Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 272): Bể dâu – Nam Dao (9)

MÙA RỪNG ĐỘNG (9)

Cánh rừng khép lại nuốt chửng toán người cuối cùng. Chưa đầy trăm thước sau, khoảng trời biến mất, trên đầu nay chập chùng lá, từng lớp, từng lớp. Ngửa mặt nhìn, tầm mắt chẳng quá dăm thước cao. Quay đầu, lại cũng lá. Và dây leo dày dặc, đan chéo, xiên ngang, chọc thẳng. Thật may, con đường xuyên rừng đã có những toán đi trước phát quang. Ðó là toán gồm những kẻ còn sức. Toán cuối, một đám người sắp kiệt lực và hai cáng thương. Một trung tá Biệt Ðộng quân và người kia dân sự, hình như là một ông Quận Trưởng, nhưng không rõ ở đâu.

Bộ đội Bắc Việt tản mỏng quanh đoàn tù binh. Trong khu rừng này, dẫu tù có trốn cũng chỉ vài ngày sau đói là lại ra, lén lút nhập vào đoàn. Phần lớn tù trốn chẳng biết lối nào mà mò, cứ hướng đông đi, một ngày hai ngày mới biết loanh quanh xoay chân ốc trở lại điểm xuất phát. Không có la bàn, không một ánh sao, chỉ trượt một cái dốc là mất hết phương hướng giữa trùng trùng cây lá. Rừng ngút ngàn vây bủa, chưa kể đến thú dữ và đám trực thăng thỉnh thoảng đảo ngang đảo dọc. Xạ thủ thấy động là phóng rốc két, xả đại liên, chẳng phân biệt ta hay địch, bạn hay thù. Vì vậy, tù cũng sợ lộ hành tích như những kẻ giải tù, lộ là tất cả nếm mùi bom tọa độ từ trời tỏa xuống đánh vào những con người xương thịt mỏng manh.

Trong rừng, lá mục thoang thoảng mùi tanh những con cá sông vừa bị câu lên. Khí ẩm tinh quái len lỏi qua lớp vải kaki vốn đã dầy, nhưng vẫn thấm vào buốt đến thấu xương. Sau vài ngày, khí ẩm luồn lách đến những bắp thịt nhễu nhão, thình lình bị chuột rút, tê cứng, đau đến ná thở. Nhưng dẫu gì, cứ phải đi. Ông Quận Trưởng bị mất máu khá nhiều, bắt đầu mê sảng. Nhân đến gần một anh bộ đội, nói:

– Xin anh báo với cấp trên, người này có thể chết vì máu cứ tiếp tục chảy. Cứu, thì cần thuốc cầm máu.

Anh bộ đội không đáp. Anh ta trông rất trẻ, chỉ độ mười bảy, mười tám. Người nhỏ bé, anh xách khẩu AK kéo lệch một bên vai, báng súng lắm lúc quệt xuống mặt đất. Nhân lập lại. Anh bộ đội chẳng buồn quay lại, gióng không:

– Sắp đến chỗ nghỉ, lúc đó hẵng hay!

Hai giờ sau, đoàn tù binh ngừng chân. Một liên lạc viên chạy đi tìm chỉ huy. Trong khi tù ngồi nhai cơm sấy, anh liên lạc quay lại. Ðến trước mặc Nhân, anh ta cộc lốc:

– Không có thuốc gì cả!

Nhân ngoảnh lại, buồn rầu. Tay vuốt mắt cho người bị thương mất máu vừa chết, Nhân lẩm nhẩm, sống khôn chết thiêng, đưa mọi người đến đâu bình yên thì đưa.

Anh em tù được phát ba cái xẻng. Họ đào một cái lỗ sâu chưa đến một thước, dài thước tám, rộng độ năm mươi phân thì vừa vặn đến giờ lên đường. Vùi thây người bất hạnh, lại đi. Kẻ trước người sau như con rắn dài ngoẵng uốn mình giữa cây lá chằng chịt. Thỉnh thoảng ngước lên, trời thu nhỏ vào cái nia sàng thóc, mây xám xịt buổi chớm đông ẩn nhẫn lặng lờ bay như đi kèm đám bại binh lê chân trong rừng rậm.

