Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 287): Bờ dâu – Nam Dao (6)

Khi đám sinh viên cùng khoa biết tin Dân sắp lấy vợ, họ xúm nhau bàn tán làm một món quà ‘‘tập thể’’ nhân dịp đám cưới. Trước Tết hai tuần, món quà vuông vắn, gói ghém bằng giấy kính đỏ, buộc nơ được đưa đến tận phòng Dân. Ngạc nhiên, Dân cảm động cám ơn. Ðám sinh viên nhao nhao bắt Dân mở ra. Ðó là thiệp báo hỉ làm bằng bìa phiếu lấy từ thư viện đại học, chữ in đỏ chóe, trên thông báo lễ thành hôn của Dân và Thắm. Dân hoảng, hỏi:

– Các cậu lấy của thư viện, nhìn ai cũng biết! Thế này, ai dám gửi đến các thày và ban giám hiệu?

Đám sinh viên rú lên cười. Họ đáp:

– Đất nước chúng ta còn nghèo, nên cứ phải ‘‘nháy nháy’’ phấn đấu. Anh đừng lo, tội chúng em chịu!

Gặp Dân trong hành lang, thày Ngọc chặn lại chúc mừng rồi hỏi:

– Thế ra giêng thì sống thế nào?

Dân nói qua về sự sắp đặt của mình và Thắm, rồi vui vẻ:

– Em vẫn ở trường và sinh hoạt như thường thôi. Còn hơn một năm, em sẽ phải làm luận văn tốt nghiệp. Nếu thày bằng lòng, em xin thày hướng dẫn cho em.

– Ðược thôi! Nhưng cậu vẫn nhất định chọn đề tài về Nguyễn Tuân?

– Như em đã thưa với thày, ông Nguyễn Tuân không mặn mà gì lắm với đề tài so sánh văn học như em đề cập lần gặp trước…

– Thì thôi! Hay là ta cứ chung chung kiểu ‘‘tinh thần yêu nước trong văn Nguyễn Tuân’’, vừa dễ làm, vừa dễ lọt.

– Vâng, nhưng thưa thày, kiểu thế thì khá nhàm… Dân dè dặt.

Thày Ngọc bật lên cười:

– Cái nhàm là cái chung, kiểu xấu đều hơn tốt lỏi ấy mà! Nhưng cứ từ từ, ‘‘vui duyên mới’’ đi đã, thế nhé!

Vài ngày sau, Dân đến nhà Nguyễn Tuân vào lúc sáng sớm. Cửa mở ra, Dân chưa kịp chào thì nghe tiếng kêu:

– A! ‘’ngoại lệ’’!

Dân mỉm cười, tay đưa thiệp báo hỉ ra. Nguyễn Tuân đọc, rồi hỏi:

– Thế là ‘’ngoại lệ’’ tìm ra cô Thắm rồi nhỉ. Cười hà hà, ông ta tiếp – Phải thế chứ! Ta đi ăn khao, tôi mời! Ðợi tí nhé!

Hai người đi dọc cái ngõ sâu ra đến phố Trần Hưng Ðạo. Hấp háy nhìn nắng mới trên những tàn cây rợp lá, Nguyễn Tuân chậm rãi:

– Thế là mùa Xuân đến đấy! Tay chỉ, ông tiếp – Ta đi về phía phố Yết Kiêu, rẽ đây!

Một già chống gậy, một trẻ chống nạng cứ thế bước, thật chậm. Vừa đi, Nguyễn Tuân vừa hỏi chuyện Dân đi tìm Thắm. Nghe Dân kể, ông gật gù:

– Chuyện ‘‘ngoại lệ’’ cứ như ci-nê-ma. Thứ nhất là tiếng lộc cộc, biến thành tiếng bom, ảo với người đời nhưng thế mới là thực với văn chương. Cái hiện thực của chữ nghĩa, hiểu cho đúng, là ảo thành thực!

