Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 306): Huỳnh Hữu Uỷ (1)

Tiểu sử

Sinh năm 1946 ở Huế. Đến với thế giới văn chương khá sớm. Tiểu luận đầu tiên về mỹ thuật, Đường bay của nghệ thuật, đi trên tạp chí Văn (Sài Gòn) viết vào năm 18 tuổi. Trước 1975, ngoài Văn, còn viết cho tạp chí Vấn Đề, Khởi Hành, Hiện Tượng. Ở hải ngoại, cộng tác với các tạp chí văn học: Hợp Lưu, Văn, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Diễn Dàn Thế Kỷ….

Sách đã in:

Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam (Hồng Lĩnh, 1994)

Mấy nẻo đường của nghệ thuật và chữ nghĩa (Văn Nghệ, l999)

Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (VAALA, 2008)

Mấy chân dung văn nghệ hiện đại (Văn Mới, 2013)

Mỹ thuật Việt Nam ngày xưa (Văn Mới, 2013)

 

Vài điều về điêu khắc gia Mai Chửng

Chúng ta vừa sống qua một thời kỳ rất đặc biệt của lịch sử, với nhiều tan vỡ, mất mát. Đất nước ta trong quá khứ, cũng đã từng gánh chịu biết bao tang thương, nhưng cái thời vừa qua đúng là một thời đổi đời mất mát vô kể. Có nhiều điều, nếu có thể được, chúng ta cần ghi chép lại cho kịp thời, bởi vì nếu không thì về sau chẳng còn ai biết đến nữa. Chúng ta cần để lại những kỷ niệm và vốn liếng cho hậu thế. Cách đây vài năm, khi Nghiêu Đề và Mai Chửng còn khỏe, khoảng 1995-1996, hai anh đến thăm tôi và ngỏ ý muốn thực hiện một cuộc video tài liệu về Nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ, cũng chính là với ý cố giữ gìn lại đôi chút dấu tích. Mai Chửng đề nghị tôi viết lời diễn giảng cho cuộn băng tài liệu ấy. Về Hội Họa Sĩ Trẻ, tôi cũng đã có nhiều dịp đề cập đến, có lẽ đã viết kỹ lưỡng về hầu hết các họa sĩ trong nhóm này, nhưng riêng về Mai Chửng thì lại chưa viết đến. Hôm nay, bỗng dưng nghĩ đến anh nên tôi ngồi xuống bàn viết ghi lại đôi điều này, là những điều đáng lẽ đã phải viết từ lâu mà cứ chần chờ mãi.

Mai Chửng là một tài năng điêu khắc rất đặc biệt của miền Nam trước đây, đã có những tác phẩm rất mới, rất lạ, đầy tính sáng tạo, vậy mà hiện nay kiểm kê lại thì cũng chẳng còn gì cả. Khi Mai Chửng qua đời vào tháng 9 năm 2001, bạn hữu và những người quen biết có gặp nhau trong một buổi lễ tưởng niệm ở phòng sinh hoạt Người Việt, Little Saigon. Vào dịp này, Nguyễn Phước từ Minnesota có gửi về một bài viết ngắn đọc giữa buổi lễ. Mấy dòng tưởng niệm Mai Chửng của Nguyễn Phước đã giúp chúng ta hồi tưởng được khá nhiều nét về Mai Chửng rất sống động. Nguyễn Phước viết:

“Tôi làm việc dưới tầng hầm yên tĩnh, dù ngoài trời có mưa to hay bão tuyết, tôi cũng thấy nơi này đầy bình an. Khi không làm việc được tôi thường miên man suy nghĩ về tranh, tượng và bạn bè. Những người đã thành công vang dội và những người như nhỡ mang cái nghiệp vào mình không dứt ra được. Tôi đã nghĩ đến Mai Chửng.

Mai Chửng ít lời, hay nhìn thẳng vào sự bất hạnh cay đắng và hay giễu cợt với nó.

Anh đã một thời là Chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, trước khi hội này tan rã theo vận mệnh đất nước từ 1975. Ít ai biết đến anh đã âm thầm làm việc, ôm ấp một khối lượng công việc đồ sộ, làm trăm năm vẫn chưa hết. Khi mới biết anh bắt đầu làm việc, chỉ sau vài tháng gặp lại, tôi đã thấy vô số tượng bày chung quanh xưởng. Tượng của anh rất hoàn chỉnh và có chiều sâu. Một sức sáng tác mãnh liệt.

