Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 293): Bờ dâu – Nam Dao (12)

Hóa ra Nguyễn Trường Văn đổi tên là Tín năm 1956 để nhắc nhở mình đức tin hầu chống trọi với một xã hội từng mang treo cổ tượng Ðức Mẹ và Phật Bà ở lối vào thôn Bùi Chu. Huyền nhận ra ngay Tín. Nét hao hao giống Chính, Tín ăn nói cũng chừng mực, mắt nhìn như cười, tác phong có vẻ quen nhẫn nhịn chịu đựng. Nghe Huyền xưng tên, Tín đứng dậy:

– Anh tôi có nói với tôi rất nhiều về chị. Ơn Chúa, bây giờ tôi mới được gặp.

Tín là người ruột thịt duy nhất Chính có liên hệ trước khi lìa đời. Huyền không kìm được lòng, xin Tín kể cho mình nghe về Chính. Tín tần ngần, giọng xa vắng. Mất tin hơn mười lăm năm, một hôm Chính lù lù về nhà Chung Giáp Ðoài trong khi Mỹ tái oanh tạc miền Bắc để o ép chuyện ký kết Hiệp Ðịnh Paris. Tín hỏi, ngạc nhiên nghe Chính trả lời:

-Anh đi tù từ năm 1962!

Nghe Tín nói đến đấy, Huyền nhổm dậy, giọng hốt hoảng:

-Từ năm 1962…

-Vâng!

Huyền sụm xuống, đầu gối nhũn ra. Mặt tái không còn hột máu, Huyền chỉ thấy một màn đen sụp xuống dẫu mắt mở trợn trừng. Tai nghe tiếng thủy tinh vỡ, nàng cảm thấy hàng trăm mảnh nhọn chọc vào người, xuyên vào não, cắm vào tim. Đau đớn, nàng hét lên thảm thiết. Hình ảnh Tư Quới cũng đúng năm 62 đến kết nạp mình vào đường dây tình báo nội thành Sài Gòn hiện về. Thì ra lá thư bảo là của Chính gửi cho mình là giả mạo. Và mười lăm năm vừa qua, nàng có khác gì con rối múa may trong hiện trường của một sự lường gạt mang cái tên mỹ miều chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Nhưng tại sao? Nàng chỉ là một cái đinh, một con vít, dùng được thì dùng, nếu không, rút ra vứt vào nơi chứa đồ phế thải của một thời tao loạn? Tất cả, chỉ nhằm một mục đích là chiến thắng. Và vì thế phải vô hiệu hoá mọi mầm mống thù địch, thậm chí sử dụng chúng, với bất cứ ai, và bằng mọi cách, dù dối trá bỉ ổi? Cứu cánh biện minh cho mọi phương tiện, nhưng khi chính những phương tiện tiêu diệt con người thì cứu cánh có còn đâu nữa để mà biện minh!

Huyền ngất đi không biết bao lâu, tỉnh lại thấy Tín đang rì rầm đọc kinh. Trên bức tường vôi trắng trước mặt, tượng Chúa cứu thế nhỏ nhoi và cô đơn nhưng lung linh dưới ánh nắng bên ngoài hắt vào. Nghe tiếng rên, Tín mừng rỡ:

– Chị đã tỉnh, may quá. Lúc nẫy vực chị dậy, tôi lo và đã định cho người đi gọi ông y sĩ trên trạm Y Tế!

Hít vào một hơi dài, Huyền ngồi lên, đầu óc tỉnh táo dần. Nàng xin một ly nước, uống chậm rãi. Lát sau, nàng ngước nhìn Tín:

– Chắc tôi không sao đâu! Tôi nào có ngờ là anh Chính nhà tôi bị tù từ năm 62… Nhưng vì sao? Tôi bặt tin anh Chính khi anh ấy ở trên Việt Bắc. Từ dạo ấy, tôi chẳng hay biết gì!

Nhìn Huyền, Tín chậm rãi kể Chính tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bị thương và đang điều dưỡng ở Thanh Hoá thì bà Ðồ bị đấu tố trong Cải Cách Ruộng Ðất. Tín báo, và Chính về ngay Giáp Ðoài, nhưng bị Ðội Cải Cách bắt, đánh đến liệt một cánh tay.

– Liệt một tay? Huyền bật miệng, hồi tưởng lại con người trong giấc mơ trỏ tay chỉ ra ngoài.

