Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 168): Nguyễn Hương – Bãi đất của Phan Chánh Tâm Lisa

clip_image002Nguyễn Hương tên thật là Nguyễn-võ Thu-hương. Sinh ở Gia Định. Xuống ghe tị nạn ngày 28 tháng Tư từ Bãi Trước Vũng Tàu. Hiện sống tại Los Angeles và là giáo sư tại UCLA. Đã xuất bản sách và tiểu luận trong lãnh vực chính trị, văn hoá, lý luận phê bình bằng tiếng Anh, cùng truyện ngắn và tham luận bằng tiếng Việt.

Tác phẩm Anh ngữ:

The Ironies of Freedom: Sex, Culture, and Neoliberal Governance in Vietnam by The University of Washington Press 2008.

Khmer-Viet Relations and the Third Indochina Conflict, California State University, Long Beach, 1990.

Governing the Social: Prostitution and Liberal Governance in Vietnam During Marketization, University of California, Irvine, 1998.

Tôi ở đất nhà cô Phan Chánh Tâm Lisa. Cô hay ra thăm tôi lúc người ta ngủ trưa. Tôi hay đòi: Cô kể chuyện nghe, cô Phan Chánh Tâm Lisa.

Tôi ở Bãi Hoang. Tôi ở đồng không mông quạnh.

Bữa nào cô không ra, trưa trưa tới chập tối, tôi ngồi chồm hỗm giữa Bãi Hoang. Tôi ngóng xuyên qua Bãi Rẫy có hàng dương chắn gió. Đất lài xuống tới ngoài kia. Ngoài Bãi Nghênh Phong.

Mắt tôi không thấy được chiều sâu. Thành biển cừ chồm tới, khi xanh khi xám. Nhìn từ chỗ tôi ngồi, Bãi Hoang, Bãi Rẫy, Bãi Nghênh Phong chồng lên nhau, như hình chụp.

BÃI NGHÊNH PHONG

Nằm áp tai xuống đất, tôi nghe tiếng biển xô tới, trôi ra. Cứ đều đều trong lòng. Chồm tới, dạt ra. Cô Phan Chánh Tâm Lisa tới nãy giờ. Cô ngồi trên khúc cây mục, mười ngón chân chấm đất. Tám móng chân cô sơn tím. Hai móng út nhỏ xíu như mài ốc, không sơn.

Cô Phan Chánh Tâm Lisa nói bãi đất mênh mông của nhà cô đã ba đời.

Nhà cô ba đời bán thuốc tây. Hiệu Catinat. Hiệu Việt Sáng. Và Nhà Thuốc Gác. Nhà giàu là nhờ bà nội cô đầu tiên mở tiệm Catinat ở phố Chợ Cũ.

Bãi đất nhà cô mênh mông.

Cô Phan Chánh Tâm Lisa đứng dậy, hai ngón mài ốc vảnh lên, không chấm đất. Cô ra biển. Tôi chồm dậy theo sau.

Gió thổi tiếng cô Phan Chánh Tâm Lisa dạt về phía sau, đứt quãng. Cô nói: Nội nay bảy lăm. Hồi trẻ uống rượu tây. Bây giờ bả uống rượu ta. Rượu nếp than. Say, bả ngâm nga: Paul-Michel Bernard / Tàu Catinat thuốc Catinat / Hảo em chờ…

Phan Chánh Tâm Lisa cười ngất: Paul-Michel / Paul-Michel Bernard.

Gió ù tai.

Bãi Nghênh Phong trắng xoá. Tôi đưa tay che nắng. Tôi đói bụng.

Tôi ngồi bệt xuống cát. Nóng cháy đít. Phan Chánh Tâm Lisa quay lại nhìn tôi. Cô cúi xuống. Tóc cô lọn dài gió tốc lên uốn éo như bầy rắn. Cô nhe răng sát mặt tôi: Ngồi đây. Phan Chánh Tâm Lisa ngồi phía trước tôi vài bước. Chúng tôi nheo mắt dòm xuống biển.

Trời mênh mông, xanh lơ.

Áo cô Phan Chánh Tâm Lisa đỏ choé. Cô nói lớn.

Paul-Michel để râu bó hàm, tóc chải ngược, mắt nhìn thẳng vào máy hình.

Paul-Michel vẽ bản đồ cho Hội Địa Dư Thương Mãi. Paul-Michel đo ghi tỉ mỉ sông ngòi, kinh lạch, ruộng nương, cao độ, cấu chất của đất, và sự liên đới giữa đất với người. Paul-Michel đi khắp nơi, bằng tàu. Những chiếc tàu châu Âu háo hức đánh hơi đất lạ mãi từ thế kỷ mười lăm, kẻ lằn vĩ tuyến và qui định kinh tuyến từ thế kỷ mười bảy. Những nhà địa dư châu Âu nhốt trọn trái đất trong tầm nhìn của họ. Paul-Michel đã chuẩn bị cho chuyến hải hành của mình từ năm thế kỷ.

Phan Thị Phụng Hảo thì lại không đợi Paul-Michel từ năm trăm năm. Nội vẫn khăng khăng mối tình của bà năm mười chín tuổi là một cuộc phục kích không sòng phẳng.

Mà Nội vẫn uống rượu nếp than, ngâm nga Paul-Michel Bernard / Paul-Michel Catinat với năm trăm năm hải lý. Tất cả mọi tàu chiến đều mang tên Catinat. Phan Thị Phụng Hảo sanh năm 1900. Đời Doumer. Chiếc Catinat đã bắn vào cửa biển Đà Nẵng từ năm 1856.