Giữa xưởng ngổn ngang những đồ đạc dụng cụ. Tôi đã giúp anh đóng gói vô thùng một số tượng để gửi đi triển lãm, và tôi đã thấy được ở anh nỗi hân hoan hài lòng. Anh nhìn những bức tượng nằm gọn trong thùng giống như một bà mẹ nhìn những đứa con mình sinh ra. Giờ này nghĩ lại tôi mới cảm nhận được Mai Chửng và những tác phẩm của anh là một…”

Hãy nối kết những hồi tưởng trên của Nguyễn Phước với đôi lời giản dị của chính Mai Chửng về mình, là lời phát biểu trong cuộc triển lãm chung với Nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ năm 1969 ở cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội trên đường Gia Long, nơi khu phố gần Nhà Bưu Điện Trung Ương, và chỉ cách Nhà thờ Đức Bà vài bước. “Ngày hai buổi đến sở làm, thời gian còn lại rảnh rỗi không biết làm gì, lúc thì ở nhà nghe nhạc, sơn lại cái cửa, quét lại đám mạng nhện trên trần hoặc sửa chiếc xe cho khỏi chết máy dọc đường. Khi thì đi rong ngoài phố nhìn thiên hạ, lục tìm một đĩa nhạc cũ. Rồi những công việc lặt vặt đó lâu cũng hết, cũng chán. Nhất là ban đêm có khi mất ngủ, dậy bật đèn, thấy chân tay dư thừa. Sẵn có cái kềm, cái búa, cái đục, cái bay, táy máy muốn làm ra cái này cái nọ. Nhưng khổ thay, không dễ dàng như sửa chiếc xe, sơn cái cửa… Mười lần vào việc thì có đến hơn chín lần chẳng làm nên hình. Trước cũng như sau đó không biết sẽ làm thế nào và đã làm được cái gì…” (In trong vựng tập Triển Lãm). Cũng như thế, Mai Chửng đã nói với Nguyễn Văn Nam, một nhà điêu khắc trẻ và là học trò cũ của anh: “Tôi làm tượng rất đơn giản, chỉ cần đất sét, một cây đập đất, một con dao làm bếp, đơn giản thế thôi!” (1).

Tôi luôn luôn bị hấp dẫn vì những lời lẽ đơn giản, đặc biệt là những lời đơn giản trôi ra từ miệng lưỡi của những cái đầu lớn, của những cuộc đời đã đạt được nhiều thành tựu đặc biệt, đã cống hiến nhiều công trình sáng tạo cho thế giới chung quanh. Cho nên suốt hơn 30 năm qua, mỗi lần nghĩ đến Mai Chửng, tôi thường cảm thấy rất gần gũi với những lời lẽ ấy. Mai Chửng làm việc nhiều mà ít nói, giản dị và cởi mở, nhưng luôn luôn là một cái gì rất mới và rất vững chắc kể từ những ngày đầu tiên vào học Trường Mỹ Thuật ở Huế cuối thập niên 50 đầu 60, cho đến cuối đời vào năm 2001.

