Cùng lăn không tiếng về nơi ấy
Tăm cá không còn cả bóng chim
Mai Thảo
Trong bản đồ, Midway city nằm lọt thỏm giữa thành phố Westminster. Đó là một thị trấn nhỏ xíu. Mỗi lần từ phố chính về nhà, trên con đường Magnolia, kẹt xe hay không kẹt xe, Huyên vẫn thấy hoài tấm bảng nhỏ:
Midway city
Welcome
Population: 7000
Tấm bảng bất biến, thản nhiên, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ. Từ ngày gia đình Huyên dọn về đây, hơn một năm rồi còn gì. Huyên vẫn chờ đợi vô vọng một bàn tay sửa con số. Không lẽ các cụ già trường thọ bất tử, chẳng có trẻ con sinh ra trong cái thị trấn êm đềm này sao? Không có những kẻ bỏ đi hay tới đây tìm sinh lộ mới ? Hay tấm bảng nhỏ muốn trấn an rằng Midway đã được phép mầu trở thành vĩnh cữu, là thành phố của cô công chúa ngủ trong khối thủy tinh. Nghĩa là những chém giết, thanh toán, những thảm kịch đều rơi trợt ra ngoài.
Huyên còn có một thói quen vô lý khác là tìm những đường ranh giới giữa Midway với vùng lân cận. Có lẽ là một cách giới hạn điều vô lý về sự hiện hữu của khối thủy tinh đẹp đẽ này. Midway city lại vô cùng hội nhập với láng giềng. (Thêm một phương cách tự vệ hữu hiệu? Hoà nhi bất đồng?). Mỗi lần phải lái xe đi mua sắm gì, chỉ đến những siêu thị, những hàng quán như Kmart, Ole’s, Lucky, Alpha bêta, Ralphs… Huyên ra khỏi Midway tự lúc nào, bỗng nghe bất an vu vơ, vội vã tìm về tổ kén cũ mà tấm bảng nhỏ kia là dấu mốc chính, vừa lướt qua là bật lên tiếng thánh thót leng keng vui mừng trong đầu. Có đi lạc, loanh quanh vài khoảng đường sẽ lại thoát ra. Những con đường song song, những con đường thẳng góc, dễ như hơi thở, giản dị như nụ cười: Beach, Newland, Bolsa, Hazard, Brookhurst… Tất cả những món khác đều phức tạp, rắc rối… Chỉ còn những con đường, cứ thong thả mà đi đông, tây, nam, bắc; chẳng bao giờ có thể lạc tới tận Mexico hay Las Vegas. Những đứa em cam đoan như vậy, Nguyên an ủi: đường Mỹ hợp vô cùng cho những người dốt như em.
*
Dạo trước, nhà còn ở vùng Fullerton, khu đại học, gần các cư xá sinh viên, đường xá không ngớt xe cộ, người qua lại, cuối tuần càng ồn ào tiếng nhạc của hội họp nhảy nhót. Bây giờ, nơi đây, cũng các con đường song song và thẳng góc, nhỏ hơn, đôi khi bỗng thành đường hẻm cụt: Purdy, Madison, Hunter lane… như trong bàn cờ, nhưng đường im lìm, lặng lẽ. Những sân cỏ cắt sát, xanh mướt, những lối đi trơn tru, sạch sẽ. Buổi trưa nắng, bóng mát đổ từng vũng tròn nhỏ dưới những gốc cây phong ven lề. Lùi sâu vào trong, những ngôi nhà gỗ thấp cũng im lặng. Những trái cam, chanh nằm yên trên cành lá hay lăn lóc trên thảm cỏ, an toàn, sung sướng. Huyên nhớ miên man chùm mận non, những trái trứng cá đỏ mọng, những trái điệp đen dài, trốn rất kĩ, thách thức mà sợ hãi, đời chúng ngắn ngủi và đầy bất trắc vì bàn tay của chị em Huyên. Nhớ miên man, nhớ cồn cào, những trưa nắng trốn ra khỏi nhà đi hái trộm…