Ði suốt đêm. Ði thế này, chắc là đã vượt biên giới vào địa phận Nam Lào. Ðến sáng, trời quang hơn. Đâu đó đôi ba người kiệt sức, ngồi thụp xuống, lưng dựa gốc cây, mắt nhắm nghiền. Bộ đội thét:

– Ðứng lên! Đi…

Cuối trời, những tiếng ì ầm trùng trùng điệp điệp từ đâu ập về dọa nạt. Lính biết B-52 đang vào trận, bom tọa độ rơi từng loạt. Hết đợt một, tay Trung tá Biệt Ðộng quân tên Thiệp bảo:

– Bom phía Ðông, cách chỗ này chừng hai mươi cây số.

Bộ đội giải tù binh nhớn nhác. Ðám liên lạc viên chạy lên chạy xuống. Mặt xám ngoét, anh bộ đội nhỏ người khoác AK lên vai, giọng cố trấn tĩnh:

– Yêu cầu hàng binh lên đường. Ðây là lệnh… Nào!

Có tiếng văng tục. Một người râu ria tua tủa đứng dậy:

– Hàng cái con cặc! Hết đạn thì thôi bắn… Ðù mẹ, hàng bây cái con cặc tau!

Tù binh lục đục đứng lên. Có tiếng can:

– Thôi đi Cao… Đù mẻ nó, hàng hay tù thì cũng zậy!

Ðoàn tù lại tiếp tục lê lết trong rừng khi đợt bom lần hai nghe chừng nhích dần về phía Tây. Nhân vẫn đi kèm cáng thương.

– Cứ đẹp trời thì bom. Thời tiết xấu thì thôi, lại có cơ sống. Thiệp gượng cười – …ông Tạo oái oăm thật!

Nhân ngẩng lên. Qua những tầng lá cọ, quả thật trời thoáng xanh. Dăm giọt nắng nhiễu xuống mặt đất trêu chọc. Nhìn Thiệp, Nhân đáp không đáp, chỉ mỉm cười.

*

Viện 203 bị bom. Ðợt một, bom vào kho D8, D12. Ðợt hai, Khoa Ngoại. Cách Khoa từ tám đến mười lăm cây số, kho thường là mục tiêu đánh phá đầu tiên của địch. Ngay đầu đợt một, Thiện đã ra lệnh cho cán bộ Khoa chuẩn bị. Ưu tiên, chuyển thương bệnh binh vào hầm. Thứ đến, phải bảo quản y cụ, thuốc men, và sửa soạn máy thông hơi để chống ngạt. Hầm chữ A sâu đưới mặt đất ba mét, cao vừa tầm cho một người đứng, chống bằng những thân cây to cỡ nửa bắp đùi. Nếu hầm ẩn vào lòng đất thì phải đục lỗ thông hơi. Chỉ có hầm giải phẫu và ban chỉ huy mới có trang bị máy phát điện và máy bơm không khí. Thiện tính nhẩm, có một trăm mười tám thương bệnh binh, thế thì đè lên nhau cũng chẳng đủ chỗ trong hầm Khoa Ngoại. Thiện bàn với Chung, y sĩ phụ tá cho mình. Cả hai quyết định những trường hợp bị thương nặng phải cáng vào hầm ngay, nhẹ đưa vào sau, hoặc chưa cần có thể để ở bên ngoài nếu tương đối an toàn. Công việc tải thương chưa xong thì bom đợt hai ập xuống. Ngồi co gối, mồm há, tay bịt lấy tai, Thiện có cảm tưởng mặt đất đang trôi đi, dập dềnh, chựng lại chao đảo như gặp vật cản, thình lình sụt xuống rồi lại trồi lên. Cứ thế cho đến khi B-52 bay đi. Nhưng tiếng bom ầm ầm vẫn nổ trong tai, không biết bao lâu mới lặng dần.

Kiểm tra sơ bộ, Khoa Ngoại lạc mất hai cán bộ, một là y công tên Hoan, và hai, Y- Then, người dân tộc trong tổ hậu cần. Thương bệnh binh chết ba, có thể vì sức ép của bom. Còn lại, tạm kể an toàn. Y cụ, thuốc men giữ được 95%, coi như không tổn thất vật chất. Thiện điện thoại cho Ban Lãnh Ðạo và đợi gọi họp toàn Viện với Ban Chỉ Huy Mặt Trận.

