Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 288) : Bờ dâu – Nam Dao (7)

Cơn bão ụp xuống miền Bắc. Trời hành, trút nước xuống, nổi gió lên, cả một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nhìn như biển cả nổi cơn thịnh nộ. Bà Lý co ro:

– Thắm này! Cứ gió thế này, nhà mình chắc bay lên giời mất. Con ra xem cái chuồng gà có sao không?

Ngửng nhìn kèo nhà rít lên răng rắc, Thắm quàng chiếc áo tơi, xuống bếp rồi men vách nhà ra vườn. Mưa như quất roi vào mặt. Cây sung cạnh bờ ao nghiêng ngả, dăm ba cành bị chẻ ra khỏi thân, gục xuống như những kẻ tử tội đợi chém đầu. Chuồng gà bung ra, gà mẹ nằm chúi xuống nhưng đám gà con chẳng biết đi đâu trừ một con xù lông run rẩy. Thắm cúi xuống. Nàng nhăn mặt, bụng lại nhói lên. Ôm hai con gà, Thắm lần vách đi ngược lại. Bỏ gà vào một góc nhà, Thắm nói:

– Chuồng sập rồi bà!

– Cứ mưa bão thế này, mới thấy nhà có bàn tay đàn ông chống chọi là cần. Bà Lý ngước lên – lạy giời cho cái mái đừng tốc lên!

Cầm cái nồi đất vẫn dùng để nấu cám, bà Lý đem hứng chỗ mưa dột, nước nhỏ tí ta tí tách. Thắm ngồi xuống, thò tay xoa nhè nhẹ vào bụng. Nàng có mang thế là được ba hay bốn tháng rồi. Hôm Dân về, nàng nắm tay Dân lí nhí báo tin. Dân ứa nước mắt, tay đưa lên quạt lấy quạt để cho nàng, miệng không thốt được nên lời.

Mưa, cứ thế, mưa trắng cả nhân gian. Mây ẩm đục lâu lâu bị những tia chớp xé rách toạc. Sét nổ chói tai đánh xẹt xuống trong tiếng sấm đùng đùng vang vọng từ một chân trời dọa nạt. Thình lình con gà con kêu chiêm chiếp như cầu cứu. Rồi tiếng cục cục của gà mẹ. Thắm nghe tiếng cánh đập, ngước lên nhìn. Không hiểu từ lúc nào ba con quạ vào đậu trên kèo ngang nhà. Chúng đen trùi trũi, con nào con nấy to bằng con gà nhỡ, mỏ nhọn hoắt, mắt lấp loáng ánh kim khí. Thắm cúi nhặt vài hòn đất, vung tay ném. Quạ nhảy lên, nhưng lại đậu xuống. Dăm ba lần, Thắm vừa ném vừa xua, nhưng quạ nhất định không bay. Bà Lý bảo mưa bão thế này, chúng chẳng thể đi đâu. Tiếng gà vẫn chíp chíp thảng thốt. Thắm tìm một chiếc nơm đậy cả gà mẹ gà con rồi đẩy vào gầm chõng.

Ðêm hôm đó, Thắm sợ quạ tha, nằm canh hai con gà không dám ngủ. Gà mẹ thỉnh thoảng lại kêu cục cục như trấn an gà con. Tay để lên bụng, nàng vuốt ve trìu mến, tưởng tượng con mình đang cục cựa. Không biết là trai hay gái? Nàng tự hỏi. Còn Dân, có lẽ Dân thích con trai, nhưng miệng bảo, con là con, gái hay trai cũng vậy. Phần Thắm, nàng cũng thích con trai. Nay hòa bình, hết sợ bom đạn phanh thây, con trai thì mới đỡ đần được bố mẹ. Con gái, lấy chồng là con người ta. Vả lại, Thắm biết, làm con gái ở xứ sở này quả là gánh cái kiếp nhọc nhằn khốn nạn.

Ba ngày sau cơn bão, Dân khập khiễng về Yên Phong. Nhìn cây cối đổ ngổn ngang trên đường phố Hà Nội, Dân lo, không hiểu bão lớn thế này Thắm và bà Lý dưới quê thế nào. Cất tiếng gọi, Thắm dưới bếp vội vã đi lên, tươi cười:

– Bão thế cũng về được, hả anh?

