Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 44): Mai Kim Ngọc – Vợ chồng

clip_image001Mai Kim Ngọc (1937) tên thật là Vũ Đình Minh, nhà văn, dịch giả và luận giả (essayist).

Ông sinh tại Huế, đến Hoa Kỳ năm 1966, hiện sống tại California. Là bác sĩ chuyên ngành phổi, ông đã công bố nhiều bài viết về Y khoa bằng tiếng Anh trên các tập san y học với tên thật Vu Dinh Minh. Từng là đồng chủ biên tạp chí Văn Học, và dịch Lỗ Tấn, Kawabata, André Gide, Raymond Carver, Octavia Butler, J.M. Coetzee và Harold Pinter từ tiếng Pháp, Anh; Pablo Neruda từ tiếng Tây Ban Nha.

Đã xuất bản:

§ Một chút riêng tư

§ Thuyền nhân

§ Bạn văn

§ Muôn kiếp cô liêu

§ Nụ tầm xuân

§ Trong phòng hồi sinh

§ Nước mắt chảy xuôi

(theo Wikivietlit)

Vợ chồng

I

Như một thông lệ đã ba năm nay, cứ hai chủ nhật là gia đình John Wright và gia đình Peter Anderson lại mời nhau ăn cơm tối. Sống trong khu phố này mà dân cư phần đông còn trẻ với con nhỏ học tiểu học hay mẫu giáo, hai cặp vợ chồng già trở nên thân thiết như ruột thịt. Từ sáng sớm, Mary đã bận rộn sửa soạn bữa cơm đãi khách. Hôm nay là kỷ niệm ba năm hai vợ chồng Wrights dọn về xóm này.

Chóng thật, vậy mà đã ba năm rồi. Hôm đó, phu khuân vác vừa xong việc ra về, thì có người bấm chuông. John ra mở cứa. Mary đang dở tay rỡ mấy thùng đồ trong phòng khách, bên những bàn ghế còn ngổn ngang chưa yên vị. Nàng chau mày vì công việc đang bừa bộn mà lại còn phải tiếp khách. Nàng cũng rất ghét gặp người lạ trong lúc quần áo lấm lem đầu bù tóc rối. Nhưng tiếng cười nói hồn nhiên từ ngoài vọng vào làm nàng chú ý. Tò mò, nàng theo John ra cửa. Có hai vợ chồng hàng xóm mới đến thăm. Họ khoảng độ trên dưới 60, nước da rám nắng như bánh mì nướng, dáng người vừa phải không ốm mà cũng không mập. Người chồng đi trước, tóc đã bạc nhiều, hai tay bưng một cái khay với cái bánh kem tròn to. Người vợ theo sau một bước, tay phải xách lẵng mây đựng đồ ăn với mấy chiếc bánh mì Pháp, đuôi bánh chòi ra ngoài. Tay trái bà ta cầm một bình nước chanh 1/2 gallon với độ nửa tá ly giấy xếp chồng lên nhau úp ngược trên miệng vòi. Mấy chiếc khăn ăn ca rô xanh trắng gấp gọn ghẽ nhét vào bên hông lẵng. Trông họ như một cặp vợ chồng già đi cắm trại. Mary liếc nhìn mặt bánh có hàng chữ viết nắn nót bằng kem hồng “Thân mến chào mừng Mary và John”. Thật là tọc mạch mà cũng thật là dễ thương. Chắc họ đã biết tên nàng và John qua người mối nhà.

Người chồng tươi cười tự giới thiệu:

“Tôi là Peter Anderson, còn đây là Jane vợ tôi. Chúng tôi là hàng xóm mới của ông bà. Xin lỗi không bắt tay được.”

Vừa nói ông ta vừa nhìn khay bánh. John chưa kịp trả lời thì Peter đã nói tiếp:

“Chúng tôi chắc ông bà tối nay bếp nước chưa sẵn sàng. Có mấy món nhà tôi mới nấu, ông bà dùng tạm để khỏi đi tiệm…”

Câu chuyện cởi mở hồn nhiên từ phút đầu, và sáng hôm sau, họ trở lại giúp Mary và John xếp đặt nhà cửa. Đến lúc nghỉ trưa thì mọi người đã gọi nhau bằng tên tục, chuyện trò thân mật như bè bạn lâu năm. Nàng có thiện cảm với hai vợ chồng hàng xóm mới, tuy nhiên thấy có chút gì mơ hồ không hoàn toàn thoải mái về Jane. Lúc đó cũng như về sau, nàng không nghĩ Jane có tình ý gì, nhưng nói chung nàng không ưa đàn bà điệu bộ nhí nhảnh đa tình, nhất là sau một tuổi nào đó. Mấy năm sau khi hai người đã thân như chị em ruột thịt, cái khó chịu ban đầu với Jane thỉnh thoảng vẫn còn ám ảnh nàng. Nàng vẫn không ưa cái nhìn có đuôi của người nữ y tá già này. Có lẽ một phần vì những tiếng đồn về lối sống tương đối phóng túng của một số nữ điều dưỡng, mà có lẽ cũng vì John lộ vẻ thích thú mỗi khi trò chuyện với Jane, dù những câu chuyện thông thường không có gì đặc sắc. Có lẽ Jane như một số phụ nữ có khả năng thiên phú làm cho người đàn ông có cảm tưởng được săn sóc hay để ý một cách đặc biệt. Mary nghĩ thầm chắc phải chiều những bệnh nhân khó tính mãi rồi thành quen…

Vậy mà đã ba năm rồi, thời gian qua thiệt mau… Mary vừa lau chùi bộ muỗng nĩa bạc, vừa ôn lại những kỷ niệm mấy năm qua. Từ trưa, nàng đã ướp hai con thỏ rừng để nấu món civet. Nàng đã cẩn thận chọn từng nhánh tỏi từng củ hành từng lá thơm đế trộn với nửa cốc dầu olive và muỗng nhỏ hồ tiêu xay to hạt, tất cả bí quyết gia vị để ướp thỏ. Món civet rất khó nấu. Khéo thì thành cao lương mỹ vị, mà vụng thì tanh lộn mật lộn mửa, ai mà nuốt nổi. Mary nghĩ thầm: “Hết steak lại roastbeef, hết roastbeef lại steak, sao mà không biết chán, sống ở nông trại như vậy thì còn được, chớ dân thị tứ ít nhất cũng phải tỏ ra cầu kỳ một chút.” Nghĩ xong, Mary thấy bối rối hối hận với Jane, người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; vả lại món steak hay roastbeef vừa chín tới còn hơi lòng đào của bạn, tuy tầm thường phổ thông, nhưng người ăn khó cũng phải khen ngon.

Tuy nhiên, Mary vẫn thích nấu những món cầu kỳ. Gia chánh nhập cảng từ Âu châu đối với nàng hầu như có khả năng đem lại chút gì quí tộc hay thanh cao cho bà chủ nhà. Nàng cao hứng nghĩ tới những món sở trường như cá bơn ướp sauce gừng, chim cút hoặc rán hoặc quay ăn với rau cresson, thịt bê lối bắc Ý Đại Lợi, tôm hấp kiểu Pháp ăn với Mayonaise nhà làm v.v…, và tất nhiên là món thỏ nấu civet. Bỗng nhiên, nàng thấy bực mình với John. Không phải chàng không thưởng thức những món ăn ngon, nhưng John có một thái độ riễu cợt hay lúng túng mỗi khi thấy vợ dùng nữ công gia chánh làm đề tài câu chuyện. Nàng nghĩ là món ăn không phải chỉ ngon miệng là đủ, nhưng còn phải dùng được trong câu chuyện giao tế ở bàn ăn. Nàng nhớ đến những mẩu chuyện thích thú đã kể cho Peter và Jane nhân những dịp ăn uống đãi đằng, những mẩu chuyện vừa vui tai người nghe cũng như vui miệng người kể. Món mực ăn với bánh ngô nhắc tới miền bắc Ý Đại Lợi, món chim trĩ quay dùng với rau tươi và rượu vang trắng là nhập đề cho một chuyến đi chơi vùng Bavarre nơi một tiệm ăn mà khi xưa là lâu đài hoàng tộc. Con tôm hùm ngon miệng nhắc đến một buổi tối ở Venice đi gondole tới một tửu lầu lộng lẫy, mặt tiền nhìn ra bến sông. Rồi còn Paris, còn Athenes, còn Barcelona, còn Rio de Janeiro, với món thịt này hay món bánh nọ… Dư âm của một cuộc sống sang trọng vẫn còn sưởi ấm những bữa ăn đãi bạn tại nhà của hai vợ chồng Wrights.

Mary rắt tự tin về nghệ thuật giao tế của nàng. Người khó tính có thể chê là hơi kiểu cách, nhưng nếu có kiểu cách cũng vẫn tế nhị, duyên dáng. Không, nàng không nghĩ là Jane và Peter có thể cho nàng là hợm hĩnh khoe khoang hay nặng nề lố bịch. Vậy mà John luôn luôn tỏ vẻ lúng túng hay khó chịu vì kiểu cách giao tế của nàng. Trăm lần đúng cả trăm. Hễ nàng đang vui miệng kể những chuyện như vậy là John làm bộ như bận rộn cắt một miếng thịt hơi cứng, hay đánh trống lảng nhờ người bên cạnh chuyển hộ dĩa bơ hay giỏ bánh mì, John chỉ thoải mái với những câu chuyện tầm thường như hoa giấy năm nay mất mùa không nở nhiều, hay hoa hồng bị nấm ăn. Chàng thích nhất là nghe chuyện Peter đi câu cá biển, hay những câu chuyện liên hệ đến đời sống bên miền Đông quê quán. Jane cũng gốc gác từ miên Đông nên mỗi khi câu chuyện trở về vùng Pennsylvania hay Tân Anh Cát Lợi, là John và bà hàng xóm trở nên hoàn toàn ý hợp tâm đầu. Những khi đó Mary thấy cả chồng lẫn bạn gái hoàn toàn lẩm cẩm. Thích miền Đông như vậy thì dọn sang California làm gì.

Tuy nhiên, một chuyện John thường nhắc lại mà không làm cho Mary khó chịu. Đó là những kỷ niệm liên hệ đến hồi nàng còn trẻ và đang là một vũ sinh đầy hứa hẹn. Chàng kiêu hãnh kể lại những phần thưởng làng, tỉnh, và vùng mà Mary đã thu đoạt được. Câu chuyện bao giờ cũng dẫn đến vụ Mary được vào bán kết trong kỳ thi tuyển của Vũ Đoàn New York. Đó là cao điểm của sự nghiệp vũ của nàng. Nàng đã không đi dự thi để ở nhà lấy chồng… Lập gia đình, Mary dứt khoát không dùng tới ballet nữa. Chỉ có John là không quên. Đôi vũ hài cuối cùng của nàng, John cho đúc lại bằng đồng để bầy trên bàn giấy. Đôi giầy đồng đó theo John tới những nhiệm sở mới, những văn phòng mới mỗi ngày mỗi rộng rãi khang trang hơn, qua những lần thăng thưởng. Lúc về hưu dọn bàn giấy, John mang đôi giầy về nhà bầy trong phòng đọc sách. Mãi đến lần dọn đi California, đôi vũ hài mới bị thất lạc. Mấy chục năm qua, John như không chịu ghi nhận là đôi bàn chân Mary không còn bé nhỏ xinh xắn nữa. Thời gian cũng như chứng phong thấp đã cắt đứt những liên hệ có thể tưởng tượng được giữa đôi vũ hài và hai gót sen méo mó và đau nhức của vợ. Ngày xưa sao hai vợ chồng Mary gần gũi nhau đến thế.

Mary rán nghĩ sang chuyện khác. Nhưng sự trống trải hiện tại của vợ chồng vẫn trở lại ám ảnh nàng. Ai bảo vợ chồng già ý hợp tâm đầu là sai. Có trao đổi ý kiến gì nữa đâu mà còn có dịp bất đồng ý kiến. Những buổi tối, John đọc sách hay coi thể thao trên Ti Vi, còn Mary thì thêu thùa để giết thì giờ. Có những lần hai vợ chồng đi chơi bằng xe hơi. Du lịch cũng không hâm nóng được tình yêu đã nguội lạnh. Có những chuyến đi mà hai vợ chồng ngồi cả giờ không nói chuyện, mỗi người yên lặng với những ưu tư riêng, trước mặt là con đường xa lộ dài thẳng tắp chạy bất tận đến chân trời mù mịt, trống rỗng như những ngày tháng nhạt nhẽo của tuổi già. Giá có cháu thì ít nhất nàng còn có thể đan áo cho tụi nó. Nhưng con nàng còn độc thân mà lại ở xa nữa. Hay nàng đi thăm nó vài tuần. Nhưng rồi Mary lại đổi ý. Không phải là Tom không vui mừng khi mẹ tới thăm, nhưng nó có đời sống riêng của nó. Căn phố thuê của nó ở Manhattan chỉ có một phòng ngủ, bừa bộn sách vở. Trong tuần nó đi làm suốt ngày, tối mịt mới về, ăn uống qua loa rồi còn đi ngủ để hôm sau dậy sớm kịp chuyến xe điện ngầm. Ngày nghỉ, dẫn mẹ đi chơi là gián đoạn tất cả đời sống giao tế của nó. Nhiều khi còn có bạn gái ngủ lại đêm… Thật là bất tiện. Nàng mơ màng nghĩ đến hồi nó còn nhỏ, còn cần nàng từ bữa ăn cho đến tắm rửa…. Có lẽ tại quá nhàn rỗi. Chắc nàng sẽ tìm xem có cơ quan thiện nguyện nào trong tỉnh cần người tình nguyện. Nàng nghĩ bận rộn một chút thì đầu óc sẽ đâu vào đấy. Nhưng nàng vẫn thấy không ổn.

Gần đây John có gì lo ra, nhưng không nói với nàng. Chắc chắn không phải vì sinh kế. Những dự trữ và hưu bổng của John dư thừa để hai vợ chồng có thể sống một đời an nhàn và độc lập. Có lẽ tại trận cảm dai dẳng đã mấy tuần nay không chịu dứt hẳn. Mà sao không chịu đi khám bệnh. Mấy bữa nay nàng muốn giục chồng đi thăm bác sĩ nhưng lần lữa vẫn chưa làm. Đã từ lâu nàng quên mất cách thức săn sóc cho chồng mà không bị hiểu lầm là cằn nhằn hay dằn vặt. Hồi còn trẻ, mỗi lần John đau lặt vặt, sự săn sóc vợ chồng sao âu yếm và ân cần biết bao! Nàng ngạc nhiên là bây giờ mà giục John đi khám bệnh, chàng khó chịu hơn là cảm động. Chua chát hơn nữa, sự khó chịu không phải hoàn toàn không có lý do. Công bình mà nói, có dằn vặt và có cằn nhằn trong những lần nàng lưu ý đến sức khỏe của chồng: “Tại sao John lại để cho cảm lạnh? Tại sao tuổi này mà không chịu cẩn thận? Tại sao còn hút thuốc lá? Tại sao còn uống rượu? Cứ uống cà phê cho nhiều, rồi lại than không ngủ được. Tại sao hôm nọ thức khuya? Tại sao bữa kia dậy sớm?”

