Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 294): Bờ dâu – Nam Dao (13)

MÂY ÐỔI TRẨU

Khi bộ đội ở chiến trường Tây Nam tràn qua biên giới ập vào nội địa Campuchia cuối năm 78, tù cải tạo ở Tân Lập di chuyển về Vĩnh Phú. Ðề phòng đạo quân Trung Quốc đe dọa từ mặt Vân Nam, dân tản khỏi những nơi có thể thành chiến địa, lực lượng địa phương sửa soạn đánh trả khi bị tấn công. Hai chữ Cách Mạng lại mang âm hưởng một câu thần chú. Truyền thống yêu nước chống xâm lăng, lặp đi lặp lại trên báo chí, đẩy ý thức vào trạng thái bản năng, thứ bản năng đã trở thành khuôn thước từ những đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê.

Nhân ở trong đoàn tù cải tạo nhập trại Vĩnh Quang. Trại nằm vùng chân núi Tam Ðảo, xung quanh là những ngọn đồi xanh ngút ngàn. Trước đây, trại dành cho đám quan chức chính quyền cũ, đám chiến tranh chính trị, và bọn CIA. Nay, cộng với số tù chuyển từ Tân Lập, trại cưu mang thêm cả tù hình sự bị giam trong những trại cải tạo gần biên giới. Số tù độ gần sáu trăm người, chia thành nhiều khu, có khu riêng dành cho tù hình sự. Trại có hai gian nhà gạch, còn lại là nhà tranh vách đất để tù ở. Ngoài trụ sở và một số phòng dành cho quản giáo và giám thị, Trại để riêng ra hai phòng cho Bệnh Xá, nhân viên phục vụ là một y sĩ và một số y tá. Thuốc men thiếu, người bệnh tật ốm đau phải dùng cả thuốc lá truyền thống của người dân tộc Tày – Nùng. Ăn uống, mỗi người được từ bốn đến tám lát sắn, hòa nước muối để chấm và đôi khi có rau xanh ‘‘cải thiện’’. Họ đói đến độ ăn cả củ, cả rễ, và bất cứ thứ thảo vật gì tìm được. Công an quản giáo khá hơn, nhưng thật ra chỉ chút ít, sắn có độn tí cơm. Ði tù, chất đạm có ếch, nhái, thậm chí cả cóc, chuột… nhưng mãi rồi chúng cũng tuyệt giống. Ban đầu, chỉ đám quản giáo mới được người nhà đến thăm nuôi. Tội cho những bà mẹ chống gậy đi bộ bốn, năm mươi cây số, mang cho con vỏn vẹn một nải chuối. Tù hình sự khá hơn, có những kẻ tổ chức cả một đường dây mua bán với một cái chợ thị xã. Ðói nhất, là đám tù chính trị đi từ miền Nam. Tù nghển những cái cổ dài như cổ cò đợi những ngày lễ lớn như ngày 2 tháng 9 hay Tết Nguyên Đán để có ‘‘cải thiện’’. Năm Mùi, Tết con dê nhưng tù được phát thịt trâu mừng xuân, đổ đồng mỗi người được 150 gam, kể cả xương lẫn thịt. Nơi Nhân ở, tổng cộng được 9 kí, đang bàn tán nấu nướng thế nào thì cán bộ quản giáo tới chúc Tết và đề nghị ‘‘vay’’ thịt, đến ngày mồng hai trại sẽ trả cho 10 kí. Dĩ nhiên tù khó mà từ chối. Một vị Thượng Tọa, trước là Tuyên Úy cho một tiểu đoàn Biệt Động Quân, từ tốn:

– Thế, bớt cái nghiệp sát sinh. Thôi, Tết này thanh tịnh, ăn chay… Đỡ phải tội!

– Nhưng rau cỏ cũng không, ăn thì ăn với cái gì? một người hỏi, mếu máo.

Vị Thượng Tọa chỉ tay, nói:

– Các vị có thấy những cái trái có ba khía trên cây xung quanh đây không? Mình thử xem mùi vị của nó thế nào nhé?

Tù ồn ào:

– Đói mà không ai ăn chắc trái là trái độc. Thôi đi ông thầy chùa ơi, ông không thấy chim chóc tụi nó cũng chê à?

Vị Thượng Toạ mỉm cười:

– Tôi thử, ăn vài trái xem sao…

Đói quá, tù đành để cho Thượng Tọa liều mình. Vừa nếm, vị Thượng Tọa nhăn mặt chê đắng thì sùi bọt mép. Nhân tức tốc bơm nước vào miệng, tìm cách rửa ruột thật nhanh. Vị Thượng Toạ ngất ngư cho đến ngày mồng hai Tết, ngồi dậy được khi quản giáo đến trả 10 kí thịt trâu. Tù la lối với nhau:

– Toàn là da với xương, làm chi ăn được bây giờ?

Ban bếp núc nấu lấy nước làm canh, còn lại thì sáng tạo ra món da trâu hầm với riềng, bỏ rất nhiều muối và ớt. Thật lạ, tù được ăn cơm không độn dịp Tết, ăn rất vừa miệng, vừa ăn vừa suỵt soạt khen rôm rả. Niệm Mô Phật, vị Thượng Tọa suýt chết vì ăn thử trái có tên là trái trẩu cũng nếm, nhưng không khen ngon, chỉ lẩm bẩm:

– Đằng nào thì con trâu nó cũng đã chết rồi, tội nghiệp!

