Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 270): Bể dâu – Nam Dao (7)

MÙA RỪNG ĐỘNG (7)

*

Men cánh rừng cho đến khoảng hai giờ đêm, lính Đại đội 5 đụng một cái am, đằng sau am là hai căn nhà lá vách đất. Hiển vẫy tay cho lính tản ra thành vòng cung rồi từ từ xiết lại. Chuẩn uý Cổn, mười lăm năm quân vụ, đi từ binh nhất lên, dẫn một Trung đội bò vào am, ngửi đâu đó thoang thoảng mùi hương mới đốt. Hiển thì thào, Việt Cộng mà cũng mê tín ra rít, thắp hương cúng Bác xin phù hộ không phải là chuyện lạ, tụi bay cẩn thận. Lính ập vào hai căn nhà. Thật lạ lùng, có một ni cô và tám đứa trẻ độ chín, mười tuổi. Ni cô miệng móm mém, da mặt nhăn nheo xệ xuống từ hai gò má nhô cao, bình thản:

– Tụi nít không cha không mẹ, chạy lạc trong rừng. Mô Phật, hết gạo hết khoai rồi. Mấy ông lính có chi bố thí cho tụi nó không hà?

Đám trẻ con thức giấc, co ro ngồi tụm vào với nhau, mắt sợ sệt cúi xuống nhìn nền đất. Nhân bỗng thấy chua xót. Có một lưỡi dao vô hình nào đấy đâm vào buốt nhói lòng, đau đứt ruột. Nhân khêu ngọn đèn, ánh sáng khiến đám trẻ che mắt. Có đứa khóc, nhưng không dám khóc thành tiếng, chỉ ậm ực trong cổ, nghe như oán hờn. Hiển hỏi ni cô, có thấy bóng dáng lính Việt Cộng không. Ni cô từ tốn, người tu hành không dính vào chuyện sát sinh. Chuẩn uý Cổn – thích lính gọi mình là Đội Cổn – trầm giọng:

– Vậy chứ khi Việt Cộng hỏi có thấy lính ngụy tụi tui không thì ni cô đáp làm sao?

Ni cô ngước nhìn, miệng niệm:

– Nam mô a di dà Phật, cứu khổ cứu nạn…

Hiển ra lệnh để lại một ít lương khô. Nhân lục túi cứu thương, chọn một ít thuốc kháng sinh và thuốc chống sốt rét, nhỏ nhẹ khuyên:

– Vùng này đánh lớn, sao không mang mấy nít tránh cho xa?

Ni cô cười mếu máo:

– Đi mô chừ? Vô rừng, chết đói. Ra ngoải, chết bom chết đạn, chú à.

Hai người lính chạy vào ghé tai Hiển thì thào. Lính Dù nằm vòng ngoài xôn xao, thấy những bóng trắng đi lại quanh am, có kẻ còn kể là bị nắm áo giật, nghe tiếng ma mắng mỏ xua đuổi. Ni cô đoán được sự việc, trầm tĩnh:

– Am đây kêu là am Cô Hồn. Tháng trước mấy ông lính Việt Cộng có tới, cũng bị âm hồn xua đuổi, làm vậy đặng phù hộ bao bọc cho bọn nít côi cút đó!

Nhân cay đắng. A cái thời khốn nạn này, người chết phải lo cho những mầm sống vừa nhú ra đã buộc phải chạm mặt với đạn bom! Bất chợt, Nhân nhớ lại lời anh tài trên đường ra Huế hôm nào. Chết thế này ở mặt trận Quảng Trị, có lẽ trọng lượng những linh hồn đã làm lệch cán cân về cõi âm, khiến những hồn ma nay lo bảo vệ người sống hòng giữ thăng bằng cho qui luật ông Trời.

*

Trung đội Dân ‘’mẻ ‘’ một phần ba khi chốt ở bờ bắc sông Nhung. Phi pháo, rồi hải pháo hạm đội Mỹ rải xuống không ngóc đầu lên nổi. Lính rúc vào lòng đất như kiến chui xuống tổ. Cứ thế, hai ngày hai đêm… Hết lương khô, cả Trung đội nằm gí trong công sự đói lả ra. Thằng Phi, người làng Dân, mới được bổ xung tháng trước . Nó dúm dó như một mớ rẻ, thì thào, anh Dân ơi, về được thì báo cho thầy bu em biết em chết ngày nào nhé, không thì thành ma đói mất. Ăn cháo lá đa tháng bảy tủi lắm. Dân quát, im, chết thế đéo nào được! Nó tức tưởi, em thoát mà anh mệnh hệ gì thì em cũng báo cho bà ngoại anh, anh nhé… Tiên sư mày, nói gở! Với lấy ống liên hợp, Dân ghé vào, gào ‘‘Báo cáo thủ trưởng, lính Dù chỉ cách độ trăm thước, di động có thiết giáp kèm! Lính ta đói, sợ chạy cũng không đủ sức!’’. Tiếng Chính ủy đại đội ‘‘Chưa có lệnh rút. Cứ bám, tối nay sẽ tiếp tế!’’. Thằng Phi nắm lấy vai Dân, nói, em hết chịu nổi rồi. Gỡ tay nó ra, Dân áp tai vào máy, nhưng không còn nghe thấy gì. Quay sang lính, Dân nói lớn ‘‘Lệnh là chốt. Địch càng gần thì càng bớt bom!’’. Nhìn ánh mắt dọ hỏi của Tòng, tên lính giữ máy truyền tin, Dân bảo, mày rỉ tai lính, đại đội báo tối nay sẽ tiếp lương. Nghe đâu có tiếng Tạ văng tục, rồi lầu bầu, hứa như cuội, hứa đã hai hôm nay rồi!

