Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 228): Hồ Trường An (kỳ 8)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG

Chương 8

Đám cưới Năm Nhan cũng rình rang như đám cưới Ba Kiểm.

Tía má cùng anh chị của Tám Kiệt ở Vịnh Chèo đến dự đủ mặt.

Trước đó ba tháng, Tám Kiệt cho sửa soạn căn nhà mà chàng đã mua tận ngọn rạch Hóc Hỏa để rước vợ về. Căn nhà lá, nhưng nên đất đắp cao, vách bổ kho, có mặt cáo và phên che. Chung quanh nhà là khu vườn rộng chừng một mẫu có hàng rào xương rồng và độc trụ dày bịt vây quanh. Đã vậy mà người chủ cũ còn có rào tre gai bọc kín. Bên hông nhà là lẫm lúa với chiếc sân phơi lúa bằng đất nện.

Tám Kiệt không thích chơi cây kiểng, nên trong sân chỉ dành một vạt đất trồng rau ăn sống và rau nấu canh. Bên hông nhà là hai chục nọc trầu vàng để Năm Nhan hái đem bán ở chợ.

Nhà bà Bếp Luông càng ngày càng vắng vẻ. Ba Kiểm, Năm Nhan theo chồng ở riêng. Nhà chỉ còn Út Biên và Tư Diễm. Nhưng Sáu Thoại đã sửa sang nhà cũ, chuẩn bị đón vợ về.

Không ai hiểu rõ căn cơ của Sáu Thoại, chỉ thấy chàng mở trại lá chầm, việc sinh lợi chả là bao. Vậy mà khi đi hỏi Tư Diễm, chàng tặng sính lễ rất hậu; một đôi bông vàng chạm hoa mai, một cặp vòng vàng, một cặp cà rá nhẫn ngọc diệp, một xâu ngọc thạch và một chiếc kiềng trơn.

Ba Kiểm đã biết thế nào là tình yêu bên cạnh chồng. Nàng không trốn tránh Năm Nhan, Tám Kiệt nữa. Nàng kêu Tám Kiệt bằng dượng Năm một cách thẳng thắn, ngọt ngào. Nhưng Tư Diễm, sau lễ cưới, nàng mới biết rằng nàng khó có thể quên Tám Kiệt và chưa thật bụng yêu chồng. Sau bao lần khóc ngấm khóc ngầm, sau bao lượt nghĩ đến cách quyên sinh, nàng bắt đầu tạo cho mình một nếp sống mới để đương đầu với nổi ẩn tình kia. Nàng tổ chức cuộc sống của mình thật chu đáo. Nàng tự biết là mình có lỗi là không yêu chồng nên săn sóc, âu yếm, phục tùng chồng.

Sáu Thoại cũng là “trang quân tử” nàng không có điều gì chê trách chàng. Nhưng nàng thầm rõ rằng nàng không bao giờ yêu chồng, dù rằng nàng cũng hưởng được lạc thú trong việc chăn gối. Sáu Thoại không bao giờ biết lòng vợ mình đã có hình bóng một người đàn ông trước khi nàng về với mình. Chàng chỉ thấy đó là một người đàn bà siêng năng, tận tụy, ôn nhu, không bao giờ làm phật lòng chàng. Làm lụng, săn sóc chồng và nhà cửa, đó là một cách để Tư Diễm quên Tám Kiệt.

Tư Diễm không bao ngờ hai anh em Sáu Thoại, Bảy Tường có phần hùn trong chành lúa ở chợ Vàm Xáng. Cả hai là người Minh Hương, sống bằng hai nền văn hóa Việt, Hoa. Họ có cơ sở vững chãi, nên nàng tha hồ sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, bồi đắp sở đất một mẫu chung quanh nhà.

Nguyên Sáu Thoại, Bảy Tường là con dòng vợ thứ của người Tàu ở Chợ Lớn, được các anh chị một cha, khác mẹ thương yêu. Khi cha mẹ chết, phần gia tài chia cho hai anh em được cho vào các cổ phần buôn bán. Người anh thứ ba của dòng chính khi về Hỏa Lựu lập chành lúa, có chuyển cổ phần của hai anh em theo. Cả hai anh em có thay phiên nhau đi đi về về chợ Vàm Xáng để phụ giúp người anh khác mẹ kia cùng người tài phú. Họ còn đi hỏi giá lúa, dọ nơi bán lúa. Song việc cải thiện xóm Hóc Hỏa là vấn đề chánh của họ. Họ là người lý tưởng, đã từng tiêm nhiễm tư tưởng của thầy Năm Kỳ Phụng. Họ cảm phục thầy vì thầy mộ đạo Phật như bà sanh mẫu của họ, nhưng hơn bà sanh mẫu kia, thầy là bậc đa văn và quyết đem đạo Phật vào cuộc đời bằng chí nguyện Bồ Tát, để đem giáo lý Phật cứu độ thế gian, mà vẫn giữ phong thái ung dung của thiền giả. Bởi đó, dưới mái thảo am trong ngôi làng kiểu mẫu của họ có một vị pháp sư tu theo pháp môn Thiền Tịnh trụ trì. Nơi đó, mỗi kỳ rằm, mỗi kỳ vía các đức Phật và các Bồ Tát, ngài pháp sư thường giảng kink kệ cho bổn đạo nghe.