Dân thích thú, hỏi:

– Thế văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa thì sao ạ?

Nguyễn Tuân hóm hỉnh:

– Ờ, nó có cái đuôi chồn. Nó ảo, ở chỗ nó phục vụ cho những thằng người có đuôi!

Ðến trước một hàng bánh cuốn lẹp xẹp, ông cụ ghé đầu vào, giọng khề khà:

– Chào bà bánh cuốn…

Có tiếng reo:

– A, chào ông nhà văn! Lâu rồi ông không đến…

Nguyễn Tuân chỉ cái ghế đẩu, quay hỏi Dân:

– Ngồi đây được không?

Dân bỏ nạng, nhảy lò cò rồi chống tay xuống đất lấy sức đặt người lên cái ghế đẩu làm bằng ba mảnh gỗ. Chân ghế lẹt quẹt sát đất khiến Dân co chân, mặt hơi nhăn lại. Ông cụ chăm chú nhìn:

– Ngồi được chứ! Nhìn Dân gật đầu, ông tiếp – Tôi mời ông đến đây, là có lý do. Nào, bà hàng. Bà cho hai đĩa Thanh Trì, hai phần chả quế! Hôm nay tôi khao anh ‘‘ dũng sĩ diệt Mỹ’’ này, nước chấm bà cho hai giọt cà cuống. Cà cuống thật chứ không kiểu hóa học Thái Lan nhé… Hà hà. Ờ, cũng xin một cút rượu làng Vân, chúng tôi uống rượu mừng mà!

– Giời ơi, sáng bảnh mắt ra mà ông nhà văn đã khề khà, say chết!

Bà bánh cuốn miệng thốt, đầu lắc, nhưng vẫn cúi xuống mò cút rượu đặt lên bàn với hai cái chén hạt mít. Nguyễn Tuân rót, mắt đăm đăm nhìn, nói một mình, xem rượu có sủi tăm không. Hớp một ngụm rượu, ông khoan khoái:

– Bánh cuốn ở đây ngon nhất nước, ‘‘sống sót’’ chứ không như phở trong bài Phở của tôi ấy! May mà người viết về phở cũng sống sót, ông ạ! Thời này, phải viết ‘‘Vang bóng một thời Mỹ’’, và nhất định là có bánh cuốn Yết Kiêu. Tay chỉ lên trên, ông tiếp – Nhà Văn Cao ở đó, sáng sáng có tiếng piano của con bé Hương nên tôi định viết ‘‘Hương bánh cuốn dưới phím đàn dương cầm’’…Chuyện viết lách thì cứ định, định rồi lại định. Bao nhiêu năm nay chỉ lách, chứ có chữ nào viết ra được đâu!

Thế rồi Nguyễn Tuân miên man nói về đổ bột bánh cuốn ra sao, tráng bánh cuốn với cái đũa cả động tác thế nào là chuẩn để độ mỏng của bánh chính xác. Hành chưng lửa phải nhỏ, thời gian đo bắng màu mỡ chứ không phải bằng đồng hồ. Bà bánh cuốn nghe, phá lên cười:

– Ông nhà văn nói thì giỏi lắm. Nào, mời ông vào chỗ tôi, cho tôi xem ông tráng bánh cuốn ra sao nhé!

Nguyễn Tuân cười khà khà, lại nhấp nháp chén rượu, lại nhẩn nha:

– Thế này nhé, tôi tráng bánh cuốn nhưng thế thì bà phải viết văn. Ðổi chỗ là như thế mới công bằng chứ!

– Thôi, có mà rỗi hơi. Tôi lạy ông, ông nhà văn ạ! Bánh nóng đây, mời ông xơi…

– Người tốt, việc tốt – ông nheo nheo mắt, tiếp – Cái gì thì cũng ‘‘tốt thôi’’!

Dân xin phép nói về chuyện luận văn tốt nghiệp. Nguyễn Tuân hỏi:

– Ông vẫn thích viết về Chùa Ðàn?

