Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 70) – Nói chuyện cùng nhà văn Trần Thị NgH.

TranthiNgH200.jpg

Nhà văn Trần Thị NgH. Hình do chị cung cấp

Sau thời gian dài im lặng, hơn 10 năm gần đây chị trở lại với văn học, vẫn với phong cách viết rất đặc biệt của mình: sinh động, trào lộng nhưng vẫn chuyên chở những vấn đề xã hội. Minh Thùy có dịp phỏng vấn nhà văn Trần Thị NgH., mời quí vị theo dõi:

Minh Thùy: Chào chị Trần Thị NgH., cái tên này có vẻ khá bí hiểm với bạn đọc, vì sao chị có cái bút hiệu không giống ai như vậy, chị có thể cho biết tên thật không?

Trần Thị NgH.: Tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng. Thứ nhất, tôi chọn như vậy vì lấy từ chữ ký, ngắn gọn dễ chịu; thứ hai, cái tên hơi sến nên tôi không thích lắm; thứ ba do… hèn, lúc mới thập thò ở cửa viết lách, không dám xuất đầu lộ diện sợ bị má rầy.

Minh Thùy: Truyện ngắn đầu tiên của chị là truyện gì, khi mới bắt đầu viết chị có gặp khó khăn khi gửi truyện đến các tạp chí văn học không, vì chưa có tên tuổi trong giới văn nghệ?

Trần Thị NgH.: Truyện ngắn đầu tiên để chuyền tay nhau đọc được viết rất sớm, lúc còn học tiểu học. Để đăng báo ngày là những truyện viết trong thập niên 60. Đầu thập niên 70 mới gửi đến các tạp chí có vẻ cây đa cây đề, sừng sỏ trong giới văn nghệ như tờ Vấn Đề, Văn…

Truyện ngắn đầu tiên được gửi đến tạp chí Văn – lúc đó anh Trần Phong Giao làm tổng thư ký – không được chọn đăng; nhưng cũng truyện đó khi gửi sang tạp chí Vấn Đề của Mai Thảo thì được chọn. Bắt đầu như vậy không thấy có khó khăn gì, thấy rất vui. Truyện có tựa là Chủ Nhật, được viết năm 1968 nhưng mãi mấy năm sau mới dám gửi đăng.

Minh Thùy: Theo Minh Thùy được biết thì trước đây chị được xem là nhà văn ngổ ngáo nhất trong số các nhà văn nữ thì lý do tại sao, và tên gọi như vậy có đúng với phong cách viết văn của chị không?

Trần Thị NgH.: Ngổ ngáo là chữ của người khác đặt cho người viết, còn người viết trong người như thế nào cứ… xịt ra như thế ấy, chả biết có phải là ngổ ngáo không, nhưng mà không thích điệu, thích cắt tóc tém, đi nhanh, ăn mặc gọn; trong văn chương thì không thích uốn éo, không tráng men, chắc vì vậy nên được coi là ngổ ngáo.

Minh Thùy: Chị là người đã viết văn trước 1975, hiện nay cuộc sống của chị ra sao, chị có vẫn tiếp tục viết không và có gửi sáng tác đến các báo, tạp chí trong nước không?

Trần Thị NgH.: Tôi vẫn tiếp tục viết nhưng nghề chính không phải viết văn mà dạy học nên chỉ khi có thì giờ mới viết. Đã có thử gửi một truyện đến một tờ báo Việt Nam nhưng người ta thấy có nhiều vấn đề trong đó. Thí dụ truyện Người Thuận Tai Trái, vài người quen biết trong giới văn học đã đọc truyện đó cho là nó mang tính cách giai cấp và kỳ thị địa phương.

Truyện được viết rất hồn nhiên không có ý gì cả, nhưng có thể nó được diễn dịch theo một cách nhìn nào đó. Từ đó tôi không thử nữa. Năm 1997, một người bạn về Việt Nam thăm nhà – anh Phạm Việt Cường, làm biên tập trong báo Hợp Lưu cùng với anh Khánh Trường, do có sẵn vài truyện ngắn nên tôi để anh mang đi.

