Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 273): Bể dâu – Nam Dao (10)

MÙA RỪNG ĐỘNG (10)

*

Tù binh được huy động đi đẵn tre, đốn cây, và phải chia một phần ‘‘chất xanh’’ cho nhu cầu bộ đội. Ít ngày sau, tù hiểu lính miền Bắc đang xây dựng cơ sở ở gần trại, nhưng không rõ với nhiệm vụ nào. Trại trưởng K7 tập hợp tù, thông báo những nơi quanh trại đã gài mìn, cấm không được lai vãng. Tù đồn ‘‘mình’’ đang thắng, Biệt Ðộng sẽ đến giải cứu. Vợ tù than, ‘‘đụng’’ thế này thì tù chết trước, mót khoai sắn giấu đi, lỡ có bề nào có cái mà ăn.

Tù có sức vóc phải đi đốn cây trên núi. Công việc do một toán bộ đội lạ mặt đến đôn đốc. Cây chắc hẳn dùng để xây công sự, đường kính càng lớn càng tốt, nhỏ cũng độ hai mươi phân là tối thiểu. Ðốn xong, cứ hai người tù khuân một thân cây dài dăm bẩy mét xuống chân núi, dồn thành đống và đến đêm xe tải sẽ chuyển đến một nơi bí mật. Khuân cây xuống núi không dễ. Dốc cao, kẻ đi trước phải bấm chân vào mặt đất toàn sỏi đá, đẩy cả người về phía sau để giữ thăng bằng. Kẻ đi sau ghì lại, thừng buộc thân cây vào lưng, trượt chân là kể như tuột xuống vực bên cạnh dốc. Ngày đầu, hai tai nạn, một người chết. Ngày thứ hai, một tai nạn, một người bị thương. Tù đề nghị không buộc thừng vào lưng, chỉ cột vào vai, lỡ mất thăng bằng thì để thừng tuột ra, mất cây nhưng không tổn thất người. Ðội trưởng toán đôn đốc chửi:

– Mẹ tụi ngụy, nhát như cáy. Cơm thừa sữa cặn của Ðế Quốc nên không biết làm, chỉ biết ăn!

Anh Đội trưởng này thấp bé, mắt ti hí, ngực ưỡn ra khi đi đứng, và cứ nhấp nhổm trên đầu ngón chân lấy thêm một vài phân chiều cao. Nhất định không chịu, anh quát tháo om xòm. Hôm đó, lại thêm một lần tai nạn. Trung tá Thiệp đại diện tù xin gặp Trại trưởng K7. Ông này cùng đi với Thiệp đến địa điểm đốn cây quan sát, đồng ý với tù và gặp anh Ðội trưởng đội đôn đốc thuyết phục. Nhưng anh ta không chịu nghe. Trại trưởng lắc đầu. Thiệp bảo: ‘‘Mai không ai đi, cứ ngồi ở sân…’’. Thấy vậy, anh Ðội trưởng đến, hả miệng ra thóa mạ, lệnh cho dăm anh đội viên lên đạn dọa nạt. Thiệp phản đối với Trại trưởng. Khi ông này can thiệp, anh Ðội trưởng đôn đốc sẵng:

– Ðồng chí không có quyền quản lý công tác của chúng tôi. Và để thị uy, anh nhìn tù binh, cao giọng – tụi ‘’ ngụy’’ bay liếm gót giày Ðế Quốc, phản bội nhân dân, không chửi bay sao được!

Tù binh ngồi lì ở sân. Cuối cùng, anh Ðội đành nhượng bộ, chấp nhận thôi không buộc thân cây vào lưng tù. Hậm hực, anh càng chửi, càng thóa mạ. Thiệp nhìn trại trưởng K7, hỏi:

– Làm nhục chúng tôi thế này có nằm trong qui ước tù binh Genève không?

Trại trưởng ngượng ngập, chỉ lập đi lập lại, việc đôn đốc không do trại quản lý và không có thẩm quyền can thiệp.

Cao và Nhân cùng trong một ê-kíp đốn và khuân cây. Tính khí cương cường, Cao nghe chửi mãi, bực tức thốt ‘‘Cha mi, Cách Mạng chi mà vậy’’. Một bữa, đến eo con dốc, Cao khụyu chân, kêu Nhân hạ đầu cây xuống. Lát sau, anh Ðội trưởng cũng đổ dốc. Vừa tới gần, anh la:

– ‘’ Ngụy’’, sao lại ngồi đó? Khuân cây đi chớ, cản đường như vầy thì ê-kíp sau nghẽn, là nghẽn hết! Cha tụi chây lười, đứng lên…

Cao đau , méo mặt than:

– Tui trặc chân, cán bộ!