Hai anh thanh niên đang giúp cột lại mái bếp xiêu vẹo cũng vừa ngơi tay, ra chào Dân rồi đi. Trên chiếc chõng, bà Lý đắp chăn, mắt nhắm nghiền, chỉ khe khẽ động đậy.

– Bà làm sao vậy? Dân hỏi.

– Bà mệt, hai ba ngày không ăn uống được gì…

Thật ra, Dân biết, có gì mà ăn. Nay gạo thì hẩm, lại phải độn mì hột và bo bo, người già cố cũng nuốt không trôi. Dân mở ba lô, đưa cho Thắm túi gạo. Chàng mang về được sáu ký lô và hai trăm gam đường, mua bằng tiền dành dụm được mấy tháng qua. Thắm cảm động:

– Ðã bảo dưới quê đủ ăn, anh còn cứ thế… Ăn uống không đủ thì học hành thế nào được!

Dân cười, nói lảng:

– Học chứ có phải vác nặng đâu mà lo! Bụng lưng lưng, đầu mới tỉnh táo chứ ăn đẫy là buồn ngủ. Tối, em nấu tí cháo cho bà.

Gật đầu, Thắm hỏi chuyện đường xá. Dân kể, Quốc lộ 1 ở địa phận Ninh Bình bị lở, phải vào tỉnh lỵ Nam Ðịnh, đi vòng mới về được Ý Yên. Vỗ chiếc nạng, Dân dí dỏm:

– Vì em thì… mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua!

Rơm rớm nước mắt, Thắm cầm tay chồng đặt lên bụng, nói khẽ:

– Còn em bé nữa chứ, đâu chỉ vì một mình em!

Dân áp tai lên bụng Thắm nghe ngóng rồi thì thào:

– Hình như nó đạp…

– Khéo mà tưởng tượng, nó còn bé quá! Chắc phải một hai tháng nữa thì mới có chuyện đạp, anh ạ!

Nghĩ đến những cơn đau nhói, Thắm định kể cho Dân, nhưng lại thôi. Thầm nhủ nói chỉ để cho chồng thêm lo, nàng hồi tưởng lần đi khám thai trên nhà Hộ Sinh thuộc trạm y tế xã, tính nhẩm trong đầu rồi bảo:

– Em đồ chừng cuối tháng mười thì đẻ!

– Tức là hai, ba tháng nữa? Dân ngạc nhiên.

Phá lên cười ngặt nghẽo, Thắm bảo:

– Tháng mười âm lịch, ông ạ! Em có phải là gà đâu! Tức là bốn hoặc năm tháng nữa…

– Ừ… Dân lẩm bẩm, không chừng anh xin nghỉ một quí học, về với em khi đó!

– Gượm xem đã. Trước mắt là bụng mang dạ chửa, em không thể lao động trong vụ mùa tới. Hợp tác xã cũng biết vậy. Ðể có cái ăn, em đã đề nghị vay Hợp tác xã một ít công tính ra thóc, nhưng chưa biết họ có cho không?

Dân ghìm một tiếng thở dài, chậm rãi:

– Về chuyến này, anh dự định cứ có dịp nghỉ là anh sẽ… đi buôn với anh Tạ. Hôm trước, anh Tạ có ghé Hà Nội. Anh hỏi rồi, anh ấy nhận lời. Ði một chuyến, kiếm được dăm chục, cứ đổi sắn lấy chè, mua rẻ bán đắt. Một tháng, có thể làm ba chuyến…

Thắm im lặng không nói gì. Nếu có ít tiền, chắc nàng đỡ lo, nhất là gần đây bà Lý cứ đau ốm luôn. Nhưng đi buôn chuyến như Tạ là vi phạm pháp luật trong thời ngăn sông cấm chợ. Bị bắt, thường phải đi cải tạo. Thắm nhớ đến thằng em mình, mím môi nói:

– Em thì em không đồng ý! Anh sang năm học xong, rồi sẽ có công ăn việc làm đàng hoàng. Nay đi buôn, thử hỏi anh bị công an bắt thì hậu quả sẽ ra làm sao? Thà là anh cho em đi vay mượn ít nhiều, dẫu thiếu thốn nhưng không phiêu lưu như đi buôn. Khi anh đi làm, mình trả, trên Hợp tác xã cũng biết vậy!

