Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 275): Bể dâu – Nam Dao (12)

MÙA RỪNG ĐỘNG (12)

XÁC KÉN

Bên kia sông, là nơi chôn nhau cắt rốn. Nếu đi từ đây đến nơi có chiếc cầu vắt ngang, chắc phải đến ba cây số. Bến đò ngày xưa, chỉ cách đây độ trăm thước. Vỗ vào chiếc nạng, Dân thầm nhủ, thôi thì đi đò. Tiếng lộc cộc đều đặn gõ xuống con đường đất nện ven con sông hiu hắt vàng nắng cuối ngày. Dò dẫm từng bước xuống bến, Dân vào cái quán cạnh bờ, gọi một bát nước chè xanh. Bà cụ mắt lèm nhèm ngước lên, toét miệng ra cười. Tay rót nước, bà thân mật:

– Lại phục viên! Ấy, sống được là may. Ðẩy bát nước về phía Dân, bà mở chạn lấy một thỏi kẹo lạc chìa ra – Tôi biếu!

Thấy Dân ngần ngừ, bà thật thà:

– Các anh xả thân cứu nước, mà lại chẳng có gì khao công…

Dân cười, lòng cảm động. Sau Hiệp Ðịnh Paris, Dân được chuyển từ bệnh viện 203 ở biên giới Lào vào khu an toàn để dưỡng thương. Y tá đo đạc để thợ thửa cho Dân một cặp nạng. Lần đầu, Dân ứa nước mắt, nhìn cái chân chỉ còn phần từ nửa đùi trở lên. Cô y công vỗ vỗ vào chiếc nạng, cố vui giọng, anh đi quen, nhiều khi còn nhanh hơn cả người lành. Đến khi đi lại được thì bệnh viện đưa Dân về Txê-pôn bên Lào đợi hồi hương.

Thương phế binh lên một giẫy cam-nhông ngồi như cá mòi, kẻ hớn hở, người lo âu. Ngồi cạnh Dân, anh bộ đội cụt hai chân và một tay, vừa khóc vừa gầm gừ ‘‘Tiên sư cha đời, thà chết mẹ nó đi! ’’. Anh rên hừ hừ, cứ thế lẩm bẩm suốt chặng đường mất gần một ngày mới vào địa phận Nghệ An. Dân an ủi, bảo sống khó, chết thì dễ thôi! Anh ta đáp, mắt đỏ lên ‘‘ Còn có một tay, miệng cắn thì rút được kíp lựu đạn, nhưng có đâu nữa mà rút!’’. Người ngồi bên phía phải độc miệng ‘‘ Có răng, cắn lưỡi được!’’ . ‘‘ Sợ nhất là gặp lại vợ… ’’, anh phế binh lại nấc lên, giọng đứt quãng ‘‘ Vợ thì mới đôi mươi. Tiên sư cha đời!’’.

Trên đường về, đến đâu có dân là có tiếng reo hò. Mỗi khi xe ngừng, người ta đổ vào vây quanh, kẻ cho nước, kẻ mang hoa quả giúi vào tay bộ đội, miệng suỵt soạt những lời mừng, lời chúc. Có lúc nước mắt ứa ra, Dân bỗng cảm thấy sự hy sinh của mình và của những người đồng đội không phải là không có ý nghĩa. Xe qua Thanh Hóa, vào Ninh Bình. Nơi nào cũng chăng bảng chào mừng, chữ kẻ chói đỏ, chào mừng dũng sĩ diệt Mỹ. Dũng sĩ thương phế, thân thể không khác gì quốc lộ 1, chỗ bom trốc lên, chỗ bom khoan xuống, lồi lõm tang thương. Đoàn xe chạy như những con trâu lừ đừ, lúc chúi xuống, lúc xốc lên chồm về phía trước như chực phát rồ. Hai bên lộ, nơi bom đào thành hố nước phun lên chỗ đỏ ối chỗ đen xì, váng đóng trên mặt óng ánh dưới nắng chang chang.

