Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 266): Bể dâu – Nam Dao (3)

MÙA RỪNG ĐỘNG (3)

CÁNH BƯỚM ĐEN

Giạt đến Duy Xuyên thì Tiểu đoàn 74 bị lực lượng Địch cắt làm hai mảng, đại đội 27 không còn cách nào giữ được vị trí, chạy xuống phía Nam. Mặt trời ngả xuống núi rừng chập chùng những đám khói còn bốc lên sau trận đánh bom ác liệt suốt hai ngày hai đêm. Xa xa, giải Trường Giang vạch một đường lấp loáng như lưỡi lê tuốt vỏ đằng sau những đụn cát tròn lẳn nhô lên phập phồng. Tiếng súng vẫn lâu lâu vang lên, khi thì hàng tràng khô khốc, lúc lại hồng hộc những tiếng bộc phá phẫn nộ. Thình lình, pháo 155 ly từ núi Quế rơi xuống như mưa trên đầu. Tiếng la thét hoảng loạn của thịt da vỡ vụn không còn âm hưởng con người vang vang theo những cơn gió thổi về phía biển. Đại đội 27 lùi không lùi được, tiến cũng không tiến được. Biệt Động Quân từ phía Bình Lâm đổ xuống sau đám chiến xa M-41 đi mở đường. Phía Bắc, dưới đất lính Nam Hàn từ Duy Thành đánh thốc ra, trên trời một đàn trực thăng Cobra rập hỏa tiễn xuống. Ban chỉ huy Đại đội bị trúng pháo. Nay đơn vị nào lo cho đơn vị đó. Đại đội 27 vùng vẫy như đàn cá đòng đong mắc cạn vỡ ra tứ tán.

Tiểu đội 23 chạy bán sống bán chết băng quốc lộ 1. Một bên, lính Nam Hàn kẹp vào sườn. Bên kia, Biệt Động Quân khép vòng vây. Tiểu đội trưởng Phan Thượng Dân nhăn mặt kìm tiếng rên nơi cần cổ, tay đưa lên sờ vào đùi đẫm máu. Dân khát cháy họng. Bị thương từ xế trưa, máu Dân rỉ rả thấm qua lớp băng chảy dọc xuống ướt sũng ống quần, nhỏ thành giọt trên cát trắng. Nhìn đồng đội nép người dưới bờ đất, Dân xây xẩm, tay ghìm súng, thở hổn hển. Dòng sông dưới kia ánh lên trong tầm mắt. Dân suy tính. Từ chỗ nằm đến bờ sông, quãng hai trăm thước. Vượt sông ở phía đông quốc lộ, bên kia chắc là Bình Dương, nơi Tiểu đoàn 70 đóng chốt. Hai trăm thước ra sông có thể bị gài mìn. Cây cối thế này, phải trườn mình bò, bình thường mất độ trên dưới một tiếng đồng hồ. Đến được sông, phải bơi qua, mất thêm một tiếng là ít. Dân lại sờ chân, nghiến răng kéo chặt sợi dây buộc vòng quanh đùi để cầm máu.

Hàng, phải hàng. Ý định hàng loé lên như một ánh chớp.

Vẫy đồng đội, Dân thì thào:

– Các đồng chí đi đi, qua bên kia sông là chỗ ta chốt quân. Lựu đạn bỏ lại đây, tôi chặn hậu. Đi đi!

Cả tiểu đội nhốn nháo. Trường Sơn,người lính trẻ nhất bọn, hỏi:

– Anh không đi với bọn em?

– Tôi không biết bơi. Vả lại, chân bị đạn, đi theo thì anh em chậm lại. Thôi! Lệnh cho các đồng chí lên đường!

Đám bộ đội rục rịch rồi bắt đầu trườn đi. Tiếng súng đâu đây vẫn khục khặc nguyền rủa. Dân nhìn lên vòm trời thấp thoáng sao, gạt đống lựu đạn sang một bên, nằm ngửa người nhìn vào khoảng không trống ngắt. Thời gian co rút theo cách sắp đặt những biến cố. Thứ thời gian vật lý đồng bộ với cách xếp lớp lang từ sau đến trước không phải là thời gian của con người. Hiện tại cấu kết từ quá khứ và qua dự tưởng. Nhưng trí nhớ gạn lọc khiến lớp lang trở thành những điểm mốc thừa thãi.Và khả năng dự tưởng, khi tuyệt đối chính xác, biến tương lai thành hiện tại. Trò ảo thuật này, phi thượng đế, không ai bày ra để chơi được. Con người tham dự trò ảo này vừa như khán giả, vừa như diễn viên. Tất cả, trong một sân khấu không chỉ có ba chiều của không gian vật lý, mà còn đèo thêm chiều thứ tư, gồm cả hiện hữu, hồi tưởng và dự phóng. Tất cả quyện thành một tập hợp phức tạp. Nhưng thật buồn cười, thật ngô nghê. Như sắp tới, khi đối mặt với lính Cộng Hòa, Dân sẽ hàng, để toàn mạng. Lạy Chúa, đừng thằng nào ngứa tay bóp cò nhé. Tao sẽ khai tên mẹ tao đã di cư vào Nam từ năm 55, và cho địa chỉ một người quen ở họ đạo Hố Nai. Là hàng binh, chắc chắn mẹ sẽ nhận con là con của mẹ. Và nếu bị tù, thì cũng có ngày ra! Nhưng mẹ là ai? Trí nhớ Dân co rút nhưng chẳng gạn ra lấy được một hình ảnh nào. Thì mẹ, là bà ngoại trẻ đi hai mươi năm. Dân tưởng tượng ra bà đã nuôi nấng mình từ tấm bé, nhưng không cách nào khiến bà trẻ lại được. Đang mơ màng, Dân nghe tiếng động sau lưng. Ngoảnh lại, Trường Sơn ở đâu bò tới, thì thào:

– Em quay lại với anh, cùng quyết tử!

Nhìn Sơn, Dân cố kìm một cơn giận dữ. Anh lính trẻ vừa hai mươi, đang học Thủy Lợi thì có lệnh nhập ngũ. Vào chiến trường được đâu hai tháng, trận này với Sơn là trận đầu. Có nghĩa là Sơn chưa thật sự biết sợ. Và chưa hiểu ra chiến tranh không phải là trò bịt mắt bắt dê thời thơ ấu. Sơn vỗ vai Dân, giọng ngây thơ:

– Có anh có em, chặn chúng lại! Ta quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!

Dân bật cười. Sơn được thể, tiếp:

– …anh nhé!

Thò tay rút con dao găm nhét bụng, Dân thình lình dí mũi vào cổ Sơn, quát khẽ:

– Mày trái lệnh, ông đâm bỏ mẹ. Đéo quyết tử quyết sinh ở đây, cút mau cho khuất mắt ông!

Tay đẩy ngực Trường Sơn, mắt Dân quắc lên. Sơn còn lớ ngớ, Dân tống cho một đạp nhào ngược lại, gằn ‘‘Cút ngay!’’.

Trường Sơn ngạc nhiên, mắt rơm rớm, lủi vào bóng tối. Đợi một lát, Dân lại thở dốc, nằm vật xuống. Không biết bao lâu sau, Dân mới mở mắt ra. Vòm sao lúc một sáng, xoay vòng vòng, bắt đầu chầm chậm, sau xoay nhanh dần, rồi nhanh đến độ chóng mặt. Dân nhắm mắt, nhưng vòm sao vẫn bắn toé lên tựa pháo sáng, rớt xuống thành những vệt lửa ngoằn ngoèo trong không trung. Buột miệng, Dân kêu, bà, bà ơi! Tiếng nổ chói tai vang vang từng chặp. Phản ứng tự động, Dân rúc đầu vào đụn cát, loáng thoáng thấy vết rằn ri quần áo lính địch. Dân cảm thấy mình bay lên, nhẹ hẫng, và lướt đi trên cát trắng.Từ chút ý thức sót lại, Dân thầm nhủ, khi nói được Dân sẽ nói, tôi xin hàng. Nếu là lính Mỹ, Dân đưa hai tay lên đầu, kêu han-zớp[1].

*

Tay lần lên mép chiếc chõng tre, Dân có cảm giác đang nắm bắt dần dần một thực tại đã vụt mất không biết từ lúc nào. Ánh sáng mông lung hắt qua mảnh liếp toả xuống những vạch chéo đan vào nhau. Dân lắng tai, xung quanh chỉ có tiếng gió rì rào. Cựa mình, Dân đau nhói người, buột miệng rên lên. Mở mắt nhìn, Dân ngạc nhiên. Đây là một căn hầm chữ A, thứ hầm chống bom chống pháo.Vậy, mắt mình đêm qua thấy quần áo rằn ri là mơ hay thật? Mình bị bắt, thì không thể ở trong một căn hầm như căn hầm này! Chân trái nhưng nhức co rút, vẫn đúng là vết thương do đạn M-16 lia vào. Dân chép miệng, đau nhưng ít nhất mình cũng còn sống. Tiếng kéo liếp sột soạt. Ánh sáng òa vào. Dân nhắm mắt vì chói nhưng cố hé nhìn. Một người đàn bà bước đến gần, cúi xuống. Chiếc khăn rằn thả rơi trên vai. Thôi, ta rồi. Khỏi phải han-zớp xin hàng. Dân thở dài, thều thào văng tục. Tình thế này có nghĩa là lại như mọi người, trị thương xong mà còn khả năng thì tiếp tục phục vụ chiến trường.

– A, anh tỉnh rồi! Người đàn bà ríu rít tiếng chim, giọng quê miệt Thái Bình.