Paul-Michel đi Cochin bên Ấn. Paul Michel đi tô giới bên Tàu. Paul-Michel đến Cochinchine. Cochinchine nhiệt đới, giống Vịnh Cochin. Người Cochinchine giống người Tàu. Cochinchine nằm giữa Ấn và Hoa.

Nhưng Phan Thị Phụng Hảo thì bán tín bán nghi. Hảo không nhận ra địa danh mình ở trong tầm nhìn thế giới: địa dư, khí hậu, nhân chủng, hải hành, hàng hoá. Hảo thấy lạ lẫm đất đai, lạ lẫm chính mình: Hảo trong tầm với của Paul-Michel, Hảo trên đất của Paul-Michel, Hảo trong thế giới của Paul-Michel.

Thế giới của Paul-Michel đầy khám phá. Thế giới của Paul-Michel mênh mông.

Chúng tôi giương mắt dòm xuống biển.

Bà già ra biển lúc trời còn nắng. Chúng tôi nghe tiếng lè nhè, ngâm nga. Bà mặc áo đầm trắng, tóc thắt hai bím, chân bước xiêu. Tôi cười ré. Phan Chánh Tâm Lisa quay lại trừng mắt. Tôi im.

Cô nói: Mùi rượu nếp than.

Bà chạy phăng xuống bãi.

Phan Chánh Tâm Lisa nói:

Phan Thị Phụng Hảo chạy băng qua cánh đồng ễnh ương. Cha Hảo hét: Làm hổ cha, đồ con bất hiếu. Tiếng cha Hảo át tiếng ễnh ương. Hảo chạy. Chó sủa theo bén gót. Bầy chó của cha Hảo nuôi giữ ruộng. Bầy chó đã lạ hơi Hảo. Lúa đang lúc trổ đòng đòng. Lá lúa cuốn chân Hảo. Hảo té. Lá lúa cắt mặt Hảo.

Hảo chạy giữa Cochinchine, giữa địa danh trên bản đồ của Paul-Michel. Hảo chạy giữa thế giới đã thuộc về Paul-Michel.

Paul-Michel mắt xanh lơ. Paul-Michel nhìn từng đường xước quanh cổ chân Hảo, trên mặt Hảo. Mỗi sáng, Paul-Michel thoa thuốc tây cho Hảo. Paul-Michel di di ngón tay dọc theo những vết đứt trên da Hảo. Thuốc tây mát lạnh. Mỗi tối, Paul-Michel đè Hảo xuống liếm sạch thuốc trên vết xước, rát bỏng. Hảo vùng vẫy. Paul-Michel áp tai trên bụng Hảo, tả cho Hảo nghe đường xước xuôi nhau và những đường chồng chéo. Paul-Michel thuộc nằm lòng. Hảo lơ mơ ngủ thấy kinh lạch xuôi nhau và chồng chéo trên bản đồ của Paul-Michel treo trên đầu giường. Dưới thánh giá.

Có khi nửa đêm Paul-Michel vùng dậy dò tìm từng đường xước trên người Hảo. Dưới trăng.

Có khi Hảo vùng mở mắt lúc Paul-Michel đang kể lể. Hảo muốn thấy Paul-Michel. Mà mắt Paul-Michel lại trong suốt, xanh lơ. Hảo nhại giọng Paul-Michel từ đó. Hảo nói bằng âm điệu của ngôn ngữ Paul-Michel. Hảo nói như hát. Say sưa. Hảo nói như hét. Tiếng Hảo át tiếng ếch nhái ngoài đồng, những cánh đồng ngược xuôi kinh lạch. Hảo nghe Paul-Michel rùng mình trên bụng Hảo. Hảo bắt đầu thấy những tia mỏng màu vàng cam run rẩy dưới đáy mắt xanh lơ của Paul-Michel.

Nắng vàng cam chênh chếch. Bà già rướn người nhấp nhô trên cọc neo thuyền. Nước lấp xấp. Tôi cười. Gió chiều thổi đều đều. Cô Phan Chánh Tâm Lisa nói nhỏ: Nội ngóng chiếc Catinat. Tôi cười. Cô cao giọng: Nội hóng gió.

Một năm sau, Hảo sanh con. Năm Canh Thân, 1920. Paul-Michel đặt tên con là Henri Bernard. Henri chưa dứt sữa là Hảo bỏ đi học thuốc. Hảo đi trên tàu Catinat. Mọi chiếc tàu vượt biển đều mang tên Catinat.

Biển mênh mông. Xanh lơ. Từ trên boong tàu, Hảo đã bắt đầu nhìn thấy thế giới của Paul-Michel. Hảo thấy những đường kinh tuyến và vĩ tuyến. Song song và cắt nhau. Trên biển, trên ruộng, trên đất, trên sông ngòi kinh lạch. Hảo bỏ lại đất, bỏ sông ngòi kinh lạch. Hảo bỏ Cochinchine. Gần mười năm Hảo nhại giọng Paul-Michel đi học chế biến thuốc tây. Hiệu thuốc Catinat Hảo về mở ở Chợ Cũ bày bán nhiều loại pommade, mát lạnh. Cách dùng: thoa ngày hai lần tối sáng vào vết xước trên da.

BÃI RẪY

Phan Chánh Tâm Lisa quẹt lửa. Cô xách đèn đi vụt về hướng rẫy. Tôi cắm đầu chạy theo ánh đèn măng-xông. Qua khỏi hàng dương chắn gió. Tiếng sóng chồm tới sau lưng. Tôi chạy nhanh hơn, đâm đầu vào lưng áo cô đỏ thẫm trong đêm. Phan Chánh Tâm Lisa quay lại tôi. Cô nhăn mặt: Suỵt, coi kìa.