Dũng sĩ ở địa phương nào thì về đó. Khi xe đến Nam Ðịnh, chỗ ngồi thoải mái, không cứ lèn vào nhau như cá mòi. Dân chợt nhớ đến Thắm, lòng se thắt lại. Chàng quay hỏi người ngồi cạnh ‘‘ Ý Yên ở phía nào hả anh?’’. Người đó chỉ tay, không nói gì. Dân nhổm lên. Người đó lại bảo ‘‘Chẳng thấy được đâu! Ðây vào đến Ý Yên, ít thì cũng ba mươi cây số’’. Dân ngồi xuống, người hững đi, mắt rưng rưng. Thắm nay ở đâu? Sống hay chết? Dẫu ký Hiệp Ðịnh, nhưng quân chỗ nào đóng chỗ ấy, thậm chí có những nơi bộ đội được lệnh phải tiếp tục lấn chiếm. Thế thì ai cho Thắm về? Chỗ nào khó, có thanh niên. Chỗ khó, hẳn cái chết dễ như lật ngửa một bàn tay. Dân nhìn cái chân cụt, ống quần duỗi xuống bất lực. Chàng van xin ‘‘Ðừng chết Thắm ơi!’’. Và bất ngờ, một ý nghĩ thoáng qua cứa não bộ như một lưỡi dao cùn. Chàng thầm mong nếu sống Thắm cũng tật nguyền như chàng. Có thế, nàng sẽ không phụ rẫy. Nghĩ rồi Dân đau đớn, hỏi Trời ơi, làm sao con người có thể thấp hèn đến độ mong cho người yêu què cụt? Dân đưa tay che mặt như cố giấu nỗi đớn nhục với chính mình.

Bà cụ bán quán rót thêm nước cho Dân, ê a kể, thằng cháu trai độc nhất đi B viết thư báo chưa được về. Dân an ủi ‘’Chưa về, nhưng thế là sống bà ạ! ’’. Mắt nhìn về phía con đò bờ bên kia đang chuyển động, Dân chống nạng đứng lên, lòng khấp khởi. Dăm phút sau, đò cập bến, đổ lên ba người đàn bà. Một người nhìn sững Dân rồi buột miệng rú lên:

– Ối, anh Dân đây này. Chạy lại níu tay Dân, người ấy hỏi – anh có nhận ra em không?

Dân nhìn, ngờ ngợ.

– Em là Duyên, em anh Thành đây!

À, thì ra thế. Thành kém Dân một tuổi nhưng đi nghĩa vụ trước Dân một năm. Ðám trẻ trong làng gọi là Thành ‘‘cối xay ’’ vì gia đình Thành phụ trách khâu xay gạo trong Hợp tác xã. Trong những ngày đói kém, chính Thành đã nhặt những hạt gạo sót trong cối, gom góp được nắm nào là giấu đưa cho Dân nắm ấy. Duyên tíu tít:

– Anh Thành nhà em về được hơn một năm rồi. Nhìn xuống chân Dân, Duyên tiếp, giọng bùi ngùi – anh ấy thì mất một tay, anh ạ!

Dân vội vã:

– Bà tôi. Duyên biết chứ, bà tôi nay ra sao?

Câu trả lời dẫu lí nhí của Duyên tác động chẳng kém gì bom đạn chiến trường. Dân choáng váng, chiếc nạng văng ra. Chàng ngã dập mặt xuống ven sông. Mắt nhìn mây trời trên dòng nước vỡ trôi theo đám lục bình dập dờ, Dân thảng thốt hỏi đi hỏi lại rồi lảm nhảm:

– Hả… Thật hả, trời ơi!

*

Con đò chở Dân sang sông. Duyên bỏ công việc đi kèm. Ông lão chèo đò đứng cuối mũi cong người đẩy mái chèo, chân chống vào thành đò, mắt nhìn Dân đăm chiêu. Mỗi lần có thương binh, ông không bắt đợi, chèo ngay qua sông, hiểu cái háo hức bồn chồn của những người trở về. Nhưng lần này, lúc ông giúp Duyên dìu Dân xuống đò, ông nghe Duyên thì thào vào tai, khẽ thở ra, rồi uể oải cắm sào đẩy đò xa bờ nước. Im như thóc, ông chẳng buồn nói những câu vè xã đội phổ biến cho dân kiểu ‘‘chào anh chiến sĩ vinh quang . Đánh thẳng Mỹ cút, đánh ngang Ngụy nhào ’’. Dân dựa lưng vào thành đò, hai tay ôm lấy mặt, đầu gục xuống gối. Ðầu óc chàng lùng bùng ở trạng thái không biết mình mơ hay tỉnh. Nhắm mắt, sự trống rỗng ban đầu như hạt đỗ, lát sau to dần rồi mở ra hoang hoác, cứ mỗi lúc mỗi mênh mang. Cho đến khi sự trống vắng vượt quá tầm chân trời thì nước mắt Dân trào ra thứ mưa tầm tã đầu một mùa úng nước.