Khi trải qua những ngày học tập ở trường mỹ thuật, mặc dù vẫn phải bị ràng buộc vào những nghiên cứu căn bản nhất mà nhà trường đòi hỏi, Mai Chửng đã luôn để lộ ra khuynh hướng muốn đi tìm những hình thái và nhịp điệu của một ngôn ngữ mới, phù hợp với những đổi mới điêu khắc đang chuyển động ở nhiều nơi trên thế giới. Lấy thử một thí dụ về một tác phẩm của anh trong thời kỳ này. Tượng Chim đắp bằng thạch cao của anh đã là dấu hiệu báo trước về con đường của một nhà điêu khắc hiện đại tài năng. Con chim được cách điệu trong sự tạo hình trừu tượng, nhưng cùng lúc vẫn còn muốn quay đầu nhìn lại với hiện thực, nên có vẻ gì chất phác, ngô nghê rất thơ mộng. Con chim ấy dễ làm cho người xem nghĩ đến con chim dân gian nơi những đồ chơi bằng đất nung, hay con chim xếp bằng giấy cho trẻ con chơi, hay con chim nơi các cửa hàng vàng mã. Mai Chửng cũng có cái may là gặp được người thầy là một nhà điêu khắc trẻ vừa từ Pháp trở về – điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ – nhờ thế mà Mai Chửng như có một chiếc cầu nối để bước vào những quan niệm mới mẻ nhất của thời đại. Vào thời kỳ còn học ở Huế, Mai Chửng đã phụ giúp nhiều cho nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ trong việc xây dựng một số tượng tôn giáo trong khuôn viên nhà thờ La Vang, gần thị xã Quảng Trị, khi ngôi nhà thờ này được đại trùng tu và phát triển vào những ngày vinh quang nhất dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Nếu nói đến một nhà điêu khắc Việt Nam đã tạo được những dấu ấn hiện đại nhất thì người ấy chính là Mai Chửng. Nguyễn Trung cho rằng nghệ thuật của Mai Chửng là một phát triển vững chắc do ảnh hưởng tiếp nhận từ hai nguồn chính: Thứ nhất, là nhà điêu khắc người Anh Henry Moore (1898-1986), khoảng trước năm 1968, dấu vết cuối cùng là tượng Chị Em tại Thương Xá Tam Đa, Quận I, Sàigòn; nguồn ảnh hưởng thứ nhì là nhà điêu khắc Hung Gia Lợi Zoltán Kemeny (1907-1965), với các mảnh vụn đồng, đuôi đạn để hàn ghép thành tranh nổi (tableeu en-relief) ở Thương Xá Tam Đa (2). Tương tự với bức tranh đắp nổi, hàn ghép bằng đồng mà Nguyễn Trung đề cập đến, chúng ta có thể nhắc đến tác phẩm Chiến Tranh, theo cùng cách thức và thể điệu như thế, cũng đặt ở Thương Xá Tam Đa. Tác phẩm này thực hiện chung với nhà điêu khắc Dương Văn Hùng, có sự góp công của thợ hàn Nguyễn Cư. Dương Văn Hùng còn nhớ là công trình điêu khắc đắp nổi này có bề ngang khoảng 3 thước, chiều cao 1.70m và chiều dày khoảng 2 tấc.

Đối chiếu những công trình của Mai Chửng và Henry Moore, chúng ta thấy Mai Chửng có học tập Henry Moore trong cách nhìn phá thể, tinh lọc thành những nét thô kệch, hoang dại, như chính Henry Moore đã vượt ra khỏi truyền thống điêu khắc Âu Châu mà đến gần với các nền nghệ thuật hoang sơ khác của Phi châu, Mỹ châu, Châu Đại Dương, với rất nhiều đường nét và bóng dáng mạnh mẽ được tiếp thu từ Ai Cập cổ đại hay Babylonia. Nhưng Mai Chửng không phải chỉ là như vậy; tính cách chính yếu trong điêu khắc của anh là biểu lộ của một đà sống mạnh mẽ, một sức sống ngồn ngộn, tràn đầy và tuôn chảy từ bên trong, rồi hiện ra trong những thể dạng của tự nhiên đã được tinh lọc, trừu tượng hóa. Mặc dù không hoàn toàn dựa vào, hay giống với loại hình thái biomorphic của điêu khắc Hans Arp hay hội họa siêu thực của Yves Tanguy, nhưng chúng ta có thể nói rằng, sự gợi cảm đầy sức sống sinh học chính là một trong những tính cách cốt yếu của Mai Chửng.

Nếu đề cập đến Hans Arp, người ta thường dùng thuật ngữ đà sống (élan vital) của Henri Bergson, thì có lẽ đề cập đến điêu khắc Mai Chửng, chúng ta cũng có thể lập lại ý tưởng và khái niệm này. Trên những thân hình phụ nữ đắp bằng đất nung hay thạch cao, hay ngay cả bằng những mảnh vụn đồng và đuôi đạn hàn lỗ chỗ, chúng ta vẫn dễ nhận ra ngay tính chất đó. Không chỉ nơi những thân hình phụ nữ tràn trề nhựa sống, mà ngay nơi một cánh chim đang vươn mình bay lên, hay nơi cả một hạt mầm nứt vỡ rồi phát triển thành nụ chồi vạm vỡ. Cái hạt mầm mạnh mẽ ấy vẫn là một biểu tượng vừa bản năng vừa rất thiêng liêng, của sự truyền sinh mà cũng là của vũ trụ siêu hình. Từ hạt mầm nứt vỡ ấy, cho đến những hạt lúa tròn đầy trên một bó lúa vươn mạnh lên bầu trời, Mai Chửng luôn biểu lộ một sức sống tuôn tràn và trào dâng, nhưng vẫn có một vẻ mềm mại chuyển động bao trùm.