Ở đây, khoảng giữa trưa, trẻ con đi học về ngang nhà. Từng nhóm hai ba đứa, túi sách trên lưng, ríu rít như bầy chim con, nhẹ như gợn mây, thoáng một cái tan biến vào bên trong những ngôi nhà, đường nhỏ lại im lìm ngủ tiếp. Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thuỷ tinh Midway. Vì cái nắng gay gắt quen thuộc, những sân cỏ mời mọc không hàng rào chắn lối, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại, như cây kè cây cọ, như cây thốt nốt, chà là, như cây dừa, cây cau. Ngắm những khóm hồng vàng đỏ, hoa kiểng riêng tư hay ở một góc đường cho người qua lại. Ngắm những chiếc xe hơi há mõm, mất cánh, trong sân nhà người Mễ, nghe những tiếng cười dòn dã của những đàn bà da ngâm ngâm, mập mạp, tràn đầy nhựa sống như những nhân vật trong tranh Gauguin, Picasso. Trước nhà Huyên, bên kia đường, mỗi ngày người đàn ông Mỹ trắng đi làm về khoảng bốn giờ, cởi trần mặc quần đùi, đùa giỡn, vật lộn với hai đứa con nhỏ trên bãi cỏ.
Xa hơn nữa, một ông Mễ già, người thấp nhỏ, lưng hơi còng, áo sơ mi trắng rộng, quần sậm dài, thùng thình, đầu đội mũ rơm rộng vành. Trưa nào cũng vậy, thay vì nằm khoèo dựa gốc cây, nón trệch xuống che mặt ngủ, ông già lui cui nhổ những ngọn cỏ lạc lối hay cày xới bón phân cho những khóm hoa nhỏ dọc sân cỏ hay xúm xít dưới chân những cội cây to. Thỉnh thoảng Huyên lại thấy ông lật cả sân cỏ lên để trồng cỏ mới và vài ngày là ông đẩy xe cắt cỏ không động cơ. Buổi trưa vắng, con đường nhỏ cựa mình vì tiếng rèn rẹt đều đặn của đôi bánh xe nhỏ thiếu nhớt.
Đôi khi Huyên chậm bước, lén quan sát nét mặt bình thản của ông, tìm một nụ cười, một chút băn khoăn trên gương mặt đen nắng hằn rõ nét thời gian. Tuyệt nhiên không một biểu lộ nào. Tiếng “hi” trả lời của ông thô nhám, gầm gừ như một tiếng ho khàn. Đôi mắt lạnh nhìn xuống, môi mím, khép chặt như đôi bàn tay thô sần sùi, khô khốc nắm lấy càng chiếc xe cắt cỏ. Huyên không nhìn thấy gì. Không nỗi buồn lưu vong trong vành nón ngạo mạn, không cả cái chờ đợi bồi hồi trong động tác đều đặn, lập lại. Hay chỉ vì ông đã ngộ?
Cũng như khi đi ngang sân nhà nọ, lúc nào cũng đầy những xe hơi cũ, dầu nhớt vương vãi, bánh xe nằm lăn lóc, nắp xe mở lên, chỗ chân rỗng, đầu xương gối lên hai tấm gạch, xe nghiêng hẳn mình và hai người đàn ông chúi đầu vào dàn máy, loay loay, bận rộn chơi trò tháo ráp. Dường như xe trong nhà luôn bệnh hoạn. Dường như cứ phải lặp lại chuyện hàng ngày để thấy đời sống có mặt và nếu chợt ngộ, sẽ tiếp tục đời sống, không đặt câu hỏi vớ vẩn.
