Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 174): Nguyễn Thanh Hùng – Ngày tháng không bao giờ lớn

Tự truyện

clip_image002

Tranh Léon Golub intitulé: Viet Nam II – 1973

Ngày Tháng Không Bao Giờ Lớn

Nguyễn Thanh Hùng

Sinh 1961, vượt biên rồi định cư tại Hòa Lan, Nguyễn Thanh Hùng vừa là họa sĩ vừa chủ trương nhà xuất bản Cái Đình trong thập niên 80, được biết đến qua loạt tùy bút Thư cho một họa sĩ trao đổi với Võ Đình trên tập san Văn Học xuất bản tại California.


‘Tôi như ngộp thở.
Nhìn ngó cái vòng bánh xe lịch sử quá lớn lao
đang từ từ nghiền nát tấc đất nào mà bước chân khổng lồ của nó lăn tới’
Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh – Lê thị Huệ

Qua Tết được vài tháng thì cả đám học sinh trong xóm tự dưng được nghỉ học cái rụp ở nhà chơi khơi khơi. Nhà trường xưa hơn trăm năm với những ông frères già – ôi sư huynh! – mặt mày lúc nào cũng nghiêm nghị khắc khổ, giờ ra chơi hay chắp tay sau lưng đi lòng vòng, nửa chừng niên học cũng chịu đóng lại những cánh cửa sổ lá sách sơn màu vàng im ỉm. Như là bãi trường, đã tới mùa nghỉ hè. Tôi hoàn toàn không nhớ trường nhớ lớp, không nhớ những giờ học văn toán sử địa bao giờ cũng kéo quá dài và những giờ ra chơi bao giờ cũng quá ngắn. Chỉ tiếc hùi hụi những giờ học nhu đạo tha hồ vật lộn nhau với những thế tay thế chân có tên Nhật trên tatami với ông thầy dạy tên Mai Văn Rép, có thằng bạn người Nam đọc là Mai Văn Ghép còn thằng bạn người Bắc đọc là Mai Văn Dép.

Cả đám con nít trong xóm tha hồ ở nhà chơi tạt hình đá banh năm mười đã đời… Tụi tôi bày đủ thứ trò phá làng phá xóm, lén thả cá đá vô những chum vại dự trữ nước uống người lớn trong lối xóm vừa mới đổ đầy để lỉnh nghỉnh trước cửa mỗi nhà. Bên ngoài trữ nước, trong nhà trữ gạo nước mắm cá khô, đại khái nhà nào cũng như nhà nào, người này chỉ người kia, bắt chước nhau. Nghe người lớn nói lo là lo vậy thôi, chứ thành phố ở xa làng mạc, xa những vùng xôi đậu làm gì biết đến chiến tranh. Chiến tranh chỉ có trên báo, trên ra dô và tin tức chiếu trên ti vi mỗi tối và thỉng thoảng rớt ra ngoài câu chuyện những buổi chiều bố uống bia ăn đậu phọng với mấy người bạn. 

Chơi trong xóm chán chê rồi thì cả bọn kéo nhau thành đám như đi xem múa lân ra đứng trước cửa tòa đại sứ Mỹ ngó người ta thi nhau chen nhau tìm cách leo qua bức tường trắng tòa nhà to tướng ô cửa chỗ sáng chỗ tối. Khu đường Thống Nhất đầy người đầy những chiếc xe gắn máy qua lại, xe hơi to nhỏ đậu lộn xộn, có chiếc nằm thò đuôi ra tận ngoài đường. Gần tòa đại sứ Mỹ là một dãy sứ quán của mấy nước như Anh, Pháp, Gia nã đại cũng đầy nhóc người đứng tụm năm tụm ba lao xao trước cửa. Lũ con nít tụi tôi đứng ngó đám người lớn ồn ào la hét vật lộn van nài khóc lóc bên đại sứ Mỹ chán chê bèn rủ nhau kéo qua bên kia đường xem mấy người lính Anh đội mũ đen to lù xù như cái ổ gà đứng im bất động trong cái chòi nhỏ bên trong biệt thự bất kể đám đông. Một thằng dõng dạc nói to ra vẻ biết nhiều tụi lính đó đứng cả ngày hông nhúc nhích đó tụi bây, phớt tỉnh ăng lê mờ, ba tao nói dù Phi Thoòng hay Tùng Lâm có diễu tụi nó cũng đếch có cười đó tụi bây…