Ðò cặp bến. Hai đứa bé vắt vẻo trên mình trâu nhìn xuống. Duyên đỡ Dân, vai quàng chiếc ba-lô, chập choạng lên trước. Con đò tròng trành. Ông lão chèo đò vẫn im lặng. Một đứa bé thấy Dân kẹp vào nách cặp nạng, hò lên ‘‘Dũng sĩ diệt Mỹ!’’. Ðứa kia chạy biến đi. Dân không cất lời, cắm cúi khập khiễng theo chân Duyên, tiếng nạng gõ vào mặt đường đất nện nặng chình chịch. Chàng chẳng buồn nhìn quanh, miệng nuốt những tiếng ừng ực xuống bụng, răng cắn lại. ‘‘Dũng sĩ…’’, đứa bé chỉ trỏ. ‘‘Hoan hô anh hùng chống Mỹ cứu nước!’’, đám trẻ con không biết thế nào đã ùn ùn kéo tới. Lát sau, một số dân quân tự vệ cũng ào ra, đi đầu là Kiên, người phụ trách Thường Vụ của Uỷ Ban xã.

– Xin chào mừng đồng chí hồi hương! Tay chìa ra, Kiên tiếp – Mời đồng chí lên ngay Ủy Ban để làm thủ tục. Xã ta vẫn chưa được thông báo, đồng chí thông cảm.

Lòng nát dạ tan, Dân chưa biết nói gì thì một người ở đâu xồ đến, miệng reo:

– Dân hả? Thành đây, có nhận ra tao không?

Nhìn lên, Dân khẽ gật. Ðồng chí Thường Vụ Kiên cũng chạc tuổi Thành, lại lập lại yêu cầu. Duyên nhỏ nhẹ:

– Anh ấy mệt lắm, sao không để thư thả…

– Không, không được. Cứ phải thủ tục cái đã!

Gạt nhẹ Kiên ra, Thành nắm lấy cánh tay Dân, giọng ngậm ngùi:

– Tưởng là chẳng bao giờ thấy nhau nữa! Quay nhìn Kiên, Thành tiếp – Anh ấy cụt một chân, chạy đâu được mà phải vội trình diện!

Một đám bộ đội phục viên đến vây quanh Dân. Họ vẫn mặc áo lính xanh rêu. Cả kẻ cụt chân, cụt tay lẫn người còn lành lặn đều hớn hở. Cả bọn đưa Dân trên con đường đi về nhà, mặc cho Kiên và dăm ba dân quân tự vệ đứng ngơ ngác một lúc rồi cũng bước theo.

Ðợi người trách nhiệm của Ủy Ban tới mở cửa, Thành dìu Dân vào nhà, quay lại nói với đồng bạn:

– Cho anh Dân nghỉ đã, mai lính sẽ tổ chức liên hoan với nhau.

Duyên vào theo. Ngồi xuống chiếc chõng tre, Dân đưa mắt nhìn quanh. Thoáng một cái, đã gần năm năm Dân xa nhà. Cảnh không đổi. Vẫn cái chạn ở góc nhà, dưới gầm là dăm cái nồi đất. Vẫn cái bếp, ba cục gạch sạm khói chụm đầu. Nhưng còn người. Nước mắt lại ứa ra, Dân thầm gọi ‘‘Bà ơi, cháu về mà bà đâu rồi?’’. Tiếng gọi lắng xuống như bóng chiều rơi trên những mái rạ nhuộm tím không gian. Thành ngồi ở bực cửa, thỉnh thoảng nhìn Dân, cố làm vẻ như lơ đễnh.

Duyên về, rồi quay trở lại với vài cây nhang và một cây đèn dầu. Ngần ngừ, Duyên đưa mắt hỏi Thành. Lắc đầu, Thành nhìn ra ngoài. Trời phăng phắc gió, tiếng bọn trẻ đánh trâu về í ới gọi nhau, tiếng vẳng lên thúc giục. Dân buột miệng thở ra. Thành nhẹ giọng:

– Ði ra đốt cho bà nén nhang, trời sắp tối rồi Dân ạ!

