Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 256): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (22)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 63, 64 & 65)

Kỳ 63

Từ lúc cho xe chạy, người đàn ông không nói thêm với tôi lấy một lời. Nhưng phần tôi, tôi bắt đầu cảm thấy điều phỏng đoán của mình về tông tích hắn đã không còn chỗ tựa.

Bởi vì nếu hắn là người nhà của ông Phan, hắn phải đưa tôi qua Nguyễn Thái Học, tiếp lên đường Lê Văn Duyệt về nhà, đằng này hắn cho xe chạy quanh qua Bùng Binh Chợ Bến Thành, trở lại Lê Lợi. Đến góc Nguyễn Huệ, hắn quẹo phải, đi phía sau lưng mấy kiosque bán hoa, ép sát thương xá Tax, qua garage Charner và thẳng đường xuống Bến Tàu. Nỗi lo sợ lại chạy lan khắp người tôi. Tôi tê điếng.

Gió bờ sông mát lạnh. Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh đã đóng cửa, đèn đuốc tắt ngúm. Hắn cho xe leo lề, ngừng sát mé sông, bên cạnh một trụ xi măng lớn dùng để cột neo mấy chiếc sà lan.

Hắn mở một điếu thuốc vỗ vỗ lên hộp quẹt máy. Hắn bật lửa mồi thuốc. Dưới ánh sáng xanh, tôi thấy mắt hắn nhìn tôi.

-Lo không? Hắn hỏi lạnh lùng.

Thuốc đã cháy, nhưng hắn vẫn để ngọn lửa sáng phần phật theo chiều gió. Tôi nhìn chăm vào mắt hắn cho đến khi ngọn lửa tắt phụp trong nắp hộp. Qua bóng tối, cái nhìn tinh quái của hắn như vẫn còn phóng về tôi.

-Không lo sao?

Hắn lập lại câu hỏi. Ngón tay cái của hắn bật lên đẩy xuống nắp hộp quẹt, gây ra những tiếng kêu khô và chat:

-Tôi không phải người nhà ông Phan.

Hắn nói chậm rãi như đọc. Hắn đã xác nhận điều tôi nghĩ. Và thật nhanh, tôi liên tưởng đến ông Lý. Tôi thấy những gì ông Phan nói đang trở thành sự thực. Ông Lý là người ít nói, với ông, hành động mới là điều đáng kể, còn kỳ dư là đồ bỏ. Và nếu quả thật đây là ý muốn của ông, tôi nghĩ là số phận mình coi như cũng đã xong. Trời lạnh nhưng tôi nghe mồ hôi rịn ướt hai tay.

Tôi thấy hắn kéo một vật cộm ở thắt lưng ra và đặt lên đùi. Một khẩu súng ngắn.

Hắn không nhìn tôi. Hắn tiếp tục hút thuốc, thở khói, mắt ngó thẳng ra mặt sông Sàigòn. Tôi biết bên kia là Thủ Thiêm, nơi tôi chưa bao giờ đặt chân đến, dù đã ở Sàigòn hơn mười lăm năm.

“Làm cho một người nào đó biến mất trên cõi đời này mà không để lại một dấu tích nào cả, đó là nghề của tôi.”

Hắn lạnh lùng nói, mắt không buồn nhìn tôi. Tôi ngồi lặng, người đông cứng. Sự sợ hãi là những con kiến nhỏ bu ngoạm khắp châu thân tôi. Tôi nhớ con mắt căm hờn của Uyên khi nhìn tôi một buổi tối về muộn. Tôi nhớ ông Lý, nụ cười độ lượng. Cái giọng xưng ba ngọt ngào. Tôi nhớ rõ cách mời rượu của ông mà có lần tôi đã chứng kiến ở một quán ăn. Tôi nhớ cách chào hỏi xưng hô của những chức sắc cũng như những tay anh chị khi gặp ông… Vậy ra hắn là người của ông Lý sao? Có thể lắm chứ? Tại sao không?

