Lê Quỳnh Mai sinh 1962 tại Sài Gòn, theo học chương trình Pháp và cùng gia đình rời Việt Nam tháng 4-1975. Định cư tại Montréal, Québec, bắt đầu viết từ 1998. Đã in Tác giả với Chúng ta (2004), Gã Đấu bò thành Malaga (2005).
(Viết cho anh tôi. Lê Thái Thành.
Võ sư sáng lập Việt Nam Thái Cực Quyền)
Cơn mưa bất chợt ập xuống phi trường vào chủ nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng sáu.
Tôi là người hành khách cuối cùng ra khỏi chuyến bay từ Paris trở về trong đêm hôm ấy. Không biết là mình đã ngủ vùi đến mấy ngày. Nhưng khi tỉnh dậy nhìn kim đồng hồ đã ba giờ sáng.
Bước theo từng bậc tam cấp xuống hầm nhà và ngồi thu mình trong bóng đêm bên quầy rượu. Tôi đã đi qua lại nhiều lần trước bức tường vôi trắng ngà nhìn vào ấn bản bộ tranh Renoir mua trong một lần sang Pháp. Danse à Bougival. Danse à la campagne. Danse à la ville. Lúc ấy mớ ký ức hỗn độn bị lật tung để tìm một vật vô giá vừa mất ở Âu Châu. Cảm giác mất mát tinh thần thật đau đớn. Nó vừa làm tôi lo sợ bị cướp đoạt thêm những gì có trong hiện tại. Nó vừa đẩy cơn phẫn nộ trong tôi bùng lên như lửa cháy vì bất lực không bảo vệ được những bảo vật của mình.
Tôi thường đi Pháp vào thập niên 90.
Lần đầu đặt chân đến xứ sở này tôi đã không tránh khỏi cảm giác thất vọng. Dù được mệnh danh là cái nôi văn hóa nghệ thuật Âu châu. Nhưng hình ảnh lãng mạn lịch sự của dân Tây qua giáo dục và sách vở thời học trò sụp đổ ngay lúc ấy. Thực tế họ hãnh diện quá độ về quá khứ huy hoàng của dân tộc đến bảo thủ không chấp nhận thay đổi theo thời gian. Với tôi, nước Pháp là bà công tước già thất thế cố gắng trau chuốt lại mảnh nhan sắc tàn để che giấu cái nghèo khó chật vật của mình.
Náo nức đi xem vườn Luxembourg. Ngày em đi nghe chơi vơi não nề qua vườn Luxembourg sương rơi che phố mờ buồn này ai có mua. Có thể nó bất tử qua âm nhạc Việt nhưng không phải là vườn hoa đại diện cho cái đẹp của thành phố. Đến thăm Điện Versailles nhìn cái máy chém oan nghiệt sắc lạnh rợn người còn phảng phất mùi tử khí từ cần cổ trắng ngần của hoàng hậu trẻ con Marie Antoinnette. Cung điện cổ kính đẹp như mơ giữa vườn thượng uyển vẫn thấp thoáng tiếng vó ngựa D’Artagnan và ba chàng ngự lâm pháo thủ. Nhưng trong luồng gió lộng cuối tháng tám năm ấy lại phảng phất mùi nước tiểu thật nồng.
Những hè kế tiếp chúng tôi lang thang lục tung Paris và khám phá ra nhiều điều thú vị bất ngờ. Ví dụ dân Tây rất ẩu trong cách thức đậu xe hơi nhưng lại không bị phạt vì cảnh sát cũng ẩu như dân! Họ lái cho hai đầu xe ngó nhau hoặc phía sau chổng ngược về nhau. Hiện tượng lạ không có ở Bắc Mỹ.
Đó là vài cảm nghĩ về nước Pháp ở nhiều năm về trước. Nơi nuôi dưỡng một tình thân của tôi.
Anh Thành đến Pháp vào giữa thập niên 70 cùng với Jeannette Clément.
Trước đó chúng tôi cùng trải dài tuổi thơ ở Sài Gòn. Nhà tôi và nhà Nique – mẹ chị gọi con gái như thế – đối diện và cách nhau bằng một đại lộ. Cạnh bên là gia đình bác gái của chị có chồng người Pháp chính gốc. Monsieur Bruneau. Người thân gọi ông ấy là ông Bộ. Tôi không biết tại sao ông có cái tên Việt Nam làm gợi nhớ đến hình ảnh lực sĩ điền kinh như thế. Ông Bộ và bố chị Nique làm việc chung với nhau. Họ gặp hai cô con gái đẹp nổi tiếng của một gia đình Hà thành. Tình yêu không phân biệt màu da. Thế là hai người bạn tổ chức đám cưới với hai cô dâu ngoại tộc có đầy đủ họ hàng bạn bè tham dự.