– Vâng, anh tôi đang dưỡng thương, nhưng khi tôi báo thì anh về ngay quê để xác minh cứu mẹ. Vừ đến nơi, anh bị Đội Cải Cách bắt và đánh vào vết thương chưa lành…

Nghẹn giọng, Tín hít hơi ngừng nói. Lát sau, Tín kể tiếp Huyền mới biết là Huyện phái một đội sửa sai về Giáp Đoài sau khi Chính trốn thoát, và bà Ðồ được đánh xuống thành phần, nhưng đã mất nhà mất cửa, cuối cùng chết lạnh bên mộ ông Ðồ. Huyền thắc mắc:

– Còn chị Xoan, chị ấy lúc đó ở đâu?

– Chị ấy cũng ở quê, nhưng ngày anh Chính trốn thoát Ðội Cải Cách thì cũng là ngày chị treo cổ tự tử, Tín đáp, tay làm dấu thánh.

Huyền thở dài. Tín thuật lại chuyện éo le giữa Xoan, Chính và anh đội Cải Cách tên Tẹo, rồi thẫn thờ:

– Từ khi tiếp thu Thủ Ðô thì tôi không còn tin tức gì anh Chính, cho đến mười bẩy năm sau, một hôm anh ấy hiện ra như về từ cõi chết.

Hồi tưởng chuyến Chính về Giáp Ðoài, Tín bóp trán, nét mặt thẫn thờ. Thời gian đó, trước triển vọng ký kết Hiệp Ðịnh Paris, chính quyền Hà Nội quyết định thả tù chính trị ra. Giữa năm 72, từ trại Cổng Trời, Chính được về nguyên quán để địa phương quản lý. Tín hỏi lý do tù tội, Chính kể ‘‘Ban đầu, anh nghĩ là vì anh phản đối việc đóng cửa báo Nhân Văn, nhưng không phải. Ngẫm lại, có lẽ là vì anh không nhất trí với đường lối giải phóng miền Nam bằng võ trang. Ðấu tranh tư tưởng mãi, anh vẫn không thông như một số người thời ấy. Những người như thế ở cấp lãnh đạo cao thì bị gạt ra khỏi quyền lực, nhưng ‘‘người ta’’ để đó, chẳng thể hạ bệ từ bàn thờ Cách Mạng xuống mà không làm mất lòng tin. Lãnh đạo cấp trung, có kẻ bị đẩy sang Liên Xô rồi không cho về. Có người như anh, gốc gác Quốc Dân Ðảng, lại công giáo nên dễ thành đối tượng, phải bỏ tù để làm gương dọa dẫm những kẻ khác nhằm bịt miệng họ. Ðến năm 68, khi chiến tranh ở mức cao điểm, và nhất là sau những tổn thất nặng nề trong Tổng Công Kích và Nổi Dậy, ‘‘người ta ’’ bắt những người xưa cộng sự với anh như Vũ Ðình Huỳnh, Ðặng Kim Giang… thì rõ ra anh bị tù là vì cái sau này được gọi là cuộc đấu tranh giữa hai đường lối. Và bọn anh là bọn Xét lại chống Ðảng, tên gọi anh nghe một cậu cán bộ tuyên án từ cái lệnh đầu đi Cải Tạo! ’’.

Huyền thuật lại chuyện Nhân nay cũng phải đi cải tạo ở Tân Lập. Nàng xót xa, nhớ lại lời khuyên Nhân phải thành khẩn khai báo. Như thế, Nhân hóa ra là kẻ có cha thuộc thành phần phản động, và mẹ thì từng hoạt động trong đường dây một ông tướng công an, Thiếu tướng Nguyễn Công Tài, nay bị nghi ngờ dính líu đến CIA. Phần Nhân thì vậy. Ra tìm Dân, nay Huyền tìm cũng không được. Tín kể Dân có đến Giáp Ðoài sau khi giải ngũ và đã trao cho Dân một lá thư Chính viết gửi vợ con. Hy vọng chiến tranh sắp kết thúc, Chính cầu Bề Trên cho Huyền và hai con sống sót để mình gặp lại. Nhưng khi Mỹ phong tỏa và ném bom miền Bắc cuối năm 72 thì Chính có lẽ tuyệt vọng. Mười hai ngày Hà Nội bị B-52 đánh cướp đi ước vọng hòa bình khiến Chính chắc hẳn không còn muốn sống. Và thế là Chính chết, tự nguyện chết như chọn lựa cuối cùng, chết cái chết lặng của một hòn sỏi quăng xuống không để lại tăm tích nào ngoài nấm đất vô danh trên bãi tha ma ở một góc làng hẻo lánh.