Chung quanh tiếng người ồn ào xe cộ leng keng qua lại pha trộn trên cao tiếng cánh quạt trực thăng xịch xịch làm không khí buổi trưa oi bức muốn chảy rã như mặt đường nhựa. Con đường về ngang qua Nguyễn Du tôi nhìn lên hai hàng cây sao lề đường thưa lá cao vút và thẳng, đứng im như những cây đèn cầy khổng lồ thắp đầy nắng tỏa sáng cho thành phố như hai hàng đèn cầy tỏa sáng thắp lung linh trên những nắp quan tài những đám ma vẫn xảy ra hàng ngày dưới nhà xác trong nhà thương tôi ở.

Dưới mấy thân sao vạm vỡ to cao cả chục thước, những cây bả đậu gai nhọn tua tủa lá cành rậm rịt bóng râm mát lạnh dán xuống mặt đường. Có mấy anh thanh niên hè nhau đập cửa kiếng một chiếc xe ô tô còn mới toanh tiếng chửi thề chí chóe ỏm tỏi. Tôi đứng ngó họ lôi ra mấy cái bao nải với va li đầy nhóc nhiều màu sắc một anh đòi lấy cái máy cassette vừa la to vừa lấy tuộc vít móc móc bươi bươi nạy nạy…Trời vẫn nóng nắng gay gắt đổ lửa, hoa mắt. Mồ hôi chảy từng dòng từ chân tóc ngang qua mắt xuống mũi miệng mặn chát. Cả đám không đứa nào buồn nói chuyện hay đùa giỡn nữa, mạnh đứa nào đứa nấy đi về nhà. Khúc cuối đường Gia Long xẹc ngang Chu Mạnh Trinh đường vô xóm tôi nắng chiếu thẳng, chỉ có tiếng gió lao xao đưa đẩy mơ hồ như có bàn tay ai vô hình ro ram trong lá. Tôi và thằng em nhặt được một cái ba lô còn mới trước cửa biệt thự tướng Nguyễn văn Sâm hai cánh cửa xe hơi ra vô mở trống toang hoác. Chiếc ba lô đầy ú trong đựng toàn sách cuốn cũ cuốn mới cạnh những băng đạn đồng sáng loáng hoàn toàn mới tinh, tôi với thằng em đút liền vô hai túi quần xoọc mỗi bên một băng nghe hơi lạnh của sắt thép thấm qua lớp vải mỏng túi quần đụng vào da thịt.

Hai đứa lê cái ba lô đầy sách lồm cồm bò về nhà hai băng đạn xục xịch trong túi quần theo bước chân. Mẹ tôi đứng chờ ở cửa rầy nho nhỏ trâu cọp hai đứa lại ham chơi không về sớm bỏ ăn cơm trưa. Bố tôi nói hai đứa cẩn thận coi chừng có mìn hay đạn bên trong nó nổ thì nguy đó con, bây giờ súng ống đạn dược vương vãi đầy đường… Hai anh em tôi mỗi đứa một tô cơm nguội ngồi ăn trên bục thềm nhà vừa ngó ba tôi hý hoáy lôi những cuốn sách trong ba lô ra, ông cười ha hả rồi lại nói như mếu bà ơi bà xem toàn sách Soljenytsine không… Quần đảo ngục tù rồi Một ngày trong đời Ivan Denisovich… Nếu cả nước ai mà cũng đọc những cuốn này thì đâu đến nỗi…

*

Buổi chiều gia đình mấy chú bác tôi tới đầy một nhà. Có vẻ như ai cũng được nghỉ phép hay nghỉ lễ. Ai cũng mặc quần áo bình thường kể cả bác Chấn cậu Nam bác Tự bình thường luôn mặt đồ lính giày bốt-đồ-xô đánh bóng láng. Trong nhà người lớn nói chuyện huyên náo tiếng to tiếng nhỏ căng thẳng như cãi nhau. Lũ con nít anh em họ sàn sàn bằng tuổi anh em tôi rủ cả đám chơi cờ triệu phú dưới bóng mát cây ổi nhà bác Huân trước mặt. Tôi với thằng em tách bầy ngồi đánh cờ tướng, mấy con cờ là nhúm chữ nho đầu tiên học được. Bàn cờ bằng giấy được chắn bốn góc bằng bốn cục đá trải ngay dưới sân xi măng. Những ván cờ đầu tiên tha hồ những con tượng xanh đỏ qua sông chung với con pháo đại bác hay con xe tăng, những con tốt vừa vào trận đã bị thí dễ dàng và mười lần như một chưa tàn cuộc cờ đã bắt đầu một cuộc cãi nhau. Nếu có cậu Nam thì cậu sẽ giảng hoà và chở hai đứa thằng ngồi trước thằng ngồi sau trên xe honda ra đường Cường để uống nước mía…