Chào đời tại Hà Nội chị dâu tôi đã mang quốc tịch Pháp.
Nhưng chưa hết tuổi thơ bé Nique đã bất hạnh mồ côi cha.
Hiệp Định Genève 1954 ký kết. Dòng sông Bến Hải vô tình biến thành tội đồ chia đôi đất nước hai bờ vỹ tuyến. Mẹ chị Nique từ chối không sang quê chồng. Bà dẫn đứa con gái duy nhất theo biển người trôi dạt vào Nam mở hãng đúc gạch bông cạnh tranh với hãng Đời Tân thời ấy. Ông Bộ thương chị xa cách em nên theo vợ vào Sài Gòn lập nghiệp. Khi tôi vừa đủ lớn để hiểu chuyện thì gia đình họ đã có sáu trai một gái. Gérard. Con trai trưởng gia đình Bruneau và anh tôi là bạn thân thời niên thiếu.
Bấy giờ ở Sài Gòn xảy ra cuộc đảo chính năm 1963. Hành động đàn áp Phật giáo của chính quyền đương thời đã là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả không lường cho chính phủ Ngô Đình Diệm. Thánh chiến chỉ chấm dứt khi mặt trời mọc ở phương Tây. Mâu thuẫn giữa những gia đình Công giáo và Phật giáo xảy ra thường xuyên. Nhiều mối tình đẹp tan vỡ vì không cùng tôn giáo. Sinh viên biểu tình và hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã tạo ra biến động lớn.
Quân đội Hoa Kỳ cũng bắt đầu có mặt chính thức khắp nơi trên lãnh thổ của miền Nam. Văn hóa Mỹ ồn ào xâm nhập ồ ạt hất tung cái lãng mạn kiểu cách của nước Pháp. Các quán mà người ta gọi là snack-bar mọc lên như nấm ở khắp các thành phố lớn. Những người lính Mỹ từ chiến địa trở về xuất hiện ồn ào trong nơi này như tự thưởng ân huệ cho mình lần cuối ở lần ra trận sau đó. Lớp English for Today ngày như tối cũng mở rộng cửa và không thiếu học viên. Sài Gòn thay đổi nhanh như đứa trẻ con bật lớn bước vào tuổi vị thành niên.
Vậy mà chuyện xích mích đạo đời hay văn hóa đụng nhau chẳng ảnh hưởng đến hai gia đình họ. Ông Bộ theo đạo Công giáo. Chị em bà Bộ lại thường dắt hai đứa con gái vào chùa Xá Lợi và Vĩnh Nghiêm thắp nhang lạy Phật. Đến tết Tây họ cùng nhau đi xem lễ nhà thờ. Qua tết Việt hai nhà cúng giao thừa xin xăm bói quẻ cầu an. Không tranh chấp. Không bạo động. Vui vẻ. Đó là hình ảnh hạnh phúc nhất của gia đình Bruneau mà mẹ tôi đã nhắc lại nhiều lần sau này.
Chuyện tình của anh chị tôi bị phát giác khi họ vừa mười lăm tuổi. Con trai cả của ông Bộ vô tình là cầu nối cho em gái họ và thằng bạn thân mà không hay biết. Anh Thành học trong Chủng Viện Đắc Lộ. Chị Nique trong nội trú Notre Dame tại Thủ Đức. Cuối tuần cả hai mới được về thăm nhà. Anh tôi dí dỏm vui tánh bao nhiêu thì chị lại nghiêm trang hiền lành nhút nhát gần như mặc cảm bấy nhiêu. Hiếm khi chị ra khỏi nhà vào những ngày nghỉ học. Vậy mà thằng nhỏ có khuôn mặt rất lỳ với mái tóc đen nhánh lại đá lông nheo tán tỉnh được con bé đầm lai xinh đẹp. Con lai hai dòng máu Âu Á có nét đẹp nổi bật giữa bọn trẻ da vàng thuần chủng.
Người lớn có lý lẽ của họ. Bố tôi là người tài giỏi có kiến thức rộng về nhiều lãnh vực. Nhưng thế hệ cũ khe khắt không xóa nổi thành kiến về con lai dù các con ông có dòng máu ngoại tộc của Thái Quí Công. Ông ngoại tôi từ Hải Nam xuống thành phố Hà Nội lập nghiệp. Nhất định không chịu thua thằng con trai có khuôn mặt hao hao Lý Tiểu Long. Bố tôi nghiêm khắc cấm đoán anh và lạnh lùng cắt đứt quan hệ láng giềng với hai gia đình bên kia. Mẹ chị cũng thất vọng vì đứa con gái xinh đẹp bị thằng học trò non choẹt dụ dỗ. Hai bên gia đình đổ lỗi cho nhau không biết dạy con. Ông Bộ thương cháu gái nhưng im lặng không can thiệp.