Anh Đội trưởng quát:

– Đi, trặc chân cũng phải xuống!

Tối hôm đó, Nhân bóp dầu nóng vào cổ chân Cao sưng tấy lên, nghe Cao lầu bầu chửi nhỏ rồi khều Nhân, thầm thì ‘‘ Ðù mẻ… thằng chó! Nó chết bọn mình đỡ khổ, phải không Trung úy?’’.

Hai tuần sau, đến đúng cái eo dốc khi trước, Cao kêu ‘’ Trung úy, ngừng một lát’’. Ðặt khúc đầu thân cây xuống, Nhân hỏi:

– Lại trặc chân nữa hả?

Cao lắc đầu, bước về phía Nhân, mắt ánh lên sát khí của loại beo rình mồi trong cơn đói. Tay chỉ xuống vực, Cao dằn giọng:

– Rớt xuống là chết! Vậy mà thằng Ðội nó bắt tui trặc chân cũng phải khênh cây xuống bữa nọ. Nay trời quả báo, nó sẽ rớt xuống thế mạng tui. Chút nữa nó sẽ qua đây, đứng đúng chỗ này, và lại sẽ chửi như bữa trước… Trung úy thấy rồi, cái eo dốc này nhỏ xíu, tui quăng cái cây, tất nó lăn xuống vực. Tai nạn mà!

Nhân lặng người. Nhìn ánh mắt Cao, Nhân biết khó có thể cản được, miệng nhỏ nhẹ:

– Chắc thằng này ‘‘nhảy núi’’, muốn lập công, ‘‘biểu diễn lập trường’’ nên mới lộng ngôn như vậy. Phần tôi, tôi tha nó…

– Móc một hòn đá nhọn ra, Cao tiếp – Tui quăng cây rồi sẽ bò xuống vực, nếu nó chưa chết thì có cái này! Phần tui, tui cũng sây sát bị thương… Tai nạn mà! Còn Trung úy, bây giờ vô can. Sau này, Trung úy muốn khai tôi đã sắp đặt giết nó, là chuyện của Trung úy, muốn làm chi cứ làm. Tui thì nhục quá, chịu không nổi, nó không chết tui không sống… Vậy đó!

Ngồi lên tảng đá cạnh mé vực, Nhân nhìn xuống, cảm thấy mình nhỏ nhoi, bất lực trước một cái chết sắp đến. Ánh chiều đã chớm sắc tím nhuộm phớt thảo mộc một màu ảm đạm. Xa xa, là một cánh rừng hoa trắng, cánh mỏng, chắc chắn là hoa dại, có lẽ chưa có tên. Hoa hình búp, vươn lên rồi cong mình về hướng mặt trời, chao nghiêng trong gió núi lướt qua từng chặp. Những giải hoa trắng trải ra thành một bình nguyên, sinh động lạ thường, nổi lên chìm xuống như sóng cuộn, bềnh bồng trôi đi cho đến hết tầm mắt. Nhân ngậm ngùi, tay vẫy Cao:

– Nhìn đi! Ðẹp quá. Mong manh quá…

Cao cúi xuống. Thời gian bỗng đóng cứng vào những cánh rừng hoa nhấp nhô như biển sóng khiến có cái gì đó đang từ từ chiếm ngự thế gian, vượt lẽ vô thường, đẩy cả ý thức lẫn vô thức vào cái vĩnh cửu của chỉ một thoáng nhìn. Nhân bồi hồi, nước mắt ứa ra, ngơ ngẩn:

– Chẳng lẽ để máu người dính vào những cánh hoa trắng dưới kia ư? Có cách nào khác không?

Một đàn quạ đen ở đâu bay ngang. Nhân ngửng lên. Chúng không kêu, chao nghiêng đúng một vòng thì đập cánh vút lên trời. Cao nghe Nhân nói, ngỡ ngàng. Trong tầm mắt, cánh rừng hoa tỏa thứ ánh sáng lung linh phủ pha lê lên ráng chiều đẹp đến thôi miên người nhìn. Nhưng sao cái đẹp mong manh đến vậy? Cao thầm nghĩ, người chết, cái đẹp này sẽ biến đi, và thật đáng tiếc. Vô cùng đáng tiếc.

