Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 115): Trịnh Y Thư

Trịnh Y Thư sinh 1952 tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Nguyên chủ bút tạp chí Văn Học (California).

Tác phẩm dịch đã xuất bản:

  • Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, Văn Học, 2002; Nhã Nam, 2017.
  • Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), tiểu luận văn học của nữ sĩ Virginia Woolf, Tri Thức, ấn bản thứ nhất 2009, ấn bản thứ hai 2016.
  • Jane Eyre, tiểu thuyết của nữ sĩ Charlotte Brontë, Nhã Nam, 2016.

Sáng tác đã xuất bản:

  • Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới, 2010.
  • Chỉ là đồ chơi, tạp bút, Hợp Lưu, 2012.
  • Phế tích của ảo ảnh, thơ, VĂN HỌC Press, 2017.

Hiện định cư tại California, Hoa Kỳ.

clip_image002

Trịnh Y Thư

Ngôi nhà thờ trắng

1.

Nhiều năm sau, mỗi lần có dịp về lại thành phố, tôi đều tìm cách ghé qua ngôi nhà thờ. Tôi không phải là tín đồ ngoan đạo; đúng ra, mấy chục năm nay, từ khi trưởng thành, đủ lông cánh thoát khỏi tầm kiềm toả của người lớn, tôi chưa bước chân vào nhà thờ lần nào. Tất cả những bài kinh cầu trúc trắc mẹ tôi cố nhồi nhét vào đầu tôi lúc ấu thơ tôi đều quên sạch. Bạn có thể gọi tôi là con chiên ghẻ cũng chẳng ngoa bao nhiêu. Tôi đến đây không phải để vào quỳ xuống xưng tội trước tượng Đức chúa Giê-su Ki-tô bao dung và nhân ái (mặc dù tôi biết tội lỗi tôi tích lũy khá nhiều theo năm tháng). Tôi đến chỉ để hồi tưởng lại một mảng đời xưa cũ. Vậy thôi. Như Odysseus trên chặng đường phiêu lãng có lúc nhìn ra biển khơi mà lòng hoài niệm bỗng rức lên hình ảnh đền đài, cung điện Ithaca yêu dấu. Người ta sống vì hoài niệm. Cuộc sống càng dài nỗi buồn càng lớn và để chạy trốn thực tại người ta hay thả hồn về quá khứ, như tìm giấc mơ hoa. Phải vậy không? Một giấc mơ hoa? Quá khứ bao giờ cũng đẹp, bởi quá khứ, những hình ảnh thật xa vời, giờ đây chỉ còn hiện hữu trong tâm tưởng; chúng ta nhìn nó qua tầng lăng kính dày cộm, sẵn sang đãi lọc, thải đi lớp sỏi cát không ưa thích và vô điều kiện thăng hoa nó thành giấc mơ.

Tôi ngồi co ro trong xe. Từ phi trường tôi thuê xe chạy thẳng về đây. Thành phố ép mình dưới tuyết. Nhiệt độ bên ngoài chí ít cũng mười độ âm. Tôi đoán vậy dựa vào hình dạng, màu sắc những cột băng đá be bé trông như hàng thạch nhũ tí hon nhú xuống tăm tắp từ máng xối những ngôi nhà gạch nâu xám nằm rải rác quanh ngọn đồi. Mùa đông nơi đây khắc nghiệt lắm, một ngày như hôm nay có thể xem là ngày đẹp trời. Ngôi nhà thờ nằm trên lửng triền dốc. Trông nó chẳng có gì đặc biệt, tầm thường là đằng khác. Cũ kĩ. Buồn rầu. Màu trắng đục của nó tiệp với nền trời ảm đạm khiến cảnh tượng càng thêm hoang vắng, thê lương. Ba gốc thông già và hàng bạch dương bấy nhiêu năm không thay đổi, vẫn rầu rầu chia sẻ khoảng không gian tẻ nhạt với gác chuông và những cột điện trụi trơ, cũ xỉn. Con đường dốc trơn trợt hơn một lần tôi té ngã đau điếng vì không quen đi trên mặt đường đóng băng vào mùa đông giá lạnh. Đó là thời điểm cha con tôi dắt díu nhau đến đây lập nghiệp sau chuyến vượt biên đầy trắc trở mà cái giá vô cùng đắt cha con tôi phải trả là cái chết của mẹ tôi trên biển. Sau đó là hơn năm trời vất vưởng trong trại tị nạn Thái lan. Nhưng rồi đời sống mới nơi xứ người dù khập khiễng cũng trôi qua thôi và một trong những việc đầu tiên ba tôi cố thực hiện khi cuộc sống cha con tạm ổn định là tìm thầy cho tôi học vĩ cầm.

2.

Đó là giấc mơ của ba tôi. Nghe nói thuở trước, ông nội tôi là tay vĩ cầm danh tiếng ở Hà Nội. Thừa hưởng dòng máu đó, sau khi di cư vào Nam năm 54, dù nhà nghèo, bà nội tôi vẫn cố xoay xở nhịn ăn nhịn mặc cho ba tôi học đàn với một nhạc sĩ người Pháp. Nhưng chiến tranh không cho phép ba tôi hoàn thành giấc mộng lớn của ông là trở thành tay vĩ cầm số một của Việt Nam. Khi tôi ra đời, mới lên năm ông đã nhét cây đàn vào tay tôi. Hơn một lần tôi ném đàn xuống đất, hơn một lần ông kiên nhẫn nhặt lên và uốn nắn tôi từ bài học vỡ lòng cho đến khi tôi nắm hết vốn liếng âm nhạc của ông. Suốt mười năm, kể cả thời gian ông bị giam trong trại cải tạo, tôi miệt mài với cây đàn. Phải công nhận công lao của mẹ tôi nữa, nhờ có bà tôi vẫn no đủ học hành. Có lẽ tôi đàn cũng kha khá vì nhiều người nghe xong tán thưởng không tiếc lời, trong đó có cả những nhạc sĩ bạn của ba tôi. Nhưng tôi đoán gien âm nhạc không luân lưu trong tế bào thân thể tôi nên tôi không hề thấy tâm hồn mình rung động chút nào với tiếng nhạc. Tôi đàn như máy, những nốt nhạc tuy tròn trịa nhưng vô cảm thỏng thừa như cô gái chỉ có nhan sắc mà thiếu hẳn nét duyên. Dĩ nhiên lúc đó tôi nào biết vậy. Ba tôi bảo hồn nhạc dần dà sẽ nhập tâm khi tôi khôn lớn, trưởng thành; bây giờ chỉ cần khổ luyện kĩ thuật sao cho thật nhuần nhuyễn. Tự thâm tâm tôi không chắc lắm điều đó sẽ thành sự thật, bởi tôi cắn răng chịu khó tập tành ngày đêm là cho ba tôi chứ không phải do lòng đam mê trong tôi. Dù sao chăng nữa, âm nhạc hiển nhiên chiếm cứ phần rất lớn trong đời sống tôi từ thuở bé thơ.