“Chiến tranh lạnh” kéo dài đến hơn hai năm rưỡi. Không bên nào chịu nhượng bộ treo cờ trắng trước. Hòa bình xa vời vợi. Người lớn gây chiến tranh. Con nít chịu hậu quả. Riêng tôi bị nặng nhất. Anh em nhà Bruneau thường rủ nhau rình trong cổng nhà. Nếu lỡ thấy mặt… kẻ thù mà không có ai bên cạnh hộ tống thì Bernard và hai thằng em sanh đôi chạy băng qua lộ la ầm lên: Ê! Mai chà và, Mai chà và (bạn nên phát âm giọng miền Nam!). Lúc đó tóc tôi quăn tít và hàng lông mi cong dài che cặp mắt to ngây ngô trông y chang lai Ấn Độ. Nhiều lần tôi tức đến phát khóc đến nỗi chị Vân phải dỗ dành và chỉ cách. Đừng khóc nữa, để chị dạy cô cách này, nếu thằng Anh thằng Em chọc nữa, cô nói thế này là chúng nó sợ ngay: Tây lai ăn khoai cả vỏ ăn chó cả lông ăn hồng cả hột. Cứ nói vào mặt chúng nó. Chị không mách lại với Bà đâu. Nếu ông phạt cô, chị chịu cho. Sẵn ảnh hưởng tánh tình của anh Thành, ngang tàng cứng đầu và không biết sợ là gì nên tôi đã làm theo lời của gia bộc để trả thù. Nhưng đúng là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” (!). Suýt nữa con nhỏ du côn bị bọn Bruneau uýnh bầm mặt trong lần phản công duy nhất ấy! May là anh tôi nhìn thấy kịp lúc. Chưa hết. Bố tôi có thói quen như mọi người ở Việt Nam thời ấy. Ở sở về ông thường ngủ sau bữa cơm trưa. Hai thằng sanh đôi biết được nên canh đúng giờ lén qua bấm chuông từng chập và chạy mất. Phóng theo sau là con chó berger thật to.
Bố mẹ tôi canh ngày rất chính xác. Cứ cách ba bốn năm lại thêm một tiếng cười trẻ thơ trong gia đình. Người Việt ngày xưa thích nhiều con cho vui cửa nhà. Anh Thành là con trai thứ năm. Cách tôi là hai người anh trai khác đã ra đi từ lâu lắm. Mất lúc còn bé và mất tích trên biển là hai hình thức để diễn tả một nghĩa đi không về. Tôi là em gái thứ tám nhưng ảnh hưởng anh về mọi mặt. Ngang tàng dám làm dám chịu bao nhiêu. Anh tôi cũng đam mê phóng khoáng có bản chất nghệ sĩ bay bướm bấy nhiêu. Cung mệnh anh in số đào hoa lại nói chuyện rất duyên dáng dí dỏm. Không ít lần mẹ tôi phải gỡ rối tơ lòng cho những chị yêu không điều kiện dù anh chưa bao giờ giấu họ về chị dâu tôi.
Sợ đám con trai hư lêu lổng nên bố tôi đã gởi các anh vào nội trú ở chủng viện Đắc Lộ dù gia đình không theo đạo Công giáo. Anh Thành được học võ từ năm 12 tuổi khi về nhà mỗi cuối tuần. Mấy năm sau chủng viện từ chối không nhận vào học nữa vì anh dám húc đầu vào bụng một sư huynh trẻ. Anh tôi bất mãn khi nhìn thấy thằng em kế bị nhéo tai bắt quì gối vì không chịu đọc kinh trước giờ lên lớp. Nội trú không xong thì ra ngoại trú. Mẹ tôi đã từng đi ra đi vào hàng chục lần các trường tư thục để… hầu ban giám hiệu vì tội phá phách ngang tàng của đứa con trai. Anh bị đuổi học liên tục phải đổi trường thường xuyên. Bà khóc lóc năn nỉ hiệu trưởng này đến giám thị khác cho thằng con ngổ ngáo được nhập học nửa chừng niên khóa. Ở nhà anh cũng phá phách không kém. Lại lén hút thuốc lúc 15 tuổi. Một lần bố tôi giận điên lên khi phát giác ra một số chai rượu quí chọn lọc của ông đã được thay bằng nước trà! Chưa bị hỏi cung anh đã hiên ngang nhận tội nhưng cãi Bố không uống thì con mang cho bạn uống, chứ để nhìn làm gì?