Thế là sau 22 năm truyện của tôi xuất hiện lại trên Hợp Lưu; từ đó thỉnh thoảng tôi gửi truyện ra ngoài. Hiện nay ở Việt Nam có một tạp chí rất đẹp về hình thức và phong phú về nội dung, Saigon City Life, song ngữ, với một số bài viết của vài anh chị khá quen thuộc như Trịnh Cung, Thận Nhiên, Mạch Nha… trong đó có Trần Thị NgH….

Tờ báo đó dung nạp bài của những người đã viết cũ, trước 1975. Tôi viết những bài rất là trên trời dưới đất, như trời mưa, Saigon Mưa, và dưới đất như Sài Gòn Hẻm – những truyện không thể diễn dịch ra cách nào khác ngoài …mưa và hẻm.

Minh Thùy: Trong số các nhà văn nữ của miền Nam trước 1975 hiện giờ còn sống trong nước như chị Nguyễn Thị Hoàng, chị Thụy Vũ thì không viết nữa, trừ có mình chị vẫn tiếp tục viết thì theo chị văn phong của chị hiện nay so với trước kia có khác gì không ?

Trần Thị NgH.: Tôi không chắc chị Thụy Vũ và Nguyễn Thị Hoàng không viết. Có thể các chị không đưa ra tác phẩm đến bạn đọc chứ tôi nghĩ các chị ấy không ngừng viết. Sau 75 chị Nguyễn Thị Hoàng xuất bản một quyển khá dày, khoảng hơn 500 trang, có tựa là Nhật Ký Im Lặng.

Chỉ chừng đó thôi đã đủ cho tôi nghĩ các chị vẫn viết. Riêng bản thân tôi không thể nào không viết, vì khi đã vận vào người trò chơi chữ nghĩa thì khó có thể ly dị với nó được. Tuy nhiên viết phải có người đọc cũng như hát phải có người nghe. Do đó thỉnh thoảng tôi lại gửi truyện đi, chẳng qua là để bạn bè đọc với nhau và được nhận báo biếu.

Minh Thùy: Sau này chị có xuất bản thêm tác phẩm nào không ?

Trần Thị NgH.: Năm 75 có tập truyện ngắn Những Ngày Rất Thong Thả do nhà xuất bản Trí Đăng in xong chưa kịp phát hành. Sau 75 thì mãi tới năm 1999 mới có tập truyện ngắn Trần Thị NgH. của nhà xuất bản Văn Nghệ ở California.

Năm 2000, do đề nghị của anh Nguyễn Tiến Văn ở Toronto, truyện dài Lạc Đạn và 10 truyện ngắn được xuất bản. Đại khái tạm gọi sự nghiệp văn chương chỉ có một nhúm vậy thôi.

Minh Thùy: Gần đây trong nước có cho phép tái bản một số tác phẩm của nhà văn miền nam trước năm 1975 như tác phẩm của Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu mà theo ý kiến của một nhà xuất bản nói là để khơi thông một dòng văn học âm thầm chảy.

Theo chị thì đây là dấu hiệu gì, có thể là dấu hiệu cho những nhà văn miền nam trước đây được tái bản những tác phẩm của mình không?

Trần Thị NgH.: Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy truyện của Dương Nghiễm Mậu xuất hiện – những quyển sách rất đẹp về hình thức. Một dấu hiệu đáng mừng riêng cho tác giả, nhưng sao tôi vẫn hơi lo ngại và thắc mắc vì truyện của anh DNM rất sâu, rất symbolic, có nhiều biểu tượng lấp ló phía sau những điều anh viết khiến người ta có thể diễn dịch nhiều cách. Truyện của anh được tái bản là một điều rất đáng ngạc nhiên.

Minh Thùy: Cũng như là trong dịp khen thưởng những nhà thơ và chọn lựa những bài thơ hay nhất thế kỷ thì nhà nước có đề cập đến một số nhà thơ miền nam như Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, như vậy theo chị thì có thể nào có chính sách nhìn lại dòng văn học của miền nam không?