Xế chiều, Thiện đến Viện sau hai giờ đường rừng. Ðặc nhiệm Ban Chỉ Huy Mặt Trận tóm tắt:

Ðịch cố dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị, hiện Thủy Quân Lục Chiến địch từ phía đông đang đánh vào. Bộ đội ta nhất định tử thủ. Bệnh viện Dã Chiến Z29 sẽ chuyển thương binh về các Viện ‘‘hậu phương’’, số lượng có thể lên cả ngàn.

Dựng cờ là biểu tượng có tác động lên hòa đàm ở Paris. Thắng lợi sẽ đến, nhưng vùng vẫy trước phút cuối cùng, địch sẽ điên rồ phiêu lưu hơn. Nhằm giải tỏa sức ép ở Quảng Trị, chúng ta sẽ đẩy mạnh chiến dịch Tây Nguyên, có thể thừa cơ giáng một đòn chí tử.

Sau khi khẳng định theo thông lệ là Không có gì quí hơn Ðộc Lập, Tự Do, buổi kiểm điểm của Viện bắt đầu. Chính Ủy tên là Toán mới được cử vào lãnh đạo Viện ba tháng nay lược qua tình hình. Đến phần tổng kết, Toán phát biểu: ‘‘Chắc chắn biệt kích và thám báo ‘‘ngụy’’ đã cho tọa độ chính xác để B-52 bom. Viện một mặt phải di tản, mặt khác, sẽ tiếp nhận thương binh từ Bệnh Viện Dã Chiến 21. Các đồng chí phụ trách Khoa và khâu Hậu Cần phải gấp gáp triển khai công tác lập căn cứ mới. Tiết kiệm được một giờ, là bớt một giờ tốn thất, một giờ máu đổ. Bộ phận chỉ đạo sẽ chỉ định nhiệm vụ chính trị thêm sâu, thêm sát ’’.

Một buổi sáng mấy hôm sau, Chính Ủy Toán xuống Khoa gặp Thiện, khệnh khạng nói chung chung:

– … nói cho cùng, tổn thất cả vật chất lẫn nhân mạng thấp, tức là cả tập thể chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ Cách Mạng.

Thiện cười, giọng thật thà:

– Chúng tôi may, bị bom khoan ngay bên cạnh hầm bảo vệ cán bộ. Đồng chí biết, loại bom này đục sâu vào đất khoảng tám đến mười mét mới nổ. Nhưng không! Nó vào được năm mét và tịt. Các chị y tá sáng ra chỉ thấy ngay cạnh hầm một cái lỗ rộng như cái nia, tiếp tục đánh răng, làm vệ sinh, buổi trưa lại rủ nhau lên ngồi trên miệng lỗ, hát « Bác mến yêu đang cùng chúng cháu hành quân… », cứ như không có gì!

Toán giơ tay, ngắt:

– Đồng chí đề cập đến may mắn. Đúng, đó là một yếu tố giúp ta đạt thắng lợi. Nhưng còn một yếu tố khác, không kém quan trọng, thậm chí quan trọng hơn, đó là trí tuệ!

Ngưng nói cốt để tạo thêm sự chú ý, tay vỗ vai Thiện, Toán đổi giọng chân tình:

– Khoa Ngoại phấn đấu, xưa nay ai cũng biết là rất tốt. Nhưng có ưu, cũng có khuyết chứ, biện chứng mà! Là đồng chí, tôi thử nêu một gợi ý: khi chọn thương bệnh binh để tản vào hầm trú an toàn, Khoa ưu tiên thương bệnh binh bị nặng nhất. Xin hỏi, như thế, liệu Khoa có đóng góp tích cực cho chiến thắng của Cách Mạng không?

Tất cả cán bộ im lặng. Toán nhắc lại câu hỏi. Không thấy ai phát biểu, Toán chém tay vào không khí:

– Không! Tại sao không? Vì nhu cầu phục vụ chiến trường ở thời điểm hiện tại. Thương binh bị nặng không có khả năng tiếp tục vào lại ngay chiến trường để đóng góp cho chiến thắng cuối cùng đã cận kề. Ðồng chí Trưởng Khoa chắc nhất trí, rằng lẽ ra, phải để thương binh nhẹ ưu tiên an toàn, và chỉ sau một thời gian, họ sẽ có khả năng góp tay vào chiến thắng trên chiến trường. Trên chiến trường và chỉ ở chiến trường mới quyết định ai thắng ai, phải không các đồng chí?