Đó cũng là lần đầu tiên và cuối cùng bố tôi không tự chủ được đã đánh thằng con trai thứ năm mấy bạt tai. Nhiều ngày sau đó anh bị cấm ra khỏi nhà khi đi học về. Hậu quả không lâu anh Thành đã dốc hết mấy lọ thuốc trong tủ và rủ người yêu tự tử vào đúng giờ cơm trưa có mọi người đông đủ. Về sau anh nheo mắt cười với tôi kể lại rằng phải chọn giờ đó để còn được mang đi cấp cứu! Ông Bộ xanh mặt mang cháu gái cưng vào bệnh viện Grall trên đường Đồn Đất rửa ruột. Anh tôi cũng thoát chết sau khi nhà khám phá kịp “lá thư tuyệt mạng” yêu cầu được chôn chung (nếu chết thật!).
Sau chuyện tình như Romeo và Juliette. Hai bên gia đình không hẹn mà lặng lẽ treo cờ trắng một lượt.
Trong chiến tranh cả hai bên thắng thua đều tổn thương mất mát như nhau. Không có chiến thắng nào mà không có tổn thất đi kèm. Hai phe kiệt quệ mòn mỏi tinh thần lẫn thể xác chỉ vì hậu quả tàn khốc. Trật tự hòa bình từ từ tái lập. Người lớn mang vết thương lòng không thể hàn gắn nhưng con nít cần tương lai trước mặt.
Cuối cùng anh chị tôi được tự do gặp nhau. Từ đó tôi cũng không còn là nạn nhân của anh em nhà Bruneau nữa. Có lúc lại còn được rủ đi chơi chung. Lúc ấy con trai trưởng của Ông Bộ và người em gái thật đẹp đã được gởi lên Đà Lạt học trong Yersin.
Mẹ tôi nấu ăn rất tuyệt vời và bà có thói quen cúng giao thừa lớn. Thời gian ấy bận rộn nhưng thật vui. Nhiều món ăn để dành cho ba ngày tết và đủ loại mứt màu sắc rất lạ mắt. Những trái dưa hấu xanh muớt bóng lưỡng được chở đến nhà bằng xe ba gác và chất dưới gầm gường để giữ độ mát. Trước đó cả tuần chị Vân đã cà nhuyễn đậu xanh nấu chín để dành gói bánh chưng. Trẻ con được mua quần áo mới để sáng sớm mùng hai theo bố mẹ đi lấy lì xì. Chúng tôi thường hí hửng mang về những bao đỏ dày cộm của nhiều người bạn hào phóng. Nhưng sau này mới biết bố mẹ tôi còn hào phóng hơn với con cái của họ.
Những ngày gần tết Mậu Thân. Trrước cửa nhà chúng tôi xuất hiện nhiều phu xe xích lô đạp lạ mặt không giống những người thường đến khu vực này hằng ngày. Chưa kể từng nhóm phụ nữ gánh hàng rong qua lại cùng lúc. Lâu lâu họ tụm lại từng nhóm nói nói cười cười như quen biết lâu năm.
Tối hôm ấy. Trời đổ cơn mưa và tự nhiên có hàng loạt tiếng súng vào khoảng ba giờ sáng. Tiếng đạn bay trúng cánh cửa sắt của cổng chính lên nghe rợn người. Súng nổ từng tràng xen giọng nói đàn ông lẫn đàn bà. Tiếng la hét liên hồi quyện với tiếng rít của đạn chạm vào cửa sắt. Và cứ thế âm thanh kinh khủng ấy kéo dài cho đến sáng thì im hẳn.
Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác sợ hãi đến tắt thở.
Cho đến bây giờ tôi không thể quên được cái đêm hôm ấy.
Đêm của con người tàn sát đồng loại không thương tiếc vì sinh tồn.
Đêm của những tiếng la hét thù hận và giết chóc làm máu trong tim của một đứa con gái mới bắt đầu lớn gần như ngừng luân chuyển.
Đêm đầu tiên của chiến tranh đi vào thành phố Sài Gòn.
Mẹ tôi và chị Vân bò chúi trên nền nhà đến từng phòng xem xét. Còn Bố lần theo bóng đêm bước vào phòng thí nghiệm. Về sau mẹ tôi kể lại là ông đi tìm cyanure để sẵn tự tử nếu nhà bị phá cửa vào. Lúc ấy tôi khóc và chạy sang phòng ngủ anh Thành. Các anh đang ngồi ôm nhau chặt cứng. Anh Thành bật người lên kéo tôi bịt miệng, Đừng khóc lớn người ta nghe là chết. Có anh đây đừng sợ, em ngủ đi sáng mai là hết rồi. Ngoan! Ngủ đi!
