Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 100): Đỗ Kh. kẻ giải hoặc

Đặng Tiến

Vào đề, xin phép được đưa ngay lời cảnh giác: những bậc nghiêm trang chớ nên đọc Đỗ Kh., nhất là tập truyện ngắn hắn mới xuất bản: Không khí thời chưa chiến (1). Bậc nghiêm trang gồm nhiều thành phần độc giả, những người có khả năng – hay nguy cơ – được xếp hàng yêu nước. Đại khái: trí thức, việt kiều, tín hữu, v.v. Thuộc nhiều giai tầng khác nhau, thường thường họ ngồi gần gần nhau ở nhiều địa điểm: niềm tin ở đất nước, dân tộc, lịch sử, truyền thống, thuần phong mỹ tục, sứ mệnh văn học, v.v. Bọn choai choai dại miệng có lúc xếp họ lên hàng bảo thủ.

Đọc văn thơ Đỗ Kh. họ sẽ rước bực mình, những bực mình tức không thể nói, vì lối viết lách nhố nhăng của Cây gậy làm mưa này. Phần tôi ngược lại rất khoái văn chương Đỗ Kh. trong Không khí thời chưa chiến. Đỗ Kh. suy nghĩ sắc bén, nhận xét tinh vi về cuộc sống và anh diễn tả tân kỳ, linh hoạt bằng bút pháp độc sáng. Truyện Đỗ Kh. làm mới văn học Việt Nam, từ hình thức đến nội dung. Anh ném vào văn học cái nhìn mới của lớp trẻ, về những giá trị của cuộc đời, không phá phách mà không khoan nhượng. Đỗ Kh. tàn nhẫn và nhân ái, phân tích lúc lạnh lùng khi nồng thắm, để đến nhũng tổng hợp thực tế và độ lượng. Tổng hợp chuyện đời có khi trực tiếp nhưng thường ẩn dụ.

*

Ai ghét Đỗ Kh., trước hết vì lối viết, cách dựng chuyện, dùng chữ đặt câu; sau nữa mới ghét nội dung khiêu khích: điều sau này không phải ai ai cũng thấy. Vì giận lối viết, người đọc không thèm nhìn anh viết gì, để làm gì và đi đến đâu. Tay Đỗ Kh. vừa láo vừa thâm. Bực hắn cái láo, mình không thấy ở hắn cái thâm. Hắn cười.

Mượn ngôn ngữ văn học, Đỗ Kh. đã phơi bày dưới ánh sáng của thời đại những băn khoăn, những câu hỏi lòng tự hỏi lòng, khi giữa lòng mình đang băng hoại những giá trị tinh thần xưa nay vẫn đắp nền xây móng cho đời sống tình cảm, đạo đức. Không khí thời chưa chiến là một giai đoạn ngắn trong thời đại, là tấm bia, cái mốc bên triền thời gian miên viễn; nó là tư duy của một cá nhân cụ thể, vào thời điểm nhất định, vào cuối thế kỷ XX, giữa một nhân gian đang nhạt mờ biên giới. Đỗ Kh. vẫn là người Việt Nam, vì tâm hồn còn thâm tím bầm đen những dấu vết cấu xé nhưng thuộc loại mà Đặng Thai Mai xưa kia định cư vào làng Bông Lông xã Ba La, một lữ khách không dừng bước giữa trần gian.

*

Truyện Đỗ Kh. đánh vào toàn bộ các huyền thoại làm nên tâm cảnh chúng ta. Phổ biến là tình yêu: trong đời sống, tình yêu là thực tại, trong văn thơ, thường trở thành huyền thoại – trái tim Trương Chi làm ví dụ cùng cực.

Truyện Đỗ Kh. thường chỉ có hai nhân vật, một nam, người kể chuyện, và một nữ, đối tượng của chuyện kể. Cũng có tương quan, giữa vợ chồng như trong truyện Không khí thời chưa chiến, giữa đôi bạn cũ như truyện Người đàn bà bỏ chồng giữa nhân tình nhân ngãi trong Một cành hoa một chặng đường xa… Nhưng tình cảm ấy mà gọi là tình yêu thì quá lời vì chỉ đừng lại ở tiếp xúc tầm thường; dù làm tình, động tác ấy cũng không truyền đạt một tâm cảm nào đặc biệt. Khi yêu, dù con tim không “mù loà” như có người hát, ta cũng khó bề quan sát kỹ như Đỗ Kh.

