Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 87): Mai Ninh – Ô-liu hoàng thổ

Chẳng ngờ tôi trở về với vườn ô-liu cằn cỗi mau chóng thế. Những cành cây toả tím trong ráng chiều đỏ sậm chiếu mặt biển, tím như bao nhiêu cặp mắt chong đứng nhìn tôi thẫn thờ xách hành lý bước lên chiếc cầu gỗ ở bến. Bà tôi trong tấm áo đen từ thuở nọ giơ cả hai cánh tay ra đón. Tôi lách người tránh né trước vẻ ngạc nhiên lẫn đăm đắm xót thương của từng ấy bộ mặt già nua nhập choạng lên nhau, gấp từng làn sóng lăn tăn lấn vào bờ. Rồi ngần ấy cái miệng viền vành môi nhăn nhúm, đã teo mỏng theo thời gian cùng mở ra thốt kêu: – Ô, Man, con bé Man. Đứa bé gái tám chín tuổi nắm tay mẹ đứng ở đầu tàu, nước mắt ròng ròng, nức nở: – Man không muốn đi, Man ở lại đảo với bà. Bây giờ thực ra nó chẳng lớn hơn bao nhiêu, chỉ vừa ngoài hai mươi. Nhưng với hai tròng mắt dã khô, nó biết, lần trở về này không hề để chạy nhảy trong khu rừng rậm rì bọc núi hay vẫy vùng lặn tìm san hô trong lòng biển.

Đã một tuần lễ nay, bà tôi đứng bên này cửa sổ nhìn sang tôi bên kia, vùng đất mộ chôn luồn rám gió mặn. Nghĩa trang duy nhất của ngôi làng bé nhỏ nằm cạnh bờ biển với ba cây sồi chắc cũng già ngần ấy thời gian, kể từ ngày ông cố tổ xa lắc của tôi cập vào bờ rồi ở lại đây. Sáng nào tôi cũng vào nhìn từng phiến bia, người nằm trong này đa số mang tuổi đời nặng tựa đá. Tôi rũ xuống trên hai vai, chẳng có tấm bia của thằng con trai nào cùng tuổi Sam, cho tôi nhìn vào mà gào lên vạn lần câu hỏi: tại sao mới hai mươi lăm đã phải chết tức tưởi? Tôi từng âm thầm giận dữ trong nhà nguyện của thành phố vừa bỏ đi, sau đám tang Sam: – Thượng Đế, cuối cùng những lời phán của người chỉ là lừa phỉnh, nếu người công bằng sao ngang nhiên cướp đoạt sự sống một người như Sam? Ngay cả trước tượng Chúa lặng lẽ trong ngôi nhà thờ khiêm nhường khép bên núi đá nơi đây, tôi vẫn đầy phẫn nộ. Bà tôi thành khẩn kéo cháu mình vào đó để rồi đau xót nhìn nó nhắm nghiền mắt, nắm chặt lòng tay, từ chối mọi lời cầu nguyện. Có gì, có ai đền nổi cho tôi sự mất mát tột cùng này. Người ta vẫn chưa tìm ra chiếc xe nào đã hất tung Sam vào bờ đường một sớm mai lung linh nắng.