Tiếng trực thăng vẫn ồn ào trên không, xuyên ngang những cành lá ổi xanh mướt rớt thẳng tràn lan xuống đất. Những chiếc trực thăng vừa mới cất cánh bay lên từ phía tòa đại sứ Mỹ còn bay là đà ngang qua đầu, chấp chới sau những tàng lá. Thằng em tôi giơ tay chỉ trỏ ê tụi bây coi kìa người ta ngồi đầy trên đó… Tụi tôi trông lên thấy rõ mấy người lính Mỹ cầm súng ngồi canh ngay cửa. Thằng Phong con bác Chấn anh họ tôi nói chen bố tao kể ngoài Bình Long nghe nói người ta còn bu theo càng trực thăng nữa đó bây giống hệt như làm xiếc coi còn ớn hơn nữa kìa…

Mấy đứa con nít mải ngó theo mấy chiếc trực thăng bay lên bay xuống cái hai chong chóng cái một chong chóng quên cả chơi. Tôi và thằng em ngồi đánh mấy ván cờ tướng liền xong cũng chán bèn nhập bọn với đám con Tý thằng Nô qua bên kia đường Chu Mạnh Trinh chạy qua khu biệt thự. Thằng Dũng nói biệt thự nhà Hoàng Đức Nhã không còn ai hết người ta đi vô đi ra lấy đồ quá trời… Nó còn nói thêm thời ‘vô chính phủ’ mà mày dù tôi biết nó cũng như tôi đếch biết mấy chữ đó có nghĩa là gì.

Chưa tới cánh cổng sắt to rộng của tòa biệt thự đã thấy người đi ra nườm nượp khiêng bê tủ bàn nói cười khoái trá. Bước qua cửa, vào trong nhà, qua phòng khách, ở đâu cũng vẫn lại thấy những người lạ hoắc không ai để ý đến ai mạnh ai nấy nói mạnh ai nấy làm, ai cũng bận rộn gôm chén bát đồng hồ máy móc đồ chơi và trăm thứ lỉnh kỉnh khác cho vào giỏ. Tụi tôi mò lên lầu, bước lên những bậc cầu thang trải thảm thật êm như đi trên rêu không tiếng động. Trong phòng ngủ trên cái giường to nệm chăn hỗn độn, tủ quần áo mở toang, quần áo cái thì treo ngang trên mắc, cái nằm dưới đất, cái vắt ngang ghế. Tụi tôi chui vào trong phòng tắm có bồn nằm tráng men trắng to như một cái hồ tắm nhỏ, nghịch ngợm bồn cầu tiêu có nước dội màu xanh chán chê rồi vào phòng làm việc có chiếc ghế bành da to tổ bố sau một cái bàn cũng to quá khổ. Tôi leo lên ngồi trên cái ghế da, cho ghế xoay vòng tròn nhìn hai bên vách tường tủ sách kê dọc theo trong phòng nghiêng ngả lộn xộn. Thằng Dũng lục lọi lôi trong những ngăn kéo lôi đâu ra một hộp xì gà, nó châm lửa điếu thuốc to như trái bắp bằng cái hộp quẹt máy hình khẩu đại bác để trên bàn, rít một hơi rồi ho sặc sụa đưa cho đứa khác. Tụi tôi lấy gân đứa nào cũng bập ngon lành hay không ngon lành vài hơi xì gà rồi chuyền cho nhau đến khi đám người lớn đi hôi của leo lên lầu bước vào phòng làm việc mới đi ra ngoài.                  