Quang lấy chân đá đá vào mặt nước ò ò sôi động. Lần này hắn nhìn Liên cởi bỏ quần áo. Cái legging vướng vít bám víu vào đùi. Liên cởi quần rồi mới cởi áo. Quang nhìn Liên kỹ càng. Vú Liên động đậy, nàng tháo cái kẹp tóc ra, khuôn mặt tròn lúc lắc. Sa mạc. Quần lót thể thao stretch co dãn, nàng lông đen. (ừ thì nàng lông đen, chẳng lẽ Liên lông vàng). Liên không lông vàng, Quang nhìn nàng” .

(Cách xa A Phú, truyện cuối, trang chót)

Câu chuyện cắt ngang, chấm dứt ở đây, trong cái nhìn soi mói, không rung cảm. Dòm phụ nữ đi qua đường, nhân vật Đỗ Kh. chỉ có một ám ảnh: “chơi ” được không?” Theo thói quen, hắn đếm nhẩm xem bao nhiêu người bề được, cô này bề được không, coi lại xem, ờ bề cũng được (…) bỏ cô tàu (…) giữ cô đen… bề được chứ, bề thử chơi. Nhìn mặt, nhìn lưng, nhìn ngực, nhìn đùi, nhìn ngang nhìn ngửa, nhưng hắn vẫn còn để ý tìm Bội Trân. Bội Trân, theo hắn nhớ, thì đẹp lắm, và dĩ nhiên là phải bề được, thế nào cũng khoái lạc khỏi cần cân nhắc.

(Người đàn bà bỏ chồng, tr. 76)

Bội Trân là bạn cũ, thân thiết ít nhất cũng hơn mười năm, đã xuất hiện trong Mười năm đàn bà đầu vú thâm trong Cây gậy làm mưa. Hơn mười năm lưu lạc, gặp lại cố nhân mà chỉ thắc mắc bề được không. Không biết ngày xưa, Kim Trọng có vậy không?

Truyện Một cành hoa một chặng đường xa có những đoạn tả tình táo bạo. Nhưng chỉ là tình dục, hay nói đúng hơn, là tính dục. Đỗ Kh. đã dùng ngôn ngữ “thô bỉ”, “nói tục” (chữ của anh) để tả rất tỉ mỉ cảnh làm tình (anh dùng một chữ khác, chính xác hơn), để đi tới kết quả không lấy gì làm phấn khởi: “Nhẫn nằm vật ra, quần lót ướt khó chịu” (tr. 93), còn người đàn bà: ” Kỳ này, cũng như những kỳ trước, chẳng kỳ nào duyên tới được đích cả (…) Quyên chỉ bảo: “Ờ, em vậy (…) Chỉ có cái em chẳng bao giờ tới, vậy thôi”. Vậy hả“. (tr. 94). Đỗ Kh., một mặt đi xa hơn cô gái trong truyện Nhã Ca “Chết cha, mình đang cảm động” (truyện Ngày đôi ta mới 1ớn), hay trong Nhà có cửa khoá trái của Trần Thị Ngh.: “Rồi sao nữa trời đất!” Mặt khác, Đỗ Kh. muốn ghi nhận lớp tro bụi của huyền thoại tình yêu đã bị đổ vỡ, ngay trong cao điểm của nó là phút giây ân ái. Ở Nhã Ca, Trần Thị Ngh. , người đàn bà còn kêu “chết cha“, “trời đất“; ở Đỗ Kh. nàng chỉ “Ờ em vậy, vậy thôi“. Kinh khủng.

Đỗ Kh giải hoặc bản năng sinh lý, không còn là tình dục, nó không có tình, thậm chí không cả dục; vậy nói “tính dục” cũng không đúng. Ví dụ hai người hành khách làm tình trên máy bay, trong phòng vệ sinh, sau khi thoả thuận qua mảnh giấy:

“- Còn bao lâu nữa tàu mới đến?