Đúng ra không mấy ai có thể bảo rằng mình biết trọn hòn đảo này, nó nhô giữa biển lênh thênh đơn độc. Chỉ một phần tư châu mặt vào đất liền có người ở, còn lại phiá nhìn ra đại dương là rặng núi đá không cao lắm nhưng viền chặt toàn mặt rừng bưng kín. Chiều luôn bất ngờ buông sập xuống đảo, dân làng rút vào nhà lẹ làng như thủy triều ào dâng lấp hết bãi cát lõm giữa ghềnh đá. Từ lúc ấy cho đến còi hụ con tàu đầu tiên trong ngày cập bến, tôi không làm gì khác hơn là lăn lộn giữa đám gối chăn trong căn phòng khép cửa. Áo ngủ vải mịn nhàu nát quấn cùng lọn tóc bời rối. Ba bữa đầu bà tôi còn leo lên gác, vào phòng dỗ dành tôi xuống nhà ăn những món bà biết tôi mê mẩn từ ngày bé. Không thành công, nên bữa sau bà đem cả khay thức ăn đến tận giường. Vẫn dúi mặt trong mớ vải lùng bùng tôi không trả lời, để bà thở dài quay xuống. Tôi cố tình không nghe tiếng chân bước một bước hai mệt nhọc. Tôi chẳng muốn nghe bất cứ một tiếng động nào, chỉ mong trời mau sáng để lại leo qua nghĩa trang. Lẩn quẩn giữa mấy hàng mộ hay trèo lên bờ tường, bước đi lần mò trên đá gạch nhiều năm đã vỡ. Chỉ ở nơi đó tôi cảm tưởng mình còn có thể trò chuyện với Sam. Nhưng những người dân trong làng, hầu hết là bạn bà tôi hay họ hàng sót lại sau vài thế hệ, chầm chậm đi ngang, run rẩy ngó tôi chênh vênh tưởng sắp mất thăng bằng và rơi sõng sượt trên cỏ dại. Rồi họ ái ngại lắc đầu ngửng lên chia sẻ ánh mắt lo âu của bà tôi từ cửa cao bên kia nhìn xuống. Ngoài một số đã lần lượt chọn chỗ nằm thiên thu trong nghĩa trang này, những bộ mặt tôi từng quen biết lúc ấu thơ vẫn còn mãi đây, gan lì với núi cùng biển. Đâu ai ngờ các lằn da xếp chùng đó càng làm gương mặt sáng láng dưới những sợi tóc mềm của Sam hiện ra nổi bật, cồn cào dưới lớp da bụng tôi phẳng lịm. Sam mới vừa đặt tay lên ve vuốt, hai hàm răng đậu trắng nghiến nhẹ đủ khiến tôi thót người đẩy Sam chuồi xuống sâu hơn. Sam cúi rúc, hơi thở đã dập dồn:

– Đồng ý, mình đi Phi Châu, vào rừng cho em tha hồ pha nhuộm màu cây nâu đỏ.

Tôi rướn người:

– Không phải đỏ với nâu thôi, vàng nữa, xanh nữa, màu đồng hung Sam ơi.

– Màu gì cũng được, rừng đang là em, Man ạ. Sam hổn hển cố nói.

Hết chiều rồi tới đêm. Nhà máy điện dưới chân ngọn thác cao ở bìa rừng dư sức phục vụ cho một dân số đông gấp mấy đảo này. Nhưng người nơi đây dường như quá quen và yêu bóng tối. Ánh sáng mặt trời trong ngày chừng đã thừa nhức chói bao đôi mắt lem hem. Họ cần sự dịu dàng của màn đêm, dăm bóng đèn vàng lu mu đủ soi rọi cõi sống, trên các con đường phủ lá khuya cùng những căn nhà thu gọn giữa cây cối và gạch đá. Tối nay tôi chịu khó bò dậy, xuống ngồi ở bàn ăn. Chiếc chụp đèn chao đi chao lại với ngọn gió từ ngoài khơi lách qua phần mộ rồi luồn vào căn phòng này ươm mùi hương kim ngân. Chống hai khuỷu tay lên bàn, trước đĩa xúp sệt màu sữa tôi cúi nhìn những hạt bột năng lênh lênh mòng mọng. Sợi tóc chấm sâu trong đĩa, tôi cặp hai ngón tay kéo nó dài ra, quệt quệt vẽ vẽ những đường ngoằn ngoèo trên mặt gỗ. Một bàn tay thuôn dài lốm đốm tàn nhang giơ ngang chặn đứng trò chơi ấy. Tôi ngửng phắt lên, bà tôi lặng thinh, ánh mắt dưới ngọn đèn nặng một chịu đựng. Lần đầu tiên kể từ khi trở về đây tôi biết những dòng lệ khô lại có thể lăn chảy. Trên tấm áo lụa đen, bà khoác khăn len màu ngà. Vòng tóc quấn nhẹ quanh khuôn mặt thuần hậu, khác hẳn con gái bà, mẹ tôi, mang đôi mắt sâu đăm trên gò má cao và đôi môi mím mỏng. Sam nhìn ảnh bà rồi nói: – Man giống bà lẫn mẹ. Tôi vùng vằng đòi ảnh lại: – Không, giống bà nhiều hơn. Mẹ tôi đã đứng nghiêm chỉnh lạnh lùng trước những bó hoa tiễn đưa Sam, bà lắc lắc tay tôi nhắc nhở: – Về thôi con, cũng may hai đứa mày chưa đám cưới. Tôi chẳng còn đủ sức để giựt tay lại, sau đó đã bước thẳng ra khỏi nghĩa trang, không đợi chân mẹ lúc thúc đằng sau.

Bà kéo khăn len chùm cao cổ cất tiếng dỗ dành:

– Ăn chút xúp sữa đi cháu, hồi xưa mày vẫn thích, sữa dê không ngấy đâu. Ngày mai mụ Mát sẽ làm bánh đào. Phải sang thu như bây giờ, đào núi mới thật thơm.