Toán nhìn mọi người, đợi nhưng vẫn chẳng một ai nói gì. Thình lình, Chung giơ tay. Toán cười khuyến khích:

– Mời đồng chí phát biểu.

– Dạ, nếu tôi hiểu, thì Chính Ủy đề nghị thương binh bị nặng cứ để đó, chết cũng không quan trọng bằng ưu tiên cứu những thương binh có thể quay ngay lại chiến trường, có phải không ạ?

Toán nghe, có cảm tưởng kẻ đặt câu hỏi vừa chăng bẫy. Hình ảnh một con nhím bị kẹp chân dưới hố khiến Toán rùng mình. Kinh nghiệm dạy Toán là khi đó con nhím phải giương lông ra và trầm tĩnh đi những nước đôi, vừa thế này, vừa thế nọ. Toán nhếch mép, giọng kẻ cả:

– Ðồng chí nói, có cái đúng. Ðúng, là phải phục vụ chiến trường, không sợ gian nan, không ngại khốn khó. Nhưng có cái chưa thật đúng. Ðó là chuyện khi chưa tổn thất, thì tránh tổn thất, tránh với trí tuệ và tình yêu thương Cách Mạng. Tôi nói, ta bảo vệ các thương binh, vì họ đã cống hiến tính mạng họ cho Cách Mạng. Phải bảo vệ! Tôi không bao giờ nói không! Nhưng bảo vệ cách nào, ở mức độ nào? Với quan điểm nào? Chúng ta sẽ đào sâu ở cấp chi bộ, các đồng chí có đồng ý không?

Để chấm dứt cho nhanh, tiếng hô đồng ý ran lên. Toán quay nhìn Chung. Lấy giáng hể hả, Toán tiến đến, giơ tay bắt tay Chung, quay dặn Thiện lên ban Chỉ Huy Viện. Ðợi Toán bước ra khỏi căn hầm, Thiện nhìn Chung, nói nhỏ:

– Nói lắm, chỉ rách việc!

*

Vòng qua chân một ngọn núi, cây cối thưa dần. Ðoàn tù binh được lệnh dấn bước. Có kẻ đã lả đi vì đói. Vì kiệt sức. Ði vòng vèo, không một ai biết đây là đâu. Người đi cạnh Nhân, có lẽ thuộc binh chủng Mũ Đỏ, buột miệng « Nhẩy dù! Cố gắng! ». Trung tá Thiệp không nhịn được, bật lên cười.

Bộ đội tập hợp từng nhóm hai mươi tù binh, lần lượt đi vào trại K7. Trại gồm một số nhà lợp tạm, xung quanh rào dây thép gai. Ðến giờ cơm chiều, thấp thoáng khói bếp bay lên. Tù hít không khí, ngửng nhìn trời cao. Bây giờ, không còn ba tầng lá đan nhau chập chùng, mây phía xa lắc rám hồng sau một ngày có mặt trời đang khuất dần sau dãy núi sừng sững cuối tầm mắt. Thiệp ngóc cổ lên nhìn.

– Vẫn Trường Sơn. Có lẽ ta đang ở bên Lào, Thiệp rì rầm.

– Trại lộ thiên, Việt Cộng không sợ bom à? Cao thắc mắc.

– Vì bên Lào nên không sợ! Với lại, biệt kích và thám báo biết là trại tù binh, chẳng lẽ lại bom vào phe mình à? Thiệp cười, nhưng mặt nhăn lại vì đau.

Nhập trại, ai nấy ngạc nhiên. Có cả đàn bà, trẻ con. Họ là gia đình lính Tiểu Khu, lục đục theo chồng, theo cha bị vây bắt ở miệt Ðức Cơ. Bọn trẻ con ùa ra trố mắt nhìn rồi reo hò vỗ tay chỉ trỏ « …lính mình đó, lính mình đó ».

Tù binh mới nhập trại được tập trung nghe trại trưởng huấn thị. Ðó là một người tuổi trung niên, mắt đeo kính cận dày như ve chai, khi nói nhịp tay như một nhạc công đánh nhịp, và mỗi lần ngắt câu là nghiến rắng nuốt chữ nghe cho thật quyết liệt. Sau khi vòng vo giải nghĩa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thần thánh, trại trưởng để mười lăm phút nói về lượng khoan hồng của Cách Mạng và tinh thần hòa hợp hòa giải, mười lăm phút về kỷ luật trại. Đến phần kết luận, trại trưởng nói qua qui chế trại: tù binh được tiêu chuẩn 250 gam gạo, hai ký lô rưỡi khoai sắn, ‘‘chất tươi’’ thì phải lao động ‘‘tăng gia’’ với những đội canh tác trồng rau, trồng khoai. Anh tù râu ria hay văng tục tên Cao giơ tay cộc lốc:

– Ăn rứa thì chết đói!

