ có chuyện gì đi nữa cũng không sao. Chưa chết thì nằm nhà thương cho khỏi, chết rồi thì được đến thiên đàng không cần mua vé máy bay. Tôi hí hửng một lúc, rồi định nhắm mắt tiếp, nhưng tôi chợt nhận ra một điều là lạ: tôi không còn trong chiếc xe chắc giờ đã bẹp nát, cũng không phải trên băng ca hoặc xe cứu thương, cũng không phải trên bàn giải phẫu hoặc giường bệnh viện. Một nơi chốn tôi chưa hề biết đến, một khoảng không có thể rất hẹp hoặc có thể rất rộng, vì quanh tôi là một màn sương mù dầy đặc không nhìn thấu qua được. Bật dậy, tôi thấy mình đang ngồi trên một làn sương mù tương tự. Thiên đàng đây chăng? Tôi đứng dậy, không chao đảo, nhưng không cảm thấy sự rắn chắc của một mặt phẳng dưới chân mình. Thiên đàng đây chăng? Tôi nhìn quanh, tìm cách xua đi làn sương chung quanh, nó tan đi nhưng phía sau nó lại vẫn là sương mù. Một màu trắng có thể là tinh tuyền nhưng cũng rất lạnh lẽo. Thiên Đàng đây chăng? Đã bao lần tôi mơ đến thiên đàng, mơ đến những áng cầu vồng và kiến trúc tráng lệ. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến khả năng rằng nó sẽ hoang vắng và lạnh lẽo như bây giờ. Không, thiên đàng rực rỡ trong những phút mộng ảo của tôi đâu có… như thế này. Mình đang ở địa ngục sao? Lẽ nào mình thực sự đã là nạn nhân của lầm lỗi con người trong khi chuyển dữ kiện vào máy? Hoặc tội lỗi của mình ghê gớm quá nên đơn hiến mình để được vào thiên đàng đã bị bác? Tim đập càng lúc càng mạnh, tôi xoay mình tứ phía mong nhìn được một điều gì đấy. Mồ hôi bắt đầu rịn ra trên cánh tay, mang lại cảm giác lành lạnh. Ồ, nếu tôi thực sự ở địa ngục, tại sao không thấy lò lửa và vạc sôi?

Tôi bước đi, thoạt tiên hơi dò dẫm vì không biết mình có sắp bị hụt chân té xuống đâu không. Tôi cũng không dám lên tiếng gọi, vì tôi không chắc sự xuất hiện của một người/sinh vật/thực thể nào đó sẽ không làm tôi thấy ngỡ ngàng hoặc hoảng hốt. Hình như đã có lần tôi có một cơn ác mộng như thế này: lần mò trong màn sương, không biết mình đang ở đâu, sợ hãi và lẻ loi đến muốn khóc. Khi choàng dậy tôi thấy tim mình đập thình thịch trong lồng ngực, và tiếng xe chạy ngoài con đường lớn thường làm tôi khó ngủ lúc ấy lại mang đến một cảm giác yên ấm an toàn khó tả. Nghĩ đến đấy, không đừng được, tôi nhếch một nụ cười khá cay đắng. Trải qua biến cố nào đi nữa, tôi vẫn là một thành viên của loài người ngố và ngốc đang nhận ra bãi cỏ bên kia hàng rào không xanh non như trong tưởng tượng.

Khi bước chân của tôi vững vàng hơn, và khi tôi bắt đầu sốt ruột tự hỏi chừng nào tôi mới ra khỏi lớp sương mù, một tiếng “này” vang lên đâu đó trong màu trắng đục chung quanh. Tôi ngừng lại, nghe ngóng.

– Này, đứng yên đi, té xuống bây giờ

Té xuống đâu? Ai nói thế? Tôi căng mắt láo liên nhìn bốn hướng.

– Nhìn đi đâu thế? Dưới đây này.

Nhìn xuống, tôi thấy một dáng người gần bên, rồi một bàn tay níu lấy tay tôi, trì xuống. Kinh hoảng, tôi giật tay lại, nhưng không thể.

– Ngồi xuống, đừng sợ.

Nếu chuyện này xảy ra hôm qua, ở nơi chốn trần gian quen thuộc, có lẽ tôi đã phật lòng cãi lại. Nhưng dường như tôi sợ thật. Sự xa lạ dễ gây nên cảm giác bất an, nhất là khi màn sương tưởng chừng chỉ là hơi nước bắt đầu có cảm giác như một bức tường vô tận.