Anh Ðội trưởng đội đôn đốc đang lừ lừ đổ dốc. Thấy Nhân và Cao cạnh bờ vực ngẩn ngơ nhìn xuống, anh ta quen miệng quát:

– ‘‘Ngụy’’, làm chi rứa? Ai cho tụi bay ngừng ở đây, hả?

Cao đứng dậy, ủ rũ. Cái sát khí mới đây biến đâu mất. Cao bước về phía anh Ðội trưởng. Tay chỉ xuống vực, Cao nói từng chữ, giọng buồn buồn:

– Ðợi cán bộ ở đây, đúng chỗ này, tui quăng cái cây xuống vực cho cán bộ nhào theo. Nếu cán bộ chưa chết, Cao chìa cục đá nhọn, thì có cái này đập cho cán bộ vỡ óc. Nhưng thôi…

Anh Ðội trưởng cứng người ra, miệng lắp bắp, ‘‘…bộ tính giết tui hả?’’, câu chữ không xếp được thành lời. Nỗi sợ khiến anh không kìm được, nước đái chảy ròng ròng xuống hai ống quần. Thình lình, anh ta quì xuống vái, cây AK quẳng sang một bên, miệng rên rỉ ‘‘Lạy Trời!’’. Cao bước đến đầu thân cây, quấn thừng rồi làm hai vòng đưa vai vào, người đứng nâng thân cây lên. Không nhìn anh Ðội, Cao nói trống không:

– Hãy lạy những bông hoa trắng dưới vực. Ðúng! Không thể để hoa vấy máu người được!

Nhân cong người để khúc cuối thân cây lên vai, có cảm tưởng nó nhẹ hẳn đi. Hai người chập choạng từng bước xuống dốc.

*

Khoảng một tháng sau khi khởi công, Khoa Ngoại xây dựng gần xong cơ sở mới. Sau nhiều kinh nghiệm phổ biến, cơ sở theo sát những qui định chặt chẽ. Ðịa điểm, nằm khu trung tâm những trại tù binh nhưng vẫn ẩn dưới ba tầng cây, nắng trưa cũng không rọi sáng được một khoảng rộng hơn cái nia. Ở cạnh những con suối nhỏ, lán nọ cách lán kia ba mươi mét. Mỗi lán không ở quá sáu người, làm thấp hơn mặt đất và một ụ đất cao ngang đầu người bọc xung quanh để nhỡ bom nổ, có hất người lên cũng đỡ thương vong. Và nhất là những hầm chữ A để nấp khi bị oanh tạc. Vật liệu làm lán là tre, nứa. Tốn công nhất là việc lợp mái. Lần này, mái dùng lá ‘‘ trung quân’’, một loại lá dài, cứng, được ghép dọc theo những thanh nứa dài thành những tấm lợp. Sau là đến công đoạn xây hầm cho thương bệnh binh. Rồi các phòng: điều trị, mổ, hồi sức, thay băng. Cái lo cho mọi Khoa vẫn là lương thực. Vấn đề tổ chức chuyển những kho lương thực thuốc men về gần địa điểm mới của Viện trở thành sống còn. Từ địa điểm mới đến khu vực kho có gần cũng mất một, hai ngày đường vừa đi vừa về. Gạo phải gùi, trung bình ba mươi, ba mươi lăm ký lô mỗi người. Trong khi đó, ngày nào máy bay trinh sát OH-110 cũng vo ve ít nhất là một hai lần. Chung trực tiếp trách nhiệm chuyển kho, báo cáo vài ngày gần đây trực thăng bay hàng đoàn xung quanh. Có lẽ địch đã đánh hơi ta đang di động.

Ở sát nách những trại tù binh, không sợ B-52 rải thảm nhưng Viện vẫn có thể bị đánh bom lửa, bom bi, bom khoan. Ðể sửa soạn tình huống phải hoạt động dưới tầm hỏa lực, Khoa Ngoại xây dựng các kiểu hầm. Hầm mổ, hầm che thương binh, hầm dược liệu, hóa nghiệm. Tất cả khoảng ba mươi hầm và nhà. Thiện lệnh cho nhân viên tiếp tay với đội xây dựng, mỗi ngày thi công từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt. Tay cuốc tay xẻng, cán bộ, nhân viên cùng thanh niên xung phong vừa đào, vừa hát ‘‘ Mẹ vẫn đào hầm. Từ lúc tóc còn xanh. Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc. Mẹ vẫn đào hầm trong tầm đại bác…’’. Nhưng hát thì quên chứ không hết mệt. Mệt vì làm. Và mệt vì đói. Chờ đêm, mong ngủ cho quên ăn. Nhưng đói, rất khó ngủ.