Trại trưởng cau mặt, quát:

– Anh ‘‘ngụy’’ kia, anh có biết đó cũng là tiêu chuẩn của bộ đội chúng tôi không? Tay chỉ bộ đội bảo vệ canh tù đứng xung quanh, trại trưởng gằn – Ðấy! ăn như các anh cả đấy, lại phải chiến đấu giải phóng dân tộc! Các anh được đối đãi như vậy mà không biết điều! Từ nay về sau, tù binh phát biểu phải có trước có sau, có tình có lý!

Cao ngúc ngắc định cãi nhưng Nhân bóp tay ghìm lại. Lẩm bẩm văng tục, Cao giằng tay ra, mặt nghênh lên thách thức. Thiệp ngước nhìn Nhân, cười trêu ‘‘Ðúng là Quảng Nam hay cãi’’.

Sau đợt kiểm tra tù binh, Nhân là bác sĩ nên được phân công phụ trách y tế cho trại. Phần Thiệp, sĩ quan cấp bậc cao nhất trại, sẽ làm đại diện mỗi khi ‘‘tập thể’’ tù có việc liên lạc với trại trưởng. Còn lại, người ốm đau thì được miễn nhưng những người có sức đều vào cái tổ ‘’tăng gia’’, kẻ làm nương, kẻ phát rẫy, kẻ gieo trồng… Thỉnh thoảng, máy bay ì ầm trên cao. Dẫu trấn an lẫn nhau, nhưng thật chẳng một ai yên bụng. Ðội bảo vệ có công sự hầm hố chống bom, nhưng tù thì không, chỉ đầu trần, và mỗi lần nghe tiếng máy bay, đàn bà con gái rì rầm cầu Trời khấn Phật.

Bọn trẻ con gần hai chục đứa chẳng đứa nào biết sợ là gì. Chúng chỉ tay lên trời, lắng tai đố nhau loại máy bay gì bay ngang? B-52 hay B-57? Thần Sấm? Con Ma? Rồi cãi cọ chí chóe. Trong số đó, một con bé không bao giờ tham gia. Nó thường đến những trạm gác, ngồi xa xa, đầu gục xuống gối, im lặng. Ai hỏi gì, nó cũng mím môi, đáp ‘‘Không!’’. Riết, bọn trẻ đặt tên nó là ‘‘Nhỏ-không’’, trêu chọc đến khi nó òa lên khóc mới thôi. Đám Bảo vệ bênh nó, dậm dọa những đứa trẻ kia. ‘‘Nhỏ- không’’ tức tưởi, lại đến mô đất gần trạm canh ngồi một mình.