*

Ðói quá mà Nhà Nước không làm gì được nên cho tù cải tạo miền Nam được nhận quà theo tiêu chuẩn phiếu tiếp tế gửi qua bưu điện. Phải đến năm 80, người thân mới được phép đi từ miền Nam ra Bắc thăm nuôi, theo chính sách đi là đi động viên để con em học tập cải tạo tốt. Về Vĩnh Quang được bốn tháng, một hôm quản giáo báo Nhân sáng mai có người nhà đến thăm nuôi. Với truyền thống ‘‘bảo mật’’ rớt lại từ thời chiến chống Mỹ, quản giáo không nói rõ là ai. Suốt buổi chiều, Nhân xoay ngang lật dọc đủ thứ dự kiến, đoán xem là mẹ, hay Dao Ánh, hay có thể là cha mình. Mẹ kể cha đã từng gặp cả cụ Hồ, hẳn phải là cán bộ cao cấp. Ngày còn ở trại Trảng Lớn, mỗi lần được báo có thăm nuôi là chàng thấp thỏm đợi cha. Chẳng những sửa soạn câu đầu nói với cha, chàng còn dự trù những tình huống phức tạp, kể cả nếu cha có huấn thị kiểu quản giáo thì chàng sẽ đáp ‘‘Con chưa bao giờ biết hận thù, chưa bao giờ giết ai, và cũng chẳng hề ăn bơ sữa Mỹ mà phản bội dân tộc. Con nói thật vì cha là cha con, chứ nếu là quản giáo thì con ừ à cho qua chuyện!’’. Đợi cha cho đến ngày bị đưa ra Bắc thì Nhân thôi, coi như cha chàng đã chết. Tự an ủi, chàng thầm nhủ, cha chết còn hơn là sống, vì sống mà bỏ vợ con như thế thì chàng không biết sẽ phải đối xử thế nào cho phải. Vả lại, hữu sinh vô dưỡng, làm sao mà có tình cho được. Ngày còn bé, chàng nhặt được một con mèo bé tí, xấu xa, lông loang lổ pha trộn đen trắng vàng vện đủ giống. Nhân nuôi mèo, ngày ngày đổ sữa cho ăn, nó lớn dần. Đến tuổi lồng lên khi có tiếng mèo đực, nó ra đường và bị xe cán chết. Nhân đào lỗ chôn, ngồi khóc cả ngày. Mẹ thương, ra chợ mua về cho Nhân một con tam thể. Nhưng không hiểu sao Nhân vuốt ve con mèo đẹp đẽ này mà lòng có gì như ân hận như bội phản. Nhân trả mèo cho mẹ, nhất định không nuôi. Mẹ không bằng lòng. Nhân thương con mèo chết, đâm ra hằn thù con mèo sống, hành hạ nó đến độ rồi mẹ phải cho đi. Thế thì, Nhân tự nhủ, cha chàng không nuôi, không ở với chàng một ngày nào, có khác gì chàng với con mèo tam thể?

Thấy Nhân băn khoăn, ông bạn tù vong niên mà cả trại gọi là Sư huynh vỗ vai ân cần:

– Có thăm nuôi, người ta ai cũng vui mà cậu thì nhăn nhó, làm sao lại thế?

Sư huynh là một nhân vật tiểu thuyết. Gọi là Sư huynh nhưng ông ta không tu một ngày, vợ con đùm đề, từng là phụ tá cho Thủ Tướng Nguyễn Khánh. Xưa không biết làm gì, Sư huynh nay chỉ kể chuyện đi đá gà cá độ ở Sài Gòn và Lục Tỉnh. Nhưng ngoài chuyện đó, không một ai rõ Sư huynh nông nỗi nào mà lại bị đưa đến cái trại nhốt toàn tù cao cấp, có Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thiếu tướng, Trung tướng, Nghị sĩ, Dân biểu, dăm Thượng Tọa và cả một vị Tổng Giám Mục Công giáo. Có kẻ xì xào, Sư huynh thuộc loại gián điệp ‘‘hai mang’’ nên có vấn đề, chưa được xác minh. Khi nghe thấy, Sư huynh trợn mắt, bảo biết đứa nào nói thế thì ông cắt lưỡi.

Không thấy Nhân phản ứng, Sư huynh cười hềnh hệch:

– Tôi bảo thật, nếu vợ đến thăm, ngồi xa ra. Lâu ngày thèm, thấy vợ có đứa tè trong quần, đang thiếu ăn mà thế là tổn thọ đấy, cậu ạ!

– Bác thật lúc nào cũng đùa được! Em chưa vợ…

– À, à… mình quên! Dao Ánh của cậu thế thì không thăm nuôi cậu được. Quan hệ chưa ‘‘chính đáng’’ mà!