Cũng như Ba Kiểm cảm phục thầy Năm Kỳ Phụng, Tư Diễm kính trọng công việc của chồng, cùng thái độ sống của chồng. Sáu Thoại vẫn là người mà thầy Năm tin cẩn nhất, thường được thầy phó thác các công việc trọng đại vì chàng giỏi tháo vát, kín đáo, trung hậu. Tuy Tư Diễm vẫn không thể yêu chồng, nhưng nàng vẫn không hề sợ những lúc ái ân, hay khi đối diện với chồng.

Nàng nhìn chồng mình như nhìn một tấm tranh và trong vòng tay chàng, nàng bình tĩnh đón cử chỉ âu yếm của chồng. Họ tương đắc nhau, trò chuyện nhau không biết chán. Chàng nói chuyện có duyên và nàng thích lóng tai nghe.

Đôi lúc, Tư Diễm không hiểu mình ra sao nữa. Nàng không sầu khổ với hình bóng dĩ vãng, nhưng nàng vẫn cảm thấy rung động khi gợi lại những lúc nàng đứng dưới gốc dừa tơ trong đêm trăng để tưởng nhớ Tám Kiệt. Nàng vẫn tránh mặt em rể. Nàng cũng chưa bao giờ né tránh sự âu yếm của chồng. Nàng trốn vào bổn phận làm vợ để chồng nàng không nghi ngờ về mối ẩn tình của nàng. Nàng đóng vai trò một người vợ hiền thục, tình tứ khéo quá, đôi lúc nàng bị tự kỷ ám thị, tưởng chừng mình yêu chồng. Những lúc bị tự kỷ ám thị đó giúp cho nàng hưởng cuộc ái ân nồng mặn hơn… Nhưng tan cuộc, nàng mới biết hình ảnh Tám Kiệt khó tháo gỡ khỏi tâm hồn nàng, khỏi trái tim nàng.

Năm Nhan về với Tám Kiệt vẫn lo việc trong ngoài, lúc nào cũng lam lũ. Nhưng khi đi chợ Vàm Xáng hay về thăm mẹ, hay đi thăm hai chị, nàng cũng ăn diện, chải chuốt. Nàng yêu chồng bằng tất cả tâm hồn, không hề phân tích ưu điểm hay khuyết điểm của chồng. Và nàng nghĩ đã làm vợ thì phải có bổn phận ấy. Tám Kiệt hợp bạn đàn ca, rượu chè, đó là lạc thú của chồng, nàng phải tôn trọng, phải hưởng ứng, miễn là cuộc vui đó chỉ tổ chức chừng mỗi tháng một lần. Năm Nhan thích sống theo bổn phận, thích sống hồn nhiên, tâm tình không éo le, ngoắc ngoéo.

Tám Kiệt vốn vô tư, đầu óc trơn như da lươn, như mỡ. Cả hai không bao giờ nghĩ là họ đẹp đôi, họ có duyên để người khác chú ý. Họ cũng không tự cho mình quan trọng và họ chỉ thủ phận làm ăn, lo lắng cho nhà cửa, gia đình. Giờ đây, giấc mơ gần gũi nhất nhưng cũng nồng nhiệt nhất của họ là có con sớm chừng nào hay chừng nấy.

Đòng đời trầm lặng như con rạch Hóc Hỏa chảy trước nhà. Vì ba cô đi lấy chồng, vì ông anh trưởng bỏ nhà theo gái góa, Út Biên phải dẹp bỏ chuyện học nghề thợ rèn. Út gia công làm rẫy. Bà Bếp lo việc buôn bán huê lợi. Nhưng trong những lúc ngồi ăn cơm với đứa con Út, bà chạnh nghĩ tới đứa con lớn, lòng dạ tan nát. Bao nhiêu oán hận bà trút lên đầu Sáu Quyên và bà coi đó như là oan gia, nghiệp chướng, từ kiếp nào, hiện lên để báo oán bà.