Khi cùng John mới bước vào đời sống vợ chồng, nàng mang theo bao nhiêu là ân ái yêu đương. Rồi mỗi chặng đường, mỗi khúc rẽ, mỗi khó khăn, nàng mắt dần đi chút ít hành lý, cho đến bây giờ thì tay trắng. Mà mắt bao giờ, mất ở đâu, nàng không thể nhớ lại rõ ràng…

Nhưng Mary cũng không nghĩ là John hoàn toàn vô tội và không trách nhiệm trong sự thay đổi đáng tiếc này. John đã không thông cảm với nàng lại còn trả đũa lại bằng thờ ơ lãnh đạm, để rồi thờ ơ lãnh đạm lại gây ra dằn vặt cằn nhằn. Lâu dần, Mary không để ý đến thái độ khó chịu hay bất mãn cho John nữa. Thỉnh thoảng, sự khó chịu của John hình như còn làm nàng thích thú. Bất giác Mary rùng mình và cảm thấy nuối tiếc. Hồi mới lấy nhau, hai người thường đoán trước được những sở thích hay bực dọc của nhau. Cái tế nhị trong sự giao thiệp phu phụ áy không biết đã mất đi tự hồi nào. Nhưng rồi Mary cũng nhún vai, tự chế diễu mình là chẻ sợi tóc làm đôi. Cuộc đời nào chẳng phải trưởng thành, đam mê nào chẳng phải mai một với thời gian. Chỉ có đàn ông, hay đúng hơn chỉ có John là về một vài phương diện không chịu chấp nhận sự việc này. Đàn ông như con nít, rất khó chiều, chỉ có khác là con nít thì phản ứng bằng sự ồn ào, còn đàn ông thì dùng lãnh đạm thờ ơ để trả đũa…

“Thế mà đã ba năm rồi, mau quá.” Có tiếng John nói từ cửa bếp thông ra vườn. John đang mở cửa bước vào, trán lấm tấm mồ hôi, một chút bùn còn dính ở má, với vài ngọn cỏ mới xén vương trên tóc. Chàng vừa cắt cỏ và xén cây xong. Mary đang bầy hoa, ngẩng lên nhìn John rồi lại cúi xuống cắm nốt mấy bông hồng vàng vào chiếc bình pha lê giữa bàn. Đợi một vài giây không thấy vợ bắt chuyện, John bước vào bếp vặn nước lạnh uống. Chàng định chùi đôi dày tennis lấm bùn vào cái thảm gai ở cửa bếp thông sang phòng ăn để đi vào với vợ. Mary đã nhanh hơn chàng, lên tiếng:

“John, chùi chân rồi hãy sang phòng khách.”

John không trả lời. Chàng tháo luôn giày, và đi đất về phía phòng tắm cuối hành lang. Chàng mở cửa định tắm, nhưng lại đổi ý. Phòng tắm đã được trang hoàng như một kiểu mẫu trong tạp chí “Home Beautiful”. Mấy cái khăn bông màu trứng gà mới nguyên, góc có thêu ba chữ J.M.W. (John and Mary Wright) đã mắc trên cánh cửa bồn tắm tự bao giờ. Bánh xà phòng thơm mơi bóc nằm xinh xắn trên chiếc dĩa sứ có vẽ hoa tím nhỏ. Một chậu hoa nhỏ cắm dăm bông hồng vàng và đỏ mới cắt ngoài vườn đặt trên bàn rửa mặt. Chàng nghĩ Jane và Peter không phải là khách lạ, không chờ đợi một sự đón tiếp kiểu cách. Nhưng Mary rất kỹ lưỡng về nghi lễ tiếp tân, ngay cả những bữa tiệc giản dị để thiết đãi bạn thân. Đúng theo chỉ dẫn của những sách trang hoàng nhà cửa hay savoir vivre của giới thượng trung lưu, Mary bao giờ cũng trang diễm phòng tắm ngoài hành lang như phòng khách vậy… John nhún vai đi sang phòng ngủ để dùng nhà tắm trong đó.

Nước bông sen lạnh ngắt chảy ào ào trên thân thể làm John tỉnh táo và khoan khoái. John rất thích tắm nước lạnh, một thói quen tập từ hồi nhỏ trong đoàn hướng đạo. Chàng tin là sự kích thích của nước lạnh đem lại cường tráng. Bỗng nhiên chàng đổi ý, vặn nước cho ấm hơn. Một chút ngứa ở cổ như muốn ho, nhắc đến trận cảm đã kéo dằng dai cả mấy tuần nay, tuy không nặng nhưng vẫn không chịu khỏi hẳn. Một ý nghĩ đen tối thoáng qua, nhưng John lại tự trấn tĩnh. Chắc chỉ cảm qua loa, dây dưa như vậy là tại chàng không chịu kiêng khem nghỉ ngơi. Tuần sau chàng sẽ đi bác sĩ. Và tuần sau với một toa thuốc mạnh, mọi việc sẽ đâu vào đấy… Rồi John vui vẻ nghĩ sang chuyện khác. Lát nữa ăn xong chàng sẽ rủ mọi người đi xem ciné, hoặc nếu trễ qá, cả bọn có thể dùng thẻ hội viên của Peter đi khiêu vũ ở câu lạc bộ sĩ quan hải quân. Lại còn hai chai rượu trắng của Đức mà chàng giấu mọi người hôm nay mới lấy ra dùng. Nước bông sen ấm áp vẫn chảy ào ào trên vai trên lưng chàng như mơn trớn đấm bóp cho từng thớ thịt. John khoan khoái, cái khoan khoái phủ tạng, sính lý, trong khi thể xác nghỉ ngơi mà đầu óc không nghĩ chuyện gì quan trọng.

*

* *

Thế là ngày kỷ niệm ba năm dọn về California sắp sửa trôi qua. Ngày mai chàng sẽ bắt đầu năm thứ tư của đời sống nhàn hạ này. Duyệt qua sự việc đã xẩy ra từ sáng đến giờ, chàng ngạc nhiên là bảng liệt kê hoàn toàn không có gì đáng chú ý. Buổi sáng ngủ dậy, ăn sáng như thường lệ với vợ. Hai vợ chồng già ngồi đối diện nhau, yên lặng chậm rãi hưởng hương vị của tách cà phê mới pha cũng như cái an nhàn thoải mái của một đêm nghỉ ngơi. Chàng rán nghĩ xem đã bàn những gì với vợ. Kỳ khôi chưa, ngoài việc nhờ nhau chuyển hộ bình sữa hay hũ đường, chàng không nhớ được một câu chuyện gì có nội dung đặc biệt, cả hai người ngồi đối diện nhau ăn sáng, trong cái an nhàn của cuộc đời hưu trí. Vậy mà họ hưởng cái an nhàn này một cách riêng rẽ… Nước bông sen vẫn ào ào chảy trên vai trên lưng. Rồi chàng rán nghĩ tiếp, vẫn không nhớ được chuyện gì quan trọng, kể từ lúc ăn điểm tâm đến giờ. Mary bận rộn sửa soạn bữa tiệc nhỏ, ủi mấy cái khăn bàn thêu, ướp hai con thỏ, cắm mấy bông hoa… Còn chàng thì xén lại vườn cỏ và mấy bụi cây sau nhà, một công việc thiệt ra không cần thiết, vì vừa mới làm ba bốn hôm trước. John không thích bảng liệt kê trống trải này. Chàng rán nghĩ đến tuần trước tháng trước. À may quá chàng tìm ra rồi. Tuần trước chàng và Mary đi chơi Bingo với Peter và Jane. Bingo là một thứ giải trí không đòi hỏi một trí tuệ sắc bén, thường được tổ chức ở những viện dưỡng lão, hay những nhà thương cho người tàn phế hay lãng trí. Cách chơi tựa như xổ số hoàn toàn may rủi. Phần thưởng thường là một vật dụng nhỏ như cái gương cái lược, bánh xà phòng, hay ít tiền lẻ. Nhưng rồi John lại đổi ý, Bingo không thể coi là một chuyện quan trọng được. Vậy là cả tháng qua, chàng đã không làm một việc gì đáng kể. Hai người chung nhà ở, chung giường ngủ, chung bàn ăn, mà sao chẳng có gì là chung nhau. Chàng và Mary như hai cây cau trồng gần nhau, mọc song song thảng tắp dưới ánh nắng mặt trời, không cản trở nhau mà cũng không có gì trao đổi. Thậm chí cũng không ghét nhau nữa. John rùng mình khi nhận ra là Mary và chàng đã rẽ sang hai ngả tâm tư cách biệt. Mà tự bao giờ? Sự liên quan giữa chàng và vợ bây giờ hoàn toàn trống không, như cõi hư vô, như Niết Bàn… Ý niệm về Niết Bàn chàng chỉ gợi lên như để chơi chữ, mục đích khôi hài hơn là tư lự. Nhưng nó làm chàng liên tưởng đến một sự việc đáng kể mà chàng đã thực hiện được mấy tháng trước đây.

Hôm đó chàng vào thư viện tìm kinh Phật đọc, phần rảnh rỗi, phần tò mò vì mấy nhà sư Hara Krisna một hôm vừa nhảy múa vừa ca hát theo điệu thanh la não bạt, đã bao vây chàng ở một đường phố gần phi trường. Đây không phải là lần đầu tiên chàng tiếp xúc với giáo lý của đấng Chí tôn. Hồi thế chiến thứ hai khi phục vụ tại chiến trường Miến Điện, Nepal, chàng đã có dịp trò chuyện với những môn đệ của Phật. Hai giờ trong thư viện, tuy không tìm ra được gốc gác của môn phái Hara Krisna trong những dạng thức khác nhau của Phật giáo, chàng có dịp ôn lại những kỷ niệm ở Á Châu, vùng đất huyền bí đã có hồi ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống nội tâm của chàng. Đạo Phật và văn hóa Đông phương đã gợi cho chàng những nét đặc biệt của tâm hồn nhân loại, và nhìn cuộc đời với những góc cạnh mà thuở niên thiếu ở Mỹ chàng không bao giờ nghĩ tới. Chỉ tiếc là khi hồi hương, quá bận rộn đối phó và mưu sinh, chàng đã không có dịp đào xới thêm. Tại sao không chia sẻ chuyện này với Mary? Triết lý của Phật làm cho chàng khám phá ra cả một cuộc đời mới, hay đúng hơn một góc cạnh của cuộc đời mà chàng đã bỏ quên. Chắc Mary sẽ chống đối lúc đầu, nhưng chàng tin sẽ thuyết phục được nàng, ít nhất còn có ý nghĩa hơn là ngày này qua ngày khác, sống mà như đã chết rồi, không còn chờ đợi trông mong, ngoài việc chuyển cho nhau bình sữa hay hũ đường buổi sáng trên bàn điểm tâm. Cao hứng chàng nghĩ sẽ cùng Mary trở lại Miến Điện, thăm lại những đền đài, những phố phường. Hay hơn nữa sang hẳn Ấn Độ để hành trình theo vết chân của đấng Chí tôn, và tập nhìn cuộc đời theo tầm mắt Ngài. Còn bao nhiêu chuyện để học, còn bao nhiêu chuyện để làm. Biết đâu trong thế giới ba ngàn, chàng chảng tìm được một Niết Bàn nhỏ, trong đó Mary và chàng sẽ gàn gũi hơn.

Thế là chàng tìm thấy đường sống, một đường sống ly kỳ, đầy sinh lực. Những năm tháng gần đây, chàng đã quá phí phạm tuổi trời, cam phận của người hưu trí ngồi chờ già chờ chết. John nghĩ đến Mary, và con đường sống mới cho cả hai vợ chồng.

Chắc Mary đã trang điểm sửa soạn xong. Không biết hôm nay nàng mặc áo gì. Chàng muốn chạy ra ôm vợ, chia sẻ với vợ những dự định mới của mình. Chàng sẽ viết sách, chàng sẽ làm thơ, và trong sáng tác, chàng sẽ để lại cho hậu thế những cái nhìn thấm nhuần triết học của đấng Chí tôn.

Bông John lại thấy ngứa ỏ cổ. Thật khó chịu, nhưng tuần tới, một toa thuốc cảm mạnh của bác sĩ Williamson, mọi việc sẽ đâu vào đấy. Chàng đang tính trở lại những suy nghĩ tích cực mới mẻ của mình. Nhưng lần này, cổ chàng ngứa một cách thôi thúc, không đè nén được. Không nhịn nổi, chàng ôm ngực ho. Có vị mặn mặn trong miệng. Như phản xạ, John nhổ nước miếng xuống sàn nhà tắm. Trong tranh tối tranh sáng, dường như có máu đỏ trên mấy miếng gạch bông. Chàng vội cúi xuống để nhìn cho kỹ, nhưng nước bông sen đã chảy trôi tất cả xuống cống… John ngưng tắm với chiếc khăn khô lau người. Chàng bước ra khỏi bồn tắm, tiến đến bàn rửa mặt. Chàng ngần ngừ giây lát rồi hắng giọng, và ho mạnh. Lại có vị mặn mặn trong miệng. John nhổ vào chiếc khăn tắm vừa dùng để lau người. Hai tia máu như hai sợi bún nhỏ dài chừng hơn phân tây, màu đỏ tươi rõ rệt tương phản với màu vải bông trắng. Ngẩng lên John chạm trán với chân dung của chính mình trong gương. Nét hoảng hốt phờ phạc trên bộ mặt quen thuộc làm chàng lúng túng quay đi chỗ khác. Chàng vặn bồn nước rửa mặt và gột cho phi tang hai sợi máu. Chiếc khăn bông đã trở lại màu trắng cũ, và John cảm thấy yên ổn hơn. Chàng bất giác nghĩ thầm:

“Vậy mà mình sắp 65 tuổi rồi, mau quá. cảm một chút là ho ra máu.’

Có tiếng Mary gọi vọng vào :

“John, khách đến rồi.”

Bây giờ thì John hoàn toàn trấn tĩnh. Chàng chải lại mái tóc, và mặc quần áo ra tiếp bạn.

II

Ngồi vào bàn, John đã phục hồi được sự bình tĩnh thường lệ. Hai ly rượu khai vị pha đậm đã giúp chàng lên tinh thần. Hơi men làm mọi người lâng lâng vui vẻ, trong khi nhận xét của họ cũng cùn nhụt đi. Lúc chàng lấy hai chai rượu vang trắng ra, thi mọi người đều hoan hỉ tán thưởng. Như thường lệ, món civet của Mary hoàn toàn thành công. John lấy muỗng lớn tiếp thức ăn cho bạn, và ngạc nhiên là thấy tay chàng rất vững vàng và chính xác. Dưới ánh bạch lạp ấm cúng, thần sắc chàng có thay đổi chút ít chắc chẳng ai nhận thấy. Rượu ngon, đồ ăn khéo, tình bạn đầm ấm, John thấy lòng hồ hởi, và hai tia máu bám trên chiếc khăn bông trắng không còn ảnh hưởng mạnh mẽ như lúc đầu. Hồi còn nhỏ đánh nhau với bạn, chàng chảy máu cam còn nhiều gấp mấy lần như vậy…

Jane hơi say, đòi John kề chuyện viết văn ngày xưa của chàng. Tại sao chàng bắt đầu viết; và nhất là khi bắt đầu có tên tuổi, tại sao chàng lại đột nhiên buông bút; ai đã là Nàng Thơ gây cảm hứng cho chàng; bài thơ nào đầu tay; bài thơ nào chàng thích nhất… John vui vẻ đối đáp, và khi chàng sắp đọc bài thơ Jane khẩn khoản yêu cầu, thì chợt nhận ra là Mary và Peter đã không còn theo rõi câu chuyện văn bút này nữa. Mary đang kể sự tích món civet của nàng cho Peter nghe:

“Hôm ấy ở Paris… ”

Tiếng Mary vang lên trong căn phòng nhỏ, không hẳn là la hét, nhưng rổn rảng, với một chút kiểu cách giả tạo. Jane quay lại nhìn bạn gái, câu chuyện lại trở về một đề tài chung. Và Mary kể tiếp câu chuyện du ký dí dỏm. Hôm ấy, khi đã mỏi cẳng tản bộ trên đại lộ Champs Elysés — chắc Peter còn nhớ, cái khoảng gần công trường Etoile ấy mà — John và nàng vào một tiệm ăn lịch sự, vừa để nghỉ chân vừa để ăn tối. Tuy lúc đó còn sớm, nhưng hai vợ chồng nghĩ cũng nên dùng bữa cho lợi thì giờ; lát sau họ còn đi tàu trên sông Seine để ngắm kinh thành về đêm. Không biết vì đói hay vì đầu bếp giỏi mà hôm đó nàng ăn rất ngon miệng. Rồi cao hứng, nàng đã làm được một chuyện hi hữu. Mary đã mua chuộc được người bồi để lấy cái Recette bí mật của món civet. Sau khi 100 quan trao tay, hắn đã dúi cho nàng một tờ giấy đầy chi tiết về cách nấu món ăn đặc biệt Pháp này. Về nhà, sau khi thêm bớt chút ít gia vị cho đúng sở thích riêng, Mary đã tạo được một món civet độc đáo. Nàng rất kiêu hãnh về bí quyết nấu nướng mới, cho đến một hôm, John tặng nàng một cuốn gia chánh mà tình cờ thấy bán đại hạ giá ở một siêu thị trong tỉnh. Tất cả bí quyết của món civet được ghi chú rành mạch ở trang 52, chỉ có khác là bằng tiếng Anh nên lại càng dễ đọc. Thế là bồi Pháp hạ du khách Mỹ sát ván, cộng thêm với 100 quan chiến lợi phẩm. Và mọi người lại vui cười nhộn nhịp. Rồi họ lại trao đổi những giai thoại về sự sống sượng của tài xế và dân chúng Paris. Như để tóm tắt Peter nói:

“Nước Pháp cái gì cũng xấu. Chỉ trừ có đồ ăn và rượu là đáng kể. Người nào cũng bài Mỹ, trừ có mấy nữ du kích kháng chiến quân thời đệ nhị thế chiến là dễ thương. Tôi có kinh nghiệm bản thân về việc này…” Và Peter lại giả vờ úp mở về những liên hệ tưởng tượng với phụ nữ địa phương trong những năm phục vụ tại chiến trường Normandie. Như thường lệ, Jane lại làm bộ ghen tuông cằn nhằn.