(…) Hắn giơ bút lên rồi viết tiếp:

Tôi với chị có thể làm tình trong nửa tiếng đồng hồ.

Hắn quay sang để đưa (…) Người con gái cầm nghiêng tờ giấy. Lâm rút ra từ trong sổ cái bao cao su ngừa bệnh phong tình bọc trong giấy bạc. Hắn đưa nàng vẫy vẫy (…) Hắn cười nhẹ, nàng cầm lấy” (tr.43).

Xong. Đã quá xa rồi, cái thời “tình trong như đã”… Và cũng xa rồi, đôi mắt cô Loan lấp lánh sau giàn đậu ván…

Cái khó với nhà văn là khâu kỹ thuật. Làm sao cho sự thô bạo suồng sã bắt buộc phải có không rơi vào truyện khiêu dâm? Đỗ Kh. khá thành công nhờ sử dụng từ vựng. Tiểu thuyết khiêu dâm có kỹ thuật riêng, nói là nghệ thuật cũng được, từ Nhân tình bà Chatterley. Nó có quy ước. Truyện Đỗ Kh., từ cách nói đến cách dùng chữ (thô tục) không đi vào quy ước đó. Mặt khác nó nằm trong một quỹ đạo riêng, vận chuyển theo quan niệm tác giả về những chủ đề lớn nhỏ khác như chính trị, văn hoá, đạo đức. Đề tài dục tình, phái tính trong Không khí thời chưa chiến là một thành tố hữu cơ trong một hệ thống tư duy và thao tác. Nó phản ánh một thời đại – video.

Instant, cùng một lúc, hai đứa mình, ngay lập tức, liền, thời đại này tân tiến” (tr. 155). Vẫn còn hai đứa mình… “Thì cũng văn hoá chứ, con người mà, màu mè. Con chó nó tượng trưng động tác ái tình nhất định là kém diêm dúa hơn” (tr. 21).

Trương Chi chết thật rồi. Có cả Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đưa đám.

*

Truyện Không khí thời chưa chiến phản ánh cuộc chiến Libăng, kể lại “Tiếng súng đạn nay chỉ là gạch phấn xác định các vùng ảnh hưởng, chỉ là nước tiểu chó bài tiết ở cột đèn, để đánh dấu chủ quyền” (tr. 31).

Trận này, Đỗ Kh. đánh sang một huyền thoại lớn lao khác: lịch sử, với đám quần tinh cố hữu của nó: quốc gia, dân tộc, chủ quyền. Và xương máu. Và thù hận. Người vợ Libăng bảo chồng – nhân vật “hắn” có nhiều điểm giống tác giả Đỗ Kh.: “Chính trị, ái tình gì cũng vậy, thôi mày quay mặt lại được rồi” (tr. 21). Vì không thích cảnh múa rốn, hắn đã quay mặt đi. Nhưng tác giả đã vin lấy cớ, viết một câu thật ác. Những chữ cũng vậy, quay mặt lại phá vỡ huyền thoại. Chính trị và ái tình bị hạ thấp xuống cấp bình thường, tốt xấu lẫn lộn, xấu nhiều hơn tốt.

Truyện Cô gái sơn cước mô tả một cộng đồng Đông Dương gốc Thượng du di tản sang Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục nghề làm nương phá rẫy ở Merced County và hội nhập khó khăn. Truyện nhắc chúng ta lẽ tương đối của biên giới những quê hương, dân tộc và cả ý nghĩa cuộc sống.