Người làm điêu khắc trẻ nào mà không bị bóng dáng đồ sộ như một ngọn núi của Henry Moore ám ảnh. Nhưng Mai Chửng không chỉ dừng lại và hít thở rồi hoạt động trong bầu khí quyển và những đặc tính bút pháp riêng biệt của Henry Moore, anh tổng hợp nhiều tính cách của ngôn ngữ thời đại, để đi tới cách phát biểu của anh. Ở pho tượng Mẹ Con mà nhiều năm trước đây tôi nhìn thấy ở nhà kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, tượng đắp bằng thạch cao, phảng phất nhiều không khí và bút pháp Henry Moore. Bà mẹ đứng thẳng, bế đứa con trên vai phải, mái tóc tung bay; pho tượng là đường nét và khối thể cô đọng trong một cách nhìn đầy chất trừu tượng mà nghiêng về biểu tượng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn nhìn thấy những dấu ấn của Rodin ở những phần cơ bắp tiềm tàng. Cách phát biểu này, tôi cũng gặp thấy ở một pho tượng khác, dù mới chỉ là một mô hình phác thảo, cũng đã cho thấy một không khí rất vĩ đại và tráng lệ: pho tượng Mẹ chiến thắng thực hiện để tham dự một cuộc thi về tượng đài thành phố khoảng năm 79-80. Một người phụ nữ với chiếc khăn quàng cổ tung bay, mái tóc tung bay, khẩu súng trường nắm trong tay phải được giương cao, người phụ nữ ấy đứng thẳng trên mình con chim vươn mình sãi cánh trải dài. Hình tượng con chim, rõ ràng là Mai Chửng đã dựa vào nét cách điệu trừu tượng con chim Lạc trên các trống đồng cổ của nền văn minh Đông Sơn, điển hình nhất là những con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ trên trống đồng Ngọc Lũ, chiếc trống lớn và đẹp nhất của các loại trống này. Dựa vào hình ảnh con chim Lạc ấy, nhưng Mai Chửng đã biến đổi đi, nên con chim sãi cánh rất thực, chứ không phải chỉ là một đường lượn gợi ý, và người phụ nữ đứng trên mình con chim thì chỉ là một thành phần nhỏ của pho tượng, với tỉ lệ có lẽ chỉ khoảng chừng 1/10 của pho tượng. Mới chỉ là một đồ án phác thảo, đặt trên một mặt bàn với đường kính chừng hai thước, đã làm cho người xem ngây ngất vì một hấp lực thơ mộng, hoành tráng, và rất hiện đại. Do ý kiến quyết định của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, pho tượng được chấm giải nhất, dự định sẽ đặt ở khu công viên ngay phía trước Bộ Tổng Tham Mưu trên lối vào phi trường Tân Sơn Nhất, tức là Công Trường Quốc Tế thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhưng rồi cuối cùng, công trình này đã không được tiến hành chỉ bởi vì Mai Chửng là một người lính của chế độ cũ. Định kiến chính trị và sự thù hằn giới tuyến đã làm đất nước mất đi một công trình nghệ thuật lớn. Nếu tượng đài này được dựng lên thì Việt Nam đã có một tượng đài chiến thắng có thể đủ lời lẽ để nói chuyện với thế giới, có thể đặt ngang với những tượng đài chiến thắng khắp nơi trên hành tinh, hòa nhập vào đời sống hiện đại mà vẫn là độc sáng của một nền văn hóa riêng biệt, với một ngôn ngữ và tâm hồn riêng bắt nguồn từ một quá khứ xa thẳm.