Tình bạn đầm ấm vui vẻ, nhưng John vẫn không quên nổi trận cảm dai dẳng của mình. Tuy nhiên chắc không ai để ý đến vẻ lo ra của chàng. Peter vẫn hồn nhiên kể lại những mẩu chuyện khôi hài mua vui cho mọi người. Mary vẫn đóng vai bà chủ nhà duyên dáng tế nhị, lúc nào cũng tinh ý không để cho khách thiếu dù một hớp rượu, một mẩu bánh mì hay một thìa nước sốt. Nhưng dù tinh ý nàng vẫn chưa nhận được nỗi ưu tư của chồng. Chỉ có Jane, người nữ y tá hồi hưu là có linh cảm một cái gì bất thường. Lát sau, lúc John đang bị ám ảnh vì hai tia máu đỏ trên chiếc khăn bông thì bắt gặp Jane đang ái ngại nhìn trộm chàng. John hơi lúng túng vì Jane như định hỏi chàng chuyện gì. Nhưng may mắn thay Peter đã mở chai rượu thứ hai và đang vươn qua bàn để rót thêm cho mọi người. Rồi Peter đứng dậy nâng ly để chúc cho tình bạn được lâu bền mãi mãi. Mọi người nâng ly đứng dậy theo. Peter đã ngà ngà say, tuyên bố:

“Để kỷ niệm ba năm đã qua. Và để chúc mừng ba mươi năm sắp tới…”

Mọi người cụng ly, tiếng pha lê chạm nhau trong trẻo trong căn phòng ấm cúng.

*

* *

Nhưng John bỗng tỉnh rượu. Chàng thấy bàn tay phải tê tê như kiến bò. Rồi ngón tay trỏ và ngón tay cái đang cầm chân ly rượu bỗng giật nhẹ. May mắn cho chàng là mọi người đã ngồi xuống. Ngón tay trỏ lại giật, nhưng lần này mạnh hơn, và rượu sóng sánh trong ly. John sợ hãi tựa cánh tay trên mặt bàn, và đặt ly rượu xuống. Bàn tay cầm ly của chàng núp bóng bình hoa nên chắc chưa ai thấy. Mary đang ngước nhìn ánh bạch lạp lung linh ấm cúng. Có lẽ nàng đang nghĩ đến “Hôm ấy ở Paris… “, hay đang mơ màng đến những bữa ăn kỷ niệm trong tương lai. Peter đang cẩn thận phết bơ trên mẩu bánh mì, lưỡi dao bạc lấp lánh ánh nến. Jane nhìn qua bàn như dò hỏi. John vô cùng hoảng sợ, nhưng rán trấn tĩnh. Chàng định giấu bàn tay xuống gầm bàn. Nhưng quá trễ, cánh tay phải đã hoàn toàn thoát khỏi sự điều khiển của lý trí. Những động tác bệnh hoạn bây giờ đã lan sang cả năm ngón và cổ tay. Chàng sợ hãi nhìn bàn tay mình tự động bóp thả chiếc ly pha lê theo một nhịp điệu ma quái. Rượu chòng chành trong ly, như muốn vương vãi ra ngoài. Bây giờ thì tất cả mọi người nhìn về phía chàng: chân ly rượu bị đập xuống bàn theo nhịp tay run phát ra một điệu gõ kỳ dị. Bây giờ thì các động tác bệnh hoạn đã leo lên cánh tay và bả vai. Cánh tay bất thần co lại, lật đổ bình hoa và nâng cao ly rượu lên ngang tầm mắt mọi người. Tiếng cười nói đã im bặt từ lâu. Mọi người như bị thôi miên bởi bàn tay ma quái đang bóp thả chiếc ly pha lê mảnh dẻ. Nhịp bóp càng ngày càng mạnh và mau, sau cùng chiếc ly vỡ tan tành. Trong căn phòng yèn lặng, tiếng pha lê vỡ vang lên như một bóng đèn vừa nổ.

“John, John, lạy Chúa. Ngừng tay, John. Anh làm gì vậy.” Máu lẫn rượu chảy chan hòa xuống khăn bàn trắng thêu, trong khi John tiếp tục bóp thả chiếc ly vỡ. Những mảnh pha lê vụn lạo xạo trong tay chàng. Mary lại hét lên:

“John, John… Chúa ơi, John, buông tay ra, Anh điên rồi…” John vẫn tỉnh táo, chứng kiến tất cả mọi việc. Chàng thấy Mary phía bàn đối diện nhào tới định chụp tay chàng. Nhưng từ bên trái, Jane đã lanh trí hơn, chồm qua bàn ngăn bạn lại.

Đúng lúc đó, những động tác bệnh hoạn bỗng ngừng. Chàng cảm thấy như được giải thoát khỏi một ảnh hưởng ma quái, và phục hồi được sự kiểm soát cánh tay bệnh hoạn. Chàng duỗi ngón tay ra để mấy miểng pha lê vỡ rơi xuống bàn. Mary đã ngất xỉu, và Peter đang vòng tay qua vai để giữ nàng khỏi gục xuống bàn. Tất cả sự việc diễn ra khoảng một phút.

Jane chạy tới bật đèn điện lên. Bàn tay John đỏ lòm, và những vết đứt đang chảy máu. Khoảng giữa bàn ăn, chậu hoa đổ nằm ngang, nước cắm hoa lẫn với máu và rượu vang, làm ố từng mảng lớn trên khăn bàn trắng.

Peter và John nhìn Jane như chờ đợi sự giải thích. Peter buột miệng nói:

“Thật là quái đản…”

Hai người đàn ông thoáng nghĩ đến những chuyên ma quỷ huyền bí, thì Jane đã bình tĩnh lên tiếng:

“Không, đây là một loại kinh phong. John, chắc tay đau lắm. Peter, gọi xe hồng thập tự đi, tôi chạy về kiếm ít đồ cầm máu cho John trong khi chờ đợi.”

III

John ở bệnh viện đã được một tuần. Trưa nay những kết quả thử nghiệm cuối cùng sẽ về, và chiều nay Mary và Jane sẽ đón chàng xuất viện. Định bệnh ngã ngũ sáng nay, nặng nề như một bản án tử hình: John bị một bệnh ung thư phổi với khả năng phát triển cấp tính. Một số tế bào ung thư đã theo mạch máu lên não và tạo thành một mụn ung thư thứ hai ở đây. Tuy còn nhỏ chưa gây nên chứng xuyên đầu thống, nhưng mụn nằm ở một vị trí đặc biệt tại một não thùy có phận sự kiếm soát cánh tay và bàn tay phải. Thỉnh thoảng não thùy bị kích thích và tạo ra những cơn kinh phong giới hạn như đã xảy ra hôm trước. Rượu là một kích thích tố quan trọng để gây ra những biến chứng như vậy. Tuy kinh phong có thể tạm thời kiểm soát bằng thuốc men, nhưng bệnh gốc vẫn tiến triển để tạo trong tương lai những biến chứng khác, và sau cùng sẽ giết bệnh nhân.

Còn hai giờ nữa thì Mary và Jane sẽ tới đón chàng về. John nhìn quanh phòng bệnh. Mấy chậu hoa tươi bày trước cửa sổ và trên chiếc tủ con kê đầu giường. Mấy tấm thiếp cài nghiêng ngửa trên những cành hoa, hay để dựa trên bàn. Chàng cầm một tấm thiếp lên tò mò ngắm nghía. Kỹ thuật ấn loát tinh vi, và nội dung trình bày nhẹ nhàng. Hơi quá nhẹ nhàng với bệnh tình của chàng. Có tấm vẽ một người có lẽ đi trượt tuyết về chân bị bó bột đang nằm trên giường. Trên chiếc chân bột có ai ký tên nhì nhằng và vẽ mấy quả tim nhỏ màu đỏ ra điều yêu thương lắm. Dưới đầu gối là hàng chữ viết nghiêng: “Hẹn mùa tuyết năm sau, nhưng phải cẩn thận hơn.” Tất nhiên người tặng hoa, mua hoa bằng điện thoại nên chắc đã không có dịp đích thân chọn lựa tấm thiếp. Nhưng John thầm nghĩ, chắc có kiếm cũng không tìm thấy một tấm thiệp hoàn toàn thích hợp với chàng. Có ai lại in những thiếp hỏi thăm mà ghi nhận những nan y hay tình trạng tuyệt vọng của bệnh nhân. Thăm viếng là một phần của phép giao tế hằng ngày. Mà đã là phép giao tế hàng ngày thì không được quá rõ ràng quá trung thực. Bất giác John nghĩ đến hàng trăm cánh thiếp thăm bệnh in hệt hoặc tương tự, cho hàng trăm bệnh nhân khác nhau trong nhà thương này. Sinh lão bệnh tử là chuyện riêng, vậy mà mọi người vẫn phải chia sẻ những tấm thiếp đồng dạng, không tình cảm riêng tư, không linh hồn, như quân phục của binh sĩ trong một đoànn lính.

Tất nhiên hoa là hoa, và có hoa, phòng bệnh cũng vui tươi hơn. Và chàng thầm cám ơn những bạn bè và Mary đã gửi hoa đến. Lần này nghĩ đến Mary, chàng cảm thấy những xúc động êm đềm mà đã lâu chàng không có. Chàng biết đã có thời gian Mary cũng đồng ý với chàng về sự chống đổi ảnh hưởng đồng hóa của xã hội trên đời sống riêng tư của con người. Quả thật, Mary đã chẳng giúp chàng sáng tác một bài thơ theo chiều hướng đó sao. John nhớ hồi đó chàng sắp cưới Mary, cả hai còn trẻ, và cả hai cùng tin tưởng ở sự đặc thù của tình yêu đôi lứa. Trước họ không có ai yêu nhau như vậy, và sau họ cũng sẽ không có một cặp uyên ương tương tự. John làm bài thơ về một thanh niên tưởng tượng mà Mary đặt tên là Jonathan. Mary chọn tên này vì nó có một âm hưởng Thánh kinh, mà lại gần trùng với tên chàng. Cũng như John, Jonathan sắp cưới vợ. Và cũng như John, và Mary hồi ấy, hắn chống sự đồng hóa của kỹ nghệ đối với cá nhân, cũng như sự xen lấn của xã hội vào đời sống riêng tư. Hắn nhờ mẹ may cho vị hôn thê một bộ áo ngủ bằng lụa. Sự việc bình thường nhưng vô cùng ý nghĩa. Hôm hợp hôn, lúc động phòng khi cởi áo vợ, hán khỏi phải thấy nhãn hiệu nhỏ của hãng “Sears & Roebuck Co” khâu ở phía sau áo lót. Trong lúc thân mật tuyệt đỉnh của tình yêu đôi lứa, hắn không muốn sự hiện diện của một công ty kỹ nghệ sản xuất từ máy cầy đến ống cống… Hồi đó Mary rất thích bài thơ này. Trong bữa tiệc tuần trước để kỷ niệm ba năm dọn về California, John đã kể sự tích bài thơ cho Jane nghe. John cũng kể cho Jane nghe những dự định đi thăm lại Miến Điện với vợ, với niềm lạc quan về cái sinh lực mới cho cuộc đời. Dưới ảnh hưởng của men rượu lâng lâng và tình bằng hữu đầm ấm, Jane lây cái lạc quan của chàng, và đòi chàng đọc to bài thơ đó để tặng lại Mary một lần nữa. Chỉ có điều là dự tính nhỏ đó phải bỏ dở vì Mary đã hướng câu chuyên về một đề tài khác.

“Hôm đó ở Paris… Mary sau khi đi bộ mỏi chân ở Champs Elysés chỗ gần công trường Etoile, đã được ăn một bữa civet ngon và lại còn học được cả bí quyết để nấu món này nữa… ”

John thở dài, và ưu tư lại trở về với bệnh nan y của mình. Sáng nay, khi định bệnh xong, bác sĩ Williamson đã tới thăm chàng. Đây không phải là lần đầu tiên ông phải báo tin buồn cho một bệnh nhân. Tuy nhiên John có cảm tưởng ông đã xúc động thực sự, tuy bề ngoài vẫn bình tĩnh, cái xúc động của những người đã hiểu được những vấn đề nhân sự nấp sau những từ ngữ la-tin của nghề y. Khi bác sĩ Williamson tới thì chàng đang đứng nhìn ra cửa sổ ngắm mấy người y công cắt cỏ. Sau khi chào hỏi xã giao, John vào đề liền:

“Bác sĩ, kết quả thế nào?”

Người thầy thuốc già không trả lời ngay mà mời John ngồi xuống ghế. Bằng những lời ân cần nhưng không ủy mị, ông cho John biết về bệnh tình của chàng. John yên lặng hồi lâu rồi hỏi:

“Vậy thì trị liệu làm sao?”

Bằng một giọng chậm rãi, B.s. Williamson duyệt qua những phương pháp trị liệu hiện có. Như John đã đoán trước, hiện giờ chưa có phương thuốc có thể dứt nổi chứng nan y này. Tuy nhiên, bây giờ tiến bộ về y học đối với các bệnh ung thư rất nhanh chóng. Biết đâu những món thuốc mới sẽ được công bố trong tương lai gần. John có thể chấp nhận hay từ chối những phương pháp trị liệu đề nghị, nhưng dù sao đi nữa, bao giờ John cần tới, ông vẫn sẵn sàng cộng tác. Ông sẽ tiếp tục theo dõi bệnh trạng của John và tùy cơ ứng biến với những biến chứng trong tương lai.

Không có mảy may thương hại trong lời nói. John chỉ nhận thấy sự ân cần của người với người, và sự chấp nhận những giới hạn của y khoa. Tất nhiên là có một chút hy vọng, nhưng hy vọng mà không dối trá.

Có tiếng Mary và Jane lao xao ở hành lang. Họ đã tới đón chàng. John nhìn lại căn phòng bệnh một lần cuối. Chàng có cảm tưởng là mình đã ở đây lâu lắm. Chỉ có một tuần mà cuộc đời của chàng hoàn toàn thay đổi. Chủ nhật trước chàng còn đầy những dự định, những kế hoạch cho tương lai. Còn bây giờ, bận tâm chính của chàng là sự chết…

Mary đẩy cánh cửa đã hé mở, và hai người đàn bà bước vào. John đón mắt vợ rán tươi cười. Mary cười trả, nụ cười héo hon, mắt nhìn vừa thương xót vừa lúng túng. Những biến chuyển tuần qua quá trọng đại. Nàng đã biết kết quả khám nghiệm từ lúc sáng. Tử biệt sinh ly sắp tới, mà nàng vẫn chưa sắp xếp đầu óc một cách ổn định để cư xử với tình thế mới. Sự bi ai đang xâm chiếm tâm hồn nàng. Mỉa mai thay, John thấy trong hai người, Mary lại cần được nâng đỡ an ủi nhiều nhất. Chàng cầm tay vợ khẽ nói:

“Mary, bác sĩ có cho anh biết rồi. Đừng buồn Mary, đến đâu hay đến đó…”

Trong đầu, John làm những bài tính toán rất mau, kiểm lại những dự trữ tài sản, quỹ tiết kiệm, quỹ hưu bổng, và yên chí rằng ít nhất tương lai vật chất của vợ cũng được bảo đảm.