Biết Thắm và bà Lý đói, Dân dành dụm được chút gì là đem về. Nhưng thế có được bao nhiêu! Lúc mang thai, lại là lúc Thắm cần bồi dưỡng, lấy đâu ra tiền mua sữa mua đường? Cự nay đã có công việc, lương cán bộ chẳng bao nhiêu, vay mượn cũng ngại. Nhưng ngoài Cự, Dân nào biết trông cậy vào ai? Không muốn Thắm lo, Dân lảng:

– Ừ! Em nói phải đấy. Với lại – đổi giọng làm vui – chân anh thế này thì nhảy tàu nhảy xe thế nào được mà đòi đi buôn. Chắc ta vay anh Cự chị Xuân ít tiền, vay rồi trả, chứ có mất đi đâu! Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà…

Thắm lại thấy nhoi nhói trong bụng. Nàng ngả người dựa vào lòng chồng, nhắm mắt chịu đựng cơn đau, miệng cố mỉm cười. Có tiếng chíp chíp của chú gà con dưới chiếc chõng tre. Thắm chưa thả gà ra vì ba con quạ đen vẫn còn lởn vởn đâu đây, dẫu trận bão đã dứt.

*

Dân học được thế nào là xấu hổ và thế nào là sợ. Xấu hổ, khi Dân hỏi vay tiền Cự, nói bà Lý ốm nặng chứ không phải là cần vốn đi buôn. Và sợ. Thật lạ, thời chiến phải đối mặt với cái chết, cũng sợ nhưng nó khác với cái thời bình. Sợ thời bình, là sợ khi đối mặt với cái sống. Nếu bị công an vồ, chắc chắn sẽ phải kiểm điểm với Chi bộ Ðảng ở khoa Văn trường đại học. Có thể bị đuổi. Có thể bị khai trừ Ðảng. Và thế là ‘‘tuyệt đường phấn đấu’’. Cái gốc công giáo chắc lòi ra. Thậm chí chuyện cha mình là thành phần xét lại chống Ðảng cũng sẽ không còn là một điều bí mật. Hậu quả, sống là sống bên lề, với một cái chân cụt, kéo thêm vợ và con vào một tương lai đen như đêm dằng dặc. Sống như thế là sống mòn. Sống trong cái chết nhấm nháp hàng ngày, hàng giờ, ăn dè thời gian để kéo dài oan khổ. Nhưng làm sao được đây? Bụng mang dạ chửa, Thắm không thể quần quật làm như trước. Bà Lý có một lần bảo Dân, vợ con mà cứ tiếp tục ‘‘lao động’’ là không biết chừng ‘‘sẩy’’ mất. Dân nghe bà nói, xấu hổ cúi mặt xuống. Lần này, xấu hổ vì bất lực. Vì vô dụng. Gặp Tạ, Dân bảo ‘’Anh giúp cho!’’.

Khi đó, Tạ đã vào một đường dây. Từ Hà Nội và Hải Phòng, đường dây chuyển muối, đường, bột ngọt, sắn khô lên vùng Cao – Bắc – Lạng. Rồi mang hồi, quế, mộc nhĩ, nấm, chè về bán ở các đô thị. Tạ hề hề ‘‘Tớ thuộc công đoạn bốc ở Thái Nguyên, đổ ở Hà Nội’’. Từ Thái Nguyên, hàng đến Gia Lâm bằng đường xe lửa. Ðoạn này tương đối an toàn vì ‘‘mua’’ được bọn công nhân viên kiểm vé, kiểm hàng. Cái rủi ro còn lại, là đôi khi có những đội công an đột xuất ‘‘du kích’’ khách buôn. Khó nhất, là chuyển hàng từ Gia Lâm vào Hà Nội. Công an chằng chéo từ phường đến quận, khó ‘‘mua’’, và nếu ‘‘mua’’ nhiều thì mất toi món lời kiếm được. Tạ bảo ‘‘Thủ trưởng phải biến yếu thành mạnh, biến hại thành lợi, biến hư thành thực’’. Dân đang ngạc nhiên, Tạ đòi Dân vén quần cho xem chỗ chân bị cụt. Ngẫm nghĩ, Tạ nói ‘‘Chỗ này, có thể bó “hàng” vào. Ðộ dăm ba ký thì chống nạng đi đứng vẫn bình thường, mặc quần ống rộng che đi. Là thương binh, chắc chẳng đứa nào chặn để khám xét đâu! Vả lại, đội hình đi buôn luôn luôn hai thằng. Có trắc trở, thằng làm đầu gấu cần thì kiếm chuyện ra tay!’’.