Tôi đứng im. Bắp phủ vây. Gió rào rào trên ngọn bắp. Gió như sóng chạy trên đầu. Phan Chánh Tâm Lisa rít nhỏ: Người ta đi bắt trộm.

Từ phía đông, ánh đuốc đổ ập về phía tây. Tiếng lửa lách tách, chạy dồn về phía chúng tôi. Tôi khom mình níu lấy áo cô Phan Chánh Tâm Lisa. Giọng Tám Thức sang sảng:

“Đúng là đồ điên. Tao vả cho rớt răng, hết ăn bắp trộm.”

Tôi liếm chỗ nướu trống. Bọn con trai Tám Thức cười húc vào nhau. Bóng đuốc nghiêng ngửa, lập loè.

“Trói nó lại đêm nay.”

Tôi cười, liếm chỗ nướu trống. Bọn con trai Tám Thức tru lên, húc vào nhau.

Phan Chánh Tâm Lisa đứng im.

Bọn con trai Tám Thức nhìn cô chòng chọc. Bóng đuốc nghiêng ngửa, lập loè trên mặt mũi. Hình như chúng cười.

Tôi níu áo Phan Chánh Tâm Lisa, chạy theo lúp xúp. Không có tiếng ai cười. Lửa nhỏ đi, lách tách. Tôi ngoái lại lúc bọn con trai Tám Thức đang nhìn riết theo Phan Chánh Tâm Lisa. Tôi nghe tiếng lục xục cuối rẫy. Bọn con trai Tám Thức rần rần ôm đuốc đổ dồn về đó. Tôi dợm chạy theo coi. Cô Phan Chánh Tâm Lisa kéo tay tôi lại: Chú Thức vẫn đi bắt người như vậy, ba mươi năm nay.

Tôi nghe tiếng chân, tiếng la, tiếng vật nhau, tiếng bắp gãy. Ánh đuốc giạt ra thành vòng tròn. Giọng Tám Thức sang sảng: Bữa nay mới bắt được mày, thằng gian.

Phan Chánh Tâm Lisa vẫn cầm chiếc đèn măng-xông. Cô nói bên tai tôi:

Đêm đó Chú Thức quát lên sang sảng: Bữa nay mới bắt được mày, thằng Việt Gian. Đèn măng-xông sáng rỡ, khoanh vùng toà án. Chỗ cuối rẫy, giáp bãi cát. Hắn nằm nghiêng trên cát, trói gô. Mọi người im lặng, chờ đợi. Trời hôm gió như bây giờ. Gió hơn bây giờ. Gió không bị cản. Năm 1946 chưa có hàng dương. Gió thổi bạt tiếng chú Thức, đứt quãng: Tên Khang đi bán hàng hoá địch… vùng sâu. Hắn thừa dịp dọ thám… chỉ điểm. Hợp tác kinh tế địch. Hắn điềm chỉ San cho an ninh Tây ám sát.

Buổi sáng có máu lốm đốm trên cát. Chỗ cát trắng.

Tôi kéo tay Phan Chánh Tâm đi về phía ánh đuốc. Cô trì hoãn:

Tám Thức là tên hiệu. Chú Thức thua cha 5 tuổi. Mờ sáng Chú Thức lỏn về nhà bằng cửa sau. Bầy chó bẹc-giê rên ư ử. Cha bảo: “Mày đi đi. Toại ý mày rồi.” Chú Thức kêu:

“Anh Hai. Anh theo phe nào? Kháng chiến nhất định thắng.” Cha lầm bầm: “Chớ để tao thấy mày lảng vảng gần Vinh.”

Tôi kéo Phan Chánh Tâm Lisa chạy tới. Hắn nằm trói gô trên cát. Bọn con trai Tám Thức im lặng, chờ đợi. Gió chạy rào rào như sóng trên đầu. Tám Thức cất giọng sang sảng: Tên này…

Phan Chánh Tâm Lisa xô tới:

“Chú thả hắn ra. Hắn…”

Tôi hét:

“Khang.”

Tám Thức rùng mình:

“Vinh à, không phải Khang. Thằng ăn trộm thôi mà.”

Tôi hét:

“Khang. Khang.”

Tám Thức đá vô lưng hắn. Lưng của Khang. Tôi vẫn luồn tay vào lưng Khang, rít mồ hôi. Trên bãi cát. Phải rồi. Tôi trông thấy bãi cát. Sâu thẳm vào đêm. Tôi trông thấy biển tuốt ra xa. Không như hình chụp.

Phan Chánh Tâm Lisa nói nhỏ:

“Lần trước, Chú có đá vô lưng hắn không? Còn cha cháu, người ta có đá vô lưng cha không?”

Tám Thức trừng mắt nhìn Phan Chánh Tâm Lisa:

“Cha mày?”

“Phan Quốc Hưng.”

“Henri Bernard,” Tám Thức ngẩng mặt nhìn hàng dương rồi bỏ đi. Bầy con trai im lặng theo sau, mang theo ánh đuốc.

Tôi ngâm nga: Henri Bernard. Bóng đèn măng-xông lập loè. Phan Chánh Tâm Lisa quì trên cát cởi trói cho thằng trộm bắp. Cô đưa tay chưa đụng lưng là hắn đã chồm dậy lủi mất. Tiếng hắn cười rít lên, dội lại. Bắp tứ phía. Tôi ngâm nga: Henri Bernard/ ăn trái cà na/Đi ị không ra/Henri Bernard.

Phan Chánh Tâm Lisa cười: Henri Bernard là ai có biết không? Tôi lắc đầu. Gió rù rì trong hàng dương.

