Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 235): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (1)

nguoiditrenmay-biaThực tình trong thâm tâm tôi, tôi không có ý định đến dự buổi tiệc này. Tại sao tôi cũng không hiểu. Có thể có nhiều lý do, nhưng xét cho cùng, chẳng có lý do nào là chính đáng.

Trước hết, có lẽ vì tôi không hề quen biết người đứng mời, mặc dù chủ nhân không phải là một tên tuổi xa lạ trong lúc này, giữa những ngày đầy biến cố sôi động của Sài Gòn.
Lại nữa, tôi vốn không ưa thích lắm đám đông, nhất là đám đông của những tiệc tùng đình đám. Bầu không khí của những dạ tiệc càng làm tôi lo sợ hơn. Y phục kiểu cách, lịch sự giả dối, ngôn ngữ kênh kiệu… Tất cả những thứ đó làm tôi ngộp thở. Họ nói chuyện chính trị và kinh tế pha trộn trong mùi nước hoa, và màu sơn móng tay…
Sau cùng, tôi do dự vì tấm thiệp mời đã đặt tôi trước hai thái độ của đám bạn tôi. Một đứa khi cầm trên tay giấy mời in tuyệt đẹp với dấu nổi khằn ghi rõ tên tuổi của một chức sắc cao cấp trong Hội Đồng Nội Các đã cười cười nói nói với tôi rằng đến làm chi cái thế giới quân phiệt và tài phiệt kia, nơi chỉ có luồn cúi và bưng bợ, lò thiêu hủy nhân cách con người. “Đến chợ Đủi đi, bọn tao chờ mày ở đó!” Đám khác thì khuyên tôi nên đi, đó là một cơ hội bằng vàng, phải mở rộng cánh cửa quen biết. “Cho dù mày không ưa cái xã hội thượng lưu đó, chắc chắn sẽ có lúc mày cần đến nó! Vả lại được bắt tay ông Phan lúc này đâu phải là chuyện chơi! Đi đi con ạ! Chớ có ngu!”
Tôi biết chắc là tôi sẽ lạc lõng trong cái thế giới quyền lực và hào nhoáng kia, nhưng không hiểu cái gì đã xô đẩy tôi, vô hình nhưng mạnh mẽ.

Qua khỏi cánh cổng hẹp có lính gác tôi bước vào một khu vườn rộng. Dưới mỗi gốc cây là một bàn vuông nhỏ bốn chỗ ngồi với nến ba ngọn và thức uống. Khách đến đã khá đông. Tôi thấy chủ nhân, ông bà Phan, đứng trên bực cấp cao của ngôi biệt thự.
Tôi đang lớ ngớ thì một người đàn ông cao lớn, tóc cắt cao, mặt bạnh bước về phía tôi. Chân thẳng, đầu cúi thấp, giọng kiểu cách, anh ta nói:
“Xin lỗi ông. Chúng tôi sẽ rất hân hạnh được biết quý danh!”
Tôi nhìn hắn hơi ngạc nhiên, nhưng rất kịp thời tôi trả lời:
“Thăng. Trần Lâm Thăng. Làm nghề dạy học.”
Hắn nghiêng đầu, đưa tay mời:
“Xin mời giáo sư.”
Hắn đưa tôi đến trước mặt ông bà Phan, đứng nghiêm, giọng nhỏ, nhưng rõ ràng:
“Bẩm cụ. Giáo sư Trần Lâm Thăng!”
Ông Phan đưa tay cho tôi bắt. Bàn tay ông mập và mềm, mấy ngón tay ú nhão. Ông có đôi mắt nhỏ nhưng khóe nhìn sắc sảo. Cái nheo mắt của ông như thầm hỏi người hầu cận tôi là ai. Người đàn ông cao lớn, nhắc lại một lần nữa, giọng dõng dạc:
“Bẩm cụ. Giáo sư Trần Lâm Thăng!”
“Cậu Thăng! Trời ơi! Cậu là cậu Thăng đây hả?” Giọng ông mừng rỡ.
Ông quay sang người đàn bà đứng bên:
“Bà này, đây là cậu Thăng, con của anh Thành người bạn cố tri của tôi mà tôi vẫn thường nhắc với bà đó!”
Bà Phan khoảng tuổi trung niên và là một người đàn bà đẹp. Trán vồ kiêu hãnh, đôi mắt lớn, nụ cười hiền. Bà nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng tình cảm:
“Chúng tôi rất vui mừng được biết cậu, cậu Thăng ạ! Nhà tôi vẫn nhắc đến ba cậu và cậu luôn!