*
Chưa… ngộ nên Huyên kỳ vọng được chuyển trao kinh nghiệm, được học phương cách, vì nghe đâu mỗi trường hợp “ngộ” là một cách tới khác nhau, càng biết nhiều càng ít ngộ… nhận. Vì chưa ngộ nên khi hỏi thăm tin bác Bảy, ba của Ánh, lúc ấy bác còn trong trại cải tạo, Ánh bình tĩnh, dịu dàng, an nhiên, không một chút oán hờn, chua chát, còn Huyên thì xôn xao, gãy đỗ, hoang mang tới cực độ, nghe mình như có lỗi. Nhắc tới ngày xưa, ờ ngày xưa, Ánh mơ màng, ờ sắp sửa được vé máy bay đi Luân Đôn, học bổng của nhà nước Anh, thông hành, nghị định đã xong… Ừ, sắp làm lễ đính hôn, hai bên gia đình sắm sanh sửa soạn cho “hai trẻ”… Ừ, đùng một cái, ờ,… ầm một trận, ba mươi tháng tư bảy lăm áo tới. Ầm ầm một trận bão… hoà bình. Những ngày tháng sau đó, cả nhà cứ phải ngồi xem xét mớ giấy tờ của một dĩ vảng rất gần, không sửa được thì đốt biến đi, thế là rảnh nợ, vài dấu mốc tan thành tro, cuộc đời sẽ trắng trong, trơn tru! Ừ, tao ngồi soạn với ông già. Bà già đóng cửa trong ngoài, thằng em cầm quạt xua khói. Thỉnh thoảng, một tấm ảnh, một lá thư… níu kéo vài phút, mấy cái đầu chụm lại, hít hà, tiếc nuối. Tới tờ nghị định của bộ Giáo Dục màu vàng, tên Ánh nằm trịnh trọng, bên dưới là chữ ký tổng trưởng bộ giáo dục, thừa lệnh tổng thống, v.v. Ánh ngần ngừ. Ông già giành lấy đốt, bà già vò đầu Ánh nói để rồi má sẽ đền cho cái khác, như mỗi lần má xử Ánh phải nhường em món gì. Ông già nói mai mốt ba kiếm tổng trưởng với tổng thống bắt họ kí cho con gái ba tờ nghị định khác. Ánh cười:
– Thế mà cũng không tránh được sấm sét, “đôi trẻ” bây giờ đã bạc đầu, con cái hai ba đứa mỗi bên, mà vẫn chưa tái ngộ. Tao vượt biên với thằng Sơn em tao hồi năm bảy mươi tám, bà già ở lại, quyết chờ ông già tới cùng. Hy vọng Tết con mèo, ông già sẽ được rời trại tù cải tạo về nhà, để khỏi phụ lòng bà già.
Tiếng cười Ánh trong trẻo, lạc quan, đôi mắt to đen như hai hột nhãn rạng rỡ và tin tưởng ở hiện tại và những dự phóng tương lai. Ánh đã ngộ, nhưng Huyên nào học được kinh nghiệm của bạn, có lẽ vì Huyên không có những buổi tối ngồi soạn giấy tờ để tỉa nhánh cây quá khứ, không có mấy mươi ngày lênh đênh giữa sống chết, không có những giây phút tủi thân vì những cái nhìn thương hại. Huyên cứ vậy mà suy để cuối cùng thở dài nhận ra rằng vì sao phải sống ngàn kiếp luân hồi. Muốn thu ngắn, phải phá vỡ bầu thuỷ tinh, đi tìm thầy học đạo. Nhưng bầu thuỷ tinh quá kiên cố. Huyên lại còn muốn khám phá những con đường và những khuôn mặt, muốn thấy những khoảnh khắc bừng sáng của từng trường hợp từng gia đình trong bầu thủy tinh. Còn thèm ăn phở. Còn hấp tấp, mê thấy rừng, nhưng vừa gặp cây đã dừng chân ngắm nghía và toan cất chòi sống mãi dưới gốc cây. Được chỉ trăng, Huyên thấy trăng và lưu luyến ngón tay thay vì lo uống trà thưởng trăng, Huyên lo lắng vì ngón tay run rẩy, Huyên tham lam : này ngón tay ơi, sau trăng thì người chỉ tôi cái gì? Huyên tò mò: Người sẽ về đâu? Tôi sẽ về đâu…
Nguyên không hiểu, nên nói em ưa đốt giai đoạn. Thèm phở là đốt giai đoạn?