Mary bỗng chớp mắt như rán kiểm soát sự xúc động. Rồi nàng nức nở khóc. John lấy khăn lau mắt cho vợ. Jane cũng rán an ủi bạn. Nàng dìu Mary xuống ghế, đi rót cho nàng một ly nước lạnh, rồi ngồi xuống bên. Jane để cho Mary tiếp tục sụt sùi, ngồi yên ôm bạn, nét mặt ân cần tận tụy. Khi cơn xúc động đã giảm, Jane mới nhẹ nhàng nói:

“Mary, tôi ngồi cạnh đây này. Chị em mình có nhau, Mary đừng sợ…”

John nhìn lại hai người đàn bà. Mary ngồi rũ rượi, mắt nhắm, đôi bờ vai còn nức nở. Còn Jane thì hơi ngả người sang bên cho bạn có chỗ tựa thoải mái, tay nàng vòng qua ôm vai Mary. Nhưng đầu nàng vẫn thảng, và nét mặt trong sáng bình thản. Có nét ân càn, nhưng không hổt hoảng bi ai. Không lúng túng vì cơn khóc bất thần của Mary cũng như định bệnh nan y của John, nàng như đã có sẵn kế hoạch từ trước để đối phó với hoàn cảnh này. Chàng nhìn Jane, nàng chịu mắt John mà không lúng túng quay đi chỗ khác. Qua ánh mắt, Jane như đem lại cho chàng một quân bình, một niềm yên ổn. Nàng như thầm nhủ:

“John, tôi biết anh sắp chết, mà anh cũng biết vậy. Chỉ có những người hời hợt vô ý thức mới làm phiền anh lúc này với những lạc quan vu vơ hay hy vọng giả dối. Tôi biết anh nghĩ bây giờ không còn ai dám hứa hẹn gì. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn hứa với anh một tình bạn trung thành, và tôi sẽ tận tâm săn sóc, khi anh cần đến tôi. Và tôi cũng hứa với anh một niềm thông cảm với những ưu tư của anh lúc anh sửa soạn về nước Chúa.”

Bất giác John cười với người bạn gái đang an ủi vợ mình. Jane cũng cười lại, không phải là một nụ cười vui, nhưng ân cần và chia sẻ. Chỉ một người y tá lành nghề mới biết cười như vậy. Nhưng mơ hồ, John thấy có một chút gì đầm ấm hơn là một nụ cười y tá, mang lại một niềm êm ả mà bình thường người ta không có quyền chờ đợi trong hoàn cảnh này.

John nhìn lại bạn. Jane gọn ghẽ trong chiếc áo vải bông màu trắng có in những hoa hồng nhỏ màu vàng nhạt, có vài lá hồng màu lục non với những răng cưa tỉ mỉ. Tóc búi gọn lại đằng sau, môi thoa chút son mỏng; một chút bút chì trên mí mắt có những lông mi dài, và đôi mắt xanh. Khuôn mặt trang điểm không quá đáng mà cũng không suồng sã. Nàng ngồi thẳng, chân hơi duỗi ra phía trước. Vạt áo xuống thấp hơn đầu gối một chút, để lộ đôi bắp chân thon với đôi cổ chân gọn gàng. Toàn thể, nàng như hiện thân của sự tươi mát lành mạnh. Jane trông trẻ hơn tuổi, chỉ có vài nếp da cổ và những nét nhấn ở đuôi mắt là nhắc đến tuổi già của người nữ y tá hưu trí. Chàng biết cả Jane lẫn chàng không bao giờ nghĩ đến phạm điều răn thứ chín hay điều răn thứ sáu. Nhưng chàng cũng biết giữa hai người có một liên hệ, tuy không diễn ra thành lời, nhưng nặng hơn tình bè bạn thuần túy. John thấy bớt đơn độc trong những ngày cuối của cuộc đời.

Mary đã bình tĩnh trở lại. Nàng sốc lại cổ áo, phủi mấy nếp nhăn trên vạt áo, và mở ví sửa lại những vết son phấn đã bị nước mắt làm nhòe nhoẹt. John kiếm việc làm để bớt ngượng ngùng. Chàng cúi xuống buộc lại dây giầy. Sau cùng họ ra về. John đi giữa hai người đàn bà, tay xách chiếc va li nhỏ. Mary muốn xách hộ chàng, nhưng John trấn an nàng là việc đó không cần thiết. Tới xe, Jane mở thùng xe cho John cất vali. Rồi thản nhiên, nàng đưa chìa khóa cho John và leo vào ghế sau ngồi. Nàng nhường ghế trước bên tài xế cho Mary. Jane vẫn đối đãi John như thường lệ, không có gì săn sóc quá đáng. Mary ngồi bên chồng yên lặng suy nghĩ, nàng hoàn toàn lúng túng với hoàn cảnh mới. Cùng một ý với vợ, John nghĩ đến những tuần những tháng sắp tới. Không biết Mary sẽ phản ứng làm sao với những lo lắng, những áp lực của cuộc sống bên người chồng sắp chết vì bạo bệnh. Sau cùng John lên tiếng:

“Mary đừng lo lắng thái quá. Anh đã có một ý niệm rõ ràng sau khi nói chuyện với bác sĩ lúc sáng. Chúng mình sẽ dựa vào nhau trong những ngày tháng tới. Jane là y tá, em quên rồi sao. Jane sẽ không cảm phiền mà chỉ dẫn cho em những việc phải làm. Vả lại bác sĩ Williamson sẽ tiếp tục săn sóc anh… Tuần tới, anh sẽ đi thu xếp công việc cho gọn ghẽ để em có thể làm được một mình. Những việc nào em chưa quen làm, anh sẽ chỉ dẫn em. Mình còn nhiều thì giờ lắm.”

Nói xong, John ngạc nhiên là mình có thể bàn về cái chết một cách bình thản như vậy. Mary đáp lời, giọng nàng còn vỡ:

“John yên chí, em sẽ học Jane cách điều dưỡng để chăm sóc cho anh. Cốt nhất phải giữ tinh thần cao… Khoa học bây giờ đưa người lên cung trăng còn được mà… Biết đâu nay mai chả có một phát minh quan trọng. Biết đâu giờ này năm sau tụi mình lại không được đi du lịch với nhau…”

Yên lặng bao trùm mọi người. Chính Mary cũng nhận thấy những lời nói của mình lạc lõng trong hoàn cảnh hiện tại. Sự lạc quan gắng gượng nghe như mỉa mai. Mary tự trách mình vụng về, và cảm thấy hổ thẹn với Jane. Nàng thèm muốn cái kinh nghiêm điều dưỡng của bạn. Mà cũng ganh tị với sự thành công của bạn trong khi săn sóc John. Tuần lễ vừa qua, khi John đang còn xao động mãnh liệt với hoàn cảnh mới, chỉ có Jane là đem lại sự yên ổn cho chàng. John trông chờ những lần Jane tới thăm viếng. Sự hiện diện của nàng đem lại cho John một niềm thư thái mà Mary không thể thực hiện được. Mary duyệt lại xem có gì khả nghi giữa hai người để rồi lại hổ thẹn vì lòng ghen tuông quá đáng cũng như sự vô ơn của mình.

IV

Về đến nhà, John khoan khoái đẩy cửa bước vào. Chàng nhìn những đồ vật quen thuộc, cảm thấy như mình vừa đi xa về. Ngày đầu tiên ở nhà bình lặng trôi qua. Hôm đó John đi ngủ sớm. Sáng hôm sau chàng thức giấc, thấy trong người hoàn toàn khỏe khoắn. Mary đã dậy từ trước, và có mùi cà phê mới pha từ bếp đưa lên. John tắm rửa rồi ăn bữa điểm tâm ngon lành. Chàng thấy mình hoàn toàn bình thường và muốn làm một việc gì bình thường. Chàng nghĩ đến làm vườn và nói với vợ:

“Một tuần nay không vận động, tù túng quá. Anh ra vườn kiếm chuyện gì làm cho khuây khỏa đây.”

John thấy bệnh tật đã bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống. Làm vườn mà cũng phải giải thích với vợ, một sự giải thích không bao giờ cần thiết trong quá khứ. Mary nhìn chồng dò xét:

“Cũng là một ý kiến hay. Luôn tiện anh trồng luôn cây đào đi, để lâu trong chậu chắc nó chết mất.” Rồi như nghĩ lại, Mary nói tiếp:

“Tay anh còn đau không? Đừng làm quá sức nhé.”

John trấn an vợ:

“Mấy chỗ tay đưt đã ăn da non rồi, không sao đâu.” Chàng bất đầu bằng việc cắt cỏ. John nghĩ thầm, cỏ Bermuda là phải cắt hàng tuần mới đẹp. Tuần tới, mọi việc lắng đọng một chút, chàng sẽ thu xếp mấy vụ tiền nong cho ngăn nấp để đề phòng bất trắc… Còn bây giờ, chàng chỉ muốn làm một việc gì chân tay, đổ chút mồ hôi, rồi uống một ly bia lạnh… Ờ, chàng sẽ gọi Peter qua uống và nói chuyện cho vui. Bác sĩ vẫn cho chàng uống bia mà, tất nhiên là với điều kiện điều độ.

John đẩy máy cắt cỏ theo những đường thẳng hàng. Những ngọn cỏ mới cắt bị máy ném rào rào vào thùng hứng bằng thiếc ở phía trên. Mùi cỏ mới cắt hăng hăng như kích thích giác quan chàng. Những chi tiết tầm thường của đời sống hàng ngày bây giờ trở thành những thú vui quý báu. Đâu đây, có ai đang sửa lại hàng rào gỗ, tiếng cưa và tiếng đóng đinh vang lại như những âm thanh thân mật. Mấy bụi hồng ven vườn cỏ đầy nụ non, hứa hẹn một mùa hoa lộng lẫy. Vài ngọn hoa leo ven dậu mọc chòi ra ngoài, chưa có chỏ bám nên còn đong đưa trong gió, những búp lá non màu xanh nhạt đầu cành bụ bẫm căng nhựa. Xung quanh chàng cảnh vật đầy sức sống. Chàng tiện tay cúi xuống nhổ một cụm cỏ dại ngoài tầm lưỡi hái của máy cắt cỏ. Một vài bông hoa nhỏ màu tím nhạt còn bám trên cọng cỏ, những cánh hoa dại mảnh dẻ rơi tơi tả xuống đất. John nhớ đến những hoa cỏ dại của một thời xa xưa khi cuộc sống còn trẻ lắm. Hồi đó chàng khoảng độ tám chín tuổi sống với cha mẹ trong một tỉnh nhỏ bên Pennsylvania. Có cô bé láng giềng kém chàng ba tuổi tên là Alyce. Hai gia đình thân nhau, và cha mẹ chàng thỉnh thoảng rủ gia đình Alyce cuối tuần về căn nhà gỗ để nghỉ mát của gia đình tại vùng quê. Ngôi nhà gỗ xây gần một chiếc hồ rộng, một bên là mấy rặng núi xanh, và một bên là nội cỏ bát ngát đến tận chân trời. Hai đứa trẻ thường vui đùa chạy nhảy tung tăng trong cỏ dại cao gần đầu gổi. Khi đã mệt chúng thường đi tìm bắt mấy con rùa đất, hay kiếm hoa dại hái về từng bó cho mẹ. Chàng nhớ hoa dại thường thường giản dị. Phần nhiều lá cánh đơn. Họa hoằn lắm mới có một bông cánh kép như cẩm chướng hay anh đào. Hoa hồng dại cũng vậy, bông nhỏ với bảy tám cánh hoa hoặc trắng hoặc phớt hồng, dáng dấp gần gũi với bông trà hơn là bông hồng nhà đã được chọn lọc đời này qua đời khác. Nhưng với trí tưởng tượng của trẻ con, hoa dại là cả một kho tàng vô giá, nhất là nhìn gần trong tư thế nằm hay quỳ trên cỏ. Có bông tương tự như hoa cúc hay hoa hướng dương, với cành hoa vàng chói và nhị mầu cam hay đỏ đậm, nhưng kích thước thu nhỏ lại như một chiếc khuy áo. Có những bông mầu hồng nhạt hay thiên thanh, đài hoa khum khum như những cái chuông nhỏ treo từng chùm dưới những cọng cong và mảnh khảnh. Lại có những bông như hoa kèn, năm cánh hoa dính với nhau phía dưới xòe ra như cái loa của máy hát cổ. Trong lòng hoa năm cọng nhị màu đen có lông măng, cong cong như nhị hoa phượng với túi phấn nhỏ như hạt gạo dính ở phía cuối. Tất cả hoa dại đều không có tên tuổi, chỉ trừ một bông mà Alyce và chàng đã đặt tên cho. Đó là một bông cúc dại cánh đơn màu vàng cỡ đồng 25 xu. Nhị hoa hơi quá khổ và đen như một chấm tròn bằng than tàu. Cả hai đứa trẻ thích bông hoa này nhất và một hôm chơi trò vợ chồng, đã nhận hoa làm con. Hôm đó Alyce lấy cái khăn tắm quấn lại và nhét dưới bụng giả vờ làm bà mẹ có bầu. Xong xuôi cô bé nằm lăn trên cỏ, làm bộ đau đớn và tuyên bố đã đến kỳ sinh nở. Rồi như ảo thuật, cô bé luồn bàn tay dưới cánh tay áo rộng, kéo từ nách ra một bông cúc dại, miệng oe oe vờ khóc để bắt chước tiếng chào đời của trẻ sơ sinh. Bông hoa đã nghiễm nhiên thành một hài nhi, không những được nuôi dưỡng trong thai, mà còn được ra đời bằng nách mẹ. Alyce lấy một cái lá to bản cỡ lòng bàn tay người lớn, bẻ cong thành một cái nôi và đặt bông hoa bé bỏng vào trong. Cô bé còn xé một miếng khăn giấy nhỏ buộc tréo ngang cuống hoa giả vờ làm tã. Bây giờ sinh nở xong chỉ còn việc đón em bé về nhà. John khuỳnh hai cánh tay như lái một chiếc xe tưởng tưọrng để đón vợ con từ bệnh viện về. Đặt nói xuống, Alyce làm bộ nũng nịu:

“Honey, Anh đật tên con đi. Con gái mình đẹp nhất xóm.”

Hai đứa bé tinh nghịch châu đầu vào nhau nhìn bông hoa nhỏ bé đặt giữa chiếc lá bẻ cong. Chiếc hoa cúc dại nằm nghiêng trong chiếc nôi tưởng tưọmg, vòng nhị quá khổ đen láy và tinh thần như mất một em bé gái đang ngước lên nhìn bố mẹ. Alyce lại liến thoắng:

“Coi kìa. con mình tóc vàng mà mắt lại đen, cả thế giới không có ai có tóc này và mắt này. Mắt nó to và đen như than tàu…”

Cao hứng John nói :

“Anh nghĩ ra rồi cưng, mình đặt tên nó là con Suzan, Black Eyed Suzan. Đúng là con Suzan mắt đen.”

Alyce cưỡi tít, vỗ tay :

“Đúng rồi, Black Eyed Suzan, tên đẹp lắm, tên đẹp lắm.” Thế là bông hoa dại có tên. Tuy nhiên tên này chỉ có John và Alyce biết. Không sách thảo mộc học nào ghi chú về sự ra đời của cô bé Black Eyed Suzan. Với những người ít lưu tâm đến hoa cỏ nói chung, bông cúc dại với vòng nhị đen quá khổ vẫn không tên tuổi, hoang dại trong những nội cỏ miền Đông.

Bây giờ chỉ còn John nhớ đến tên hoa, “đứa con gái đầu lòng của chàng”. Còn Alyce đã quên những kỷ niệm này từ lâu, hoặc có nhớ cũng không cho đó là quan trọng nữa. Chàng biết chắc như vậy, vì Alyce chính là tên gọi ở nhà của vợ chàng, Mary Alyce Spencer. Lớn lên, không biết vì sao, Mary bỏ tên đó. Alyce chỉ còn là chữ A, viết tắt như một chữ đệm không đáng nhắc đến.

“Mary A. Wright” John bất giác lẩm nhẩm tên vợ. Không, người đàn bà này không còn bận tâm đến cái vui hồn nhiên của cuộc đời nữa, và những nội cỏ đầy hoa dại chỉ nhắc đến một thủa thiếu thời quê mùa, gần như thiếu thốn của một gia đình hạ trung lưu. Bây giờ Mary bận bịu với những kỷ niệm huy hoàng hơn.