Nửa đêm, pháo 105 ly nổ liên tục. Bây giờ, Đại đội 74 Tiểu đoàn 7 Lữ Dù 2 đánh vòng từ phía bắc sông Nhung đã áp vào. Nhìn từ giao thông hào, những chiếc xe thiết vận M-113 lù lù tựa một đàn quái vật xếp hàng ngang. Tạ thụp xuống, lại lầu bầu ‘‘đánh đấm thế đéo nào được! Phăng teo cả thôi’’. Dân nắm máy liên hợp ‘‘Báo cáo thủ trưởng, cho rút… Nếu địch bắn pháo sáng thì chịu, không ‘‘phớt’’ được’’. Chính ủy Đại đội hét ‘’Đợi lệnh. Chưa có phép!’’. Bỏ ống nghe xuống, Dân thầm nhủ, không rút thì chắc toi. Có rút, cũng sẽ bị pháo kích, nhưng còn đường sống. Thằng Phi lết đến, nắm tay Dân lắc lắc. Dân hỏi, cái gì đấy? Nó bảo, em thèm một bát cháo gà. Quái, lúc này mà thèm ăn thì gở thật rồi.

Ngẫm nghĩ một lát, Dân khều Tạ bảo đồng chí lệnh cho anh em sửa soạn rút, trên cho rồi. Cầm lại ống liên hợp, Dân gọi đại đội ‘‘Chúng nó vẫn pháo, sẽ chốt đến cùng!’’. Mặc cho Chính ủy nói gì thì nói, Dân kêu ‘‘Alô, alô… không nghe thấy gì. Xin nhắc lại. Alô, trung đội chốt đến cùng!’’. Dân lập lại ba hay bốn lần. Thằng Tòng chẳng hiểu ất giáp gì, cứ kêu ơ kìa, ơ kìa. Dân quát, ơ kìa cái mả mẹ mày, muốn sống hay muốn chết? Khi hết pháo, Dân bảo Tòng, quẳng cha nó cái máy này lại. Nó nhìn Dân ngạc nhiên. Dân cương quyết, máy cồng kềnh, chạy không nổi. Tạ hiểu ngay. Nó giật cái máy ném khỏi giao thông hào, nháy mắt, nói khẽ vào tai Tòng ‘’Trung đội rút vì mất liên lạc, mày không trách nhiệm vì tội mất máy, mà vì máy hỏng! Đừng lo cái máy, lo cái mạng mày đã!’’.

*

Hiển cho lính tản ra, lên đường đi thêm độ một giờ, rồi nghỉ. Lính người chăng võng, người nằm gốc cây, cố nhắm mắt. Ai cũng biết ngày mai này sẽ là một ngày của máu và lửa. Ngả lưng cạnh chỗ Nhân nằm, Hiển châm một điếu Quân tiếp vụ, đóm thuốc thỉnh thoảng cháy lòe lên. Hiển tò mò:

– Sao anh không thành một ông bác sĩ hậu phương cửa cao nhà rộng mà lại xông pha vào chỗ xương máu?

– Bởi tôi không giữ được hòa bình, Nhân ngắt ngang. Và tôi có trách nhiệm!

– Ai giữ được hòa bình! Không có cá nhân nào làm nổi việc đó! Khi những thế lực siêu cường vương bá trên trái đất này chưa triệt tiêu được nhau thì chỉ có chiến tranh mà thôi. Vì thế, ai trách nhiệm? Ai không?

Nhân cười buồn:

– Ai chả ý thức được sự bất lực của mỗi cá nhân! Nhưng mặt khác, trong tâm linh, tôi vẫn cứ thấy trách nhiệm. Sau đó, chỉ một cái nhích chân, là mặc cảm phạm tội! Vì thế, tôi có mặt để chia sẻ khổ nạn của mọi người, cũng là khổ nạn của chính tôi!

Tiếng Hiển vang lên, rạch ròi:

– Ai trách nhiệm? Thì Đấng Chúa Cha chứ ai khác được! Nói tiếp bằng thứ tiếng Pháp tinh ròng, Hiển cười nhạt, giọng nhạo báng… Người lại cho Đức Chúa Con xuống chịu nạn để cứu chuộc cho chúng ta là những kẻ có tội!

Nhân thở ra:

– Người quyền lực vô biên, sao lại sinh ra chúng ta, ai ai cũng là những kẻ có tội? Tội từ bà Êva, tội từ ông Adam trở đi, cho đến hôm nay, vẫn tội, tội, và tội… Rồi Người lại tự cho thêm cái quyền cứu chuộc chúng ta tội lỗi, vẽ ra viễn ảnh mê hoặc một Thiên Đàng, có hay không nào ai biết!

Hiển phá lên cười ngao ngán:

– …và trong khi chờ đợi, trần gian này là Địa Ngục. Vì thế nên Thiên Đàng càng mang sức thôi miên của cái gì không thể với tới được!

*

Trung đội Dân luồn đi trong đêm, ven theo Quốc lộ 1 ngược về phía bắc. Tiếng đại bác lâu lâu lại vẳng lên trước mặt. Địch bắn chặn đầu cuộc triệt thoái của Trung Đoàn 94. Thằng Tạ quát nhỏ ‘’…về đến An Thái mới có công sự. Phải đi thật nhanh, chúng mày ạ! Cái gì nặng, vứt hết. Bây giờ mà nó bom nó pháo là về hầu các cụ ngay. Nào!’’. Nó nhô lên phía trước, chạy như chạy tập trong quân trường. Dân nán lại phía sau, thúc những lính chậm chân.