Trong trại, tù tụ thành những nhóm nhỏ, tâm sự với nhau đủ chuyện nhất là chuyện gia đình riêng tư. Họ chia nhau những mơ mộng về hạnh phúc, chuyện vợ chuyện con, giúp nhau giữ làm sao cho cái cuộc sống bình thường bên ngoài có vẻ như còn gần gũi. Hai năm vừa rồi, vượt biên trở thành một phong trào. Họ báo nhau ‘‘Con tôi năm nay đi học rồi’’, hiểu thế là con đã đi và đến nơi đến chốn. Nhưng không chỉ có tin vui. Chuyện buồn, chẳng thiếu. Sư huynh kéo tay Nhân, bảo:

– Thôi! Tối nay tay Tam Quốc kể đến đoạn Quan Công phò nhị tẩu. Cơm nước xong, đến hút điếu thuốc lào với nhau nhé.

Tam Quốc là tên gọi anh tù nhớ chuyện Tam Quốc, kể lại mua vui cho mọi người. Còn một anh khác, tù gọi là Kim Dung, chuyên về võ hiệp kỳ tình, nhớ Cô Gái Ðồ Long, Lục Ðỉnh Ký… nhưng lại ở một lán khác. Nhân gượng cười, đáp:

– Vâng, tí em đến!

Sư huynh quay đi, nói với lại:

– Chắc là bà cụ đấy! Không mẹ nào bỏ được con mà!

*

Nhân ngồi bó gối, lưng dựa vào vách, bên cạnh liếp cửa chống lên bằng một thanh tre đực. Chung quanh, đủ mặt anh hào. Cạnh Sư huynh là Dũng, bạn tù gọi là Chế Linh vì hát hay và rất điển trai, nhìn như một tài tử điện ảnh bên Nhật. Trước mặt Dũng, Thưởng ‘’dúm dó’’ không bao giờ đổi được nét đăm đăm, môi lúc nào cũng mím lại, họa hoằn cười thì chẳng khác gì mếu, mồm méo đi, xệ xuống. Giữa Dũng và Thưởng, là Tam Quốc. Kể chuyện hay ở chỗ thêm thắt vào cho bạn tù cười, và điều thêm thắt thường là đàn bà, cái thiếu thốn nhất trong tù. Sư huynh ngồi vòng ngoài, đốc thúc, hoạt náo, quản lý nước chè cũng như chiếc điếu cày và thuốc lào. Gọi thế, nhưng thuốc làm bằng một thứ lá cây phơi cho thật khô, thái nhỏ như chỉ, khói thuốc rất đắng nhưng được cái hút vào cũng khiến đầu óc tê đi được dăm giây. Tam Quốc thì thào ‘‘Quan Công chắp tay vái chị cả, thưa rằng ‘‘Bẩm Đại tẩu tẩu, xin tẩu tẩu bế Ấu Chúa ra ngoài, phòng lúc chạy thì lên ngựa mới kịp’’. Mặt đỏ lên, Quan Công một tay rờ vào thanh Long Ðao, tay kia níu váy Nhị tẩu, giọng hối hả, ‘‘Tẩu tẩu để em và Nhị tẩu cản hậu cho, cứ bình tâm’’. Ấu Chúa thình lình khóc thét lên. Ðại tẩu tẩu lẩm bẩm ‘‘Chắc là phải thay tã!’’. Nhìn Quan Công, Ðại tẩu tiếp, giọng bực bội, ‘‘ Chú làm gì mà mặt đỏ gay, tay nắm váy người ta thế này. Nam nữ thụ thụ bất thân cơ mà!’’. Tam Quốc ngưng nói, để mọi người xúm vào giục. Chiêu một ngụm nước chè, Tam Quốc tiếp ‘‘Mặt Quan Công càng lúc càng đỏ, mồm thì cứ ấm a ấm ớ. Khi đó Nhị tẩu ngả người ép sát vào Quan Công ngọ nguậy, môi trề ra, nhìn như là giận lẩy. Quan Công hổn hển, ‘‘ra’’ mất, giời ơi! Nhìn Ðại tẩu tẩu bé Ấu Chúa đi trước, Quan Công quay lại bảo Nhị tẩu, ra thôi. Nhị tẩu ấm ức, ra thế nào được mà ra, chưa gì cả, sao mà nhanh thế. Vùng vằng, Nhị tẩu theo chân Ðại tẩu, đi ngang tiện tay phát vào đít Ấu Chúa, trong khi Quan Công sửa lại đai, khệnh khạng, tay kéo lê thanh Long Ðao…’’. Cả bọn, trừ Thưởng, ré lên cười. Dũng bô bô ‘‘Anh chưa cho xem cảnh ‘‘mùi’’ nào, đã cho ‘‘ra’’ ngay thế, tức là nóng vội ’’. Sư huynh hùa vào ‘’Mặt đỏ, nóng vội là đúng hiện tượng lắm rồi. Duy ý chí thế nào được!’’. Cả bọn lại cười, không ai để ý Nhân cứ lẳng lặng nhìn ra ngoài cửa liếp.