Công tác chuyển kho bị địch phá. Trực thăng từng toán sáu chiếc bay sát những tàn cây rừng như những con quạ đói, thỉnh thoảng nhả vu vơ một tràng đại liên, dăm trái rốc-két. Bộ đội bảo vệ kho được lệnh không bắn nếu địch chưa thực sự phát hiện và tấn công kho. Khi trực thăng lượn trên đầu, súng nghếch nòng lên, nhưng tuyệt đối chỉ khai hỏa khi có lệnh. Những con mồi của bày quạ đen nép người vào công sự, đợi chúng đập cánh bay đi, lại tiếp tục cho vào gùi thuốc, bông băng, cồn, rồi dầu mỡ, muối… cho đến khi tối trời mới bắt đầu lên đường đi đến những địa điểm mới.

Trưa hôm ấy, không khí oi nồng đến ngạt thở. Chung đang đôn đốc công việc thì bộ đội bảo vệ kho báo động. Thoắt một cái, ai về vị trí nấy. Nâng AK lên vai, Chung nheo một mắt, ngắm và đợi. Tiếng cánh quạt trực thăng xua gió phành phạch xô giạt những tàu lá rừng. Lính Mỹ bi bô nói điện đàm nghe rõ mồn một. Ầm, ầm, chúng phun hai quả rốc-két. Anh Đội trưởng bảo vệ áp tai vào ống liên hợp, miệng nói ‘‘Chờ! Chúng nó bắn cầu âu!’’. Chung ngước lên. Tên lính Mỹ trần trùng trục nhô người ra khỏi cửa trực thăng. Chung thấy cả lông lá xồm xoàm trên ngực nó, lên cơ bẩm, mắt ngắm, tay để vào cò súng. Thình lình, hàng loạt rốc-két nổ. Tiếng đại liên ằng ặc từng tràng điên loạn. Từ xa, lửa bốc lên thành cột. Tiếng B-40 thì thụp. Anh Đội trưởng nói lớn ‘’ Các đồng chí! Sửa soạn. Kho 6 bị rồi!’’ Áp tai nghe lệnh, anh nhìn chiếc trực thăng xà xuống, thình lình đứng dậy quát ‘‘Bắn!’’. Chung bóp cò. Tên lính ngực lông lá chao người, tay cố níu thành cửa trực thăng đang lạng đi hẳn định bay lên cao. Nhưng đã quá muộn. Ðuôi trực thăng bị đạn B-40 phạt một góc khiến không còn giữ được thăng bằng, quật mình vào đám cây rừng rồi bốc cháy. Anh Đội trưởng hét ‘‘Bắt sống! Không được giết…’’.

Lính Mỹ giơ tay lên quá đầu, lênh khênh như thân cây dại lạc lõng trong khu rừng bốc lửa. Chúng tất cả bốn tên, bị sây sát xoàng. Tên thứ năm bị đạn ngã khỏi trực thăng, được cáng về. Chung rút dao cắt áo ngoài, nơi thẫm vết máu trước ngực. Ngoài vết đạn phá vỡ một phần lồng ngực, hắn còn gãy chân khi ngã từ trực thăng xuống. Vừa tiêm thuốc cầm máu, Chung vừa tự hỏi, mình bắn rồi bây giờ mình cứu hắn, thế có oái oăm không?

Phải di chuyển thật nhanh. Có thể Biệt Kích dù sẽ nhảy để giải cứu lính Mỹ. Không chần chờ, đội bảo vệ kho thúc tất cả lên đường. Lần này, phải cáng cả tên lính Mỹ bị thương. Anh đội trưởng nói, Chung dịch, giọng ngọng nghịu:

– Các anh là tù binh, sẽ được đối xử đúng qui chế.

Lính Mỹ như ngớ ngẩn, bảo gì làm nấy. Chúng nó cũng phải gùi như đám thanh niên xung phong đi dân công, vừa lách những bụi cây rừng vừa thở hồng hộc. Một thanh niên sấn đến trước mặt một tên lính cao lêu nghêu, chửi ‘‘Tổ cha mi, quân xâm lược!’’ Tên lính cười cười ‘’ my name is Bill Thompson, Captain of First Air Cavalry Division![1]’’ Anh thanh niên quay hỏi Chung ‘’ …nó nói gì đấy, đồng chí?’’.