Nhìn Dân gật đầu, ông cụ ngẫm nghĩ:

– Ông có biết Beaudelaire, người viết Les fleurs du Mal không? Tôi dịch tạm là Hoa Ðơm Ðộc. Ông ấy học tiếng Anh với đám thủy thủ ghé cảng bên Pháp, và dịch truyện của Edgar Poe, thuộc loại truyện kỳ lạ, conte fantastique. Ðấy, nếu có chút liên hệ gì giữa Chùa Ðàn và văn chương Tây phương, thì ông lục Poe ra mà tìm… Quà cưới của tôi gửi ông là cái gợi ý này!

Dân không biết cả Beaudelaire lẫn Poe, định bụng sẽ hỏi thày Ngọc. Nguyễn Tuân đang đứng dậy, miệng giục ‘‘Ta về!’’. Quay sang bà hàng, ông vừa cười vừa nói:

– Bà ghi sổ chịu cho nhé! Giả một lần cho nó tiện mà!

– Dạ – bà bánh cuốn tươi tỉnh – Bạn hàng chúng tôi quen rồi, ông nhà văn nào mà chẳng ăn chịu!

Nguyễn Tuân đưa tay lên miệng suỵt suỵt, mắt lại hấp háy nhìn lên nắng cao. Bây giờ, có tiếng dương cầm dạo lên. Ông vỗ vai Dân, nói một mình ‘‘ Con bé Hương dạo này đánh hay hẳn lên. Chắc nó có cái máu của bố nó!’’.

*

Xế trưa, khách bắt đầu lục tục về. Làm đại diện nhà trai, vợ chồng Cự phải lo liệu mọi bề, khuya nên phải ở lại Yên Phong qua đêm. Ðồng chí Bí thư xã vui vẻ xếp đặt cho họ ở ‘‘Nhà khách’’ của ‘‘xã chúng tôi’’. Thật ra, Nhà khách là phòng họp của Uỷ Ban kê tạm một chiếc giường. Mấy khi đón một đảng viên cấp tá, lại là Chính Ủy và đã lặn lội ở B nên đồng chí Bí thư cứ nhắc đi nhắc lại ‘‘Xã không chu đáo thì đồng chí bỏ qua cho, đất nước chúng ta còn nghèo!’’.

Khách phía nhà trai có Tạ, Thành và một sinh viên thay mặt lớp đi dự đám cưới. Hỏi nay làm gì, Tạ đáp ‘‘Ba lô lộn ngược xuôi đường Bắc – Nam’’ chứ sao nữa. Lao động trong Hợp Tác xã không nuôi nổi hai đứa con, Tạ theo một đám phục viên đi buôn chè. Tạ kể, giọng phẫn nộ ‘‘…mình đói, năng xuất xuống, nhưng không cần. Còn hai đứa con, đi học sáng chẳng có đến củ sắn lót dạ, nhìn mà đứt ruột’’. Nhìn Cự, Tạ tiếp ‘‘Tôi đã làm đơn xin nhập ngũ, lần này đánh Campuchia là thế nào cũng cố kiếm chác cái gì làm vốn chứ mà về tay trắng thì chỉ có chết!’’. Cự đưa ngón tay lên miệng, ra hiệu cho Tạ im. Nói nhỏ vào tai Tạ, Cự dặn: ‘‘Lại sắp vạ miệng! Nhớ đừng gây vạ lây cho Dân. Nó ở đây, phải giữ cho nó!’’. Tạ đỏ mặt, gầm gừ, ‘‘ … đánh đấm suýt chết mấy lần cho đất nước, bây giờ mang sắn khô đổi lấy chè mà cứ phải lén lút như đi ăn trộm ăn cắp, anh bảo, thế là nghĩa lý gì? Nhục lắm! Thà là thành thằng ăn cướp, có chết cũng danh giá, lắm khi lại được truy điệu anh hùng nữa chứ chẳng chơi!’’. Nói xong, Tạ hậm hực bỏ đi, lưng quay lại cái nhìn ái ngại của Cự.

