Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 253): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (19)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 54, 55 & 56)

Kỳ 54

Tiểu thư viện ấy đối với tôi thật quá quen thuộc, nhưng lần này, tôi sung sướng khám phá ra ngoài những cuốn hồi ký chính trị và thuật lãnh đạo là cả một kho tiểu thuyết và thi ca. Cuốn Đường Thi do Ngô Tất Tố phiên dịch nằm bên tập thơ của R.Tagore, ấn bản tiếng Anh. 
Bộ Đông Chu Liệt Quốc, bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục đứng sát cạnh bộ Chiến Tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi… Nhưng bỗng nhiên tôi nghe mắt mình nặng trĩu. Tôi buồn ngủ. Tôi thèm ngủ. Tôi ra khỏi thư viện kẹp theo cuốn Othello của Shakespeare. Đèn hành lang đã tắt nhưng ánh sáng phòng bà Phan len qua khe cửa. 
Tôi nghe tiếng hai mẹ con nói chuyện.

-…
-Me không bằng lòng!
-Nhưng con có làm gì không phải đâu!
-Không được cãi bướng. Me chỉ muốn nhắc cho con nhớ là anh Thăng đã có vợ con…
-Nhưng con đâu có yêu anh Thăng. Me đừng làm con khổ!
-Me bao giờ cũng muốn thấy con của me hạnh phúc. Anh Thăng đã có gia đình. Con có nhận điều này không?
-Nhưng thưa me, anh Thăng đã ly dị.
-Chưa. Tất cả còn ở trong vòng thủ tục. Tuy nhiên con nên nhớ rằng cái việc ly dị hay không ly dị của anh ấy chẳng liên quan gì đến con!
-Nhưng thưa me, bố nói con phải coi anh ấy như một người anh?
-Thì ai cấm cản coi anh ấy như một ông anh, nhưng đừng xen vào đời tư anh ấy!
-Thật con không thể hiểu nổi me, đã xem anh Thăng như một ông anh mà lại phải dửng dưng với cuộc sống anh ấy?
-Uyên! Con có còn là con của me nữa không?
-Thưa me, lúc nào mà con chẳng là con của me?
-Vậy con hãy quên anh ấy đi!
-Me muốn nói anh Thăng là người xấu?
-Không, me không nghĩ thế.
-Me muốn con phải xa lánh anh ấy?
-Không. Me chỉ muốn con đừng yêu anh ấy!
-Nhưng, con có yêu anh Thăng đâu!
-Đừng dối me. Me hiểu tình cảm con!
-Nhưng me không thấy tình cảnh anh Thăng thương tâm hay sao?
-…
-Anh ấy đâu có sung sướng gì trong việc phải xa gia đình anh ấy, ngay trong một thành phố mà anh ấy đang sống!
-Nhưng anh ấy có làm cái gì thì phải nhận lãnh hậu quả của mình chứ!
-Thưa me, con sợ me bất công khi chỉ nhìn lỗi lầm của anh Thăng qua mắt một người khác.
-Ai? Con nói người khác ấy là ai?
-Bất cứ ai nói xấu anh Thăng đều như thế!
-Kể cả vợ anh ấy sao?
-Thưa me, phải.
-Me đã gặp chị ấy. Lỗi này hoàn toàn là của anh Thăng!
-Thưa me, chắc bà Lan đã nói với me phải không?
-Bà Lan nào?
-Thì chị Thăng ấy!
-Phải. Chị ấy nói về anh Thăng những điều không thể tưởng tượng nổi!
-Và me tin tất cả những gì bà ấy nói?
-Sao me lại không tin? Còn ai biết rõ người đàn ông hơn là vợ ông ta chứ?
-Thưa me, con cũng đã gặp bà ấy, nhưng con nghĩ khác.
-Con đã gặp chị ấy? Ở đâu? Để làm chi? Tiếng bà Phan kinh ngạc thấy rõ. Tôi cũng ngạc nhiên không kém.
-Cách đây ít lâu. Con theo đám bạn đến chơi nhà ở đường Kỳ Đồng. Cathy Hồng là cousine của bà ấy!
-…
-Bà cũng xinh xắn dễ thương, nhưng nói xấu chồng theo cái kiểu cả vú lấp miệng em. Con nghĩ rằng nội cái việc bà ấy nói xấu cùng cực về anh Thăng cũng đủ làm con nghi ngờ lời nói bà. Xấu lá thời xấu nem chứ. Phải không me?
-Thì anh Thăng có thế nào chị ấy mới nói thế chứ! Giọng bà Phan dịu lại.
-Thưa me, đám bạn con nói mỗi lần đến thăm bà là mỗi lần được nghe bà ấy nói xấu anh Thăng một kiểu khác nhau, đến nỗi chúng nó bị ám ảnh, ghét cay ghét đắng anh ấy!
-Thế còn con?
-Con nghĩ là con hiểu anh Thăng, mặc dù anh ấy chưa bao giờ nói với con về bà Lan!
-Con hiểu anh Thăng như thế nào?
-Thưa me, con nghĩ khi đời sống gia đình là một địa ngục thì không có lý do gì buộc người ta phải tiếp tục ở cùng dưới một mái nhà!
-Uyên!
-Thưa me,…
-Con có biết là me yêu con đến chừng nào không?
-Thưa me, con biết.
-Con có muốn làm những điều trái ý me không?
-Thưa me, không bao giờ con dám.
-Vậy con nghe đây. Bao lâu me còn sống, me không muốn con kết hôn với một người đàn ông đã có một lần lập gia đình!
-Thưa me…
-Thôi con về phòng đi, me mệt. À,… con lấy hộ me một viên Valium nhé!