Chuyến đầu, Tạ đi cùng với Dân, mua vé xe khách từ Gia Lâm về Hà Nội. Dân găm được năm ký chè Thái Nguyên, ‘‘hạ cánh’’ an toàn. Tạ đưa Dân đến mối sỉ, giao hàng và giới thiệu ‘‘Lần sau thì anh đây sẽ là “giao liên”’’. Ra khỏi nơi giao hàng gần chợ hàng Da, Tạ cười, ‘‘”Phi vụ” đầu vậy là chót lọt. Mình “đánh” thế này, sáng tạo lắm. Công an chặn, nhưng cứ gặp áo bộ đội, lại què cụt là thôi, không phiền hà nữa!’’. Tháng đó, Dân đánh liền năm “phi vụ”, khi đi xe lửa, lúc đổi xe hàng. Vấn đề chính là đừng để cho người ta chú ý, khai báo lôi thôi. Dân định bụng tiếp tục buôn đến hết hè, lúc đi học lại thì thôi, khó có thể vắng mặt mà không gây thắc mắc. Ðêm về, Dân mở bọc ra đếm tiền. Số nợ Cự, trả xong thừa ra gần hai trăm bạc. Khó là nói thế nào cho Thắm hiểu. Chép miệng, Dân định bụng đi chuyến chót, đem tiền về và nói thật. Khi đó, chuyện là sự đã rồi, và nhất định không bao giờ đi buôn nữa cho Thắm yên tâm là xong. Chuyến buôn cuối, Dân muốn đánh một vốn bốn lời, đổ quá nửa số tiền dành dụm vào mua trầm và mật gấu miền thượng du. Mối hàng ở Hà Nội đã sẵn và đều là chỗ tin cậy. Tạ phụ trách thu mua, đã dày dạn kinh nghiệm nên không sợ bị lừa. Phần đổ hàng, Dân lo. Trầm và mật gấu vừa nhẹ vừa gọn, rất tiện. Tạ giúi vào tay Dân một khẩu súng ngắn K-54 giấu được, dặn gặp cướp cạn thì cứ việc “đoàng” rồi tẩu tán hàng, về sau cần thì bịa chuyện tự vệ. Dân toát mồ hôi, trả súng, nghĩ bụng không cần. Tạ chỉ cười nhạt.

Ðợi xe lửa ở Gia Lâm, Dân đưa mắt nhìn quanh. Ðể chiếc nạng dựa trên chiếc chân cụt, Dân ngồi, tay mở túi zết tìm tờ báo Nhân Dân. Giả như đọc, thật ra Dân kín đáo quan sát. Tất cả bình thường. Một thiếu phụ tay dẫn đứa gái nhỏ, tay cầm giỏ mây, mắt nhìn đường rày, không giấu được vẻ sốt ruột. Bên cạnh, một ông trung niên, quần áo bộ đội, miệng phì phèo thuốc lá, chắc cũng là phục viên. Xa xa, người nườm nượp, tay xách nách mang, kẻ đứng người ngồi. Xe chạy, đến ga Hàng Cỏ quãng giữa trưa. Dân xuống, chống nạng ra cửa. Công an kiểm tra chặn hỏi, Dân đưa giấy chứng minh nhân dân ra. Họ đòi Dân mở túi zết. ‘‘Không có gì à?’’. Dân lắc, thản nhiên nhìn người vừa hỏi. ‘‘Thôi, mời anh đi’’, người công an đứng bên cạnh nói. Dân khập khiễng chống nạng, đi không ngoái lại. Ra đến ngoài, Dân nhìn quanh rồi vẫy xích lô. Bất chợt, hai người mặc thường phục xồ ra. Một người giằng nạng, người kia nắm cứng tay Dân bẻ vòng ra sau. Dân thầm nhủ, thôi “bị” rồi! Có tiếng quát thình lình cất lên:

– Chúng mày hà hiếp thương binh hả!