Dân cố ngồi lên. Với cây nạng để cạnh chõng, Dân chống tay nghiêng người đứng dậy. Thành xốc nách Dân, đi sau là Duyên. Tiếng nạng lộc cộc buồn bã. Nghĩa địa ở ven làng ngổn ngang gò đống hiện dần trong tầm mắt. Xa xa, có đúng một con cò co chân đứng, bơ vơ, lạc loài.

Duyên bảo ‘‘ Mả bà đây rồi!’’. Dân đứng lại. Sẫn sờ. Tê cứng. Dưới ba tấc đất kia là nắm xương con người thân thiết độc nhất của mình trên đời này ư? Dân ứa nước mắt. Không, Dân thầm nhủ. Mình còn mẹ và đứa anh em song sinh trong miền Nam. Ông bác ngày xưa còn bảo cha mình vẫn ở bên Liên Xô, thế nào rồi cũng về. Dân ngồi thụp xuống, tay vuốt ve lớp đất đắp mả. Duyên châm lửa vào những cây nhang, tay vẫy, miệng khấn rồi đưa cho Dân. Thành chắp tay, cúi đầu. Dân quì một chân, tay cắm nhang vào mô đất, miệng thì thào:

– Bà ơi! Cháu về với bà đây, bà linh thiêng bà nhận cho cháu ba lạy này…

Dân thì thụp gập người chắp tay lạy. Thấp thoáng một bóng người áo trắng quần thâm. Dân căng mắt ra nhìn. Người đó đứng, một cánh tay rũ xuống, xa nên không rõ mặt.

Khi bóng đêm chụp xuống thế gian, ánh đèn sáng lên lập lòe trong làng. Duyên khẽ khẽ nói, về thôi. Thành lại xốc Dân dậy. Tiếng nạng lộc cộc. Ði và về, chỉ khác nhau ở một khoảng thời gian chẳng biết thực ảo thế nào. Lộc cộc. Lộc cộc. Cũng như tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng lộc cộc từ nay hẳn đo được thời gian một đời thương phế? Chợt Dân ngoái về phía sau. Chỉ có màu đen thẫm như quầng mắt lo âu trũng xuống. Dân thì thào vào tai Thành:

– Cái người đứng trước mả lúc nãy đâu rồi?

Ngạc nhiên, Thành hỏi Duyên. Lắc đầu, Duyên đáp:

– Làm gì có ai! Chắc anh Dân mệt nên hoa mắt đấy!

Dân nghe Duyên nói, lòng vẫn ngờ, nhắc lại:

– Mình rỏ ràng thấy mà…

Tối hôm đó, Dân về nhà Thành. Bữa ăn chỉ có tép rang, khế thái nhỏ và cơm độn với sắn. Duyên giục, nhưng Dân không ăn được, miệng đắng ngắt.

*

Năm năm, thời gian đủ để đánh dấu đổi thay trong một cái làng thời chiến. Số trai tráng đi bộ đội chết hay mất tích không kể, bọn thương binh hơn ba chục mạng đếm ra là già nửa số phục viên. Nói cho đúng, phục viên không què cụt thì cũng tâm thần, phân biệt lành lặn với thương phế không phải hiển nhiên. Thằng An chẳng hạn, nó ở Tây Nguyên tám năm, đêm đêm cứ thức giấc là gào ‘‘ Pháo… chúng nó pháo!’’, ban ngày gặp ai cũng dặn ‘‘ Bọn Mỹ chưa rút, phải cảnh giác, nghe không!’’

