Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 308): Huỳnh Hữu Uỷ (3)

Khỏa thân phụ nữ và nghệ thuật tạo hình

Đúng vào buổi tối giao thừa dương lịch năm trước, phòng tranh của mấy người bạn vừa đóng cửa, chúng tôi tụ họp nhau uống rượu mừng những thắng lợi vừa đạt được. Sau bao nhiêu năm qua, cuộc sống của thế giới nghệ thuật tạo hình quá nghèo nàn và hiu quạnh, phòng tranh ấy quả đã mang lại nhiều sinh khí mới và ngọn lửa nồng nàn. Nơi phòng triển lãm này, tôi đặc biệt để ý đến các bức tranh khỏa thân, bức nào cũng có tiếng nói sâu lắng và kỳ ảo của nó. Riêng họa sĩ họ Đỗ [Quang Em], không hiểu tại sao lại né tránh đề tài ấy. Anh có vẻ như muốn hé cánh cửa mở vào thế giới sâu thẳm này, nhưng vừa dợm bước vào thì lại dội lui. Tranh của anh vừa rất thực mà lại pha nhiều chất siêu thực vì cách bố cục hình ảnh đầy sự tưởng tượng lạ lùng, mặc dù rất giản dị, là con đường của một họa sĩ tân-hiện-thực, hay nói đúng hơn là của một tay hyperréaliste, với tính cách đó mà đào sâu vào thế giới kỳ diệu của thân hình phụ nữ thì chắc chắn sẽ có nhiều cống hiến mới. Tôi đặt vấn đề nhưng chưa kịp trao đổi gì nhiều, bởi vì đây là một đề tài quá lớn, cả trên bề rộng của lịch sử lẫn chiều sâu của tư tưởng. Nay xin thử bàn về một vài điểm mấu chốt của nó.

Hình thể phụ nữ đúng là một quà tặng vô giá của thiên nhiên, là mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại. Chẳng có gì lạ khi bóng dáng khỏa thân kỳ diệu ấy đã có một sự gắn bó hữu cơ và mật thiết với nền nghệ thuật tạo hình thế giới, kể từ khởi thủy cho đến ngày nay. Chuyển biến qua từng phân kỳ lịch sử, ràng buộc giữa những vùng địa lý văn hóa riêng biệt, cách nhìn, ghi nhận và phô diễn cái đẹp ấy cũng có nhiều đổi thay, tuy thế nó luôn luôn là một nguồn suối hứng khởi vô hạn.

Nghiên cứu cái đẹp thuần túy đó, có lẽ mãi mãi là một khát khao không nguôi của nghệ thuật tạo hình. Hẳn rằng chẳng cần phải đề cập đến ở đây việc báng bổ, ngăn chặn những tác phẩm khỏa thân ra đời, ngày nay việc ấy đã trở nên hơi buồn cười, nếu không muốn nói là bi đát, lố bịch vì một trình độ mỹ cảm thấp kém. Chúng ta chưa quên trường hợp của Manet như Bữa Ăn Trên Cỏ (Le déjeuner sur l’herbe) hay Olympia bị phàn nàn, chê trách vì vi phạm luân lý, mỹ tục, hay truờng hợp nhiều kiệt tác của Modigliani bị ruồng rẫy trên đường phố Paris vào những năm đầu thế kỷ [20]. Ngày nay những tác phẩm ấy đều đã đạt được chỗ đứng vững chắc và mẫu mực giữa những kiệt tác của nghệ thuật loài người.

clip_image001
Thần Vệ Nữ chào đời
(William Bouguereau, 1879)

Có một thời gian dài, nghệ thuật chỉ là bắt chước, mô phỏng thiên nhiên, chúng ta xem lại những Thần Vệ Nữ Chào Đời (Naissance de Vénus) của Sandro Boticelli (1440-1510) hay Thần Vệ Nữ Ngủ của Giorgione (1478-1510) hay Cung Phi (Odalisque) của Ingress (1780- 1867), tác phẩm được xây dựng bằng kỹ thuật nghiêm ngặt biết bao nhưng chính nhờ thế đã dẫn đến cái đẹp lành mạnh, nuột nà, biểu lộ chiều sâu kỳ diệu, hàm chứa và lắng đọng bên trong.