Rồi một tiếng súng ngắn. Ðiếu thuốc lá rơi xuống mặt đường. Tiếng chân đuổi. Người chạy là người áo quần bộ đội, hiện ra và biến đi như một bóng ma.

*

Cơn đau ngâm ngẩm từ trưa bỗng vỡ ra, thốn vào, cào cấu, cưa nghiến như hàng vạn lưỡi dao cạo xoay vòng vòng bụng dưới. Thắm không nhịn được, bật lên tiếng gọi trời nghe như tiếng rú một con vật bị đánh bẫy. Bà Lý đang thiu thiu ngủ giật mình nhỏm dậy.

Máu từ tử cung Thắm ứa ra trộn với nước ối, nhỏ dòng dòng. Thắm nói qua hai hàm răng cắn chặt: ‘‘Bà cho đi gọi… chắc sắp đẻ rồi… nhanh…’’. Bà Lý lập cập đứng lên, đáp: ‘‘Ðược, được!’’, mò mẫm ra cửa sang bên hàng xóm trong buổi chiều chập choạng. Hai tay ôm lấy bụng, Thắm há hốc miệng hớp không khí, thở hổn hển, cố đặt mình nằm xuống. Cơn đau bỗng khi co khi thắt như giây sắt nghiến vào dạ con, vật Thắm ngã xuống. Mặt đập vào nền đất, Thắm gọi tên Dân, trong đầu chập chờn ba con quạ mỏ vàng nhọn hoắt giơ cánh vỗ xoành xoạch. Dưới chiếc chõng tre kê sát vách, tiếng gà con kêu chíp chíp, cứ như hôm cơn bão sập về đánh nát đồng nát ruộng. Cố mở mắt, Thắm thấy ba con quạ bay đi. Rồi tiếng chân người chạy thình thịch. Thắm cố gượng chống nhưng đầu lịm dần, tai loáng thoáng tiếng bà Lý, tiếng chị hàng xóm.

Không biết bao lâu sau, Thắm lại mở được mắt. Xung quanh Thắm nhận ra hai ba người đàn bà. Họ đã khiêng Thắm đặt lên chõng, kê lưng cho nằm thoai thoải, và đã nấu nước nóng, lau chùi phần hạ thể của Thắm. Chị hàng xóm dấp chiếc khăn vào nước, nhẹ nhàng đặt lên trán Thắm, miệng cười: ‘’Con so mà. Tí nữa nó ra là hết đau, em ạ! Chị đẻ ba lần rồi, chị biết. Cứ đến lần thứ hai là đẻ như gà, dặn dăm cái là ra!’’. Chị hàng xóm ân cần dặn Thắm: ‘‘Thở quan trọng, hít từng hơi để thư giãn giữa những chập dạ con co thắt. Mỗi lần dặn, dặn cho đến không dặn được nữa mới thôi’’.

Bất chợt, bụng Thắm lại quặn lại. Thắm thầm kêu, anh Dân ơi, đúng là mang nặng đẻ đau. Thắm thở ra. Chị hàng xóm đẩy cho hai chân Thắm co lên. Chị bảo: ‘‘Đếm nhé! Ðếm đến ba thì dặn, nghe không’’. Chao ôi, bụng Thắm thốn lại, quặn thắt. ‘‘Thở đi, thở ra. Nào, một, hai…’’. Người Thắm nhũn ra. Nàng hít không khí cho đầy phổi. ‘‘Rồi, một… hai… ba…, dặn này, dặn…’’, chị hàng xóm ra lệnh. Thắm lại rú lên, miệng lảm nhảm gọi ‘‘ Anh Dân ơi! Sao lại làm tình làm tội thế này?’’. Chị hàng xóm hóm hỉnh ‘‘Thì làm tình mới nên tội, chứ gì nữa! Còn phải hỏi’’.