*
Nhớ phở, Huyên rủ Đức, rủ Ngọc ra phố Bolsa ăn phở. Ăn xong, quên phở Hiền Vương, quên bánh bèo bì Đa Kao của chị em cô chủ con nhà nho xưa thanh nhã, hiền lành, chưa quen nghề buôn bán.
Nhớ chợ Bến Thành, nhớ các sạp hàng vải, nhớ mùi thơm tơ lụa, Huyên ra khỏi Midway, ghé vào tiệm vải X. Phần vì hôm nọ chị Trâm nói:
– Mày ngu lắm, muốn biết thế nào là một cái mũi sửa, hãy ra tiệm vải X. Mới cắt chỉ.
Huyên đến giữa trưa, chủ nhân đặt dĩa bánh cuốn xuống, vừa vồn vã chào mời như thể Huyên là khách quen vừa vật ngã cây lụa to, cầm thước, huơi kéo lăm le như sắp cắt:
– Bồ mua thứ này nhe, hàng mới về, mốt (bolsa) năm nay đó, may vest đi, trắng như bồ, mặc màu này nổi lắm… tui lấy rẻ thôi… hay là thứ này, “xiu” thứ tốt, mặc mát… Hay là thứ này… bồ coi nè, vân nổi cùng màu với lụa… mua đi bồ. Mua hai áo tui tặng cho một quần… Hay là mua loại này, gởi về Việt Nam, bán lại được giá lắm nghe bồ, ở bển bây giờ xịn lắm, xài toàn hàng này, mốt đó…
Ôi chao ơi, miệng bận nhai mà còn dẻo quẹo! Huyên ngượng ngập vì bắt gặp quả tang mình đang nhìn chằm chằm vào cái mũi của người ta, lúng túng trả lời gượng gạo. Rồi hấp tấp mua vội vài món để chuồn gấp về nhà. Chị Trâm mở gói, hét tướng lên :
– Hai khúc vải ba yards, một đoạn hàng “tặng”… mà một trăm đô. Con này ngu thật. Mày có trả giá không? Ôi trời, tao quên dặn, hàng quán “người mình” ở đây y như bên Việt Nam, phải trả giá chứ… Thế nào, còn cái mũi?
– Cái mũi? Ừ, cái mũi ! à… à…
Huyên ấm ức, không biết phải giận ai.
– A, cái mũi sửa, thì cao cao, nhọn nhọn, còn hơi đo đỏ, coi cũng được sao chị bảo rằng sửa hư?
– Chỉ có từng đó mà trăm đô, chém ngọt thật…
– Sao? Chỉ có trăm đô? Bằng bên Việt Nam mình rồi! Không à? Chị muốn mói sửa mũi trăm đô trả góp mỗi tháng?
– Không thèm nói chuyện với mày nữa, ngốc ơi!
Thế là Huyên hậm hực quên đi chợ Bến Thành cùng những sạp vải. Nhưng vẫn phải có những thứ khác để nhớ nhà, hay để khỏi nhớ nhà vì má Huyên nói, ở đây như ở bên nhà, chỉ khác là không có công an và không có những nhắc nhở kêu gọi nhức óc. Chị Trâm giải thích “tuyên truyền”, Ngọc dịch “xã hội chủ nghĩa harassment” Đức cãi rằng đấy là những màn thôi miên tập thể “cùng tin tưởng ở xã hội chủ nghĩa bách chiến bách thắng”. Là gì đi nữa muốn lũ trẻ vào trường Huyên phải đưa chúng đến bác sĩ chích ngừa bệnh, phải cuốn chả giò đem vào lớp học thằng bé con, để mớ chả giò bên cạnh những taco với apple pie làm nên cái “melting pot” tuyệt vời. Phải vậy chứ. Nếu chỉ đi chợ Sáng Sáng hay chợ Cửu Long nếu chỉ đi mall Quê Ta mua xôi chè cho má hay xục xạo tìm băng cải lương cũ cho ba thì làm sao (không) thấy nhớ nhà?