Một hôm, người ta khênh con bé vào lán cứu thương. Ðang làm rẫy, Nhân tức tốc về. Con bé mắt nhắm nghiền, mặt tái nghét. Nó lên cơn sốt, thân nhiệt lên 40 độ, môi khô rang, miệng thở khò khè, nhưng người lại run bần bật. Nhân lên trại trưởng xin thuốc sốt rét. Không có. Nửa ngày sau, cơn sốt không hạ. Trung tá Thiệp cho đi hỏi xem tù binh có ai có thuốc không. Người ta lắc đầu. Nhân lúc đó mới biết con bé chỉ một thân một mình. Cha nó đang bị giam ở K11, là một trong số cả chục trại tù rải rác quanh chân núi. Ðang lúng túng, Nhân nghe có tiếng chân. Một anh bảo vệ ló đầu rồi bước vội vào lán, miệng rì rầm ‘‘Tôi có thuốc!’’. Nhân quay lại. Anh ta nhìn chỉ độ mười sáu, mười bảy, tay đang chìa cho Nhân một vỉ có ba viên ký-nin vàng ệch. Ngồi thụp xuống, anh tay áp vào trán con bé, vẻ lo lắng. Anh ta kể, khi gia đình con bé bị bắt, cha nó giấu được một khẩu súng lục, rút súng bắn vào đầu vợ, rồi đầu đứa con còn ẵm ngửa. Con bé thét lên, cắm cổ chạy. Cha nó đuổi theo thì bảo vệ chặn lại, vật xuống lấy súng. Vừa chống cự, vừa thét ‘‘Tụi tau không muốn sống với bây, đồ Việt Cộng!’’, hắn bị giộng một báng súng vào ngực, té xỉu, và từ đó mang cái tên thằng ‘‘Ác ôn’’. Về đến K7, ‘‘Ác ôn’’ bị biệt giam, nhưng trốn ra. Hắn đi tìm con, và thình lình xông vào bóp cổ. Nghe con bé thét gọi, chính anh bảo vệ trẻ này chạy lại giằng tay ‘‘Ác ôn’’. Nhưng ‘‘Ác ôn’’ không nới tay, sau phải hai người nữa mới lôi được hắn ra, cứu mạng con bé. Ðêm hôm đó, ‘‘Ác ôn’’ thét cả đêm ‘’ Cho tau chết với con tau!’’. Rạng sáng, hắn cắn lưỡi tự tử, nhưng không chết. Bấy giờ, phải chuyển ‘‘Ác ôn’’ qua trại khác, nhưng con bé sợ quá hóa ra ngớ ngẩn. Tháng đầu á khẩu, nó chỉ lắc đầu. Tháng sau thì nó mím miệng, đáp ‘’không’’ bất kể ai hỏi chuyện gì.

Anh bảo vệ sau đó thỉnh thoảng vào lán thăm ‘‘Nhỏ-không’’, đem cho nó một cái lược làm bằng nhôm vỏ thân máy bay Mỹ. Con bé từ từ bình phục, chẳng hiểu vì vài viên ký ninh hay vì cái lược nhôm lúc nào nó cũng ngắm nghía rồi áp vào ngực, miệng mỉm cười. Buột miệng hỏi nó đã hết lạnh như mấy bữa trước chưa, Nhân thấy mình ngớ ngẩn, đợi nó nói ‘’không’’. Nhưng thật lạ, ‘‘Nhỏ-không’’ đáp ‘‘ Dạ, hết’’.

*

Men qua hố bom cắm xuống lòng đất một cái ao nước rỉ lên đỏ nhờn nhợt, Thiện leo lên cái dốc cao đến chóng mặt. Sườn núi bên kia, bộ đội bảo vệ cơ sở thỉnh thoảng chặn hỏi khẩu mật. Vừa đi, Thiện vừa tự hỏi, đã kiểm tra xong mọi tổn thất của Khoa Ngoại sau trận đánh bom, có việc gì mà Chính Ủy Toán phải điều Thiện và bí thư chi bộ Thành đến họp. Chậm bước, Thiện đợi Thành. Khi Thành theo kịp, Thiện hỏi. Thành đáp:

– Tôi hỏi qua điện thoại nhưng anh Toán bảo ‘‘mật’’.

– Chắc là có việc quan trọng.Việc thì vô số kể, đầy ra. Hai ngày để họp về những chuyện ba lăng nhăng thì…

– Chờ xem, Thành vừa thở vừa nói.

Hầm chỉ huy Bệnh Viện 203 đào sâu vào lòng núi. Thấp thoáng trong thân cây, những lòng súng AK chĩa ra. Biệt kích và thám báo của địch đã một lần nhảy dù xuống gần, từng phá hoại được một số kho thuốc, kho lương thực. Liên lạc viên ra đón. Thành và Thiện xuống hầm. Ðến phòng họp, Toán vui vẻ đứng lên giới thiệu, hai người mới biết có cả đồng chí Thiếu tướng Ð. chỉ huy Mặt Trận. Thiếu tướng Ð. phổ biến tình hình. Sau khi tổng hợp tin chiến trường ở mọi nơi, ông ta nói:

– Ta vẫn cố thủ cổ thành Quảng Trị. Ngụy khoe khoang là cắm được cờ, nhưng thật ra chỉ là dựng cảnh cắm cờ để thu hình nhằm mục đích tuyên truyền. Hội nghị Paris vẫn dằng dai, và khả năng Mỹ đánh bom trên toàn miền Bắc khá rõ. Hiện chúng đã bom Quảng Bình, Nghệ An và Thanh Hoá. Lệnh sửa soạn sơ tán khỏi Thủ Ðô và những tỉnh lớn được phổ biến. Chúng ta cảnh giác đối phó với địch đang ở đường cùng. Chúng điên cuồng đánh phá, nhưng ta nhất định giữ tinh thần Cách Mạng tiến công, chấp nhận tổn thất phải có, chiếm thế thượng phong ở Hội Nghị. Giá của hòa bình trả bằng máu, dẫu bao nhiêu cũng phải trả.