Mặt trời đỏ như như lưõi con chó thè ra liếm láp những áng mây chuyển màu đen kịt. Dãy đồi trẩu nhuộm hồng chập chùng vây bủa tứ bề, ngả nghiêng xếp đầu lên nhau gợi lại hình ảnh những đống xác chết trên những chiến trường ngày xưa. Nhân nhìn Sư huynh, nén tiếng thở dài. Sư huynh là kẻ chứng nghiệm nhiều chuyện lạ. Những ngày đầu giải phóng, Sư huynh đi trình diện, bị bắt ngay và giam vào Chí Hòa. Hai tháng sau, công an đưa vào phòng giam một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi. Cậu ta trọc lóc, người Hoa, không nói được một câu tiếng Việt. Thật lạ! Bé thế, nông nỗi nào mà phải biệt giam? Sư huynh không hiểu, nhưng chép miệng, đây cũng chỉ là một trong trăm chuyện thế thời chẳng ai hiểu nổi. Thế rồi một ngày qua, hai ngày qua. Cậu bé chỉ biết nói ‘’Hảo a! Hảo’’ khi ăn bữa cơm tù, ngớ ngẩn chùi mép, và rồi lăn quay ra ngủ. Một đêm, Sư huynh bị lay dậy. Trong bóng tối, Sư huynh thấy một đồng tử thân hình tỏa sáng, mặc áo hồng, cười với mình. Ngạc nhiên, Sư huynh tự hỏi, có phải cái cậu bé ấy không? Cậu bé không máy miệng, nhưng Sư huynh nghe rõ ràng ‘‘Sáng mai ta phải về chùa, mi có duyên nghiệp với ta, có gì hỏi không?’’. Ở tù thì chuyện ra tù là quan trọng nhất. Sư huynh khấn thầm. Ðồng tử đáp ‘‘Mi sẽ đi xa, chung quanh là những ngọn đồi. Ngày nào đồi trọc thì mi về. Sau, muốn gặp ta, đốt một điếu thuốc lá để đầu chúi xuống đất, khấn gọi ta là Sư huynh. Khi tàn thuốc không rơi là ta ở đó, có hỏi gì cứ hỏi!’’. Nói xong, đồng tử đẩy cái cửa có khóa mà như là không, lẳng lặng bước ra. Ðến sáng, quả là cậu bé không còn đó.

Ngày đến trại Vĩnh Quanh xung quanh đồi trẩu chập chùng xanh mút mắt, Sư huynh nhớ lời đồng tử, đốt thuốc lá định hỏi lại, nhưng tàn thuốc rơi. Cây xanh ngút ngàn thì ngày nào đồi mới trọc? Sư huynh tuyệt vọng, ngã bệnh, không còn tâm lực để sống. Lúc đó, đồng tử lại hiện ra, mắng ‘‘Mi chết thì về thế nào được’’. Sư huynh lại cười, giọng nửa đùa nửa thật, bảo ‘‘Muốn về thì sống, muốn sống phải biết cách giữ hy vọng’’. Từ đó, Sư huynh xem tử vi. Vốn có một trí nhớ trời cho, rồi học chỗ này một ít, chỗ kia một ít, Sư huynh kết hợp lại và trở thành ông già coi bói. Ðến khi Sư huynh kể lại câu chuyện đồng tử trong khám Chí Hòa thì ông già coi bói được mọi người gọi là Sư huynh. Và thật oái oăm, cũng vì thế Sư huynh bị cùm hai tháng. Chuyện kể, khi khấn đồng tử, một lần Sư huynh hỏi cụ Hồ Chí Minh nay ở đâu? Ðáp, ở địa ngục, tầng số sáu. Thế cụ Lê-nin? Tầng số bảy, nhưng sắp vào cổng số sáu. Còn Stalin? Tầng trệt, cũng số bảy, nhưng số bảy có đến hàng chục tầng! Người nghe chuyện từ đó gọi cụ Hồ là ông số sáu. Khẩu hiệu treo tường bị đọc trẹo là ‘‘Ông sáu sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta’’. Quản giáo nghe, liền điều tra, cứ ngỡ là đám tù ca ngợi Sáu Dân, Bí thư thành phố Hồ Chí Minh để tìm cách chia rẽ khối đoàn kết giữa lãnh tụ. Thế là Sư huynh phải ‘‘thành khẩn khai báo’’, nhưng càng thành khẩn kể lại chuyện đồng tử thì quản giáo càng không tin, phải dùng đến cùm, kẹp, bỏ Sư huynh vào một căn phòng nhỏ đến độ chỉ ngồi bó gối chứ không có chỗ nằm trong hai tháng liền. Khi ra, Sư huynh liệt, tập mãi rồi mới đi lại được.

Nhân thẫn thờ, nhớ lại câu chuyện đồi phải trọc rồi mới được về, cảm thấy cả đời mình sẽ chỉ có rừng, có cây, có ánh mặt trời đỏ sắc máu nhuộm ba bề, bốn bên và những năm tháng đánh dấu qua những cơn đói, cơn bệnh. Chàng thở dài. Sư huynh ở đâu trườn tới:

– Này Nhân, cậu không nghe đoạn sau chuyện “Quan Công phò Nhị tẩu”…

– Có chứ, em có nghe!

– Thế cậu kể lại cho anh em xem cậu có nghe thật hay không nhé? Kể đi!