“Hôm đó ở Paris sau khi mỏi chân tản bộ ở đại lộ Champs Elyses, khoảng gần công trường Etoile ấy mà… ”

John thở dài. Vườn cỏ cắt gần xong, chàng đẩy máy xén cỏ một lần cuối cùng dọc theo vườn hồng, và tắt máy. Tay áo sơ mi dài vướng víu cản trở khi chàng tìm cách tháo cái thùng hứng để đổ cỏ vụn vào bao rác. John xắn tay, và nhận thấy mình vẵn còn đeo cái vòng plastic của bệnh viện để ghi chú lý lịch bệnh nhân. Không sẵn kính, John đưa vòng nhựa lên nheo mát rán đọc:

“John R. Wright. #3356456. Apr. 23, 1920……”

Khoảng trổng sau ngày sinh trên miếng nhựa làm chàng liên tưởng đến lời ghi chú trên tấm mộ bia của những người sắp chết. John định vứt cái vòng tay vào bao cỏ vụn, nhưng lại đổi ý kiến nhét nó vào túi quần, uể oải chàng trồng nốt cây đào vào chỗ đã chọn lựa từ trước hôm đi nhà thương. Khi mùa xuân tới hoa đào nở, ngồi ở phòng khách có thể thưởng thức được hoa. Đất mềm dễ đào, và chỉ chốc lát cây đào đã được yên vị. Chàng đổ thêm nước vào gốc mới, rồi rửa tay sửa soạn vào nhà. Cây đào khá lớn, cao độ hai sải tay, chắc một hai năm nữa sẽ ra hoa. Nhưng trong đầu chàng, cái vòng tay plastic phảng phất giống tấm bia mộ gợi nên những ý nghĩ đen tối. Việc trồng cây mới dự tính tuần trước, mà bây giờ đã trở thành lạc lõng mỉa mai. Chẳng biết mình không còn ở trên cõi đời này khi cây đào khai hoa kết quả…

Có tiếng Mary gọi vọng từ trong nhà làm gián đoạn những ý nghĩ bi ai của chàng:

“John, có thư từ Pennsylvania; nhà bán được rồi, chắc độ hai tháng nữa thì họ chồng tiền…”

John thở dài nhẹ nhõm. Ít nhất cũng có một tin vui trong ngày. Căn nhà cũ của chàng bên miền Đông bỏ không từ ba năm nay bây giờ đã có người mua. Rồi nghĩ đến những thủ tục giấy tờ phải làm cũng như văn tự với chủ mới và khế ước với ngân hàng, như phản xạ John cảm thấy một năng lực mới để sẵn sàng hoàn tất công việc trước mắt. Thói quen giải quyết những vấn đề lớn nhỏ đã làm chàng tạm thời quên những sầu muộn về bệnh tình chết chóc. John chùi tay vào ống quần, rồi vào nhà để nghiên cứu những văn kiện người mối nhà bên miền Đông mới gởi sang.

V

Hai tháng sau, triệu chứng của bệnh ung thư với biến chứng ở não đã rõ rệt. John mất ký trông thấy, quần áo trở nên rộng thùng thình. Sau cùng chàng cũng phải mua hai bộ mới nhỏ hơn mấy số để trông cho đỡ tiều tụy. Chàng vẫn còn tỉnh táo và vẫn lo lắng giấy tờ sổ sách liên hệ đến việc thu xếp tài sản. Một ít cổ phần thị trường chứng khoán phải thanh toán, quỹ hưu bổng, bảo hiểm nhân mạng, và tờ di chúc… Tuy nhiên, những công việc chân tay như làm vườn, tỉa hoa, cắt cỏ v.v… chàng chỉ làm lấy lệ để giải trí, phần còn lại có người đến giúp hàng tuần.

Những cơn nhức đầu bây giờ xảy ra gần như thường xuyên. Thuốc men chỉ đỡ một phần. Chứng kinh phong không tái phát, nhưng cả Mary lẫn Jane bắt đầu lo lắng. Có những thay đổi trong cách cư xử của John, tuy không rõ rệt, nhưng khá thường xuyên. Nhiều lúc chàng như người đãng trí. Có khi đang nửa câu chuyện, đôi mắt chàng bỗng thẫn thờ xa vắng trong một vài giây đồng hò, để rồi trở lại hoàn toàn bình thường. Có điều là chàng không ghi nhận được những sự việc xảy ra trong những giây bát thường đó. Câu người ta hỏi phải lập lại chàng mới trả lời; nếu chàng đang trình bày một ý kiến, thì khi tiếp nối lại câu chuyện hai phần đầu đuôi không ăn khớp với nhau. Có hôm chàng ra bưu điện hay ngân hàng lo công việc, nhưng trở về trê hơn thường lệ, nét mặt bơ phờ và xa vắng như người mộng du. Nhưng sau một vài giờ nghỉ ngơi, chàng lại trở lại bình thường.

Rồi một hôm John lấy xe đi từ sáng. Đến trưa chàng không về dùng cơm. Đến một giờ chiều, Mary sốt ruột gọi sang bên nhà Andersons thì được biết John không có ở đó. Nàng muốn nói chuyện với Jane, nhưng Jane có việc ra phố cũng không có nhà. Mary một mình nghĩ ra muôn ngàn bất trắc có thể xảy ra cho chồng. Nàng gọi cảnh sát xa lộ, nhưng cũng không có một tai nạn nào liên can đến John. Khoảng bốn giờ, Jane về nhà và vội chạy sang thăm Mary. Hai chị em đang bàn hết giải pháp này đến giải pháp nọ, thì John lái xe trở về. John bước vào nhà, tới thẳng chỗ hai người đàn bà đang ngồi và đột ngột hỏi:

“Mary, sáng nay anh rời nhà lúc mấy giờ?”

Ngạc nhiên, Mary trả lời:

“Khoảng tám giờ, nhưng anh đi đâu đến bây giờ mới về? Mà sao không gọi điện thoại.”

John không trả lời, hỏi tiếp:

“Thế anh có nói là đi đâu không?”

“Không, anh chỉ nói là đi có việc. Nhưng mà sao anh lại hỏi lạ vậy. Đi đâu thì anh phải biết, chớ còn…”

Thấy John như muốn nói, Jane liền đưa tay ngắt lời Mary. John nhìn Jane, rồi lại nhìn vợ. Sau cùng chàng chậm rãi nói: “Hồi này anh hay quên một cách kỳ lạ lắm. Hôm nay khoảng độ hai giờ, anh bỗng như mới ngủ thức dậy, chỉ có điều là thức dậy trước quầy bán vé của hãng hàng không Eastern Airlines ỏ phi trường Los Angeles. Anh không nhớ đã tới đây hồi nào. Người bán vé tưởng anh đãng trí hỏi lại là anh muốn đi Pennsylvania nữa không? Kỳ lạ, anh đâu có dự tính đi về miền Đông làm gì. Mà không biết anh lên phi trường hồi nào. Mà tới phi trường bằng phương tiện nào. Anh tính gọi điện thoại cho em, nhưng trong lúc đó không thể nào nhớ được số điện thoại nhà. Sau khi lục soát các túi anh mới thấy cái phiếu gởi xe. Hoàn toàn như một cơn mộng du. Chắc mai anh phải đi thăm bác sĩ.”

Đúng như Jane phỏng đoán, bác sĩ Williamson cho biết là mụn ung thư trên óc không những đã tái phát mà còn lan rộng ra nữa. Bây giờ nó lan sang một vùng mới của não thùy, có nhiệm vụ kế hoạch những chương trình hành động có tổng hợp. Khi lên cơn, người bệnh thi hành những động tác có hệ thống tổ chức thành những công việc khá phức tạp đầy tình tiết mà tri giác không hề biết. Biến chứng biểu lộ giống như một cơn mộng du. Từ nay trở đi John không được tự do ra ngoài phố một mình nữa. Hơn nữa, chỉ trừ khi ngủ chàng cần phải có người liên tục canh bệnh đề phòng những bất trắc nguy hiểm có thể xảy ra.

Nhân một lúc vắng mặt John, Mary hỏi bác sĩ Williamson: “John còn sống được bao nhiêu lâu nữa?”

Hỏi xong, Mary ngượng ngùng cúi đầu mân mê vạt áo. Bác sĩ không trả lời ngay. Tuy không nhìn, nhưng Mary cũng biết là đang bị quan sát. Chắc ông ta đang lựa câu trả lời. Cũng có lẽ ông ta đang tìm hiểu câu nàng hỏi, để xem trong đó bao nhiêu là xót thương và bao nhiêu là mỏi mòn vì nuôi bệnh. Không biết người bác sĩ già thấy gì trong nàng, vì thực ra chính nàng cũng không phân tích nổi những tình cảm trái ngược trong tâm hồn mình nữa. Sau cùng bác sĩ Williamson chậm rãi nói:

“Riêng trường hợp John tôi không thể biết đích xác được. Nói chung chung, bệnh tình như vậy thì độ vài tuần tới vài tháng. Chỉ có điều là những ngày tháng cuối cùng rất đau đớn, đòi hỏi nhiều can đảm chịu đựng của người bệnh cũng như người nuôi bệnh. Với con mắt người thầy thuốc, tôi nghĩ để John nằm lại bệnh viện trong khu những người… không còn cứu vãn được là một điều nên nghĩ đến. Thuốc men cũng như vậy, mà ít nhất Mary còn được nghỉ ngơi giữa những giờ thăm bệnh… Nếu để John ở nhà, Mary sẽ phải gánh tất cả những gian khổ một mình. Mà thời gian này, nhu cầu của John rất nhiều, về tinh thần cũng như điều dưỡng, tôi sợ Mary không kham nổi.”

Nghe bác sĩ nhắc đến những nhu cầu tinh thần và vật chất của chồng, Mary cảm thấy một thay đổi quan trọng trong tâm tư. Bây giờ thì Mary hoàn toàn nhất quyết. Không, nàng không thể để cho John chết một mình trong đau đớn giữa những người xa lạ. Nàng ngẩng lên nhìn bác sĩ Williamson và chậm rãi nói:

“John sẽ chết ở nhà. Tôi sẽ săn sóc cho John cho đến khi Chúa gọi anh ấy.”

Bác sĩ Williamson thoáng tỏ vẻ ngạc nhiên. Quen biết với gia đình này đã mấy năm nay, ông ta không tưởng tượng được Mary trong phận sự y tá của một bệnh nhân đang hấp hối trong đau đớn tàn bạo của bệnh ung thư thời kỳ chót. Nhưng lời tuyên bố của nàng gọn gàng rành mạch, không để lại một nghi vấn gì để bàn cãi. Bác sĩ Williamson nhìn lại Mary một lần nữa rồi đồng ý:

“Như vậy thì tốt nhất cho bệnh nhân. Nhưng bất cứ lúc nào Mary cần tôi chuyện gì, xin đừng ngại. Mai kia tôi sẽ đến thăm và bàn với Jane về những kế hoạch để giúp Mary tổ chức việc điều dưỡng ở nhà.”

Mary cũng ngạc nhiên về quyết định của mình, từ ngày John đau ốm, có một cái gì đang sống lại trong tâm hồn nàng. Nó nảy nở dần dần trong mấy tuần lễ qua, và vùng dậy hôm nay khi bác sĩ nhắc đến những nhu cầu của chồng trong lúc hấp hối. Nàng thấy một nguồn năng lực mới chưa bao giờ ngờ đến. Có lẽ sự tàn phế đau thương bất lực của John đã vô tình gợi lên trong tâm hồn nàng một cái ước muốn rất đàn bà, tuy bình nhật tiềm tàng, nhưng lúc cần có thể mãnh liệt như một bản năng. Cái ước muốn được giúp đỡ che chở cho người yêu. Trong đầu nàng, hơn bốn mươi năm chung sống vợ chồng hiện ra như một cuốn phim quay nhanh. Quả thật chưa bao giờ John thật sự cần nàng. Tất cả những quyết định quan trọng cho đời chàng cũng như cho gia đình, John đã làm một mình và đã thành công. Và trong bốn chục năm đó, nàng như một bánh xe thừa, không bao giờ phải chạm đất để chia sẻ gánh nặng. Nàng chỉ được đóng vai tô điểm cho cuộc đời. Những thăng trầm của gia đình hoàn toàn tùy thuộc vào những cố gắng kế hoạch hay mưu tính của John, trong văn phòng tại xí nghiệp, trong phòng làm việc ở nhà, trong nhữ ng chuyến đi thương lượng cho công ty ở những thủ đô xa lạ. Bổn phận của nàng vỏn vẹn chỉ còn những chuyện lặt vặt như trang hoàng nhà cửa, hay đi theo John trong những chuyến đi du lịch hay công cán tại những nơi nổi tiếng trên thế giới, lượm lặt những kỷ vật đắt tiền hay lạ mắt để làm đầu đề câu chuyện cho những hôm tiệc tùng tiếp tân.

Nhưng bây giờ John cần nàng. Không có nàng, những ngày cuối của John sẽ hoàn toàn đen tối. Không, nàng sẽ sát cánh cùng John khi chàng sửa soạn trở về nước Chúa. Và sự sát cánh này có một ý nghĩa đặc biệt cho đời sống vợ chồng, cũng như cuộc sống của chính nàng.

VI

Từ hôm đi bệnh viện lần thứ hai, cơn bệnh biến chuyển nhanh chóng. Một tuần sau, John bị tê liệt nửa người bên phải. Xương sống lưng cũng bị ung thư tàn phá và tạo nên những cơn đau tàn bạo. Trung tâm thần kinh bàn tọa bị ung thư phá hủy, và John hoàn toàn mất kiểm soát về sự bài tiết. Tiểu tiện cũng như đại tiện đều cần người giúp đỡ, và vệ sinh tối thiểu cũng khó thực hiện. Bác sĩ Williamson và Jane thiết lập một hệ thống hứng nước tiếu bằng ống nhựa dẫn vào một túi ny lông, cứ tám tiếng lại thay một lần. Còn đại tiện thì John phải mặc tã như trẻ em sơ sinh vậy. Mặc dầu những cố gắng vệ sinh tối đa, căn phòng vẫn nặng nùi cồn sát trùng, mùi tiêu tiễu, mùi người bệnh. Theo lời bác sĩ và Jane khuyên nhủ, Mary dọn sang phòng bên để ít nhất khi mệt mỏi còn có thể có những phút tĩnh mặc.

Thời khóa biểu của Mary là 12 giờ một ngày phục dịch bên phòng John, vừa làm y công vừa làm y tá, Jane canh bệnh giúp Mary khoảng 6 tiếng một ngày. Còn lại 6 tiếng, John ngủ một mình. Có chiếc chuông điện mới lắp ở đầu giường để John gọi khi cấp bách. Lúc nào không săn sóc bệnh nhân, Mary rán chợp mắt vài giờ hay làm công việc lặt vặt trong ngày.

Chưa bao giờ Mary thấy bệnh tật ốm đau chết chóc xấu xí như vậy. Những kinh nghiêm cũ của nàng về sinh lão bệnh tử thật hời hợt. Trước kia cái chết chỉ gợi cho nàng những nhà đòn đầy hoa, với thi hài kẻ mãn phần đã được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp đẽ, có khi còn được đánh phấn thoa son nữa. Nằm trên đệm satin trong một cỗ quan bằng gỗ khóa đồng đánh bóng còn mở nắp, người chết trông thư thái an nhàn. Bà con bè bạn quần áo chỉnh tề, nét mặt trang nghiêm kính cẩn bước qua chiêm ngưỡng dung nhan người thân một lần cuối, có người bỏ lại cỗ quan một bông cẩm chướng nay một đóa hồng hàm tiếu cọng dài. Nàng nhớ những lần hạ huyệt thường thường dưới một lùm cây bóng mát trong nghĩa địa, gia đình hay bằng hữu đứng xếp hàng bên ngôi mộ mới đào, lắng nghe một linh mục đọc điếu văn nhắc lại những kỷ niệm nhẹ nhàng hay những thành tích đáng kể của người đã mãn phần. Cho đến bây giờ cái chết đối với nàng thơm tho sạch sẽ như chăn đệm mới để lót quan tài. Cái bi ai trừu tượng như một quan điểm triết học chung chung về kiếp người.