Tôi với thằng em rủ nhau ra ngồi vắt vẻo trên một cành ngang cây hoa đại cổ thụ dưới con dốc sát bờ tường. Cây đại xù xì nhìn lên cây muỗm già cỗi đứng vững chãi trên đồi cạnh toà nhà, lá cành vươn lên bầu trời không mảy may lo sợ… Muỗm ơi, muỗm còn đứng đó như đợi ai đến bao giờ? Trong lòng tôi, tự dưng một nỗi buồn tê tái xâm chiếm, pha trộn hòa quyện với một sự giận dữ nổi lên về những điều đang xảy ra chung quanh… Một mớ hỗn độn khổng lồ, quá lớn lao không thể hiểu… Cạnh những cành cây đại gầy guộc trổ đầy hoa trắng viền vàng thơm hăng hắc, thoảng đâu đó mùi hoa phong lan dìu dịu. Thằng em tôi nói anh ngửi thấy mùi gì không mùi hoa lan đó mình đi kiếm đi. Dưới nhánh một cây đại khác gần đó treo lủng lẳng khoảng chục giò phong lan trồng trong những chậu gạch đỏ lổ chổ, có mấy giò đang nở hoa từng chùm dài màu vàng màu trắng toe ra như cái đuôi chồn rũ xuống gần sát đất. Hai anh em tôi hè nhau khiêng lan về. Tôi bảo em tôi cọp, coi chừng cẩn thận khi nhác thấy mấy quả lựu đạn to như quả cóc khô và những khẩu súng dài vất lăn lóc cạnh bể cá, rủi sứt chốt, xẩy cò nó nổ là rồi đời, tôi nói. Thằng em tôi cười hề hề mình đâu có đạp lên nó đâu mà sợ anh, à tí nữa mình quay lại đây bắt cá anh, em thấy mấy con tai tượng to tổ bố mà đâu ai thấy anh… Mùi hoa lan xông ra dìu dịu từ những đóa hoa màu tím cánh dài thườn thượt những cái đuôi chồn dài lòng thòng trước mặt trước mũi như có dấu bên trong chúng cái gì đó thật bí mật.

*

Về đến nhà, vẫn tiếng người lớn tranh cãi với nhau trong phòng khách, vẫn cảnh người ngồi người đứng người đi qua lại, giọng mấy ông bác sôi nổi to toáng lên, giọng mấy cô mấy dì nhút nhát ngập ngừng. Không khí nhà trên nghiêm trang căng thẳng quá làm cả đám anh em họ ngồi nín khe ở cửa ra vào. Tôi lúi húi đứng móc mấy giò lan lên hàng giây thép phơi đồ, nghe có tiếng con gái nói khe khẽ sau lưng kiếm đâu ra hoa đẹp quá vậy Hưng. Tôi không quay đầu lại, nghe ra ngay giọng nói con Hương bên cạnh nhà chứ đâu. Mấy năm trước tụi tôi còn chơi trò vợ chồng nằm chung trong mấy cái chiếu bẻ cong lại như cái vòm hang tôi tối. Nhưng rồi con nhỏ bày đặt nói không thèm chơi trò đó nữa, nó bảo kỳ. Tôi thấy nó cũng khác ra nó biết mặc áo lót rồi bắt đầu có ngực. Con nhỏ thay hình đổi dạng coi ngồ ngộ, có vẻ dễ thương hẳn ra nhưng con gái là tụi kỳ cục. Thường ngày tụi tôi ít dám nói chuyện với nhau, mấy đứa khác trong xóm thấy tụi nó chọc cho thì quê một cục. Nhưng sao hôm nay con nhỏ đến cạnh đứng hỏi khơi khơi vậy kìa… Tôi làm ngơ không trả lời hý hoáy lặng thinh móc cho xong mấy giò phong lan vừa nghĩ thầm con nhỏ còn léng xéng không chịu đi chỗ khác, nó cứ đứng lơ ngơ kiểu này rủi tụi trong xóm nó thấy thì thiệt mệt… Cho Hương xin một cái hoa thôi nghe Hưng, làm kỷ niệm… Tôi chưa kịp bứt cho nó nhánh hoa đẹp nhất, thơm nhất màu tim tím trong cái chậu trước mặt thì thằng em bài trùng trâu cọp đã kè kè rà sát bên cạnh, nó hối, mình dọt đi bắt cá lè lẹ lên anh không mấy ba má bắt ở nhà bây giờ… Hai anh em tôi liền chạy vù đi bỏ con nhỏ Hương lại đằng sau đứng một mình trên cái sân xi măng sáng lóe ánh nắng chói chang, bên cạnh mấy chậu phong lan treo lủng lẳng cao thấp trên những sợi dây thép phơi quần áo.