Phan Thị Phụng Hảo bỏ đi rồi Henri bú Vú. Paul-Michel bắt bà để chén nước chín, rửa sạch, lau khô đầu vú trước khi cho bú. Bên trái trước. Bên phải sau. Vú bắt võng sau hè, ôm Henri lắc lư lắc lư. Paul-Michel đóng đinh thời khoá biểu lên cột nhà:

-7 giờ sáng bú cữ sáng.

-8 giờ 30 đẩy xe Henri xuống biển trở về.

-11 giờ trưa bú và ngủ.

-3 giờ trưa dậy.

-4 giờ bú cữ trưa và chơi.

-6 giờ chiều tắm.

-7 giờ tối bú cữ chót.

-8 giờ tối vào ngủ.

Vú không biết chữ Tây. Vú không biết chữ Quốc Ngữ. Vú bắt võng sau hè, ôm Henri lắc lư lắc lư.

Từ 5 tuổi trở đi, Henri có thêm giờ học buổi sáng. Trưa về Vú cho ăn, lắc lư trên võng. Tóc Henri hung hung. Vú kể: Thằng Hưng biết hông, đường nhà Vú ra đồng có cây da. Cô Chín nhà nợ nần mất ruộng, đi làm công, chửa hoang, thắt cổ năm Canh Thân. Mùa gặt, mùa cấy năm nào Vú về quê cũng thấy cổ. Cổ đứng dựa gốc da trông ra phía ruộng. Ruộng tá điền, mút mắt. Trăng mờ trăng tỏ cổ đứng dựa gốc da. Thằng Hưng ăn ngoan ngủ giỏi mai Vú kể nữa con nghe. Ầu ơ, chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông vời quê mẹ ruột đau chín chiều. Ầu ơ.

Có lần năm Henri 10 tuổi, Vú hỏi: Thằng Hưng của Vú học có giỏi hông? Henri nói: Con học vệ sinh, thể dục, làm toán, làm văn. Vú nói: Học giỏi đi, Vú kể chuyện con nghe. Cô Chín cây da, cổ bắt con Liên của Vú. Con Liên 11 tuổi, đem cơm cho cha nó canh lúa ngoài đồng. Nó đi ngang cây da, về nóng đầu, nói mê hai ngày là đi. Con Liên của Vú. Ầu ơ. Thằng Hưng của Vú. Tóc con Liên dài mướt, đen mun.

Tối đó Henri ra hè tìm Vú. Đêm tối đục. Vú nằm võng lắc lư. Henri nghe tiếng đong đưa kẽo kẹt. Henri nói khe khể: Ầu ơ chín chiều. Vú quơ tay đuổi muỗi.

Henri quay đi khe khẽ. Ra khỏi nhà, Henri chạy băng xuống biển. Đường lót đá mát lạnh dưới chân. Mấy lùm cây bên đường sà xuống, giựt lùi. Qua gốc da, Henri thấy bé Liên đứng trông ra biển. Tóc bé Liên tỉa chơm chởm như tóc bà vãi. Bé Liên giựt lùi, nhoà vào đêm tối đặc.

Henri thấy Paul-Michel đứng sững trên bãi cát, trông ra khơi. Sóng chồm tới, dạt ra. Paul-Michel đứng sững, tối đen, không đổ bóng. Trăng không đủ sáng. Khoảng lưng bất động. Trông giống như lúc Paul-Michel đứng nhìn ra cửa sổ loà nắng, chờ Henri chép phạt 20 lần đoạn thơ Lamartine. Henri vừa chép vừa lầm nhầm ầu ơ. Henri không biết viết ầu ơ bằng Quốc Ngữ.

Sáng ra lúc Henri thức dậy là Paul-Michel đã đi mất.

Paul-Michel đi Cochin? Paul-Michel đi Tàu? Paul-Michel đi khỏi Cochinchine. Cha không gặp lại ông Nội lần nào.

Tôi đứng dang tay nhìn trời. Mưa phơn phớt trên ngọn bắp. Mưa bay nhảy quanh cây măng-xông. Cô Phan Chánh Tâm Lisa ngồi bệt trên đất, nhìn đèn chăm chăm. Cô nói:

Phan Thị Phụng Hảo trở về là Henri đã lên 12. Henri không biết mẹ. Henri chỉ biết Vú nằm võng, lắc lư gọi: Hưng con à vô ăn cơm. Hai năm ở với Vú, từ cha đi tới mẹ về, Hưng chạy khắp nơi, như lực sĩ việt dã. Hưng chạy chân trần, đường trường.

Giữa đêm, Hưng chạy trên đường lót đá, ra biển. Cây lá sà xuống, giựt lùi. Cây da giựt lùi. Bé Liên giựt lùi. Hưng chạy qua bãi cát, xuống tận mé nước. Bãi cát không có Paul-Michel. Có đêm cát còn ấm nắng trưa. Nước mát lạnh. Hưng bấu chân xuống cát. Biển chồm tới, dạt ra. Trăng đêm mờ đêm tỏ. Hưng chạy đụng mé nước thì quay lại. Tiếng sóng đuổi theo. Hưng chạy. Cây da chồm tới. Bé Liên chồm tới, tóc chơm chởm như bà vải.

Giữa trưa, Hưng chạy vòng ra sau núi, băng ngang bãi đất hoang, qua ruộng rẫy. Hưng nghe tiếng chân mình nện thình thịch trên đất. Gió ù tai, mát rượi.

Phan Thị Phụng Hảo trở về là bắp chân Hưng đã chạy thuần, như ngựa Indochinois của Paul-Michel để lại. Hảo bán tàu ngựa, bán căn nhà của Paul-Michel, mở tiệm thuốc Catinat. Hảo mua bãi đất mênh mông chạy từ khoảng đất hoang, qua khu ruộng rẫy, xuống tới bãi Nghênh Phong.