Đến mờ sáng, từ phía nam hai chiếc máy bay vụt tới, đảo quanh, thình lình cất lên bay ngược lại. Tránh khả năng bị phi cơ oanh tạc, lính chui vào bụi, rời Quốc lộ đi tản vào làng xã xung quanh. Tiếng ì ầm từ xa. Cuối tầm mắt là những vệt khói trắng vẽ một vòng trên trời. Vượt qua những khúc đường bom đạn cấy vết lỗ chỗ đan vào đất, mùi xăng đặc lẫn đâu đó mùi tanh sực vào mũi. Nhìn lên, những cây dừa cụt đầu, tàn lá cháy xém loang lổ. Nhìn xuống, tất cả là tan hoang. Nhà vách đất bị quật ngã, cột kèo trống trơ còn âm ỉ khói. Đây đó, những hố bom cào sâu vào lòng đất, có cái sâu đến độ nước rỉ ra thành ao, có cái chỉ vừa đủ phô ra lớp nâu vàng ươn ướt đỏ.

Chung quanh lính là thứ im lặng của thần chết ngậm miệng rình rập. Nhìn bọn lính đói lả ra, Dân bảo, ta xục vào, có gì lấy ăn được thì chia nhau. Nhưng vào làng, phải cảnh giác! Nói xong, Dân ghim đạn lên nòng khẩu AK-47, kẹp vào nách. Cho từng tốp ba người ra khỏi bụi, Dân vẫy tay ra lệnh tiến vào. Lính đi từng bước, mắt căng tròn, tai vểnh lên, súng lăm lăm chĩa ra. Nhưng không, chỉ cây xiêu, nhà đổ, và những ngọn khói chập chờ của lửa than tàn lụi. Tất cả im ắng rợn người. Không có đến cả tiếng chó sủa. Lính đi vòng con đường mòn quanh ao. Đây đó rải rác xác người, xác chó, xác trâu bò… Tất cả đều cháy, cong queo, đen đủi, vô tri. Mọi sinh vật đã hóa ra tro bụi sao? Lạy Chúa tôi, có phải lửa luyện ngục vừa cháy trên thế gian trong một cơn bom lửa của ngày phán xét? Bỗng văng vẳng trong gió sớm tiếng rên rỉ van kêu. Lính nhìn nhau. Không ai bảo ai, cả bọn ngược chiều gió đến gần.

– Eng ơi! Chừ bỏ mạ con tôi, eng đi đâu, eng ơi…

*

Sáng tinh mơ, nghe đâu đây có tiếng gà rừng đánh thức. Mắt mở hé, nắng non còn đẫm sương mai tươi màu mỡ gà nhuộm suốt một giải cây xanh mươn mướt. Gió mong manh mơn trớn những tàn lá chồi mơ hồ đong đưa. Chiến tranh thốt nhiên xa hẳn như chưa từng xảy ra, chưa bao giờ hiện diện, và chẳng có cái lý lẽ gì để đến bìa rừng yên lành êm ả này. Cái am Cô Hồn, ni cô luống tuổi, tám đứa trẻ mồ côi, những bóng ma màu trắng, tất cả bỗng lui lại thành một điểm không có trọng lượng trong trí nhớ. Lạy Chúa ba ngôi, lạy Phật vô thượng, lạy Ala uy hiển, lạy gốc cây bồ đề, hạt sương long lanh, tia nắng ngọt ngào, lạy tất cả để cúi xin cho thế gian khác đi, trở về khởi đi từ thuở hồng hoang, không quá khứ mịt mùng, và không hiện tại thương đau. Xa xa, mái chuông Thánh Đường La Vang thấp thoáng. Tại sao nơi đó là chốn hẹn hò của lính, hẹn với cái chết, chết tức tưởi, chết tan xác, chết nát, chết tươi?

Lính Dù lịch kịch sửa soạn khí giới, nai nịt lại, lầm lì không nói năng. Hiển rót vào ca cho Nhân ngụm cà-phê bột cuối cùng, trầm ngâm, với bộ điện đàm gọi về tiểu đoàn. Đại đội 2 và 3 đã sang sông, nhích vào được hai cây số. Ban Chỉ Huy cùng Đại đội 4 vẫn tiến sau. Đại đội 2 bị tổn thất mất một nửa, nhưng chiếm được công sự phòng tuyến vòng ngoài của lính Bắc. Đại đội 3 chỉ bị trầy da, đã ‘‘bắt tay’’ được với Tiểu đoàn 9 của Lữ Dù 2. Kế hoạch như vậy triển khai mười trên mười. Đại đội 5 tiếp tục giữ vai trò tiền kích, có nhiệm vụ thọc vào sườn phía tây La Vang và tiến chiếm Ngã Ba cầu Ga xe lửa. Hiển buông máy, nhìn Nhân, giọng bỗng nghiêm trọng:

– Bác sĩ đi sau Trung đội của Chuẩn úy Cổn, đừng lên phía trước, vướng… Lần này, sẽ chơi nhau đến ứa phở, không đùa được!

Quả thế thật. Lính Bắc đào giao thông hào gần Mai Đẳng, phía tây La Vang, hàng ngang toàn Trung liên nồi RPK, và đệm vào là tiếng bộc phá của B-40 . Hiển nhìn ống nhòm, tính toán, chấm tọa độ. Phải vượt một cái đồi cát rồi mới xáp vào được phòng tuyến Bắc Việt. Như vậy là Dù phải đi ‘‘đầu trần’’, leo đồi thì thành bia cho ‘‘tụi nó’’ bắn. Men chân đồi mà vào, đường dài ra bốn trăm thước, tránh được hỏa lực đại liên, nhưng ‘‘tụi nó’’ chắc sẽ đổ pháo.