Và tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Trong phòng không còn ai khi tôi thức giấc. Bắt chước mẹ và chị Vân bò từ từ ra khỏi cửa. Bất chợt anh Thành kéo tôi đứng lên nói nhỏ. Đi theo anh, anh chỉ cho em coi cái này. Nhưng đừng sợ nha. Mình ngon mà phải không. Hai anh em đi ra phía cổng chính. Một trong những chậu kiểng lớn nằm dọc lối vào ở ngoài vườn bị trúng đạn nát tung. Cây lá gãy tả tơi ngổn ngang nằm lẫn lộn với miểng sành dưới nền đất. Cánh cửa sắt bên phải của cổng chính bị lủng lỗ nhiều chỗ. Tôi nắm chặt tay anh không buông ra. Đến sát cổng anh đẩy lưng tôi áp người nhìn vào hai lỗ có quấn dây xích khóa lại. Buổi sáng ấy đường không một bóng người qua lại và lặng như tờ. Tự nhiên mắt tôi tối sầm. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng bố. Chung quanh có mọi người đứng nhìn nhưng anh Thành biến đâu mất.
Ba cái xác. Một đàn bà hai đàn ông mặc toàn màu đen. Một nằm sấp ở giữa đường. Gần đó một người nằm ngửa dạng hai chân một tay còn nắm khẩu súng vắt ngang ngực. Sát cổng nhà là một xác ngửa mặt đầu trên lề nửa thân dưới lề. Máu loang đầy mặt đường còn ẩm ướt vì mưa đêm.
Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tận mắt xác chết.
Con người và con vật nằm chết lộ thiên cũng không khác gì nhau.
Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 thất bại.
Sài Gòn chưa thất thủ.
Nhưng không bao giờ tôi quên được buổi sáng kinh hoàng ấy.
Buổi sáng lạnh tanh của mùi tử khí và nước mưa còn ướt mặt đường loang màu máu.
Hình ảnh khủng khiếp ấy bất ngờ đi vào trí óc của một đứa con gái ngây thơ ở thành phố. Một đứa trẻ đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên người thân thì đột nhiên nó hiểu được đúng nghĩa thế nào là Chiến Tranh và Chết chóc.
Nhiều năm sau này đọc một số tác phẩm chiến tranh của dòng văn học Việt Nam và quốc tế, nhớ lại hình ảnh kinh hoàng cũ.
Tôi tự hỏi có phải thật sự kiếp người chỉ bị chi phối bởi chiến tranh và thù hận hay không.
Sau biến cố ấy tết Mậu Thân năm ấy, tôi trở thành đứa con gái nhút nhát ít nói. Hết giống một thằng con trai nghịch ngợm. Anh Thành cũng không đi chơi như trước và bớt gây nhức đầu cho bố mẹ. Thời gian đó đài vô tuyến truyền hình liên tiếp chiếu thời sự chiến tranh. Anh thường ngồi xem chung với bố ở mỗi buổi chiều sau giờ cơm. Có lúc vô tình thấy cảnh khóc rầm trời của rất nhiều người đeo tang mặc áo trắng trước những cái hố. Tôi đã thở không được nhảy ra khỏi ghế chạy xuống nhà bếp tìm nước uống. Hình ảnh này ẩn hiện trong đầu làm cổ tôi nghẹn lại như ngày đó khi đọc Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca.
Bỗng một ngày cuối sắp sang năm. Gia đình tôi nhốn nháo hẳn lên. Anh Thành bỏ nhà đi trước vài tháng sinh nhật thứ 18. Khi phát giác ra bố mẹ tôi hốt hoảng đi tìm khắp nhưng không tin tức. Một thời gian ngắn sau thư từ Nha Trang gởi về. Anh đang được huấn luyện trong quân trường Đồng Đế!
Lúc ấy chiến sự bắt đầu bùng nổ khắp bốn vùng chiến thuật. Di chuyển ra khỏi thành phố rất nguy hiểm. Nhưng mẹ tôi đã lặn lội đi tìm anh. Cuối cùng nhờ “piston” mạnh nên bố tôi mang con trai về làm việc ngay tại Sài Gòn (guồng máy chính quyền nào lại không có những chuyện quen biết thế này?). Về thành phố anh đi làm rồi học lớp đêm lấy bài hàm thụ. Thi đậu tú tài và ghi danh học Luật (cũng hàm thụ luôn!).
Thời gian xa trước đó Gérard được ông Bộ gởi về Pháp để tiếp tục lên đại học. Bạn thân ra đi không trở về. Anh tôi mang cái buồn nhớ bạn vào võ thuật và chăm chỉ luyện tập. Những đường quyền anh đi rất uyển chuyển và thật đẹp mắt.