Hảo gặp Trần văn Dương. Dương chết vợ, có con trai 7 tuổi, tên Trần Quốc Thức. Chưa đầy năm, Hảo lấy Trần văn Dương làm chồng. Đám cưới rền rang. Hôm đám cưới, cô dâu Phan Thị Phụng Hảo dừng lại ngoài cửa bếp hỏi Vú: Thằng Henri đâu Vú? Vú nói Hưng đi chạy bộ, chắc là vòng ra sau núi, ngang bãi đất, băng qua ruộng rẫy. Hảo nhấc áo cưới quay đi.

Mưa nhè nhẹ đọng giọt trên lá bắp. Phan Chánh Tâm Lisa đưa tay vuốt nước mưa trên lá. Tôi đưa tay vuốt nước mưa trên mặt. Chúng tôi ngồi ăn bắp sống, nhìn lên hàng dương bên ngoài bìa rẫy, bên ngoài ánh đèn măng-xông. Chúng tôi tưởng tượng mưa phơn phớt, bay nhảy trên ngọn dương, trong tối.

Hôm đó đầu năm 1945, Hưng với Thức chạy đua từ tiệm thuốc trên chợ xuống biển. Chiều chưa tắt nắng. Hưng không nhìn cây hai bên đường. Hưng nhìn xuống mặt đường lát đá còn ấm nắng trưa. Hưng không nhìn cây da. Lúc Hưng chạy đụng mé biển, Thức không có bên cạnh. Lúc Hưng quay trở lại, Thức đang đứng dưới gốc da. Hưng và Thức gặp Vinh chiều hôm đó. Vinh mặc áo trắng, thêu đường viền chỉ trắng. Vinh đứng dựa gốc da, tóc dài mướt, đen mun.

Vinh lớn hơn Hưng 1 tuổi, lớn hơn Thức 6 tuổi. Vinh đứng chờ Khang đi biển về, mỗi chiều, lúc Hưng và Thức chạy đua xuống biển. Mỗi chiều, Hưng kêu: Vinh ơi. Mỗi chiều, Thức kêu: chị Vinh ơi. Vinh cười.

Cuối năm 1945, Hưng và Thức theo Kháng Chiến. Hưng thành Phan Quốc Hưng. Có đêm bị Tây lùng, Hưng chạy băng qua ruộng rẫy. Hưng nghe tiếng chân mình nện thình thịch trên đất. Gió ù tai Hưng, mát rượi. Hưng chạy suốt đêm, xa tuốt. Hưng chạy theo tiếng chân mình nện thình thịch trên đất. Hưng chạy theo tiếng gió ù ù bên tai. Hưng quên Paul-Michel, quên kẻ thù, quên Thức, quên đồng đội. Hưng chạy một mình.

Thức doạ đem Hưng ra kiểm thảo. Thức đã thành Tám Thức, nòng cốt trong tổ chức. Thức được giao nhiệm vụ mới. Thức chỉ về thành ban đêm. Có lần Thức về tiệm thuốc đã đổi sang tên Việt Sáng. Trần Văn Dương đang ngủ. Thức hỏi: “Má Hảo, đợt này nhà mình đóng góp bao nhiêu?” Hảo quay vào buồng trong mở tủ sắt. Lúc trở ra, Hảo hỏi: “Thằng San có phải mày cắt cổ không?” Thức nói: “Đồ lai căng, phản quốc có dòng. Sớm muộn gì nó cũng trở mặt đi khai báo Phòng Nhì.”

Đêm đó từ nhà Thức đi xuống rẫy. Thức men theo mấy lùm cây. Gió biển thổi phần phật. Gió càng lúc càng mạnh, thổi rạp từng luống bắp non như sóng. Lúc Vinh đứng sau lưng, Thức đang ngồi chồm hỗm trên đất, nhìn ruộng bắp chạy khuất vào đêm. Mưa hột nhỏ, gió tạt vào mặt Thức. Mưa đọng giọt trên đọt bắp. Vinh gọi Thức. Thức ngửa cổ ra sau ngước nhìn. Gió lồng trong áo Vinh. Tóc Vinh gió thổi tung, uốn éo. Vinh nói nhanh: “Tôi đưa anh Khang, về ngang. Anh Khang đi xuồng qua cù lao bán vải.”

Bóng Vinh đứng lừng lững, quay mặt ra biển. Thức nằm ngửa ra đất. Vinh nói: “Bão ngoài khơi tạt vô.” Thức với nắm tay Vinh, kéo Vinh quì xuống bên cạnh. Thức kêu: “Mai mốt tôi đi làm rẫy.” Thức xoa tay trên đất. “Tôi trồng cải. Tới mùa, cải nở bông. Bông cải màu vàng, lan ra, chạy hoài chạy hoài qua mấy ngọn đồi, sâu vào núi. Buổi sáng tôi thấy bãi rẫy đầy cải. Buổi tối tôi thấy bãi rẫy đầy cải.” Vinh nói: “Liệu anh Khang có mắc bão?” Thức nói nhỏ: “Tôi trồng hàng dương chắn gió. Bão ngoài khơi không thổi vô rạp cải còn non.” Vinh nhìn Thức. Vinh thấy cải của Thức chạy mãi ra xa, mút mắt. Vinh thấy hàng dương còn non, nghiêng ngửa trong gió.

Đêm hôm sau Vinh hỏi Thức ngoài rẫy: “Công việc của Thức là giết người, có phải không?” Thức đặt tay trái lên bụng Vinh. Thức nói: “Bọn Tây trông người mình, người Tàu cũng giống như nhau. Mà không phải.” Thức rút tay về, chìa nắm tay lật ngửa ra trước mặt Vinh. Vinh hỏi “Khác làm sao?” Thức xoè tay. Nắm bông bưởi bung nở trong tay Thức, trắng mờ trong đêm. Lâu sau, Vinh nói: “Mai anh Khang về.”