Không có những bình nước tiểu phải đổ, không có những tã dơ phải thay, không có những tấm thân lở lói vì nằm một chỗ quá lâu ngày máu mủ có khi lẫn lộn với phân hay nước tiểu. Cũng không có những cơn đau như chẻ xương lóc thịt, và những giấc ngủ nặng nề đầy ác mộng với mồ hôi trộm đầm đìa.

Một hôm, bác sĩ Williamson đến thăm. Hốt hoảng vì nét mặt tiều tụy của Mary, ông ta đã nhắc lại chuyện đưa John vào bệnh viện. John bây giờ mê nhiều hơn tỉnh, đâu có phân biệt được ở nhà hay ở bệnh viện… Hơn nữa những cơn đau bây giờ quá thường xuyên, nửa đêm cũng phải chích thuốc morphine, sự săn sóc đã trở nên vô cùng vất vả. Nhưng Mary đã quyết: John sẽ chết ở nhà.

Những tuần lễ đầu tiên sau khi John bị liệt giường vì bán thân bất toại, nàng tưởng đã phải bỏ cuộc. Những vất vả thể xác quá cơ cực mà những xót xa tinh thần còn trăm lần nặng nề hơn. Những tuần ấy John còn hoàn toàn tỉnh táo, và ghi nhận rõ ràng tình trạng phế thải bất lực của mình. Mỗi lần thay tã hay lắp ống cho John tiểu tiện, nàng sợ nhất là nét mặt của chàng, trong đó sự nhục nhã lẫn lộn với ngượng ngùng xấu hổ. Nước mắt lưng tròng, đã bao lần Mary phải cố gắng nuốt xuống những xót thương sầu tủi khi thấy John của nàng, người nam nhi khí phách bây giờ trở thành một thể xác lở lói bệnh hoạn, lệ thuộc vào người khác từ muỗng cháo tới viên thuốc. Lại còn những cơn đau mà nàng phải chứng kiến, khi John cắn răng để khỏi la hét, đôi bàn tay nắm chặt, những bắp thịt quai hàm gồng lên và cứng lại một cách thảm thương dưới làn da mặt nhăn nhúm võ vàng.

Có những hôm như quá mệt mỏi, nàng nhìn cái điện thoại đầu giường ngủ với một cám dỗ mãnh liệt. Nàng chỉ việc gọi bác sĩ Williamson, là mọi thử thách, mọi lam lũ nhọc nhằn sẽ tự động chấm dứt. Xe hồng thập tự sẽ đến đón John vào bệnh viện, và Mary sẽ ngủ một giấc cho đến sáng. Không, nàng sẽ ngủ cho đến trưa hôm sau, một giấc ngủ không bị gián đoạn bởi tiếng rên xiết hay những nhu cầu cáp bách của chồng. Khi đã no giấc ngủ, nàng sẽ dậy ăn sáng trễ. Không có bình nước tiểu phải đổ, tã dơ phải thay, và mụn lở lói trên lưng chồng phải rửa và băng bó. Nàng sẽ pha một bồn nước tắm vừa nóng với dầu thơm và sà phòng bọt để ngâm mình và tận hưởng trong một vài giờ cái xa xỉ của sự nghỉ ngơi. Và nàng sẽ trang điểm và lên nhà thương thăm chồng, ngồi với John một vài giờ đồng hồ, mang cho chàng ít hoa và ít sách báo.

VII

Nhưng nàng đã không bỏ cuộc, cắn răng chịu đựng, Mary mơ hồ như cảm thấy trong cái cố gắng để săn sóc chồng có cái gì vô cùng quan trọng cho cả nàng lẫn John. Nàng như linh cảm thấy chỉ rán thêm một chút gian khổ nữa nàng sẽ tới được miền đất hứa với một phần thưởng vô cùng quý giá chờ nàng.

Cái phần thưởng đó đã đến với nàng sau một bữa thức trắng đêm. Hôm đó cơn đau của John bắt đầu hành hạ chàng từ sau bữa cơm chiều, vẫn cái đau chẻ xương lóc thịt dọc theo tủy xương sống lưng. Hai bên thái dương chàng nhức nhối như bị kìm kẹp. Cả bàn tọa của chàng như bị xiết chặt trong một vòng đinh ốc khổng lồ. Mary chích morphine cho chồng, và John mê đi, trốn chạy sự dày vò của bệnh hoạn trong giấc ngủ nhân tạo. Những mụn lở ở lưng và mông đã nhiễm trùng và cơ thể chàng nóng như một lò lửa. Lát sau chứng kinh phong trở lại, lần đầu tiên kế từ khi khám phá ra bệnh. Toàn thân John co quắp dẫy dụa như người bị điện giật. John trong mê sảng đạp chăn mền đổ tung xuống đất. Ống dẫn nước tiểu tuột ra và vương vãi trên đệm. Cơn kinh phong vẫn tiếp diễn càng ngày càng nặng hơn. Những vết răng cắn trên lưỡi bắt đầu chảy máu xuống gối. Giờ này, Jane chắc đã ngủ say. Mà nàng không giám bỏ John để chạy xuống bếp gọi điện thoại. Thu hết can đảm, Mary nhớ lại lời Jane dặn và lấy thuốc trị kinh phong chích cho John. Năm phút sau, năm phút dài dằng dặc, John ngưng giật. Cơn kinh phong châm dứt và chàng tiếp tục thiếp đi trong giấc ngủ. Mary vào nhà tắm lấy chăn nệm và quần áo mới thay cho John. Một giờ sau, khi John đã khô ráo sạch sẽ thi Mary mệt như lả đi. Nàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nhưng Mary mới chợp mắt thì tiếng rên xiết của chồng lại đánh thức nàng dậy. John rán xoay mình trên đệm để tìm một tư thế bớt đau. Mary để tay lên trán chồng, thấy thân nhiệt vẫn hừng hừng như lò lửa. Nàng lấy thuốc cho John uống, rồi chườm nước đá lên đầu chàng. John vẫn oằn oại vì đau đớn. Nàng nhìn đồng hồ: còn hơn một giờ nữa mới đến giờ chích thuốc. Nhưng không thể chịu nổi nữa, chàng nhìn Mary như van lơn. Nàng hiểu ý. Bất tuân lời dặn của bác sĩ nàng lấy morphine chích thêm cho chồng.

Mary ngồi bên giường nhìn chồng trong cơn mê, giấc ngủ vất vả nặng nề. Nàng biết đau đớn vẫn còn theo đuổi chồng trong giấc ngủ. Từng hồi, John lại ú ớ mê sảng, hai bàn tay nắm chặt, những bắp thịt ở hàm gồng lên, và mồ hôi trộm lại đổ ra đầm đìa. Mary thần kinh căng thẳng, chăm chú quan sát chồng, chia sẻ từng nhịp thở, từng nét nhăn của người chồng đang hấp hối. Nàng đau chung với chồng và tâm hồn nàng khắc khoải theo dõi từng thăng trầm của cơn bệnh. Nàng cảm thấy như cùng chồng trong một con thuyền nhỏ giữa bão tố, mà những cơn đau đớn dày vò của bệnh hoạn là những trận cuồng phong. Sự chia sẻ hoàn toàn và thắm thiết.

Gần sáng thì John bắt đầu ngủ yên. Mary cũng ngả người trên ghế bành giải lao. Bão tố đã qua rồi, cả nàng cùng John được phép nghỉ nơi giây lát. Họ đã vượt qua được những ngọn sóng cao nhất và có quyền chờ đợi một chút yên ổn, dù là tạm thời.

Nét mặt John thư thái, và hơi thở trở nên đều hòa. Bên ngoài trời gần sáng, màu hồng nhạt pha chút màu xám xuất hiện trên chân trời phía đông, ngang đỉnh máy ngọn cây. Trong phòng hoàn toàn yên lặng, chỉ có tiếng rù rì nho nhỏ của máy lọc dưỡng khí, và tiếng thở đều hoà của John. Nàng luồn tay dưới chăn tìm bàn tay chồng. John vẫn ngủ ngon, nhưng như phản xạ, chàng khẽ nắm tay vợ. Đã lâu lắm John không nắm tay nàng như vậy.

Nàng đã sống một đêm với chồng, một đêm dài và vô cùng thân mật. Nàng đã nghĩ đến John từng giây từng phút trong suốt mười tiếng đồng hồ qua. Tất cả hướng về John, để săn sóc, đế giải phóng cho chàng khỏi kìm kẹp của cơn đau. Nàng ngạc nhiên một cách sung sướng là nàng có thế vị tha như vậy, lấy vất vả lao lực của chính mình để mua được sự an nghỉ cho chồng. Mà nàng cũng sung sướng ngạc nhiên thấy mình có nhiều quyền hạn, nhiều bổn phận trên đời, và hành động của nàng tối quan trọng cho sự an vui của người khác. Nàng thấy tràn trề sinh lực, và nhận lãnh cái gánh nặng của nghĩa vợ chồng một cách kiêu hãnh và sung sướng.

John vẫn thiêm thiếp ngủ như để phục hồi lại sự mệt nhọc của những cơn ác mộng vừa qua. Nàng yên lặng ngắm chồng. Tấm thân bị bạo bệnh tàn phá đã gầy ốm một cách thảm hại dưới làn chăn mỏng. Nhưng khuôn mặt John hoàn toàn thư thái, thư thái như một bầu trời quang đãng sau phong ba. Mary biết John sắp chết. Cái thư thái này nàng chỉ thấy trên mặt những người sắp mãn phần, đã trả lại cho cuộc đời những dấu vết nhọc nhằn của thân thể. Nhưng Mary không thấy bi ai trong lòng. Dần dà tự bao giờ, nàng đã chấp nhận sự sống chết. Ở tuổi John, có chết cũng không thể gọi là yểu mệnh được…

Bất giác nàng nghĩ đến một bộ mặt thư thái của John gần bốn mươi năm về trước, buổi sáng sau đêm tân hôn. Hôm đó nàng dậy trước John, và chàng cũng ngủ ngon và an lành như bây giờ. Hồi đó, cuộc sống còn trẻ lắm, nhân thế chưa kịp để lại nhọc nhằn trên mặt chàng.

Rồi bất giác, nàng thấy sự giống nhau giữa đêm tân hôn với đêm hấp hối vừa qua. Chưa bao giờ nàng sống gần gũi với John như hai đêm đó. Liên hệ không thể nào còn mật thiết hơn nữa, bao gồm từ tâm hồn đến phủ tạng… Không còn chuyện gì ở ngoại giới đáng lưu ý nữa, nàng và John là trung tâm của vũ trụ, sống vì nhau, sống cho nhau, trong hạnh phúc cũng như thương đau…

Kỷ niệm đêm tân hôn làm Mary nhớ lại bài thơ về Jonathan với bộ áo ngủ của vợ mới cưới do mẹ chàng tự tay mang tặng. Và nàng cũng nhớ đến cái áo ngủ của chính mình hôm tân hôn cũng nhà may, như một cảm hứng từ bài thơ của chàng. Trong lòng dào dạt yêu đương, Mary nghẹn ngào muốn khóc. Và nàng nhớ lại những kỷ niệm thơ ấu bên miền Đông khi John và Mary lớn lên như hai trẻ hàng xóm, những hôm hai gia đình đi cắm trại, những nội cỏ đầy hoa, với bông cúc dại “Black Eyed Suzan”.

Cả những chuyện mà từ trước đến nay nàng muốn lẩn tránh cũng lần lượt hiện ra. Nàng nhớ đến lần John giải ngũ sau thế chiến thứ hai từ Miến Điện trở về. Tình yêu tạm thời gián đoạn vì chiến tranh, đến khi chắp nối lại còn đậm đà hơn xưa. Tuy nhiên, sự thay đổi của John làm nàng mơ hồ sợ hãi. Từ những miền xa vắng huyền bí của phương Đông, John đã mang về những nét mới lạ trong tâm hồn cũng như văn chương.

Tuy John thành công rực rỡ với những văn thơ ấy, nhưng cả tâm hòn lẫn văn nghiệp của John làm nàng lo sợ.

John tả những nội cỏ bao la ven những triền đồi chân núi Hy Mã Lạp Sơn sau một trận giao tranh, khi tiếng súng cuối cùng đã ngưng. Thiên nhiên như vô tình với cảnh binh đao xương máu của nhân loại. Trời vẫn xanh biếc với những cụm mây trắng. Chim sơn ca vẫn hót trong cánh đồng cỏ dại và gió hiu hiu thổi như mang cái mát từ những khối băng sơn gần xa. Hoa dại nở đầy đồng cho đến tận dính đồi. Có những bông a phiến dại, hoa bằng bàn tay, cánh hoa mảnh dẻ như lụa và mịn như da mặt trinh nữ. Hoa nở tưng bừng phô trương màu sắc. Có bông vàng lộng lẫy, có bỏng màu thiên thanh, có bông màu trắng… và có bông màu đỏ tươi như máu, lẫn lộn với những vết thương trẽn ngực trên lưng của những tử sĩ đang nằm la liệt trong cỏ dại.

John tả những ngôi đền hoang vắng trong rừng già Népal mà chàng tạm dừng chân một chiều hành quân, với những môn đệ của một đạo huyền bí ngày đêm tụng niệm chiêm ngưỡng về ý nghĩa của cuộc đời và sự đọa đày của chúng sinh. John kể lại việc hạnh ngộ một nhà sư khổ hạnh tại một ngôi chùa mà chàng lạc đến sau một trận đánh cam go. Vị sư già ngồi sẵn ở cổng chùa đợi chàng. Trước sự ngạc nhiên, người chỉ ôn tồn nhắc đến nối tiền duyên với chàng trong một nghiệp chướng trước.

John cũng tả cái dũng kỳ lạ của những người lính Nhật bại trận làm lễ Harakiri để tạ tội với Thiên hoàng. Những người Samourai của thế kỷ thứ hai mươi, ngồi nghiêm chỉnh hướng về Đông Kinh, tự phanh thây bằng kiếm bén trên mặt còn nụ cười mãn nguyện. John không lưu tâm nhiều đến sự trung thành của họ, nhưng chàng mê say tìm hiểu và cố gắng mô tả những nét tâm hồn xa lạ, những cảm quan vừa bén nhậy vừa tàn nhẫn đến phũ phàng, khi mà khoái lạc đã lẫn lộn cùng đau đớn tột độ của nghi lễ Harakiri.

John đã làm cho nàng sợ hãi. Một mặt, John vẫn là John của thuở nào, sẵn sàng hội nhập với đời sống trung lưu của một thị trấn nhỏ vùng Đông Mỹ. Một mặt khác, chàng đã thay đổi, mang thêm những nét huyền bí và xa vắng. Tâm hồn chàng như du lịch ở những tinh cầu khác mỗi khi chàng nhớ lại những kỷ niệm phục vụ tại chiến trường Á châu.

Vậy mà ảnh hưởng của những suy tư xa lạ ấy lại đem tới cho sáng tác của chàng một nét độc đáo, mới mẻ mà mọi người đang chờ đợi. Và ngược lại, thành công về sự nghiệp văn bút lại như khuyến khích chàng trở về những chân trời xa lạ đó.

Nàng thấy văn chương của chàng lạ và đẹp, nhưng là cái đẹp của một tình địch. Và trong tiềm thức, nàng đã nhất định tranh đấu. Cuộc đời đã giúp nàng rất nhiều trong sự tranh đấu này. Những nhu cầu vật chất hàng ngày, nhất là sau khi nàng sanh con đòi hỏi những cung ứng mà văn nghiệp chàng không hoặc chưa đem lại được. Lương nhà giáo không cho phép John, với vợ và một con, có thề thư thả tìm hứng đề viết văn. Thế rồi John kiếm thêm việc bán thời gian tại một ngân hàng. Dần dà chàng bỏ luôn dậy học và làm hẳn cho ngân hàng. Thông minh, John rất thành công trong nghề mới. Và sau những thăng tiến dồn dập, chàng đã đạt được những chức vị quan trọng có ảnh hưởng quốc gia hay quốc tế. Đời sống hoàn toàn thay đổi. Hai vợ chồng có dịp du lịch thăm viếng những thủ đô danh tiếng trên thế giới, hoặc nhân dịp công cán hoặc thuần túy giải trí. Cuộc đời dồn dập và John say mê đối phó với những thử thách của nghề nghiệp. Và chàng sao nhãng văn chương, thỉnh thoảng có cầm bút lại nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện xuất bản.