Cha xứ nhà thờ nơi cha con tôi dự thánh lễ hằng tuần trước khi đi tu là nhạc sĩ vĩ cầm. Khi biết ra điều đó ba tôi mừng lắm và sau khi nghe tôi đàn thử Cha sẵn sàng nhận tôi vào lớp học của Cha. Cha Thomas. Chúng tôi gọi Cha như vậy. Nhà thờ nghèo nhưng Cha đào tạo được ban nhạc khá hùng hậu và lễ Mi-sa của Cha mỗi Chúa nhật là một buổi hoà nhạc đặc sắc. Ngoài phần đệm cho ban hợp xướng hát thánh ca, giàn nhạc giao hưởng còn trình tấu những tấu khúc cổ điển của Bach, Mozart, Handel, vân vân. Ngôi thánh đường nhỏ chật ních người, có người ở xa lái xe cả mấy chục dặm đường, đến có lẽ để nghe nhạc miễn phí nhiều hơn là dự lễ. Tôi được Cha xếp vào ngồi dãy cuối khâu vĩ cầm trong giàn nhạc.

Ba tôi hãnh diện lắm. Chúa nhật nào ông cũng dậy thật sớm, chuẩn bị áo quần tươm tất cho tôi rồi chở tôi đi nhà thờ. Ông ngồi băng dưới, mắt lim dim mơ màng, lòng tràn trề chân phúc. Ông sung sướng không phải vì đang nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Lòng ông vui vì ông đang nghĩ đến ngày tôi không phải ngồi dãy cuối giàn nhạc Cha Thomas nữa mà đứng oai nghiêm trên sân khấu nhà hát lớn thành phố kéo nốt cuối cùng của hoà tấu khúc cung Rê trưởng của Beethoven giữa tiếng vỗ tay đến vỡ rạp của hàng ngàn khán giả. Ông dẫn tôi đi nghe hai lần rồi, một lần khi tay vĩ cầm danh tiếng Itzhak Perlman đến trình diễn với ban nhạc giao hưởng của thành phố. Sau buổi hoà nhạc, ông kéo tôi vào phòng sau xin chữ kí nhà danh cầm. Ông ta bị thọt cả hai chân, đi phải chống nạng, dáng người phục phịch như con gấu, nhưng ông có nụ cười khá thân thiện. Ông bắt tay tôi khi ba tôi bảo ông tôi đang học vĩ cầm. Ông hỏi ba tôi người nước nào. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, mắt ông nhướng lên tỏ vẻ ngạc nhiên lắm như thể ở cái chốn nghèo đói, khỉ ho cò gáy đó mà cũng có người chơi vĩ cầm à. Tôi không nhớ ông nói gì với tôi, có lẽ vài lời khích lệ. Giọng ông ồm ồm, rổn rảng.

Giờ đây trong khối óc đầy phấn chấn của ba tôi, ông không mơ tôi sẽ trở thành nhạc sĩ vĩ cầm số một của Việt Nam, ông mơ tôi một hôm nghiễm nhiên trở thành vĩ cầm thủ số một của thế giới. Học với cha Thomas đến năm mười tám tôi sẽ được nhạc viện Juilliard ở New York nhận vào học miễn phí vì tôi là thiên tài hiếm có. Bốn năm sau tôi sẽ lần lượt đoạt giải nhất tất cả những giải thưởng cao quý trên thế giới về bộ môn vĩ cầm và sự nghiệp âm nhạc của tôi từ đó cứ lên như diều gặp gió. Ông vẽ ra tương lai tôi như vậy.

3.

Cửa nhà thờ bỗng mở. Bước ra người đàn ông già râu tóc bạc phơ. Tôi nhận ra đó là Già Frank. Không biết ông lưu lạc từ đâu đến, và cũng chẳng ai biết ông giữ chân ông từ trong nhà thờ tự thuở nào. Ông ít nói, sống lầm lũi một mình trong căn phòng nhỏ dưới hầm với ước mong duy nhất là ngày nhắm mắt có được cái hòm tử tế và bài kinh cầu hồn của cha xứ. Tôi không biết hiện giờ ai là cha xứ. Cha Thomas về nhà chung đã lâu. Không chừng Cha đã thành người thiên cổ.

Già Frank khép cửa nhà thờ, nheo mắt nhìn về phía tôi. Mặt ông rúm ró vết nhăn. Tôi biết ông không trông thấy tôi vì trời lù mù sương tuyết và mắt ông kém lắm. Ông lọm khọm băng qua khoảng sân nơi đặt bồn nước thánh và tượng Đức Mẹ đoạn chui vào ngôi nhà trệt. Qua cánh cửa nặng nề của ngôi nhà trệt khá rộng là nơi sinh hoạt của giáo xứ và cũng là phòng tập nhạc. Nhắm mắt tôi cũng hình dung được phòng tập nhạc và nhắm mắt tôi cũng nhìn thấy cô ngồi xoay lưng ra ngoài, để hết tinh thần vào tiếng đàn kì ảo.

Hôm đó, cũng một hôm trời đổ tuyết như hôm nay, ba tôi phải đi làm giờ phụ trội ngày thứ bảy. Ông chở tôi đến phòng tập nhạc sớm cả tiếng đồng hồ. Tôi bước vào phòng với hi vọng không có ai ở đó để lấy đàn ra tập trước khi Cha khảo bài. Nhưng phòng nhạc không yên ắng như tôi tưởng, đập vào tai tôi là tiếng nhạc lạ lùng tôi chưa bao giờ nghe trong đời. Tiếng nhạc không lớn lắm, mới nghe tưởng là tiếng thụ cầm nhưng chắc chắn không phải vì thụ cầm không bao giờ nhấn được rubato như thế. Tiếng đàn lạ lùng đó thu hút tôi ngay tức khắc. Tôi khép cửa rồi len lén bước vào. Bản tính tôi vốn nhút nhát, gặp hoàn cảnh như vậy thường tôi rút êm ra ngoài vì không muốn quấy nhiễu người lạ, nhưng không hiểu sao lúc đó như có mãnh lực nào thu hút, hai chân tôi cứ nhấc đều đều về phía tiếng đàn. Cô ngồi xoay lưng ra ngoài, tấm áo đen dài bó sát lưng, mái tóc nâu đen buông lửng. Tôi tìm ghế rón rén ngồi xuống rồi lắng nghe với tất cả say mê. Cô đàn say sưa lắm, mái tóc ẻo lả mỗi lần lắc đầu mạnh theo tiếng nhạc. Giai điệu lạ lùng, quyến rũ cứ thế tuôn chảy; những hợp âm và rất nhiều nghịch âm, quãng hai, quãng năm, khiến tôi dựng cả tóc gáy. Nó có ma lực thật mãnh liệt. Da diết. Sôi nổi. Lúc chậm rãi sâu lắng, lúc rú gào thê thiết. Tôi bàng hoàng như người tỉnh mộng, chẳng bao giờ ngờ trên đời lại có thứ âm thanh kì diệu đến vậy. Lần đầu tiên tâm hồn tôi thật sự chấn động khi nghe nhạc.