*

Mẹ tôi bảo ăn cơm tối xong là hai đứa trâu cọp ở nhà không mấy bố đánh đấy hai đứa cứ đi chơi hoài không chịu ở nhà gì cả… Bây giờ nguy hiểm lắm con… Con nhỏ em tôi liếng thoắng mẹ ơi anh trâu anh cọp bắt được nhiều cá lắm mẹ bỏ đầy nhóc vô cái hồ cá nhà mình đẹp lắm toàn cá tai tượng to không…

Chiều. Ăn cơm xong cả đám ngồi bó cẳng chơi ô quan chứ không được chạy nhảy la hét ồn ào làm phiền người lớn. Lũ con nít ngồi ngó lũ cá bơi lội vừa nghe tiếng người lớn nói chuyện câu được câu không thỉnh thoảng nghe chêm lỏm bỏm nhiều chữ tiếng Anh tiếng Pháp. Em gái tôi thì thầm bên cạnh lỗ tai anh ơi nhà mình sắp đi xa rồi, em nghe các bác các cậu nói không đi không được, anh ơi ở ngoài tòa đại sứ Mỹ người ta đứng chờ đi quá trời. Tôi hỏi nó đi đâu nó bảo đi Mỹ chứ đi đâu. Tôi nói thôi rồi chắc nhà mình đi không được rồi, chỉ biết tiếng Pháp sức mấy người Mỹ họ cho vô… Tôi bảo nó mày cũng như ba má đâu có biết, tụi tao ở ngoài đó chơi cả ngày tao thấy lính Mỹ người Mỹ đứng gác ở cổng họ nói tiếng Mỹ tùm lum mà mấy người đứng đó có hiểu tiếng Mỹ gì đâu, không hiểu sức mấy họ cho vô bên trong…Cho mày tha hồ kêu gào la hét, thiếu điều có người quỳ xuống lạy mà có ăn nhằm gì đâu chính mắt tao trông thấy không tin mày hỏi thằng cọp coi… Tôi nói thế nhưng vẫn hy vọng âm thầm…Bác Chấn anh của má đã từng du học bên Mỹ nói tiếng Mỹ rốp rốp với mấy ông cha người Mỹ ở cái hội gì đó chính mắt tôi trông thấy…

Tối. Cả đám con nít bị lùa lên gác nằm chen chúc, đứa nằm trên giưòng đứa nằm dưới chiếu trải dưới đất, đứa nào đứa nấy nín khe không dám lèo nhèo xin xỏ được ngủ trễ. Mấy ông bác bà cô bà dì mỗi bữa chuyên môn giỡn với xoa đầu rồi cho tiền đi ăn kem, ăn bắp nướng phết mỡ hành no căng bụng mấy hôm nay tự dưng nhìn nghiêm phát ớn. Tôi chui ra đứng ở đầu cầu thang nói vọng xuống nhà dưới với má tôi, má ơi má, má nhớ đậy nắp hồ cá cho con nghe má. Má tôi nói vọng lên ừ…ừ… Tôi yên tâm chui vào phòng ngủ, nằm ngoài cùng ngay cửa ra vào có chăng lưới muỗi và ngủ thiếp đi ngay rồi chui thẳng vào trong giấc mơ, thấy mình sang tới Mỹ… Gặp mọi da đỏ người sơn phết, gắn lông chim đủ màu sắc sặc sỡ chứ không như trong phim cao bồi chỉ hai màu đen trắng… Gặp cao bồi cưỡi ngựa đeo súng ngang hông chân đi bốt đuôi có gắn ngôi sao bằng đồng vàng chói… Rồi cao bồi với mọi da đỏ sáp lá cà đánh nhau, mọi da đỏ bắn cung tên bay vù vù còn cao bồi  bắn súng đạn nổ chíu chíu… chíu chíu… bằng bằng… bằng bằng… Tiếng đạn nổ khô dòn và rát bỏng y hệt như tiếng đạn nổ tụi tôi vất từng nắm vào trong những đống lửa đốt ngay sát hông khu biệt thự tướng tá bên kia đường buổi chiều nay.