Truyện Đỗ Kh. bắn lên trời những tràng đạn chỉ thiên nghe ròn rã, vui như pháo Tết. “Sau mười bốn năm đổ máu những người lưu lạc tận quận Cam cách nửa vòng trái đất, đến đây tìm lại không khí của thời chưa chiến” (tr. 32). Đố độc giả đoán ra “người lưu lạc” là ai? Không phải. Là người… Ả rập! Sao lại mười bốn năm đổ máu? 1960-1973? l962-1975? Sai rồi! Đây là chuyện… Libăng “nội chiến bắt đầu tháng tư 75” (tr.25). Lại tháng tư 1975, đùa dai lắm vậy! Từ đó, thời điểm lịch sử cũng tương đối: có điểm ghi trong sách vở, cách này hay cách khác tuỳ nơi (tháng 4.1975 gọi là gì?) có điểm in vào trong tâm khảm con người: “với vợ hắn thời tiền chiến là thời nàng chưa vẽ màu xanh trên những bóng đèn” (tr. 25) để đêm phòng phi cơ, năm 1967 (tr. 24). Những ngày chưa chiến với hắn là những ngày trước cái chết của Zouheir Mohsen (tr. 26) một lãnh tụ Palestin bị ám sát (1974?). Giữa hai vợ chồng, độ chênh của lịch sử còn quan trọng như vậy, nói chi đến những người đối nghịch gối đầu lên căm hận để… nằm mơ.

(Bản thân tôi, viết nghiên cứu văn học đã lâu năm mà không bao giờ dùng đến những từ ngữ nhạc tiền chiến, thơ văn tiền chiến – vì nó vô nghĩa, và xúc phạm vong linh những con người đã gục ngã dọc con đường lịch sử từ 1945 đến 1975).

Những biến chuyển thô bạo của lịch sử thêm vào những bước tiến hoá trọng đại của văn minh nhân loại. Những chân trời mới, những cảm xúc mới khiến con người hoài nghi khi đánh giá, việc nhỏ việc to:

Phở ở bên đó hay bên này ngon.

(…) Phở ở đâu ngon hắn không biết, có quan trọng hay không hay là ở đâu ngon đó cũng thế thôi ” (tr. 82).

Ở đây tác giả không quan tâm đến một món ăn đã trở thành giá trị truyền thống, thước đo văn hoá và tính dân tộc. Bao nhiêu dân tộc khác “không có phở để mà giữ gốc, tái chín nước trong hành trần nước béo” (tr. 15) nhưng rồi họ vẫn ăn vẫn sống, và sống ra người – con người vô-phở.

Quê hương với con người hiện đại không còn là đất thánh, không thể chấp nhận được câu “Quê hương ơi địa ngục cũng là thiên đàng” (tr. 33) dù chỉ là một hình ảnh ví von… Lần này thì Đỗ Kh. khẳng định – như ít khi khẳng định.

Nơi quê hương hay là nơi quê người, mùi chua của ụa mửa, dù có đệm nhạc cũng chẳng thành được mùi thơm” (tr. 34).

Đây là một thái độ lành mạnh, tích cực và dứt khoát, mà chúng ta cần đào sâu và khai triển.

*

Giải hoặc những huyền thoại thường dễ phạm nghịch lý, rơi vào huyền thoại của giải hoặc – le mythe de la démystification. Nguyễn Huy Thiệp, khi kể chuyện Quang Trung, đã rơi vào cạm bẫy này.

Đỗ Kh. lách được ngòi bút khỏi Huê Dung đạo nhờ hai điểm. Một là bản tánh tếu, trẻ trung, ưa đùa cợt tự nhiên, anh đã biết sử dụng một ngôn ngữ ngoài quy ước văn học. Truyện anh viết chế giễu những chủ đề hệ trọng mà vẫn có người nghe, vì vui tai. Nghe xong rồi thôi: chuyện vui mà. Thứ đến bản chất hoài nghi, vô hình trung anh đem cái hoài nghi của mình làm lung lạc niềm tin kẻ khác, trở lại ví dụ: Phở đâu ngon hắn không biết (a) có quan trọng không (b) hay là đâu ngon thì cũng thế thôi (c) (tr. 82). Câu văn tiệm tiến a → b → c. Từ “không biết” (a) đến chỗ không biết cái “quan trọng” (b), rồi đến dung hoà “cũng thế thôi” nghĩa là không cần biết (c). Thường thường, khi đánh vào xác tín kẻ khác, thì bản thân mình cũng vũ trang bằng xác tín. Ta dùng cái mê hoặc này đánh vào mê hoặc kia. Ta đã từng biết câu thơ ghê gớm của Chế Lan Viên: “Ta là ta mà vẫn cứ mê ta” , dù được đặt lại trong dụng ý giới hạn vào một hoàn cảnh cụ thể, thì câu thơ ấy, tự thân nó, vẫn là cái gì vô cùng lạc hậu, vô cùng bệnh hoạn. Rồi căn bệnh ấy đã truyền hoặc bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Biết mình bệnh chữa đã khó, không biết bệnh, chừng nào mới sống được như người ta? Do đó tập truyện Không khí thời chưa chiến là một thang thuốc đắng. Nó không hiệu nghiệm ngay, nhưng tạo cơ hội và cơ sở cho chúng ta suy nghĩ, trao đổi ý kiến giúp chúng ta thoát khỏi những vòng kim cô lớn nhỏ đang siết chặt cả tim lẫn óc, lẫn tầm nhìn, lối suy nghĩ của mỗi chúng ta.