Mãi nhiều năm sau. Khi bố tôi tỏ vẻ thất vọng vì đứa con trai ngổ ngáo không thành công trong việc học và nghề nghiệp như những đứa con khác. Anh mới nói rõ lý do bỏ nhà khai man tuổi đăng lính Không Quân: Chỉ vì nhìn thấy ba cái xác nằm trên mặt đường còn loang máu vào buổi sáng của tết Mậu Thân năm ấy.
Sau mùa hè đỏ lửa. Thành phố Sài Gòn càng thay đổi tốc độ nhanh đến bất thường. Không khí thấm dần mùi chiến tranh và chết chóc. Cuộc sống bỗng chốc vội vã đảo điên lo lắng từng ngày của người dân đã làm bộ mặt đẹp và lãng mạn của Hòn Ngọc Viễn Đông trầy xước nứt nẻ đến tội nghiệp.
Thế rồi chiến tranh từ từ lan rộng khắp miền Nam.
Từng vùng chiến thuật bắt đầu mất dần vào tay cộng sản. Người ta trốn chạy khỏi các thành phố ở miền Trung. Lũ lượt từng đoàn di tản vào Nam dưới lằn đạn tiếng bom trên đầu. Lạc mất nhau trong dòng đời thanh bình chưa hẳn là đau khổ tuyệt đối. Nhưng nắm tay nhau mà trong tích tắc một viên đạn có thể làm chia xa vĩnh viễn mới là đau khổ tuyệt đối. Sợ hãi. Đói. Trẻ thơ khóc lạc mẹ. Vợ vĩnh viễn mất chồng. Xác người rải rác trên những con lộ dẫn vào miền Nam.
Thành phố Sài Gòn. Cứu cánh cuối cùng của người dân miền Trung cũng trở thành hỗn loạn đau thương chia lìa không kém ở những ngày cuối tháng tư năm 1975. Người ngoại quốc gấp rút rời thành phố trở về quê hương. Dân bản xứ chen lấn di tản tìm cách rời bỏ đất nước dưới mọi hình thức và chấp nhận cái chết đau thương bất ngờ trên đường tìm tự do.
Những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975 đã trở thành vết chàm thật rõ nét trong lịch sử nội chiến của đất nước Việt Nam.
Cuối cùng đám cưới của anh tôi và chị Nique đã được tổ chức vào thời gian hỗn loạn này và thời gian ngắn sau gia đình anh tôi rời Sài Gòn về Pháp.
Thật sự gia đình tôi không chứng kiến những ngày gian lao vất vả của anh trên xứ lạ. Sau này tôi được biết dù mang quốc tịch Pháp từ những ngày đầu nhưng anh đã làm đủ công việc nặng nhọc như bất cứ một di dân nào để nuôi vợ con. Không bao giờ cho đại gia đình tại Bắc Mỹ biết. Không than thở buồn phiền về khổ nhọc ấy cho đến ngày nhắm mắt. Nhưng chắc chắn anh tôi cũng có tâm trạng của những người phải bỏ quê hương ra đi vì vấn nạn của đất nước. Cũng nhục nhằn. Cũng buồn bã thất vọng vì cuộc sống không vẹn toàn như ý muốn.
Vào năm ấy. 1977. Lúc hai muơi sáu tuổi. Thằng bé lỳ lợm có khuôn mặt hao hao Lý Tiểu Long đã trở thành người sáng lập môn võ Yi-King-Do Việt Nam Thái Cực Quyền.
Anh tôi đã mang tất cả tài hoa và tâm tình cùng nỗi lòng xa xứ để sáng tạo nhiều đường quyền rất đẹp mắt với những khí cụ riêng dành cho môn võ thuật này. Việt Nam Thái Cực Quyền mang tên quê hương để nhắc nhở về một đất nước đã xa vời. Hai cháu lớn của tôi cũng được tập luyện và theo võ đường đi biểu diễn trên đất Pháp khi mới 10 tuổi. Đặc biệt anh không nhận học phí cao từ học trò mà chỉ cần một khoản tiền tượng trưng để trang trải chi phí cho võ đường. Lúc ấy anh tôi làm việc thật cực khổ và nghèo lắm nhưng rất vui khi càng lúc có đông học trò. Sau này hai võ đường của Việt Nam Thái Cực Quyền cũng chỉ nhận học phí tượng trưng như di chúc của người sáng lập để lại.
Sau nhiều năm làm việc với hệ thống siêu thị Métro tại Pháp. Anh tôi là người Việt duy nhất trong mười nhân viên cao cấp được gởi sang Anh quốc theo khóa huấn luyện cấp tốc để trở về thành lập siêu thị Métro tại Việt Nam và Ấn Độ. Hệ thống này đã phát triển trên ba chi nhánh tại Việt Nam sau đó.