clip_image002
Tuợng khỏa thân của Maillol đặt ở vườn hoa Tuileries, Paris

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, lý tưởng nghệ thuật mới đã vươn đến những chân trời khác, không còn ràng buộc trong mẫu mực của nghệ thuật Hy Lạp và cổ điển trước đó. Maillot là một điển hình. Những thân xác chắc nịch, tròn đầy, tỏa ra một hương vị nồng ấm tự tại, vượt qua tính cách của những ký hiệu truyền thống để tiến đến một cái đẹp sơ khai, hoang dại, chân thật và mạnh mẽ. Những pho tượng đá và đồng của Maillot rất dễ gợi nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Du: Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên, nghĩa là đầy lên cái đẹp tự nhiên rất nồng nàn và không có chút gì giả trá. Không phải chỉ có một chiều vận hành là thăng hoa thành mẫu mực lý tưởng, mà ít nhiều cũng phải chứa đựng chất xác thịt ấm áp.

Trong lịch sử nghệ thuật Tây phương, chúng ta có thể nói một cách xác quyết rằng bóng dáng khỏa thân của người phụ nữ đã chiếm giữ một vị trí rất trang trọng và đầy tôn quý. Dù thế nào, khảo sát đề tài này, chúng ta bắt buộc phải xem xét đến các tác phẩm lý tưởng hóa của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, những tranh, tượng nữ thần Aphrodite trước Công nguyên. Và đến ngày nay, khỏa thân chắc chắn đã là một hình thức nghệ thuật quí báu, đẹp đẽ, nên cả đến thứ nghệ thuật "Pop" tầm thường và nông nổi cũng phải vận dụng đến sự gợi cảm mênh mông và trường cửu ấy.

Có nhà nghiên cứu nghệ thuật đã thực là tài tình để đi đến sự phân biệt giữa lõa thể và khỏa thân như thế này: lõa thể là tình trạng con người cởi bỏ hoàn toàn y phục và thấy vô cùng ngượng ngùng, bối rối, đấy chính là tình trạng hoảng sợ đến cực điểm của những cơn ác mộng mà chúng ta đã kinh nghiệm. Ngược lại, con người cảm thấy tin tưởng, lạc quan, dễ chịu và hạnh phúc trong tình trạng khỏa thân, bởi vì đấy chính là tình trạng lý tưởng của sự mơ mộng, gợi lên một tâm cảm nghệ thuật, để thưởng lãm và ngắm nghía vẻ đẹp yêu kiều. Khỏa thân không phải chỉ là sự trần truồng của thân xác, mà hơn thế nữa, vượt lên trên bình diện vật thể rất nhiều, chính là một ý niệm mỹ học mà người Hy Lạp thời cổ đã phát kiến, xây dựng trên một nền tảng vững chãi của tinh thần.

clip_image003
Ba người phụ nữ tắm
(Paul Cézanne, 1875-1877)

Cần nói thêm một chút nữa, nghệ thuật hiện đại khi bắt gặp không khí lạ lùng của Phi châu da đen, với điêu khắc gỗ, đồng, mặt nạ, những chạm trổ trên vật dụng thường dùng, thì lập tức những đường nét mạnh bạo, hoang dã ấy đã được tiếp thu và chuyển hóa thành cái đẹp mới rất bất ngờ và sâu sắc, mà đáng kể là những thân hình phụ nữ hoang sơ như một làn gió mới đầy cảm hứng. Cái quyến rũ ở đây dường như chứa đầy một sức mạnh kỳ bí, cổ quái và yêu thuật. Chúng ta có thể thưởng ngoạn thế giới vừa tinh khiết vừa nhục dục ấy khi nhìn ngắm tượng phụ nữ của các bộ lạc hoang dại như bộ lạc Bambara hay người Baule ở Côte d’Ivoire, người Wakwere ở Tanzabara, người Brong và Asante ở Ghana, người Fulani ở Niger…