Hình như cô biết sự có mặt của tôi ở đó; ngưng đàn cô quay lại nhìn tôi nở nụ cười. Tôi giật mình, tránh, không dám nhìn vào mắt cô, đôi mắt nửa man dại nửa đam mê mà sau này tôi biết chỉ có nơi phụ nữ mang dòng máu Tây Ban Nha sinh trưởng ở châu thổ miền Nam Châu Mĩ.

“Xin lỗi cô…” Tôi lúng búng trong miệng, ngượng ngập đứng lên.

“Không sao. Em học vĩ cầm?” Cô nhìn vào thùng đàn tôi đang cầm trên tay. Vẫn nụ cười trên môi. Tiếng Anh cô phát âm nghe biết ngay không phải của người bản xứ.

“Vâng, em là học trò Cha Thomas.” Tôi bạo dạn hơn. “Cô đàn hay quá. Em không bao giờ ngờ đàn ghi-ta có thể tạo được những âm thanh… như vậy.” Tôi bới óc cố tìm một tính từ hay ho nào để diễn tả tiếng đàn của cô nhưng tìm mãi không ra.

“Cám ơn em. Em học đàn lâu chưa?”

“Từ hồi năm tuổi, nhưng em đàn còn kém lắm. Cha Thomas cứ phải sửa đi sửa lại những kĩ thuật em học sai… À, bản nhạc hồi nãy cô đàn là bản gì vậy? Em chưa nghe bao giờ.”

Cô nói tên khúc nhạc. Cái tên thật dài bằng tiếng Tây Ban Nha. Biết tôi không rõ về khúc nhạc cô nói luôn tên người soạn nhạc. Tôi lại càng ngẩn người, mặt thộn ra. Nhưng nhờ âm nhạc câu chuyện giữa tôi và cô trở nên rôm rả. Âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế mà. Cô cũng hỏi tôi người nước nào – thời gian mới đến đây tôi bị hỏi như vậy mỗi ngày – nhưng khác với cái ông Itzhak Perlman, cô nhìn tôi với cặp mắt trìu mến đầy thiện cảm rồi cô bảo cô cũng phải lìa bỏ quê quán ra đi như tôi, chỉ khác ở chỗ cô ra đi vì không sống nổi với chính quyền quân phiệt hữu khuynh. Sau một lúc nói chuyện, cô bảo tôi hôm nay học bài gì lấy đàn ra đàn cho cô nghe. Thoạt đầu tôi ngần ngừ nhưng tính trẻ con ngựa non háu đá trong tôi bỗng nổi lên. Tôi lấy đàn ra, lên dây, rồi mím môi tấu khúc Courante trong Partita số hai cuả J.S. Bach, một bài Cha Thomas cấm tôi chơi vì, Cha bảo, sức tôi chưa đủ nếu cố chỉ chuốc thêm những cố tật rất khó sửa chữa sau này và làm hỏng tay nghề. Đàn được mươi trường canh tôi biết mình sai lầm. Bốn ngón tay trái tôi lính quýnh tìm nốt nhạc. Tay phải tôi đẩy đưa cái mã vĩ mà tưởng như đang cử thanh sắt nặng. Nhưng lỡ leo lưng cọp rồi, tôi nhắm mắt đàn hết khúc nhạc. Cô khẽ gật đầu.

“Em đàn vững lắm. Nhưng theo tôi, em nên đàn chậm lại một chút. Nhạc của Bach rất hoàn chỉnh. Không thể thiếu mà cũng không thể thừa một nốt trong câu nhạc. Âm nhạc mà chuẩn xác như Toán học, đó là tinh thần của Bach. Nhưng Bach sinh vào thời Ba-rốc, và nghệ thuật Ba-rốc là nghệ thuật của hoa mĩ, của tự tác, ngẫu hứng. Điều này nghe có vẻ nghịch lí, vừa chuẩn xác vừa ngẫu hứng có được không? Vì thế nó đòi hỏi người chơi nhạc phải thấu triệt cả hai yếu tính đó mới có thể diễn tả Bach đến nơi đến chốn. Thêm vào đó, nhạc của Bach chủ yếu là phức điệu. Hai, ba, đôi lúc bốn giai điệu cùng lúc chạy bên nhau, dù chỉ là bài độc tấu như bài em vừa đàn. Các ‘giọng’ trong câu nhạc, trầm hay bổng, đều quan trọng ngang nhau, khi đàn em phải biết đưa những ‘giọng’ trầm lên và kéo ‘giọng’ bổng xuống, nếu không ‘giọng’ bổng sẽ nhận chìm ‘giọng’ trầm… Nhạc của Bach không dễ chơi, nhưng chỉ cần tôn trọng những gì ông viết, nhạc của ông sẽ len vào ve vuốt, xoa dịu tâm hồn chúng ta. Lúc đó chỉ có cái đẹp của nhạc, tuyệt đối không còn gì

khác.”

Tôi đứng nghe cô nói. Nào hiểu gì đâu. Như cậu bé hư đốn bị mẹ mắng yêu. Nhưng tôi linh cảm bài học cỏn con đó của cô giá trị gấp mười lần những bài tập cứng nhắc Cha Thomas bắt tôi luyện tập hằng ngày. Tuy không hiểu trọn vẹn những điều cô nói nhưng tôi mơ hồ nhận ra sự thật đơn giản bên trong khu rừng thâm u trùng điệp của thế giới âm thanh: Tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành nhạc sĩ chân chính nếu tôi không nhìn ra cái đẹp vĩnh cửu của âm nhạc. Hơn mười năm khổ luyện tôi vẫn là kẻ nô lệ âm thanh, vẫn chưa làm chủ được giai điệu, hoà âm, tiết tấu, âm sắc do chính mình tạo ra. Âm nhạc không phải là tập hợp những nốt đen trắng cao thấp nhảy múa vô nghĩa, nó chỉ có ý nghĩa khi nào nó len vào “ve vuốt, xoa dịu tâm hồn” mình. Âm nhạc mà không lay động nổi con tim, không làm tâm hồn rưng rưng xao động thì chỉ là chuỗi âm thanh xơ cứng, thô lậu. Thêm nữa, chơi nhạc trước hết là cho mình, sau đó mới nghĩ đến danh vọng, tiền

bạc; điều đó cả ba tôi lẫn Cha Thomas đều chẳng bao giờ nhắc đến.