Kỳ 55

Tôi trở về buồng mình, tắt đèn, nằm dài trên giường, mở mắt nhìn bóng đêm. Giấc ngủ không đến với tôi nữa. Trần nhà như một màn ảnh lớn trên đó Uyên, bà Phan, ông Phan, Quỳnh, Đăng và Mai lần lượt hiện ra riêng rẽ rồi chập lẫn vào nhau. Tôi mong sao trời mau sáng. Tôi muốn ra quán nước sớm để gặp bạn bè.

Quán nước sáng nay khá đông. Chiếc bàn mọi khi đám bạn tôi vẫn ngồi đã có người chiếm. Tôi đứng chôn chân ở thềm cửa nửa muốn vào nửa muốn không. Rong một vòng qua các hàng sách, hay đi xem phim? Ừ, biết đâu được, chúng nó chẳng đang ở đó! Khi dợm bước chân ra, tôi nghe có tiếng gọi lớn từ một chiếc bàn tận góc trong.
-Ê, Thăng!
Tôi quay lại.
-Ồ, Vinh! Ông về hồi nào vậy?
-Mấy hôm rồi!
-Sao nghe nói tiểu đoàn ông đang hành quân mà!
-Phải. Đang hành quân, nhưng tôi thì được lệnh phải về!
-Tại sao?
Vinh nhìn tôi cười. Anh có một nụ cười quá đẹp và quá ngây thơ. Những bông mai màu đen trên cổ áo rằn ri của tiểu đoàn biệt kích Dù không làm Vinh già đi chút nào. Hồi còn học Y khoa Vinh là tay làm báo có hạng. Những bài anh viết không phải chỉ thuần túy khoa học mà luôn luôn chạm đến cái phần nhân bản của Y khoa. “Vấn đề xã hội là hàng đầu của suy nghĩ tôi.” Anh thường nói với bạn bè như vậy. Khi ra trường và được đổi sang phục vụ cho Tiểu Đoàn Biệt Kích 81 Dù, Vinh viết càng nhiều và càng sắc bén. Những bài của anh đăng trên các tạp chí bao giờ cũng là một ngạc nhiên đầy thích thú cho những ai quan tâm đến các vấn đề thời sự và đời sống chính trị hiện tại. Dưới mắt tôi, Vinh hiện ra như một người trí thức trẻ đi săn tìm lý tưởng tuyệt đối không hề mỏi mệt.
-Đến đây ngồi với tôi uống cái gì đi. Được không?
-Xong rồi!
Tôi theo Vinh đến bàn anh.
-Ông tìm ai vậy?
-Không hẹn ai. Chỉ tìm bạn bè vì thói quen thôi!
-Cà phê nhé?
-Ừ, thì cà phê!
Vinh ra dấu gọi thức uống. Anh cười, tôi thấy da mặt anh trắng hồng như con gái. Những chuyến hành quân trên các buôn Thượng, những đụng độ ở mặt trận quân khu hai kéo dằng dai hơn cả tháng trời không làm cho da mặt anh sạm đen đi tí nào. Tóc Vinh cắt cao, đầu tròn, mắt sáng chiếu thẳng vào người đối diện. Anh nói nhỏ nhẹ nhưng thái độ dứt khoát và quyết liệt. Tôi thường nói đùa “Vinh là lương tâm của tôi.” Thực ra điều này cũng chẳng có gì quá đáng. Công bình mà nói anh còn có thể được xem là lương tâm cho nhiều người khác nữa kia.
Tôi nhìn Vinh, lập lại câu hỏi lúc nãy.
-Lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn hả?
-Không. Tôi bị gọi về hầu tòa!
-Hầu tòa? Ông làm cái gì mà phải hầu tòa?
Vinh lại cười. Anh giở chiếc nón màu xanh lá cây úp trên mặt bàn, kéo một tờ tạp chí, đẩy về phía tôi.
-Đó! Lý do hầu tòa là cái đó!
Tôi mở trang báo. Hàng tít lớn với dòng chữ “Mặt Trận Ở Sài Gòn.” Kẹp vào trang có đi bài là cái trát gọi hầu tòa ghi tên Vinh. Tôi đọc qua trát lệnh, rồi lướt mắt trên bài viết của Vinh.
-Cho tôi mượn tờ báo được không?
-Được. Ông cầm lấy. Tôi còn mấy cuốn ở nhà. Nhưng thôi, không phải nói chuyện đó nữa. Việc gì đến tức khắc sẽ đến. 
Còn ông thế nào? Hồi này đời sống ra sao?
-Ai? Tôi hả?
-Chứ còn ai? Nghe nói ông bây giờ là người thân của cụ Phan phải không?