*
Thứ bảy, chúa nhật Huyên đi chậm rãi qua những “garage sales”, ngắm nghía những quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ con, tranh ảnh, nồi niêu, máy móc lỉnh kỉnh không tên, bàn ủi, nữ trang giả, bàn ghế, dao kéo… trăm thứ bày ra hoặc trên bàn gỗ, trên ghế hay trên tấm vải nhựa trải trên sân cỏ với những tờ giấy nguệch ngoạc giá tiền hai đô la, ba mươi đô la, năm chục xu… Nhà khá giả hơn thì đồ đạc bày bán sang hơn, tốt hơn một chút… Người nào cũng vui vẻ dễ thương ung dung tự tại. Huyên thấy rõ mình đang ở một nơi khác. Muốn nhớ thì cho nhớ!
Như lúc ngắm xe đổ rác màu trắng, chậm chạp chạy ngang từng ngôi nhà, hai người công nhân Mễ nhảy xuống, bưng từng thùng rác nâu của mỗi nhà trút ngược những rác rến vào lòng xe, quẳng lại chiếc thùng rỗng. Nắp lăn một nơi thùng kềnh một nẻo. Má Huyên chép miệng. Bao giờ bên mình có những thùng rác, những xe rác như thế, hả?
Bao giờ ? Chẳng lẽ mình chỉ có thể làm nơi chứa rác Nhật, Tàu, Tân Gia Ba, rác quốc tế (kể cả rác nguyên tử – đắt tiền hơn rác thường nhiều đi chứ, lại chả có mùi chi!).
Như lúc ngắm chiếc xe bán kem dạo (“caution children”!) với tiếng nhạc êm tai mời gọi. Ông tài xế, cũng người Mễ, râu cá chốt, vui vẻ, hai con mắt nhìn thấy trẻ con rất nhanh.
Huyên nhớ chú Năm cà rem xóm ngày xưa với chiếc xe đạp cũ không thắng không vành, phía yên sau chú chở hai bình kem nằm trong hai vỏ mốp đen thui bị ràng, cột, chằng chịt với đủ thứ dây và vá chằng vá đụp bằng giấy nhôm, giấy nhựa cáu bẩn rất gớm ghiếc. Nhưng khi nắp bình mở ra, những cây kem đậu xanh, kem dừa, sầu riêng, xoài, đủ màu trắng ngà, vàng tươi, đỏ au, xanh biếc… tỏa hơi lạnh nghi ngút. Ngon thơm làm sao!
Ngọc trợn mắt:
– Bây giờ nếu về Sài Gòn, không dám ăn quà ngoài đường! Tụi mình ngày xưa có bao tử bằng sắt…
Chị Trâm triết lí rẻ tiền:
– Có thiếu mới thèm, mới muốn ăn. Còn nhớ mới muốn về. Quên hết rồi thì còn nói chi nữa? Để sống dễ dàng, trời cho ta cái sức “quên”, mạnh kinh khủng nghe, quên ở mọi nồng độ. Quên tiệt, quên sạch sành sanh. Quên tình. Quên hoài bão, ý chí phục thù, quên gian khổ đã qua, quên chất độc đã nếm, quên lời hứa…, đến máu cũng quên tạo những kháng thể. Với lại, nơi này thiên hạ lắp ráp, chế tạo đủ thứ mới mà như cũ, còn thiếu gì hòng nói chuyện trở về? Ăn với chẳng dám ăn, nhỏ này thiệt vô duyên.