Lúc này tôi có dịp quan sát cô kĩ hơn. Cô trạc ngoài ba mươi, đuôi mắt đã có vết chân chim, hai bên mép hai vết hằn lõm sâu, nhưng khuôn mặt cô như phả ra phía trước vùng sáng mà tâm điểm là đôi mắt nâu long lanh như hai hạt ngọc. Cử chỉ cô nhẹ nhàng, tự tin nhưng lại đầy vẻ ấm áp thân tình. Thằng bé con trong tôi mê mẩn cả tâm thần và tôi ước chi cô nhận tôi làm học trò. Bây giờ cái ông Itzhak Perlman – người cả thế giới ngưỡng mộ – có nhận tôi làm học trò tôi cũng đứng lên từ chối phắt. Làm sao tôi chịu nổi cặp mắt trắng dã nhướng lên sau cặp kính dày cộm nhìn cha con tôi? Tôi như nghe ông ta nói, “Chú mày ở đây làm gì? Đây đâu phải chỗ cho những thằng người lơ láo như chú mày. Thế giới chúng tôi là thế giới những người cao kì. Chú mày nên nhìn lại chú mày đi!” “Vâng, cám ơn ông vĩ cầm thủ số một của thế giới đã vạch ra cho tôi thấy bộ mặt đạo đức giả của thế giới các ông. Các ông, các bà lịch sự cao kì lắm, mở miệng toàn những câu nói khéo léo văn vẻ nhưng lòng dạ thì lạnh lùng như băng tuyết, ác độc như sói lang. Các ông không cần nhắc nhở thằng tôi, tôi biết tôi đang đứng ở đâu chứ, và tôi chán các ông lắm. Tôi có nơi khác để về rồi.” Tôi chán học vĩ cầm, tôi chán Cha Thomas và ban nhạc cà khổ của ông, tôi chán ông cà thọt nhìn cha con tôi với ánh mặt dị kì như thể chúng tôi là loài động vật đến từ hành tinh lạ, tôi cũng chán ba tôi lúc ông ngồi dưới ghế nhà thờ, mắt lim dim mơ tưởng cái viễn ảnh tôi biết chẳng bao giờ có thật. Thốt nhiên tôi thấy lòng mình nhẹ hẫng. Tại sao tôi không làm cái gì tôi yêu thích? Tại sao tôi cứ phải ép mình làm những gì cho người khác, cho dù người đó là ba tôi? Tại sao tôi cứ phải bám vào lời Cha Thomas cho rằng mục đích cao đẹp nhất của âm nhạc là để ngợi ca Thiên Chúa? Trí óc tôi bỗng loé lên ý tưởng tôi có thể bỏ ngay buổi tập đàn ngày hôm nay với Cha Thomas, vứt lại thùng đàn vĩ cầm, không lời từ giã, và theo cô về nhà bắt đầu bài học ghi-ta thứ nhất.

4.

Cô tên Sara Moreno, gốc gác tận xứ Uruguay, một quốc gia tôi chẳng biết nằm đâu trên bản đồ thế giới. Cô là cầm thủ ghi-ta nổi tiếng ở New York, được mời trình diễn khá nhiều nơi trên thế giới nhưng không hiểu vì nguyên cớ nào cô về đây nhận chân dạy học tại trường đại học gần nơi cha con tôi cư ngụ. Cô quen Cha Thomas và chính Cha là người giới thiệu cô với ông khoa trưởng phân khoa Âm nhạc của trường. Cô bảo tôi là người bạn đầu tiên cô gặp ở đây. Ồ, hoá ra cô xem mình là bạn! Chưa bao giờ tôi sung sướng trong lòng như vậy. Chưa bao giờ tôi thấy mình quan trọng như vậy. Sinh nhật thứ mười sáu của tôi, tôi bảo ba tôi: “Ba à, con không học vĩ cầm nữa đâu.” Phản ứng của ba tôi thoạt đầu dữ dội lắm nhưng vài hôm sau cơn giận của ông nguôi xuống khi nghe tôi kể lể khúc nôi. “Ba, con có học thêm mười năm nữa thì vẫn đứng nguyên một chỗ thôi. Con lên Trung học hai năm rồi, chương trình học ở trường bây giờ nặng lắm, vừa tập đàn vừa học hành con không đủ thời gian.” Tôi nói tôi sẽ không thành công nếu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc vì “con biết con không xuất sắc như ba tưởng. Trong ban nhạc của Cha Thomas ở nhà thờ, nhiều đứa bằng tuổi con mà tài giỏi hơn con nhiều, chúng nó có thầy chỉ dẫn từ khi mới học nên không phải tốn công sức sửa chữa những cố tật như con.” Ba tôi thất vọng vì biết tôi nản chí, ông cũng nhiều lần nản chí như vậy trong đời nên ông hiểu. Con đường chông gai quá. Ngoài chông gai nó còn là con đường dốc thẳng đứng! Cuối cùng ông tự an ủi. Thôi mình là dân tị nạn, được như vầy là khá lắm rồi, mơ ước thêm làm chi, con mình đâu có hư, nó chịu khó học hành đỗ đạt sau này làm ra tiền tự nuôi thân là tốt rồi. Và ông để tôi yên. Tôi cũng không phải đàn trong giàn nhạc Cha Thomas nữa. Có thì giờ rảnh rỗi tôi đi chơi với lũ bạn cùng trang lứa. Tôi nhẹ như chim. Tôi khám phá ngoài âm nhạc đời sống còn nhiều điều thú vị lắm mà thằng bé con háo hức như tôi đang khao khát kiếm tìm.

Tôi hay đạp xe tới nhà cô chơi. Cô thuê căn nhà cũ gần trường đại học. Phòng khách cô biến thành phòng tập nhạc, bừa bộn không thể tả. Cô có cả nửa tá đàn ghi-ta, toàn đàn quý người đóng đàn đóng riêng cho cô, bóng lộn; cô nâng niu chúng như nâng niu đàn con. Cô cho tôi mượn một cây để tôi tập. Chuyển từ vĩ cầm sang ghi-ta, tôi học mau lắm, chỉ thời gian ngắn tôi đã thuần thục những kĩ thuật căn bản, ngón tay tôi đã bắt đầu thoăn thoắt trên phím đàn. Nhưng tôi thờ ơ, lí do học chỉ vì tôi muốn được quanh quẩn bên cô, muốn “nhìn” cô say sưa nói về nhạc. Hình như cô chẳng biết gì ngoài âm nhạc và ngoài âm nhạc cô chẳng còn niềm vui nào khác. Cô có thể ngồi đàn suốt ngày đêm, bỏ cả bữa ăn. Buông đàn xuống lại lấy giấy bút ra hí hoáy soạn hoà âm cho một tấu khúc nào đó. Cô dạy học cũng nhàn nhã lắm, hai lớp buổi sáng, một lớp chiều. Cô cũng chẳng nhận học trò riêng như nhiều giáo sư âm nhạc khác. Tờ báo lớn nhất của thành phố nghe tin cô về định cư mấy lần đề nghị gửi kí giả đến nhà thực hiện cuộc phỏng vấn cho trang văn nghệ của họ, nhưng cô cứ lần lữa khất lại. Sau cùng họ chán nản, không gọi cô nữa.