Kéo tấm chăn đắp ngang người Dân, người đàn bà xem xét vết thương, miệng nói:

– Em là Mẫn, y sĩ. Đồng chí bị đạn, nhưng đã gắp ra và băng bó lại rồi. Khổ cái là mất máu nhiều nên bất tỉnh. May mà dân quân họ mang về kịp. Chỉ chậm vài giờ thì chắc nguy!

Dân xin nước. Uống xong một ngụm, Dân hỏi mới biết đây là thôn Bàu Bính, xã Bình Dương, điểm chốt của lực lượng cách mạng nằm giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Bàu Bính rộng đúng một cây số vuông, nằm kẹp giữa sông Trường Giang và biển, dân thôn cố trụ lại trên những trảng cát trắng xoá thấp thoáng giữa những hàng phi lao cong mình uốn gió. Họ bất chấp những trận mưa bom B52, mưa pháo từ hạm đội Mỹ, bảo nhau ‘‘một tấc không đi, một ly không rời’’, chống lại chính sách dồn dân của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhằm cô lập lực lượng cách mạng. Bàu Bính trồng trọt được là nhờ đất thổ. Đất nằm dưới mặt cát đào sâu xuống từ dăm ba đến năm bảy thước, màu đen sẫm, có thể trồng mè, đậu phọng, và khoai nếu đủ nước tưới. Đặc biệt là khoai, trồng thành vồng, lá to bằng bàn tay, tươi tốt xanh rói. Chốt lại Bàu Bính có Tiểu đoàn 70 cấp tỉnh, Đại đội 15 cấp huyện và lực lượng du kích. Lực lượng này thường khoảng năm, sáu mươi người, được trang bị nhẹ với AK và những khẩu M-16 địch vứt lại chiến trường khi rút chạy. Chính dăm ba anh du kích mặc giả quân phục Biệt Động Quân đã bốc Dân về thôn hai đêm trước, sau khi họ gặp tiểu đội của Dân vượt Trường Giang báo lại.

Đang chuyện trò với Mẫn, anh lính trẻ Trường Sơn cùng một cô bé độ mười sáu mười bẩy lách vào hầm. Sơn nhìn Dân, reo:

– Anh đã tỉnh! Phúc lắm đấy. Nhìn Mẫn, Sơn tiếp – chị Mẫn có tiếng là mát tay mà! Tí nữa, cả tiểu đội sẽ đến thăm anh…Anh em ai cũng biết ơn anh đã hy sinh chặn hậu cho mọi người. Thật là may mà anh về đây an toàn!

Dân cười mếu máo, nhớ lại cái đạp Sơn và dự định đầu hàng bất thành của mình. Bụng bảo dạ ơn với chẳng nghĩa, Dân gượng gạo hỏi:

– Các cậu an toàn cả chứ? Có ai đạp phải mìn không?

*

Cô bé tên Giang, là y tá phụ cho Mẫn, nói giọng Quảng khó nghe đến độ Mẫn phải ‘‘dịch’’ đi ‘‘dịch’’ lại. Họ bàn nhau về những loại thuốc Giang lên khu dồn dân ở Xuyên Tân để mua. Hiện nay thôn gần hết thuốc, chỉ còn một ít trụ sinh. Vả lại, nghe đâu bên địch rục rịch sửa soạn một trận càn quét, đang kéo hàng đoàn chiến xa từ Đà Nẵng vào.

Mẫn và Sơn chui từ hầm ra ngoài. Chỉ còn cô bé Giang ở lại tháo bông băng và rửa vết thương cho Dân. Giang dong dỏng cao, tóc bỏ xõa ngang vai, mặt rám hồng vì nắng gió, mắt lấp lánh như chực cười. Vừa lau, Giang vừa nói:

– Eng à! Vết thương mưng tấy, bây chừ khép miệng!

Dân lắc đầu. Cái viễn ảnh phải cưa chân dưới căn hầm này khiến Dân sởn gai ốc. Thầm nhủ nếu mình bị bắt thì chắc sẽ có thuốc men hẳn sẽ không thành người thương phế, Dân vung tay đấm vào không khí, mặt nhăn nhó vì đau đớn. Hai ngày sau, vết thương nhức nhối. Mẫn chép miệng, quả nó mưng mủ, và không có thuốc trụ sinh thì khó mà lành được. Dân nói với Mẫn:

– Tháo đầu đạn lấy thuốc súng rắc lên miệng vết thương rồi đốt. Bọn chúng tôi trên chiến trường vẫn xoay xở kiểu này!

– Đau lắm đấy…và chẳng chắc!

Dân cáu lên:

– Đau còn hơn phải cưa chân. Gọi lính cho tôi!