*

Ngày đám cưới Chung và Mai, Thành vắng nhưng Thiện là chủ nhiệm cơ quan có mặt. Ðại diện cho toàn Khoa Ngoại và cả Chi bộ Ðảng, Thiện đứng lên chúc mừng đôi ‘‘uyên ương nơi tuyến lửa’’, cách nói của những chiến sĩ tiền phương. Mặc dầu Thành giữ kín lệnh Chính Ủy Toán đưa Mai ra chiến trường Quảng Trị, Chung cũng nghe phong phanh, nhưng không rõ hết sự tình. Thành báo cáo lên Toán rằng Mai bệnh để giữ lại, nhưng không thể cứ trì hoãn mãi. Khi Chung biết, Chung xin lên gặp Toán, xung phong ra chiến trường để Mai bụng mang dạ chửa phục vụ hậu phương. Toán không cho gặp, chỉ nhắn Chung đã được giao nhiệm vụ chuyển các kho lương, kho thuốc, phải ở lại.

Cặp vợ chồng trẻ chia tay nhau hai tuần sau ngày cưới. Mai dặn ‘‘ Ðảng bảo đâu, mình đi đó, nhưng em mong anh cũng như em, hết sức bình tâm, tránh dao động! Vả lại, tình hình này thì chiến tranh sắp chấm dứt rồi, anh đừng lo!’’. Thiện đến động viên và đưa cho Chung xem văn bản ý kiến của Khoa Ngoại đề đạt lên Ðảng ủy xin cho Mai tiếp tục công tác tại Khoa. Chung cắn răng chịu đựng, không nói, chỉ thở dài.

Mấy hôm nay, địch tăng hoạt động quanh vùng. Phản lực, trực thăng đánh ngày. B-52 đánh đêm. Chỉ có một khoảng thời gian xế chiều là tương đối an toàn. Tổ tải vận phát hiện hoạt động của địch, chia người thành nhóm nhỏ, đi ra kho lấy hàng rồi về thật nhanh, tránh những giờ oanh tạc. Ban Chỉ Huy báo địch thả bom trên vị trí những kho cũ rồi thả một trung đội biệt kích xuống đường rừng đặt mìn. Suốt đêm, hai chiếc C-130 vo ve trên trời thả pháo sáng. Sáng sớm, B-52 thả ba loạt bom tọa độ. Sau đó, hàng đàn phản lực và trực thăng đánh phá liên tục đường xe ô-tô. Việc chuyển gạo và thuốc men về những kho mới xây thế là tắc. Thiện giảm tiêu chuẩn gạo dành cho thương bệnh binh từ 650 gam xuống 400 gam. Cán bộ, nhân viên và thanh niên xung phong chỉ còn 200 gam, khoai và sắn thì xin trại tù cung cấp phụ vào.

Chiến sự càng ngày càng khốc liệt. Nixon quyết định tái oanh tạc miền Bắc. Ðêm đêm, khi chui vào hầm, Thiện dán tai vào đài bán dẫn, nghe tin từ phát thanh Hà Nội. Bom tọa độ rơi khắp nơi. Sau Quảng Bình, Nghệ An tới Thái Bình, Nam Ðịnh. Ðê sông Hồng bị uy hiếp, cảng Hải Phòng bị phong tỏa. Tháng 9 năm 1972, thương binh từ mặt trận Quảng Trị cáng về hàng ngàn. Khoa Ngoại nay phải chữa chạy cho 431 người nặng nhẹ khác nhau, được bổ xung một đội y tá mới vào chiến trường. Một cô, tuổi chắc chỉ mười bảy, mười tám, thấy máu me ré lên khóc. Thế là đám y tá xúm lại, sụt sịt rồi không kìm được, cùng nhau khóc ran chen giọng vào bản hòa tấu bi tráng của bom đạn.

Căn cứ Khoa Ngoại bị pháo liên tục đã hai ngày ba đêm. Những trường hợp phải mổ cấp tốc có đến ba, bốn chục ca mỗi ngày. Thiện phân công nhiệm vụ cho bốn bác sĩ, năm y sĩ và hai chục y tá tập hợp thành bốn ê-kíp, mỗi ê-kíp chuyên về một khâu phẫu thuật. Nói chuyên, nhưng thật ra, bác sĩ mắt cũng phải vá phổi. Bác sĩ tai mũi họng cũng cưa chân, xẻ tay. Trong hầm mổ, máy điện và máy cung cấp dưỡng khí chạy, tiếng rè rè đều đặn như cầu kinh tụng niệm. Cồn diệt trùng gần hết, bông băng cũng thế. Ðành nấu nước sôi lên thay. Bông băng đem giặt, hong cho khô để dùng lại. Chung nay đã quay về Khoa, hốt hoảng:

– Báo cáo anh, thuốc gây mê sắp hết! Làm ăn thế nào bây giờ?