Chị Trâm nói đúng? Vì lý trí sáng suốt hay kinh nghiệm bản thân cay đắng? Vì sao chị nói nơi này là quê hương, vì đồng bào đã tự tạo tất cả? Từ bệnh viện, văn phòng luật sư cho tới tiệm bánh mì thịt nguội, lò bánh cuốn thanh trì, tiệm vàng, v.v. Từ lúc lấy nhau, sinh con rồi về hưu, rồi có lẽ khi chết đi… Từ lúc mở cơ sở làm ăn cho tới khi đụng xe hay nhà bị cướp, đều có chuyên viên đồng bào đảm nhiệm các dịch vụ, có khi chẳng bao giờ phải mở miệng nói một câu tiếng Anh, cứ như ở cái nước Sài Gòn rồi còn gì phải ước mơ? Nhưng ai cũng hiểu chị nói lẫy. Làm sao mà quên được, chỉ có thể quên giả vờ, quên tạm, quên chi tiết…
Sáng thứ bảy, quả tình Huyên quên hết vì đường phố dường như nhộn nhịp hẳn lên. Người đàn ông đùa với con trên bãi cỏ, vợ ngồi phơi nắng bên cạnh, máy cassette phóng tiếng hát Kenny Rogers rồi Dolly Parton. Xe kem gọi trẻ con inh ỏi. Trong nhà, mọi người đông đủ, dự thảo chương trình.
Chuyện ăn uống. Má muốn nấu cà ri gà, Ngọc muốn ăn canh chua, ba nhớ mì chệt, Huyên hết ham vào bếp. Đức hô ai muốn đi ăn tiệm giơ tay lên. Trẻ con giơ tay, có đứa nằm lăn để giơ cả chân : Nhà mười mống mà đến hơn hai mươi hai bàn “tay” biểu quyết.
Chuyện giải trí. Ra biển nghịch cát (trẻ nít), đi phòng trà (những người đang yêu nhau), shopping (mới lãnh lương, vừa được tiền work study, tiền thuế trả về…). Huyên thích nhất giờ ngọ; người lớn sửa soạn chén dĩa cơm nước, trẻ con xếp mền gối, rượt đuổi nhau. Máy truyền hình chiếu lại chương trình Việt Nam, có tin tức thời sự, có văn nghệ ca hát, tuyển lựa hoa hậu. Trong nhà, ồn ào tiếng cười giỡn, phê bình, ngoài đường tiếng xe, tiếng chó sủa, tất cả làm thành một ngày Việt Nam. Ồn ào quen thuộc, hạnh phúc mà có vương chút bất an.
Buổi chiều chủ nhật nhà vắng, chỉ dần dần lại đông đủ khi mặt trời xuống đỏ rực ở phía sau hàng cây palm, trẻ con từ bãi biển về, đầu khét nắng và quạu quọ. Ngọc ở thương xá về, tay nặng trĩu những áo quần, mặt mày vừa hớn hở vừa nhăn nhó, mua được cái áo đẹp, mệt quá vì phải thử hết tất cả áo trong tiệm, hầu bao nhẹ hẫng…Chị Huyên thở dài bữa nay mập thêm nửa pao. Ba Má xem xong tuồng cải lương, ra vườn ngồi đọc báo. Đường ở bên ngoài cũng thở phào, yên nghỉ.
Huyền ghét nhất ngày thứ hai, nhà vắng. Bình thản vào ngày thứ ba, bắt đầu hy vọng ngày thứ tư, làm dự tính ngày thứ năm. Sẵn sàng ngày thứ sáu…và rồi quên mất ngày thứ bảy ra sao, chúa nhật như thế nào. Cuối tuần tròn đầy nhưng mang cánh thiên thần, vèo một cái, mất tăm. Lại bắt đầu chờ đợi, như chờ đợi một cái gì không có thật. Cho nên Huyên phải bước ra ngoài, lang thang bay bổng trên những con đường nhỏ, trên những ngôi nhà ngoan ngoãn, để giật mình trấn tĩnh, toan tính đuổi bắt, tái lập quân bình. Sống.
