Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 261): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (27)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 78, 79 & 80)

Kỳ 78

Tôi tin rằng dù “quyền” đã hết ông Phan vẫn còn “thế”. Tôi tin chắc rằng ông Phan có thừa khả năng để lấy cho tôi cái học bổng. Nhưng để làm chi? Tôi choàng tay qua vai Uyên.

“Thôi mình vào đi?” Tôi nhắc lại.

Uyên hơi do dự:

“Anh vào trước, Uyên muốn đứng lại đây!”

Đúng vào lúc tôi sắp quay lưng, thì có tiếng chuông cổng reo.

“Chị Quỳnh!” Uyên kêu lên.

Cô nắm tay tôi, lôi tôi xuống các bực cấp. Quỳnh đang đứng bên ngoài cổng nói chuyện với người lính gác.

“Chị Quỷnh! Xin mời chị!”

“Xin lỗi chị Uyên, tôi đến trễ quá!”

“Không, không trễ lắm! Mời chị đi lối này!”

Khi người lính kéo chốt cửa mở rộng cánh cổng, Uyên nắm tay Quỳnh đi băng qua thảm cỏ. Quỳnh quay sang nói nhỏ.

“Em có món quà tặng Uyên.”

Ở phòng khách mọi người đang trò chuyện rôm rả. Dàn nhạc sống với Cathy Hồng đang chơi một điệu “soul” rất thịnh hành. Rượu champagne đã được rót. Mỗi người một ly trên tay. Khi thấy chúng tôi vào, cả đám ồ lên.

“Uyên! Uyên! Uyên!”

Tiếng vỗ tay làm nhịp ầm ĩ và tiếng kêu tên Uyên từng chập.

“Nói đi! Nói đi! Nói đi!”

Cả đám tiếp tục vỗ tay và kêu Uyên tuyên bố lý do. Dàn nhạc im bặt. Cathy Hồng giơ cao tay:

“Xin im lặng! Xin im lặng!”

Cả đám quay về hướng Cathy.

“Thay mặt bạn bè, xin một lần nữa chúc mừng sinh nhật Uyên. Xin đốt nến, thổi nến và cắt bánh!”

Uyên rời chúng tôi bước lên bục gỗ. Tay cô cầm một ly rượu.

“Cám ơn! Xin cám ơn tất cả! Hôm nay Uyên mười chín tuổi. Các bạn hãy cạn ly cùng Uyên và chúc sức khỏe!”

“Chưa được! Chưa được! Chưa được!”

Cả đám lại vỗ tay đập nhịp la hét.

“Tại sao?” Uyên hỏi.

“Nến! Nến! Nến!”

Cả đám reo lên cho Uyên biết chưa đốt nến.

“Có ngay!” Uyên nói. Xong cô bước xuống đến bên chiếc bàn giữa phòng. Quỳnh đưa quà sinh nhật của mình cho Uyên.

“Chị Uyên hãy mở ra và đốt ngay. Nến mười chín tuổi đó!”

Và quay sang tôi Quỳnh tiếp.

“Anh Thăng tắt đèn hộ Quỳnh nhé!”

Cả phòng chìm trong bóng tối.

“Anh bật diêm giùm đi!”

“Chị Uyên đốt nhé!”

“Em sợ nổ lắm!”

“Không sao. Không nổ đâu!”

“Này. Diêm này!”

“Đầu này kia!” Quỳnh nhắc.

Tôi đánh một que diêm.

Một tiếng nổ lớn. Một ngọn lửa xanh lóe lên. Cả gian phòng vỡ ra những đốm sáng. Và phút chốc, mười chín đóa hoa nở bung giữa trần nhà. Ánh sáng kỳ ảo như một ngọn pháo bông.

Tiếng vỗ tay vang rền. Tôi mở công tắc điện. Gian phòng sáng rực chói chang đến khó chịu.

“Tắt! Tắt! Tắt!”

Cả đám vỗ tay đập nhịp phản đối. Chính Uyên đến tắt điện và bật một công tắc khác. Căn phòng chìm mờ trong một thứ ánh sáng tím. Màu trắng của quần áo bị ánh sáng vật lý chiếu ngược một thứ màu sắc lạ lùng. Chiếc bàn giữa phòng được khiêng đặt vào sát vách dành cho sàn nhẩy. Và âm nhạc trỗi lên.

“Chủ nhân đâu? Chủ nhân đâu?” Nhiều tiếng kêu.

“Cái gì vậy?” Tôi hỏi Uyên.

“Chúng nó đòi Uyên khai mạc! Anh nhảy với Uyên nhé!”

“Tại sao không?”