Nhìn Hiển vẫy tay, lính Dù men theo đồi vòng về phía Mai Đẳng. Cát lún dưới chân, đi như lết. Càng đi, nỗi kinh hoàng càng ghê gớm. Xác lính Bắc bị pháo những ngày vừa qua nằm phơi nắng phơi mưa hàng tuần, hàng tháng, rữa ra, bốc lên một mùi thối khăm khẳm, thốc tháo sực lên từ từng hạt cát nhuộm khói bom và thuốc đạn nhìn như muối tiêu. Xác có cái mất tay, cái mất chân, cái mất đầu. Có cái mất hết, giờ là một đống bùi nhùi vải lính xanh rêu, đầu chỉ còn xương sọ trắng hếu. Bên cạnh, cái nón cối vẫn đó, trơ trẽn, lăn lóc. Rồi xương. Người bị bom đánh vỡ toang, xương văng ra. Cái dài, cái ngắn. Xương sườn, xương vai. Xương tay, xương chân. Có những khúc xương còn bám thịt, ruồi bu đen ngòm, vo ve bay tứ tung khi lính bước lại gần. Lính bịt mũi, đã vào sinh ra tử nhưng không dám nhìn. Tận thế là ở đây, ngày này tháng này? Đằng xa, mái chuông thánh đường La Vang thấp thoáng. Cây thập tự mờ nhạt trên nền trời trong suốt. Những hạt cát đong đưa xô đẩy cho những khúc xương người ráp vào nhau thành bộ, đứng lên nhảy múa, rồi thình lình lại sụm xuống, lăn long lóc, cắm vào mặt đất bi thương quằn quại, dần dần bất động để rồi đàn ruồi lại sà xuống bu vào, vo ve tấu lên thứ nhạc nghe như tiếng máy bay Con Ma, Thần Sấm.

Bất chợt, pháo rơi từ trời xuống. ‘‘Tụi nó’’ phát hiện, chơi mình đây, Hiển quát. Lính cài dây mũ sắt, co chân tăng tốc. Có tiếng xích nghiến trèo trẹo. Đụn cát trước mặt như bốc lên. Tăng T-54 trang bị đại bác 85 ly của ‘‘ tụi nó’’ tiến vào xung kích. Hiển thét gọi tiểu đội chống chiến xa, hô, chúng mày kéo lên lưng chừng đồi, chơi lại cho đẹp. Tiếng rít gió của hỏa tiễn M-72 . Ầm. Trúng một con. Rồi lại ầm, ầm. Hiển nghe lính reo, ‘‘rang’’ được ba con cua rồi Đại uý. Ba con còn lại đang chạy lui. Hiển quát, không phí đạn, chưa dư tiền đừng chơi ‘‘xả láng’’!

*

Người đàn bà quắt queo nhem nhuốc ngồi cạnh đống tro than khét lẹt, mi mắt sưng vù, nước mắt chan hòa chảy theo đường nhăn của lớp da xám xịt xuống má, xuống cằm. Tiếng khóc than lập lại:

– Eng ơi… chừ bỏ mạ con tui eng đi đâu, eng à…

Bên cạnh người đàn bà, một đứa trẻ nằm im lìm ngủ. Nhìn kỹ, bà ôm trong lòng một xác người chết cháy. Xác cong queo, một cánh tay chỉ còn chút thịt đỏ hếu bám trên khúc xương trắng, tay kia không biết đâu. Bà vuốt vuốt cánh tay còn lại, cúi xuống, lại rên rỉ:

– …chừ eng đi đâu, eng ơi!

Đứa trẻ vẫn im lìm, mắt nhắm nghiền, miệng hé tựa như cười trong một giấc mơ. Người đàn bà đưa tay vuốt cái đầu cháy xém một nửa, hốc mắt lõm sâu, thò ngón tay móc móc xua những con kiến đang rúc vào. Kiến chạy toán loạn, có con rơi xuống đất bò lên tay đứa trẻ, có con bò lên vai lên ngực người đàn bà:

– Eng ơi eng, chừ eng đi đâu…

Cả trung đội lính sững lại như bị thôi miên. Nhìn người đàn bà ôm xác chồng, lính quên tất cả, từ tiếng máy bay gầm rú, tiếng cánh quạt trực thăng xoành xoạch quay trên không, đến cơn đói ba ngày không có cái mà ăn. Trước mặt, giờ đây chỉ có sự khốn khổ tột cùng của kiếp người trong cơn binh lửa.

Thằng Phi bỗng gập người nôn oẹ, miệng ứa ra mật xanh mật vàng. Như bị lây, cả trung đội uạ thốc uạ tháo. Người đàn bà như không thấy lính, tay tiếp tục vuốt ve cái đầu cháy xém một nửa, mắt cúi nhìn xuống đứa trẻ nằm im, miệng vẫn chỉ rên rỉ đúng một câu mê hoặc:

– … eng ơi, chừ bỏ mạ con tui eng đi đâu…

Thình lình, tiếng cánh quạt trực thăng vù vù ngay trên đỉnh đầu. Đạn đại liên tủa xuống, đập vào cây, ghim vào đất. Có lẽ hai chiếc máy bay ban sáng đã phát hiện ra bọn lính bôn đào. Rốc-két phóng xuống nổ choáng tai. Lính bừng tỉnh từ một cơn mê ngủ. Lẩn cho nhanh vào bờ vào bụi, Dân vẫy tay quát, không bắn trả. Bắn bây giờ chỉ lộ thành bia cho chúng nó bắn lại. Rồi lính cắm đầu bò như những con rết. Hai chiếc máy bay A-34 ào đến thả bom. Nếu còn cái gì sau trận đánh bom hôm trước, thì tất cả lại bốc lửa. Từ những thân cây xạm đen cho đến cột kèo đang cháy dở. Từ người đàn bà ôm xác chồng cho đến đứa trẻ nằm im lìm bên cạnh. Anh chồng người đàn bà đó thế là chết hai lần.

Đến lúc điểm quân, không thấy Phi. Nó vẫn chưa được ăn bát cháo gà.