Sơn hấp tấp chạy vào lán, lẳng lặng lấy thuốc súng, mặt tái mét. Lấy dây thừng cột chặt Dân xuống giường, Giang tọng rẻ vào mồm để Dân không thể cắn vào lưỡi. Mẫn tiêm cho Dân mũi thuốc tê. Lát sau, mùi thịt cháy bốc lên khét lẹt. Người ngã bịch xuống ngất đi không phải là Dân mà là Sơn. Giang đỡ Sơn lên rồi dìu Sơn về hầm của tiểu đội, miệng xuýt xoa, eng nè, đừng sợ. Sơn lúng túng không biết nói gì. Đám lính thấy Sơn, ré lên cười trêu chọc làm Giang đỏ mặt chạy như đi trốn. Phần Sơn, Sơn chỉ nhớ mùi con gái hoi nồng lần đầu kề cận với mình, nhìn theo bóng dáng Giang, ngẩn ngơ như đi lạc.

*

Bàn tính với cán bộ chỉ đạo xã xong, Mẫn xếp đặt cho Giang đi Xuyên Tân mua thuốc. Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời mới lên đầu rặng dừa mọc ven biển, Giang lên đường. Khi đi, phải chọn lúc trời đủ nóng để sương bốc hơi xoá dấu chân, bảo đảm giữ bí mật đường ra lối vào cơ sở. Giữ quai nón trong gió sớm, Giang nhìn lên bầu trời xanh ngắt chẳng vẩn mây. Triền cát phía xa phơn phớt đỏ tươi dưới ánh dương đôn hậu nhóm lên sức sống đầu ngày. Tít tắp, một bóng người bất động. Đến gần, Giang nhận ra Trường Sơn.

– Eng đi mô! Giang ngạc nhiên.

Không thấy Sơn đáp, Giang hiểu ra, ghẹo:

– Chừ đón đường em hỉ?

Trường Sơn đỏ mặt, lúng túng. Cuối cùng đánh bạo, Sơn nói vội:

– Tôi ra để cám ơn o bữa qua…Và chúc o lên đường may mắn!

Giang cười, hàm răng trắng lên dưới ánh nắng mai. Nàng ngừng chân, đứng lại, chợt ngượng nghịu không biết nói gì. Sơn quay mặt, tay vặn vào nhau. Lát sau, nhìn những trảng cát nằm nghiêng về phía biển lấp lánh xa xa, Giang thốt lên, mơ hồ:

– Eng về đi! Mốt em trở lại mà!

Sơn vẫn đứng im, di chân trên mặt cát trắng xóa. Gần đó, một bờ thổ nhô lên chắn ngang tầm mắt. Không nói không rằng, Giang bước tới, rồi ngồi xuống. Sơn nghe Giang kêu nho nhỏ:

– Eng tới ngồi đây với em…

Chân quíu vào nhau, Sơn chậm rãi bước, rồi thình lình ngồi thụp xuống, hai tay vồ lấy bàn chân Giang, mặt úp vào để hôn. Sợ, nhưng Giang để yên. Ngoài khơi, tuần dương hạm duyên hải hụ còi vứt vào đất liền một tiếng doạ. Tiếng sóng ì ầm vỗ bờ, chu kỳ đều đặn lập đi lập lại, hẳn nhắc nhở một điều gì chưa thành ngôn ngữ loài người, nhưng mang mang âm ba huyền diệu khôn cùng của sự sống.

Bóng hai người quyện lấy nhau bên cạnh biển thình lình cuồng nộ.

*

Bàu Bính bị đánh bom B52.

Bom từng đợt. Mỗi đợt ba trái, rải dọc chiều bay từ biển vào. Phải sáu đợt, bom mới xới được một vạch suốt Bàu Bính, trái bom nọ cách trái kia năm mươi thước. Và độ sáu mươi đợt, bom đan thành một cái lưới phủ lên khắp thôn như thuyền chài bắt cá. Người bắt cá, bắt cá sống. Nhưng lưới bom bắt người là người phải chết. Chết cháy, da đen thui tựa những con cá hong khô. Chết vì sức ép, mắt lồi, mồm há hốc. Chết vì công phá, xương thịt tanh banh, xác thành những mảnh vụn bay vào đất, lẫn vào cát. Chết, thường là trường hợp loại bom chui sâu vào lòng đất rồi mới nổ. Hoặc bom rơi trúng ngay vào công sự hay hầm bí mật. Hầm sụp, chết tắc thở. Vì thế, như lũ kiến, người thôn Bàu Bính đào hầm thật sâu, có ngách ngang, ống thông hơi, lương khô, nước uống. Ở Quảng Đà, thôn Bàu Bính với những hàng dương cháy rụi khẳng khiu là nơi những con người vẫn trụ lại, như kiến chui vào lỗ khi những con diều hâu cánh kim khí xé dọc bầu trời ở một độ cao mắt không nhìn thấy ọe xuống đất đủ loại bom bay, bom bi, bom khoan, bom nổ chậm.