Thiện rùng mình, ngước lên. Bóng Chung mờ mờ ảo ảo đung đưa. Thiện giụi mắt. Sau hàng tháng ngủ một đêm ba giờ, ngày giải phẫu chục lần, thị lực của Thiện xuống đến mức tự mình không khâu lại được những vết mổ. Thiện lắc đầu:

– Chịu! Anh báo về Chỉ Huy Viện xin cung cấp tức thời. Hôm nay tập trung vào những ca nhẹ, và dùng thuốc tê, trừ trường hợp không mổ thì chết ngay!

Đoàn tải thương ở phía Ðông vừa đưa thương binh vào, kỳ này bảy mươi tám người. Thiện làm kiểm tra sơ khởi. Số bị nặng là hai mươi bảy. Người bị đạn vào ngực. Kẻ vào bụng. Một người, chân từ đùi trở xuống sưng to như chân voi, mủ loe loét thấm vào những vòng băng cuốn, mặt xanh nhợt, mắt nhắm nghiền. Tiếng rên rỉ kêu đau cất lên. Tiếng chửi. Chửi trời. Chửi đất. Chửi Mỹ đế quốc. Chửi ngụy. Rồi chửi cả ông bà, cha mẹ. Tính nhẩm, Thiện biết phải xin tăng viện, chẳng những thuốc men mà còn cả người. Lại điện thoại về Chỉ Huy Viện. Ðầu dây bên kia, vẫn lại hứa sẽ cố gắng. Chung gọi cho Trại trưởng tù binh K7, hỏi xem có giúp gì được. Anh ta báo trại có một bác sĩ và hai y tá ‘’ ngụy’’. Thiện bảo:

– Cậu xin cho họ qua đây! Thêm tay thêm chân, nếu không, chẳng cách nào ta kham cho nổi!

– Mình chưa có phép. Phải xin lên Chính Ủy viên!

– Ðược! Mình sẽ xin. Bây giờ, cứ xin họ qua ngay!

*

Ra đến cổng trại, Nhân thấy ‘‘Nhỏ không’’ đứng đợi, đưa bàn tay nhỏ xíu ra vẫy vẫy. Từ ngày được Nhân săn sóc, nó thỉnh thoảng sán đến gần tròn mắt nhìn Nhân mỉm cười. Liên lạc dẫn đường cắm cúi bước. Ði khoảng hai tiếng đường vòng qua những hố bom chi chít, Nhân và hai y tá đến địa điểm Khoa Ngoại vào lúc xế trưa. Khi đó, Thiện vừa mổ xong một ca khó. Thương binh bị vết thương động mạnh dưới xương đòn, phải mở lồng ngực thắt lại. Thiện bước khỏi phòng mổ, chào ba người tù binh và nói ngay:

– Chúng tôi mong các anh giúp sức vì không đủ nhân sự phục vụ cho nhu cầu thương binh. Nhưng chúng tôi không dám ép, để các anh tùy nghi!

Nhân nhìn Thiện. Người vừa tầm nhưng chắc nịch, Thiện lắc lư mái tóc đã chớm bạc, răng đen sỉn khói thuốc, miệng nhếch lên cười khi dứt tiếng. Hai y tá nhìn Nhân. Chậm rãi, Nhân đáp:

– Nếu từ chối, chúng tôi đã không đi. Ðến đây, chúng tôi sẽ làm trong khả năng có được của mình. Tuy hai chiến tuyến, nhưng vẫn có một cái chung, là con người!

Thiện tiến về phía Nhân, đưa tay ra bắt. Cái nắm tay của Thiện khiến Nhân bớt hẳn nghi ngại. Thiện hỏi Nhân về kinh nghiệm nghiệp vụ, và yêu cầu Nhân giúp khâu phẫu thuật. Nhìn Nhân, Thiện ngần ngại:

– Các anh muốn, chúng tôi xin cung cấp quần áo… như chúng tôi. Ăn mặc như thế, bớt vấn đề với cán bộ, bệnh nhân!

Nhân từ chối, giọng ôn hòa:

– Chúng tôi không muốn giả trang. Nhưng có một yêu cầu…

Thiện ngước mắt, chờ đợi. Nhân từ tốn:

– Các anh đừng bao giờ gọi chúng tôi là ‘‘ngụy’’!