Tình hình đất nước sau 30-4-1975 đã trải qua những ngày cay đắng, tàn phá, và hủy hoại. Cả một nền nghệ thuật đầy tính sáng tạo và tự do của miền Nam bị phá hủy tan tành. Mai Chửng là trường hợp điển hình của sự tàn phá này. Tượng Mầm ở ga-lơ-ri Dolce Vita bị vứt vào nhà chứa củi phía đằng sau, rồi bị hủy phá vì bao nhiêu đồ đạc và các bó củi, các thanh củi chất chồng lên, rồi bị vứt vào một xó xỉnh nào đó, hay cho trở lại một lò đúc đồng nào đấy thì chúng tôi không được biết. Đáng tiếc nhất là tượng đài Bông Lúa ở Long Xuyên bị phá hủy sau khi những người chiến thắng chiếm đóng miền Nam. Tượng đài này đã từng được Nguyễn Trung mô tả: “Công trình đồ sộ bằng đồng do Việt Nam Thương Tín đặt và đã được dựng tại Long Xuyên, một tỉnh lỵ miền Tây, trình bày biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp, một bó lúa vươn lên ngất trời.” (In trong vựng tập Triển lãm 15 Họa Sĩ Điêu Khắc Gia Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1973). Bó lúa vươn lên ngất trời ấy, Đinh Cường thêm vào mấy chữ mô tả thực đẹp: “Phơi phới của mùa lúa con gái…” (3).

Mầm – điêu khắc đồng, Mai Chửng

Điểm lại nền điêu khắc hiện đại Việt Nam, hai tác phẩm đáng kể nhất, lớn nhất, không phải chỉ lớn trong kích thước, mà còn lớn chính trong đề tài, tư tưởng, và nhất là trong tạo hình là pho tượng Chân dung Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn và tượng đài Bông Lúa của Mai Chửng. Tượng Phan Bội Châu may mắn đã được bảo vệ và ngày nay đã có chỗ đứng giữa lòng đất nước, nhưng tượng đài Bông Lúa thì tan tành trong tro bụi và đêm tối của một giai đoạn lịch sử kỳ dị của thời hiện đại. Mỗi con người, mỗi cuộc đời đều có một phần số riêng. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, có cuộc đời và số phận của nó. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần kịp thời ghi nhận một số hình ảnh về những mất mát vừa qua, ví dụ là những tác phẩm điêu khắc của Mai Chửng, bởi vì nếu không thì về sau này chẳng còn ai biết đến nữa. Và như vậy, trong tro bụi của thời gian, những tượng bán thân phụ nữ nồng nàn sức sống, những tượng Mầm, Bông Lúa của Mai Chửng vẫn như còn phảng phất đâu đây trong đời sống chúng ta, và ở bên kia thế giới hồn thiêng Mai Chửng hẳn là cũng sẽ bớt ngậm ngùi hơn.

Ở bên trên, chúng tôi vừa gợi nhớ lại một số tác phẩm của Mai Chửng, từ đó sẽ đưa đến một cái nhìn chung: Điêu khắc Mai Chửng là một cách phát biểu rất hiện đại, hòa nhập vào thế giới hiện đại khắp nơi nhưng vẫn là một tiếng nói riêng. Không phải chỉ suy nghĩ từ nghệ thuật của Henry Moore hay là kỹ thuật tạo hình của Zoltán Kemeny, mà anh học hỏi và thích ứng với tất cả các bút pháp và các bậc thầy của điêu khắc thế giới. Tất nhiên, trước tiên phải khởi đi từ Rodin, rồi gặp gỡ Henry Moore, Zoltán Kemeny, nét mềm mại đầy tràn sức sống của Hans Arp, rồi Brancusi. Rồi cũng có lúc khác nữa, Mai Chửng đã thử tiến đến với thứ điêu khắc dựa vào sự chuyển động, tức nguyên lý động lực mà điển hình nhất là Alexander Calder, điêu khắc gia Hoa Kỳ (1898-1976) hoạt động từ thập niên 30 và đã thành tựu hết sức vững chắc và nổi bật vào thập niên 50.

Đề cập đến sự tiếp thu kỹ thuật hàn ghép các mảnh vụn kim loại của Zoltán Kemeny, chúng ta cần mở rộng thêm là Mai Chửng cũng học tập nhiều điều từ các nhà điêu khắc khác nữa với kỹ thuật hàn ghép kim loại, ví dụ như Julio Gonzalez, nhà điêu khắc Tây Ban Nha (1876-1942), và rất đặc biệt với David Smith (1906-1965), một nhà điêu khắc Avant Garde với những biểu cảm rất Mỹ. Hai nhà điêu khắc Gonzalez và Smith đã giúp Mai Chửng một cách nhìn tạo hình phóng túng, mạnh mà rất thanh nhã và đầy ấn tượng, chứ không phải chỉ là kết cấu được tạo nên từ những mảnh vụn tủn mủn, tỉ mỉ.