Một hôm tôi đến nhà cô lúc gần tối. Cô đang tiếp chuyện người đàn ông lạ mặt mà cô giới thiệu là giáo sư âm nhạc trên trường. “Giáo sư Aaron Brokowski dạy hoà âm và đối điểm.” Cô bảo tôi. Cô cũng giới thiệu tôi với ông ta, bảo đây là một tài năng trẻ. Ông ta chìa tay ra cho tôi bắt trong lúc vẫn giữ nguyên tư thế ngồi trong ghế bành như Đức Giáo hoàng chìa tay cho các con chiên quỳ xuống hôn. Tôi bắt tay nhưng không thèm nhìn mặt ông ta. Ông ta trạc ngoài bốn mươi, dáng người cao, da dẻ trắng trẻo, đeo kính trắng gọng tròn, ăn mặc nghệ sĩ lắm, mái tóc dài dợn sóng hất tung ra đằng sau. Đột nhiên tôi ghét tất cả những ai có tên họ chấm dứt bằng cái âm “ki” khó chịu như ông Brokowski này. Hồi còn ở quê nhà hàng xóm tôi có con chó tên Kiki. Tôi ghét nó thậm tệ, chỉ mong có ngày nó ăn phải bả chó, chết quách. Brokowski hay Kiki thì cũng đồng dạng như nhau thôi, Kiki chết còn cho vào nồi thành bữa nhậu đã đời chứ Brokowski mà chết thì chỉ tổ làm khổ mũi thiên hạ!

Tôi ngồi im lặng, đầu óc miên man với những ý nghĩ trẻ con lăng nhăng buồn cười đó trong lúc hai người huyên thiên nói chuyện về âm nhạc.

“Sarita! Cô nhận lời trình diễn trong buổi hoà nhạc đó chứ?” Ông ta chợt lên tiếng hỏi cô.

Thì ra ông ta đến để thuyết phục cô nhận lời trình diễn trong một buổi hoà nhạc gây quỹ từ thiện.

“Vâng, tôi nhận lời chứ. Hoà nhạc gây quỹ giúp hội từ thiện thì tôi đâu có quyền từ chối. Có thể sẽ có cả màn song tấu nữa đấy.” Vừa nói cô vừa phác một cử chỉ về phía tôi.

“Không, không, Sarita.” Tôi lắc đầu quầy quậy, “Em không chơi nhạc nữa đâu. Em sẽ không bao giờ cầm đàn nữa. Ba em bảo âm nhạc hủ hoá con người. Âm nhạc không những không sản xuất mà còn làm tê liệt ý

chí tranh đấu của con người.” Tôi nói bậy bạ, quơ quào như vậy mà trong lòng lấy làm hả dạ thú vị lắm. (Câu nói đúng ra không phải của ba tôi mà của ông bác họ ngoài Bắc vào thăm mẹ tôi dạo mấy năm đói ở quê nhà. Ông khó chịu lắm khi thấy tôi vẫn kéo đàn trong lúc cả nhà chạy gạo kiếm ăn.) Nói xong tôi vớ cái áo khoác, hùng hổ bước ra khỏi cửa.

5.

Cô giận tôi lắm sau cái biến cố buồn cười đó, gần một tháng không cho tôi đến nhà. Cuối cùng cô gọi dây nói bảo tôi đến ăn cơm do chính tay cô nấu. Tôi chạy lại liền. Cô mở cửa đón tôi vào nhà. Cô làm mặt nghiêm nhìn tôi một chặp rồi bật lên cười. Tôi cũng phá ra cười ngặt nghẽo. Tôi và cô cứ thế rũ ra cười cho đến khi nước mắt nước mũi giàn giụa mới thôi. Tối hôm đó cô nấu món ăn của quê hương cô cho tôi ăn. Chỉ là thịt trừu ninh nhừ trong thứ nước xốt đỏ quạch cay xé lưỡi và ăn với đậu bắp. A, ngoài âm nhạc cô còn biết nấu ăn.

Lần khác đến, sau cả tháng trời không gặp, vừa đặt chân vào nhà tôi đã cảm thấy có gì khác lạ. Trông cô tiều tuỵ, hai hốc mắt lõm sâu vào. Vùng sáng trước mắt cô như bị thay thế bởi làn sương đen. Hình như cô có nỗi buồn riêng mà tôi không sao hiểu nổi. Từ lâu rồi, tôi linh cảm cô tuy sống nơi đây nhưng tâm hồn thì ở mãi đâu đâu. Càng thân thiết tôi càng thấy rõ nỗi buồn đặc quánh trong người cô. Nhưng tôi không đủ tinh tế để tìm hiểu thêm về nguyên cớ nỗi buồn đó của cô. Đôi lúc tôi áy náy vì chẳng biết làm gì cho cô vui. Nhạc. Chỉ có âm nhạc mới làm cô vui. Thì cô vẫn đàn đấy. Có lúc nào ngưng tiếng đàn đâu. Thi thoảng tôi còn lấy vĩ cầm ra kéo những khúc Sô-na-ta ngăn ngắn dễ thương của Paganini. Cô đàn phần ghi-ta. Những lúc đó cô vui lắm. Cô kể Paganini có thời kì mê đắm nàng nữ bá tước nào đó. Ông biến vào toà lâu đài của nàng sống suốt ba năm trời. Nàng nữ bá tước yêu tiếng đàn ghi-ta; thế là Paganini bỏ vĩ cầm, xoay sang học ghi-ta để đàn cho nàng nghe. Ông đàn ghi-ta cũng xuất quỷ nhập thần như vĩ cầm vậy và để lại cho hậu thế số lượng nhạc không nhỏ nhờ mối tình diễm ảo đó. Tôi hỏi cô, “Về sau Paganini có lấy nàng nữ bá tước đó làm vợ và hai người mãi mãi sống bên nhau trong toà lâu đài như trong truyện thần tiên không.” Cô bảo nghệ sĩ ít khi hạnh phúc. Bất hạnh hay xảy đến cho người làm nghệ thuật, nếu không từ trên trời rớt xuống thì do chính mình gây ra. Nghe cô nói tôi có cảm tưởng cô đang nói về chính cô.

Không phải lúc nào tôi cũng sôi nổi với nhạc như cô. Những lúc nhìn cô âu sầu, tôi thấy xót xa trong dạ, nửa thắc mắc nửa ái ngại mà chẳng biết làm gì.

Tôi hỏi cô có chuyện gì thì cô gắt lên khiến tôi chưng hửng, tôi chào cô ra về, cô ngần ngừ định giữ tôi lại, rồi lại thôi. Tôi về. Cô gọi tôi ngay khi tôi vừa đặt chân vào nhà.

“Sarita! Cô có chuyện buồn hả? Cô muốn em quay lại với cô không?”

“Không, tôi chỉ muốn xin lỗi em vì hồi nãy làm em ngỡ ngàng.”

Nói vậy nhưng mười lăm phút sau tôi đã có mặt ở nhà cô. Cô ôm tôi vào lòng. Tôi biết chuyện gì phải đến. Cô kéo tôi vào giường ngủ, ôm tôi như ôm đứa trẻ. Cô vuốt tóc tôi như người mẹ vuốt tóc đứa con trai yêu dấu, miệng cô hát nho nhỏ bằng tiếng mẹ của cô bài hát dù không hiểu tôi cũng dư biết là bài ru con. Vừa hát cô vừa vén áo lên, nhét đầu vú vào miệng tôi trong lúc thủ thỉ vào tai tôi những âm thanh êm ái nhất giữa con người với con người.

6.