Khi tôi ngồi xuống, mặt nền dưới chân không cứng như tôi nghĩ, và hình dáng bên cạnh hiện rõ hơn. Một cậu trai có đôi mắt tươi cười và cái nhếch mép chắc hẳn già hơn tuổi. Hai chân cậu đong đưa cạnh một bờ vực, có lẽ là nơi cậu e tôi sẽ té vào. Dưới hai bàn chân trần của cậu, vẫn là lớp sương mù trắng toát.

– Chị mới đến phải không?

Không đợi tôi trả lời, cậu nói tiếp: Tôi chưa thấy chị bao giờ, và không ai ở đây đi xăm xăm đến suýt rớt xuống như chị.

– Đây là đâu?

Tôi nuốt hai chữ “thiên đàng” vào bụng, lỡ cậu ta sẽ phá ra cười. Giọng cậu ta rất thản nhiên: Thiên đàng, rồi đổi thành uốn éo như cải lương: Quý vị là số ít chọn lọc. Không biết cậu ta có nhìn thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi không, nhưng cậu ta phì cười: Chọn lọc, thật là…

o0o

Chỉ cần một thời gian (dường như dài dằng dặc) ở thiên đàng là tôi hiểu thấu đáo, hiểu đến nhức nhối và tê dại nụ cười của cậu con trai ấy. Tôi vẫn chưa biết tên cậu, vì khi tôi hỏi cậu gạt đi: ở đây chả có chuyện tên tuổi gì cả. Dĩ nhiên cậu cũng không biết và không hỏi đến tên tôi. Cậu lịch sự gọi tôi là chị, nhưng khi tôi gọi cậu là “em”, cậu nhìn tôi, môi hơi bĩu ra, và hỏi: chị có biết tôi đã ở đây bao nhiêu lâu rồi không? Một câu nhắc khéo tuổi tác đấy ư? Tôi trả đũa: không phải ở đây chả có chuyện thời gian hay sao? Cậu cười giòn, vẻ vừa ngạc nhiên vừa tán thưởng. Sau đó, cậu giải thích rằng đã lâu lắm cậu mới nghe thấy một câu đùa giỡn như thế. Ai đến đây cũng muốn biết thiên đàng có những gì, tuyệt như thế nào…

Rồi tất cả đều thất vọng, đúng thế không? Tôi hỏi cậu, sau một khoảng thời gian chính tôi cũng không biết bao lâu. Cậu nghiêng nghiêng đầu, ngắm nghía tôi một lúc, nhìn thật rõ khuôn mặt đang chảy dài của tôi (tôi đoán rằng thêm ít lâu nữa, cằm của tôi sẽ đụng đến ngực mất thôi), rồi nói, giọng dịu dàng hơn thường lệ: câu hỏi đại loại như thế, tôi chỉ có một câu trả lời, rằng nếu chị thất vọng với thiên đàng, chị hãy nghĩ xem địa ngục sẽ như thế nào.

Câu nói ấy quả thực hiệu quả. Tôi co rúm người hơn nữa trong màn sương lạnh lẽo khi nghĩ đến những viễn ảnh tồi tệ hơn của địa ngục: những lò lửa lớn và những vạc dầu sôi. Nhưng nếu thiên đàng hoàn toàn không như tôi (và đại đa số loài người) đã tưởng tượng ra, thì chắc địa ngục cũng phải khác lắm chứ. Cậu bé kiên nhẫn tiếp: ý tôi là, chị “xuống cấp” thiên đàng thế nào thì cũng nên xem xét “xuống cấp” địa ngục như thế. Tôi ngẫm nghĩ thêm một lát, rồi hỏi cậu có biết địa ngục là như thế nào không. Cậu nhìn xuống màu trắng đục dưới bờ vực nơi chúng tôi ngồi: chắc nó ở đâu đó dưới kia.

Cậu là một thiên thần, một người của thiên đàng được mang danh xưng đẹp đẽ ấy vì đã nhận thêm nhiệm vụ hướng dẫn những người mới đến như tôi. Như thế, cậu chính là cố vấn cho tôi hỏi han mọi thứ. Có điều, tôi tha hồ hỏi còn cậu giữ vững quyền không trả lời. Chẳng hạn, cậu tươi cười khoe răng mà không hề hé răng khi tôi hỏi: sao không thấy ai khác? Khi nào mới có nắng?…Khi tôi hỏi cậu làm sao giữ được vẻ vui tươi của mình, cậu ghé lại gần tôi, như thể thổ lộ một điều gì bí mật lắm: nhờ những người như chị đấy. Họ còn nhớ chuyện trần gian, còn thích kể và nói chuyện. Đấy là lý do chính tôi nhận nhiệm vụ hướng dẫn “tân binh”. Khi cậu lùi lại, vẫn với nụ cười trẻ trung, tôi nhận ra cậu sắp đứng dậy khỏi chỗ ngồi bên cạnh tôi, biến mất vào màn sương như chưa từng hiện hữu. Tôi nhận biết điều ấy như nhận biết những thớ thịt đang tê cứng dần dần trên khuôn mặt tôi. Như đầu óc tôi dần lờ mờ những ký ức trần gian, khuôn mặt tôi đang dần quên nụ cười, và khoảng cách giữa những câu nói của tôi càng lúc càng kéo dài.