Nhân được phân công những ca mổ không phức tạp lắm. Chung là y sĩ chính, thường cùng Nhân xem xét những tấm X-quang và cùng quyết định phương án giải phẫu. Học xong cấp 3, Chung được đào tạo hai năm, kiến thức y học ở mức căn bản nhưng dày dạn kinh nghiệm. Chỉ khi thật cần, Thiện mới trực tiếp đến hội chẩn. Ra Đại học Quân Y từ khi còn kháng chiến trên Việt Bắc, Thiện được bổ túc ở Cộng Hòa Dân Chủ Ðức sau khi hòa bình lập lại, từng là giảng viên ở Ðại Học Y Hà Nội. Nay, mắt Thiện kém, lắm khi phải thay hai, ba lần kính khi làm phẫu thuật. Sinh hoạt ở Khoa rất căng. Sáng, một bát cơm độn sắn rồi đi thăm thương bệnh binh mới nhập. Sau đó, theo dõi thương binh bị nặng, hội chẩn và xuống hầm mổ. Với trách nhiệm chủ nhiệm Khoa, Thiện phải theo dõi khâu X-quang, Hóa nghiệm và Dược. Ngoài ra, Thiện cũng trách nhiệm việc điều động tổ chức các tổ tải vận, tổ ‘‘tăng gia’’, trong đó tổ ‘‘săn’’ để bồi dưỡng ‘‘chất đạm’’ rất quan trọng.

Săn thú rừng, khó. Nhưng gay hơn là làm sao đưa thú về cho đơn vị mà thịt còn tươi. Nếu thú là loại nhỏ như con cheo, con vượn thì còn có thể gùi thẳng về. Nhưng nếu thú là loại to như nai, lợn rừng… thì phải quay về báo, rồi dẫn đường cho toán tải vận vào rừng chặt thịt, chia nhau gùi về. Thịt muốn không ôi, phải sấy, nhưng sấy thì cần đốt lửa. Lửa đốt cao, sợ địch tới đánh. Ðể tránh chết vì miếng ăn, chỉ còn cách dùng điện thoại. Nhưng điện thoại chỉ được dùng như đường dây thông tin trong công tác chỉ huy chiến trường. Vì thế, phải báo ‘‘chui’’, nói mật hiệu. Ðêm qua, tổ trưởng tổ ‘‘săn’’ gọi, báo ‘‘năm gùi hàng cần lấy gấp’’. Như vậy, cần năm người đi lấy, được hai con nai. Khi chia nhau, thương binh lẫn nhân viên mỗi người bình quân chưa được một lạng thịt. Chỉ có thế, cả Khoa đã reo lên hồ hởi.

Nhưng cũng đêm hôm đó, Chỉ Huy sở báo tin một tên có khả năng là thám báo địch trà trộn vào thương bệnh binh vừa mới trốn. Nó khai là thường dân ở Ðức Cảnh, mông bị đạn 20 ly phạt một mảng, được bộ đội cáng về. Sau hai tuần chữa chạy, nó đã bắt đầu đi lại được, lộ một số cung cách khả nghi, rồi biệt tăm. Chính ủy Toán điện cho từng Khoa cảnh báo, điều động đội bảo vệ phân ra ba hướng đi truy lùng ngay trong đêm. Sáng ra, hai chiến sĩ bảo vệ cáng một người bị thương vào Khoa Ngoại. Thiện nhận ra, ngạc nhiên đến sững sờ. Người bị thương là cô bé tên Y Ban, nhân viên cấp dưỡng phục vụ ban Chỉ Huy Viện, Thiện đã gặp cách đây hai tháng.

*

Sáng tinh mơ, Nhân vừa đụng đũa vào bát cơm độn sắn, Thiện đã đến với vẻ mặt khẩn trương. Thiện dặn Nhân ăn sáng xong thì vào ngay hầm mổ. Hầm đào sâu, chia làm ba phòng, trang bị một máy điện chạy bằng dầu và máy hút hơi không khí. Khi Nhân đến, cuộc hội chẩn có thêm một bác sĩ chuyên gây mê đã bắt đầu. Thương binh là một chiến sĩ bị bom đánh dập đùi ở Quảng Trị. Ðội tải thương chuyển anh qua sông Thạch Hãn, bị máy bay bom và trực thăng truy kích, mất đến năm ngày mới vượt núi đưa đến viện 203. Mặc dầu chân đã sưng tấy, lại phải mất thêm ba ngày thương binh mới vào Khoa Ngoại. Thiện ước đoán giải phẫu phải ít là ba giờ, nhưng không dám làm ngay vì Khoa đã hết thuốc gây mê. Lại đợi thêm một ngày, chờ thuốc tăng viện. Sáng nay, thương binh bắt đầu hôn mê.