Trần Thị NgH.: Chuyện này hơi sớm để nói vì năm trước anh Thanh Tâm Tuyền qua đời, tôi đọc báo trong nước không thấy một dòng nào nói về cái chết của một nhà thơ vốn rất được trân trọng trong giới thi ca cũng như trong văn xuôi, thành ra chỉ nhắc đến tên thôi, tôi thấy chưa đủ. Hình như tất cả hãy còn mơ màng, hãy còn sớm. Chưa có gì rõ rệt.

Dòng văn học hải ngoại có nhiều chuyện để nói. Riêng tôi rất trân trọng những anh chị đang tiếp tục hoặc mới bắt đầu viết sau 75 trong đó có những bạn cao niên lẫn những bạn trẻ trên dưới 30. Việc duy trì tờ báo Văn, Hợp Lưu, Đất Nước, Trăm Con… là điều hết sức đáng trân trọng.

Minh Thùy: Về văn học trong nước hiện nay theo nhận định của chị như thế nào, có những người viết mới và có luồng văn học mới không?

Trần Thị NgH.: Cũng có đấy, nhưng hình như chưa để lại dấu ấn nào sâu đậm. Chẳng hạn như Vệ Tuệ của Trung Quốc; bây giờ bà mới bắt đầu viết về sự sống buông thả hay tư tưởng tự do của phụ nữ và được đánh giá là đang mang lại luồng gió mới cho văn học Trung Quốc bấy lâu nay vốn rất kỷ cương.

Tôi cho cái mới như vậy chỉ là sự trở lại cái thời Françoise Sagan của Pháp ngày xưa. Cái mới của Trung quốc là Vệ Tuệ lại giống như cái mới cách đây 50 năm của Pháp. Quay lại cái mới của Việt Nam, hiện thời cũng có nhiều cây bút trẻ có tâm hồn, yêu chữ nghĩa, có năng khiếu, hoặc có lửa trong cách viết nhưng cũng chưa có gì đậm; giống như lửa phừng lên rồi leo lét.

Về bên thơ có nhóm nữ gần đây mới ra tác phẩm Dự Báo Phi Thời Tiết, trong đó có Phương Lan, Lynh Bacardi… rất có nét, rất cách mạng trong cách cố ý dùng những chữ không thanh, những từ tự đặt để nói lên cái mới của mình nhưng theo tôi cái mới đó na ná nhiều cái mới khác nên chưa đặc biệt mới.

Minh Thùy: Như người ta đang nói thì dòng văn học hải ngoại đang bị lão hóa và không có những tác phẩm gây ấn tượng, theo chị có gì sáng sủa cho dòng văn học hải ngoại không?

Trần Thị NgH.: Dòng văn học hải ngoại có nhiều chuyện để nói. Riêng tôi rất trân trọng những anh chị đang tiếp tục hoặc mới bắt đầu viết sau 75 trong đó có những bạn cao niên lẫn những bạn trẻ trên dưới 30. Việc duy trì tờ báo Văn, Hợp Lưu, Đất Nước, Trăm Con… là điều hết sức đáng trân trọng.

Vô hình chung mà các anh chị đó đã làm nên cái gọi là “luồng văn học hải ngoại”. Nhưng lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài không đọc tiếng Việt nữa và các anh chị dần dần cũng cao niên hơn, văn chương của họ vì thế cũng có tuổi theo.

Tuy nhiên, không có gì đáng bi quan vì đây là một dòng văn học mới lạ, do các anh chị được tiếp thu kiến thức văn học nước ngoài, có được không khí sáng tác tự do, có cuộc sống kinh tế ổn định, do vậy các sáng tác của họ có khí hậu riêng trong mỗi truyện.

Đây là một nét rất độc đáo, cho dù có lão hóa vẫn khác với những người viết trong nước. Đó là những cây bút cũ và mới, những cây bút đã và đang nuôi dưỡng chữ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Minh Thùy: Cám ơn chị đã trả lời buổi phỏng vấn hôm nay.

Minh Thùy thực hiện.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TalkWithWriterTranThiNgh_MThuy-20070812.html

Comments are closed.