Đạt mục đích kia, Đỗ Kh. đã sử dụng thập bát ban võ nghệ: kiến thức sách vở của cựu sinh viên Sciences Po dự bị Normale Sup, kiến thức thực dụng của kẻ chu du bốn bể năm châu, óc nhận xét, suy luận nhanh và nhạy, đặc biệt trí thông minh khi sử dụng Việt ngữ. Trong những người viết văn hiện nay, Đỗ Kh. là một trong những người sử dụng tiếng Việt linh động và sáng tạo nhất. Ví dụ ngay cái tựa đề chối tai nhiều người. Nhưng tại sao các vị nói được thời tiền chiến, hậu chiến, đương chiến mà không cho Đỗ Kh. nói “chưa chiến” như ta nói “chưa thắng, chưa thành” (từ Việt – từ Hán Việt)? Dĩ nhiên là Đỗ Kh. có lúc viết bạo “Em nhớ anh em tìm, mình có năm ba tiếng nằm ái tình, cũng như kỳ trước thôi” (tr. 99). Chữ “nằm ái tình” lạ về mặt văn pháp nhưng hợp với hoàn cảnh hai người: vẫn ý ấy, ta không thể nói cách khác. Dường như có lần Nguyễn Tuân viết: sự hoa.

Đỗ Kh đưa văn nói vào văn viết. Điều này không mới, nhưng chàng Đỗ ngang phè phè. Các tác giả khác, từ Nguyễn Đình Toàn đến Marguerite Duras, khi kết hợp hai thể văn, vẫn tôn trọng nhịp câu văn, dè chừng hơi thở qua cách chấm câu. Đỗ Kh. thì bất cần: Phải đi đón tôi thì giờ đâu có ai ở nhà giờ này (tr. 38). Đơn giản hơn, người ta sẽ nói: Phải đi đón tôi thì giờ này đâu có ai ở nhà.

Thấy anh hay không, anh kiếm ra liền, anh tới được ngay (tr. 84).

Chữ “thấy” đầu câu rối rắm. Bỏ nó đi, câu văn sáng ra. Hoặc thêm vào Em thấy anh có hay không... Tuy nhiên, lối đùa với ngữ điệu khi lẫn lộn văn viết với văn nói tạo ra được không khí hồn nhiên – phá vỡ được cái huyền thoại văn chương – như nhiều tác gia phương tây đã làm. Và những câu tả chiến tranh: “Và những người vô cớ, ghét mặt mày tao bắn chết chơi” (tr. 28) làm câu chuyện đang bi thảm thành tếu.

Văn Đỗ Kh. chủ yếu là tếu, trắc trở, rối rắm, nhưng rất thơ. Tôi thử “diễn ca” một đoạn (tr. 31) văn xuôi Đỗ Kh.:

Hắn để nàng kéo đi
Hắn để yên cho nàng
Nắm tay không nói gì
Moshen vừa bị giết
Chiến tranh vừa bắt đầu
Nâng cầm tay tôi kéo
Cũng đủ mà du dương
Những viên đạn dọc ngang
Kẻ xanh đỏ ngoài đường
…Giờ mới chỉ đằng hắng
Súng cá nhân – lát nữa
Trọng pháo đòi lên giọng
Biết đâu nàng chẳng ôm

Thơ hay đấy chứ?