Mẫn dựa người Dân ngồi vào một cái ngách ngang sát ngay hông hầm phẫu thuật, mỉm cười:

– Cái Giang thế mà may, đi khỏi là Bàu Bính bị bom ngay!

Tay kéo cái nải đựng thuốc, Mẫn dặn:

– Anh nhớ khi thấy tức ngực thì há mồm, và lấy tay day hai bên thái dương lúc nhức đầu!

Mặc tiếng bom gầm lên từng chặp, Mẫn thản nhiên, xếp thuốc men vào một góc. Giữa hai lần bom nổ, Dân hỏi:

– Chị không sợ à?

Mẫn lắc đầu:

– Có sợ cũng chẳng thay đổi được gì? Vả lại, có số cả anh ạ! Lúc nào còn sống, ta cố mà tránh cái chết. Và nhất là đừng nghĩ tới nó.

Dân vuốt mặt. Cái chết, là điều lính nghĩ đến khi chiến trường yên tĩnh. Nó là hạt sạn giữa những giấc mơ ngắn ngủi. Mơ về một quê nhà xa lắc. Mơ về một người yêu, một cảnh đời tương lai, trong hòa bình, vì cuối cùng rồi hòa bình cũng phải đến. Dân xung phong tình nguyện đi B, hy vọng thoát khỏi cái cảnh đời cũ, cảnh đời một kẻ ngoài lề từ thuở thơ ấu, rồi thiếu niên và sau là khi trưởng thành. Khi học hết cấp 3, đi thủy lợi vét mương cào đất đào kênh mà không thấy bất cứ một lối thoát nào, Dân mới xin nhập ngũ. Tin rằng nếu toàn vẹn mà về sau cuộc chiến thì chí ít mình cũng ở trong một tập thể bộ đội mang hào quang những kẻ sống chết vì giữ nước, Dân sẽ gỡ ra được kiếp sống ngoài rìa. Dân nói với bà ngoại, bà cho cháu đi, chỉ ba năm là về, bà ở một mình nhưng làng ta cũng còn người nọ người kia. Có thế, cháu mới có hy vọng sau được đi học, rồi có công việc tử tế để mà phụng dưỡng bà. Bà khóc, nói dỗi, mày muốn làm gì thì làm. Nhưng Dân xin, Ủy Ban xã cứ lờ đi, ậm ừ bảo còn xét. Cuối cùng, bà giúi vào tay Dân một cái nhẫn vàng, bảo cứ đưa cho bà Bí Thư xã, may ra…Sau bao nhiêu đợi chờ, Dân được gọi nhập ngũ. Khi lên đường, bà đọc cho Dân địa chỉ một người ở họ đạo ở Hố Nai, bảo tìm dịp mà gặp mẹ. Nắm tay Dân, bà thút thít, phải kín miệng và chớ có chết dại, rồi vội quệt nước mắt khi có người lạ đến gần.

Bom cứ thế rơi, và những con người cứ thế chúi vào cát trắng, tai ù, mắt lóa, đến một lúc thì mất cả khả năng sợ, trơ lì ra thách thức. Xế trưa, tiếng bom thưa dần rồi im hẳn. Đâu đấy đã có tiếng người gọi nhau. Trường Sơn bước vào hầm, giọng vui vẻ:

– Gớm, nó bom thế này thì ghê hơn cả bom ở mặt trận! Anh ra mà xem!

Mẫn ngắt, giọng có chiều trách móc:

– Các anh đàn ông trên chiến trường chỉ có đánh nhau thôi. Chúng em phụ nữ ở đây lúc đánh cũng phải đánh, nhưng không đánh thì trăm việc, từ làm đường, gùi lương, thồ đạn cho đến canh tác để có cái ăn, rồi chống đồn, diệt Ngụy. Dân ở đây khổ nhất là chia hai bên, bên cách mạng có, bên Ngụy cũng có. Diệt Ngụy, thì gia đình nó trả thù, tìm cách giết lại! Cứ thế, từ đời cha đến đời con…

Tay dìu Dân lên bờ thổ, Trường Sơn ngoái lại, hồn nhiên đáp:

– Bộ đội chúng em khổ nhất là đói. Mỗi lần đói, chỉ có một thứ thịt em không nghĩ đến ăn là thịt người! Được canh tác có cái mà ăn như ở đây thì tuyệt vời đấy!

Dân nhướng mắt nhìn ra tứ phía. Giữa những trảng cát trắng ngút mắt lỗ chỗ những hố bom sâu hoắm, đường kính độ mười thước, đất ở dưới là đất thổ khói còn bốc lơ lửng, hăng hắc mùi lưu huỳnh. Mẫn lên theo, trầm giọng:

– Nhìn từ bờ thổ cao này, Bàu Bính tựa mặt trăng. Khi bom đánh đúng vào mạch nước ngầm, dân đỡ phải đào giếng. Còn đất thổ bom xới lên cho, là lại trồng khoai, trồng mè. Mẫn đưa tay che mắt, tiếp – trận này chưa thấy ai lại trạm thương, cũng lạ!