Ðằng nhà gái, khách khứa đông hơn. Bà Lý Văn tiếp các ông chú bà bác, miệng bỏm bẻm nhai trầu, cứ suỵt soạt ‘‘Phúc nhà tôi, con Thắm nên đôi nên lứa nên tôi có nhắm mắt cũng yên tâm!’’. Cậu em Thắm vắng mặt, nhưng không ai hỏi han gì. Ðám bạn cùng lứa Thắm, bây giờ còn ba, chỉ có một đã lấy chồng. Vào chiến trường, thanh niên xung phong mười phần chết ba, bốn. Còn lại thì thương tật một nửa. Cô gái bị cụt cánh tay trái, nhìn Thắm, giọng thoáng nước mắt: ‘‘Chị may thật, lại may đủ đường. Em mừng chị!’’. Phải, may ở xứ xở này hơn khôn. Ai cũng biết Dân là đảng viên, lại đang đi học đại học. Sau này chắc Thắm thoát ly được nông thôn, bỏ cái đời sống chân lấm tay bùn, hô « lao động là vinh quang », ứa nước mắt ăn độn. ‘‘Chị Thắm ơi, kiếp trước chị khéo tu thế’’, người con gái cụt tay thì thào. Ðưa tay lên chấm mắt, chị ngậm ngùi ‘‘Người em yêu ngày xưa lấy vợ mất rồi!’’ rồi quay người đi vội ra đằng sau bếp.

Sẩm tối, bà Lý sang nhà người quen, nói ‘‘Để cho các cháu “tân hôn” với nhau’’. Trước khi đi, bà đã nhờ một người chị họ mắn đẻ có đến bốn đứa con đến giải chiếu, bảo Thắm ‘‘Mày đẻ cho bà đứa chắt, bà bế rồi bà mới về với các cụ!’’. Cười nghịch ngợm, Thắm nhìn bà chị, đùa: ‘’Em mà đẻ bốn đứa thì nhà nước phạt em, em sẽ phạt lại chị’’.

Khi gà lên chuồng, chỉ còn cặp vợ chồng mới cưới. Nhìn vợ, Dân dịu dàng hỏi:

– Em có mệt không?

Thắm lắc đầu. Nàng bỗng e thẹn, không biết nói gì. Ðứng lên, Thắm luống cuống thu dọn. Xong nàng ra thắp chiếc đèn dầu, vặn bấc cho cao, mặt cứ cúi gầm xuống.

– Lại đây! Em giận anh à?

Thắm lắc, ngượng ngùng ngồi xuống cạnh Dân. Choàng tay ôm vợ, Dân ngập ngừng:

– Em biết không! Anh đi B tìm đường tiến thân để làm sao đi học cho bằng được. Anh đã thành công, nhưng vẫn không cảm thấy mình hạnh phúc vì lúc nào cũng hoang mang nghĩ đến ngày mai. Nhưng hôm nay có em, anh đã mường tượng được tương lai…

Thắm nắm lấy tay chồng, nhìn lên, tròng mắt ướt át. Dân tiếp tục:

– Nhưng anh còn sợ một điều!

– Thôi anh, đừng nói gì nữa. Nhất là nói gở, Thắm ngắt.

Dân im lặng, tay vuốt ve mái tóc Thắm. Bất chợt Dân hỏi:

– Có cái mùi gì mà thơm thế?

– Em xin được tí nước hoa ấy mà. Ngày vui, phải bôi chứ.

Dân úp mặt vào cổ Thắm, hít hà, rồi thì thào:

– Thơm thì có thơm! Nhưng anh vẫn thích mùi đất Vĩnh Mốc…

– Anh đừng lo, sau chả có nước hoa nữa đâu. Còn mùi đất, đất của Yên Phong cũng có mùi, cớ gì cứ Vĩnh Mốc.