Concierto de Aranjuez là cầm tấu khúc bất hủ do nhà soạn nhạc tài ba Tây Ban Nha Joaquín Rodrigo viết vào năm 1939. Khi về chiều, ông thố lộ với mọi người chi tiết khá bi thương về hoàn cảnh ông viết khúc nhạc. Hành âm thứ hai của bản nhạc, khúc Adagio, ông viết ngay sau cái chết của đứa con đầu lòng khi đứa bé vừa ra đời. Đêm đó, từ nhà thương về, sau khi chứng kiến cái chết của đứa con và nỗi đau xé da xé thịt của người vợ trẻ, ông lấy giấy mực viết xuống dòng nhạc bất hủ mà ngày nay ở thị trấn Aranjuez người ta dùng giai điệu trong khúc nhạc làm tiếng chuông điểm mỗi giờ, âm thanh vang vọng cả quảng trường thành phố. Giai điệu trổi lên ngay khi hành âm khởi đầu với tiếng kèn English horn thê thiết, giàn nhạc giao hưởng đệm theo và ghi-ta vuốt nhẹ arpeggio ở hợp âm Si thứ. Rodrigo khai triển giai điệu đến tột cùng. Ghi-ta, English horn, giàn nhạc cứ thế đối đáp nhau từng chặp, đến đoạn cadenza thì tiếng ghi-ta độc tấu đang thê lương bỗng biến thành cơn thét gào tuyệt vọng. Đoạn kết của khúc nhạc là tiếng thở dài não ruột. Tiếng nhạc nhỏ rức ở âm độ pianissimo, những nốt ghi-ta chơi bằng harmonics rời rạc chậm rãi như ngọn đèn leo lét đang dần lịm tắt. Bản nhạc đúng là tiếng than thở của người cha mất con. Rodrigo phổ nỗi đau riêng của mình vào nghệ thuật. Và nghệ thuật đó sống mãi.

Sara cũng có nỗi đau riêng tương tự như nhà soạn nhạc lỗi lạc kia. Chồng và con trai cô tử nạn trong một tai nạn xe hơi thảm khốc. Mãi về sau tôi mới biết điều đó và tôi bừng hiểu tại sao khi trình tấu hành âm thứ hai của hoà tấu khúc cô đã đàn với tất cả tâm hồn mình và tôi cũng hiểu tại sao có những đêm cô ngồi trong bóng tối đàn đi đàn lại khúc nhạc. Về sau tôi nghe nhiều diệu thủ ghi-ta đàn khúc nhạc, từ Julian Bream đến Pepe Romero, nhưng tôi dám chắc chẳng ai tạo được nét nhạc diễm ảo như cô. Nhạc và cô là một. Giai điệu khúc nhạc lại lởn vởn trong đầu tôi như nhiều năm nay nó trở về ám ảnh tôi. Băng qua khoảng sân và bên trong cánh cửa kia là phòng tập nhạc của Cha Thomas, chỉ vài chục bước từ chỗ tôi đang ngồi co ro trong xe, tôi thấy tôi khẽ khàng bước những bước thật nhẹ về phía tiếng đàn. Cô ngồi xoay lưng ra ngoài, tấm áo đen dài bó sát lưng, mái tóc nâu đen buông lửng. Tôi tìm ghế rón rén ngồi xuống rồi lắng nghe với tất cả say mê. Cô đàn say sưa lắm, mái tóc ẻo lả mỗi lần lắc đầu mạnh theo tiếng nhạc. Hành âm Adagio trong hoà tấu khúc Concierto de Aranjuez bất hủ!

7.

Tôi không ngờ người ta có thể độc ác với cô như vậy. Người thứ nhất hài tội cô là Cha Thomas. Tôi không biết Cha nói gì với cô nhưng khi Cha gọi tôi vào văn phòng nói chuyện thì tôi không giữ nổi nỗi bất bình. Cha rủa xả cô với tất cả những gì xấu xa nhất ngôn ngữ con người cho phép. Giữa những câu rủa xả, Cha lẩm bẩm trong miệng câu “Chúa ơi! Chúa ơi! Tội lỗi quỷ ma! Tội lỗi quỷ ma!” Cha cứ thế luôn miệng từ lúc ngồi xuống. Tôi ngồi im lặng nghe Cha nói.

Lúc lâu sau Cha xuống giọng bảo tôi:

“Sự thật như thế nào con phải nói hết cho Cha nghe.”

“Chẳng có sự thật gì cả, thưa Cha. Cô Moreno là người dạy con nhạc. Cô đối xử với con rất tử tế. Thế thôi. Tất cả những gì Cha nghe từ người khác đều không đúng sự thật. Con chẳng phạm tội gì cả. Nhưng nếu phạm tội con sẽ xưng tội với Cha trong buồng xưng tội, không phải nơi đây.” Tôi bình thản trả lời Cha.

Rầm! Cha Thomas đập tay thật mạnh xuống mặt bàn. Tôi chưa bao giờ thấy Cha giận dữ. Trông Cha kinh khiếp quá. Mặt Cha đỏ bừng như quả cà chua chín, hai mắt Cha trợn lên trắng dã làm tôi nhớ đến mắt nhà danh cầm Itzhak Perlman. (Dân chơi vĩ cầm có điểm giống nhau, nhắm tịt mắt lúc kéo đàn và trợn mắt các lúc khác.) Cha hét lên như điên cuồng. Già Frank nghe tiếng ồn ào chạy xộc vào lôi tôi ra ngoài trong khi cơn bão thịnh nộ của Cha vẫn tơi bời trong căn phòng nhỏ.

Sau đó, tôi không bao giờ gặp lại Cha nữa. Cha ghét tôi như con chó ghẻ. Tôi cũng chẳng còn tình cảm gì với Cha, nhất là sau khi biết ra sự thật tại sao Cha đi tu. Cha đi tu vì thất tình Sara. Chuyện đó xảy ra từ hồi xửa hồi xưa nhưng tôi vẫn không thể nào chấp nhận nổi.

Người thứ hai là ông giáo sư Brokowski. Một buổi tối tôi đang ngồi trong nhà với cô thì ông ta sầm sập chạy đến đập cửa đòi vào nhà. Vừa đập cửa ông vừa la ông ổng làm náo loạn cả khu xóm:

“Sara! Cô nghe tôi nói đây. Họ đang tính chuyện đưa cô ra hội đồng kỉ luật và toà án tiểu bang! Thằng nhỏ Chinaboy đó đang tuổi vị thành niên. Cô có thể vào tù! Cô nên bình tĩnh tìm cách cứu vãn. Cô nên nói chuyện với tôi. Tôi sẽ giúp cô.”