*

Đại đội 5 mất sáu tiếng mới bò được từ chân đồi vào, đánh lính Bắc bật ra khỏi phòng tuyến vòng ngoài phía tây La Vang, chiếm được giao thông hào và công sự. Lính Bắc chân xiềng vào súng lớn, khi chết, chết hàng loạt, mắt đứa khép, đứa mở. Chuẩn úy Cổn lục soát, cả một kho đạn 105 ly và đạn súng phòng không 37 ly mới vơi chừng một phần tư. Lại bắt được một khẩu cao xạ 57 ly , thứ mới xuất hiện trên chiến trường lần đầu. Cổn lôi một tên bị thương kéo lên. Người nó rũ xuống, mắt vẫn rừng rực lửa. Nó cười khẩy, giọng rặc nước mặn đồng chua vùng Nam Định, sinh bắc tử nam mà người anh em!

Nhân kiểm tra số thương binh Dù, báo cho Hiển, nặng có sáu, nhẹ mười ba và loại còn chiến đấu được là hai mươi bảy. Cộng với số tử vong, Đại đội chỉ còn một phần tư lực lượng để tiếp tục cuộc chơi. Việt Cộng biết rõ tọa độ chiến hào bị Dù chiếm, giải pháo vào với một độ chính xác toán học. Pháo nổ chậm cắm xuống đất, vỡ toang ra thành những cái hố sâu khiến nước ngầm phun lên. Lính Dù nằm nhẹp, co chân, ở cái thế cọp bị nhốt, hệt như lính Bắc cách đây ba tiếng đồng hồ.

Có tiếng rú, rồi tiếng Chuẩn úy Cổn văng tục. Nhân chồm sang. Bật đèn rọi, Nhân thấy ngực áo Cổn thẫm máu. Vạch cánh tay Cổn, Nhân chích thuốc gây tê, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc làm đông máu. Tà-lọt lấy kéo cắt áo Cổn. Ngực anh ta lõm vào một lỗ sâu hoắm, mảnh đạn đục từ trước ra sau, xương lồng ngực lòi ra ngoài, máu phun có vòi. Nhân vòng cuộn băng quanh người Cổn xiết lại, nhưng chưa được hai vòng thì máu lại đẫm ướt, nhỏ giọt, nhiễu dài chảy xuống bụng, xuống chân. Không thể làm gì khác, Nhân tiếp tục, răng nghiến, quai hàm bạnh ra, kéo băng xiết cho thật chặt. Cổn thẫn thờ nhìn lên trời. Không sao, không trăng, trời đen ngòm sâu hút. Lâu lâu, chỉ có những ánh lửa bay lên từ mặt đất nhịp theo tiếng nổ đạn đại pháo, lịm đi, tắt ngúm.

– Có nặng lắm không bác sĩ? Cổn hỏi, mắt dại dần.

– Thường thôi – Nhân đáp – Trực thăng tải thương thế nào cũng đến, và thế thì OK!

Lính Bắc ép tới, Dù lại lùi, đến mười giờ sáng trở về phòng tuyến đã chiếm ngày hôm trước. Nhân truyền huyết thanh cho Cổn, chích thêm một mũi thuốc cầm máu. Để giảm đau, Nhân tiêm vào tủy sống Pontocaine hòa với Dextran 10%. Cổn nhợt nhạt, cố gắng nhếch miệng lên cười, tay chỉ vào túi áo zết. Nhân thò tay lần được cái ví. Ở trong ví, có một bức ảnh. Cổn áp bức ảnh lên môi, mắt rừng rực đam mê nhưng có thoáng chút tuyệt vọng. Nhìn ảnh một người đàn bà tóc dài, mắt một mí, miệng cười e thẹn, Nhân dịu dàng:

Đây là vợ Chuẩn úy?

Cổn lắc đầu, thều thào:

– Không, chị tôi đấy. Di cư vào Nam chỉ có hai chị em. Tôi yêu chị đến độ chị sợ, chị bỏ trốn! Nước mắt ứa ra, Cổn thổn thức – còn tôi thì đi Nhẩy Dù để xa chị, thậm chí để chết, cho chị an tâm!

Nhân lặng người, không biết nói gì. Giọng mê hoảng, Cổn tiếp:

– Thời đó chị còn trẻ… Và tôi, tôi chỉ mong chị sống bình thường, lấy chồng, có con, như mọi người! Vào lính được một năm, tôi nghe tin chị xuống tóc… Chị giờ là sư nữ trong chùa Vĩnh Lạc.

Nhân không kìm được, thốt:

– Một người đàn bà đẹp đến thế mà đi tu ư?

Cổn nhếch mép:

– Chứ sao… Thoát bể khổ, tìm được an lạc, ai lại chê! Còn bác sĩ, có vợ chưa?

Nhân lắc đầu. Cổn gượng cười, yếu ớt:

– Vậy chắc là có người yêu… phải không?

Nhân thót bụng, xót xa nhớ đến Ánh. Bụi gai hoa Tuyệt Tình bỗng đâm vào bàn tay Nhân, máu dính tay là máu Cổn, nhưng sao Nhân vẫn thấy đau nhói tâm can. Tiếng lính Dù gọi nhau chuẩn bị rút. Cổn níu tay hỏi. Nhân bảo Việt Cộng kẹp gọng kềm, chắc ta phải chạy. Cổn lắc đầu, miệng xệ xuống như mếu, hơi thở thoi thóp. Gắng sức, Cổn thều thào:

– Thôi, tôi chẳng đi đâu nữa! Sinh là ký, tử là qui… Đã đến lúc tôi về! Bác sĩ báo cho chị tôi là tôi chẳng ân hận tiếc nuối gì trên cõi hồng trần nhơ nhớp máu người này nữa! Còn bác sĩ, cố sống mà về với người yêu…

Nhân lặng người, nhìn đầu Cổn ngoẹo xuống, môi gượng nhếch lên cười, không kịp nói cho hết lời. Cái cười nửa khinh mạn, nửa xót thương. Một dòng máu ứa ra từ khoé miệng chảy xuống. Nhân bật khóc, vuốt mắt cho người chết. Nhưng chưa buông tay ra, Nhân thấy mình vừa vuốt mắt tượng Đức Mẹ. Môi mấp máy, Đức Mẹ thì thào, các con của Mẹ ơi, Mẹ thương các con vô cùng! Tai Nhân ù đi. Gục mặt, Nhân nghe đâu đó văng vẳng vẫn tiếng hát lê thê mê hoặc:

‘‘…Mẹ ngồi ru con, đong đưa phận người, đong đưa phận mình…’’.