Thiện biết cách duy nhất cứu mạng anh thương binh là cưa cái chân thương tích. Và cưa ngay vì để lâu máu nhiễm độc. Bác sĩ chuyên gây mê lắc đầu ngần ngại. Hiện Khoa Ngoại chỉ còn thuốc tê. Ðành tiêm, và chọn những chỗ tác động trực tiếp từ nơi mổ đến hệ thần kinh, hy vọng giảm được đau đớn. Thiện phân công cho Nhân, Chung và ba cô y tá. Trước tiên phải buộc thật chặt anh thương binh, phòng trường hợp cơ thể phản ứng giãy giụa không kiểm soát được. Tiêm thuốc trợ tim rồi sợ anh ta cắn vào lưỡi, nhét băng vào miệng và sẵn sàng chụp ống oxy vào mũi. Và nhất là giải phẫu thế nào cho thật nhanh, sau sẽ tiếp máu ngay.

Nhân tiến đến cạnh anh thương binh. Dây buộc anh vào giường mổ như bó giò khó cựa quậy được. Mắt nhắm nghiền, anh ta thở ra từng chập rồi hít vào khó nhọc. Mùi thịt lở thối hăng sực vào mũi đến lợm giọng. Thiện mím môi, kính trễ xuống mũi, hai tay giơ ra. Một y tá bưng khay dao kéo đủ loại xếp theo một thứ vị định sẵn đến bên cạnh. Trước khi mổ, Thiện nhìn Chung và Nhân, khẽ gật đầu.

Bây giờ, phải quên con người dưới lưỡi dao phẫu là da là thịt. Phải gạt sự đau đớn xác thân qua một bên, đổi lại là nhanh tay, càng nhanh càng tốt. Ðộng mạnh lớn trên đùi rạch ra, buộc ngay lại. Máu tung toé. Anh thương binh rướn mình lên, rú tên ai đó. Nhân cầm dao cưa, đưa ngang, rồi mạnh tay nhấn xuống, đưa qua kéo lại. Tự nhiên, Nhân thấy đùi chính mình đau nhói. Cố lên. Lại cưa. Phải tiếp tục. Chao ôi, sao đùi tôi đau thế này? Nhân nghiến răng, mắt mờ đi, tay vẫn một động tác, nhưng khả năng ý thức cứ lùi dần vào một mảng tối mơ hồ. Ai đứng đó nhìn mình hả. Một ông cụ lạ mặt, tay phải chống một cây gậy, tay trái rũ xuống, đang chăm chú nhìn, miệng mấp máy một điều gì nghe không thành tiếng. Nhân hả họng như hớp không khí. Tiếng Thiện văng vẳng. Phải tiếp tục, dẫu đứng chỉ một chân, chân kia hững đi như tuột vào một nơi không còn trọng lượng. Đầu Nhân mụ dần, và lúc lưỡi dao cưa xuống như không còn gì cản lại nữa thì Nhân chao người, lơ mơ nghe ai đó gọi ‘‘Bác sĩ Nhân, bác sĩ Nhân!’’.

Khi Nhân mở mắt, Chung đứng bên cạnh. Thiện đã tiêm cho Nhân một lượng thuốc hồi sinh. Miệng đắng chát, Nhân hỏi:

– Thế nào?

– Giải phẫu tốt! Xong rồi… Anh thương binh thoát chết, chỉ mất một chân, Chung đáp.

Nhân mỉm cười. Không hiểu thế nào, chân Nhân tê tê. Chàng cựa quậy, tay đưa xuống. Không! Chân mình vẫn còn đây. Nhắm mắt lại, Nhân mường tượng lại ông già lạ mặt chống gậy, hỏi Chung. Ngạc nhiên, Chung đáp:

– Làm gì có ông cụ nào vào hầm phẫu. Chắc bác sĩ hoa mắt đấy…

– Vâng, chắc vậy!

Nói xong, Nhân lại thiếp đi. Trong giấc ngủ mê muội, Nhân nghe văng vẳng tiếng anh thương binh rú gọi tên một người, nhưng lại tưởng ra khuôn mặt Dao Ánh đẫm nước mắt cạnh bụi hoa Tuyệt Tình, tay bị gai đâm, máu ròng ròng ứa ra nhiễu thành giọt.


[1] Tên tôi là Bill Thompson, Đại Úy Sư Đoàn Kỵ Binh 1…

Comments are closed.