Quả thật thế, sau đó khi tôi mở mắt nhìn, chỗ ngồi bên cạnh đã trống. Tôi lục lọi cố nhớ lại những gì cậu đã nói cho tôi biết, để trao đổi cho những chuyện tôi kể lể về trần gian, từ cảnh mặt trời lặn đến đường phố đến cuốn phim tôi mới xem và bài thơ tôi còn nhớ được.

Hóa ra thiên đàng không phải là chốn lạc thú, mà là nơi của lãng quên. Chẳng những quên, chính sự hiện hữu sẽ dần dà trở nên mơ hồ như màn sương mù. Hạnh phúc thực sự là như thế sao, trong mắt nhìn của Thượng đế? Hình như tôi đã hỏi cậu bé như thế. Thoạt tiên cậu nói cậu không có quyền tuyên bố lăng nhăng (như thể khi nhận làm thiên thần cậu đã phải ký rất nhiều giấy tờ cam đoan bảo mật), nhưng trước lúc biến mất, cậu thì thầm vào tai tôi những lời này: Thượng Đế không có cảm xúc và nghĩ rằng cảm xúc là một khiếm khuyết của con người. Không có cảm xúc nên ngài cũng không hiểu cảm xúc. Không hiểu cảm xúc thì làm sao ngài có thể ban phát hạnh phúc? Cho nên thay vì hạnh phúc, thì ngài chọn hướng ngược lại là không có thảm khổ, và nếu tất cả, khối óc và trái tim con người đều trống rỗng và mờ đục như màn sương mù này, đấy cũng có nghĩa là không sầu khổ.

Tôi muốn cười phá lên với giọng mỉa mai, nhưng dường như tôi chỉ thở ra nhè nhẹ vào hai bàn tay úp vào khuôn mặt cúi gầm của mình.Tôi sắp quên hết rồi, sự hiện hữu của tôi sẽ chỉ còn man mác, hư hư thực thực như màn sương trắng chung quanh. Có hiện hữu hay không, chính tôi cũng không biết, và không ai khác cần biết đến. Nhưng tận sâu thẳm trong con người tôi, lúc này rõ là “đã chết”, bản năng sinh tồn hình như vẫn còn đang vùng vẫy. Nó muốn có hình dạng, có cá tính, dù với bất cứ giá nào. Tôi đã rời trần gian, và đang lơ lửng nơi thiên đàng, còn chốn nào khác để giữ lại hiện hữu thực sự?

Những ngón tay của tôi mở ra, tôi thấy mình nhìn xuống màu trắng đục không vực bờ dưới chân. Vạc dầu, lửa nóng, những vòng gai…nỗi sợ siết lấy hơi thở tôi, nhưng bản năng sinh tồn lại cuộn lên, đòi hỏi một vận mệnh cuối cùng…

o0o

Lớp sương dần tan đi trong mắt, tôi bắt đầu nhận ra trần nhà màu trắng, bức tranh vẽ cánh đồng cỏ lấm tấm hoa trên tường cũng màu trắng, và không khí tẩm mùi thuốc men và chất tẩy rửa. Một bóng người thoáng qua trong khoảng không gian ấy, tiếng lanh canh nhè nhẹ của những vật dụng va vào nhau. A, cô ta tỉnh rồi đấy. Tôi muốn quay đầu nhìn, nhưng cái cổ không chịu nghe lời, chỉ có hai con ngươi tò mò dồn về phía giọng nói. Một đôi mắt màu nâu đang nhìn xuống, một sự quan tâm hững hờ và máy móc. Chị tỉnh rồi à.

Hình như sau đó tôi lại thiếp đi. Lần sau khi tôi mở mắt, khoảng không gian chung quanh không còn ai, chỉ còn ánh sáng lạnh lẽo của ngọn đèn neon. Tôi dần dà tìm lại nhận thức của mình, và nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng trước tai nạn. Vẫn nằm dài trên giường, tôi quýnh quáng (nếu những cử động chậm chạp lúc ấy có thể phản ảnh đúng cảm giác của tôi) kiểm soát lại thân thể, xem có bị thiếu hụt bớt phần nào không. Chỉ khi tôi mơ hồ cảm nhận được tất cả 10 ngón tay và 10 ngón chân, không cảm thấy vết băng bó trên mặt, tôi mới thở phào nằm yên lấy lại sức.