Họa sĩ bậc thầy của thế kỷ: Picasso, là điển hình nhất của sự tiếp thu này, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay những nét huyền bí đọng lại nơi các tác phẩm Khỏa Thân Với Khăn Lau (Nue à la serviette, 1907), Các Cô gái Ở Avignon (Les demoiselles d’Avignon, 1097), cả đến bức Người Đàn Bà Ngồi (Femme assise) vẽ vào thời kỳ sau này (1953) vẫn còn nhiều hơi hướm ấy. Chúng ta còn có thể kể đến trường hợp Fernand Léger mà tác phẩm Phụ Nữ Cầm Hoa (Deux femmes tenant des fleurs) cũng là thí dụ điển hình.

Với nghệ thuật cổ điển, ví dụ nơi bức Cung Phi (Odalisque) của Ingres, kỹ thuật trau chuốt, nét vẽ tinh vi là công cụ để biểu lộ những khao khát đằm thắm bên trong của tâm hồn nghệ sĩ, đấy chính là hình bóng của người đàn bà lạ lùng, yêu kiều và trong sáng của những giấc mơ nhân bản cổ điển. Nghệ sĩ đã vận dụng bí quyết mô tả cái hữu hình để nói về điều thâm sâu hàm chứa ở bên trong. Cả một thời dài trước đó, với nền nghệ thuật Phục Hưng rực rỡ vào thế kỷ thứ 15, 16 rồi trên cơ sở đó xây dựng vững chắc thành nghệ thuật cổ điển vào các thế kỷ kế tiếp 17, 18, những hình thể phụ nữ khỏa thân của thời kỳ này đều trở nên kỳ diệu nhờ vào thủ pháp ánh sáng được nắm bắt, chiếu tỏa và chuyển di từ sáng sang tối, mông lung, mờ ảo, tạo được nhiều hiệu quả tế vi. Ánh sáng kỳ ảo đó đã gợi nên một chiều sâu thẳm đầy vẻ tôn quý và bí ẩn, giả dụ nơi bức tranh vẽ một Vệ Nữ của họa sĩ bậc thầy Hà Lan Rembrandt, được gợi hứng từ kinh thánh, dưới tên gọi Bathsehba (1654), đã tiến đến một hiện thực trong những nhịp điệu sống động kỳ lạ. Không khí hiện thực và huyền hoặc đó, chúng ta có thể gặp nơi nhiều tác giả khác như Rubens, Tintoret, Titien, Raphael…

clip_image004
   Cung Nữ Với Chiếc Trống Nhỏ
   (Henri Matisse, 1956)

Nhưng đến nghệ thuật hiện đại thì khác hẳn, nơi bức tranh Cung Nữ Với Chiếc Trống Nhỏ (L’odalisque au tambourin) của Matisse sáng tác năm 1956, thì tất cả vẻ nghiêm trang, quân bình và mực thước ấy đều tan biến. Người đàn bà khỏa thân ngồi trong chiếc ghế bành, ở góc phòng có một cái trống và một mảng trời bên ngoài khung cửa sổ. Mặc dù Matisse đã để lộ cho chúng ta thấy một bản lĩnh vững chắc về hình họa và sự khảo sát kỹ lưỡng thân hình người phụ nữ dưới bình diện cơ thể học, nhưng ông không dừng lại ở đấy. Phải tạo ra một cách phát biểu mới bằng đường nét và bố cục. Những đường nét cực kỳ giản dị, và đặc biệt nhất chính là màu sắc, những mảng màu xô đẩy và hòa hợp rất dã thú, là phương tiện ghi chép cảm xúc của nghệ sĩ.