– Em nghe tai này lọt qua tai bên kia, chẳng nhớ gì được! Nhân lắc đầu.

Cả bọn cười ầm lên. Dũng lại bô bô:

– Mai anh có thăm nuôi, ăng-ten ‘‘ta’’ báo là có cả cái cô người yêu. Ðêm nay, ‘‘mơ mộng’’ cho nó đã nghe chưa, mai đỡ thèm. ‘‘Ra’’ trước, gặp người yêu mới bình tĩnh được!

Nhân đứng lên. Quả thật lúc này Nhân chẳng muốn đùa cợt gì. Từ ngày ra cải tạo ở miền Bắc, Nhân chỉ nhận được thư và quà gửi qua bưu điện. Nhân đã đi một lệnh ba năm. Năm ngoái, là lệnh số hai. Cứ xét từng lệnh, thì có được phóng thích cũng hai năm nữa. Lý do vì sao bạn bè Nhân cũng là quân y sĩ đều được về chỉ sau hai, ba năm cải tạo trong khi mình bị đọa đày thế này vẫn là điều Nhân thắc mắc. Nhất là trong khi mẹ mình từ bao nhiêu năm đã hoạt động tình báo nội thành Sài Gòn. Chịu, Nhân bật miệng, chịu không hiểu nổi!

*

Gà vừa sáng, Nhân đã cạo râu, quần áo chỉnh tề, ra cửa lán nhấp nhổm. Ðêm hôm qua, dài không thể tưởng tượng nổi. Nhiều khi nghĩ quá hóa quẩn, Nhân nhẩm Kiều, đoạn nào có chung cảnh ngộ thì nhẩm đi nhẩm lại hai ba lần. Ê a trong đầu, một đêm có thể ‘‘đọc’’ Kiều hai lần, từ đầu đến cuối. Nắng sớm sao đẹp lạ lùng. Sương mong manh trên những ngọn đồi chập chờn tan dần, trả lại tầm mắt nét uốn tròn trịa tươi đầy của những thiếu nữ nằm ngửa đón ánh dương về. Trời ơi, có những phút giây đáng sống làm sao. Từ phép lạ, sự sống và cái đẹp quyện vào nhau, phập phồng thở khiến màn sương trắng màu sữa cứ theo nhau bay lên loãng vào tít tắp. Không biết từ phía nào, một đàn cò liệng cánh bay là là, ánh nắng bắt vào phản chiếu rực lên những vết lửa trong bầu trời xanh cẩm thạch.

Một anh quản giáo đến gọi. Nhân hấp tấp đứng lên, miệng cám ơn, lòng khấp khởi. Phòng đón tiếp nằm ở vòng ngoài rìa trại. Anh công an đứng ở trạm gác nhìn Nhân, giữ vẻ lạnh lùng. Vào trong, hai dãy bàn. Vẫn một khuôn, hai công an đứng hai đầu, tù một bên, bên kia là người đi thăm nuôi. Hàng tiếp tế đã kiểm tra để dưới đất, tù sẽ tiếp nhận khi hết giờ. Nhân bước qua ngưỡng cửa, nhướng mắt nhìn. Cuối phòng, Nhân thấy mẹ. Và Dao Ánh. Nàng đưa tay lên vẫy rối rít. Mẹ đang ngồi, cũng đứng dậy.

Nhân bước về phía mẹ, chẳng còn để ý gì đến hai anh công an đang theo sau. Thế giới của Nhân thu hẹp vào không gian có cái bàn ở góc căn phòng đang sáng lên rực rỡ. Nhân nắm tay mẹ, mắt nhìn Ánh. Nàng vẫn giữ mái tóc dài đen nhánh, môi thoa nhẹ một lớp son, có gầy đi nhưng vẫn đẹp như thách thức thời gian. Còn mẹ, mẹ già trông thấy, tóc chớm bạc, tròng mắt sâu thêm, môi lại mím lại. Nhân nói, như để chống chỏi một qui luật thiên nhiên:

– Mợ vẫn vậy! Lại có vẻ khoẻ ra…

Nhìn con, Huyền biết Nhân nói cho mình vui lòng. Quay sang Ánh, Nhân tiếp, giọng xúc động:

– Còn Ánh nữa, trẻ ra mới lạ chứ… Hơn ba năm không gặp nhau rồi còn gì!

Công an nhắc phải ngồi xuống và ‘‘trao đổi’’ nghiêm chỉnh. Nhân cười như mếu. Ánh và Huyền nhẫn nhục gật đầu. Ngồi cách một cái bàn, họ nhìn nhau, không nói thêm được gì. Thật là khó khi chuyện riêng tư có người lạ nghe, lại nghe vì nhiệm vụ ‘‘bảo vệ an ninh’’ cho đất nước và xã hội. Không còn riêng tư, liên hệ con người bị thủ tiêu để chỉ còn lại những câu ‘‘trao đổi’’ kiểu liệt kê hàng thăm nuôi có gì, bé Quỳnh đi học được quàng khăn đỏ, Lương có thư về đều đặn, mới viết xong luận án Tiến sĩ, phấn đấu tốt để nay mai về thăm quê hương, vân vân… Cuộc đoàn viên ngắn ngủi hóa thành trò cười, hai công an vẫn vừa nghiêm vừa buồn, mắt giả tảng nhìn ra ngoài.

