Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 265): Bể Dâu – Nam Dao (2)

Mùa rừng động (2)

Chia tay Ánh trong nỗi hững hụt sâu tựa một vực thẳm không biết đâu là đáy, Nhân lầm lũi xuống thang, không dám ngoái nhìn. Chàng nghe tiếng cửa đàng sau khép như khép lại cả một thời thanh xuân chàng vừa đánh mất. Nhân già hẳn đi khi ra đến con lộ. Về khách sạn, Nhân đi thẳng lên phòng, để nguyên quần áo nằm vật xuống giường. Chàng cố nhắm mắt quên đi, quên hết, cuộc chiến này với những oái oăm oan trái, những Ánh, những Thuyết, những người tưởng là bạn, những kẻ tưởng là thù. Lục balô lấy tuýp thuốc ngủ, Nhân bỏ hai viên vào miệng, chiêu một ngụm nước.

Cơn mê mụ từ từ xâm chiếm, đẩy đi xa lắc những âm thanh từ phố xá vẫn còn xe, còn người ồn ào trên bờ sông. Nhân thiếp đi. Không biết bao lâu sau, Nhân thấy Ánh đứng trên dốc núi Tam Thai, mái tóc bay ngược chiều gió thổi. Đến gần, Nhân gọi. Ánh quay người đi thẳng. Nhân đuổi, chân đạp vào hư vô, người rơi như một cục đá vào khoảng không với vận tốc chóng mặt. Như lần đầu chàng tập nhẩy. Viên Thượng sĩ huấn luyện viên quát, Đi! Gió thốc, trời trước mắt bao la, dưới chân trống hun hút. Nhẩy! Nhân tê liệt, cái sợ đóng cứng chàng vào khung cửa máy bay, tay bải hoải không còn một chút ý lực. Này, đi này… Viên Thượng sĩ co chân đạp. Người Nhân bốc bổng lên, và cứ thế, chao đảo. Gió quất vào mặt, thốc vào mũi. Trong một tích tắc, chàng tỉnh táo, tay đặt lên nút mở an toàn phụ. Co hai chân định hướng rơi, Nhân kinh hoảng ngước nhìn, thấy cái dù chính không mở, duỗi ra thành hình một thanh kiếm chọc thẳng xuống đất. Chắc chết! Nhân nhủ thầm, tay đập vào nút mở dù phụ. Dù phụ cũng không mở! Gió thốc chiếc nón đỏ lên trời. Nhưng lát sau vận tốc chàng rơi chừng như chậm lại. Phép lạ? Nhân không tin, mở tròn hai mắt, thấy thân thể mình đung đưa như lá cây tìm cội. Lấy lại thăng bằng, chàng đặt chân xuống một mỏm đá cheo leo, chung quanh là những dòng nham thạch sền sệt lấp loé lửa, lẫn lộn tro than, lừ đừ trôi trong màn khói âm u dày đặc. Ánh ơi, Nhân thét gọi, lúc một cấp bách, không biết đến bao nhiêu lần. Đáp lại là tiếng vang rền của những vách đá vây quanh miệng núi lửa đang gầm gừ há ra nuốt chửng thế gian. Bất chợt, ai đó thì thào, cứu lấy Ánh. Nhân nhìn lại. Một khuôn mặt đang bốc cháy nhăn nhó cười. Nhân thét, Thuyết đấy à? Tiếng thì thào nay lúc một lớn, cất lên thúc giục, về đi, về đi! Tránh cho xa cái trận chiến ngu độn này! Về an bình và cứu lấy Ánh! Nhân hét, còn Thuyết, nhảy núi làm gì, hả! Thuyết lắc đầu, mùi thịt người cháy khét lẹt. Thuyết cũng về đi, Ánh đợi, và bé Quỳnh cần có cha! Thuyết lắc đầu, miệng đỏ lè, thở hắt ra, kêu muộn mất rồi. Không, chưa muộn. Chúng ta có thể bắt đầu ngày mai bằng sự sống. Thuyết vẫn lắc đầu, mặt tiếp tục bốc cháy, nay còn một nửa mang hình dạng con người. Sau một tiếng nổ kinh thiên động địa, từ miệng núi lửa ộc ra hằng hà sa số những phiến đá đỏ hỏn văng cao, nhún nhảy bay lượn, trong tiếng cười ằng ặc của một ai đó vô hình đang đùa với lũ người bé tí trên mặt đất tang thương khốn khổ.