Tôi hơi ngạc nhiên về mối liên hệ bất ngờ giữa ông bà Phan và cha mẹ tôi. Tôi là đứa con thứ mười trong một gia đình có mười hai anh em. Từ khi tôi hiểu thế nào là đồng tiền và giá trị đổi chác của nó, tôi biết gia đình tôi luôn luôn sống trong một tình trạng túng thiếu.
Cha tôi thì suốt ngày say sưa chè chén, và má tôi thì đầu tắt mặt tối, lam lũ như một người đàn bà nhà quê. Còn ông Phan từ lâu được mô tả như là một trong những khuôn mặt lớn trong sinh hoạt chính trị Việt Nam, một người đang theo đường lối chính sách của Hoa Kỳ tại bán đảo Đông Dương. Cũng có nguồn tin nói rằng ông Phan có khuynh hướng thân Pháp. Lý do là vì người cầm đầu chính phủ Pháp hiện nay trước kia từng là “copain” của ông. Họ đã từng cùng chiến đấu dưới một màu cờ tam tài trong cùng một binh chủng và ở cùng một đơn vị. Vai trò của ông Phan vì thế được chú ý một cách đặc biệt. Ông Phan, thí sinh số một đang được choàng hoa và đánh bóng kỹ nhất ở đây trong lãnh vực chính trị, đang cầm giữ tay tôi trong tay ông. Bàn tay ông mập mềm, rịn mồ hôi làm tôi ghê sợ. Tôi muốn rút tay ra, nhưng cái bắt tay đầy nhiệt tình của ông, và nhất là đôi mắt ông sáng lên thứ ánh sáng thân ái khiến tôi vừa không nỡ vừa không dám kéo tay ra.
Tôi không biết nói gì. Sự bỡ ngỡ làm tôi câm như hến. Tôi nhìn chăm vào mắt ông.
“Thưa ông bà, thật là một vinh hạnh lớn cho tôi.” Tôi nói như một kép cải lương.
Ông Phan có vẻ không quan tâm đến điều tôi nói.
Ông thả tay tôi ra, rồi đặt cả hai bàn tay ông lên vai tôi.
“Bà thấy không, nó giống anh Thành như đúc.”
Người đàn bà không trả lời chồng, chỉ khẻ gật đầu, nhìn tôi thiện cảm.
Sau cùng ông Phan nói:
“Mời cậu Thăng vào trong nhà. Chúng tôi có câu chuyện muốn bàn với cậu.”
Ông thu hai tay lại, hất hàm về phía người cận vệ.
“Xin mời ông!”
Theo chân người nhà ông Phan, tôi băng qua một phòng khách rộng, trần nhà cao, sơn trắng. Một chùm đèn lớn chụp pha lê treo giữa phòng tỏa ra một thứ ánh sáng vàng ấm áp. Bàn ăn đặt dài ở hai góc. Một quầy rượu đặt ở góc chéo cuối phòng.
Khách khứa, như tôi có thể hình dung trong trí, ăn mặc hợp thời trang, nói năng nhã nhặn lịch sự. Tuy vậy đám trẻ chiếm đa số, và người lớn có vẻ như là phụ huynh đi theo con để canh chừng chúng hơn là chính mình tham dự. Tôi thấy mấy người đàn bà tụ thành nhóm nhỏ, cười cười nói nói. Còn đám đàn ông với thuốc lá trên môi, ly rượu trên tay đang sôi nổi trò chuyện.
Điều rất giống nhau nơi họ mà tôi có thể nhận ra được ngay là quần quần áo áo. Họ ăn mặc đẹp và sang. Họ nói chuyện thời sự quốc tế và những đổi thay sắp tới trong Hội Đồng Nội Các. Tuy vậy, lẫn giữa những vấn đề trọng đại của tình hình chiến sự tôi nghe được câu chuyện về màu sắc của chiếc cà vạt, loại vải mới để may bộ veste và giá tiền của một chiếc ô tô của một hãng danh tiếng.
Đi ngang qua quầy rượu, tôi dừng lại, nhón một quả ô liu và bưng một ly. Khi tôi quay lại người nhà ông Phan đã đi đàng nào. Tôi không gặp một ai quen trong đám khách ông Phan, nhưng thấp thoáng đâu đó tôi thấy một vài khuôn mặt đã từng xuất hiện trên truyền hình báo chí. Bỗng nhiên tôi nhớ đến đám bạn tôi. Giờ này ở Chợ Đũi, có lẽ Ký đang đọc thơ, Nghĩa đang ngó lên trời cười một mình với cái ý tưởng “kinh tế học” nào đó trong đầu hắn, Lộc đang chửi thề, nhắc lại những ngày vui ở Paris… Có lẽ ngoài quán Cái Chùa, Phùng đang ngồi trước ly cà phê, chiếc kính cận tụt xuống sống mũi, Tâm đang đốt liên tu hồ tận những điếu thuốc đen, Đình đang bàn chuyện cá ngựa, những “tuyệt phích” của ngày mai, và Nhật đang… “Rất ân hận”. Tôi dừng lại, nâng ly rượu lên trán, chào các bạn trong trí tưởng tượng và uống một hơi cạn…