Nhân hỏi:

– Mợ đi đường có vất vả lắm không?

Huyền kể từ Hà Nội đi xe lửa đến Vĩnh Yên, lấy xe khách đi Bâm rồi xuống Phà Trung, từ sáng sớm đến trưa thì tới. Sau phải đi xe trâu, đường đồng, có chỗ phải lội suối, mất khoảng nửa ngày thì vào đến trại. Huyền tặc lưỡi, nhìn Ánh:

– May mà có mẹ có con, đi cũng không đến nỗi nào!

Ánh cười, giọng cảm động:

– Có Ánh lo cho mợ, anh không phải bận tâm đâu…

Nhân nghe hai người đối đáp, lòng êm ả, nhìn với ánh mắt biết ơn.

– Nhà có tin của Dân không? Nhân hỏi.

Huyền thở dài, lắc đầu rồi kể cho Nhân nghe câu chuyện về Ý Yên tìm nhưng không gặp Dân. Nàng tự an ủi:

– Nhưng thế là Dân còn sống, tìm thế nào rồi cũng được!

Ðịnh hỏi mẹ về tin cha, Nhân chẳng biết nghĩ thế nào, kìm lại không thốt nên lời. Khi đó, một anh công an nhắc là hết giờ thăm nuôi. Ánh vội vã:

– Xin ông cho thêm vài phút…

Nhưng Nhân đứng dậy, nói thôi chẳng cần. Chàng không muốn cho đám công an lên mặt thi ơn. Bước vòng cái bàn, Nhân tiến về phía Huyền, hai tay ôm lấy mẹ. Huyền thì thào rất nhanh vào tai Nhân:

– Cha con chết rồi. Tù từ năm 62, về rồi chết năm 73…

Nhân sững người, chưa kịp suy nghĩ gì cả. Niềm thương mẹ trào lên, Nhân nghẹn lời:

– Tội quá. Tội cho mợ quá!

Khẽ gỡ tay Nhân ra, Huyền nhìn thẳng vào mắt, nghiêm giọng:

– Mợ sẽ qua được. Con phải cẩn thận, mợ không lo cho con ngay được!

Nói xong, Huyền bước khỏi phòng đón tiếp của trại. Chỉ còn Dao Ánh. Nước mắt ràn rụa, nàng bước đến, chân chao đi xiêu vẹo. Thình lình, Nhân ôm choàng lấy Ánh, hôn lên mặt, lên môi, hôn ngấu nghiến, vừa hôn vừa nói ‘‘Anh yêu em, anh yêu em’’. Anh công an sáp lại gần, lắp bắp:

– Ô hay, lạ nhỉ. ‘‘Lếp’’ sống văn minh mà thế ‘‘lày’’ à? Ai cho hủ hóa…

Nhân lùi lại, xua tay bảo Ánh đi đi, miệng nói:

– Khi tuyệt vọng, anh sẽ nghĩ đến Ánh. Em cho lại anh niềm tin vào cuộc sống, em nhé!

Ánh nức lên, lòng quặn lại, vừa gật vừa đi.

Quay sang anh công an, Nhân cố cười, nét mặt chạm trổ vào đá vô cảm vô hồn. Anh công an hắng giọng:

– Hôn trái phép, phải kỷ luật anh mới được!

Nhân gật đầu:

– Vâng, cán bộ muốn cùm muốn kẹp bao lâu cũng được.

Công an sẵng:

– Ai cho anh hủ hóa ‘‘phong tục’’ xã hội chủ nghĩa thế…

Nhân cười:

– Cùm cứ cùm, cùm chân cùm tay. Nhưng có thứ không mang cùm ra cùm được…

Công an quát:

– Cái gì?

Nhân ưỡn ngực, tay chỉ vào chỗ con tim, nhỏ nhẹ nhưng quả quyết:

– Cái này, thưa cán bộ.

*

Một cái hôn, hai tuần cùm. Câu chuyện cái hôn của Nhân mang ra bàn đi bàn lại trong trại Vĩnh Quang cả tháng, tù tưởng tượng đủ tình huống, kể lại như mắt thấy tai nghe. Ngay sau khi Dao Ánh đi, Nhân ký nhận quà thăm nuôi, gửi lại ban quản giáo và đi thẳng vào khu biệt giam. Ngày hôm sau, Nhân nghe Sư huynh gọi. Vừa đáp ‘‘Em đây bác!’’ thì Sư huynh mắng ‘‘Sướng cái mồm một phút mà liệt hai chân một đời là… bỏ mẹ’’. Bật cười, Nhân hồn nhiên, ‘‘Sướng cái đã, còn lại tính vào sổ nợ Thiên Tào’’. Vụ Nhân hôn Ánh không ai quên, vì Thiếu tá trại trưởng tên Cát ra lệnh treo một cái bảng trong phòng đón tiếp, kẻ chữ đỏ “Cấm gần gũi” để ngay cửa ra vào, dưới khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng”.