Ban ngày mải lo làm lụng, buôn bán bà bớt nghĩ tới đứa con bỏ đi hoang. Nhưng có đêm, lúc Út Biên ngủ khó ở căn buồng của Ba Kiểm và Tư Diễm trước kia, bà nhìn ngọn đèn thắp bằng mỡ chuột, gợi lại những ngày sum họp cũ. Đàng rằng gả con gái suôn sẻ là việc may mắn, nhưng từ bao lâu lòng bà mẹ đã chia ra năm ô, mỗi ô có hình ảnh một đứa con. Mỗi một ô như thống nhiếp toàn thể các ô kia. Năm ô thống nhiếp, hòa tan lẫn nhau đem lại nguồn sống phong phú cho bà mẹ. Từ lâu, dưới mái nhà nầy vắng tiếng chửi rủa của bà. Út Biên lầm lì, trầm lặng nên bà mẹ cũng ít chuyện vãn với con.

Trong đau khổ, bà Bêp Luông vẫn nuôi chút hy vọng bền bỉ về sự hồi âm của Hai Cường. Nó thương yêu cuộc đất nầy. Rồi đây nó sẽ trở về. Ruộng nương, rẫy bái vẫn đợi bàn tay cần mẫn của nó. Bà sẽ tha thứ hết, cả Sáu Quyên nữa, miễn là bà gặp được họ trước khi nhắm mắt theo ông, theo bà.

Ngày qua tháng lại. Lật bật đã hai năm. Những cây mãng cầu xiêm tơ bên hè đã có trái. Lứa dừa lùn cũng quằn trái, lá mượt loang loáng ánh nắng hoặc ánh trăng. Út Biên đã mười tám tuổi rồi, trầm lặng, khôi vĩ. Rồi Tết đến, bông bụp trổ bông bụp ở bờ rào, vông đồng đơm bông đỏ chói bên dòng nước trong leo lẻo. Trong bàu, ấu trổ lá tươi xanh. Giữa ao, bông súng phô cánh trắng. Chim cu theo nắng trong từ miệt rừng đổ về gáy sáng. Trong bồn đất, mai vàng điểm nụ.

Tư Diễm vốn mắn con, đã có bầu gần ngày sanh, nên về ở với mẹ. Bà Bảy Hương vốn là cô mụ vườn, thường lui tới thăm chừng Tư Diễm luôn.

Vào lúc chạng vạng tối, trong xóm vang lên tiếng chày giã cốm dẹp. Mùi nếp đòng đòng rang trên chảo thơm lừng và trong lòng cối giã mùi hương đó như hoà điệu vào tiếng chày nhịp nhàng, giục giã mọi người nghĩ đến cái Tết.

Thể Loan và Mỹ Loan từ Sài Gòn xuống thăm cha. Hai cô gái trưởng giả và tân học kia được ngủ trong một căn phòng có giường nạm xà cừ, trải nệm, giăng mùng lưới. Cả hai có dịp quan sát người kế mẫu quê mùa của mình. Ba Kiểm vốn dạn dĩ, hiếu khách, không hề có mặc cảm tự ti trước những cô khách thị thành. Nàng như lướt phăng phăng trước cái nhìn soi mói, những khách sáo, những điệu hạnh của hai cô Loan kia.

Xế hôm đó, ba cha con thầy Năm Kỳ Phụng đi thăm ruộng bằng chiếc ghe bầu do một người lực điền chèo. Ba Kiểm ở nhà may cho chồng một bộ quần áo ngủ lèo. Nàng may tay, đường kim mũi chỉ thật tỉ mỉ. Mũi kim nàng thoăn thoắt đưa đẩy, trong khi đó đầu óc nàng nghĩ đến hai năm hương lửa vừa qua. Nàng mừng thầm rằng từ sau đêm tân hôn không bao giờ nàng nghĩ rằng mình lấy chồng đứng tuổi. Thầy Năm Kỳ Phụng đối với nàng âu yếm, tình tứ, trẻ trung. Nàng ngừng kim, đưa tay vuốt lên bụng mình. Trong đó, đã có một mầm sống do tinh huyết của chồng nàng tạo ra. Nhưng nàng chưa vội báo tin cho chồng nàng biết đâu. Nàng ngồi may, miên man suy nghĩ đến những ngày sắp tới mình được làm mẹ, buộc chặt niềm gắn bó của mình vào đời chồng. Ngoài kia, nắng rút khỏi thềm, bóng cây nguyệt quí ngả dài trên sân. Chim bìm bịp ở bãi xa kêu báo hiệu nước lớn. Ba Kiểm thu dọn rổ may, sửa soạn đi nấu cơm. Nàng làm việc chậm rãi, mỗi việc gì dưới tay nàng cũng đều ngăn nắp, sạch sẽ.