Nhân choàng dậy, tiếng nổ vẫn còn choáng tai, lảo đảo đứng lên. Từ cửa sổ căn phòng, Nhân nhìn ra bờ sông cuối tầm mắt, thèm ra đường, hít thở và nói một hai câu, bằng tiếng người, với bất cứ ai. Vẫy xích lô, tay chỉ về phía sông Hương, Nhân lơ lửng trôi theo con lộ lặng lờ trong một đêm hè oi bức. Ghé mua một Johny Walker cổ đen, Nhân hỏi, tìm cho mình một chỗ ngủ đò. Ông xích lô chừng đã tuổi tác, gật, cắm cúi đạp không nói thêm một tiếng. Trên bờ, con nhỏ cỡ mười sáu mười bảy ưỡn ẹo nhìn. Nhân chán chường xuống khoang. Nè o, sang sông đi. Sang sông thì phải lụy đò, ta biết. Con nhỏ hấp háy cười, cong người xuống tay đẩy chèo. Xoáy nước lao chao, Huế xa xa dập dềnh. Đò đến giữa dòng, xuôi về phía Thiên Mụ, chèo vào gần bờ neo lại. Nhân hả miệng, tợp một ngụm, miệng cay sè. Nè, hò Huế nghe. Con nhỏ lắc đầu, kêu không biết hò. Nó lại hấp háy cười. Cầm chiếc nón của Thiên Thần mũ đỏ, nó đội lên đầu, lắc lư, tay chìa ra xin điếu thuốc Ruby Nhân đang hút dở. Nó ỏn ẻn, một trăm phần trăm đi anh ơi, đời lính mà. Rồi nó cởi áo, cởi quần Nhân, nói tiếp, ngoài nớ đánh hung lắm. Quê em ở Nhan Biều. Dân làng chết, chết hết rồi, nước sông Thạch Hãn nhuộm đỏ chân thành Quảng Trị. Nó lại hấp háy cười, răng sún, tay đưa lên che miệng.

Bỗng tiếng súng đì đùng. Một tràng liên thanh cất lên như một cơn ho khan. Con nhỏ kêu, chắc bắn nhau ở Cồn Hến. Nó tuột quần, giục, đi mau rồi về, anh Cộng Hoà! Nói xong, nó dạng chân, tay kéo. Nhân thở dài, gạt tay nó ra, ngồi lên nhìn ra sông. Nó trườn người áp ngực vào lưng Nhân, khúc khích, sợ hỉ, đàn ông chi mà vậy.

Đàn ông chi mà vậy.

Nhân điếng người. Từng chữ một, câu này là câu Nhân đã nghe một lần năm Nhân mười hai tuổi. Năm trước đấy, mẹ dỗ Nhân, hai mẹ con mình về nhà chú Hoàng ở Sài Gòn, vui lắm. Và từ rầy, con gọi chú là dượng. Con sắp lên trung học, mẹ con mình ở Hố Nai, đi học xa quá, con ạ! Ít lâu sau, mẹ chửa. Cuối năm, mẹ sinh em Lương. Dượng vui ra mặt, chiều chuộng cả nhà. Mẹ cũng thay đổi, hay cười chứ không như thuở xưa thỉnh thoảng cứ ngồi khóc một mình. Những khi ấy, Nhân hỏi mẹ, mẹ bảo nhớ cha và em Dân còn ở ngoài Bắc. Tại sao thế hả mẹ? Mẹ ôm Nhân, thì thầm, ý Chúa con ạ! Con cầu nguyện, xin thì Chúa sẽ để con gặp lại cha, lại Dân.

Ngày thôi nôi em Lương là ngày bắt đầu một thảm kịch. Đêm hôm ấy, trái với thói thường, mẹ lớn tiếng. Mẹ khóc. Dượng thì thào, dỗ dành to nhỏ. Nằm trên gác xép trong căn nhà hẹp, Nhân lắng tai. Thình lình, Nhân nghe mẹ thét lên:

– À thì ra thế đấy! Đàn ông chi mà vậy…

Tiếng mẹ bao nhiêu năm nay sao vẫn cứ thế vang vọng. Nhân ứa nước mắt thương thân. Ô hay! Ta đã làm chi đời ta? Yêu, không dám. Người ta yêu tỏ tình, quay mặt dối mình giả không yêu. Khi biết là yêu, thì ta đã mang mạng mình cống hiến cho một cuộc chiến đẫm máu. Than, thôi quá muộn, rồi buột miệng giá mà thế nọ thế kia, bám vào những giả định không thực tại để cố xác minh cho một cái gì ngu xuẩn. Như ưỡn ngực ra chốn lửa đạn, huênh hoang gọi là tinh thần trách nhiệm. Nhưng phải chăng đó chỉ là cách ta chạy trốn chính ta. Và cuối cùng, sống, ta không sống. Chết, ta chẳng chết. Ta, loài oan hồn, tuổi trẻ là ngày tháng hoang vu không nơi ở chốn về?

Đàn ông chi mà vậy…

Con nhỏ cạ vú, thịt nưng nức, nóng hổi. Nhân quơ tay lấy chai rượu. Đúng, Nhân thầm nói, ta rất có thể hèn, phải mượn hơi rượu làm đàn ông đây. Và làm đàn ông, có phải là làm con thú dữ sổng chuồng trong một đêm dập dềnh trên sóng, có tiếng súng nổ khan vô vọng, và tiếng thở dài khuấy động trăng sao.

Comments are closed.