Những câu thơ thất ngôn:

Sa mạc nào coi cũng giống nhau

Chạy giặc giữa thành phố Beirut khói lửa ngất trời, tác giả còn văn xuôi rất thơ, rất: Lẻ tẻ chiều buồn Beirut Blues

Rồi đến nhịp thơ 8 chữ rất hiện thực xã hội:

Lúc vội vã giữa đường trên mặt nhựa
Lúc nhắc từng bước đặt sát bờ tường

(tr. 29)

Và khi bước theo nhịp đạn: “ngả nghiêng theo nhịp điệu cận kề của những vũ khí giết người. Hai bước hấp tấp một bước chùng“. Câu sau này là nhịp rum ba: tắc tắc xình, tắc tắc xình… Rồi câu tiếp theo: “Theo cô này cũng vui, buồn buồn dám sau này tôi lấy về làm vợ” (tr. 29).

Buồn buồn lấy vợ chơi!

Phong cách Đỗ Kh. là vậy: ý và lời gắn bó với âm thanh, nhịp điệu. Từ pháp và cú pháp luôn luôn thay đổi mực độ, từ tục đến thanh, từ thân mật đến phức tạp, cầu kỳ, có khi uyên bác. Nhưng lúc nào Đỗ Kh. cũng tỏ ra làm chủ ngôn từ: viết vậy vì cần viết vậy, không đặt nên vấn đề sai đúng.

Cấu trúc truyện tân kỳ, vì anh hoán vị thời gian sau trước, trước sau, như chuyện trên máy bay, hay trộn lẫn không gian trong Cô gái sơn cước. Chưa kể thời gian, không gian tâm cảm luôn luôn xen kẽ với sự kiện: người đọc lơ đễnh dễ lạc hướng.

*

Bài điểm sách về một tác giả mới, đến đây đã là dài. Độc giả có thể thắc mắc: Đỗ Kh. là ai. Chúng tôi xin mượn lời bạn Vũ Huy Quang trong bài bạt tập truyện Cây gậy làm mưa để giải đáp (chỉ ghi thêm: Đỗ Kh. sinh tại Hải Phòng năm 1955, ngay sau đó gia đình vào Nam):

Ba mươi tuổi, Đỗ Kh. cho ra đời tập truyện ngắn đầu tay của ông. (Nhưng không phải là tác phẩm đầu tay: La praxis du Dr Yov, truyện dài bằng Pháp ngữ chưa xuất bản).

Đầu tiên, hấp thụ văn hoá Pháp, du học rất sớm, cựu sinh viên Institut d’etudes Politiques, rồi bỏ trường, rồi thất bại trong việc nhập học ENS rue d’Ulm, Đỗ lên đường, đi bộ với náo nức của tò mò, của đường xa: đi tìm Kathmandu thánh địa hành hương của những người đi đường trong thập niên 70 mà không đến được. Đỗ sống ít lâu ở Bắc Âu. Tới năm 19 tuổi về Việt Nam, đột ngột đăng lính. Cấp bực binh nhì, đơn vị tác chiến của một sư đoàn bộ binh vùng III. Chưa đầy năm, bỏ lính, kính đen vắt vẻo ngồi Cercle Sportif nhìn Nam Việt Nam sụp đổ. Đỗ Kh. lưu lạc sang Âu Châu, rồi Mỹ Châu Thực hiện hai phim tài liệu Bến tạm tại Hương cảng (1986), về tị nạn thuyền nhân, Lebanon, a Summer Chronicle (1982), về biến động ở Beirut.

Khi Cây gậy làm mưa xuất hiện, Đỗ Kh. cộng tác bán thời gian cho nhật báo Người Việt, Nam California. Cũng không phái lần đầu tiên làm báo: đã có thời, Đỗ viết freelance cho các báo Pháp.”

Hiện nay, Đỗ Kh. làm kinh tế, kinh doanh đi đi về về giữa California và Paris, thỉnh thoảng tạt qua Sài Gòn. Bề ngoài sang và sướng. Bề ngoài.