Khi nồi cơm vừa đặt ở trên bếp thì nàng bày bàn, với chén kiểu, đũa mun, muỗng bạc, khăn ăn bằng vải sọc. Những món ăn chiều nay, đều do thầy Năm chỉ dạy. Quãng đời góa vợ đã đem lại thầy cái tài nấu bếp đáng kể và bây giờ Ba Kiểm đã được chồng truyền nghề. Ba Kiểm hâm lại niêu tôm kho tàu và nấu nồi canh chua dưa măng với cá tra… Đây là những con cá tra được nuôi bằng cám, thịt kém béo, nhưng thơm ngon hơn. Hai cô Loan vốn kén ăn, nàng sẽ chiên cơm sốt cà và rô ti hai cái đùi gà cho họ.

Thể Loan và Mỹ Loan mặt ngoài tỏ vẻ lễ phép với Ba Kiểm lắm, kêu nàng bằng dì, xưng em. Nàng cũng kêu họ bằng em, xưng dì. Nhưng hai đàng đã bị chặn bởi một cái hố mênh mông. Hai cô Loan nhìn mọi việc ở đây đều không hạp vệ sinh. Trước khi dùng cơm là họ lấy nước sôi tráng qua chén dĩa rồi dùng khăn lau cho sạch. Họ uống nước bằng ly riêng của họ. Thầy Năm không hề hay biết việc đó. Ba Kiểm vốn hời hợt cũng không cho thái độ đó làm kỳ, và nàng cũng không học lại với chồng. Nàng cũng không để ý hai cô con chồng mình nhăn mặt, bĩu môi khi nàng cười nói bô bô với chồng.

Cơm vừa chín, thì trời bên ngoài đã chạng vạng. Đom đóm chưa chi đã bay lập lòe. Cây bần ở mé nước đơm đầy những chấm đóm đóm chớp tắt. Ba Kiểm lấy cây đèn Hoa kỳ thắp sáng phòng khách, rồi ngồi trong lòng ghế bành, vừa may bên thếp đèn nhỏ, vừa ngóng nhìn ra sân đợi chồng.

Ba cha con thầy Năm cùng người lực điền vừa về tới.

Thầy kèo nài người lực điền ở lại dùng cơm, nhưng anh ta từ chối để về nhà vì sợ người nhà trông. Vừa khi cả ba bước lên thềm, Ba Kiểm nhảy xổ ra, mừng rỡ. Con chó mực cũng hí hởn vẫy đuôi. Ba Kiểm la:

-Cha chả, ba tía con đi tam hồ tứ hải cho tới bây giờ mới chịu về. Cơm nguội, canh lạnh hết rồi.

Nàng nắm tay chồng, lay thật mạnh:

-Đi đâu lâu quá vậy… ông già? Con vợ ông ở nhà lo quá, cứ tưởng tượng chuyện dữ không hè.

Thầy Năm Kỳ Phụng đưa cho vợ hai gói bọc lá chuối tươi:

-Anh biết mình thích ăn bún, ăn bánh da lợn nên tìm mua cho mình đây.

Ba Kiểm cười hăng hắc:

-Quỉ vật cái ông già nầy đi. Em ở nhà lo sợ quá, bây giờ ăn đào tiên, ăn khô lân, chả phụng cũng hết ngon. Ông già mắc dịch!

Rồi nàng khoe:

-Vô đây xem bộ quần aó ngủ bằng lụa lèo em vừa may cho mình để mình mặc cho mát. Đồ yêu lồi! Bận sau mà mình về trễ, em đổ hết cơm canh cho chó ăn. Và rồi em phạt mình nhịn đói, biết chưa ông già… ôn dịch!

Hai cô con lúc đầu còn cười cười, về sau mặt họ đanh lại. Hai chị em nhìn nhau, rồi nhìn Ba Kiểm như nhìn quái vật. Ba Kiểm nắm tay hai cô con chồng, mắt hướng về bộ đồ lụa lèo:

-Hai em coi nè, bộ quần aó bà ba dễ cắt, lụa lèo cũng dễ may. Dì chỉ ngồi một buổi là may xong nửa cái quần.

Thể Loan cười gượng:

-Dì may tay làm gì thêm cực. Để khi về Sài Gòn, tụi em may máy, mũi chỉ đều đặn khít khao hơn.

Ba Kiểm đóng cửa lại, rồi cầm cây đèn Hoa Kỳ giục:

-Thôi đi ăn cơm. Lão già kia đói bụng rồi đó…

Nàng mở gói lá chuối, khi tới phòng ăn:

-Chèn đéc ơi! Bánh da lợn khéo quá. Thôi để dành cho cả nhà tráng miệng. Còn bún để ngày mai ăn với tôm nướng. Tui mà nướng tôm phết mở hành, ngon đâu kém các món ở thị thành.

Nàng vừa cười vừa lướt xuống bếp để hâm lại thức ăn và chiên cơm cho hai cô Loan.