*

Bác tôi thắng gấp xe trước cửa xóm kêu rét như trong phim. Các cậu tôi bố tôi bước nhanh ra khỏi xe ai cũng đóng cánh cửa xe cái rầm. Tụi tôi đứa nào mà làm thế chắc chắn sẽ bị nhắc khéo loạng quạng còn có thể bị ăn bợp tai. Bố tôi với bác tôi nói gần như cùng một lúc cho má tôi và bác gái tôi nghe, hai người đang đứng nói chuyện ngoài sân bên cạnh mấy giò lan đang nở. Phải đi hết một lúc cả nhà chứ không thể người trước người sau, người ta như kiến ngoài đó lạc rồi tính sao… Bác tôi nhỏ giọng nói ngập ngừng với bác gái, nhà mình có tên trong danh sách trực thăng đi thẳng ra tàu ngoài biển chờ đó nhưng kẹt gia đình cô chú Huy, gia đình chú Thiệp… Mấy người lớn lại vào trong nhà, người ngồi người đứng tranh nhau nói… Rõ ràng là đi đâu cũng phải dắt díu nhau mà đi, mà phải gấp gáp nhanh chóng chứ không ngồi chờ sung rụng… Má tôi nói chả lẽ kéo cả lũ con nít ra đứng đó cũng chẳng chen chân được… Bác tôi lại hét to mình đi tàu, ra cảng chỗ anh làm còn tàu neo, mọi người lẹ lên thu vén đồ đạc… Mấy đứa tụi tôi mỗi đứa ôm một cái túi vải chỉ toàn quần áo, đồ chơi không được mang theo lệnh trên đã đưa ra… Bố tôi đã nói đi nói lại… Ra ngoài sân hai anh em tôi đứng tần ngần nhìn lũ cá tai tượng, những chậu lan treo lủng lẳng tiếc rẻ, mong ước thầm biết đâu không cần mang theo chắc tý nữa là về… Mà đúng như thế, mấy cái tàu vẫn nằm ì sát bờ như mọi khi bác tôi chở xe díp ra đó hóng mát. Bến tàu có nhiều người hơn mọi khi, người đi lên người đi xuống như thể ai cũng ở ngoài đường không ai chịu ở trong nhà… Tụi tôi phải ngồi trong xe đợi chung với mấy bà cô căng thẳng cầm quạt giấy phe phẩy. Một lúc lâu sau mấy người lớn lại trở ra. Hai chiếc xe hơi nêm chật cứng con nít người lớn đồ đạc có thêm mâý cái xe hon đa, xe vespa đi kè kè kèm theo lại quay về nhà qua con đường Cường để mát rượi dưới những tàn cây trứng dái ngựa cổ thụ to mấy người ôm… Tôi ngồi ngửa đầu ra sau băng ghế, nghe tai trong tai ngoài tiếng mấy đứa em chỉ trỏ cho nhau qua cửa kiếng những súng ống với đạn dược với ba lô với quần áo lính, nón lính giày bốt-đồ-sô  vất ngổn ngang trên  đường… Có những điều rất to lớn, rất bao phủ đang xảy ra chung quanh, tôi biết, tôi không đến nỗi. Cái cảm giác vừa buồn vừa giận vô cớ buổi chiều lại dâng lên… Nhưng biết làm sao được? Tôi mười bốn tuổi tôi đang sức lớn và mối lo lớn nhất của tôi vẫn là làm sao nhổ giò cao hơn thước bảy.

*

Buổi trưa hôm đó tôi còn nhớ rất rõ và chắc sẽ không bao giờ quên, cả dòng họ tôi ngồi bệt dưới đất nghe ông tổng thống – ông thứ mấy trong vòng mấy ngày nay? – nói chuyện qua ra dô cái ra dô mọi bữa nghe nhạc ép-em rất rõ sao hôm nay lại rất rè rè. Bố tôi bảo thành đồng rồi cũng tan tành… Cậu Dinh em út má tôi dè dặt nói ít nhất cũng là hết chiến tranh. Cậu Nam bác Tự bác Chấn là quân nhân mọi bữa đeo súng bây giờ ngồi im lìm lưng tựa vào tường. Có cái gì vô hình nhưng sắc nhọn như gươm dao treo mỏng manh trên không gian, không rớt xuống được… Buổi chiều chầm chậm tiếp theo buổi trưa lê thê kéo dài như một chờ đợi, nắng nhợt nhạt trời đứng gió oi ả kiểu như muốn mưa…