Tôi ngạc nhiên:

– Ai ở đây còn sức vào rừng hái đào? Ghi hả bà?

– Ôi Ghi, cái thằng con trai còn sót lại có bao giờ làm chuyện này! Nó chỉ loay hoay sửa mấy cái xe cho mọi người là đã hết ngày. Nó hỏi thăm cháu đấy.

Ngừng một chút, bà tiếp:

– Thì thỉnh thoảng mấy ông già họp nhau cùng đi, chỉ tới bìa rừng đã có trái. Ấy vậy mà năm trước, chó sói tru xa, có ông tưởng chúng sắp xông ra, ngất xỉu. Chao ơi, thú dữ càng ngày càng sinh sản, còn ai vào săn bắn đâu. May chúng chưa vô làng.

– Trong đất liền không ai ra giải quyết hở bà? Lơ là tôi hỏi cho có lệ.

Bà vội lắc đầu:

– Không, lâu lâu mới có bọn trẻ về thăm bố mẹ ông bà, mà bọn thành thị này có ở lâu đâu cũng chẳng dám vô rừng, chỉ ham xuống biển săn cá, tìm san hô.

Chiếc thìa khuấy nhẹ vài vòng, bà lại nói nhưng giọng rõ và ấm hơn:

– Cũng may, từ đầu năm có ông ta xuất hiện.

Tôi bỏ ngang muỗng xúp:

– Ông nào?

– Ồ, ông Hêm, ông ta xưng là Hêm. Cháu chưa gặp cũng phải, ông ấy ở mút trên kia, thỉnh thoảng mới xuống cửa hiệu mụ Mát.

Rồi bà đứng dậy khép cánh cửa, nhìn mông ra đêm tối:

– Người gì mà kỳ lạ, không biết từ đâu đến.

Chưa bao giờ tôi nghe giọng bà trầm như thế khi nói về một người đàn ông khác ông tôi, đã qua đời lúc bà chưa quá bốn mươi. Kể từ lúc ấy, bà cất kín những bộ quần áo màu sắc cùng nữ trang gương lược vào mấy chiếc rương. Chúng đã phủ nhiều lớp bụi trong căn gác chứa đồ cũ từ ngày tôi chưa rời đảo. Mỗi khi nhắc đến, mẹ tôi vẫn cố tình thả vài câu: – Người nào cũng như bà mày, ở lại đó là phải muôn đời sống với quá khứ. Cái gì cũng già cỗi, cũng buồn đến chảy thiu.

Nhưng lúc này tôi không muốn nghĩ tới lời nói dằn nặng ấy, mà chỉ ngạc nhiên trước giọng kể của bà tôi về người đàn ông lạ đó. Chẳng khác thường sao được khi không biết từ đâu đến, và tới đây giữa những con người chỉ còn quá khứ này để làm gì? Với hành lý là hai chiếc rương sắt, một chiếc có ngăn riêng đựng súng săn và giáo nhọn, vài tấm mộc bằng da dầy. Cái rương thứ nhì nhỏ xíu với ít quần áo, ngoài ra là những quyển vở học trò bọc bìa xanh. Ai cũng biết thế nhờ anh phu bến tàu khuân vác hành lý cho ông ta đã thầm thì rót vào những vành tai điếc đẫn tò mò.

Nghe đâu con cháu lão Phê đã cho ông ấy thuê căn nhà bỏ trống từ ngày lão qua đời với một giá rất hời. Người ở đây bàn tán, chẳng biết ông Hêm ăn uống ra sao, làm những gì, ngoài một điều là từ ngày ông đến đảo thì về đêm, nhất là những đêm gió động, tiếng súng săn nổ rõ mồn một từ rừng sâu bên kia dãy núi. Và ngoài một lần ông nổi giận tưng bừng giữa quán mụ Mát, như lời bà tôi thuật lại. Ông Hêm xuống quán tìm rượu, không chai nào mụ Mát đem ra hợp ý dù mụ đã cuống quít xuống dưới hầm nhà đem lên mấy chai cuối cùng của một mùa nho đã xưa. Buổi chiều là lúc những người đàn ông trên đảo tụ họp ngồi dưới tàn cây dẻ cao trước quán mụ Mát để uống vài giọt, nhìn bâng quơ và kể nhặt đôi câu. Làm sao họ chẳng giật thót người khi đột ngột ông Hêm hầm hầm bước từ quán ra vừa chỉ tay xuống bãi vườn khô không xa đấy lắm, giăng toàn cỏ hoang và sậy ở lưng đồi, vừa nói như hét:

– Hai mươi năm trước, dưới đó toàn là nho, bốn năm giống nho khác nhau trộn vào làm thành loại rượu mà chỉ cần nói đến tên là một vinh dự cho cái đảo mấy người đang ở, có biết không.