Áp tay Dân vào ngực mình, Thắm ghì lấy chồng. Dân cởi nút áo, tay luồn vào mân mê. Loáng thoáng nghe một tiếng rên như van vỉ, Dân sợ Thắm đau, rút tay ra. Thắm giằng lại, ấp úng, ‘‘Không, không… Cứ thế anh’’. Ðẩy cho Thắm nằm ngửa ra, Dân vục mặt vào ngực, vào bụng. Thắm thò tay cởi áo Dân. Rồi dây lưng quần. Dân bỗng kinh hoảng. Cái chân cụt. Không, không được. Dân thình lình đẩy Thắm ra. Ngạc nhiên, Thắm nhìn, ánh mắt dò hỏi. Dân giật giọng, hốt hoảng:

– Em tắt cho anh cái đèn!

Trong bóng tối, Thắm nhẹ nhàng đặt mình xuống cạnh Dân. Quàng tay ôm, nàng dịu dàng vuốt ve chồng. Nàng vuốt ve ngực, bụng, và cả chỗ chân cụt. Ban đầu, Dân nằm im, lòng tê điếng. Nhưng lát sau, chàng quên dần, nhắm tưởng như mình bay trong không trung, hai chân đạp cho gió đằng sau lùi lại. Bên ngoài, tiếng ếch kêu trên bờ ao nghe như thúc giục bên tai. Bản năng dẫn dắt, Dân chống tay úp mình lên Thắm. Giữa hai đùi nàng, cơ thể ướt nhễ nhại như mời gọi bộ phận mang sinh lực đàn ông của chồng. Nàng khẽ kêu, nhưng hai tay bíu chặt vào mông Dân, chân dạng ra, người cong lên. Dân cảm thấy chàng lún sâu vào Thắm như sắt gặp nam châm hút, hút mãi vào đến không cưỡng lại được. Tất cả chuyển động như sóng nước bập bềnh đẩy hai người vào một cõi chỉ có những hân hoan.

Dân nằm vật ra sau lần ái ân đầu. Thắm chống tay nhìn chồng, lát sau áp mặt vào ngực Dân. Nàng dịu dàng vuốt ve mặt Dân, đặt môi hôn khắp người, hôn cả thương phế trên cơ thể Dân, vừa hôn vừa thì thào ‘‘Anh của em, anh của em!’’. Một lúc sau, nàng nằm xuống, vật Dân nằm đè lên người mình. Bây giờ, bộ phận sinh dục của Dân sau bài học đầu đã biết lối đi nẻo về. Ôi! Tuyệt vời tạo hóa, có âm có dương. Khi thành một. Lúc tách hai. Và cái chuyển động tiếp tục dập dềnh theo một chu kỳ tuần hoàn. Cho đến khi Thắm rú lên nho nhỏ ‘‘Nữa đi anh, ối làng nước ơi… em chết mất!’’.

Thắm thiếp ngủ, mái tóc đen huyền xổ bung ra như một cơn lũ trôi xuôi. Nàng nằm nghiêng, đùi khẽ co lên, nét mặt thư giãn, miệng hé như cười. Dân co người rón rén ngồi lên. Chàng nhìn Thắm, tay sờ vào vết cưa chân đã đóng sẹo, nơi Thắm đặt môi lên hôn. Nhắm mắt, Dân ôn lại những phút ân ái vừa qua. Cái nỗi sợ mảnh bom có thể lấy đi chức năng đàn ông của mình đã hoàn toàn tan biến. Sự ám ảnh đó dằn vặt hàng năm nay đột nhiên như những cơn ác mộng, mất tăm khi chàng có Thắm ở bên. Lòng tràn trề biết ơn, Dân lại mở mắt nhìn vợ trong giấc ngủ an bình. Chàng khẽ vén những sợi tóc phủ trên má vợ, nói thầm, em ơi, em đã cứu anh thoát khỏi quá khứ để cùng nhau ta thênh thang bước vào tương lai. Cựa mình, Thắm thức giấc. Giọng trìu mến, Thắm hỏi:

– Anh không ngủ được à?