Trước khi lên đường anh đã sang thăm đại gia đình chúng tôi. Lúc ấy anh rất vui và hãnh diện với các anh em trong nhà vì được trở về quê hương làm việc qua đầu tư của công ty này.
Tháng 5 năm 2009. Anh đột ngột phát bệnh và bác sĩ chẩn đoán chỉ còn một tháng. Nhưng anh tôi đã kiên cường chiến đấu với căn bệnh nan y được gần một năm. Lúc ấy anh giấu gia đình vì lo mẹ và anh chị em không chịu đựng được tin đau buồn này. Cho đến ngày trước Giáng Sinh khi gọi chúc mừng. Nghe giọng anh hoàn toàn thay đổi vì trị liệu. Cuối cùng tôi đã biết sự thật.
Ngay lúc ấy. Thiên đường tuổi thơ của anh em tôi sụp đổ. Lâu đài bằng cát bị lớp sóng cuốn dạt ra khơi sau khi người anh yêu quí nhất vừa dứt tiếng
Trong nhiều ngày sau đó. Tôi đã điên cuồng khóc lóc năn nỉ sang thăm. Nhưng anh cương quyết từ chối lại còn an ủi vì hi vọng rất cao dù căn bệnh đã quá nặng. Thời gian này chúng tôi rất đau khổ ngậm ngùi khi nghe mẹ nhắc đến anh thường xuyên mà không đứa nào dám nói sự thật. Và cho đến nay mẹ tôi vẫn không biết thằng con trai ngổ ngáo làm bà nhức đầu lúc trẻ đã ra đi vĩnh viễn trước người mẹ già 91 tuổi.
Không bao giờ tôi quên được hình ảnh anh bị thần chết cướp đi từ từ sự mong muốn sinh tồn ở những ngày cuối cùng. Anh tôi chỉ ước được mẹ ôm trong tay và hối hận vì đã giấu bà cơn bệnh nặng. Nhưng đã quá muộn.
Vào ngày mang con số 13 tháng 6 năm 2010. Một chủ nhật buồn lê thê có mưa phùn lất phất trên đất Pháp.
Một ngày sau 9 tiếng đồng hồ kể từ sinh nhật cuối cùng của anh.
Người sáng lập Việt Nam Thái Cực Quyền đã thật sự mệt mỏi chiến đấu và buông xuôi.
Đó là lần cuối anh em tôi ở bên cạnh nhau.
Hôm đưa tang. Học trò ruột Ki Ko đeo khăn trắng đứng chung với gia đình. Đệ tử đến viếng nhiều đợt để chào lần cuối người thầy xấu số. Mọi người khóc. Mắt tôi nhòa đi khi quì lạy tiễn anh mình. Anh em nhà Bruneau cũng có mặt để nhìn người em rể họ lần cuối. Hận thù. Buồn bực. Giận hờn. Oán trách. Không hài lòng nhau giữa hai dòng họ cũng không còn nữa. Thằng nhỏ tóc đen mắt mí lót ngày xưa theo đuổi đứa con gái đầm lai mắt to xinh đẹp đã hóa thân thành cát bụi.
Lúc nhìn học trò của Việt Nam Thái Cực Quyền để tang cho thầy. Thật sự tôi mới hiểu rằng tôi đã có một người anh rất tài hoa vừa gởi xong hoài bão vào đời sống. Dù anh luôn nhận là người thất bại và tầm thường nhỏ bé nhất của cuộc đời.
Khi anh mất. Chị em tôi lang thang khắp trên những con đường của thành phố thuộc vùng Cergy. Bỗng nhiên tôi nhận ra nó thật đẹp và trữ tình. Nơi từng có bước chân anh đi qua. Nhưng mảnh đất Cergy ấy đã không còn dấu chân anh vào mỗi tối trên đường đi làm về. Đó cũng là nơi vùi chôn anh tôi thành cát bụi. Bỗng nhiên tôi yêu luôn bà công tước già còn sót lại mảnh nhan sắc tàn. Anh tôi cũng từng biết ơn bà cưu mang như biết ơn mảnh quê hương nhỏ bé mất đi ngày nào.
Khi trở về Montréal. Một buổi tối sau khi đã ngủ từ bảy giờ sáng. Tôi thức giấc và bật ngồi dậy khóc như chưa bao giờ được khóc khi chợt hiểu anh tôi sẽ không bao giờ đến thành phố này thăm gia đình nữa. Đêm ấy tôi có giấc mơ thật đẹp với một cái bóng không rõ mặt đã từng đeo đuổi tôi suốt một đời. Hai đứa nắm tay nhau lên núi nhìn thành phố ngủ chìm trong ánh đèn rực sáng. Và mang đôi cánh thiên thần bay đến nóc thánh đường Saint Joseph. Ở đấy tôi đã nhìn thấy một phụ nữ quì bằng đầu gối lên từng bậc thang đến tận cửa. Bà ta đang cầu nguyện xin một phép lạ nào đó cho người thân.