Sau đó, Ban Chỉ Huy điều nghiên kế hoạch di chuyển bệnh viện đến một địa điểm an toàn nhưng không xa chiến trường để sửa soạn tiếp nhận số thương binh chắc chắn sẽ tăng vọt. Vấn đề khó giải quyết là địa điểm những kho lương thực, thuốc men. Kho phải gần những tuyến tiếp vận bằng xe tải, lại đừng quá xa địa điểm bệnh viện. Di chuyển hàng bằng gùi trên lưng, mười, mười lăm cây số đường rừng cần hai ngày và khá nhiều nhân lực, kể cả những toán bảo vệ phải đi kèm để phòng trường hợp biệt kích ngụy tấn công. Chính Ủy Toán đề xuất một phương án khá táo bạo: đưa bệnh viện về giữa những trại tù binh. Toán trầm giọng:

– Dĩ nhiên ‘‘ngụy’’ biết trại tù binh ở đâu, vì thế sẽ không có nguy cơ bom ‘‘giải thảm’’ có thể giết những người đồng ngũ. Ngay như những kho hậu cần cho tù binh, ta biết địch cũng ít đánh phá. Tranh thủ di chuyển bệnh viện về đó, dùng kho của trại tù, xử dụng nhân lực tù để tăng gia ‘‘chất xanh’’, sẽ vừa an toàn vừa thuận lợi. Dĩ nhiên, càng bí mật càng hay!

Thiếu Tướng Ð. đồng tình và kết luận:

– Kế hoạch đồng chí Chính Ủy đề xuất là chui vào lòng địch và lợi dụng yếu tố tình cảm con người của địch để tăng sự an toàn cho ta. Ðúng là có một chút phiêu lưu, nhưng với tình hình chiến trường hiện nay, nó phù hợp và thực tế. Ban Chỉ Huy Mặt Trận nghiên cứu tăng viện bộ đội bảo vệ, đề phòng biệt kích ‘‘ngụy’’, và sẽ đánh nghi binh kéo chúng về một hướng chiến thuật khác!

Hội nghị tổng kết và chấp nhận đề xuất của Toán. Sau đấy, mọi người đến bắt tay Chính Ủy. Thiện nắm tay Toán vừa lắc vừa nghĩ bụng nếu ‘‘ngụy’’ mà như ‘‘ta’’, nghỉa là không yếu đuối và đừng ‘‘tình cảm con người’’, thì ‘‘ta’’ nguy to. Nhưng Thiện không nói gì. Toán vui vẻ dặn Thiện và Thành sau bữa ăn tối đến trao đổi về một vài vấn đề riêng tư của Khoa Ngoại.

Liên hoan với Chỉ Huy Mặt Trận xong, Thành và Thiện đến văn phòng Toán. Một cô cấp dưỡng tên Y Ban đến bầy lên bàn chai rượu Lúa Mới và một đĩa kẹo lạc. Ban người dân tộc, da đen hồng, cổ quấn chiếc khăn rằn thường thấy trong hàng ngũ chiến binh và du kích Giải Phóng Miền Nam. Toán rót rượu, đẩy đến trước mặt Thành và Thiện:

– Quà Hà Nội mới nhận được đấy, mời hai anh!

Với tay lấy một thỏi kẹo, Toán đưa cho Ban, giọng vui vẻ ‘‘Ðây! Phần đồng chí!’’ rồi xua tay ý bảo đi ra. Ðợi Ban kéo bức màn ngăn văn phòng với bên ngoài, Toán vào chuyện:

– Mình có thắc mắc là cái đám cưới của anh Chung và cô Mai, cả hai là y sĩ Khoa Ngoại. Trong tình hình chiến trường thế này mà chi bộ Ðảng lại đồng ý, thế là thế nào?

– Thưa anh, Chung và Mai đã biết nhau năm năm nay. Họ là những đồng chí rất tận tụy, tốt bụng và đều từng được bình bầu tiên tiến, Thành đáp.