Huyền không cầm được nước mắt. Người đàn bà mười lăm năm không khóc trước mặt ai nay chẳng còn sức nghiến răng nuốt bao nhiêu oan trái vào lòng. Huyền có cảm tưởng mình bị lường gạt trong một canh bạc bịp năm này qua năm kia, đặt cược là máu xương chia ly để hy vọng thu về dăm điều hoang tưởng tô vẽ bằng những mỹ từ che đằng sau dấu tay của quỉ. Quỉ tưới xăng châm lửa. Lửa bùng lên, chẳng phải lửa địa ngục, mà là lửa đốt thế gian này. Vết bỏng trong hồn càng lúc càng nóng càng rát. Ðến khi chịu không nổi nữa, tự nhiên Huyền quì xuống, thành khẩn nói với Tín:

– Cho con được xưng tội, thưa cha! Ðã ba mươi năm con báng Chúa, mù quáng cho là mình có một niềm tin khác…

Tín lẳng lặng đứng lên quay bước. Lát sau, Tín ra, mặc áo lễ của linh mục, tay đưa cho Huyền quyển Kinh Thánh. Ðến quì trước tượng Chúa, Tín lẩm nhẩm, nét mặt trầm mặc. Huyền quì phía sau, hai tay để lên Kinh Thánh, lặng lẽ, nghiêm trang. Theo chân Tín, Huyền bước vào một căn phòng tối nhỏ cho một người ngồi. Tín đi vòng, mở cửa căn phòng bên cạnh. Từ mái nhà Chung, nắng hắt ngang qua một tấm liếp đan thưa chắn giữa con chiên xưng tội và vị linh mục. Ánh nắng lỗ chỗ trên mặt Huyền như da một người bị bệnh đậu mùa. Tín lần tràng hạt, miệng đằng hắng, kiên nhẫn đợi. Huyền nuốt nước bọt. Ba mươi năm mới xưng tội, bắt đầu thế nào?

– Thưa cha… Con chót đã một mực chối bỏ phần hồn con, coi nó chỉ là hậu quả của vận động vật chất. Con tưởng rằng hạnh phúc ở thế gian này không cần đến cõi tâm linh, cái ác sẽ biến đi khi nhu cầu vật chất được đáp ứng đầy đủ…

– …et omnia vanitas[1]. Tín thì thào bằng tiếng Latinh.

– Con tin vào khả năng một thế giới đại đồng, nhưng cho rằng đó không phải là thiên đường nước Chúa. Con quên con người trong thế giới là những con người thật bằng da bằng thịt, có yêu có ghét để rồi sắm cho họ vai những thiên thần trong cái thế giới đại đồng đó.

– Vanitas! Huyễn hão cả… Memento mori [2]!

– Con bị mê hoặc bởi những mỹ từ như Tổ Quốc, Giải Phóng, Dân Tộc, Cách Mạng… mà quên đi người chết, kẻ bị thương, những gia đình ly tán, những làng mạc tiêu hủy. Con ngu xuẩn thay tình yêu con người bằng những ý niệm rỗng tuếch nhưng đủ sức mê hoặc của Sa-tăng để gây ra cảnh thịt rơi máu đổ cho con người!

Tín bất chợt lên tiếng:

– Tình yêu. Ðể tình yêu đó chữa cho lành. Tình yêu đó, chính là Thiên Chúa!

Huyền lẩm nhẩm nói cho mình nghe:

– Tình yêu đó cũng là tình yêu con người với nhau. Không có, chúng ta đều thành thú dữ cả!

Huyền thôi nói. Khuôn mặt chấm nắng vàng hắt qua liếp như lên đậu chìm dần vào bóng tối. Nắng nhạt dần. Tín nhìn sang, có cảm tưởng như Huyền vừa khỏi bệnh. Mặt nàng nay bình thường. Nét căm hận đã biến đi. Ngược lại, có cái gì êm ả trở lại như một đứa trẻ về nhà.


[1] …mọi sự đều huyễn hão.

[2] nhớ rằng ai rồi cũng chết!

Comments are closed.