Trên Ủy Ban xã, bí thư bây giờ là một cán bộ Huyện phái xuống. Nghe nói, ông Bí thư thời Dân nhập ngũ lăng nhăng với vợ bộ đội đi B, tai tiếng đến độ cấp trên phải ‘‘đá’’ ông lên làm Ủy viên Thường vụ Huyện. Chủ tịch Ủy ban hành chính xã vẫn trụ lại. Vì có bà vợ, tên Quyên, rất đanh đá nên ông không dám hủ hóa. Bà được giao làm chủ nhiệm Hợp tác xã nhưng dân cứ gọi bà là Bà Chủ tịch, ý cho rằng ‘‘chỗ đứng’’ của bà là do ông, vốn thuộc thành phần cơ bản, lại có cha đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ðồng chí Thường vụ tên Kiên phụ trách an ninh xã là một cán bộ trẻ được đào tạo ở trường Công An tỉnh. Ðồng chí con một, được miễn nghĩa vụ, rất nguyên tắc và hô hào ‘‘ đánh cho Mỹ cút’’ đến cùng, khéo léo nửa úp nửa mở rỉ tai làng xã rằng mình đã xin đi chiến đấu nhưng ‘‘trên’’ không cho để bảo toàn cán bộ lãnh đạo tương lai. Ðồng chí hình như mặn mòi với Duyên, thường lai vãng làm thân với Thành, nhưng ông cụ cha Thành không ưa, ít khi mời vào nhà trò chuyện.

Sinh hoạt của xã không thay đổi. Sáng, đánh kẻng để xã viên trong Hợp tác xã ra đồn. Vẫn con trâu đi trước, cái cày theo sau. Vẫn bừa, vẫn cuốc. Ruộng tốt thì lúa, ruộng cằn thì màu, trồng ngô, khoai, sắn. Ngô khoai sắn nấu độn với gạo ăn vì nguồn viện trợ từ Trung Quốc đã bắt đầu bị cắt giảm. Khẩu hiệu ‘‘ hạt gạo cắn ba chia cho hai nước anh em Lào và Campuchia’’ không ai nhắc lại. Nhưng Mỹ đi, Ngụy còn. Muốn Ngụy nhào để thống nhất đất nước, nhiệm vụ của hậu phương vẫn cứ là dành tất cả cho tiền tuyến. Ông Bí thư xã nói với Dân như vậy. Ngắm nghía Dân, ông tiếp:

– Ðồng chí phục vụ tốt, được kết nạp, lại cấp úy trong quân đội và có trình độ văn hóa cấp ba. Tôi đã hội ý với lãnh đạo, đề nghị đồng chí phụ trách sổ sách cho hợp tác xã. Với lại, nhìn chân Dân, ông tiếp – có muốn thì đồng chí cũng chẳng vào khâu lao động tăng gia được!

Dân mỉm cười, lòng chua xót. Lao động hồ hởi nhất lúc đánh kẻng vào xế chiều. Về, là chúi mũi vào ‘‘kế hoạch bồi dưỡng gia đình’’, nuôi con gà con vịt, trồng mớ rau, mớ cỏ. Ông Bí thư cũng loại con một, về xã để nhấp nháy chờ đến lượt được thăng quan lên huyện, lên tỉnh. Nghe nói ông từng học trường Trung cấp Nguyễn Ái Quốc, lẽ ra không phải xuống cấp xã nhưng ông tự nguyện để đi sâu đi sát với quần chúng nông dân. Không như đồng chí Kiên Thường vụ, ông kín đáo hơn, và nhất là không để mất lòng một ai trong đám cán bộ đảng viên. Nhìn ông đang ngửng lên đợi một câu trả lời, Dân thong thả:

– Cám ơn đồng chí chiếu cố. Nhưng xin đồng chí cho tôi được dưỡng sức ít ngày đã…

– Dĩ nhiên, ông Bí thư cười cười, bây giờ chớm đông, chẳng mùa màng gì nên không phải vội. Phân công người tốt việc tốt là lên kế hoạch cho quí tới thôi, đồng chí khỏi phải lo, cứ nghỉ ít lâu đã.

Dân về nhà Thành, kể lại câu chuyện trên Ủy ban với ông Bí thư. Bố Thành năm nay bảy mươi mốt tuổi, móm mém buông một câu:

– Làm thư ký Hợp tác xã phải lo việc chấm công và chia công điểm. Người nhiều của ít, thế nào cả làng cũng sẽ chửi bố lên cho!

Thấy Dân ngỡ ngàng, ông tiếp:

– Thời thế bây giờ khác hồi Tây. Xưa, kể từ Lý Trưởng xuống đến thằng Mõ, làng nuôi chừng chục người. Bây giờ, cứ đếm khắc biết, từ Ủy ban đến dân quân đâu cũng cả trăm, ăn không ngồi rồi, đi đi lại lại… Ðã thế, cầy bừa thì lúc bom, lúc đạn, lúc thiếu phân, khi thiếu nước nên ra đồng là ra cho có mặt. Người nhiều của ít, chỉ một vốc gạo cũng kèn cựa, nào ruộng xấu ruộng tốt, thế nọ thế kia, điều tiếng nhộn nhạo lung tung!