Anh bệnh nặng. Tôi cũng đã bước lên cổng thánh đường bằng đầu gối như thế. Không ai biết nhưng Thiên chúa nhìn thấy. Khi anh mất. Tôi giận Chúa Phật Đất Trời và không nghĩ đến bất cứ một niềm tin nào nữa. Nhưng cuối cùng tôi vẫn đến Thánh đường Saint Joseph để tin vào tình yêu nhân loại và cố gắng chấp nhận sự thật rằng thân xác anh không còn hiện hữu. Nhưng anh vẫn ở trong tim tôi. Anh vẫn bảo vệ che chở cho đứa em của những ngày thơ dại. Anh vẫn luôn bên cạnh để nghe tôi nói về những khổ đau trăn trở của kiếp người nhỏ bé. Anh vĩnh viễn không rời xa đứa em này khi nói câu đừng sợ có anh đây này.
Buổi ấy. Tôi chỉ có được một giờ đồng hồ đến Laguna Niguel tại Cali để gặp một người lấy thêm tài liệu về anh tôi. Đó là con trai trưởng của gia đình Bruneau.
Trong điện thoại giọng nói của Gérard ấm đầy cảm xúc bao nhiêu thì ở ngoài anh nồng nàn bấy nhiêu. Nói với đứa em gái của người bạn cũ về tánh hào phóng và anh hùng bênh vực che chở bạn. Hình như tiếng Gérard nghẹn lại ở đầu dây bên kia.
Bốn mươi năm không gặp. Đã quá lâu để nhớ được rõ khuôn mặt của người anh cả đám con trai nhà Bruneau. Nhưng tôi cảm nhận được đó là người tôi muốn gặp sau nhiều năm dài đăng đẵng.
Gia đình anh đón tiếp chị em tôi chân thật như tình thân đã mất vừa tìm được. Isabelle. Cô cháu nội ông Bộ có nụ cười thật thuần khiết đến nỗi tôi tin rằng không có một sự tàn nhẫn nào dám lay động làm đau lòng cô bé.
Ngày gặp lại. Tôi mới biết bốn mươi năm không là thời gian quá dài để thành một thế kỷ. Nhưng cũng đủ để biến những lọn tóc nâu thật đẹp của bạn anh tôi thành màu trắng như lớp sóng bạc ngoài bãi Laguna Niguel.
Trước khi ra cửa. Tôi quay đầu nhìn vào tủ kính trong phòng ăn. Nơi trưng bày thanh gươm rất đẹp với vỏ bao kiếm màu xanh lục đậm chạm trổ tinh vi đặc biệt. Đó là kỉ niệm duy nhất của anh tôi tặng cho con trai trưởng của gia đình ông Bộ vào năm 1990 khi anh ấy về Pháp chịu tang bố. Gérard là người duy nhất giữ được một bảo vật của người sáng lập Việt Nam Thái Cực Quyền. Tôi tin anh may mắn vẫn có người bạn theo bảo vệ như thủa niên thiếu bằng đường gươm trác tuyệt.
Trên đường về Los Angeles. Tôi khóc. Khóc thương anh mình bất hạnh. Khóc mừng cho bạn anh mình hạnh phúc.
Và tôi đã trĩu nặng trong lòng giấc mơ thời niên thiếu. Những ngày thơ ấu với anh em nhà Bruneau hình như chỉ mới hôm qua.
Jeannette Clément. Chị dâu tôi. Người đã trải qua nhiều thăng trầm với anh để chờ đến sáu mươi năm cuộc đời cho hai người rong chơi đây đó.
Nhưng anh tôi đã bước về với đất vào tuổi năm mươi chín. Ngày anh ra đi. Khuôn mặt trầm tĩnh như ngủ. Hai bàn tay đưa ra phía trước theo thế thủ như chống chỏi với định mệnh.
Anh tôi muốn sống thêm mười năm với chị như lần cuối hai anh em tâm sự với nhau qua điện thoại. Chị dâu tôi không được toại nguyện có anh bên cạnh vào những năm tháng cuối của một đời người.
Nhưng người đàn ông duy nhất mà chị yêu thương suốt một đời đã vĩnh viễn bất tử.
Anh tôi. Lê Thái Thành. Đã trở thành một trong những – huyền thoại của thế giới võ thuật – với hoài bão và ý chí sáng tạo ra môn võ mang tên Việt Nam Thái Cực Quyền. www.yikingdo.unblog.fr
LÊ QUỲNH MAI
Canada