Chỉ có chừng này thôi sao? Đổi một buổi tối họp mặt bạn bè chỉ để nhìn ngó chừng này con người xa lạ, và uống một ly rượu?

Rượu, ở đâu mà chả có. Vả lại tôi đâu phải là bợm nhậu. Tôi uống kém nếu không muốn nói là tồi, dưới mức trung bình.
Ký vẫn gọi tôi là tên phá mồi. Nhưng, thiếu một thằng phá mồi trong một bữa nhậu cũng coi như là vắng một thằng nhậu…
Tuy vậy, tôi không phải thất vọng lâu. Ở cuối phòng, tôi thấy một khuôn mặt dễ thương, hai con mắt đen, tóc chải cao để lộ một chiếc trán bướng, áo màu tím sẫm, cổ hở rộng, giữa ngực là một chuỗi hạt lấp lánh trên một làn da trắng muốt… Vây quanh cô gái là các cậu trai ăn mặc như các công tử…
Người thiếu nữ nói, và sau mỗi câu nói của cô tôi nghe rộ lên những tiếng cười. Tôi không biết cô nói gì, nhưng rõ ràng là cô đang được tán thưởng. Sắc đẹp dù ở đâu cũng được tán thưởng (!).
-Xin lỗi giáo sư. Tôi tìm ông mãi!
Người nhà ông Phan chụp lấy tôi, mừng rỡ như tìm được món đồ tưởng đã mất.
-Cụ Phan muốn nói chuyện với giáo sư.
-Ngay bây giờ?” Tôi hỏi.
Hắn đưa tay dẫn đường
-Thưa giáo sư, lối này ạ!
Tôi khó chịu khi nghe ai gọi mình là giáo sư. Danh xưng ấy không hợp với tôi trên nhiều phương diện. Tôi dạy học bởi vì tôi không có khả năng chọn một nghề nào khác như lòng tôi mơ ước, chứ không phải vì tôi có thiên chức của một nhà giáo. Tôi nộp đơn vào binh chủng không quân ngay khi vừa đậu Tú Tài hai, nhưng mẹ tôi đã than khóc trì kéo. Bà nói nhà có hai đứa con trai. Thằng anh mày đi Biệt Động Quân cũng đủ rồi. Mày phải ở nhà. Tao muốn mày học bác sĩ. Tôi vâng lời mẹ ghi danh theo học y khoa và tôi thất bại. Nghề đó không dính gì đến tôi. Tôi đậu vào Quốc Gia Hành Chánh và tôi đã bỏ nó ngay sau tuần lễ đầu. Tôi học Sư Phạm bởi vì một lẽ giản dị Đà Lạt là một thành phố đẹp. Và một phần cũng vì cái học bổng ở đó tôi có thể tự nuôi thân tôi mà không làm phiền lụy ai.