Rồi ông đùng đùng trèo lên chiếc xe 4×4, bỏ lại lớp bụi phủ xuống những khuôn mặt khô già ngờ ngẫn. Sau lần ấy, ít người gặp lại Hêm, nhưng tiếng súng săn đều đặn vọng về. Cũng lạ kỳ, không ai tỏ ý phiền trách lời lẽ cọc cằn trưởng thượng mà còn có vẻ an tâm với sự có mặt của ông ta. Như thể một người đàn ông đó đủ bảo vệ họ trước đe doạ của thú rừng. Bà tôi bảo các ông Phi, già Pát, bà Li… đã định bụng đem tặng Hêm rau đậu, bột mì. Nhưng anh phu bến tàu, người duy nhất giao dịch với Hêm cảnh cáo là điều đó vô ích, hình như ông ta chỉ ăn thịt thú và uống rượu. Sau lần chê rượu của mụ Mát, ông ta đã gọi gửi ra từ đất liền những thùng gỗ đầy vang đỏ. Anh phu xuýt xoa với những cái nhãn trên chai trang trọng, đẹp tuyệt vời.

Không hiểu sao tất cả những gì tôi nghe về ông Hêm từ đêm trăng mang hấp lực kỳ lạ. Đến nỗi đôi lúc lôi được tôi ra khỏi vũng sương bủa kín hình ảnh Sam. Thỉnh thoảng khi bước đi trên đá vỡ của bờ tường trong nghĩa trang tôi đã ngửng về phía núi, nhìn nóc nhà cao phủ đá xám của lão Phê. Nếu muốn nhìn thấy ông Hêm tôi phải leo lên đó. Leo hay không? hoặc là kiên nhẫn đợi một lần ông ta sẽ xuống làng. Cũng có lúc ông ta cần một thứ gì khác chứ, xăng dầu cho cái xe, cà-phê, xà phòng, dao cạo râu… hay một cú điện thoại cho ai đó. Tôi không tin rằng ngôi nhà hoang phế ấy còn một đường dây. Đêm thường nổi những cơn gió lạnh, tôi vẫn chui rúc trong chăn với hình bóng Sam ray rứt, nhưng cùng lúc cố tình mở hé cửa sổ, đợi chờ. Mỗi lần đoàng một tiếng dù rất mơ hồ tôi vẫn nghe như gần cận, và lạ lùng bà tôi dưới nhà cũng trở mình để thốt lên một âm thanh nhẹ ấm.

*

Cuối cùng tôi đã thấy Hêm, cùng với Ghi trên chiếc xe Golf đỏ của một du khách bỏ sửa. Trừ mùa đông biển động, những con tàu vẫn đều đều đưa vào đảo một số khách du lịch tò mò về phong cảnh lạ. Thường họ chỉ ghé qua rồi đi, ở lại một hai đêm là nhiều nhất vì ngoài mấy căn phòng trọ đơn sơ và quán ăn của vợ chồng già Pát thì chẳng còn gì để cung cấp những thứ tiện nghi của đất liền. Lâu lâu có người tưởng sẽ đi xa quanh đảo nên đem cả xe qua, thỉnh thoảng anh chàng Ghi có thêm công việc vá bánh xe nổ bởi đá nhọn trên đường vòng núi, chêm chế xăng dầu. Ghi đã gần hai mươi khi mẹ bắt tôi rời đảo, bây giờ vẫn nước da nâu ánh và chiếc răng khểnh duyên dáng. Ghi mồ côi sớm, chúng tôi gặp lại nhau trong buổi sáng tôi vừa bước vào đã thấy Ghi đang đưa chân đá gom những quả dẻ rụng đầy trên bia mộ bố mẹ anh ta. Ghi hát khẽ một điệu gì đó, hình như tôi có nghe hồi còn bé. Hai đứa nhìn nhau chăm chăm chẳng một câu, rồi sau đó lẳng lặng cùng ngồi trên một phiến mộ mòn nhẵn. Bấy giờ Ghi mới nói:

– Nghe bà bảo Man tính ở luôn lại đây.