*

Khi Chính ủy Tiểu đoàn hạch tội Dân đã rút quân mà không có phép từ bờ bắc sông Nhung về An Thái, Tạ phát biểu: ‘‘ Báo cáo Chính ủy, không có lệnh rút quân nên cả đại đội bị pháo mười phần chết đến chín. Nếu Trung đội chúng tôi không nhanh chân chắc chẳng có đứa nào ở đây để nghe đồng chí giảng đạo đức cách mạng với lại tinh thần bách chiến bách thắng của quân đội nhân dân anh hùng’’. Chính ủy đập bàn: ‘‘Cậu này phát biểu lung tung, tùy tiện’’, và thế là Tạ cũng như Dân bị phạt bằng cách giúi cả hai vào một đoàn lính “tơ” nay vào đây nếm mùi chiến trường sau ba tháng huấn luyện. Lính mới ồn ào, mồm hăng tiết vịt, sợ không đúng chỗ sợ, liều chẳng đúng lúc liều, nghe tiếng súng có đứa tè cả ra quần. Đơn vị được Tư lệnh Sư đoàn phổ biến quyết tâm tử thủ thành Quảng Trị, thay phiên cả đêm lẫn ngày đào thêm công sự phòng thủ. Địch rải bom, bắn pháo như rắc hoa. Mặt Đông cổ thành, Thủy quân Lục chiến quân miền Nam thúc vào. Mặt Tây Nam, Lữ Dù 1 nghe đâu đã đánh chiếm La Vang và đang uy hiếp nhà Ga. Mặt chính Nam, Lữ Dù 2 ép sườn. Quốc lộ 1 thành Đại lộ Kinh Hoàng. Dài 9 cây số kéo từ An Thái cho đến Ngã ba Long Hưng, cứ mỗi mét đại lộ ít là có hai người chết. Đại đội của Dân và Tạ bị Tiểu đoàn 7 Lữ Dù 2 dồn lùi về đến cái ngã ba mang cái tên là Ngã ba Máu.

Hạ tuần tháng bảy, chiến trường Quảng Trị ghê rợn kinh khiếp hơn tất cả những gì trí óc con người có thể tưởng tượng. Vạc dầu, là bom xăng. Xăng đặc. Xăng lỏng. Nổi lõng võng, xăng cháy phừng phực trong giao thông hào, trong công sự nước ngập đến đầu gối. Rút lưỡi, xẻo tai, bẻ răng dưới Điạ Ngục. Ô, chỉ chuyện vặt. Trên dương gian này, pháo mới ghê. Thịt xương bốc lên thành trăm mảnh, ruột gan phèo phổi lính tráng bắn văng ra tứ phía, bám vào quần áo những thằng còn sống, ba bốn ngày sau là giòi bọ nhung nhúc, mùi khăm khẳm sực mũi, ăn không được, ngủ cũng không được. Cả sống lẫn chết, sướng nhất là khi bị bom B-52. Lỗ bom cầy xuống thành vũng thành ao, người còn sống khỏi phải đào, cứ thế mà ném xác đồng đội vào. Còn chết, vù một cái, chẳng thấy gì, nghe gì, chết ngay chứ không thương tích ngắc ngoải. Tiếng radio ra rả ‘‘ Bám chắc, địch có kế hoạch cắm cờ trên thành Cổ trước 27 tháng 7, ngày tái họp hội nghị Paris. Lệnh Quân Ủy Trung Ương phổ biến là giữ từng phân vuông tổ quốc!’’. Tạ nghe, văng tục rồi kết luận hùng hồn, mất cho thằng đéo nào mà sợ. Đất có cạp đi được đâu!

Thế là những thằng lính cả hai phía giằng co nhau trong một điệu luân vũ nhịp bằng tiếng nổ chói chan của B-40, hòa vào tiếng hỏa tiễn tầm nhiệt, tên lửa tầm xa, pháo 175 ly, 105 ly. Thiết giáp T-54, vờn nhau với xe tăng M-113, đạn the thé cười đùa rin rít. Từng chập, hỏa châu chiếu sáng mặt đất xanh lè, sau lịm dần, tái nhợt màu da kẻ chết trôi. Lữ Dù 1 tiến 500 thước mất ba ngày. Lữ Dù 2 không qua được đường xe lửa phía Tây Nam. Pháo binh hai bên nhả mỗi ngày hàng mấy chục ngàn viên đạn. Oanh tạc cơ Mỹ lại tham chiến. Bộ chỉ huy phổ biến, hôm qua bắn rơi hai B-52, và bốn Con Ma F-8. Hoan hô các chiến sĩ phòng không! Tạ lầu bầu, đúng là phét lác, bắn được mà nó bom thế à!

*

Hiển nhận được lệnh xông lên khỏi giao thông hào, kéo lính tiến về La Vang Chính Tòa. Thiếu tá Soạn chỉ huy Tiểu đoàn cao giọng trong máy truyền tin:

– Thằng nào vào trước ôm hôm chân tượng Đức Mẹ đầu tiên, sẽ lên một lon, nghe chưa?