Không phải đợi đến năm mươi năm sau, mà ngay chính từ thập niên đầu thế kỷ, Matisse với con mắt phát hiện, cùng những người bạn lớn như Picasso, Georges Braque, đã cùng nhau góp phần tạo nên nền nghệ thuật hiện đại, trong bức Khỏa Thân Xanh (1970) với những đường nét uyển chuyển lạ lùng, đã báo hiệu trước một thế giới cuồng nộ, khỏe khoắn, rất hoang dại và đầy tính hiện đại. Trong ký ức của nền nghệ thuật mới, chúng ta chắc chắn không thể nào quên được bức tranh này đã gây xôn xao như thế nào trong cuộc triển lãm di chuyển qua nhiều trung tâm văn hóa lớn của nước Mỹ với nhiều tác giả khác mấy năm sau đó. Như một quả bom nổ tung giữa nền nghệ thuật bảo thủ, người ta mặc sức mà bàn tán, chế giễu, cười cợt, thậm chí ở trường đại học mỹ thuật Chicago sinh viên còn treo cổ hình nộm Matisse và hỏa thiêu bức tranh chép lại Khỏa Thân Xanh! Nhung hề gì, thiên tài là người đủ sức chịu đựng gánh nặng của lịch sử, đi trước thời đại và vượt qua thời gian.

Và ngày nay thì bất kỳ ai trong chúng ta để tâm đến nghệ thuật tạo hình đều nhận ra được rằng thế kỷ XX phải có nghệ thuật riêng biệt của mình, và hình thể người phụ nữ trần truồng cũng vậy, tất yếu phải mang trong hơi thở, sức sống và tiếng nói của mình bản thông điệp của thời đại mới ồn ào, xô bồ và biến động, bởi vì thế giới càng lúc càng đổi khác trong một vận tốc đến chóng mặt, nên hoàn toàn tất yếu là nỗi khao khát, hạnh phúc và cách phát biểu của thời đại chúng ta cũng phải khác, ngôn ngữ và tư tưởng tạo hình cũng phải tự vận động để thích ứng giữa một hoàn cảnh mới mà thôi.

Trong những năm cuối cùng của thế kỷ này, chúng ta dường như bị cuốn vào cơn bão tình dục khốc liệt thổi tràn từ Tây sang Đông. Có người còn gọi là sự bùng nổ của một cuộc cách mạng tính dục. Một lục địa Trung Hoa mênh mông, khắc nghiệt và bưng bít từ bao nhiêu năm qua mà ngày nay cũng phải chấp nhận các cuộc bày tranh khỏa thân công khai, rồi xuất bản sách nghiên cứu và bình luận về chủ đề ấy, chừng đó cũng đủ cho chúng ta thấy sức vang động mãnh liệt của cơn lốc bão kia như thế nào, có lẽ chẳng còn gì có thể cản lại được. Và điều chúng ta nên lưu ý đến là hình tượng người phụ nữ khỏa thân, trọng tâm giữa cơn lốc ấy, tất nhiên sẽ phải mang nhiều dấu ấn mới.

Những ngày phòng tranh của tay ba Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em mở cửa, tôi vẫn thường lui tới ngắm nhìn bức tranh dưới tựa đề Bóng Và Mầm của Sơn. Trường hợp của Trịnh Công Sơn phải nói là đặc biệt kỳ lạ, dù đứng trước góc độ nào, chúng ta cũng phải công nhận anh là một tài năng lớn, là tinh hoa của dân tộc. Trong hơn mười năm qua, chúng ta thấy anh bị bế tắc trong ngôn ngữ âm nhạc; tiếng nói của anh phải bay bổng trên cuộc đời thường, tìm đến một cái gì mênh mông, tuyệt đối, vượt ra ngoài cái hữu hạn, hay ít ra là những khúc tình ca mộng ảo, giấc mơ hòa bình của con người thì anh mới có thể phát biểu được dễ dàng, tự nhiên và tài tình; buộc anh phải rơi vào giữa những hệ lụy nhân sinh vụn vặt thì quả là tội nghiệp! Nhưng, dù sao, chúng ta có thể vui mừng vì Trịnh Công Sơn đã tinh tế, tài hoa khi nắm bắt được một ngôn ngữ mới trên nền toile và giá vẽ.