-Có một điều tôi cần cho ông biết: Cái giá làm ông biến mất khá cao, mà bất cứ ai nghe đến cũng đều khó mà chối từ. Tiền và tình của một người đàn bà. Chắc ông hiểu đó là ai? Tôi đang cần tiền và đàn bà loại đó tôi cũng muốn biết qua. Nhưng trường hợp ông, tôi thấy khó xử.

Hắn ngưng lại bất ngờ, lấy điếu thuốc ra khỏi môi và búng xa xuống mặt sông.

-Mùa thi năm 70 ở Biên Hòa, tôi chịu ông một món nợ. Tôi là người phân minh, trắng ra trắng, đen ra đen. Oán phải trả, nhưng ân không thể không đền…

Mùa thi năm 70 ở Biên Hòa? Không, tôi không nhớ gì. Đối với tôi, mùa thi đáng nhớ là mùa thi ở Nha Trang, nơi tôi gặp Quỳnh. Và mối tình chúng tôi bây giờ đang là mối bận tâm lớn nhất đời tôi. Tôi nhìn hắn. Tôi chờ đợi một lời giải thích thêm. Nhưng hắn vẫn lặng thinh.

Một lúc sau, hắn đột ngột cất tiếng.

-Ông không nhớ, đó là quyền của ông, nhưng người chịu ơn ông là tôi, tôi có bổn phận không được quên!

Kỳ 64

Hắn đã dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

“Ông Thăng, Mùa Hè 70 ở Biên hòa, người thí sinh làm bài thi với một quả lựu đạn trên bàn là tôi…”

“A! Trời ơi! Thiệt sao?” Tôi kêu lên. Mùa thi. Một thí sinh. Một quả lựu đạn. Tôi nhớ ra rồi. “Phước! Có phải Ngô Văn Phước không?”

“Như vậy là ông có nhớ tôi. Ông Thăng. Cám ơn ông! Phải, tôi là Ngô Văn Phước đây! Ông đã cứu tôi trận đó!”

Trận đó là một mùa thi. Vào giờ cuối của buổi chiều, ngày chót kỳ thi Tú tài hai, người ta đưa lên phòng Hội Đồng Giám Thị biên bản đánh trượt và cấm thi ba năm thí sinh Ngô Văn Phước. Lý do làm bài với một quả lựu đạn đặt trên bàn. Quả lựu đạn đã bị Quân Cảnh tịch thu vì Phước là một quân nhân. Phần chế tài Phước bên quân đội tùy thuộc vào biên bản của Hội Đồng Thi. Trong khi tôi đọc biên bản chờ các đồng nghiệp buộc gói bài thi, thì có tiếng gõ cửa. Một người lính trẻ cao lớn ăn mặc gọn hàng bước vào. Anh chào tôi trong tư thế nghiêm và hỏi:

“Tôi muốn được nói chuyện với ông Chủ tịch Hội đồng Giám thị.”

Các đồng nghiệp ngừng tay hết nhìn người lính rồi lại nhìn tôi. Tất cả đều như đông lại.

“Tôi tên Ngô Văn Phước, người làm bài thi với một quả lựu đạn!” Anh tiếp.

Nói xong, anh bước thẳng đến chỗ bàn tôi:

“Tôi có thể trình bày lý do tại sao tôi phải làm bài với một quả lựu đạn không, thưa ông Chủ tịch?”

Tôi hoàn toàn bị động ngay từ khi Phước bước vào.

“Tôi nghĩ biên bản mà ông Giám thị lập tại phòng thi lúc nãy cần phải có chữ ký của tôi.”

Tôi cúi xuống tờ giấy. Quả thật là chưa có chữ ký của Phước. Một bạn đồng nghiệp đến sau lưng tôi nói qua vai rất khẽ:

“Thí sinh phạm lỗi không chịu ký, chớ không phải thiếu chữ ký.”