Mưa ào. Phan Chánh Tâm Lisa kéo tôi chạy, bỏ lại cây măng-xông. Chúng tôi ngồi đụt mưa trong chòi canh của Tám Thức, dòm ngọn măng-xông lập loè giữa rẫy. Mưa tạt bốn bên. Mưa rào rào trên mái lá.

Vài tuần sau chuyến đi bán vải, Khang mất tích. Đêm hôm có người kêu cửa nhà Vinh, báo Khang bị đem ra toà án nhân dân ngoài bìa rẫy. Lúc Vinh chạy ra tới nơi là Thức đang kể tội Khang. Vinh hét: Khang. Thức không quay lại. Giọng Thức sang sảng. Thức đá vào lưng Khang. Vinh hét: Khang, Khang. Có người tới kéo Vinh đi.

Lúc Vinh lầm lủi về ngang gốc da, gió đã ngừng thổi. Vinh đi chân trần xuống bãi, gỡ dây, nhảy lên chiếc thúng neo ngoài cầu đá. Vinh chống thúng ra xa. Biển lặng. Vinh thả thúng quay chầm chậm. Vinh co chân nằm ngửa, tay phải thả trên mặt nước sóng sánh. Trời mênh mông, tối đặc. Vinh quay chầm chậm.

Đêm đó Hưng về thăm nhà. Hưng ngủ mơ thấy đang chạy bộ xuống biển. Hưng chạy đụng mé nước thì quay lại. Đêm lặng im. Cây da chồm tới. Vinh chồm tới. Hưng tỉnh dậy nghe tiếng súng nổ từ xa, tận ngoài bìa rẫy. Hưng ra ngoài tháo dây thả bầy chó bẹc-giê. Chúng chạy hậm hực quanh sân. Hưng ngồi chờ Thức về.

Hôm sau, trước khi đi, Hưng dặn mẹ nhớ qua nhà Vinh phúng điếu Khang. Trần văn Dương nói: “Anh cứ đi, để Vinh tôi với mẹ anh lo.” Sáng sớm Dương hé cửa phòng lúc Hảo đang thay đồ qua nhà Vinh. Dương hỏi: “Đi bây giờ?” Hảo nói không quay lại: “Ông đừng đi.” Dương khép nhẹ cửa, bỏ ra ngoài.

Vinh không đặt mộ bia chỗ chôn xác Khang ngoài bìa rẫy. Hảo sang tên cho Vinh rẫy bắp.

Tháng sau Thức mò về. Thức biểu: Chị Vinh, để tôi giúp chị trồng cải. Vinh không nói gì, đi mướn người vỡ đất. Buổi chiều tháng Bảy, Thức đứng ở bìa rẫy. Gió lên. Thức đếm tám bước khoảng cách giữa những gốc dương để trồng. Lính kín Tây ập tới. Thức chạy. Thức lủi vào bụi. Thức trườn trên sườn động cát. Thức vòng sau bờ đá, luồn xuống nước, lội về phía cù lao. Hai tên lính kín đuổi theo từ hai phía, khép lại như gọng kìm. Thức bơi sải. Vòng tay Thức cong lên, hạ xuống. Thức không ngoái lại. Bắp chân Thức săn lại, duỗi ra. Nước nhấp nhô, ngập ngụa, vàng cam, sẫm đỏ. Thức vùng vẫy. Thức hét. Giọng Thức đứt quãng trong gió.

Lúc Hảo và Trần văn Dương đút tiền gặp được Thức thì Thức đã bị nhốt hai ngày. Trần văn Dương không nhận ra Thức. Mặt Thức lạ hoắc. Hảo hỏi vài câu. Trần văn Dương im lặng ngồi ước lượng khoảng cách giữa đuôi mắt, cánh mũi, và khóe miệng bên trái của Thức. Dương so sánh với bên phải gương mặt Thức. Dương so sánh với gương mặt của Thức trong trí nhớ: Thức năm 7 tuổi, Thức năm 15, Thức năm 20. Dương không thấy sự liên hệ giữa tóc với gương mặt Thức lúc đó. Lúc Hảo và Dương đứng dậy ra về, Thức cười. Một bên mặt Thức giựt lên, gãy gập.

Về nhà, Hảo đi thẳng vô phòng Hưng. Hưng đang ngồi đứng dậy. Hảo đấm vào giữa mặt Hưng. Hưng bưng sóng mũi, máu rỉ một vệt mỏng xuống môi. Dương đứng sau lưng Hảo, nói nhỏ: “Dòng con lai nó vậy.” Hảo quay lại nhìn Dương nói: “Tháng tới anh dọn ra căn phố ngoài Ngã Năm. Chi phí ăn ở tôi lo. Muốn làm gì thì làm. Đừng để tôi thấy mặt.”

Phan Chánh Tâm Lisa quay lại nhìn tôi hỏi: Nội đánh cha là Nội lầm, phải không?

Tôi thấy Khang. Tôi vẫn luồn tay vào lưng Khang, rít mồ hôi. Trên bãi cát. Phải rồi. Tôi trông thấy bãi cát. Sâu thẳm vào đêm. Tôi thấy biển tuốt ra xa. Không như hình chụp.

Phan Chánh Tâm Lisa nói:

Hôm chiều tháng Bảy, Vinh cho người đi báo với an ninh. Vinh núp sau lùm cây ngoài rẫy bắp. Vinh thấy Thức nhủi chạy. Vinh thấy Thức trườn trên đá, tuột xuống nước. Vinh leo lên động cát trông ra biển. Vinh thấy Thức bơi sải. Nước vàng cam, ngập ngụa. Vinh thấy Thức vùng vẫy. Vinh về nhà thuốc tìm Hưng.