Sống đời sống thủy tinh dù đôi lần gợn sóng. Thứ sóng nhỏ như buổi sáng, sự vắng lặng của những con đường bị ngắt quãng bởi những tràng tiếng chó sủa lây dài từ nhà này sang nhà khác. Đó là lúc người đàn ông nhân viên nhà bưu điện ghé qua phát thư đến và lấy thư đi. Đó là lúc chú bé Mễ mập thù lù chạy chiếc xe đạp nhỏ, mang chiếc túi có hàng chữ The Register mang đầy nhóc báo trên ghi đông. Chú phóng xe thật nhanh trên lề đường, rút báo cũng thật nhanh, ném đúng vào sân những nhà (mua dài hạn?). Tiếng chó ngắn và nối tiếp từng tràng theo xe.
Rồi có lần, buổi trưa và những con đường bỗng bồn chồn ngóng trông, Huyên ra ngồi trên thảm cỏ dưới bóng mát của hàng cây khuynh diệp thơm ngát, vói tay vò những chiếc lá cứng, dài, thon, đuôi nhọn, những ngọn hoa tròn xinh xắn hình ống như cây chổi rửa bình sữa em bé. Huyên chờ Hiệp, thằng em bồ tèo thuở nhỏ. Từ San Francisco tới. Chờ sốt ruột. Huyên làm như nó vừa đặt điện thoại xuống, năm phút sau nó phải có mặt ở Midway.
Có đến hơn mười năm chưa gặp mặt lại. Nhớ cặp mắt hí và cái miệng rộng. Mà cười một cái có duyên không thể tả. Cái thằng cộc cằn lắm, má kể, ngày còn nhỏ chuyên môn đánh chị giành ăn. Nhưng Huyên chỉ nhớ những lúc lẽo đẽo theo em đi “giang hồ”. Phục lăn thằng nhỏ, làm luận bài nào cũng dưới điểm trung bình mà chơi trò chơi nào cũng “cừ khôi”, không thấy nó tập bao giờ mà ba vừa mua cho xe đạp, nó leo phóc lên chạy một hơi. Đứng trên cầu “lông rông”xuống nước, nó lội như rái. Còn Huyên lẻn chui vào hồ nước mưa không biết bao lần để dợt mà cho đến bây giờ, bước xuống sông, lọ mọ ra biển, lần xuống piscine, gặp nước nào, mặn ngọt hay nồng mùi javel, cũng chìm ắc ứ! Làm chị mà sao Huyên cứ phải năn nỉ để được em cho bám đuôi, đi xi nê, đi bắt cá. Dĩ nhiên khi Huyên không còn ưa trò chơi con nít, nó cũng đổi thay. Khi nó thuê truyện chưởng, Huyên cứ phải bắt đầu đọc quyển hai, nó đọc quyển một, rồi trao đổi, xong cu cậu mang đi trả và thuê hai quyển tiếp theo. Huyên lại phải đọc quyển bốn trước quyển ba. Cứ thế cho đến khi hết sạch những bộ truyện để nó chuyển sang trò chơi mới, Ngọc không biết chuyện này nên cứ nhạo Huyên hay lẫn lộn về thời điểm thứ tự găp gỡ của Đoàn Dự và những người tình. Chỉ về thời điểm thôi hãy còn may. Huyên còn không hiểu tại sao Chu Chỉ Nhược làm thế này, Nhạc Bất Quần làm thế kia… Chưa kịp hỏi thì nó lớn một cái vù, ưa diện đẹp, lái suzuki đi xin chữ kí các nữ ca sĩ và tài tử sân khấu. Huyên không thèm đòi theo nữa.