Dân không đáp, vòng tay ôm Thắm vào lòng. Nàng thì thầm:

– Cho em đứa con anh nhá!

Dân gật đầu, nước mắt ứa ra. Lát sau, Dân nói:

– Bây giờ, anh không còn sợ nữa!

– Sợ gì hở anh?

– Không! Không sợ gì hết, kể cả tương lai! Em ạ!

*

Ở Yên Phong hai ngày, Dân và Thắm về Kiến Thụy. Về để vái người chết. Và cả người sống, ân lẫn oán, vái tất cả. Dân đưa vợ đến chào bà Nhiều, ông bố Thành, và các ‘‘quan viên’’ trong xã. Bà Quyên, vợ ông chủ tịch xã là người độc nhất không giấu được vẻ lạnh nhạt. Sau khó khăn trong việc tính công điểm vụ mùa năm kia, cán bộ Huyện đề nghị bà thôi Chủ Nhiệm Hợp tác xã, chuyển bà sang phụ trách Ủy Ban Phụ Nữ. Cay cú, bà thầm chửi Dân, chửi Sự và cả gia đình nhà Thành. Bề mặt, bà tươi cười bảo ‘‘Ơ, Ðảng đặt đâu tôi ngồi đấy, như dâu con ấy mà! Miễn là cứ được phục vụ nhân dân’’. Làng xã vẫn gọi bà là bà Chủ tịch. Bà hăng hái kêu gọi mọi người ‘‘phấn đấu tốt’’, đẻ ra các thứ quỹ, nào là cho trường học, cho phụ lão, cho y tế và ngày ngày đi vận động quần chúng tự nguyện đóng góp. Trẻ con thấy cứ có bóng dáng bà là cha mẹ chúng trốn, đặt tên bà là bà ngáo ộp.

Ðến chiều, Dân và Thắm ra viếng mộ.

– Ðây là mộ bà… Dân vừa nói vừa lúi húi nhổ cỏ.

Thắm thắp nhang, vái bà, lẩm nhẩm xin phù hộ. Ngậm ngùi, Dân kể chuyện bà đưa cái nhẫn cưới, kỷ vật duy nhất của mẹ chàng, để quà cáp cho bà Bí Thư xã ngày trước nhờ lờ đi cái gốc công giáo hầu Dân được đi nghĩa vụ cho Thắm nghe. Nàng nghẹn ngào, lại khấn ‘’Bà ơi, bà linh thiêng xin về chứng giám cho Thắm này từ đây là cháu bà’’.

Chống nạng đứng lên, Dân đi về rìa nghĩa địa giáp ranh với làng bên. Thắm theo sau. Dân chỉ tay, thì thào:

– Ðây là mộ ông bác!

Nghe mình nói, Dân giật mình. Mộ cha, nhưng nói dối thành phản xạ, với Thắm chàng cũng lập lại như một cái máy. Nỗi xấu hổ khiến Dân cứng miệng lại. Ngồi xụp xuống, niềm tủi thân mỗi lúc một mênh mang. Chàng khóc. Thắm ngạc nhiên hỏi. Dân ngậm ngùi:

– Không, Thắm ơi, mộ này là mộ cha đẻ anh đấy!

Chậm rãi, Dân kể lại chuyến đi Hưng Nguyên gặp lại chú ruột là linh mục Nguyễn Trường Tín. Chú đã nói hết chuyện cha, một tội phạm, và trao lại một bức thư cha viết như một bức thư tuyệt mệnh.

Thắm im lặng. Nhìn sang cánh đồng bên cạnh, bóng nón thấp thoáng lên xuống như múa. Mùa cấy cho vụ Ðông Xuân bắt đầu. Cúi xuống hai bàn tay chai sạn, Thắm bâng khuâng, lòng thương xót một điều chi cứ lững lờ như nước sông Ðáy. Lẳng lặng thắp nhang, Thắm lại vái, thì thầm:

– Cha linh thiêng, cha phù hộ cho chúng con an lành sống với nhau đến chết!