Ở phòng ăn, Thể Loan mát mẻ nói với cha:

-Dì của con vốn là gái quê, tuy tốt bụng, nhưng kém lễ nghĩa và văn hóa. Cha phải dạy dỗ từng chút mới được. Mai sau, hai vợ chồng ba có dịp về Sài Gòn, dì con sẽ phải tiếp xúc với kẻ cao sang quyền quí, nếu cứ quen thói cũ như ở đây thì coi bất nhã lắm.

Thầy Năm Kỳ Phụng chau mày:

-Các con thấy dì các con lố lăng quá chăng?

-Gần như vậy – Thể Loan hớt đáp – Đã vậy còn hay liếc hay cười nữa.

-Nhưng dì của con có vượt lễ nghi chưa?

Thể Loan trề môi:

-Ai lại kêu chồng là ông già nầy, ông già nọ.

Thầy Năm Kỳ Phụng lắc đầu:

-Chồng là kẻ ngang hàng với vợ. Thời đại chồng chúa vợ tôi đã xa rồi. Dì con có biết cách tỏ tình âu yếm cách nào khác hơn kêu chồng bằng những danh từ bình dân ấy.

Thể Loan bắt bẻ:

-Ai lại trước mặt chồng mà lại trửng giỡn phạm thượng với chồng.

Thầy Năm Kỳ Phụng:

-Dì Ba các con không hề phân biệt các con là người dưng kẻ lạ, nên mới cười giỡn như vậy.

Thể Loan bực mình:

-Ba cứ binh vợ chằm chập, chứ không nghĩ tới chuyện giáo dục một người đàn bà xuất thân từ giai cấp… hạ lưu.

Thầy Năm Kỳ Phụng, giọng thong thả:

-Các con nên biết, chính cái cử chỉ hồn nhiên, mộc mạc của dì con làm cho đời ba thêm vui tươi, ý nhị. Dì con chỉ duyên dáng với cách sống tự nhiên đó. Trầm lặng, kiểu cách không thích hợp nàng đâu. Con cá mang rô đẹp, nhưng nó chỉ đẹp ở trong sông, trong rạch. Bắt nó đặt vào bồn thủy tinh, nó trơ trẽn, thua kém xa cá thia lia tàu, và nó cũng sẽ chết mau. Bông đũa bếp đẹp ở trên cánh đồng phèn chua. Đem bông đũa bếp cặm trong độc bình, nó sẽ tàn mau trong vòng nửa giờ, mà còn có vẻ lạt lẽo, thua xa loài hoa huệ. Các con còn trẻ, đừng nên cố chấp.

Ba Kiểm kêu vói lên:

-Mình ơi, kêu các con mình xuống ăn cơm, khoan nói chuyện tào lao đã.

Tư Diễm ngồi cho Ba Kiểm bắt chí, nhổ tóc ngứa. Nàng vẫn chưa sanh nở, nên đi đi về về từ nhà mẹ nàng đến nhà riêng của vợ chồng nàng. Nhưng mỗi đêm nàng ngủ ở nhà mẹ, trong cái kho chứa lúa và đồ nông cụ. Sáu Thoại cũng thường đến ngủ đêm với vợ. Ngủ đêm vắng chồng, dù dưới mái nhà thơ ấu, Tư Diễm vẫn cảm thấy cô đơn, như thiếu một điểm tựa. Nàng nghiệm thấy trong nghĩa vợ chồng, Sáu Thoại rất cần thiết cho đời nàng biết bao. Vắng chàng, nàng đâm ra hoang mang, lo sợ, thiếu mất phuơng hướng.

Hôm nay, nàng đi thăm chị, và sẽ ở lại ăn cơm trưa và chiều với chị. Hôm nay, thầy Năm đi thăm người tá điền bịnh nặng cùng với pháp sư và Bảy Tường, hẹn chiều mới về.

Tư Diễm nói:

-Con Năm nó nói với em rằng chồng nó đi qua Vịnh Trà Bay bán thuốc cao đơn, huờn tán có gặp anh Hai và chị Sáu Quyên. Họ ăn ở với nhau sanh được cặp trai mập mạp, trắng trẻo dễ thương lắm. Ảnh có hứa sẽ dắt vợ con về đem trầu rượu lạy má xin tha tội. Chị Sáu sau kỳ sanh đôi, nom nheo nhẻo thêm, coi mòi còn tươi tốt, lịch sự hơn ở đây. Chỉ gởi lời thăm chị em mình, không sót một móng nào.

Ba Kiểm hỏi:

-Em liệu mà dọ ý bà già. Bề nào con của họ cũng là cháu của mình. Chị Sáu lại giỏi dắn, tháo vát, xinh tốt có kém ai đâu, chỉ phiền một nỗi chỉ hay chửi giống hệt bà già mình.