Đi theo anh ta đến cuối phòng, ngang qua chỗ cô gái, tôi thấy hình như họ đang chơi một trò chơi gì đó. Cô gái chỉ tay vào mặt một cậu trai hỏi:
-Sẽ làm gì nếu tôi nói ghét anh?
Cậu trai do dự rồi đáp:
-Đớp ngay hai tô phở!
Thiếu nữ phá lên cười và cả đám vỗ tay cười theo. Người nhà ông Phan mở cánh cửa nhỏ đưa tôi vào căn buồng, với tay bật nút điện. Sau đó anh ta nghiêng đầu chào tôi, rồi bước lui, nhẹ nhàng khép cửa bỏ lại tôi một mình.
Phòng giống như một thư viện loại bỏ túi. Hai bức họa khá lớn chiếm gần hết một mảng tường. Một tấm sơn dầu thuộc loại sao lại, là tác phẩm Tự Họa của Van Gogh, còn bức kia là của họa sư Utamoro Kitagawa vẽ hai diễn viên Kabuki. Phần còn lại là những kệ sách cao. Nhưng những cuốn ngang tầm mắt mà tôi có thể đọc được là Hồi Ký của Winston Churchill, Charles de Gaulle, André Malraux… Và ngay kệ dưới là Sứ Quân của Niccolo Machiavelli, Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Adolf Hitler, Tư Bản Luận của Karl Marx, Dân Sự Bất Phục Tùng của Henry David Thoreau,…
Thật tình mà nói loại sách này tôi đọc chỉ là vì nghề nghiệp chứ không phải là ưa thích. Trong tủ sách tôi có một chỗ trang trọng dành cho Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, Thác Đổ Sau Nhà của Võ Phiến, Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, Dòng Sông Định Mệnh của Doãn Quốc Sỹ, Những Vì Sao của Alphonse Daudet, Bà Bovary của Gustave Flaubert… nhưng thiếu chỗ cho Hữu Thể và Hư Vô của Jean-Paul Sartre, hoặc Siêu Hình Học Là Gì? của Martin Heidegger, hoặc Triết Lý Đã Đi Về Đâu? của Trần Đức Thảo…

Dù sao tôi đã lấy ra khỏi kệ cuốn Sứ Quân của Machiavelli. Tôi lơ đãng lật từng trang sách và tôi dừng lại ở Chương Mười Bảy, màu mực đỏ gạch dưới hai câu:

“Độc ác hay độ lượng? Để cho dân sợ hãi hơn là dân thương mến?”
Bên lề trang sách có dòng chữ cũng màu đỏ “Trong cộng đồng nhân loại uy quyền xây trên nền tảng vũ lực!”
Tôi nghĩ tới ông Phan, chánh sách nào ông đang theo đuổi, liên hệ nào ông có với gia đình tôi? Hồi còn sống cha tôi không hề nhắc đến một người nào tên Phan. Tôi cố gõ cánh cửa ký ức nhưng chỉ là vô vọng. Ông Phan không có trong ngăn kéo của những hoài niệm tôi.
Nhưng không lâu lắm tôi nghe có tiếng gõ cửa, và tiếp ngay đó, cửa xịch mở. Ông Phan hiện ra giữa phòng, mang theo ánh sáng, âm nhạc và tiếng động bên ngoài.
Tôi đứng bật dậy với cuốn sách trên tay.
-Chắc cậu chờ tôi lâu lắm, phải không?
-Thưa ông…
Tôi xếp sách lại kẹp vào nách, đứng thẳng hai tay bắt chéo.
-Cậu đừng ngại”, ông ngắt lời.
-Cứ tự nhiên như ở nhà! Bất ngờ tôi có một ông khách trong ngoại giao đoàn…
Ông quay một ô trong kệ sách, bấm một chiếc nút, cánh cửa nhỏ bật ra, và tôi thấy những chai rượu tây xếp dọc trong tủ.
-Cậu Thăng uống loại gì nào?
-Cám ơn ông…
-Đừng nói chuyện không biết uống rượu với tôi. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh chứ, Remy Martin hay Hennessy nào?
-Dạ! Tôi ngập ngừng.
-Được! Vậy là tốt. Không khách sáo thế là tốt! – Ông Phan không hiểu tiếng dạ của tôi.
-Thưa ông, tôi có điều thắc mắc!
-Thắc mắc? Thôi để qua một bên đi. Trước hết hãy uống một ly mừng ngày gặp gỡ con trai anh Thành. Rồi sau muốn gì hẳn nói!
……
-Ba cậu là tay nhậu có hạng. Còn cậu thì sao? Thôi ngồi xuống đây đi cậu Thăng!
Ông đặt chiếc ly không lên bàn, kéo hộc tủ, lui cui lục lọi hồi lâu trong đống giấy tờ rồi mang đến trước mặt tôi một tấm ảnh đã ngả màu.
-Cậu có nhận ra người này là ai không?
Ngón tay ông trỏ lên khuôn mặt một người đàn ông râu ria xồm xoàm. Đó là một người lính mặc áo trận rộng, tay phải chống lên hông, chỗ đeo cây súng ngắn, tay trái choàng qua vai một người lính khác lùn và gầy hơn. Cả hai rõ ràng là người Á Đông đứng giữa những tên mũi lõ… Tôi ngước mắt nhìn ông Phan và bắt gặp ông cũng đang nhìn tôi.
Thật ra không cần nhìn kỹ tôi cũng có thể biết người có râu trong ảnh là ai. Trong phòng cha tôi cũng có một tấm như thế.
Hồi xưa ông nhiều râu hơn bây giờ.
Tôi nói với ông Phan:
-Thưa ông, tôi không rõ!
Ông Phan hơi nhíu mày.
-Có thật cậu không nhận ra người trong ảnh là ai sao?
Tôi gật đầu, mắt vẫn không rời ông.
-Vậy chứ anh Thành không còn tấm ảnh nào như tấm này sao?
-Thưa ông, không, tôi chưa hề thấy!
Ông Phan không nói gì. Ông cầm tấm ảnh, mở ngăn kéo, trả lại chỗ cũ.
-Hồi đám tang anh Thành cậu ở đâu? – Ông bất ngờ hỏi tôi.
-Thưa ông…
-Thôi, không phải ông ông tôi tôi khách sáo nữa. Cứ gọi tôi là bác, bác Phan. Như vậy cho nó thân mật. Tôi ít tuổi hơn anh Thành, nhưng bọn tôi là bạn thân, rất thân.
Tôi đứng lên, để ly rượu trên bàn, trả quyển sách lại chỗ cũ.
-Thưa ông… Vâng, thưa bác, hồi đó cháu đang ở Sài Gòn. Hay tin không lành của cha cháu trễ quá thành ra…
-Nghĩa là cậu không về kịp chứ gì?
-Vâng, thưa bác, cháu về đến nhà khi mọi việc xong xuôi.
-Đúng. Đám tang anh Thành không có cậu. Tôi đã được xem bộ ảnh, nhưng không thấy cậu!

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3633a4584/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-1

Comments are closed.