Ngày hôm sau, khi ra viện, tôi đã biết đại khái tuy chiếc xe của tôi đã hoàn toàn thành phế liệu, ngoài vài ba xây sát nhẹ tôi chẳng bị sao cả. Người ta chỉ cho tôi ngủ nhiều để làm dịu những phản ứng tâm lý và thể chất của nỗi sợ hãi tôi phải trải qua. Cô y tá có đôi mắt màu nâu, và vị bác sĩ đạo mạo ít cười cùng nói rằng tôi đã rất may mắn (cô y tá với một nụ cười và ông bác sĩ với vẻ trầm tư như đang suy ngẫm điều gì rất sâu sắc). Tôi đã gật gù cho có lệ khi nghe những lời ấy, trong lúc nghĩ thầm nếu thực sự tôi may mắn thì tôi đã có thể thoát khỏi cõi đời nhiều phiền toái này để lên thiên đàng. Vé vào cửa tôi đã có, nhưng mà chưa đến được cánh cửa đấy thôi.

Mấy ngày sau, trở lại làm việc, lại có những lời trầm trồ khác về sự may mắn bất thường và kỳ diệu của tôi. Bạn trong sở nói tai nạn của tôi đã lên tin tức, và khi nhìn hình ảnh chiếc xe của tôi bẹp dí giữa một xe tải mười bánh và một chuỗi xe ngổn ngang chung quanh, họ không thể hình dung người lái có thể thoát chết và lại rất ít thương tích như thế. Giữ một nụ cười (gượng) cho phải phép, tôi buồn rầu nghĩ rằng may mắn và xui xẻo thực hoàn toàn tùy quan điểm. Lẽ ra tôi đã đến thiên đàng rồi ấy chứ, xá gì cuộc sống đi cày, ăn, ngủ thiếu cảm hứng như bây giờ. Buổi chiều tan sở, tôi gọi xe taxi đến Ban Xe Cộ. Lúc ấy họ đã đóng cửa, mà dù họ có còn làm việc thì sao chứ? Chuyện hiến cơ thể cho y khoa sau khi chết sẽ được lên thiên đàng như thể chỉ là một giấc mộng. Họ chẳng thể nào kiểm chứng cho tôi xem điều ấy có thực không, hoặc tôi có thực sự nằm trong danh sách không. Tôi hỏi họ, họ biết hỏi ai, vì họ cũng như tôi, không nhìn thấy và nghe thấy Thượng Đế.

Những tư tưởng khá u ám này, hoặc theo những chuyên gia có thể là chứng u uất sau một biến cố gây chấn thương tâm lý, có lẽ đã làm nẩy sinh trong tiềm thức của tôi một giấc mơ lạ. Tôi thấy mình ngồi sát một bờ đá, bên cạnh là một cậu trai có đôi mắt tươi cười và cái nhếch mép dường như già hơn tuổi. Cậu hỏi tôi, như thể chúng tôi đã quen thân, chị có khỏe không, mọi chuyện bình thường chứ. Tôi không chắc đã gặp cậu bao giờ chưa, nhưng cậu là người đầu tiên và duy nhất tôi có thể trút ra nỗi tiếc nuối pha lẫn chút oán hận rằng tôi đã lỡ một dịp đến thiên đàng. Cậu không trả lời ngay, chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt sáng thoáng vẻ cân nhắc, có lẽ là cân nhắc xem cậu phải an ủi tôi như thế nào. Không muốn nhìn thấy vẻ thương xót (có thể) của cậu, tôi quay mặt đi, nói điều tôi dùng để an ủi chính mình: ít ra thì cũng không phải là rơi vào địa ngục.

Nói xong, tôi nhìn cậu, tìm một sự đồng tình xác nhận. Cậu nhìn thẳng vào mắt tôi, môi hơi mấp máy. Cậu rất cố gắng, hình như thế, rất cố gắng muốn đồng tình. Nhưng đột nhiên gương mặt cậu biến đổi hẳn, những đường nét tan chảy và hòa nhập vào một thứ tự mới trong khi cậu phá ra cười.

Cậu cười, cười rất giòn, cười mãi cho đến khi tôi giật mình thức dậy.

Hồ Như (09/2014-04/2020)

Văn bản do tác giả cung cấp.

Comments are closed.