Thành xen vào:

– Ðấy, tao làm thư ký đúng một vụ rồi phải xin nghỉ. Nhìn Dân, Thành tiếp – mày đảng viên, chắc Bí thư xã nghĩ người ta vì nể hơn!

– Cứ có miếng ăn vào, chẳng ai vì nể ai cả. Ông bố Thành ngắt – Ðảng hay không đảng, cũng thế! Ðấy, tôi đã bảo thằng Thành ngay từ đầu, nhưng nó trứng khôn hơn rận, cho là tôi ‘‘tồn cổ’’, không tranh thủ phấn đấu trong xã hội mới!

Thành bẽn lẽn:

– Thầy cứ nói, có ai bảo thế đâu!

Bị thương ở chiến trường An Lộc, Thành về làng trước Dân gần một năm. Sau vụ mùa, Thành thôi Hợp tác xã, xoay sang làm dịch vụ nuôi thỏ bán lên Hải Phòng. Nhưng chỉ ít lâu sau thì thỏ lăn ra chết cả đàn. Từ đó, thỉnh thoảng Thành đi buôn chè Thái Nguyên và sắn sấy khô, vất vưởng sống qua ngày với cái đồng lương bộ đội phục viên mỏng mảnh ăn không đủ nửa tháng. Ðể an ủi mình, Thành có dịp là lạc quan ‘‘ để cho Mỹ cút Ngụy nhào xong, cả nước sẽ công nghiệp hóa, sướng cho mà xem!’’.

Dân cười phân vân. Duyên ở ngoài đi vào, tươi tỉnh:

– Có mớ tép với hai con rô. Anh Dân xơi cơm với thầy em nhé…

– Thôi, để khi khác Duyên ạ!

Dân chào rồi đi ra ngoài cửa. Thành theo sau, tay khoác vai Dân.

– Sao? Làm thư ký cho Hợp tác xã phức tạp lắm hả? Dân hỏi.

Thành kể, xã có ba đội sản xuất. Mỗi đội lại chia thành tổ, tối tối tổ họp lại để khai công ghi điểm. Ðội đưa điểm lên Hợp Tác xã, thư ký tưởng chỉ có việc cộng lại là xong. Nhưng nào có đơn giản như vậy đâu! Khổ là vì móc nối khai gian, chuyện chia công nặng nhẹ vô nguyên tắc. Rồi chuyện không chiếu cố đúng mức những gia đình neo đơn, gia đình con đi bộ đội, gia đình liệt sĩ… Ngừng lại nuốt nước bọt, Thành chép miệng:

– Cuối vụ, tính toán thu hoạch thì Ủy ban khi nào cũng đòi vượt kế hoạch để khai báo thành tích tìm cơ cho các ông các bà cán bộ thăng tiến. Càng vượt, càng thuế, càng đóng góp nghĩa vụ. Phần còn lại để chia cho nông dân lại càng ít. Làm mà không có ăn nên người ta bảo nhau lãng công, có mặt để có điểm, giữ sức về mà làm kinh tế gia đình. Ai cũng chân trước chân sau, chờ kẻng đánh là lỉnh, kẻ về lo con gà con lợn, người sắn tay cầy cuốc trên đất khoán cho tư nhân!

Dân chặc lưỡi:

– Thế không ai có ý kiến gì để khắc phục à?

Thành chép miệng, lắc đầu:

– Không phải đơn giản như ở chiến trường, tiến là tiến, lui là lui. Ðời thường lắm lúc có lúc lui là tiến, và khi nhìn như tiến thì lại hóa lui. Bộ đội chúng mình ngây thơ lắm…

Dân ngắt, chua chát:

– Có ngây thơ thì mới thằng thí cái chân, thằng thí cái tay cho cái cuộc chiến thần thánh kia chứ! Nhưng bây giờ, phải ổn định để mà sống. Mày lêu bêu mãi thế này sao được!