Tư Diễm lấy làm lạ. Trước kia Ba Kiểm kết tội Sáu Quyên, trách móc Hai Cường. Vậy mà giờ đây bà chị của nàng có thể nói những câu khoan dung, rộng lượng như vậy. Nàng biết chị mình phỉ nguyền trong cuộc vợ chồng. Nhưng không phải hễ khi được hạnh phúc rồi thì nhìn cuộc đời dễ dãi hết đâu… Phải có một quan niệm gì mới có thể nói được câu nói thông cảm kia…

Tư Diễm sau lúc vượt qua một chặng tình cảm rối ren, đã tìm được chút ổn định trong tâm hồn. Nàng không được đam mê bồng bột trong tình vợ chồng, nhưng mỗi một ngày qua, nàng thấy rất rõ sự ổn định kia thêm nền móng mới, vững chắc hơn. Nàng có cảm tưởng một phần người nàng đã có trong Sáu Thoại và một phần Sáu Thoại đã có trong người nàng. Ái ân dù có dồi dào, nhưng lạc thú chỉ có đằm thắm mà thôi. Nhưng qua những đêm gần gũi của đôi thể xác, Tư Diễm thầm cảm ơn Trời Phật đã cho nàng không gớm ghiếc chồng khi trao thân cho chồng. Nàng giả sử, đã không thương yêu chồng, mà còn nhờm gớm thân xác chồng thì chỉ có nước tự tử vì mỗi lần trao thân chỉ là một điều cực hình bi đát cho người vợ mà thôi.

Đã quá ngọ. Con mèo mướp từ sân nắng nhảy vụt vào, đôi mắt màu ve chai rực sáng.

Trong nắng, chuồn chuồn bay tán loạn. Bụi tre ngoài bến nước cọ kẽo kẹt. Cây da ngoài ngõ hắt vào sân bóng mát lành lạnh.

Tư Diễm bới tóc rồi cùng chị xuống bếp nhúm lửa nấu cơm. Ba Kiểm lấy ba khúc cá mặn đem chưng với thịt bằm, gừng và tiêu ớt. Khi nồi cơm sôi thì Sáu Thoại và Út Biên tới. Út Biên đem tặng một rổ rau đồng. Ba Kiểm bắt nước luộc rau và kỳ nèo em rể và em ruột ở lại ăn cơm.

Sáu Thoại nói với vợ:

-Anh nghĩ kỹ rồi. Anh phải có mặt bên cạnh lúc em lâm bồn. Tối nay, anh sẽ ngủ ở nhà má. Bỏ em ngủ một mình, anh không an tâm.

Tư Diễm nói:

-Đàn ông ai lại chui vào chỗ vợ đẻ?

Sáu Thoại nói:

-Đời sống mới là vậy đó, em à. Người chồng phải chia sớt sự đau đớn, mệt nhọc lúc vợ đang sanh nở. Đừng để cho vợ cái cảm tưởng đi biển mồ côi một mình.

Tư Diễm giãy nảy:

-Kỳ chết! Thiên hạ cười cho.

Sáu Thoại lắc đầu:

-Thầy anh cũng đồng ý với anh như vậy.

Tư Diễm trầm ngâm:

-Nếu anh ba nghĩ vậy thì… cũng được. Anh cứ ở bên cạnh em lúc em chuyển bụng. Chỉ sợ bà mụ cười cho.

Nàng đặt bàn, thêm hai cái chén, hai đôi đũa. Sáu Thoại cứ xẩn bẩn bên vợ. Khi ngồi vào bàn Sáu Thoại lại báo tin:

-Thầy tính làm mai cô Đào cho Út.

Út Biên đính chánh:

-Em lỡ “thương” cô Ba trót hai năm rồi. Cổ cũng “thương” em nữa. Em đành thú thiệt với má.

Ba Kiểm nhìn em trai, âu yếm:

-Mầy quá rồi nghen Út. Mới từng tuổi đầu đã rậm rật rồi.

Út Biên thản nhiên, không đỏ mặt, dáng điệu lầm lì trông tức cười. Út vốn thiệt thà, có sao nói vậy, và một khi quyết định chuyện gì thì phải làm cho tới cùng.

Sáu Thoại nói:

-À, anh có mua một xấp vải bông, một xấp lụa lá trúc, một xấp lụa phù dung để em may nguyên ba bộ áo xẩm. Đi tới chỗ người khách phải ăn mặc như họ.

Vải lụa bày ra, màu sắc như chói lên. Vải nền vàng, điểm hoa cúc trắng. Lụa lá trúc màu trứng sáo. Lụa phù dung màu trứng gà. Ba Kiểm lúc đó ở trong bếp vội chạy ra, khen đẹp luôn miệng, rồi bảo:

-Tư, khi nào ra chành, nếu mầy mặc áo xẩm mà để cái bí bo coi kỳ lắm. Mầy nhớ đánh mái tóc thành hai cái bính rồi thả lòng thòng trước ngực nghen Tư. Lấy chồng Minh Hương, lấy chồng Chệt rắc rối lắm Tư à, chỉ được ăn bánh bao, ăn đồ xào là ngon thôi.