Mẫn chưa dứt lời, Trường Sơn trỏ tay. Ở hướng Xuyên Tân, một bóng người xiêu vẹo bò trên đụn cát nhô lên trong tầm mắt. Gió phần phật thốc cát tung lên. Một giải tóc đen xõa ra bay ngược lại. Bóng người gập xuống gãy đôi, tay giơ lên vẫy cầu cứu. Trường Sơn bỗng rú lên. Anh ta buông Dân, lao chạy về phía bóng người nhập nhòa trong ánh thủy tinh vỡ vụn trên mặt cát đầy thương tích.

*

Cõng về đến trạm phẫu, Giang thều thào, tay chỉ vào miệng rồi vào bụng. Không một ai hiểu được gì. Mẫn hỏi, nhưng vô phương. Giang mồ hôi nhễ nhại, tay chân giật lên từng chập, mắt trợn lòi lòng trắng ra ngoài. Mẫn cặp đo độ sốt lên đến bốn mươi độ, chích một mũi thuốc an thần. Giang bắt đầu lảm nhảm, nước bọt ứa ra trắng mép. Mẫn nhờ Trường Sơn dấp nước lạnh lên mặt, lên trán Giang. Thình lình, Giang chồm lên, người gập làm đôi, nôn thốc nôn tháo, tay bíu lấy tóc giật lấy giật để.

Đôi phút hiếm hoi tỉnh lại, Giang kể, Mẫn mới hiểu. Từ Xuyên Tân về với hai vốc thuốc đủ loại, Giang bị Biệt Động Quân bất ngờ chặn lại khám. Giang hoảng lên kêu, mấy chú cho con đi tiểu một cái! Sau lùm cây, Giang biết nếu lộ chuyện đi mua thuốc thì chỉ có chết. Một tên lính tiến lại, miệng thúc, lè lẹ đi bà nội… Cuống cuồng, Giang không có cách nào khác là nuốt cả hai vốc thuốc tây mới mua vào bụng. Sau khi bị khám, Giang làm bộ thong thả vô ngã ba ra Xuyên Tân rồi cắt đường đi xéo xuống cho nhanh. Nửa giờ sau, Giang thấy trong người bốc nóng, ở cổ, ngực, bụng. Ban đầu chỉ nóng ran ran, sau hực lên, lửa cháy khắp người. Giang chạy, sợ chết bỏ xác không ai hay. Có chết cũng phải chết ở Bàu Bính, Giang tự nhủ, và cứ thế nàng cắm đầu chạy trong một biển lửa. Cho đến khi có người gọi, ủa Giang, răng ri Giang? Nghe thấy, Giang ngã vật xuống. Mang Giang về trạm phẫu, nhưng bây giờ, chạy chữa thế nào? Mẫn xem lại danh sách, có đến gần ba mươi loại thuốc, cả thuốc gây mê, trụ sinh, diệt trùng. Mẫn quyết định rửa ruột cho Giang vẫn khi mê khi tỉnh, tay từng chập quơ lên cào mặt giật tóc mình. Rửa ruột, có ăn thua gì khi thuốc đã ngấm vào cơ thể. Thôi, thì đành uống thuốc mát, hạ hỏa và giảm những cơn điên. Mặt Giang méo xệch, tóc rụng sạch, miệng xưng vếu, chân răng ứa máu, lưỡi rộp lên đến uống nước cũng kêu buốt. Khi phát điên, Giang chạy đuổi trẻ nít, hò hát, cười khóc, gọi anh bộ đội của em ơi, chừ anh đi mô? Anh bộ đội nào? Có người hỏi. Giang kêu không biết, hét năm trăm, năm trăm đây! Năm trăm là năm trăm gam thuốc nổ trên mỗi trái thủ pháo, du kích gọi là trái năm trăm. Sơn không dám nhìn Giang, tay ôm mặt, mắt đỏ ngầu như cũng sắp phát điên. Niềm căm hận khiến Sơn không còn biết sợ, nay chỉ mong trút được oán thù lên bất cứ ai là những kẻ đã làm cho Giang thân tàn ma dại.

*

Qua những mẩu tin Giang nói và phối hợp với thông báo của tỉnh đội, ban bí thư xã đoán địch sẽ tấn công Bàu Bính một trận tầm cỡ qui mô. Nghe đâu chính tướng Hoàng Xuân Lãm sẽ đích thân nhổ cái gai Bàu Bính, loại gai lưỡi long mọc lẫn vào cỏ diệc trên cát. Hai ngày liền, máy bay L.19, HU1A, rồi OV.10 sà xuống quần thảo. Tiếp đó, là pháo. Pháo bắn thật dai, từ Cẩm Hà là pháo Đại Hàn, và từ Núi Quế là pháo Sư đoàn 2 chiến thuật. Rồi pháo từ hạm đội Mỹ trên biển, trái nào trái nấy to như bom tấn, nổ khoét từng cái ao, lỗ chỗ khắp nơi. Mờ sáng, du kích xô ra vị trí chiến đấu. Người trong thôn ai cũng có trách nhiệm, chia thành những mũi chặn địch, phối hợp với du kích, Đại đội 15 của huyện, và một bộ phận của Tiểu đoàn 70.