Thành thở dài:

– Thì tao cũng biết, nhưng chưa nghĩ được ra con đường nào! Thầy tao ngày nào cũng giục tao lấy vợ. Ðéo mẹ! Ốc chưa lo được mình ốc, đèo bồng nữa thì chết. Trên Ủy ban, người ta khuyến khích phụ nữ ‘‘xây dựng’’ với bộ đội thương binh. Trai thiếu, gái thừa nên đám quá lứa thì què cụt nó cũng lấy, cần gì ai khuyến khích!

Dân ngẫm nghĩ, im lặng. Ðến chỗ cái miếu thờ Thành Hoàng, Thành chia tay Dân. Ði ngược được một khúc đường, Thành ngưng bước, tai lắng nghe.

Lộc… cộc…lộc…cộc…lộc cộc!

Ôi chao!

Tiếng nạng nện trên đường nghe sao mà khô khốc đến vậy!

*

Nghe tiếng kẻng, Dân mở cửa. Sáng tinh mơ, gió sớm chở hơi sương lùa cái lạnh qua lớp vải cái áo lính cồm cộm. Nắng nhợt nhạt như kẻ nằm bệnh ngả xuống cánh đồng làng đã trơ gốc rạ. Dân chậm rãi bước. Ngày còn thơ, qua làng bên Dân vù một mạch đi chỉ mất nửa tiếng. Bây giờ, Dân nhẩm trong đầu, thời gian chí ít cũng gấp ba.

Con đường làng không khác gì thời Mỹ chưa ném bom. Dấu vết chiến tranh chỉ để lại dọc sông Văn Úc, con sông dẫn ra biển như một trong những trục giao thông, nhiều lần bị đánh phá. Thỉnh thoảng, Dân mới gặp người làng. Kẻ chào một câu, người cười, tay vẫy. Họ hồn nhiên, mặc dầu chẳng gia đình nào là không tang tóc. Dân chợt nhớ lại thời mình ở Bàu Bính và những mảnh đất đào xuống lòng cát để có thể trồng khoai, trồng củ. So với lính, dân khổ nhưng chẳng kêu ca. Và họ bị quên lãng dẫu chính họ mới là những con người phải được phong anh hùng trong những chiến công ghi lại bằng những tấm huân chương gắn trên ngực lính.

Dân đến trước căn nhà bà Nhiều khi sáng bảnh mắt. Ði lại với bà mình từ thuở Dân tấm bé, nghe đâu bà Nhiều có họ hàng xa. Con trai chết trong chiến dịch Ðiện Biên, bà sống với con dâu và hai đứa cháu, một đi B trước Dân hai năm. Dân gọi cửa. Tiếng guốc lẹt quẹt đáp lại.

– Ai đấy hử? Tiếng khàn khàn cất lên.

– Có phải bà Nhiều đấy không? Dân hỏi

Cánh cửa hé ra. Bà cụ trong nhà hấp háy mắt:

– Ai đấy?

– Cháu là Dân đây, bà có nhớ không?

– Giêsu ma lạy Chúa tôi. Bà Nhiều reo khẽ, tay mở rộng cửa – Dân đấy hả? Có thật không?

Dân nắm tay bà Nhiều, cổ họng đắng chát. Bà còm hẳn xuống, đầu chít khăn mỏ quạ, mắt kéo màng gần như chẳng còn nhìn thấy gì. Nghe tiếng nạng lộc cộc, bà hỏi:

– Què hả cháu?

Không kìm được, bà nức lên:

– Thằng Tự cháu bà chết ở Quảng Trị mất rồi! Nó được phong liệt sĩ, Chúa tôi ơi!

Ðợi cho bớt xúc động, bà tiếp:

– Què còn hơn liệt sĩ, cháu về được là bà mừng lắm! Lạy Chúa lòng lành!

Chợt có tiếng khóc oe oe đằng sau. Bà Nhiều đứng lên:

– Chắt bà đấy, con thằng Lập, may mà nó không phải vào bộ đội.

Bà tất tả vào căn buồng cuối nhà. Tiếng khóc im dần, võng đưa kẽo kẹt. Lát sau bà ra. Dân bấy giờ mới hỏi:

– Bà cháu lúc qua đời chắc chỉ có bà là người gần gụi?

Bà Nhiều gật đầu. Bà chậm rãi:

– Lúc đó là tháng tư. Sau khi chôn cất ông bác thì bà cháu bị cảm hàn, thuốc men chỉ có thuốc Nam, toàn rễ với lá, uống chẳng ăn thua gì…

– Ông bác nào, hả bà? Dân ngắt.