Kỳ 79

Phòng đã chật ních người. Khi điệu “Soul” tiếp theo, tôi để Uyên nhảy với Tấn và đi xuống cuối phòng. Tôi thấy Quỳnh đang đứng bên bà Phan, hai người nói chuyện có vẻ tâm đầu ý hợp.

“Cháu có cô bạn gái xinh lắm! Cháu mời cô Quỳnh nhảy đi chứ? Tôi đi một vòng nhé!” Bà Phan nhắc tôi.

“Cám ơn bác!”

“Quỳnh uống gì?” Tôi hỏi.

“Anh cho em Sprite.”

“Lúc nào cũng Sprite há? Đổi gout một bữa coi ra sao?”

“Em là người thủy chung mà!”

“Không có tôi sao?”

“Anh thì có trời mà biết!”

Khi đã đưa thức uống cho Quỳnh, và đứng sát bên cô trong thứ ánh sáng mờ ảo, tôi thấy Quỳnh lặng im như một pho tượng. Mãi một chập lâu sau, Quỳnh hỏi tôi.

“Anh có thoải mái không?”

“Không!”

“Anh đã tìm kiếm được chưa?”

“Tìm kiếm cái gì?”

“Hạnh phúc!”

“Có hạnh phúc thật sao?”

“Có chứ. Hạnh phúc có thật!”

“Em đã gặp nó chưa?”

“Đã!”

“Theo em thì tôi đã gặp nó chưa?”

“Sao chưa! Anh đã gặp nhưng anh có nhìn thấy nó đâu!”

“Cái gì? Ở đâu?”

“Em. Ở đây.”

Em. Ở đây. Quỳnh nhắc cho tôi nhớ rằng tôi là người không bao giờ bằng lòng với cái hiện tại, cái trước mắt. Tôi phù phiếm. Tôi mơ mộng, hư vô. Tôi, con đà điểu ngu xuẩn. Em. Ở đây. Câu trả lời của Quỳnh như một gáo nước lạnh dội xuống đầu tôi đuổi tôi ra khỏi cơn mê.

“Hai người nói xấu gì Uyên đó?”

Uyên rời khỏi sàn nhảy, đến bên Quỳnh, và đặt tay lên vai tôi, hỏi Quỳnh:

“Sao chị Quỳnh không nhảy?”

“Em không thích!”

“Chị Quỳnh không bao giờ đi party à?”

“Thỉnh thoảng thôi, nhưng không thích.”

“Uyên lấy bánh cho chị nhé!”

“Cám ơn chị Uyên. Em đến mừng sinh nhật chị. Có lẽ em xin phép…”

“Chị Quỳnh! Còn sớm mà!”

“Mai em phải đi sớm. Vả lại hôm nay còn là bữa giới nghiêm cuối cùng.”

“Em cứ ở đây chơi với Uyên. Chốc nữa tôi đưa về. Đừng lo.”

“Cám ơn Thăng!” Uyên nói. “Hay là mình vào trong phòng đọc sách của bố đi. Uyên kể cho chị Quỳnh nghe chuyện này hay lắm.”

Đứng dưới bức tự họa của Van Gogh, Uyên bắt đầu.

“Chị Quỳnh. Trước hết, Uyên thành thực xin lỗi chị về những điều mà Uyên sẽ nói ra trong chút nữa đây. Uyên cũng xin lỗi anh Thăng bỏ qua cho Uyên nếu những điều Uyên nói có làm anh khó chịu. Nguyên do đơn giản thôi. Đó là vì Uyên yêu anh. Uyên tự hỏi không biết trên đời này còn có người nào yêu Thăng hơn là Uyên yêu Thăng không, nhưng Uyên biết chắc chắn một điều là Thăng đã không yêu Uyên bằng Uyên yêu Thăng…”

“Chị Uyên…”

Kỳ 80

Tôi nghe tiếng Quỳnh kêu lên. Nhưng Uyên đã đưa tay ngăn lại:

-Không. Chị Quỳnh cho phép Uyên nói tiếp. Bởi vì Uyên sợ là nếu Uyên ngưng lại thì Uyên sẽ không bao giờ đủ can đảm để nói nữa. Uyên biết anh Thăng đã có gia đình. Uyên cũng đã nghe người ta nói những điều không mấy tốt đẹp về anh ấy. Quả thật anh ấy có nhiều cái xấu. Hơi nhiều là khác. Nếu nhìn lên anh ấy chả bằng ai. Giáo sư! Cái ‘tít’ ấy đối với nhiều người, nó chỉ ngang với một thứ cấp úy trong quân đội. Nó cũng không bằng một thứ thương gia hạng xoàng. Nhưng đối với Uyên, tuy anh ấy là người có một cuộc sống rất khác với cách suy nghĩ của Uyên. Uyên rất thích có anh ấy. Trong một xã hội mà người nào không sống theo đám đông, người ấy sẽ bị lên án. Uyên không dám sống khác cái đám đông ấy, nhưng Uyên tin cậy anh Thăng. Mặc dù không chấp nhận cái tính bơ bơ không thực tế của anh, Uyên vẫn nghĩ rằng tính tình của anh lôi cuốn Uyên. Người ta nói tình yêu sẽ cải biến những thói xấu nhất trở nên tốt hơn. Uyên tin điều đó. Nhưng me đã nhận ra tình yêu của Uyên. Đối với me, chỉ yêu một người có một đời vợ đã là điều không thể chấp nhận được nói gì làm vợ người ấy. Khi Uyên nói với me là ‘định mệnh khắc nghiệt’ đã đến với tình yêu của mình thì me trả lời là ta nên cám ơn thứ định mệnh khắc nghiệt ấy, bởi sự chia ly trong đau đớn sẽ làm cho tình yêu đẹp đẽ hơn. Chính sự chia ly giúp ta tránh được thảm kịch thực sự của tình yêu…

Tôi thả điếu thuốc hút dở xuống nền gạch hoa, dí mũi giầy lên đầu đóm thuốc.

-Em không hiểu chị Uyên muốn nói gì? Quỳnh nói.

-Rồi chị Quỳnh sẽ hiểu. Yêu nhau mà không lấy nhau được đến nỗi phải chia tay, hoặc phải đi tìm cái chết… tình yêu ấy vẫn tồn tại. Thảm kịch của tình yêu chính là người này dửng dưng dưới mắt người kia trong khi vẫn sống bên nhau.

Tôi nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Anh, ông Somerset Maugham, mà có lần tôi đã thấy trên kệ sách trong phòng này. Tôi hiểu ý bà Phan muốn nói gì với con gái rượu của bà.

Một lát, tôi nghe tiếng Quỳnh thở dài.

-Chị Uyên, em vẫn không hiểu chị muốn nói gì?

Tôi thấy Quỳnh đứng dậy, hai tay cô chống lên bàn giấy ông Phan.

-Em không tin là chị Uyên yêu anh Thăng. Chị là người được chiều chuộng quá mức. Chị có nhiều tham vọng. Chị muốn làm chủ sở hữu những gì chị ưa thích. Chị chỉ muốn có anh Thăng. Chị đâu có yêu anh ấy. Chị thích nhận hơn là cho…

-Chị Quỳnh! Uyên kêu lên.

-Xin chị Uyên cho Quỳnh nói. Em rất phục tài ăn nói của chị. Chị có quá nhiều điều mà em không có. Chị có một gia đình quyền thế, có một người mẹ rất hiểu biết, chăm sóc và lo lắng cho tương lai của con. Chị có quá nhiều lý trí để nói đến cái gọi là tình yêu. Đối với em tình yêu có nghĩa là kết hợp, là chia sẻ, là dâng hiến, là cho… Thảm kịch của tình yêu chính là vì tình yêu thiếu những điều đó…

-Chị Quỳnh. Chị đã hiểu lầm em. Những gì em nói chỉ là muốn giúp chị thôi!

-Cám ơn chị. Chị muốn giúp Quỳnh điều gì vậy?

-Uyên muốn nói khi mình gặp một người mà mình nghĩ là mình có thể yêu, hãy yêu. Nhưng tốt nhất là đừng nên nghĩ đến việc sống chung với người đó. Theo Uyên, mình chỉ nên là tình nhân của người mình yêu, còn nếu phải lấy chồng thì mình nên lấy người yêu mình.

-Tại sao?

-Bởi vì nếu mình lấy người đàn ông yêu mình, mình sẽ tránh được nhiều điều phiền phức, ít ra là mình sẽ không khổ, nếu họ lăng nhăng, vì mình đâu có yêu họ. Nhưng Uyên tin là họ chả bao giờ dám lăng nhăng chạy theo những bóng hồng khác đâu. Bởi vì khi họ yêu mình, họ sẽ tránh những gì làm phiền lòng mình. Chị Quỳnh nghĩ sao?

-Em càng thán phục sự tính toán của chị!

-Cám ơn lời khen của chị. Thật ra Uyên chỉ nói lại những gì me Uyên nói. Uyên không thể sống nếu thiếu me…

-Chị thật là một người hạnh phúc! Một hạnh phúc hoàn hảo!

Và Quỳnh quay sang tôi:

-Anh Thăng! Em muốn về!

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a5081/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-78-79-80

Comments are closed.