Có người nói truyện Đỗ Kh. không đầu không đuôi. Tôi không có cảm giác ấy: với tôi, tập truyện Không khí thời chưa chiến là một kiến trúc hữu cơ; mỗi truyện đều được cấu trúc chặt chẽ, và toàn thể tám truyện dựng nên tám trường không gian đồng quy về truyện trung tâm là Niềm vui sở hữu, chuyện người chơi bút máy, từ cây bút bi xanh đỏ đến những cây bút mực nhiều kiểu trên thế giới. Đoạn kết có thể tóm lược tư tưởng Đỗ Kh.:

Bắt đầu là cây viết.

Nhưng ê chưa hết, còn những thứ lỉnh kỉnh khác, những thứ rắc rối hơn (…) Những thứ nhiều hãnh diện, biết nói biết cười ấy vợ ấy con. Những thứ đanh đóng cột, quê hương, lôi thôi chủ nghĩa, chân lý, sự thật, con người, vũ trụ và cuộc đời. Bằng ấy thứ, hắn tự giới hạn lại, giờ thì chỉ có ở cây viết.

Hắn chẳng biết, cái bé thì vui bé, cái lớn vui lớn, thật ra những cây viết trong đời, cây nào mà chẳng vui tuy rằng sẽ có lúc không vừa ý.

Của tôi, anh thấy chưa. Hạnh phúc, chỉ vậy thôi.

Vui ở chữ tôi, bắt đầu là cây viết” (tr. 68).

Đoạn văn tổng hợp hé cho ta thấy tâm hồn Đỗ Kh., tài hoa, thâm thuý và hiền triết. Niềm vui, nói là cây viết – không phải là cây bút – thật ra là sự viết. Viết cái mình sống, sống cái mình viết, “vui ở chữ tôi” chưa bằng tôi ở chữ vui.

Trong Không khí thời chưa chiến, Đỗ Kh. có hoài nghi, thậm chí có khước từ một số giá trị cơ bản của truyền thống. Nhưng thái độ từ khước không tiêu cực. Ngược lại còn tích cực vì nhân danh một niềm vui mới, một hạnh phúc mới, đơn giản và điềm đạm. Hiện nay, không mấy nhà văn nhà thơ tin vào niềm vui và hạnh phúc như Đỗ Kh. đã ngay thẳng tuyên bố. Tác phẩm anh lành mạnh, xây dựng ở chỗ đó: nó xác minh được tự do và hạnh phúc con người trong một thời đại mới, trên một thế giới mới. Thế giới ấy, xưa kia bao la, bây giờ vào truyện Đỗ Kh. thân thuộc như cảnh làng quê có ao sen, có trúc mọc đầu đình, với câu chuyện ngọt bùi ấm lạnh, mưa hè nắng chái. Đỗ Kh. đưa những địa danh xa lạ vào khung cảnh thân mật. Mai kia những Beirut, Paris, Santa Ana của Đỗ Kh. sẽ trở thành những Tiêu Tương, những Tầm Dương, hay là những Chùa Hương, kinh Vĩnh Tế ngày nay.

Đóng góp của Đỗ Kh. vào tư tưởng, tình cảm Việt Nam là quan trọng. Đóng góp của anh vào ngôn ngữ và văn học không nhỏ. Tôi mừng anh. Kỳ thực là mừng nhau. Mừng nhau khi vườn nghèo, khi vườn nhau còn tằn tiện nở được cho nhau một cành hoa. Thứ hoa lạ của loài hoa đẹp. Một cánh hoa hẹn ước rừng hoa.

Đoá hoa tươi cho những cặp môi gần. Rặng hoa gần cho một chặng đường xa.

Đặng Tiến

28.02.1994

(1) Đỗ Kh. là tác giả:

Cây gậy làm mưa (tập truyện), Tân Thư 1989.

Thơ Đỗ Kh., Tân Thư 1989.

Có những bực mình tức không thể nói (thơ), Tân Thư 1990

Không khí thời chưa chiến (tập truyện), Hồng Linh 1993.

Ký sự đi Tây (bút ký), Xuân Thu xuất bản tại Mỹ 1990, nhà xuất bản Văn hoá Thông tin tái bản tại Hà Nội cuối năm 1993, với lời tựa của Thanh Thảo.

Nguồn: https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-029/do-kh-ke-giai-hoac

Comments are closed.