Lạ thật, chính ông là người lên hội đồng kỉ luật đặt điều tố cáo cô, bây giờ ông lại bảo cô nên nói chuyện với ông để cứu vãn tình thế! Ông ta không gọi cô bằng cái tên Sarita thân mật nữa. Tôi đưa mắt nhìn sang cô nhưng cô chỉ lắc đầu. Đập phá một chặp thấy không có kết quả, ông ta bỏ đi sau khi buông vài câu đe doạ. Ông ta đi rồi, cô bảo tôi: “Ông Brokowski này đang bị hai cô sinh viên trên trường thưa về tội hiếp dâm.” Có lẽ ông ta đang tìm cách quậy chuyện người khác lên để che giấu hoặc đánh lạc hướng chuyện xấu

của chính mình. Tôi nghĩ thế. Linh cảm của tôi về ông Brokowski này đúng lắm. Đã bảo Brokowski hay Kiki thì cũng như nhau thôi, cùng một giuộc, chẳng ra gì, chỉ dê dẫm là không ai bằng. Brokowski còn tệ hơn Kiki một bậc, chẳng những dê dẫm mà còn dê diếu nữa!

Người thứ ba là ba tôi. Từ hơn năm nay cha con tôi càng ngày càng xa cách nhau. Tôi ít khi về nhà. Ông kiếm được ở đâu mụ người Việt nạ dòng đem về nhà làm bầu bạn gá nghĩa. Hình như chồng mụ còn bị giam trong trại cải tạo ở Việt Nam. Mụ kém ba tôi chừng hai, ba tuổi thôi nhưng lúc nào cũng õng ẹo như con gái mười bảy. Tôi ghét mụ lắm. Cả đứa con gái mụ nữa, nó nặc nô chẳng kém gì mẹ. Nhiều lần tôi bắt gặp mụ trần truồng như nhộng đi từ phòng ngủ xuống nhà bếp mở tủ lạnh tìm đồ ăn đồ uống rồi ngoe nguẩy cầm về phòng ngủ. Mông vú mụ thỗn thện, lúng liếng. Từ ngày có mụ, ba tôi xem tôi như cục nợ, chỉ mong tôi sớm ra khỏi nhà. Tôi cũng mong vậy và có lẽ tôi vẫn giữ chút tình phụ tử trong lòng nếu một hôm ông đừng gọi dây nói mạt sát Sara. Chửi cô xong ông cúp máy, quay sang chửi tôi. Tôi cãi lại. Ông giáng vào mặt tôi cái tát nổ đom đóm. Tôi lẳng lặng ôm ít quần áo và sách vở dọn về phòng thằng bạn thân.

8.

Cô chẳng bao giờ để người khác làm nhục mình. Hội đồng kỉ luật của nhà trường sẽ chẳng bao giờ có cơ hội bắt cô ngồi trước cái bàn dài cho họ chất vấn những câu hỏi ghê người như công an điều tra tội phạm đại hình. Tôi hiểu điều đó và tôi bảo cô hãy từ chức rồi trở về New York tìm chân dạy học tư. Tôi sợ cô tự tử. Tôi sợ cô quẫn trí.

Nhưng tôi đánh giá cô thấp quá. Những ông bà già khú, mặt mày xấu xí lúc nào cũng trầm trọng, cau có như đưa đám trong hội đồng kỉ luật và từ ông khoa trưởng trở xuống trong cái phân khoa Âm nhạc của trường chẳng qua chỉ là những chức sắc sống lâu lên lão làng; họ chỉ là những kẻ kém tài, vô danh tiểu tốt nơi cái xó núi này trong khi cô đã là con phượng hoàng bay khắp gầm trời xanh rộng ngoài kia. Con phượng hoàng một hôm mỏi cánh tìm nơi vắng vẻ đáp xuống nghỉ ngơi trong chốc lát rồi lại bay đi. Con phượng hoàng không thể sống chung bầu khí quyển với lũ diều quạ bắng nhắng lắm mồm tâm địa ác độc kia. Hôm lên đường giã từ cô bảo tôi: “Tôi xin lỗi em. Em tha thứ cho tôi.” Tôi không nói gì chỉ ôm cô thật lâu. Trong lúc ôm cô tôi nghĩ lẽ ra tôi phải cám ơn cô mới đúng. Nhờ cô tôi biết tự tin và sống thật con người mình. Hạnh phúc là làm sao sống mà không phải tự sắm cho mình vai trò nào đó trong vở kịch gọi là đời sống. Tôi biết đâu là chân nghệ thuật, chân giá trị và đâu là giả nghệ thuật, giả đạo đức. Cô bảo tôi thế gian toàn bọn hư nguỵ, giả đạo đức, nếu sống với chân giá trị tôi sẽ bị chết nghiến đấy. Tôi bảo cô đừng lo, tôi đủ thông minh và nhạy cảm để biết vậy và tôi có cách đối phó của riêng tôi. Cô tủm tỉm cười khi tôi nhắc lại chuyện tôi đối đáp với Cha Thomas.

Người ra đi buồn bã nhưng kẻ ở lại hụt hẫng như bị ném vào khoảng không gian vô tận. Một thời gian dài tôi như kẻ thất tình thật thụ, nhưng rồi tôi cũng nguôi ngoai. Khi đó tôi quay sang oán trách cô. Cô hứa cho tôi biết nơi chốn cô về nhưng cả năm trời cô vẫn biền biệt tăm hơi. Cô hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống tôi. Đến tấm hình cô tôi cũng không có. Không kỉ vật, không bằng chứng nào cô có thời hiện hữu trong đời sống tôi. Tên tuổi cô bị người ta xoá sạch khỏi mọi thư tịch, văn liệu như thể đó là vết nhơ kẻ vô đạo nào nửa đêm lén bôi lên mặt tượng Chúa. Người ta xem cô như không có trên cõi đời này. Đôi lúc tôi có cảm tưởng cô là thiên thần – mặc dù tôi chẳng bao giờ tin vào thiên thần – hiện ra cứu rỗi tôi, cho tôi niềm tin rồi đột ngột biến mất vào khoảng không. Vâng, cô đúng là thiên thần của tôi. Tôi sẽ sống mãi với ý nghĩ dễ thương đó. Chỉ có thiên thần mới xem nhẹ việc trần thế như cô. Chỉ có thiên thần mới yêu tiếng đàn, yêu nghệ thuật chân chính như cô.

9.

Tôi học xong Trung học. Ông Brokowski bị đuổi khỏi nhạc viện dù vụ thưa kiện của hai cô sinh viên chưa ngã ngũ. Ba tôi mập gấp rưỡi dạo xưa, mụ nạ dòng vỗ béo ông giỏi lắm, mụ còn tìm mua những thứ bổ dương bổ thận cho ông ăn. Tôi cũng chẳng bao giờ đặt chân vào nhà thờ Cha Thomas nữa.

Tôi được năm trường đại học lớn nhận với học bổng toàn phần nhưng sau cùng tôi chọn UCLA. Tám năm học và hai năm nội trú, người ta gọi tôi là bác sĩ và tôi gần hoàn tất giấc mơ không nhỏ của những người ở thế hệ thứ nhất, thứ hai đến xứ sở này lập nghiệp. Tôi lập gia đình. Vợ tôi là con gái Đài Loan, tôi quen thời đi học. Chúng tôi có một mái gia đình nho nhỏ ở ngoại ô Los Angeles. Đứa con gái đầu lòng tôi đặt tên là Sarah. Đời sống tất bật, tôi chẳng bao giờ cầm lại đàn. Thằng con trai lên năm thích trò chơi video hơn là tập đàn. Tôi có lần nhét cây vĩ cầm cũ của tôi vào tay nó, bắt nó học. Thằng bé học được dăm buổi rồi vứt đàn xuống đất như tôi hồi kia. Nó vùng vằng bảo tôi: “Đàn chỉ được vỗ tay chứ không có tiền.” Từ đó trong nhà tôi vắng bặt tiếng đàn.