Tuy ông ta nói nhỏ, nhưng Phước đã nghe và phản ứng ngay:

“Đúng, tôi không chịu ký vì biên bản không ghi rõ sự thật về trường hợp quả lựu đạn trên bàn tôi. Thứ nhất quả lựu đạn ấy không đi kèm với việc gian lận bài thi. Tôi đã làm xong bài trước khi đặt quả lựu đạn lên bàn. Thứ hai ông giám thị này, Phước chỉ vào mặt người vừa nói, suốt mấy buổi thi liền luôn luôn lăng xăng chạy qua chạy lại gần như có mặt thường trực ở phòng thi tôi. Người cần làm biên bản là ông đó. Người gian lận chính là ông đó, vì ông gạ bài và đưa bài giải sẵn cho thí sinh Nguyễn Công Phương ngồi bàn phía sau tôi và cứ án ngang chỗ tôi, khiến tôi khó khăn trong khi làm bài. Tôi đã nhiều lần nhắc ông ta, nhưng ông ta không nghe. Tôi muốn hỏi các ông ở đây, người giám thị có quyền bám riết một phòng trong suốt các buổi thi không? Và ông này, Phước lại chỉ vào mặt người lúc nãy, xin ông công khai cho biết ông bán bằng cấp Tú tài cho Nguyễn Công Phương với giá là bao nhiêu?”

Tôi hiểu tôi phải làm gì trong trường hợp đó. Tôi đã giải tỏa Phước ra khỏi cái biên bản quái đản kia, nhưng thất bại trong việc chứng minh sự bất chính của người giám thị. Tôi không ngờ người giám thị ấy có gốc rễ lớn. Đụng vào anh ta, tôi đã chịu vào một ổ kiến lửa. Nhưng tôi cần gì. Ngạch trật không phải là cứu cánh của tôi. Đó là thời gian tôi hiểu câu nói “Tuyệt đỉnh của sự công bằng, chính lả tuyệt đỉnh của sự bất công” theo một nghĩa khác, tiêu cực nhất và xấu xí nhất.

Sự công bằng của tôi sẽ phải trả một giá đắt nếu không có sự can thiệp của ông Lý. Giờ đây khi Phước nhắc tôi điều đó, tôi chợt nhớ tới những lần khác mà ông Lý cũng đã phải đứng ra can thiệp cho tôi. Sức mạnh của ông Lý trong khi che chở cho tôi, tuy vậy cũng ít tàn bạo hơn là ông chuyển nó sang thành hình phạt đè ập lên đời tôi. Buồn cười thay, sống trong sự ngay thẳng đôi khi cũng đồng nghĩa với làm một điều tội lỗi.

Kỳ 65

Phước đưa tay lên xem đồng hồ.

“Sắp tới giờ giới nghiêm rồi! Nhưng ông đừng lo. Tôi có giấy đi trong giờ thiết quân luật. Tôi sẽ đưa ông về nhà an toàn. Món nợ mà tôi mắc của ông từ xưa, tôi luôn luôn tự hứa có ngày sẽ trả. Ngày ấy đã đến. Tôi đang đền. Xin lỗi ông Thăng, nếu từ nãy đến giờ tôi có làm điều gì khiến ông khó chịu, xin ông bỏ qua cho. Từ giờ tôi sẽ không gặp ông nữa. Nhưng khi nào ông cần tôi, tôi luôn luôn có mặt. Ngày mai tôi sẽ trả lại cho “người đàn bà ấy” số tiền “đặt cọc” mà tôi đã nhận. Có lẽ “bà ta” sẽ nhờ một người khác. Nhưng ông đừng lo. “Người khác” đó cũng sẽ không phải ai khác ngoài những anh em của bọn tôi.”

Phước gắn lên môi một điếu thuốc, bật lửa, mồi, thở khói. Và không lâu, vừa khi tiếng còi giới nghiêm hụ lên, anh ta nổ máy ngay và cho xe chạy hết tốc lực. Trong một thành phố vắng bóng người, Phước cho xe chạy như một người bị ma đuổi.

Ở những khúc quanh, Phước vẫn giữ tốc độ cao khi bẻ tay lái. Tiếng bánh xe nghiến suốt mặt đường làm tôi nhói tim. Tôi ngó nghiêng khuôn mặt anh ta. Lầm lì. Lạnh lùng. Khuôn mặt ấy rất giống Charlton Heston trong cuốn phim Le Survivant mà tôi vừa xem tuần rồi ở rạp Rex.