Địch đổ vào hai ngàn lính, gồm Sư đoàn 2 bộ binh, Tiểu đoàn 37 và 39 Biệt Động Quân, có xe tăng, phi cơ chiến đấu và pháo tuần dương hạm của Mỹ trợ chiến. Trận tấn công rất bài bản. Ba ngày đầu, pháo bắn chuẩn, bắn chuyển làn, xe tăng lên trước, bộ binh bám sau. Bị chặn, chúng lùi. Lại pháo, từ xa phá hệ phòng thủ. Cứ mỗi ngày, địch đánh năm, bảy đợt. Tiểu đội của Dân được phân công chiến đấu với du kích, chấn ngay mũi chặn mặt địch. Du kích Bàu Bính có một trung liên, một B-40, một cối 60 không đế với súng tay loại AK-47 và lựu đạn. Còn lại, mũi phải là Đại đội 15, mũi trái là Tiểu đoàn 70. Hai đơn vị này quân số đều không đủ, nhưng có thể dựa vào công sự chiến đấu và tuyến mìn bố phòng dày đặc xung quanh rìa thôn.

Ba ngày đầu, địch đánh thăm dò, chủ yếu là tấn công ban ngày. Ta chiến đấu đến tối rồi tiếp tục củng cố công sự, gài lại mìn. Ngày thứ nhất, du kích hạ một xe tăng. Đám người lớn trẻ con trong thôn bò theo xem, đứng dậy la hò hoan hô bất kể bom đạn. Họ bị đuổi nhưng nhất định không về, cứ mon men sát chiến tuyến. Giang trong số những người đó. Nàng vỗ tay, miệng la, năm trăm…năm trăm. Bọn nít rú cười, đồng loạt hò theo, năm trăm đây.

Đến ngày thứ tư, địch phát hiện mặt du kích chống giữ hỏa lực tương đối yếu, tập trung thúc bộ binh theo sau tăng M-48 tiến vào. Đạn đại liên M-60 rít lên vèo vèo xé gió đệm cho pháo 155 ly bùng bục ho khan. Chẳng biết hiểm nguy, Giang thình lình đứng lên múa may la năm trăm, năm trăm đây… Dân ngoái lại nhìn, thét nằm xuống. Trường Sơn nằm bên, kêu Giang ơi nằm xuống, giọng hốt hoảng. Nàng vẫn thẳng người, tay giơ lên trời, lững thững đi từng bước về phía một hàng xe tăng lùi lũi bò như cua, miệng vẫn tiếp tục, năm trăm, năm trăm đây. Đạn xé gió rít lên. Nhưng thật là lạ, Giang vẫn bước. Dân lại quát, nằm xuống. Cả đội du kích hò lên, Giang ơi, nằm xuống. Giang quay lại vẫy, miệng mỉm cười, vẫn cứ bước. Bất ngờ, Trường Sơn bật dậy chạy về phía Giang. Chỉ còn cách nàng ba thước, thân thể Trường Sơn nhấc bổng lên trời như bay. Giang quay lại nhìn, bất thần tỉnh lại, rú thảng thốt. Nàng bước lại ngồi phịch xuống cạnh xác Trường Sơn vừa rụng xuống mặt đất như một con chim trúng đạn. Đúng chỗ đó, bụi đất bỗng bốc tung tưởi trong vòm lửa đỏ lè hực lên sau một tiếng nổ kinh hồn.

Giang và Sơn chết không cần chôn, thân xác tơi tả ra trong một chớp mắt để trở về cát bụi.

*

Trụ đến ngày thứ mười lăm thì Bàu Bính kiệt lực. Mặt giữa, du kích còn bốn tay súng, ba đội viên tiểu đội Dân và hai cán bộ xã. Số thương binh là hai mươi mốt, còn lại tử vong cả. Mặt phải, đại đội 15 vỡ, bị đánh bật khỏi công sự. Mặt trái, Tiểu đoàn 70 bị thọc ngang sườn, rút về tuyến phòng thủ 2. Đầu trưa, lãnh đạo tỉnh gọi qua điện đài PCR.25 bàn kế hoạch rút quân tản dân. Thôn Bàu Bính còn khoảng sáu trăm người, nếu không tản đi được chắc thế nào cũng bị tàn sát. Lệnh quân khu cho phép rút lúc năm giờ ba mươi chiều.