Ra khỏi khu biệt giam, lại thêm một chuyện rắc rối khác. Ngoài đường, sữa, nước mắm, ruốc, thịt rang, Nhân xin thuốc và y cụ như ống tiêm, kim tiêm và một cái tetho. Quản giáo hỏi ‘‘Cái này là cái gì?’’. Nhân đáp ‘‘Thưa cán bộ, ống nghe’’. Không nói không rằng, quản giáo báo cấp trên. Lát sau, vị này ra, giọng nghiêm khắc:

– Ống nghe thì tịch thu. Không cho phép nghe đài ‘‘địch’’!

Nhân vội vã ngắt:

– Thưa cán bộ, ống nghe này là nghe tim, nghe phổi. Có cắm điện cắm pin đâu mà nghe được đài?

– A… Anh định bảo chúng tôi ‘‘dốt’’ phải không? Không điện, không pin thì có điện tử vô hình, mắt không thấy nhưng vẫn bắt được điện đài!

Nhân cuống lên, chỉ sợ cán bộ quyết định tháo tung ra, rạch xem ống nghe giấu điện tử vô hình ở chỗ nào thì hỏng hết. Cắn răng, Nhân xuống nước, năn nỉ:

– Báo cáo cán bộ. Xin cán bộ cho hỏi y sĩ Bệnh Xá để xác minh cái ống nghe này không bắt được đài!

Ðợi cả giờ đồng hồ, cán bộ y sĩ lên. Sờ cái ống nghe, lắc lắc, ông ta không nói một lời, sà vào ngắm đống thuốc tây, tay lôi lên, mắt nhìn. Cầm một lọ Át-pi-rin, thứ thuốc rất thông dụng, ông y sĩ đến gần Nhân, nói nhỏ ‘‘Ủng hộ nhé’’. Khi Nhân gật, ông y sĩ ra rỉ tai cán bộ quản giáo. Nhưng Nhân không tiếc rẻ gì. Một lọ Át-pi-rin đổi lấy cái ống nghe, hẳn là lời, thậm chí lời lớn.

Thế là Nhân lại hành nghề bác sĩ, tù nay gọi là ‘‘ông thầy’’. Nhưng từ khi có thăm nuôi, nhiều vấn đề gai góc xuất đầu lộ diện. Trước 79, tù có nhận chỉ được nhận một ký lô, hai ký lô. Sau, qua bưu điện là năm ký lô, một quí một lần. Nhưng nay, người miền Nam ra Bắc thăm nuôi, có người chở đến vài chục ký lô quà bồi dưỡng. Thôi thì đủ cả. Ðồ ăn, thức uống. Tươi có, khô có. Thậm chí, một bà tướng mang cho chồng cả sâm cao ly giấu trong dây lưng quần. Và thuốc, trăm thứ. Tù sẵn bệnh gì, người nhà đem thuốc nấy. Về mặt này, so với cán bộ quản giáo, tù nhân đâm sướng hơn.

Sinh hoạt trong trại bề ngoài vẫn như xưa. Sáng, đánh kẻng. Ðội nào đi lao động đội nấy. Có đội trồng sắn. Khâu này cần những anh có sức, leo lên đồi, chặt cây, trốc gốc rồi mới đào đất gieo giống. Có đội canh tác cây xanh, nôm na là đi trồng rau. Ðội viên đội này phần lớn còn khỏe, nhưng không xốc vác bằng đội trồng sắn. Có đội vệ sinh và đội bếp nước, ưu tiên các vị đã có tuổi, thường là loại chức sắc chính quyền cũ. Họ khéo nói và thường nhanh nhạy bắt được những cái sơ hở của chế độ mới để lách vào nương thân. Chùi bếp, rửa rau: một Tổng thư ký Hạ nghị viện. Kỳ cọ nhà xí công cộng: một vị Thứ trưởng. Làm ăng ten, thì mọi cấp, cao có thấp có. Một Ðại tá chiến tranh chính trị xin được nấu nước sôi cho ban quản giáo, gần gũi với cán bộ để có điều kiện giác ngộ ‘‘sớm’’. Những người này đều làm những việc quả không đúng khả năng, nhưng lại rất gần bản chất, và hay bóp tay xun xoe tự giác mỗi lần cán bộ hỏi. Trong trại, một hình thức ‘‘phạt’’ là đưa xuống đội phân. Phân gánh lên đồi trồng sắn. Phân gánh ra vườn cây xanh. Cứ đòn gánh hai đầu, thùng phân lủng lẳng nặng độ năm, bảy ký lô, mùi thối bốc lên khiến người qua lại lảng xa. Tù gánh phân đa phần là tù hình sự, nhưng lẫn vào có tù ‘‘ba gai’’ miền Nam không chịu giác ngộ cách mạng. Hai vị Thượng Tọa thuộc diện này, họ vừa gánh phân, vừa lẩm nhẩm như tụng kinh.