Thả tôi xuống trước cổng nhà ông Phan, Phước nói:

“Chiếc Lambretta của ông sẽ có ngay tại chỗ này vào sáng mai. Chào ông. Chúc ông ngủ ngon!”

Tôi nhìn đám khói bay mù sau xe của Phước. Đêm Sài gòn sau giờ giới nghiêm giống như một rạp hát đã vãn. Tôi đặt ngón tay cái lên cái bấm chuông điện nằm sau trụ cổng. Và chờ đợi.

Người ra mở cửa cho tôi là Uyên.

“Chúa ơi!”

Cô kêu lên, giọng thảng thốt. “Sao anh về trễ thế? Me lo cho anh quá! Có chuyện gì không anh?”

Tôi không muốn trả lời Uyên, lặng lẽ theo cô vào nhà. Cuộc gặp gỡ với Ngô Văn Phước vừa qua vẫn còn nóng hổi trong trí nhớ tôi, và tôi có cảm giác như hình ảnh ấy sẽ còn lâu mới mờ nhạt trong tôi. Dù sao sự im lặng của tôi đã làm Uyên cụt hứng. Cô đi bên tôi bằng những bước ngập ngừng. Vì vậy, khi đến trước cửa phòng mình, tôi phá tan sự đông đặc.

“Cám ơn Uyên!”

“Không có chi!” Uyên đáp lạnh lùng rồi quầy quả bỏ đi.

Tôi đứng yên đó, cô đơn trước căn phòng mình. Tôi có nên vào không? Câu chuyện của Phước hình như mỗi lúc một làm tôi ghê rợn hơn. Sao lại có thể có một người đàn bà loại ấy trên cõi đời này? Chị ta muốn gì nơi tôi. Chúng tôi đồng ý chia tay và phần tôi, tôi đã thuận tình để cho chị ta tất cả những gì chị ta đòi hỏi. Nhưng tất cả những gì chị ta làm, đang và sẽ làm, phải chăng chỉ là chị ta muốn thực hiện câu ca dao:

Bậu ra cho khỏi tay ta

Cái xương bậu nát, cái da bậu mềm.

Mà chị ta là cái thá gì mới được chớ? Một hiền thê của thời đại? Một phụ nữ có giáo dục? Một con người hay là một kẻ chỉ có khuôn mặt người? Nhưng thôi, tại sao tôi lại phải thắc mắc những điều vớ vẩn như vậy. Tôi đẩy cửa vào phòng, bật đèn, cởi giầy, để nguyên quần áo, ngã lên giường. Trần nhà lấp lánh những màu sắc của ảo tưởng. Trí tưởng tượng tôi không sao có đủ khả năng hình dung được một con người như thế. Ông Lý hay ông Phan? Một người say mê tiền bạc, một người đam mê quyền lực. Đối với họ, phương tiện nào cũng tốt, miễn là đạt được mục đích thì thôi. Nhưng còn người đàn bà kia, tiền bạc hay quyền lực? Cái gì đã làm cho chị ta trở nên ghê tởm như thế? Cái gì? Tôi trở mình, nằm sấp xuống. Ở chiếc bàn ngủ là mấy tờ nhật báo và một cuốn sách mỏng. Tôi cầm lên: Góp Nhặt Sỏi Đá của Thiền Sư Muju. Tôi hiểu Uyên đã mua sách này cho tôi. Mấy bữa trước có lần tôi nói với cô là tôi đang tìm cuốn sách của Muju. Uyên hỏi Muju là gì. Tôi nói đó là tên riêng của một người, cũng như cô là Uyên và tôi là Thăng vậy.

“Uyên không tin”, cô tiếp, “Chẳng hạn Thăng có nghĩa là lên, Uyên có nghĩa là vực sâu, và Muju cũng phải có nghĩa là gì chứ!”

“Thế thì thua cô. Đúng! Muju có nghĩa là Không Nơi Trú Ẩn.” Tôi cười. “Theo nghĩa đó, Thăng bây giờ không phải là lên, mà là đồng nghĩa với Muju.”

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a5006/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-63-64-65

Comments are closed.