Tư Diễm cười chúm chím, nhìn chồng.

Trời ơi, anh ta cũng khỏe mạnh, khôi ngô, cớ sao mình không mê điên, mê cảm để mình biết thế nào là lạc thú ái tình? Thôi, nàng không nên nghĩ xa hơn. Nàng chạy trốn mối tình mãnh liệt của nàng đối với Tám Kiệt được lúc nào hay lúc nấy. Nếu nàng nghĩ tiếp, nàng sẽ không còn cũng cố sự ổn định mà nàng xây đắp từ bao lâu.

Sáng hôm qua, vợ chồng Năm Nhan có đến thăm nàng, tặng cho nàng một cặp dưa hấu. Năm Nhan nói:

-Bây giờ chị cứ ăn dưa cho chê chán đi, tới chừng sanh chỉ có cơm trắng với cá thịt kho tiêu, cùng muối sả, muối tiêu mà thôi.

Cô em thiệt thà của nàng khi lấy chồng rồi vẫn quần vải áo bô, chân đi đất. Đôi bàn chân đó tuy to phè nhưng khi mang đôi guốc vông trông không kệch cỡm lắm. Sắc mặt Năm Nhan vẫn trong sáng, cái nhìn rạng rỡ, nụ cười yên lặng. Năm Nhan vừa về tới nhà mẹ là lo dọn dẹp, tưới các nọc trầu, mấy cây kiểng, chùi chảo, chùi nồi, hốt rác, đốt rác rồi nấu cơm giùm mẹ.

Tám Kiệt xẩn bẩn bên vợ phụ giúp vợ, kể chuyện nầy tới chuyện nọ. Lúc nào Năm Nhan cũng lắng nghe lời chồng, để bàn bạc, nghiệm xét và khuyên lơn chồng. Khi nghe lời nói đạt tình, đạt lý của vợ, Tám Kiệt vỗ vai vợ, cười ha hả một cách thống khoái.

Trong những lúc đó, Tư Diễm hối hận vô cùng. Nàng đã coi thường em gái nàng, chê nó chậm lụt, tẻ ngắt. Vậy mà Năm Nhan có thể theo dõi câu chuyện của chàng thêm phần phong phú, đậm đà.

Giờ đây, nhớ lại buổi sáng hôm qua, nàng tự biết mình không có một vị trí nhỏ nhoi nào trong tâm hồn Tám Kiệt.

Thôi từ đây mình phải an phận. Chồng có sẵn đó, mình phải như con ngựa nhắm mắt ngó về phía trước. Không còn con đường nào khác hơn con đường bổn phận: “Lấy nhau mà mù mịt đôi đàng. Lòng em như ngọn nhang tàn thắp khuya”. Mai mốt đứa con đầu lòng chào đời. Rồi theo cái đà đó, nàng sẽ sanh năm, đẻ bảy. Mỗi đứa con tạo thêm nhiều dây, nhiều rễ quấn đời nàng vào cuộc đời Sáu Thoại.

Tư Diễm hồi tưởng lại đêm tân hôn. Căn phòng cưới vách lá, nhưng giường chiếu mới, gối lụa thêu hoa loan phụng giao cánh bên khóm mẫu đơn, mùng lưới có cặp móc kết bằng luạ hường. Nàng thắp cặp hồng lạp, thay quần áo mát, chờ Sáu Thoại. Nàng ngắm tấm thiệp viết bằng hai thứ tiếng Hoa Việt màu đỏ chữ hoàng kim, lòng băn khuăn. Tấm mền màu cam, viền nhiễu đỏ cuộn lại ở góc giường. Cái bàn gương lược đối diện với chiếc giường cưới, áp vào tấm vách có treo gương tàu. Nàng thổi tắt nến, rồi thắp lại, lòng ngổn ngang trăm mối.

Mãi đến canh ba, Sáu Thoại mới vào phòng tân hôn. Chàng hỏi nàng dùng trà chăng? Nàng lắc đầu. Chàng uống một chút nước cốt trái chanh cho giã rượu, rồi khẽ tắt nến.

Trong bóng tối, cả hai bạo dạn lần và thành thân với nhau, không hề chuyện vãn.

Tan cuộc, Tư Diễm nằm thu gọn ở cuối giường, áp vào vách lá. Sáu Thoại chỉ nói:

-Xin lỗi em nghe. Anh thấm say rồi.

Và chàng ngủ. Tư Diễm quay mặt vào vách khóc, rồi mệt lả ngủ luôn.