Kỳ 56

Tôi hơi ngần ngừ trước câu hỏi đột ngột của Vinh. Tôi biết tính anh ít nói về những gì liên quan đến đời tư của bạn. Anh không ưa tò mò và không bao giờ là người tọc mạch soi mói. Anh là một nhà thực nghiệm. Anh không tin những gì anh chỉ nghe bằng tai.

-Phải. Nhưng ai đã cho ông biết tin này?
-Hôm qua đến tòa báo về vụ ra tòa, tôi có gặp mấy bạn quen, thấy chúng nó nói vậy!
-Họ nói sao?
-Chúng nó nói ông sẽ là bí thư trẻ tuổi nhất của cụ Phan!
Tôi bật cười:
-Đứa nào ác mồm ác miệng quá thế! Ông Phan đi Mỹ rồi mà!
-Ừ, thì cụ Phan đi Mỹ, nhưng cụ sẽ về chứ? Ông là người trong nhà, ông không thấy địa vị nào dành cho cụ Phan trong ngày trở lại sao?
-Tôi không nhìn thấy địa vị nào dành cho ông Phan, mặc dù tôi biết ông đang giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị ở đây!
Nhân viên nhà hàng đem cà phê cho tôi. Vinh vừa đẩy hũ đường vừa nói:
-Cà phê ở đây dở quá, có thể nói là dở nhất Sài Gòn. Trên đường hành quân tôi biết có mấy quán lụp xụp tồi tàn bên đường thế mà cà phê ngon tuyệt, ngon không thể nào tả được!
Tôi kéo Vinh trở lại câu chuyện cũ:
-Ông thấy ông Phan là người như thế nào?
Vinh nhìn tôi, vẻ sửng sốt:
-Sao ông hỏi tôi câu đó? Hơn ai hết, ông phải là người biết rõ cụ Phan chứ?
Trời ơi, bây giờ đến lượt Vinh, anh ấy mà còn ngộ nhận về mối quan hệ thân thiết giữa ông Phan và tôi thì còn ai tin được những đính chính của tôi?
-Ông có muốn nghe tôi giải thích không?
-Hồi này ông làm sao thế?
-Tôi được đề nghị để được coi như một người thân trong gia đình ông Phan.
-Chắc là phải có lý do chứ?
-Giữa ông Phan và cha tôi có một liên hệ đồng đội từ xưa mà tôi không rõ? Mặc dù tôi biết một cách tình cờ rằng mối liên hệ ấy có thực.
Chợt Vinh chỉ vào cái băng đen trên túi áo tôi, hỏi một câu bất ngờ:
-Ông để tang ai vậy?
-Cha tôi!
-Kìa, ông cụ mất hồi nào sao tôi không nghe biết chi hết!
-Cũng lâu rồi. Có hơn năm nay. Chắc lúc đó ông bận hành quân!
-Thế ông có thấy cụ Phan trong đám người đưa tiễn không?
-Không rõ. Tôi về đến nơi thì mọi sự đã xong cả rồi.
-Lạ nhỉ?
-Nhưng tôi thấy ông Phan có cả bộ ảnh chụp hôm đám tang. Ông Phan biết là tôi đã không có mặt trong những giây phút cuối của cha tôi.
Vinh bỗng lái câu chuyện sang một hướng khác.
-Vẫn ở chỗ cũ chứ?
-Không! Tôi ngập ngừng.
-Tôi đã bỏ đường Kỳ Đồng hơn một năm nay.
Tôi tự hỏi có nên nói cho Vinh biết chuyện gia đình mình hay không? Trước kia Vinh và các bạn anh ở Tiểu đoàn Dù có đến ăn cơm nhà tôi mấy lần. Ai cũng nói tôi là một người hạnh phúc. Đông, sếp lớn của Vinh nói nếu tôi đừng “bị” biệt phái có lẽ tôi là người hạnh phúc hơn. Chưa đụng nhau trên một chiến trường có súng đạn, có máu đổ và có người chết, tôi vẫn đang còn là một thiếu sót lớn. Thứ triết học nhà trường mà tôi đã được nhập môn, cả thứ triết học mà một vài ông nào đó tự nhận là triết gia khi mới lõm bõm chữ nghĩa trong đầu qua một vài cuốn sách… chỉ là bọt bèo và rác rến của thứ “tư tưởng” đã mòn nhẵn. Vâng, có lẽ thế. Đông nói đúng. Tôi là một người hạnh phúc khốn khổ.

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a4963/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-54-55-56

Comments are closed.