Nhưng Mary không hoàn toàn thắng trận. Nàng đã cướp được John từ văn bút thì lại mất John cho thế giới tiền tệ ngân hàng. Tuy nhiên sự mất mát này dễ chấp nhận, vì nó là thông lệ của xã hội xung quanh. Mary tìm được rất nhiều giải trí và an ủi từ những người vợ của các đồng nghiệp của chồng. Năm này qua năm khác, Mary sinh hoạt bình thường như vợ một người kinh doanh thành công. Công việc nhạt nhẽo, bận rộn phù phiếm, không bao giờ đòi hỏi cố gắng, hy sinh hay suy nghĩ. Tuy nhiên, nàng không nhận thấy cái trống trải của cuộc đời mình cho đến khi John về hưu và dọn về cái khu phố mà dân chúng phần đông còn con nhỏ học mẫu giáo hay tiểu học. Thỉnh thoảng, John nhớ lại những tham vọng dở dang về văn nghiệp, hay những kỷ niệm xa xôi hồi phục vụ tại Ấ Đông. Nhưng Mary bao giờ cũng lái câu chuyện về phía khác. Cái sợ ban đầu của nàng với vùng văn hóa xa lạ ấy vẫn còn tiềm tàng trong người. Mãi cho đến bây giờ, gặp lại John trong cái đau thương hấp hối của chứng bệnh nan y, Mary mới có dịp nhìn vào những góc cạnh đặc biệt của tâm hồn. Những hôm canh bệnh, Mary lấy những tác phẩm của John ngồi đọc. Nàng ngạc nhiên là không phải những ưu tư nào của John cũng huyền bí xa lạ. Mà ngay cả những ý niệm trước kia nàng coi là xa lạ một cách đe dọa, bây giờ bỗng trở nên ít nhiều quen thuộc. Mấy tháng gần đây, ngày ngày chia sẻ cái đau đớn của John trên giường bệnh, Mary thoáng thấy những nét mới trong chính tâm hồn nàng, những nét có chút gì phảng phất liên hệ với cái trừu tượng mà John mang về từ những chân trời xa lạ huyền bí…

Nàng thấy xót xa chồng một cách đặc biệt. John bao giờ cũng áy náy vì Mary đã không có dịp được phát triển hoàn toàn. Còn nàng đã quả quyết từ lâu dùng những mưu tính rất đàn bà tuy thụ động nhưng rất hiệu nghiệm để lái John xa rời những điều chàng mê thích. John cho là nàng đã hy sinh cái may mắn để trở thành đệ nhất đào nương Vũ Đoàn New York cho hạnh phục gia đình. Thật ra Mary nghi cái quyết định đó không hẳn là một hy sinh bồng bột mà dựa trên những tính toán kỹ càng. Nàng biết hy vọng vượt qua được bán kết rồi chung kết rất mỏng manh. Mà từ đó đến chỗ nổi tiếng lại là chuyện khác. Vả lại dự thi ở New York đòi hỏi cả tháng ăn ở ròng rã, một tốn kém mà cha mẹ nàng không kham nổi. Ngoài ra, lúc đó John đã sắp thành công, và nếu để John viết lách độ một năm nữa thì nàng sẽ hoàn toàn mất John cho sự nghiệp văn chương. Không, nàng không nghĩ là hy sinh.

Cái hy sinh của John mới thật là cao quý. Mary biết chàng viết với tất cả linh hồn. Tất nhiên khi đổi nghề, chàng đã thành công trong thương trường, nhưng cái thành công đó như kết quả phải có của một người thông minh mà chịu khó làm việc. Nó thành công như một hôn nhân sắp xếp, còn mối tình đầu của John bao giờ cũng là văn chương.

John vẫn ngủ yên, nét mặt thư thái thanh bình. Rồi trong mơ, chàng mỉm cười. Mary tò mò không biết John đã mê chuyện gì. Nàng muốn nghĩ John đang mơ tới chiếc áo ngủ mà anh chàng Jonathan nhờ mẹ may cho vị hôn thê, hay là con bé Suzan mắt đen, hay là vũ hài bằng đồng… Nàng muốn hôn John, nhưng lại sợ đánh thức chồng dậy. Không, John cứ việc nằm mơ nữa đi. Tâm hồn như nửa tỉnh nửa mê vì mệt mỏi và thiếu ngủ, Mary tưởng tượng như cùng John đang về thăm những sườn đồi ven chân núi Hy Mã Lạp Sơn la liệt những xác tử sĩ với những vết đạn trên ngực trên lưng nở hoa máu đỏ thắm lẫn lộn với những bông á phiện dại cùng màu. John cũng dẫn nàng về tìm lại nhà sư trong ngôi chùa hoang phế giữa rừng già Miến Điện. Karma, hay tiền duyên sẽ cho hai người tái ngộ một lần nữa… Và nàng còn theo John trở lại căn lều tư lệnh bỏ hoang của một chiến trận xưa cũ, để kính cẩn sửa soạn tang lễ cho người sĩ quan bại trận năm trước đã mổ bụng để tạ tội với Thiên hoàng.

Nàng không còn sợ cái xa lạ huyền bí trong tâm hồn John nữa. Đêm qua, nàng đã thấy một chân lý mới. Trong cái đớn đau, chết chóc, cuộc đời vẫn nở hoa. Tất cả những giác quan cùng cảm giác của con người chỉ khác nhau trong cường độ bình thường của đời sống hàng ngày. Nếu thật tình yêu nhau, thật tình chia sẻ với nhau như John với nàng trong đêm qua, lo âu hay an nhàn, sầu muộn hay hồ hởi, khoái lạc hay đớn đau, khi nâng đến tột đỉnhh sẽ không còn phân biệt nữa mà hòa lẫn trong một niềm thông cảm tuyệt vời. Linh hồn của cả John lẫn nàng như thoát xác tay cầm tay nhìn lại hai cuộc đời được gắn bó với nhau như keo sơn bằng tất cả rung động của cảm quan ở một trình độ tột cùng.

Mary thấy chóng mặt vì những ý nghĩ bất thường của mình. Thể xác rã rời thần kinh căng thẳng trong mười tiếng liên tiếp đã tạo những nhận định lệch lạc trong tâm hồn nàng. Nàng thấy mình nhẹ như một chiếc lá chơi vơi trong những trận gió trái ngược của linh hồn. Một mặt nàng rán trở về cái không gian ba chiều vững vàng an ninh của đời sống hàng ngày để ra khỏi cái xoáy nước tâm hồn kỳ lạ này. Nhưng một mặt khác nàng vẫn muốn buông thả, đế tận hưởng những cảm giác chưa bao giờ thấy, những viễn ảnh, hoàn toàn mới lạ trong đó có sự sống, sự chết, khoái lạc, đau đớn, Thượng đế và Thiên đường.

Lúc nãy nàng so sánh đêm qua với đêm tân hôn. Nhưng bây giờ nàng thấy sự việc rõ hơn. Không, đêm hôm qua đầy đủ hơn đêm tân hồn nhiều. Nghĩ cho cùng cái chia sẻ từ phủ tạng đến tâm hồn của đêm tân hôn đâu có thấm gì với những giờ phút vừa qua giữa John với nàng. Trong đêm tân hôn, cả John và nàng ngụp lặn trong đam mê và say đắm. Cả hai người cùng bận rộn nhận đón cái hạnh phúc ê hề của cuộc sống, chìm nổi trong mê ly mà không còn dịp sống với nhau bằng tâm tư. Đếm tân hôn, bên cạnh hạnh phúc trước mặt, nàng vẫn còn sợ hãi về tương lai. Bên cạnh cái con người đáng yêu mà nàng say mê vẫn còn tiềm ẩn một kẻ xa lạ với những ưu tư mang về từ chết chóc chiến tranh và huyền bí của những chân trời xa lạ.

Đêm qua John hoàn toàn của nàng, từ nguời doanh thương cả quyết và thành công cho đến nhà văn với những ưu tư, khúc mắc.

Thể xác rã rời vì mệt nhọc chồng chất từ mấy tuần nay, nhưng tinh thần nàng lâng lâng sảng khoái như đang lên đồng. Nàng thấy như có một hệ thống giác quan mới với khả năng siêu hình để đi sâu vào tâm hồn người yêu đang thiu thiu ngủ.

Chim chóc ngoài vườn đã thức giấc và tíu tít trên những ngọn cây. John cựa mình và thức giấc. Nàng biết John sẽ rất tỉnh táo sáng nay. Người sắp chết bao giờ cũng tỉnh táo, món quà cuối cùng của Thượng đế cho người sắp trở lại nước Chúa. Chàng mở mắt nhìn Mary và mỉm cười, nụ cười nhẹ nhàng. Mary nhìn chồng và hỏi:

“Anh vừa nằm mơ phải không?”

John nhìn nàng hiền từ, khẽ gật đầu:

“Anh nằm mơ tìm lại được đôi vũ hài của Mary. Anh thấy đôi giầy đồng xinh xắn nằm bên con đường xe lửa xuyên lục địa, bèn cạnh những mảnh thùng gỗ vỡ nát.”

Mary mỉm cười nhìn chồng và nói:

“Em còn biết anh còn nằm mơ thấy cái áo ngủ của mẹ cho em hôm cưới nữa.”

John yên lặng nhìn vợ, bàn tay chưa bị tê liệt của chàng vẫn còn nắm tay Mary.

Sau cùng John nói:

“Anh biết rồi, đêm qua tụi mình có những giấc mơ chung…”

Giây lát sau Mary hỏi John:

“Đói không, em dọn điểm tâm cho anh ăn.”

John lắc đầu từ chối, và Mary cũng không ép. Lát sau Mary lại hỏi chồng:

“Em chích thuốc Morphine cho anh nhé?”

John mỉm cười nhưng vẫn lắc đầu. Yên lặng một lát John lại nói:

“Anh hết đau từ đêm qua. Em đã gọi điện thoại cho Tom chưa?”

Mary gật đầu.

“Tội nghiệp thằng Tom, từ khi anh đau nó bay đi bay về tất cả bốn lần rồi. Anh có cho nó xem tất cả những giấy tờ quan trọng. Tất cả những công việc phải làm anh cũng đã cho em hay mấy tuần qua. Anh có viết một bản tóm tắt những dặn dò quan trọng để trong ngăn kéo bàn giấy cùng chỗ với bản chúc thư. Tom nó cũng có một bản sao tài liệu anh để trong ngăn kéo rất đầy đủ. Anh biết hôm nay anh sẽ đi…”

Mary lấy tay để lên môi John. Nàng không phủ nhận sự thật, nhưng cũng không muốn nghĩ đến sự chia tay. Lát sau, Mary lại hỏi chồng:

“Em lau mình cho anh nhé.”

“Hôm nay thư thả đã, lát nữa anh sẽ nhờ Jane việc đó. Một lần cuối cùng, Jane không phiền đâu…”

Mary nhìn John giây lát, rồi nói:

“John, chiều em chuyện này nhé, một lần cuối cùng thôi. Ở với em thêm vài giờ nữa đi. Jane sắp sang thay em trông nom anh. Em có việc quan trọng lắm phải ra phố. Đợi em về rồi hãy đi.”

John mỉm cười nhè nhẹ gật đầu. Lát sau chàng khẽ nói:

“Cho anh xấp giấy và cây bút chì, anh có chuyện muốn viết.”

Mary làm theo lời John. Lát sau, chàng thấy vô cùng mỏi mệt rồi ngủ thiếp đi, xấp giấy còn đề trên bụng với cây bút chì mới gọt. Có tiếng Jane gõ cửa.

Mary nhè nhẹ ra đón bạn. Rồi nàng trang điểm vội vã và lấy xe ra đi.

Đường phố còn vắng thỉnh thoảng mới có bóng xe qua lại, đèn pha còn để sáng. Mary lên xa lộ và lái ra phía ngoại ô về phía đông thành phố. Nàng tính nhẩm vừa đi vừa về chắc độ hai tiếng. Nàng biết thế nào cũng kịp. Ra khỏi thành phố chừng ba chục dặm thì trời đã sáng rõ. Xa xa nàng nhận ra con hương lộ quen thuộc dẫn tới mấy ngọn đồi của khu lâm viên tiểu bang với những cây sồi già mọc chen chúc dọc theo những thung lũng. Nàng đưa xe vào hành lang bên phải rồi ra khỏi xa lộ. Nàng nhìn đồng hò, mỉm cười tự như thế nào cũng về kịp…

VIII

Lúc Mary trở về thì Jane đang ở trong phòng với bệnh nhân. John đã thức nhưng nhắm mắt mệt mỏi. Jane đứng dậy nhường chỗ cho Mary ngồi. Nàng đỡ bó hoa tươi trong tay Mary và cắm vào bình bông ở đầu giường. John mắt vẫn nhắm, thều thào hỏi vợ:

“Tom chắc nó về không kịp.”

Mary tính nhẩm rồi trả lời:

“Em gọi nó lúc bẩy giờ tối hôm qua, bên đó vị chi là mười giờ. Nếu nó lấy kịp chuyến bay đêm thì chắc độ một hai giờ nữa sẽ tới đây.”

Yên lặng một lúc, John nói tiếp:

“Chắc anh đợi nó không được đâu. Anh thấy vô cùng mệt mỏi.”

Nói xong John ôm ngực ho rũ rượi. Cơn ho mệt nhọc kéo dài như bất tận, trong khi da mặt chàng trở nên tím bầm. Mary đỡ John ngồi dậy vuốt lưng chàng, và Jane vặn lớn ống dưỡng khí rồi đưa tay bắt mạch bệnh nhân. Sau cùng cơn ho ngừng. John mở mắt nhìn Mary và Jane. Rồi như ngạc nhiên chàng dụi mắt nhìn lại bình hoa, nụ cười nở trên môi:

“Black Eyed Suzan, Em kiếm ở đâu vậy?”

“Em lấy trộm ở lâm viên tiểu bang. Sáng nay Em chợt nhớ hoa này mọc dại ở đó nhiều lắm… Nhưng John nằm nghỉ đi.” Nàng đặt John xuống gối. Mắt chàng bắt đầu đục dần. Ngẩng lên, Mary thấy Jane vẫn bắt mạch John, nét mặt nghiêm trọng, khẽ lắc đầu. Rồi như phản xạ nghề nghiệp, Jane buông cổ tay John và nói bằng một giọng gẫy gọn và dõng dạc:

“Mary giúp tôi. Hô hấp nhân tạo.”

Trái với thường lệ, Mary không tuân theo lời Jane trong việc điều dưỡng. Nàng vẫn ôm đầu John vào lòng, và bình tĩnh nói: “Không cần thiết, Jane. Để cho John đi.”

Như chợt tỉnh, Jane khẽ nói:

“Mary nói đúng.”

Jane đứng tần ngần một vài giây đồng hồ rồi nói:

“Vĩnh biệt John.”

Rồi nàng lặng lẽ lui ra để Mary một mình với John trong phòng bệnh.

Jane ra nhà bếp lấy phone gọi cho bác sĩ Williamson để thu xếp thủ tục khai tử với đô thành. Rồi nàng gọi về nhà cho chồng dặn chồng liên lạc với nhà đòn để sửa soạn khâm liệm tử thi. Sau cùng Jane trở lại phòng bệnh. Mary vẫn ngồi ở đầu giường, để đầu John gối trên đùi nàng, nét mặt xa vắng. Jane tìm trong tủ thuốc, lấy một viên thuốc an thần rót một ly nước lạnh và đặt cả thuốc và nước bên bạn:

“Mary uống chút thuốc an thần. Tôi để đây cho Mary nhé.” Mary máy móc trả lời:

“Cám ơn.”

Jane lặng lẽ lui ra. Nàng pha một tách cà phê đậm, rồi ngồi xuống bàn bếp vừa uống vừa suy nghĩ. Nàng không ngờ John đi mau như vậy. Giá ở bệnh viện thì John không chết hôm nay. Cơn ho quá lâu đã cắt đứt sự tiếp tế dưỡng khí cho cơ thể, và làm quả tim sai nhịp rồi ngừng đập. Nếu ở bệnh viện, chỉ cần chích một mũi thuốc hay bấm một nút điện là nàng đã cứu được John. Ít nhất tạm thời kéo dài được đời sống của chàng thêm ít ngày hay ít tuần nữa. Nhưng để làm gì… Nàng hoàn toàn đồng ý với Mary.