Ðến lúc bóng nắng ngả hẳn xuống, hai vợ chồng lững thững trở lại làng. Mở cửa nhà, Dân bảo:

– Anh sống cả tuổi thơ ở đây. Ðằng sau, có cái ao. Ngày xưa anh thả cái tàu bằng nhôm cha mua cho vào dịp Tết, cứ chạy quanh, hò ‘’ Ra khơi! Ra khơi nào’’. Em xem, Dân cười – trẻ thơ nghĩ có thể vượt trùng khơi trong một cái khoảnh ao tù. Còn người lớn…

Dân đột nhiên ngừng nói, rồi chép miệng:

– …thì biết chỉ vượt được một khoảnh ao giữa cái mênh mang của trùng khơi!

Thắm biết Dân không vui, cố đùa:

-Em thì em không vượt đâu cả, gặp biển là em tát nước.

-???

– Thuận vợ thuận chồng, không phải tát biển đông cũng cạn à?

Bỗng có tiếng chân ngoài hiên. Thành thò đầu vào gọi. Thắm nhanh nhẩu ra mở cửa. Vào đun siêu nước để pha trà, Thắm nghe Dân hỏi:

– Có tin gì của Duyên không?

– Rồi. Nó hiện ở Nam Ðịnh, xin được chỗ làm trong nhà máy dệt. Nó xin phép đi lấy chồng. Tháng sau, nhà trai đến chạm ngõ.

Dân thở phào, khoan khoái. Thắm dưới bếp bước lên, hỏi ‘‘Duyên nào thế?’’. Dân bảo là em Thành nhưng không kể thêm gì. Chuyện trò một lát, Thành về để Dân và Thắm đi nghỉ, sớm mai phải lên Hà Nội.

Hai vợ chồng Dân định đến cám ơn Cự và Xuân. Tuần sau, Cự sẽ bắt đầu công tác ở Bộ Thương Binh-Xã Hội. Nay, có một cô em họ đến giúp Xuân một tay trong chuyện trồng dâu nuôi tằm. Dân nhìn Thắm, giọng chân thành:

– May mà anh còn vợ chồng anh Cự trên đời.

– Không, anh còn mẹ và Nhân nữa chứ! Bây giờ thống nhất rồi, nay mai sẽ có tin thôi, em chắc thế!

Dân nhìn vợ, ánh mắt biết ơn. Thắm vui giọng:

– Mai anh phải đưa em đi xem Thủ Ðô nhé. Từ bé, em chỉ ao ước lên Hà Nội, bây giờ mới có dịp!

– Em muốn đi đâu? Xem gì?

– Em muốn đi tàu điện. Nghe nói tàu điện mà em chẳng tưởng tượng nó ra làm sao cả! Còn xem, em muốn vào xem lăng Bác!

Từ ga Hàng Cỏ, Dân thuê xích lô đi về Phúc Xá. Lần đầu ngồi xe, Thắm ngượng nghịu, dấu mặt sau lưng chồng. Nghe tiếng gọi cửa, Xuân sau bếp reo lên:

– À, cô dâu chú rể! Vào đây, vào… Anh Cự ở dưới bãi cũng sắp về tới nơi rồi!

Thắm nhìn về phía sông Hồng. Cầu Long Biên thấp thoáng nắng, lừng lững như một con trăn già vắt mình giữa hai triền bờ đất bồi đỏ sạm. Xuân cười, tay chỉ:

– Dưới kia là bãi dâu nhà mình. Tối nay, mình đãi các cậu một bữa trứng lá dâu nhé. Mới ăn, vị hơi đăng đắng nhưng chỉ lát sau là mồm ngọt lịm như ăn chè.

Comments are closed.