Hưng chạy bộ đường vòng Núi Nhỏ. Vinh đạp xe tìm. Vinh thấy lưng Hưng từ xa. Hưng đứng lại chờ. Chỗ Hưng đứng cạnh khoảng cỏ cao, khô úa. Đá tảng lởm chởm nhô lên giữa cỏ. Vinh dừng xe trước mặt Hưng. Vinh chỉ lên cành cây mọc cao giữa bãi cỏ. Nắng vàng cam choá mắt. Hưng hỏi: “Vinh có ăn trái cà na không?” Cà-na trái vàng lợt, nhọn hai đầu. Hưng leo cây, rung cành, trái rớt xuống đầu Vinh, lẫn vào cỏ khô. Vinh lượm cà-na, tung từng bụm lên trời.

Trái rớt xuống lộp độp như mưa đá. Mưa đá trên Cochinchine mấy chục năm mới có một lần. Có thể năm đó trời mưa đá. Một lần. Đá rớt xuống lộp độp trên bãi cỏ khô. Đá đổ hỗn độn, đầy trời. Nắng vàng choá, tia ra, dội lại. Đầy trời.

Phan Chánh Tâm Lisa không nói gì nữa. Lâu lắm. Mưa không ngớt. Gió nổi. Hàng dương nghiêng ngửa. Tôi hỏi:

“Rồi sao nữa?”

Cô hỏi:

“Có đáng kể không? Ai cũng biết kết cuộc hết rồi.”

Tôi không thấy được chiều sâu. Hàng dương, bãi cát, lồng vào nhau, như hình chụp. Đêm tối thui, đầy gió.

Phan Chánh Tâm Lisa nói:

Thức bị tuyên án hai mươi năm khổ sai ngoài Côn Đảo. Thức ra trước án nhiều năm. Nhưng đêm hôm Thức bị tuyên án, có người tới nhà thuốc lôi Hưng ra bìa rẫy. Người ta trói thúc khuỷu tay Hưng. Người ta đá vô lưng Hưng. Hưng bò trên cát. Hưng trỗi dậy. Hưng chạy. Cong lưng. Thẳng lưng. Hưng chạy. Hưng chạy trên triền động cát, hun hút.

Dĩ nhiên Hảo bù lỗ vào chỗ mất mát nhân sự của tổ chức. Người ta để Hưng yên. Hưng về bán thuốc với mẹ. Hưng lấy Vinh.

1954 Thức về. Có thể tổ chức không tin Thức. Có thể họ gài Thức lại. Thức không nói gì, ngày này sang ngày khác. Hảo kêu Dương lo cưới vợ cho Thức.

Vinh nhường rẫy bắp lại cho Thức. Thức không trồng cải. Thức trồng bắp, trồng dưa, trồng rau dền, rau muống. Mấy năm liền, Thức trồng hàng dương chắn gió. Thức mua từng cây một, trồng từng cây một, cách nhau cả tháng, cả năm. Cách nhau tám bước. Cây non nghiêng ngửa trong gió. Thức mỗi chiều ra hàng cây. Thức cột. Thức chống. Thức tưới. Nước rút xuống cát, mất tăm.

Vợ Thức nhà nghèo, về Bãi Rẫy tay không. Hoa lúc nào cũng chửa. Bụng chang bang gánh dưa ra chợ bán. Hoa đi trên triền động cát, hun hút.

Năm 1957, Vinh đẻ Phan Chánh Tâm. Năm đó Thức trồng xong hàng dương. Hàng dương của Thức cao thấp không đều nhau. Ngọn dương chơm chởm.

BÃI HOANG

Cô Phan Chánh Tâm Lisa vô bãi đất hoang. Tôi níu tay cô lại. Cô nói: “Thì ai cũng biết kết cuộc hết rồi.” Cô tới chỗ tôi ngủ. Căn nhà mái sụp, gốc tường cháy nám. Chung quanh cỏ khô chơm chởm. Phan Chánh Tâm Lisa ngồi tựa cửa. Cô hỏi:

“Buổi trưa con ngủ trên võng ở hè sau. Kia kìa. Nhớ không?”

Tôi lắc đầu.

Phan Chánh Tâm Lisa nhắm mắt, nói giọng đều đều:

Cohinchine thành cộng hoà, mắt xích ý thức hệ, con bài domino trên bản đồ chánh trị. Nhưng người ta vẫn sống, vẫn bệnh, xước da, chảy máu. Sau năm 1960, người ta còn thêm thương tật chiến tranh. Ai cũng cần thuốc tây. Lớp uống lớp thoa.

Hảo giữ hiệu Việt Sáng. Hưng ra thêm nhà thuốc gác, mở cửa qua đêm. Tối Vinh ngủ ngồi trên ghế bành, coi tiệm. Giữa khuya Vinh mở mắt nhìn ra đêm rồi ngủ lại. Vinh co chân nằm ngửa. Tay phải Vinh buông thả. Vinh quay chầm chậm giữa căn phòng đốt đèn nê-ông trắng nhợt.

Lúc Vinh đi sanh, Hưng ra ngủ ngoài nhà thuốc gác. Giữa khuya, Hưng mở mắt nhìn ra đêm rồi ngủ lại. Hưng nghe tiếng chân mình nện thình thịch trên đất. Cây da giựt lùi. Bé Liên giựt lùi.