Một hôm tình cờ đọc báo tôi thấy bài phỏng vấn cầm thủ Sharon Isbin; bà sắp có buổi trình diễn lớn với ban đại hoà tấu Los Angeles. Khi nói về những người trẻ có tiềm năng trong ngành ghi-ta, tôi nhớ cô hay nhắc đến tên Sharon Isbin. Hiện nay bà Isbin là một trong những cầm thủ ghi-ta lừng lẫy nhất thế giới. Buổi trình diễn nào của bà cũng đông nghẹt khán giả. Tối hôm sau tôi để vợ con ở nhà lái xe một mình đi dự buổi hoà nhạc của bà. Tờ chương trình ghi bà sẽ đàn tấu khúc Concierto de Aranjuez của Joaquín Rodrigo.

Sau buổi trình diễn tôi len vào hậu trường đứng xếp hàng trước căn phòng nhỏ chờ xin chữ kí của bà như một khán thính giả ái mộ trung thành nhất. Bà kí tên như máy. Tôi nghĩ chắc bà chẳng thích thú gì công việc này lắm đâu, chỉ vì muốn giữ cảm tình đẹp nơi khán thính giả. Đến lượt tôi vào, trong lúc bà đang kí lên tờ chương trình, tôi cất tiếng hỏi:

“Xin lỗi bà cho tôi hỏi. Bà biết Sara Moreno không?”

Đang kí bà bỗng khựng lại như bị chạm điện. Bà ngẫm nghĩ lúc khá lâu như cố hồi tưởng chuyện gì xa xưa lắm rồi từ tốn ngửng lên nhìn tôi:

“Ông biết Sara Moreno?”

“Vâng, có thời tôi là học trò bà ấy.”

“Lúc lên New York học, tôi không có cơ may học với Sara, nhưng tôi thân tình với bà lắm. Tôi chưa thấy ai yêu âm nhạc và nghệ thuật như bà. Một nghệ sĩ toàn bích, một tài năng hiếm có. Lúc đó bọn trẻ chúng tôi thương quý bà vô cùng. Sau cái chết của chồng con trong một tai nạn xe cộ, bà bỏ New York về vùng Liên Sơn sinh sống và dạy học tại một đại học nhỏ. Nhưng chỉ được hai năm bà lại bỏ đi. Lần này không ai biết bà đi đâu. Có người đoán bà sang Âu châu sống đời ẩn dật, có người bảo bà trở về quê cũ ở Uruguay. Bà đột ngột biến mất khỏi thế gian này và ai nấy ngậm ngùi thương nhớ bà vô cùng. Thế giới âm thanh thật thiệt thòi vì mất đi tiếng đàn tuyệt luân… Lâu lắm rồi tôi mới nghe có người nhắc đến tên bà…”

“Bà nói sao? Chồng con bà ấy chết trong một tai nạn xe cộ? Có chuyện đó thật sao?” Tôi lắp bắp hỏi lại, lạc cả thần sắc. Bà Isbin nhìn tôi đầy vẻ kinh ngạc. Đám đông ngoài cửa bắt đầu mất kiên nhẫn. Tôi cám ơn bà rồi lủi nhanh ra khỏi phòng và tôi chợt hiểu tất cả.

10.

Cánh cửa ngôi nhà trệt lại mở. Già Frank lại xuất hiện, trên tay ôm món vật gì đó, xệch xạc bước về phía nhà thờ. Lúc nào trông ông cũng già nua, bây giờ ông lại càng già quá đỗi. Chắc ông sống không bao lâu nữa đâu. Tôi thấy nao nao trong dạ. Vâng, chuyện gì cũng phải có lúc kết thúc thôi kể cả cuộc hành hương của tôi đôi ba năm một lần, đặt điều dối trá với vợ con, lên đây một mình, nhìn ngắm ngôi nhà thờ, chết sững năm ba phút với những hình ảnh càng lúc càng hư ảo – không biết đâu là thực đâu là mộng, mộng và thực rối mù vào nhau – rồi ra về trong hoang mang như người cô độc lạc đường giữa đêm vắng hoang vu. Tôi sẽ tiếp tục như vầy bao lâu nữa? Tôi tìm kiếm gì ở những hình ảnh vô cùng mơ hồ, lãng đãng đó? Hai mươi năm từ ngày bỏ cung điện ra đi, Odysseus cuối cùng trở về Ithaca với vợ con. Nhưng Ithaca đâu phải quê quán tôi. Với Odysseus, Ithaca có thật. Nó là nơi chốn để về. Nó là quá khứ có thật. Còn tôi? Nó chỉ là giấc mơ do chính tôi vẽ vời, thêu dệt, và tôi bàng hoàng ngẫm lại chừng đó năm tháng – hai mươi năm trời chứ ít ỏi gì – tôi nuôi nấng, chắt chiu giấc mơ đó trong đầu. Để làm gì? Tôi hoàn toàn không có câu trả lời. Không, tôi không nhìn quá khứ qua lăng kính nào cả. Tôi lấy sơn tô vẽ quá khứ từ điểm không và tôi sống với nó như chàng thư sinh trong truyện Liêu Trai sống dật dờ với bóng hồ li phiêu hốt. Làm gì có buổi hạnh ngộ với tiếng đàn kì ảo say đắm. Làm gì có những đêm khuya khoắt tuyết lạnh tôi được ủ vào lòng tấm da thịt ấm áp nồng nàn, được nghe bài hát ru êm ái. Làm gì có tiếng nhạc lung linh như đêm trăng huyền thoại. Tất cả đều do tôi đạo diễn trong cuốn phim viễn tưởng thần kì, cuốn phim chiếu đi chiếu lại hai mươi năm, cuốn phim chiếu cho khán giả độc nhất xem, khán giả đó chính là tôi. Tôi hãy nhìn ra sự thật đi. Quá khứ ngươi không hiện hữu, ngay cả trong khối óc sắp đặc cứng của ngươi. Ngươi là kẻ không có quá khứ và chuyện gì cũng phải có hồi kết thúc. Hãy bước ra khỏi cơn mê muội này và trở về đời sống thật của ngươi!

Tôi nổ máy xe rồi đạp mạnh chân ga. Chiếc xe chồm lên cày tung đám tuyết đóng dày dưới mặt đường. Chẳng còn gì cho tôi ở chốn này. Tất cả đã trôi đi như đám phù vân, mỗi người giạt về một phương trời.

Chỉ còn lại ngôi nhà thờ cũ kĩ lặng lẽ đứng chơ vơ trên lửng triền đồi tẻ lạnh như muốn thi gan cùng bầu trời sương tuyết.

(1995)

Comments are closed.