Ngồi chờ lâu Huyên đếm xe qua lại. Trong đám xe, người thưa thớt đó có cả bà cụ già người Mỹ đã bán nhà này cho ba má Huyên. Bà lái xe thật chậm, xoay mặt nhìn chăm chú căn nhà cho đến khi xe chạy thật xa. Căn nhà ba mươi năm vui buồn của bà. Theo má nhận xét thì môt tuần bà chạy ngang đến hai ba lần, cái mobilhome của bà mới có hơn một tuổi nên bà chưa có kỉ niệm. Huyên sẽ nhân dịp này năn nỉ má đừng chặt bỏ hàng cây khuynh diệp tuyệt vời này.
Hiệp tới thật bất ngờ, Huyên cuống quít mừng rỡ. Anh chàng chững chạc lắm, mập ra lại râu mép coi chẳng giống ai. Vợ Hiệp cãi giống ba Tầu chị ạ. Rồi kể chuyện anh chàng một hôm đi siêu thị, nghe một ông cụ nói nhỏ với vợ:
– Bà coi cái thằng chệt này để hàm râu coi phát ghét!
Cả nhà cùng phá ra cười, đòi Hiệp cạo phéng đi. Vợ tủm tỉm kể tiếp:
– Anh ấy lại gần ông cụ: dạ thưa bác, vậy mà vợ con lại khen con đẹp trai.
Khiến ông cụ giật mình xin lỗi rối rít…
Rồi thì dần dần Huyên thấy em vẫn như xưa hiền lành nhưng cương quyết, ít nói mà không điềm đạm, thích diễu nhưng diễu… dở. Vẫn dễ quạu nhưng tốt bụng và dễ quên. Hai đứa con nhỏ đứa giống bố, đứa giống mẹ, mẹ than” phá như giặc”.
Huyên tiếc đã không có nhiều thì giờ chuyện trò với em khi gia đình Hiệp giã từ lên đường, nhưng Huyên biết chắc chắn em mình không bao giờ quên những chùm mận non chia nhau thuở nọ, những buổi “on đằn” tập thể. Phải không Hiệp, nhớ không Hiệp?
Rồi những con đường nhỏ cũng trở về với đời sống thường ngày, thản nhiên an phận. Lâu lâu, chúng giật mình hốt hoảng vì còi hụ của xe cứu hoả hay xe cảnh sát. Xe cứu hoả, nhất là vào mùa hè. Xe cảnh sát, nhất là dạo có tên “serial killer” lưu động ban đêm. Một lần, trực thăng chiếu đèn sáng cả một góc trời, bên dưới, cảnh sát, chó cùng sục sạo làm náo động khu phố nhỏ. Má Huyên cuống quít: cửa nẻo khoá kĩ chưa, đếm xem đủ số con nít chưa? Bọn trẻ cứ chực đòi mở cửa ra xem. Sáng ra, Huyên thấy đường xá vẫn tĩnh lặng, thanh bình, không đợi chờ, hi vọng, những ngôi nhà nhỏ vẫn hiền lành, che chở.
*
Cho nên khi “tâm vọng động”, tim óc xôn xao thổn thức, Huyên lại bước ra ngoài, đi thật chậm, thật lâu trên những con đường nhỏ, nhìn những chiếc xe hư hay bóng loáng, nhìn người bố trẻ đùa với con trên cỏ, nghe những tiếng cười “vahinés”, lắng chờ tiếng nhạc xe kem dạo, đợi tiếng đẩy rèn rẹt của xe cắt cỏ, thấy vành nón rộng của cụ già người Mễ… để thấy rằng hạnh phúc, sung sướng rất cận kề, rất dễ dàng thực hiện. Phải nhìn, nhìn, phải nghe ngóng, hoà nhập vào những con đường, những căn nhà… Chắc chắn rằng chúng sẽ còn như vậy rất lâu. Trừ phi lúc đôi mảnh lục địa chuyển mình chồm lên nhau, nhưng khi đó… thì còn nói gì nữa!
1990