Từ lúc tối trời, Thắm vật vã đến nửa đêm, thét lên và cảm thấy người như nhẹ đi. Chị hàng xóm kêu ‘‘Sắp xong rồi. Cố dặn thêm một tí nữa’’. Thắm nghiến răng, lấy sức. Rồi Thắm có cảm giác giải thoát được một thứ cực hình. Kiệt lực đến độ đầu óc mơ màng, nàng bỗng thấy hình Chúa hài đồng một lần Dân đưa cho nàng xem. Ôi đẹp làm sao! Trong sáng làm sao! Nàng thầm kêu, con của mẹ, thế là con đã vào cuộc thế. Hãy khóc lên một tiếng. Và sau đó, con thương yêu, sau lần khóc đầu đời, mẹ và cha con sẽ bao bọc để con sống một cuộc sống không bao giờ bắt con phải khóc nữa.

Thắm đợi. Nhưng không có tiếng khóc sơ sinh nào. Sự im lặng mỗi lúc một ghê rợn. Lạ một điều, chẳng ai đến nói gì với Thắm. Họ xì xào nho nhỏ với nhau. Thế là thế nào? Thắm cố cất tiếng hỏi: ‘‘Con tôi đâu? Trai hay là gái?’’. Vẫn không ai đáp. Chợt Thắm nghe tiếng bà Lý thút thít. ‘‘Ơ hay, bà ơi! Sao bà lại khóc? Cháu bà đâu?’’. Thắm gượng ngồi lên. Tử cung nàng đau như có kẻ lấy dao đâm vào. Thắm hổn hển: ‘‘Cho tôi xem mặt con tôi!’’.

Chị hàng xóm đã lau chùi thai nhi, bọc nó vào một mảnh vải trắng. Chị ôm lên, rồi ngần ngại. Mắt chị trắng dã, mặt thất thần. Chị đem cái bọc đến đưa vào tay bà Lý. Hai tay run rẩy, bà đỡ lấy, miệng vẫn thút thít. Từ trên giường, Thắm lao người xuống, bò về phía bà. Nàng không cảm thấy đau đớn gì. Sự kinh hoảng thình lình bồi cho một thứ sức mạnh lạ lùng, nàng lết đến cạnh bà Lý, tay mở lớp vải trắng ra, mắt tròng trọc nhìn cái thai nhi đỏ hon hỏn.

Thắm thét lên, bọt mép sùi ra, chân tay co giật. Cứ thế, nàng thét, thét… cho đến khi không còn biết gì nữa. Tiếng thét giữa đêm đen đánh động đàn quạ sau vườn. Trước khi đập cánh bay lên, chúng phụ họa kêu quang quác khiến mấy con gà trong chuồng run rẩy đứng co lại với nhau trong một góc.

*

Dân ôm sấp vải vào lòng, tay vuốt ve, lòng tràn đầy một niềm vui khôn tả. Ðây, món quà đầu chàng mua cho Thắm. Vải để may áo cánh là loại hàng nylon, màu xanh da trời trên có những chấm vàng nhạt, nghe đâu là loại hàng còn lại thời Mỹ đem từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Sau Giải phóng miền Nam, nhằm chặn “văn hóa đồi trụy” Mỹ-Ngụy, một phong trào xây dựng ‘‘nếp sống văn minh’’ được tung ra trên những ngã tư Hà Nội. Thanh niên tay quàng băng đỏ hầm hầm nhìn tứ phía tìm kẻ nào quần loe tóc dài là tóm lại. Quần loe, ta rạch quần. Tóc dài, ta cắt tóc. Dân ngần ngừ trước cửa hàng bán vải, ấp úng hỏi, ‘‘Vải màu thế này có đúng nếp sống văn minh không?’’. Bà bán vải ở chợ cười, ‘‘Chẳng nhẽ văn minh là chỉ có màu đen với máu trắng à? Ðảng chưa ra nghị quyết cấm màu xanh da trời. Vả lại, có cấm thì cấm dưới đất này chứ da trời, đố ai đổi màu cho được!’’.