Trận tiến chiếm La Vang diễn ra trong mười hai tiếng đồng hồ máu xương. Lính Bắc chống trả điên dại. Vương Cung Thánh Đường tan nát thành những mảnh vụn. Mái chuông nhà thờ ụp xuống, chuông đồng chổng ngược lên trên mặt đất. Giờ đây chuông câm nín, và sẽ chẳng bao giờ gióng giả ngân nga nâng phần hồn con người lên một Đức Chúa Cha, tai đã ù điếc vì những tiếng đại bác và những tiếng bom mà con của Người gửi cho nhau như quà tặng trong ngày tận thế.

Đại đội 5, đơn vị tiền kích của Tiểu đoàn 11 Dù, vào được sân Vương Cung Thánh Đường chằng chịt giao thông hào. Tiếng súng ngưng. Chỉ còn tiếng rên la của những kẻ bị đạn xuyên xẻ ngực, chém cụt tay, phạt đứt chân! Tượng Đức Mẹ bị sạt một mảnh vai, nhưng cây đa làm bằng xi-măng tan nát, chỉ còn những thanh sắt chống làm sườn vẫn đấy nhưng cong queo mang hình thể một bộ xương dị dạng. Hiển ngước mắt nhìn lên, miệng định đọc kinh Kính Mừng nhưng mắt bỗng hoa lên, bức tượng lung lay, chao đảo rồi sụp xuống, đầu rời khỏi cổ, mặt úp xuống đất. Hiển chạy lại ôm chân cái tượng không đầu, vừa hôn vừa chửi, đù mẹ, thế này là thế nào! Nhân lẳng lặng ra nâng đầu tượng Đức Mẹ lên. Trên khuôn mặt hiền dịu, những giọt nước mắt ứa ra, màu đỏ nhợt như có pha máu người. Nhân lẩm nhẩm đọc kinh Kính Mừng trong tiếng rên la vọng lại khắp nơi. Lính Bắc thương vong nằm ngổn ngang. Chỉ đi chừng trăm thước, số thương binh lên hai mươi bảy. Nhân gọi tà-lọt theo, đánh giá nặng nhẹ, xem phải băng bó ai trước, ai sau. Một thằng bé, tuổi chỉ mười lăm mười sáu, mặt bê bết đất, rên rỉ, bu ơi bu, sinh ra con làm gì cho khổ thế này. Nhân cúi xuống. Nó ngước lên, quát, thằng ngụy, đừng đụng vào bố mày đây. Tay chỉ vào balô cứu thương trên có vẽ thập tự màu đỏ, Nhân nhỏ nhẹ, tôi là bác sĩ. Thằng bé nhổ phì phì khinh bỉ, thét thằng ngụy, đừng làm cho tao bẩn, rồi khom người tay thọc vào bụng. Một người lính đi sau Nhân xông lại, chân đạp vào tay thằng bé. Một quả lựu đạn chưa kịp rút kíp lăn ra quay vòng vòng. Hiển rống lên:

– Bác sĩ, không cứu ‘‘tụi nó’’, để thuốc men băng bông cho mình!

Nhân chưa kịp nói ta hay địch cũng là người thì đã nghe tiếng súng Colt chát chúa. Đầu thằng bé ngật ra rồi ngoẹo xuống. Nhìn cặp mắt Hiển đỏ máu, tóe lửa, Nhân biết có nói gì cũng vô ích. Nhân lạnh người. Thằng bé học gì mà hận thù biến thành một thứ bản năng, ‘‘ngụy ’’ là quỉ sứ, và nó sẵn sàng đổi chính mạng sống mình để giết ‘‘thằng ngụy’’ mà chẳng cần đôi co suy nghĩ. Hiển có lẽ chỉ phản ứng lại hận thù. Những ngày nằm chịu pháo ở mặt trận An Lộc, Nhân từng thấy những phản ứng tương tự khi lính miền Nam nhìn đồng đội thương vong. Phản ứng ấy chốc lát, đến từ cảm tính, chứ không phải là thứ hận thù có trau luyện, thả vào nuôi như nuôi giống trong những bộ não đã tẩy sạch để chỉ đơn giản còn hai điều thiện – ác. ‘‘Ngụy’’ tất nhiên là ác, không còn là người, và ta cứ giết, càng giết nhiều càng là thiện, là tiên tiến, là phấn đấu, là anh hùng, là dũng sĩ. Nhưng giết như thế ta có còn là người không thì chưa là điều cần lý giải vội. Chiến thắng trước, rồi sau mới tính đến những còn mất. Và biết đâu vậy là quá muộn, quá lỡ làng, cho một mai hậu!

Lính nghe hai mươi sáu tiếng súng Colt. Sau đó, chiến trường trở nên yên tĩnh đến rợn người.