– Thì cái ông anh của cha cháu, cái ông ở Hà Nội ấy mà! Ông ấy về thăm bà cháu rồi nghe đâu đi Hưng Nguyên ít lâu. Cuối năm, ông ấy quay lại, trước dịp Giáng Sinh dăm ngày. Lúc đó, Mỹ ném bom khắp nơi. Thế là ông ấy ngã bệnh, đâu độ ra giêng thì mất. Bà cháu bảo ông ấy chẳng muốn sống nữa, cơm không ăn, nước không uống…Chết, bà con làng nước chôn ông ấy ở nghĩa địa làng cháu. Lúc chôn là lúc Mỹ đánh phá ác liệt. Chôn rồi, Ủy ban xã đi sơ tán ở đâu mò về, bắt ne bắt nét bà cháu!

Bà Nhiều thở dài, tiếp:

– Sau, là đến lượt bà cháu. Bà cháu ốm, không có ai săn sóc, nhờ người qua nhắn. Bà qua, nhưng cũng già rồi, đi đi về về khó khăn, cứ dăm ngày một bận, mỗi lần đến thì ở qua đêm. Khi chắc không qua được, bà ở lại với bà cháu những ngày cuối cùng. Bà cháu đưa cho bà một cái bọc, dặn thằng Dân sống mà về được thì trao lại, và nhớ bảo nó đi Hưng Nguyên tìm cha Nguyễn Trường Tín ở Giáp Ðoài có chuyện hệ trọng.

Nói đến đó, bà Nhiều vào buồng trong lục lọi một lúc rồi ra trao cho Dân cái bọc vải. Dân ứa nước mắt, tay gỡ nút buộc. Trong bọc, có quyển Kinh Thánh, cây thập tự làm bằng hai đốt tre buộc lạt. Và dăm bức ảnh có Dân, có Nhân khi còn thơ, có mẹ chàng lúc ấy chỉ mới quá đôi mươi, tóc để chấm vai, đứng cạnh hình một người ảnh bị cắt một nửa nên không thấy mặt. Bà Nhiều thẫn thờ:

– Tội cho bà cháu, lúc mê sảng cứ hỏi con Huyền đâu, thằng Dân đâu. Giêsu ma lạy Chúa lòng lành! Cuối cùng thì chính bà vuốt mắt, đọc Kinh Vực Sâu cho bà cháu đi yên ổn…

Dân ù tai, không nghe thấy gì nữa. Hình ảnh bà choáng ngợp khiến Dân bất động, tay chân tê cứng, nỗi xót xa trào lên nhận cho chìm cả thế gian. Tấm hình mẹ nhập nhòa hư thực. Dân nhớ mình từng mưu tính đầu hàng trước ngày dạt đến Bàu Bính, với cái hy vọng gặp lại mẹ trong miền Nam. Nhưng thế, có nghĩa là chàng đã có ý định bỏ mặc bà mình bơ vơ ở cái xã hẻo lánh đất Kiến Thụy này. Một niềm ân hận buốt nhói đâm vào tim Dân, mặc dầu rồi cuối cùng chàng có làm được thế đâu.

Tiếng bà Nhiều lại cất lên:

– Nhớ đi Hưng Nguyên, như lời bà cháu dặn, Dân nhé!

Dân nắm tay bà Nhiều, gật đầu, quên mất bà đã lòa chẳng thể thấy gì trong cái cõi người khốn khổ này. Ðứa bé lại khóc. Bà Nhiều ra sau, ru nó:

‘’ Bé bé mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi lội đồng sâu chưa về

Bắt được con trắm con trê…’’

Giọng bà kéo dài ra lê thê như những ngày trước mặt. Ðêm hôm ấy, Dân lại nằm mơ. Cơn ác mộng chiến tranh trở lại, với tiếng hò hét ở Ngã Ba Máu. Dân quát lính ’’ Nằm yên, khi hết pháo sáng là quơ tay, mũ sắt thì đâm, nón cối là ta!’’. Rồi Dân quơ tay, nhưng chỉ thấy tóc. Ðâm hay không đâm đây? Ðùi Dân bỗng đau nhói lên. Một người lớn tuổi, tay trái rũ xuống, đứng bên nhìn Dân thương xót trong tiếng kim khí lách cách.

Comments are closed.