Mấy năm sau Hưng trúng cử dân biểu, giao thiệp rộng. Hưng giục Vinh đi học tiếng Anh. Hảo nhìn mặt chữ quen mà không đọc được. Hảo nói:”Nghe như tiếng ếch nhái ngoài đồng. Vinh học đi, rồi quen thôi.” Lúc đầu Vinh uốn lưỡi, lắc đầu. Về sau có Tyler Blancheford ở toà đại sứ mỗi Chủ Nhật xuống vùng biển nghỉ mát ở nhà Hưng. Tyler bỏ giờ ra dạy Vinh phần đàm thoại.

Tyler dạy Vinh 2 tiếng mỗi trưa chủ nhật, trước cữ tắm biển buổi chiều. Tyler người Texas, giọng đãi. Tyler kể chuyện Rio Grande đục ngầu, không lớn, không sâu, chảy ở biên giới với Mexico. Tyler nói dọc bờ sông có rào cản, có đốt đèn với có cảnh sát tuần biên. Tyler chỉ cho Vinh coi Vịnh Mexico trên bản đồ. Cuối mùa hè, bão ngoài Đại Tây Dương thổi qua vùng Vịnh nước ấm, thốc lên lụt lội. Vinh hỏi: Gió có mạnh không. Tyler mắt xanh lơ, trong suốt. Tyler nói: Thế giới tự do phải có biên phòng. Tyler kêu Phan Chánh Tâm bằng Lisa Lisa. Lisa năm đó 10 tuổi.

Tối chủ Nhật, lúc đi lội về, Tyler ngồi ăn với Hưng. Tyler hỏi nếu bây giờ đem bom thả ở biên giới, ở nước cạnh bên, có ai đây phản đối không. Hưng nói không. Tyler hỏi chừng nào Hưng phải vận động tái ứng cử.

Hưng ít về nhà. Hưng ở thủ đô. Hưng thường xuyên đi tham quan nông thôn. Có người nói Vinh là Hưng đi nông thôn đem theo cô ca sĩ hai mươi tuổi. Hôm về ăn tối ở nhà, Hưng kể: “Ở nhà quê thoải mái, tối lại có thú đi đồng.” Vinh nói: “Coi chừng có ngày trúng mìn bay dái.” Hảo nhìn Vinh cười cười.

Phan Chánh Tâm Lisa quay sang tôi:

“Không kịp đâu, sắp hết rồi.”

Tôi hỏi:

“Rồi sao nữa?”

Phan Chánh Tâm Lisa nói:

Vinh ra bãi đất hoang giáp rẫy, cho xây căn chòi giữa bãi cỏ khô chơm chởm. Vinh ở đó suốt ngày. Tyler chủ nhật ra tập Vinh đàm thoại.

Hôm đó Hảo đứng ngoài cửa sổ nghe Vinh tập đọc. Tiếng Tyler lên xuống, đãi giọng ở nguyên âm. Hảo nghe tiếng Vinh lẫn vào tiếng Tyler. Hảo muốn thấy Tyler mà mắt Tyler xanh lơ, trong suốt. Hảo rùng mình. Tyler nói sau lần này sẽ không đến nữa. Vinh ngừng đọc. Lâu lắm Hảo không nghe gì. Khoảng nửa tiếng sau thì lửa cháy.

Tôi quay mặt vào vách. Chung quanh gió cuốn như cơn trốt. Gió quật gãy gốc dương. Nghe như tiếng nổ. Phan Chánh Tâm Lisa chạy ra hàng dương. Tôi theo. Cô nói:

“Cây này chú Thức trồng sau cùng.”

Phan Chánh Tâm Lisa cúi ôm ngọn dương gãy, lê xuống bãi cát. Tôi la: Cây không đứt lìa, làm sao mà kéo? Cô bỏ chạy về chòi canh Bãi Rẫy. Lúc trở ra, cô cầm trên tay lưỡi búa. Cô bổ vào gốc dương, chỗ bị gãy. Thớ gỗ tua tủa. Cô nói: “Lẹ lên, trời gần sáng rồi.” Cô búa, tôi kéo. Tôi búa, cô kéo. Trời ưng ửng sáng, tắt mưa. Tiếng búa chan chát. Cô nói: Lẹ lên.

Chúng tôi bổ lìa gốc dương. Phan Chánh Tâm Lisa kéo gốc. Tôi theo sau ôm phần ngọn. Chúng tôi lôi cả thân cây qua bãi cát, xuống tới mé nước. Phan Chánh Tâm lội xuống đẩy cây ra biển. Chân cô đạp gấp. Áo cô phập phồng, cản nước. Cây dương cành lá lềnh bềnh, sóng đẩy vào, dạt ra. Nước trồi lên, sụt xuống, chỗ đỏ, chỗ xám. Tôi đứng ở mé nước nhìn theo. Tôi thấy biển sâu thẳm, xa tuốt ra khơi. Tôi thấy tôi chồm tới, tóc chơm chởm như bà vãi.

Phan Chánh Tâm Lisa lên bờ. Biển đỏ rực rỡ. Tôi hỏi:

“Ai đốt nhà?”

Phan Chánh Tâm Lisa quay đi:

“Có thể là Hưng? Thức? Hảo? Tyler? Hay là Vinh? Còn kết cục thì ai cũng biết rồi.”

“Còn Lisa?”

“Cũng có thể là Lisa. Lửa liếm Lisa một bên mặt.”

Phan Chánh Tâm Lisa đi thẳng. Tôi đứng giữa Bãi Nghênh Phong nhìn theo bóng cô khuất sau Bãi Rẫy, sâu tuốt. Tôi nghe tiếng cô cười khúc khích giữa Bãi Hoang, cuối tháng 4, năm 1975.

Nguyễn Hương, California 1999

(*) Văn bản do Trần Vũ cung cấp

Comments are closed.