– Nhưng còn chính sách ‘‘ba khoan’’, Toán ngắt. Chưa yêu thì khoan yêu. Yêu rồi thì khoan lấy… Ðảng viên mà không nghiêm chỉnh chấp hành chính sách Ðảng thì quần chúng nghĩ sao?

Thành lúng túng nhìn Thiện. Ngập ngừng, Thiện lên tiếng:

– Thưa anh, đúng là cơ quan chúng tôi cũng có khuyết điểm. Chi bộ cơ sở Khoa Ngoại cũng thảo luận mãi rồi mới ủng hộ nguyện vọng của anh Chung và chị Mai. Chính cũng vì dư luận quần chúng, chúng tôi mới đồng ý xây dựng chính thức cho anh chị ấy…

– Thế là thế nào? Nhìn Thành, Toán gặng.

– Thưa anh, chị Mai đã có mang hai tháng. Thế nên sợ người ta xì xào!

– A, thì ra thế! Yêu rồi thì khoan lấy. Lấy rồi thì khoan có con. Vậy tức là chưa lấy mà lại có con, nhảy qua hai cái khoan một lúc…Toán gần như quát lên, rượu Lúa Mới phun ra ướt mép – Đấy! Thế là ‘‘sung sướng trái phép’’!

Thiện nhẹ giọng:

– Thưa anh, con người cả! Họ yêu nhau mấy năm rồi, và họ đều rất nhiệt tình, không nề gian khổ…

Toán ngắt, tay chém vào không khí:

– Nhưng họ ‘‘sung sướng trái phép’’, đồng chí nghe ra chưa! Ðảng phải có thái độ, không thể chấp nhận tự do luyến ái đến mức sự đã rồi!

– Chi bộ cơ sở đều nhất trí, bây giờ không lẽ lại quay ngoắt lại hay sao! Nhất đây là lúc phải động viên để chuyển bệnh viện, một công việc khẩn trương và nặng nề, Thành kiên quyết. Có gì, anh cứ khiển trách một mình tôi. Theo đúng nguyên tắc…

Toán đứng phắt dậy, nhìn tròng trọc vào mắt Thành:

– Ðồng chí nói chuyện nguyên tắc dạy tôi phải không? Ðược! Nguyên tắc nhé: đồng chí không được đại diện chi bộ tham dự đám cưới, không phát biểu ‘‘Vui duyên mới chớ quên nhiệm vụ’’, và không cho phép liên hoan quá nửa giờ. Tình hình chiến trường rất khẩn trương là thế. Chúng ta ở đây để giành chiến thắng, chứ không phải để ‘‘sung sướng trái phép’’.

Quay sang Thiện, Toán gằn giọng:

– Ðồng chí cũng vậy, không nhân danh chủ nhiệm Khoa Ngoại tham dự đám cưới. Vỗ ngực, Toán tiếp – Cách Mạng cần những đảng viên bản lĩnh, linh hoạt chớ không chỉ vờ tận tụy để rồi lén lút yêu, lén lút sướng, và xin với Ðảng công khai hóa việc không chấp hành chính sách, các đồng chí hiểu chưa!

Họng đắng vị rượu hăng nồng nuốt vừa mới trôi qua cổ, Thiện cũng đứng dậy. Cố giữ giọng từ tốn, Thiện chậm rãi:

– Tôi xin cùng Ðảng ủy chi bộ Thành chịu trách nhiệm về việc đám cưới của anh Chung chị Mai. Họ đã cùng tôi công tác chiến trường năm năm nay, không hề sai trái, là những chiến sĩ một lòng với Ðảng, với dân. Về khuyết điểm yếu đuối của họ, chi bộ Ðảng đã phê bình họ trước khi nhất trí ủng hộ yêu cầu làm đám cưới. Tôi bảo lưu ý kiến này, và xin đồng chí cho ghi biên bản…

– A, được! Ðược! Nhìn Thiện, Toán gằn, còn cái phép của đồng chí, tôi giữ đây. Ðã sáu năm đồng chí chưa về thăm gia đình thì phải…

Thiện ngắt:

– Vâng. Nhưng tình hình chiến trường khiến tôi nghĩ lại. Cái phép đó, đồng chí cứ giữ lại, với sự đồng ý của bản thân tôi. Ðiều này, Thiện rành rọt từng chữ, cũng xin đồng chí ghi vào biên bản!

Comments are closed.