Trở lại với thứ điêu khắc dựa vào động lực học, với sự chuyển động là một thành phần của cấu trúc toàn bộ, tôi nhớ đến tác phẩm Ông Quan Văn của Mai Chửng, bày trong một cuộc triển lãm chung với các thành viên khác của Hội Họa Sĩ Trẻ, năm 1974, ở khách sạn Continental. Thành phần chủ yếu là mấy ống kim loại cao chừng 1 mét ghép lại với nhau. Ở phía trên cùng của một trong những ống viên trụ này, Mai Chửng hàn vào một mảnh kim loại hình vuông, tạo nên một cảm giác mong manh. Dọc theo thân các ống kim loại này, có những móc sắt, Mai Chửng móc vào mỗi móc sắt ấy một mảnh kim loại hình vuông hay chữ nhật gì đó; chỉ móc vào chứ không hàn dính chặt vào. Như vậy thì những mảnh kim loại gắn thêm vào đó có thể đong đưa, chuyển động nếu có một lực tác động nào. Pho tượng có thể gợi nên hình ảnh mỏng mảnh của cái mũ cánh chuồn của những ông quan văn thời trước, hay ít nhiều cũng có thể gợi cho chúng ta liên tưởng đến cái mũ phẩm phục của các ông nghè của thời đại ngày nay. Riêng tôi, đứng trước Ông Quan Văn của Mai Chửng, tôi đã nghĩ đến những cái mũ cánh chuồn đung đưa trước những cơn gió chướng và bão táp của lịch sử, không phải chỉ là của ngày xưa mà cả ngày nay nữa, hay có thể là trong bất cứ thời nào.

Ở bên trên chúng ta vừa hồi tưởng lại vài điều về Mai Chửng thời còn ở quê nhà. Và như vậy, cũng là dễ hiểu tại sao năm 1981, Mai Chửng đã tìm cách rời khỏi đất nước. Từ năm 1982, định cư ở Hoa Kỳ, và từ đây phải đối đầu với một cuộc sống hoàn toàn mới. Mai Chửng là một nghệ sĩ tài năng nhưng cũng là một con người xã hội tháo vát. Anh cư xử và hội nhập vào đời sống mới một cách thích đáng, làm nhiều công việc để mưu sinh tồn tại dễ dàng: nấu bếp, bồi bàn, dealer bán xe cũ, lái taxi ở Hawaii… Phải luôn đối đầu với những cam go trong cuộc sống mới nhưng giấc mộng nghệ thuật thì vẫn là ám ảnh và mục tiêu của đời người. Vài năm cuối của đời anh, Mai Chửng thực hiện một số tác phẩm đáng kể, đi tới một thứ điêu khắc trừu tượng thuần túy, một tiếng nói sáng tạo bề thế, vững chắc. Mai Chửng vượt qua tất cả những bóng dáng ám ảnh anh trước đây, vượt qua những người thầy trước đây, và đã vượt qua chính mình. Ở loạt tượng mới của anh, anh đã khẳng định được một ngôn ngữ của riêng mình.

Năm 2001, Mai Chửng trở lại quê nhà, họp mặt với các bạn cũ trong một cuộc triển lãm chung vào tháng 7 ở Gallery Vĩnh Lợi. Mai Chửng bày sáu tượng đồng vừa đúc xong hồi tháng Sáu ở Phường Đúc Huế, nhưng anh đã không còn kịp giờ để đến phòng triển lãm, nhìn lại các tác phẩm của mình, bên các tranh tượng của bạn hữu, bên các tác phẩm của Đinh Cường, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Cù Nguyễn, và điêu khắc gia Dương Văn Hùng. Tôi ghi thêm vào đây một bài thơ của Đinh Cường viết về mấy ngày cuối đời của Mai Chửng để kết thúc bài viết này.

Không kịp nữa rồi.

Bạn mới ngồi cùng tôi trên đồi Thiên an,

Huế, mùa hạ,

Nắng lửa những hàng cây thông đứng im hồ nước lặng.

Không kịp nữa,

Những tượng đồng mới ra lò ở Phường Đúc

Bạn khó tính đúc lại lần thứ hai.