Ngồi trên xe đi Nam Ðịnh, Dân vẩn vơ nhớ những ngày qua. Quả là hú hồn hôm xuống ga Hàng Cỏ bữa nọ. Sau tiếng súng nổ, ai nấy nhốn nháo lên. Chợt một chiếc xe jeep quân đội chồm tới. Người trên xe nhảy xuống là Tạ. Kéo Dân đẩy lên ngồi băng sau, Tạ giục xe chạy. Một lúc sau, xe đi dọc phố Ðội Cấn, vòng vèo rồi đổ hai người xuống. Khi ấy, Tạ mới nói. Dân hiểu anh phục viên trung niên miệng phì phèo thuốc lá được phái đi bảo vệ chuyến hàng. Và hai kẻ xáp lại Dân khi chàng ra cổng ga chỉ là hai gã đầu gấu một băng đảng đang cạnh tranh tìm cách phá chuyện làm ăn của Tạ. Chúng đã theo dõi Dân từ lâu, cố tình gây đẩu đả để công an khu Khâm Thiên chặn bắt, và tất nhiên sẽ khám phá ra đường dây buôn hàng.

Về đến thị xã Ý Yên, Dân vào chợ mua trầu cau cho bà Lý. Nghĩ đi nghĩ lại, Dân tìm ít lòng lợn và hai lạng thịt. Nắm bó tiền giắt bụng, Dân tự nhủ, thế này thì hai bà cháu Thắm sẽ thừa sức sống từ đây đến sau Tết, không còn gì phải lo lắng. Phần mình, chàng tiếp tục đi học, và nhất là phải viết cho xong cái luận văn tốt nghiệp. Khi xong xuôi, tất nhiên sẽ được phân công tác. Những kẻ không thần thế, chắc chắn là đi miền núi. Nhưng chẳng sao. Ðồng lương giáo viên cấp hai không nhiều, gia đình chàng cũng chắc chẳng đến nỗi đói. Vẫy xe đạp “ôm”, Dân không mặc cả giá đèo về Yên Phong. Khi xe qua những chặng đường lồi lõm, anh xe dặn, nắm cho chặt. Dân vui vẻ đùa, ‘‘Đã vượt đường Trường Sơn đầy hố bom thì sợ gì mấy cái lõm Ý Yên’’.

Dân gọi cửa. Bà Lý ra mở. Trời ơi, sao nay bà gầy rạc đi, mắt sưng hum húp, không nhìn ra Dân. ‘’Giời đất ơi!’’, bà rú lên, tay nắm chặt lấy cánh tay Dân. Linh cảm thấy một tai họa nào đó, Dân vội hỏi:

– Bà ơi! Nhà cháu đâu?

Bà Lý lắc đầu, nói không nên lời. Bà thò tay vào túi, móc ra một mảnh giấy gấp tư, chìa cho Dân. Đọc vội, mặt Dân tái đi.

– Sao lại thế? Dân nắm vai bà, hỏi đi hỏi lại.

Bà Lý vẫn lắc đầu. Dân vứt chiếc nạng, rơi người xuống chiếc chõng tre như một cục đá tảng. Tay ôm mặt, Dân gầm gừ, ‘‘Tiền để sống đây này!’’. Móc bó tiền giắt bụng, Dân đưa bà Lý, miệng lẩm bẩm:

– Sao lại thế? Ai lỗi lầm gì hả Thắm?

Chị hàng xóm chạy qua. Nhìn Dân, chị im lặng, ánh mắt xót thương. Dân ngước lên, mắt đỏ lừ như chó lên cơn dại, mặt nhăn nhó:

– Sao lại thế hả?

Chị hàng xóm quay mặt đi, nói nhanh:

– Thắm nó đẻ rồi…

– A, a… Thế con tôi đâu? Giời ơi, con tôi…

– Thắm bế đi. Nửa đêm, Thắm đi chẳng ai hay biết…

Dân gào lên:

– Mà đi đâu cơ chứ! Thắm ơi, bế con đi đâu hở em?