Em gái tôi kéo tôi ra sân nói nhỏ chị Hương gởi lời thăm anh chị ấy bảo anh xấu lắm không cho chị ấy cành hoa lan làm kỷ niệm chị ấy đi rồi… Cả nhà đi hết luôn cũng như nhà bác Giao đầu xóm… Mà xóm mình đi nhiều lắm nha, nhà chú Giắc-cờ rồi nhà bác Hoàng nè gia đình thím Mạc-lên nè còn nhà bác Lợi có người ở nhưng đó là bà con dưới quê lên còn cả nhà bác thì ‘dông’ hết rồi… Tôi đứng ngó nó nói huyên thuyên một hồi rồi bỏ ra đứng gần chỗ phơi đồ. Tôi ngẩn ngơ xót xa như đứt tay, tiếc như vừa đánh mất một cái gì đó rất yêu thích, một cái gì không lấy lại được như đánh vỡ một cái chén cổ… Ừ mình tệ thật sao không cho nó luôn lúc đó luôn đi… Chắc lại phải hì hục ép khô cho nó cũng như đã ép khô bao nhiêu thứ hoa thứ lá khác mà nó hay xin xỏ… Mà biết đâu con nhỏ đi chỉ chừng vài ngày thôi rồi lại trở về chứ gì mai mốt biết đâu đưa còn kịp… Con nhỏ cũng khờ không chịu nói rõ gì cả…

Hôm đó thiếu vắng tiếng trực thăng bay vần vũ xé trời nên tiếng bầy chim xẻ chíu chít trên cành ổi trước sân nghe rõ ràng đến ngạc nhiên xúc động. Bóng nhà tôi đổ dài trên nền xi măng nắng như bớt gay gắt trời xập tối. Trên cao tận một màu xám bạc trộn với màu xanh da trời như thu vào những đám mây bay thản nhiên. Tôi nằm xuống trên nền xi măng gối đầu trên hai cánh tay khoanh sau gáy, dõi mắt ngó mông lung. Những giò phong lan hoa thơm ngát từ từ duỗi dài những cánh hoa như những ngón tay. Bên cạnh nhà có người mở băng cát-xét. Lần đầu tôi nghe một tiếng hát lạ lùng như tiếng vĩ cầm bay lượn trên nhà cửa cây cối chung quanh, thiết tha như những điều mơ hồ kéo dài goi là thương yêu và hy vọng. Bài hát thế này:

Hát nữa đi hương
hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương
hát nữa đi hương
hát lại bài ca tiễn anh lên đường
ngày đao binh chưa biết còn bao lâu
cuộc phân ly may lắm thì qua mau
hát nữa đi hương
hát để đợi chờ

hương ơi
sao tiếng hát em
nghe vẫn dạt dào nghe vẫn ngọt ngào
dù em ca những lời yêu đương
hay chuyện tình gãy gánh giữa đường
dù em ca nỗi buồn quê hương      
hay mưa giăng thác đổ bên đường…

hát chuyển vai em
tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em
hát mãi nghe hương
cho hồng làn da kẻo đời chóng già
ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi
mẹ ru em câu hát dài buông lơi
hát để yêu cha ấm lại ngày già

hát nữa đi hương
câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương
hát kể quê hương
núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường
đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông
thuyền ham đi nên nước còn trông mong
khiến ga đêm thâu tiếng em rầu rầu…

hương ơi
sao tiếng hát em…*

Mấy giò hoa chỉ thơm được mấy ngày rồi tự dưng những chiếc lá xanh dài như lưỡi kiếm bỗng ngả màu vàng héo úa rồi chết khô. Bác Ba lối xóm đứng ngó một hồi rồi nói hoa lan cũng giống như người chắc nó nhớ chủ cũ nên chết đứng. Chỉ có bầy cá tai tượng vẫn thản nhiên bơi lội trong cái hồ chật. Con Hương vẫn chưa thấy trở lại. Con nhỏ đã thuộc vào ngày hôm qua, càng ngày càng xa vút đi nhưng vẫn quanh quất gần gũi như một tiếng hát ra ngoài thời gian./.

Nguyễn Thanh Hùng, Amsterdam Hòa Lan, 2005

Văn bản do nhà văn Tràn Vũ cung cấp.

Comments are closed.