Bên ngoài mặt trời đã lên cao. Mấy cây hướng dương John trồng dịp cuối xuân bây giờ đã nở hoa. Mấy bông hoa vàng nhị đỏ to như những đĩa tây nhởn nhơ dưới ánh nắng. Jane sực nhớ đến bài văn cuối cùng John vừa viết. Lúc thay Mary canh bệnh Jane thấy John hí hoáy viết trên một xấp giấy đặt trên đùi. Jane hỏi viết gì thì John trả lời là chàng vừa nằm mơ thấy sự tích hoa hướng dương. Tình tiết trong giấc mơ khá kỳ lạ nên chàng định ghi lại cho vui. Viết xong John đưa cho Jane và dặn lát nữa đưa cho Mary cùng đọc. Jane ngạc nhiên là không phải một bài thơ như thường lệ mà là một câu chuyên ngụ ngôn bằng văn xuôi về sự tích bông hoa mặt trời. Câu chuyện đại để ngày xưa có một người thờ phụng mặt trời, vì anh ta nghĩ vừng thái dương là nguồn gốc của tạo vật và cung cấp năng lượng cho mọi sự sống. Chính mặt trời đã hút nước từ đại dương thành băng tuyết trên trên đỉnh núi để rồi chảy xuống thành suối thành nguồn tưới mát ruộng đồng, tạo ra cây cỏ, và từ cây cỏ tạo ra muôn vật. Thảo mộc đơm hoa kết trái, nhựa cây tôi luyện thành bột thành đường, hươu nai chạy tung tăng trên nội cỏ, chim hót líu lo trong lùm cây, tất cả đều là năng lượng vay mượn của mặt trời. Nguồn gốc từ mặt trời còn in rõ trong hình hài và màu sắc của muôn hoa. Đài hoa nào cũng tròn như vừng thái dương, và cánh hoa là phản ảnh của những tia nắng, cả đến sắc hoa muôn màu chẳng qua cũng chỉ là vay mượn từ quang phổ của mặt trời. Rồi một hôm mê say đến cuồng dại, anh chàng ra sa mạc ngắm mặt trời, bông hoa tuyệt đỉnh của tạo vật. Anh đứng sững trên cát bỏng nhìn thẳng vào vừng thái dương, để được thấy cùng một lúc cái hình hài tổng hợp của tất cả hạ giới, để tận hưởng trong một cường độ tuyệt đỉnh tất cả những thanh sắc tuyệt vời của tạo vật. Trong khi đôi mắt thể xác bị đốt mù, anh ta vẫn thấy bằngđôi mắt của tâm khảm những núi tuyết hùng vĩ, những ruộng đồng xanh mượt, những hươu nai tung tăng chạy trong nội cỏ, với muôn hoa tròn trịa như mặt trời mà mỗi cánh hoa là một tia nắng, và mỗi màu hoa là một thành phần của quang phổ mặt trời. Và đến khi kiệt lực, anh ngã xuống cát bỏng của sa mạc, đôi mắt tan rữa, mà tâm hồn vẫn còn ào ạt xô bồ ghi nhận được trong cùng một lúc, tất cả vẻ đẹp mãnh liệt huy hoàng của tạo vật. Đau đớn cực kỳ của thể xác lẫn lộn với khoái lạc tuyệt vời của cảm quan… Mấy mùa hè sau, ở chỗ anh ta chết, cây hướng dương mọc lên.

Lần đầu tiên Jane thấy không thoải mái về văn bút của John. Nàng chưa bao giờ thấy John sáng tác như vậy. Nàng nghiêng đầu suy nghĩ, lắng nghe trong tâm hồn mà vẫn không tìm thấy chút gì gần gũi với bài văn cuối cùng của bạn. Có cái gì tàn bạo trong những lời trối trăn này, tàn bạo với chính mình, tàn bạo với cảm quan của người đọc, tàn bạo với những bạn thân của chàng. Bỗng Jane thấy thông cảm với Mary. Có lẽ đây là cái góc cạnh của John mà Mary đã sợ hãi trốn tránh trong những năm qua. Nhưng nàng lại thấy mình quá khắt khe với John khi nhớ tới những cơn đau mà John đã trải qua trong những ngày hấp hối. Rồi Jane cũng liên tưởng đến ba năm đầy bí mật mà John đã phục vụ trong chiến trường Miến Điện, những vị tu sĩ huyền bí ẩn náu trong rừng già với cái nhìn siêu hình, và nhất là những người võ sĩ đạo của một văn hóa xa lạ lấy kiếm bén mổ bụng tạ tội với Thiên hoàng của họ trong những ngày cuổi cùng của thế chiến thứ hai…

Có tiếng động ở đầu hành lang. Jane ngửng lên và thấy Mary đang tiến tới phía nàng. Mary mắt sưng đỏ nhưng không còn khóc nữa. Nàng lững thững bước tới cơn xúc động còn rõ rệt trên tấm hình hài mảnh khảnh. Jane định giấu bài văn của John đi, nhưng Mary đã nhìn thấy hai tờ giấy đầy bút tích của chồng. Máy móc Jane đưa bài văn cuối cùng của John cho bạn:

“Mary, John dặn đưa cho chị đọc.”

Mary cầm đọc qua một lần, vội vã như nuốt từng lời từng chữ. Jane quan sát Mary như chờ xem phản ứng của bạn. Nhưng Mary chỉ bình tĩnh ngồi xuống ghế và đọc lại một lần nữa. Rồi nhắm mắt và ngả người ra sau, nàng ấp mấy tờ giấy rời vào ngực mình.

IX

Mary thức giấc một mình trong căn nhà trống trải. Thế là John đã được chôn cất một tuần lễ rồi. Căn nhà hoàn toàn yên lặng. Không có cả tiếng máy lọc dưỡng khí rù rì nữa. Chỉ có tiếng thời gian lặng lẽ trôi qua theo nhịp tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc ở hành lang. Bên ngoài mặt trời đã lên cao. Bóng mấy cành bông giấy ngoài vườn chiếu vào bức màn cửa khẽ đu đưa với gió. Mary thấy hoàn toàn trơ trọi. Nàng nghĩ đến Tom, đứa con trai độc nhất của nàng với John. Nó đã trở lại New York ngày sau đám tang. Nó có mời Mary dọn sang với nó cho có mẹ có con. Nhưng nàng đã từ chối. Cuộc đời nàng hoàn toàn thuộc về John. Trong quá khứ cũng như hiện tại. Không bao giờ nàng sẽ rời căn nhà đầy kỷ niệm này. Nàng không cảm thấy bi ai tang tóc. John ra đi không phải như một người mệnh yểu. Và John đã thành công trong thời gian ở hạ giới này. Suốt mấy chục năm trời chung sống, John đã không để nàng túng thiếu, và chính nàng cũng chưa bao giờ phải nếm cảnh đói rách. Chỉ có những khắc khoải tinh thần, nhưng nàng tin là John và nàng đã giải tỏa được tất cả những u uẩn, ngăn cách có hồi đã tạm thời chia rẽ hai người. John từ giã cuộc đời trong tay nàng với chùm hoa Black eyed Suzan mới hái còn ướt sương mai. Và John đã sáng tác bài văn cuối cùng của chàng, để trả lại cho đời những khắc khoải cuối cùng của những năm gian khổ trong những vùng xa lạ.

Nàng chỉ thấy cô độc, ít nhất là trong một thời gian nữa cho đến ngày đến lượt nàng cũng về nước Chúa với John. Trong lúc này nàng cảm thấy cần bạn thân bên cạnh, một người bạn mà nàng có thể tin cậy…

Mary bỗng chau mày khó chịu khi nghĩ đến Jane. Nhiều chuyện xảy ra làm nàng thắc mắc về bạn. Ngay hôm sau đám tang của John, nàng đã được văn phòng nhà đòn cho biết là ngân phiếu nàng ký để trang trải đám tang đã không còn tiền bảo chứng. Quả là một chuyện bất ngờ, vì nàng đinh ninh là số tiền bán nhà hơn năm chục ngàn đồng chưa kịp chuyển sang quỹ tiết kiệm quá thừa thãi để cung ứng cho ngân phiếu nàng ký. Ngân hàng cho biết là khoảng hai tháng trước khi mất, John đã rút gần hết món tiền đó ra chỉ để lại một số lượng tối thiểu để tạm dùng trong tháng. Không ai biết John sử dụng món tiền thế nào. John tuy quen biết nhiều, nhưng thực ra chỉ giao thiệp thân thiết với Peter và Jane. Không nhẽ… Nhưng nếu không phải là Jane hay Peter thì còn ai vào đây nữa. Tom quả quyết là John không có nói đến món tiền này trong những lần bàn việc với con trai. Thật là bí mật. Jane biết Mary thỉnh thoảng có lưu tâm đến tình bạn giữa nàng và John nên cũng không tự nhiên từ hôm đám tang, và cũng ít qua chơi. Nhưng tại sao không cảm thấy không tự nhiên từ trước. Tại sao lại đợi đến bây giờ mới cảm thấy lúng túng. Mà nếu có liên hệ tiền nong, thì chắc gì khi còn sống lại không có những liên hệ khác…

Món tiền tuy lớn nhưng thật ra không ảnh hưởng tức thì đến đời sống vật chất của nàng. Hưu bổng, bảo hiểm sinh mạng, quỹ dự trù đủ thừa để bảo đảm một cuộc đời sung túc cho Mary, nhưng mà ai lấy món tiền này. Trời ơi, nàng cần tình bạn của Jane biết bao. Nghĩ đến những tuần những tháng vừa qua, Jane đối với nàng còn tốt hơn chị em ruột thịt. Làm sao có thể có lại người bạn như vậy. Còn Peter nữa, đã mấy năm nay đối đãi với nàng như người anh ruột… Hôm đầu tiên nàng dọn đến xóm này, cái bánh kem, cái lẵng picnic đầy đồ ăn với những chiếc khăn ca rô xanh trắng nhét bên hông…

Lạy Chúa, làm sao cho nàng một giải thích. Nàng không muốn báo cảnh sát, vì nếu John cho Jane món tiền ấy, thì nàng cũng không lấy lại được, trừ khi kiện tụng linh tinh…

Lạy Chúa cho nàng một lối ra trọn vẹn.

Tiếng chuông điện thoại reng làm gián đoạn những ý nghĩ trong đầu Mary. Ai gọi bây giờ nhỉ? Chắc thằng Tom. Cầm điện thoại Mary ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng Jane:

“Mary, Jane đây này. Tôi sang bây giờ được không? Về vụ mất tiền ở ngân hàng ấy mà.”

Mary yên lặng vài giây rồi lạnh lùng trả lời:

“Tất nhiên. Sang chơi đi. Tôi thức dậy rồi.”

Trong khi chờ đợi bạn, Mary suy nghĩ. Hay là Jane ân hận nên sắp qua thú nhận việc John cho nàng tiền.

Mary ra mở cửa cho bạn. Jane vào thẳng đề:

“Mary có nhớ là vào thời gian John lấy món tiền đó ra anh ấy không tỉnh phải không? Tôi vừa tính ra đêm qua. Ngày anh ấy lấy tiền ra chỉ trước hôm đi lạc ở phi trường độ ba bữa. Có thể John lấy món tiền đó ra trong một cơn mộng du mà không nhớ. Vấn đề bây giờ là anh ấy cho ai và để đâu. Ngoài thằng Tom ra thì không còn ai khác tụi mình. Mary có nhớ mấy hôm ấy anh ấy mặc bộ quần áo nào không?”

“Không Jane, nhưng rất dễ suy ra. Vì sau khi mất mấy chục kí, John chỉ dùng có hai bộ quần áo mới mua.”

Jane nhìn bạn:

“Chị chưa cho ai quần áo của anh ấy chứ.”

“Chưa. Nhưng một bộ thì mặc cho John hôm nhập quan. Hai người đàn bà vào tủ áo của John lục soát. Quả như tiên đoán, lục đến túi áo ngực phía trong thì Jane tìm thấy một phong thư chưa dán tem, ngoài bì có nét bút run rẩy của John gửi cho một người đàn bà. Jane lúng túng rồi đưa cho Mary. Mary sững người giây lâu rồi xé phong bì. Bên trong một tấm ngân phiếu năm mươi ngàn đồng cho Alyce Spencer kèm theo một lá thư nhỏ. Jane nhìn qua vai bạn, rồi buộc miệng hỏi:

“Alyce Spencer, nghe quen quen, ai vậy chị?”

Nước mắt lưng tròng, Mary nghẹn ngào không trả lời, đưa lá thư nhỏ cho Jane đọc.

Alyce cưng.

Anh vừa thu xếp lộ phí để Alyce lên New York dự thi. Anh chắc thể nào Alyce cũng thành công. Bao giờ thành đệ nhất đào nương thì trả lại anh. Chúc Alyce may mán.

Thân mến:

John R. Wright.

p.s. Tới New York điện thoại cho anh.

Đọc xong lá thư, Jane nhìn Mary rồi khẽ hỏi:

“Alyce là chị hả?”

Mary khẽ gật đầu.

Jane ranh mãnh nói:

“John yêu chị dữ hả? Mê sảng vì bệnh mà vẫn còn nhớ đến chị.”

Trước sự ngạc nhiên của Jane, Mary ôm bạn hôn. Nước mắt cùng son phấn nhoè nhoẹt dính sang má nàng. Mary thấy vừa hạnh phúc may mắn mà vừa hối hận. Chút nữa thì nàng mất John. Mà cũng chút nữa thì nàng mất luôn cả Jane. Nếu nàng đã không nhất quyết giữ John ở nhà trong những ngày tháng cuối thì bây giờ nàng sẽ ân hận đến đâu. Hai tháng trước khi chết, nàng đã trở thành người hoàn toàn xa lạ với John. Tất cả cuộc đời vợ chồng, John chỉ nhớ được đoạn đầu, những năm hạnh phúc với Alyce Spencer. Còn hơn bốn mươi năm chung sống về sau đã không để lại một kỷ niệm nhỏ nhoi trong tâm khảm chàng. Sự thất bại của nàng sẽ hoàn toàn và thảm hại, nếu trong những giờ phút chót John và nàng đã không tìm lại được nhau. Bây già nàng mới hiểu được cái cảm giác lâng lâng hồ hải sau cái đêm cuối cùng nàng sống vói John. Còn Jane nữa. Làm sao nàng có thể nghi cho bạn những chuyện như vậy.

Bất giác, Mary thấy như muốn đền đáp lại cho người bạn mà mình đã ngờ oan. Nàng nghĩ đến tặng Peter và Jane món tiền mới tìm thấy. Nhưng nàng lại đổi ý, vì biết chắc là Jane sẽ không nhận. Hai người không giàu có, nhưng cũng không có nhu cầu gì. Và họ rất tự trọng… Jane kéo Mary ra khỏi tủ quần áo:

“Đi rửa mặt đi bà. Cả tuần nay không chịu ra ngoài không tốt đâu. Thay đồ rồi hai chị em mình ra biển ăn trưa. Chắc John cũng muốn Alyce vui vẻ.”

Mary theo bạn ra phòng khách.

Jane đề nghị là ít bữa nữa, hai chị em sẽ sừu tầm những tác phẩm đã đăng cũng như chưa đăng của John đóng lại thành một tập lớn rồi xuất bản. Chắc John sẽ hài lòng lắm.

Mary lại thấy sự săn sóc của bạn gái đối vói John hơi quá đặc biệt. Nàng vẫn biết là giữa hai ngưài chưa có gì xúc phạm đến điều răn thứ sáu hay điều răn thứ chín, nhưng…

Rồi bất giác, Nàng lại ôm bạn hôn. Giây sau, Mary hai tay bưng mặt bạn bắt nhìn thẳng mặt mình. Nửa thân mến nửa đùa cợt, Mary hỏi:

“Jane ơi, mình không ghen đâu. Nhưng nói thật mình nghe đi. Có bao giờ bà yêu thầm ông John nhà tôi không?”…

Mai Kim Ngọc

Villa Park, June 1986

Bản điện tử của Văn Việt (theo bản in tạp chí Văn Học số 8 & 9, tháng 10/1986)

Comments are closed.