Thình lình, Dân chồm dậy. Không có nạng, Dân nhảy lò cò, rồi ngã. Lết như loài bò sát, Dân gào: ‘‘Thắm, Thắm ơi!’’. Chị hàng xóm đuổi theo, hốt hoảng kêu. Hai ba thanh niên chạy ra. Họ ôm Dân, vực lên, lẳng lặng mang vào nhà. Ái ngại nhìn, họ lẩm bẩm ‘‘Anh bình tĩnh lại!’’. Mệt lả, Dân ngật ra nằm, thoi thóp.

Giữa trưa, Yên Phong êm ả trong cơn ngái ngủ. Cuối tầm mắt, con sông Ðáy vẫn lững lờ vô tư. Trời đầu thu, nắng không gắt, ánh vàng tươi trải lên những cánh đồng mới gặt. Thỉnh thoảng, tiếng trẻ gọi nhau ơi ới ở ven bờ ruông, nơi dăm ba con trâu đủng đỉnh lúc lắc đuổi muỗi. Bọn trẻ ngơ ngác. Lộc cộc. Lộc cộc. Có đứa thì thầm ‘‘Chắc bác Dân nhà cô Thắm’’.

Lộc cộc. Lộc cộc.

Dân chống nạng đi từ đầu làng đến cuối làng, lâu lâu lại kêu lên ‘‘Thắm ơi, Thắm!’’. Lời đáp lại là tiếng gió rì rào giữa những tàn cây lá đổ vàng. ‘‘Cha tiên nhân chúng mày!’’, Dân chửi, chẳng biết chúng mày là những ai. Lá bay tốc lên rồi lẻ tẻ rơi như bướm lượn.

Lộc cộc. Lộc cộc.

– Thắm đâu rồi, Thắm ơi!

Dân cứ thế gào cho đến khi khản cổ, nghe chỉ còn tiếng gầm gừ rên rỉ. Trong làng, người này nhìn người kia. Chẳng ai biết phải làm gì, im lặng như những kẻ phạm tội. Đến tối thì Dân đến ngồi bờ ao, tay ôm cứng lấy cây sung, nức nở gọi ‘‘Thắm ơi! Anh đây. Có tiền rồi mà! Chính anh mới là người có lỗi’’. Con gà con đi ngang kêu chíp chíp. Dân nhanh tay vồ lấy, ôm lên ngang tầm mắt, mỉm cười gọi: ‘‘Con của cha đấy à?’’. Con gà giãy giụa. Dân vừa nựng vừa ru:

‘’Cái ngủ mày ngủ cho lâu. Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về’’.

Con gà xổng khỏi hai bàn tay Dân, lủi vào bụi cây. Dân rú lên ‘‘Con đi đâu? Bỏ cha một mình à?’’, tay quờ quạng tìm con gà con không biết biến đâu mất. Dân đập đầu vào thân cây sung sần sì, miệng thét ‘‘Thắm ơi! Em ơi! Con nó đi lạc mất rồi’’. Trán Dân vỡ toác, máu ròng ròng nhỏ xuống má, xuống mũi. Bà Lý chạy ra vườn, lại ré lên gọi. Dân gục đầu xuống bờ nước, ngất đi.

Bí Thư xã bảo ‘‘Phải canh chừng cho đồng chí Dân chắc phẫn quá hóa dại’’. Hai dân quân buộc chân buộc tay Dân vào chiếc chõng tre kê sát vách. Một anh công an đi gấp lên Phúc Xá tìm Cự. Bà Lý tấm tức, miệng niệm Phật, đôi mắt đã lòa sũng nước như ruộng mùa mưa dầm. Dân tỉnh, lại gào. Rồi lại ngất đi. Những cơn ác mộng thời chiến ập về đánh úp một vùng não bộ nhão ra vì đau đớn. Dân thét, chữ còn chữ mất: ‘‘Xuống công sự, con ma sắp dội bom lửa! Ðịt mẹ chúng nó! Phải bổ sung quân thôi. Lính tơ chết gần hết rồi. Tạ ơi, chạy! Lệnh cho lùi về, tiến là chết!’’.

Comments are closed.