Phải đợi đến hai ngày sau, cả hai mới dạn lần và bắt đầu chuyện vãn với nhau, tương đắc như… hai người bạn. Sự giao hợp đối với Tư Diễm không hứng thú, mà cũng không miễn cưỡng. Trong khi nàng nằm trong tay Sáu Thoại, lại mơ mình nằm trong tay Tám Kiệt. Nhưng khi mở mắt nhìn vẻ mặt hạnh phúc, niềm yêu chân thành của chồng, nàng rên thầm:

-Trời ơi, mình… có thể đốn mạt như vậy hay sao? Thà mình đừng ưng người ta. Ưng người ta làm chi mà để cảnh vợ chồng oái oăm như cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như vầy?

Nhưng mà, thời gian sống gượng đó đã qua rồi. Giờ đây nàng đã tìm được ở chồng một điểm tựa, dù tâm hồn cả hai không hòa điệu nhau. Nàng, đôi lúc mang máng nghĩ rằng, Sáu Thoại tuy không đi thẳng vào tâm hồn nàng, nhưng đã cần thiết đối với nànggiờ đây như khí trời để thở. Nàng khẽ thở dài, hát thầm:

Tập tàng đem nấu canh suông

Lấy chàng, thiếp quyết đổi buồn làm vui.

Thím Bảy Cá Trê và vợ Ba Khía thường to nhỏ với nhau:

-Mấy đứa con gái của chị Bếp, trời sanh ra để hưởng phước. Hèn chi lóng rày chỉ càng lên chưn, lên cẳng, coi Trời Đất nhỏ như hột tiêu.

Không đúng đâu. Bà Bếp từ khi ba cô con duyên ưa, phận đẹp, bà càng tin tưởng Phật Trời nhiều hơn. Bà càng tin rằng nếu bà ăn chay, đọc kinh cho nhiều, làm phước cho hăng thì nay mai cậu trưởng nam của bà sẽ trở về phụng dưỡng bà và thằng Biên út ít của bà sẽ được tấn tài, tấn lợi, tấn bình an bên cạnh cô vợ giỏi dắn, xinh đẹp.

Làm bánh, làm trái và thêu may, Ba Kiểm và Tư Diễm thua xa Hai Lý, Ba Đào. Nhưng cả hai khéo chưng dọn nhà cửa, ăn mặc đẹp đẽ như dân ở chợ Vàm Xáng. Chiều mát trời, cả hai ngồi ở cửa sổ may vá, áo lụa, quần lụa trắng, lamé xốn mắt thím Bảy Cá Trê. Thím trề môi, nói với chồng:

-Không hiểu hai con đó có thêu phụng vẽ rồng gì được hay không? Chỉ thấy tụi nó mặc quần áo trắng, ngồi ở cửa sổ, tay đưa đẩy cây kim… thấy mà phát ghét. Đàn bà con gái quê mùa, có may, có vá thì vào trong nhà mặc sức mà may… Làm bộ bẹo hình, bẹo dạng như mấy cô gái thị thành coi ngứa mắt quá.

Từ lâu, bà Bếp Luông thừa biết hai cô con gái mình thua sút về mặt nữ công hai cô con thím Bảy Cá Trê. Từ khi cô Ba Đào hồng hào, sáng rỡ, bà đã có chủ định khi nhìn vai vóc của Út Biên càng lúc càng lớn. Bà bàn luận về chuyện đó với vợ chồng Ba Kiểm. Thầy Năm Kỳ Phụng nói:

-Phải đợi Út tới hai mươi tuổi đã. Giờ thì má cứ làm lễ hỏi cho nó.

Ba Kiểm thừa biết thím Bảy ưa nói hành, nói tỏi gia đình mình. Nàng cũng muốn cho hai nhà trở thành sui gia với nhau, chừng ấy thím Bảy vì thương con rể mà bớt cái miệng chê bai, xiên xỏ được chút ít nào chăng?

Ba Đào thường gọi bà Bếp là má Hai ngọt sớt. Khi nào thím Bảy mời bà Bếp ăn cơm là cô làm những món khéo tuy tầm thường nhưng dân Hóc Hỏa từ ngọn rạch ra tới vàm rạch chưa có ai qua mặt Hai Lý, Ba Đào. Đó là món cá tra nấu canh chua với dưa măng, món cá rô kho tộ, món tôm kho tàu, món mắm kho, món dưa cải chua… Bà Bếp từ khi có chủ định cầu hôn cô Ba Đào cho Út Biên, không tiếc lời khen Ba Đào. Đã vậy Ba Đào có hôm thỏ thẻ với bà, mắt không quên liếc trộm Út Biên, miệng cười chúm chím:

-Má Hai mà nuôi con làm con thì con làm bánh canh cá, cháo cá giò heo, chạo tôm cho má Hai ăn. Con sẽ làm bánh ích, bánh qui, xôi vị cho má Hai cúng rằm.

Comments are closed.