Trong chu vi năm mươi cây số, Bàu Bính là điểm chốt duy nhất vùng Đông. Tứ bề, nhan nhản đồn bốt địch. Miệt núi phía Tây là nơi độc nhất có thể rút, nhưng cũng là nơi địch đóng quân dày đặc. Chính đơn vị Dân đã bị đánh chạy từ núi dạt xuống Bàu Bính. Bây giờ, phải chạy ngược lên, với đám đàn bà trẻ con nheo nhóc. Nhưng nay không còn chọn lựa, đành tìm một ngách sống giữa cái chết. Kế hoạch rút rất táo bạo: vượt Trường Giang ở Duy Nghĩa, qua Xuyên Tân men sông đi ngược mười cây số đến đường số 1 ở Hương An trước khi trời sáng. Giấu dân một ngày, đêm sau đi về thôn An Tráng, xã Bình Lâm. Qua sông, phải đi mò thuyền mò ghe nhận dưới lòng sông. Được ba ghe, bốn thuyền thúng. Ghe, chở được năm, bẩy người. Thuyền thúng, chỉ hai, ba. Người có sức, chặt thân chuối ôm bơi qua sông. Ghe và thuyền dành chở thương binh, người già và trẻ con. Chín giờ đêm, đi chuyến đầu. Đoạn sông này chỉ ba trăm mét, nhưng sao mà mênh mông, nhìn không thấy bờ bên kia. Một số người quyết định không vượt sông nhưng đi Hội An, sáng sớm gồng gánh lên chợ Nổi Rang tìm xe đò. Đến sáu giờ sáng, vẫn còn hai trăm người kẹt lại bờ bên này. Số qua đến Phú Diên bờ bên kia được ba trăm người.

Phải đến nửa đêm thứ hai, số dân kẹt lại mới qua hết sông. Địch lại bắn những chiếc đèn dù, chiếc này vừa tắt, chiếc kia đã bùng sáng, soi thứ ánh sáng nhợt nhạt ma quái lên giòng sông lặng lẽ. Pháo từ Tuần Dưỡng, pháo từ Hà Lam đuổi theo cầm nhịp suốt đêm. Mảnh pháo có loạt bay rào rào ngang đầu. Và đến sáng, phía sau địch truy đuổi. Phía trước địch thả quân bằng trực thăng chặn đường. Cuộc đuổi bắt ú tim kỳ lạ: một bên, ba trăm con người xác xơ, gồm người già, trẻ con, đàn bà và thương binh phải cáng. Họ len lỏi trong một vùng trắng dân, dày đặc căn cứ địch. Ngày thứ mười, hết sạch gạo. Rồi đau, ốm. Họ vật vờ như những bóng ma. Bên kia, những người truy đuổi với nào là xe tăng, nào là máy bay, không hiểu vì sao lại không thấy họ. Có người bảo, thánh che mắt kẻ truy đuổi. Có người cho rằng chính những người truy đuổi lơ đi không muốn thấy. Nhưng muốn hay không, khó có thể tin rằng đám lính Biệt Động đã chặn mọi ngả mà lại để cho một đoàn mấy trăm sinh mạng con người đi thoát được dễ dàng như vậy vì thánh che được mắt họ. Ngày thứ mười ba, đoàn người chạy thục mạng đến được An Tráng.

*

Dân thôn Bàu Bính chạy lên núi lập ra xã Bình Tân. Họ ngóng về phía biển, chép miệng nhắc những rặng phi lao và những mái nhà lợp bằng cỏ diệc, loại cỏ tự nhiên mọc lên năm xưa khi Bàu Bính bị cào trắng. Họ cố quên mười lăm ngày máu lửa trên một khoanh đất lỗ chỗ hố bom, quên cô bé Giang phát điên, quên những cái chết kinh hoàng để có sức lao vào một cuộc sống phải bắt đầu lại từ số không với hai bàn tay trắng. Vây bủa chung quanh họ vẫn là những con Ma, Thần Sấm, thiết vận xa M-113, đại bác 75 và đủ loại đồ chơi sắt thép giết người của thứ văn minh cơ giới lạnh lùng. Dân ở lại với họ cho đến khi liên lạc được với Tiểu đoàn 74. Đơn vị cũ nay chẳng còn được bao nhiêu người. Dân giữ được cho gia đình Trường Sơn cuốn nhật ký, di vật độc nhất của người lính trẻ đã hy sinh. Giở ra đọc, Dân mới biết Sơn người gốc Quảng Bình, đang học Văn ở đại học thì nhận lệnh động viên. Những giòng chữ giữa hai làn bom rơi trên thôn Bàu Bính kể lại mối liên hệ giữa Sơn và Giang.


[1] Hands-up: giơ tay lên (tiếng gọi hàng chứ không phải là xin hàng như Dân lầm)

Comments are closed.