Thiếu tá trại trưởng Cát mời Nhân lên văn phòng để ‘‘trao đổi’’. Cát than ‘‘Trại thiếu thuốc, cán bộ cũng như tù không có thăm nuôi ốm đau thì nhiều, trong khi ‘‘bên’’ các anh, thuốc chưa dùng lại giữ như dự trữ, thật khó mà giải thích cho mọi người hiểu’’. Nhân nghe, và khi Cát hỏi Nhân có ý kiến gì thì Nhân lắc đầu:

– Thưa cán bộ, tôi chẩn bệnh kê thuốc. Nhưng tôi không có thuốc. Bệnh nhân nào biết bệnh thì tìm người có thuốc điều đình với nhau, tôi không liên can.

Cát sẵng:

– Thế anh có biết thế nào là “mỗi người cho mọi người, mọi người cho mỗi người” không? Học mãi rồi mà chưa hiểu à?

Nhân về kể lại cho bạn tù nghe cuộc ‘‘trao đổi’’ với Cát. Một người kêu ‘‘Chắc sắp thu mua’’. Một người khác cắt ngang ‘‘Có tiền đâu mà mua?’’. Sư huynh cười cười ‘‘Thế thì sẽ có cuộc cải tạo ‘‘tư sản thuốc tây’’ đấy!’’. Ðêm đó, mọi người bàn nhau giữ một số thuốc cho có, còn lại phải mang chôn giấu ngay.

Bất ngờ, trại tập hợp tù để ‘‘học tập’’, không phải đi lao động như lệ thường. Lần này, Bí thư Ðảng ủy của trại trực tiếp tham gia buổi học hai ngày. Sau phần thảo luận chung, sẽ chia tổ để làm việc, phê và tự phê. Cuối cùng, sẽ lại họp tất cả lại để ‘‘thu hoạch’’. Buổi học tập trung vào hai tiêu đề, là công bằng văn minh, và thế nào xây dựng một xã hội cho mọi người, vì mọi người. Ngày đầu, khi tù đang nghe cán bộ giảng thì công an ập vào khám xét những lán tù ở, kiểm kê tài sản, ‘‘bắt’’ được bộ Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung đã bị xếp vào loại văn hóa đồi trụy và thu được một lượng thuốc cân lên được mười hai ký lô tất cả. Tối về, tù ôm lấy nhau cười. Dũng chửi ‘‘Ðm, cái thằng Bí thư mới là thằng có thực quyền. Trại trưởng thì sai gì làm nấy thôi’’. Sư huynh trầm ngâm, ‘‘Thế nào rồi nó cũng hành mình’’. Lúc đó, Thưởng xen vào ‘‘Phải đấu tranh! Muốn thế, tù cần một tiếng nói chung đại diện’’. Sáng hôm sau, tù đi học phần hai và nghe vị Bí thư Ðảng ủy vừa quát vừa lồng lên, dọa ‘‘Ngoan cố thì sẽ có chính sách, không nhân nhượng, không khoan hồng, thậm chí cuối năm không cho ăn Tết!’’. Sư huynh rỉ tai Nhân ‘‘Thu hoạch kém, giận mất khôn, lại ba không ấy mà’’.

Biện pháp đầu của trại để ‘‘đối phó’’ với bọn ngoan cố là tịch thu cái ống nghe, ống và kim tiêm của Nhân. Tù vẫn ì ra, hỏi từng người thể theo hồ sơ kiểm kê quà thăm nuôi thì tù bảo thuốc dùng hết rồi. Biện pháp thứ hai, tăng giờ lao động và cắt khẩu phần khoai sắn. Bên tù hình sự phái một liên lạc viên qua phía tù chính trị, đề nghị trao đổi ‘‘hai bên cùng có lợi’’. Khoai sắn không chân mà sang được lán tù chính trị. Thuốc men không cánh vẫn bay qua chỗ giam tù hình sự. Ý kiến phải có đại diện lan ra. Anh chàng Tổng Thư ký Hạ viện chính phủ Thiệu-Hương thời Cộng Hoà lăm le ‘‘ứng cử’’. Anh em tù bảo ‘‘Dọn nhà xí, thối như cứt. Thôi đi, lại định ‘‘cơ hội’’ anh em đấy hả!’’. Tù bàn nhau mấy buổi họp rồi ép Sư huynh làm đại diện. Sư huynh lắc đầu, bảo Tử Vi mình vào năm hạn, cung Nô có sao Phục Binh, chính chiếu lại Tướng Quân, là thế binh trong tướng ngoài, không tốt. Nhưng khi Thiếu tá Cát tới tra vấn thì Dũng bất thình lình lên tiếng ‘‘Đại diện chúng tôi là ông Thức, xin thông báo cán bộ Trại trưởng có gì cứ thảo luận với đại diện chúng tôi’’. Sư huynh nhăn nhó cười, không nhận cũng chẳng được. Bên hình sự, chính tay ‘’Soái chủ’’ tên Dự, tù gọi là Dự gấu, đích thân sang gặp Sư huynh. Nguyên là đảng viên, xưa được phong anh hùng, Dự gấu nói kiểu bài bản ‘‘Ở đâu có đàn áp, ở đó có đấu tranh’’ rồi lễ phép xin Sư huynh đại diện luôn cho cả bên hình sự. Sư huynh lần này cũng cười, cái cười mếu máo, bảo ‘‘Ðúng là cung Quan của tớ Hung Tinh đắc địa, phát dã như lôi’’.

Comments are closed.