Mặc dù chưa tạo được một thủ pháp riêng hoàn toàn với những ký hiệu riêng của anh, Trịnh Công Sơn cũng đã đạt được sự điêu luyện trên rất nhiều tấm tranh anh mang lại. Trở lại với bức tranh Bóng Và Mầm với hình thể người phụ nữ khỏa thân tối sầm xuống, tâm điểm của nó thì sáng rực lên như ngọn đèn phare. Tác giả của nó dường như chơi với chao đảo, bay lượn giữa bóng đêm rồi đâm sầm vào cánh cửa sẽ mở toang và bất thần rực sáng; cánh cửa ấy, nếu sử dụng một từ quen thuộc của phân tâm học thì gọi là "libido". Quả đúng như thế, đúng là ngọn đèn phare ấy đã cuốn hút dữ dội những kiếp phù du những cánh dơi chập choạng bay giữa vô thức mờ ảo, rồi bỗng nhiên hóa sinh thành một cõi đời khác. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất nơi bức tranh này là nó phủ đầy một không khí bí ẩn, đụng vào bức tường rực lửa của dục tính nhưng đã bay bổng lên và trải ra khắp nơi một hương thơm trong trẻo, ngây thơ và thánh thiện.

Nghệ thuật thì đa diện và không cùng, biên giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật đôi lúc lại chỉ là một sợi tơ rất mong manh. Tôi xin lặp lại nơi đây ý kiến rất sâu sắc và đầy tính nhân bản của một nhà văn hóa lớn, bộ trưởng Bộ Văn Hóa Pháp Jack Lang, người được đánh giá là đang thiết kế nền văn hóa nhiều màu sắc của nước Pháp, giữa một thời kỳ đầy khó khăn của châu Âu đang phải đương đầu với sự xâm lăng ồ ạt của điện ảnh và nhạc Rock Anglo – Saxon. Ông chủ trương chống lại các thứ đạo đức giả, khước từ mọi kiểu cấm đoán, khuyến khích tính sáng tạo nghệ thuật, mọi sự biểu hiện được tự do, nhưng thẳng thắn tỏ ra không thích sự khỏa thân thuần túy, mà dứt khoát nó phải được gia công, trau chuốt, biến đổi qua bàn tay nhà nghệ sĩ, bởi vì cái khỏa thân thường là hơi sống sượng và lạnh giá, cũng như cái dục tình chân chính thì đòi hỏi phải có một phần bí mật (1). Nhận xét ấy thật là kỳ tình và thông tuệ.

Chúng ta nhớ lại kinh nghiệm thần vệ nữ Marilyn Monroe trên màn bạc, như một nhận xét của Diana Trilling về nàng:

“Marilyn Monroe biết gợi lên tính chất thuần khiết trong khoái lạc nhục dục. Vẻ trâng tráo phơi bày ra mà không bao giờ trở nên thô kệch, tầm thường. Bản năng giới tính như rực lửa và khêu gợi, thế nhưng vẫn thoáng vẻ bí mật, ngập ngừng. Giọng nói uyển chuyển, thay đổi, mang tính chất gợi tình đồng thời vẫn giữ tính ngây thơ của một cô gái nhút nhát. Tất cả những mâu thuẫn ấy là một bộ phận tài năng nàng. Chúng biểu lộ cho thấy một phụ nữ ở tuổi thanh xuân bị cầm tù trong một xứ bí mật nào đó mà không ai hiểu được" (2).

Ở đây chúng ta dễ nhận ra được đâu là đường ranh giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật. Chất nhục dục phải chuyển biến và hóa thân thì mới trở thành nghệ thuật được. Nghệ thuật chính là góp thêm vào với thiên nhiên, đục đẽo, trau luyện, thay đổi thực tại lạnh lẽo bên ngoài, góp thêm sức ấm và ngọn lửa nhân bản để tạo nên thế giới cái đẹp của con người. Hình thể khỏa thân qua bàn tay các nhà tạo hình thực sự không thể vượt qua qui luật đó

HHU

Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa

(Nxb Văn Nghệ, 1999)

(l) Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Pháp Jack Lang nói về dục tình, trả lời phỏng vấn của tạp chí Lui. Lao Động Chủ Nhật số ngày 3-2-1991.

(2) Norman Mailer dẫn lại trong "Những Mối Tình Và Cuộc Đời Điện Ảnh Của Marilyn Monroe," bản dịch Việt ngữ của Thượng Lân.

Comments are closed.