Căn phòng 207, khách sạn Morin,

Bạn cùng tôi nằm trên hai chiếc giường, thư thái…

Sáng bạn dậy sớm, đi bộ một giờ,

Qua rồi về lại trên cầu Tràng Tiền

Nước sông Hương vẫn xanh

In bóng bạn thời xa xưa.

Chúng ta đã cùng nhau

Một thời thơ mộng.

Huế mù sương và bạn yêu Na.

Na ở An Cựu…

Na vừa cùng con gái út từ Dallas về,

Tức tốc đi chuyến bay về.

Tức tốc đến bệnh viện Chợ Rẫy lầu 10, căn phòng hồi sức đặc biệt

Nơi mà Trịnh Công Sơn cũng đã nằm hôn mê hồi tháng Tư.

Bạn tháng Bảy.

Bạn bè đã ở quanh bạn trong căn phòng đầy dây nhợ,

Bình oxy, chai sérum truyền nước biển…

Bạn khóc, và nói “Chuyến này chắc tiêu rồi.”

Xong bạn lại cười, nụ cười sảng khoái khi gặp lại nhau.

Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Cù Nguyễn, Hồ Hữu Thủ…

Và người học trò điêu khắc yêu quý bạn biết chừng nào: Nguyễn Nam,

Đã ngủ lại với thầy, đêm bệnh viện.

Không kịp nữa rồi.

Mới ngồi với nhau ở Cali, ở Sàigòn, ở Huế, ở Chợ Rẫy.

Những bức tranh, những tượng đồng còn đó,

Gallery Vĩnh Lợi, ngày khai mạc không có bạn…

Và mãi mãi không có bạn nữa.

Mai Chửng, Mai Chửng,

Không kịp về lại rừng dừa Bồng Sơn,

Không kịp nhìn trăng Bình Định

Như chúng ta đã hẹn sẽ trở lại, một mùa hè khác.

Tôi mất lần hết những người bạn thiết

Những cây nhang ám khói một góc phòng

Tràng hạt, tràng hạt tôi bấm lần

Từng hạt tụng niệm cùng hư vô (4).

Viết bài này, tôi biết rằng đây mới chỉ là một ghi nhận qua những hồi tưởng vụn vặt; về Mai Chửng, cần phải có một công trình nghiên cứu và phân tích đầy đủ, kỹ lưỡng và sâu sắc hơn sau này.

Nam California, tháng 1-2004

Chú thích:

(1) Nguyễn Xuân Hoàng dẫn lại trong “Sổ Tay Tháng Mười,” Văn, số 58, 2001, trang 9. Nguyễn Văn Nam là một nhà điêu khắc trẻ, có cách nhìn trong tạo hình cũng rất mới. Trong chính căn nhà nhỏ của anh trên đường Trần Quang Khải, Tân Định, Sài Gòn, Nam làm một lò nung nhỏ để thực hiện các tác phẩm đất nung. Nam rất mê Mai Chửng, nghệ thuật của anh có nhiều nét gần với Mai Chửng. Khi Mai Chửng lưu vong ở nước ngoài, khoảng giữa thập niên 80, anh có làm pho tượng nhỏ chân dung Mai Chửng khá đẹp mà anh gọi là Hommage à Mai Chửng. Có điều hơi đáng tiếc là Nguyễn Văn Nam chưa có công trình điêu khắc nào lớn về kích thước mà chỉ là những pho tượng nhỏ cao một vài gang tay. Một tác phẩm điêu khắc thực sự lớn không chỉ lớn trong ý tưởng, mà còn phải lớn trong chất liệu, kích thước.

(2) Ghi nhận của Nguyễn Trung in trong vựng tập Triển Lãm 15 Họa Sĩ Điêu Khắc Gia Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, phòng triển lãm La Dolce Vita, khách sạn Continental, Sàigòn, Năm 1973.

(3) Đinh Cường, “Mai Chửng, Vừa Hẹn Tôi, Mùa Hè Tới,” Văn, California, số 58, tháng 10-2001.

(4) Đinh Cường, “Mai Chửng, Mai Chửng!” Hợp Lưu, số 61, tháng 10 & 11 năm 2001, trang 250-251.

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2017/10/huynh-huu-uy-vai-ieu-ve-ieu-khac-gia.html

Comments are closed.