*

Đặt đại liên lên miệng chiến hào, lính trung đội do Dân chỉ huy nổ súng, tay bóp cò đến tê cứng, cứ thế bắn đến lúc nòng súng bốc khói khét lẹt. Thằng Thao, đái vào đây cho tao, Tạ chìa bi-đông, quát. Nó nắm bi đông nước đái dội lên nòng, tiếng xèo xèo, mùi khai len mùi khét, thật khó tả. Pháo ta nổ từng hồi, bụi đất mù mịt. Máy bay địch xẻ ngang bầu trời, bom chênh chếch hàng loạt rơi nghiêng. Dàn phóng tên lửa bên phòng không khản đặc, rồi ồ lên, từng chập, từng chập. Trần gian lại thêm một lần biến thành lửa luyện ngục, diêm vương giờ đây khỏi phán xét, bắt chết hàng loạt, không cần định tội, hạch họe, đôi co. Cứ thế, đến xẩm tối. Trời rỉ rả mưa. Lính Dù vẫn can đảm xông vào. Bám lấy những mô đất lồi lõm bị bom cấy lên, lính Dù dàn ngang, cứ thế nhích lên từng bước, từng bước, nhắm đánh chiếm công sự. Trong bóng đêm dày đặc, hai bên chỉ cách chừng chưa đến hai trăm mét, lựu đạn từ xa phóng vào hào, xương thịt lính vung vãi, đất đá bay loạn xạ tứ tung. Vào đường cùng, bộ đội phòng không lính Bắc chúc ngang nòng súng cao xạ nổ vào lính Dù. Máy bay tiếp tục trút Na-pan. Xăng krếp nổi lềnh bềnh trên nước ngập chiến hào loang ra, bùng cháy. Có tiếng kêu cứu. Tạ thét ‘’Thành cha nó bún chả à!‘’. Dân quát, xông ra, bò về phía lính địch, ít là không bị bom nó đánh. Dân dặn, mật khẩu hỏi là một, đáp cũng một. Cố mà dính vào nhau, lạc là chết. Chụp điện đài liên lạc, Dân báo cho đại đội. Không thấy trả lời, Dân lại gọi về tiểu đoàn. Thằng Thao vừa khóc vừa kéo, thủ trưởng nói nhanh, xăng cháy đến nơi rồi. Quay mình nhảy lên bờ hào, Dân quát, lên hết, bò cho nhanh, khi có pháo sáng, nằm xuống. Lính thành loài bò sát, bụng ép xuống đất, tay ôm AK, nhấp nhổm như những con tắc kè bò cho xa chiến hào rừng rực lửa. Đạn bay líu ríu sát đầu, chỉ ngóc lên là toi. Dân kêu một. Bên cạnh, lính hỏi, gì đó thủ trưởng. Dân phát cáu. Phải đáp một, lần sau không đáp thì tao đâm. Chúng mày lắp lưỡi lê vào, cứ hàng ngang, bò về phía trước. Đằng sau nó bom như thế, thằng nào lui là phăng teo ngay. Trung đội không biết giờ suy xuyển bao nhiêu, cứ thế mà tìm cái sống trong con đường sáp vào lính Dù, binh chủng thiện chiến lừng danh trên mọi chiến trường.

Pháo sáng lại bắn lên. Dân ngoái cổ nhìn ra sau. Trời ơi, thấp thoáng áo rằn ri. Nhìn phía trước, rồi phải, rồi trái, có cả lính ta lẫn lính dù. Lính hai bên đã vào thế gạo lẫn với đỗ, sôi lẫn với đậu. Pháo sáng nhạt dần. Rồi bóng đêm lại ụp xuống. Có tiếng quát, giọng miền Nam “ Đù mẹ, chơi dao găm thôi. Tụi bay sờ thấy nón cối là chơi, nón sắt là mình nghen’’. Dân ra lệnh, rút lưỡi lê ra, ở nguyên chỗ, đứa nào đến thì đâm. Cứ pháo sáng, lính nằm như chết. Tối đen, lục đục đâm nhau. Dân quơ tay, đụng vào cái nón sắt, thọc ngay mũi dao găm, rút ra đưa lên cứa ngang cổ. Tiếng rú, tiếng ằng ặc, tiếng hớp không khí. Xung quanh, bản đại hòa tấu vang lên tiếng rên la, tiếng kêu cứu, tiếng chửi rủa. Máu đỏ hôi hổi vọt thốc vào mặt Dân. Đẩy cái thân người đang gãy gập, Dân bò lùi trở lại, thất thần, nằm mọp xuống. Dân bàng hoàng, tay sờ vào lưỡi dao loang lổ máu. Thì ra mình vừa giết người. Giết bằng dao khác với bóp cò súng hay rút lựu đạn quăng ra. Giết kiểu hiện đại, dẫu có kẻ tử vong, người giết không thấy kẻ bị giết tận mặt. Không có những vòi máu phụt ra, dính vào tay, vào cổ, vào ngực. Không gây ra cái ấn tượng khủng khiếp là giết người tựa mình đang giết chính mình. Bởi một phần trong mình chết đi, chết lặng, chết trong nỗi kinh hoàng, tự hỏi mai này còn sống mình sẽ là ai? Thình lình, hình ảnh Nhân, đứa anh em song sinh, trở về ám ảnh. Dân rùng mình, nhỡ ra mà Nhân đâu đây? Nhỡ ra chính mình thọc mũi dao vào ngực rồi quơ lên cắt cổ Nhân? Bủn rủn chân tay, Dân cảm thấy ngực nhói đau như có ai đấy đâm vào. Ném con dao găm xuống đất, Dân đưa tay lên cổ, lòng đau đớn.

Giết người! Biện minh thế nào đây?

Tự nhủ thì ta có chính nghĩa? Không! Chính nghĩa nào trước cái chết cũng huyễn hão. Giết người là không còn chính nghĩa. Sự biện minh dính máu người tự nó dối trá. Tự nhủ, thì giết người hay là người giết ta? Giết thế vì bản năng sống còn. Nói thế, thì cũng là ngụy biện. Không thể bảo là từ bản năng con người cứ bắt buộc đặt nhau vào cái thế một sống một chết. Thảm kịch giết lẫn nhau này đến từ những mỹ từ lổn nhổn. Như quốc gia, cộng sản, dân tộc, độc lập, cách mạng, giải phóng, tự do… Đằng sau những mỹ từ lấp ló toàn những tính toán quyền lực, so đo danh vọng của lũ chuột nhe răng hòa đàm ở những nơi không tiếng súng, sẵn xâm banh mở để ăn mừng một cuộc bắt tay lịch sử.

Comments are closed.