Tôi không trả lời, chỉ giương mắt ngó. Hồi xưa Ghi thường đèo tôi sau xe đạp vòng những con đường lên xuống quanh làng và ra bến xem tàu. Anh cũng hay đem về cho tôi những nhánh san hô hồng như máu dù biết thứ này bán cho du khách sẽ được khối tiền. Tự nhiên nỗi ân hận dậy lên, mấy ngày trở lại đây tôi không hề rời căn nhà và cái nghĩa trang để đi thăm một ai, ngay cả Ghi. Chưa biết nói thế nào thì Ghi ném cao quả dẻ nâu đang cầm trong tay về phiá biển:

– Đừng. Khi nỗi đau đã qua, Man sẽ thấy không nơi nào buồn hơn đây.

Gió rì rào hoà điệu với lời anh và những làn sóng đều đặn nổi cao, lăn chạy rồi tan biến dưới xa kia là chứng cớ đơn điệu rõ ràng. Nhưng làm sao Ghi hiểu nổi tất cả ước mơ tôi đã thành bọt nước, không một hi vọng về sự tái sinh như sóng lại được tuần tự đẩy trồi lên. Phi Châu xa mút với cảnh thổ hoang dã mà Sam chiều ý cùng đi, cho tôi được thoả giấc mơ sờ tay nhào những nắm đất vàng thắm với đủ loại đá khoáng óng ánh nặn thành đủ tượng hình. Trộn bao vỏ cây lạ với vô số lá rừng hoang để chưng cất thành chất mầu làm bóng đẹp lụa là hay nhuộm rưng mái tóc. Nhưng tất cả dự tính sôi sục đó đã tung biến vào hư vô cùng với Sam buổi sớm ấy.

Có lẽ chán độc thoại, Ghi đứng lên rủ tôi đi trả chiếc xe Golf cho người khách. Ở khúc quẹo cao leo đồi chúng tôi đã thấy người đàn ông đang lững thững rẽ vào lối mòn. Chỉ cái dáng vóc chững chạc ấy tôi biết ngay là Hêm, không thể ai khác. Nghe tiếng xe, ông ta dừng ngoảnh lại. Mắt Ghi cũng xoáy vào Hêm, chân đạp thắng. Mái tóc thưa vuốt ngược ra sau cùng một màu sáng bạc với hàm râu quai nón và bộ ria mép tỉa đều, hai tay trong túi quần Hêm bước tới bên xe, tự nhiên:

– Hê, chào cô bé và chàng thanh niên.

Chưa để chúng tôi trả lời Hêm hỏi ngay một câu khiến tôi và Ghi giật mình:

– Chiếc xe đỏ bóng lộn hay chàng trai đã dụ được cô nhỏ ra khỏi vòng tay người chết?

Cũng bằng cách tiếp cận nghiễm nhiên thẳng thừng đó Hêm đã đậu xe ngoài nghĩa trang hôm sau khi chiều ngả, áo sơ-mi dầy thong dong bỏ ngoài quần, lanh cặp mắt tinh quái ném qua hàng rào:

– Chắc chắn là những chùm san hô vừa táp vào cồn cát bên kia hấp dẫn hơn mấy cành sồi già ở đây.

Bất ngờ nghe tiếng ông tôi trố mắt ngạc nhiên, rồi cuối cùng đã trèo lên xe Hêm băng qua nhiều góc biển, ghềnh đá lẫn những vườn ô-liu bắt đầu rụng lá. Qua bao nhiêu năm cảnh vật tưởng từng quen đến thuộc lòng bỗng rạng lên bao sắc nét mới lạ dưới ánh mặt trời chuyển đổi thật nhanh, trước khi biến mất. Gió dưới biển lút qua những rặng cây để bốc lên thổi bay sương núi. Núi lừng lững sau căn nhà lão Phê, vân thạch rực lên dưới nắng chiều. Tôi ngỡ ngàng ngó sững thứ màu hoàng thổ vạch lưng chừng mắt. Hêm dừng xe trong sân, con chó săn dữ tợn xích ở góc phải đón chủ, vùng lên cuống sủa. Bên trái là đống củi than dưới trục sắt quay dùng nướng thịt, còn âm ỉ toả khói. Cửa chính để mở toang, tôi lạ lùng thấy Hêm đi vào lẹ làng như lướt.

Chưa từng đến nhà này thời còn lão Phê nên tôi chẳng biết không gian mạnh bạo sậm màu của căn phòng khách với những tấm thảm dệt hình ảnh thú rừng cùng những đầu hươu hoẵng cong sừng gắn trên tường đang soi mói lẫn buồn rầu cúi nhìn tôi là thuộc về Hêm hay đã có từ trước. Không, đồ vật cảnh trí này chẳng thể xuất xứ từ lão Phê mà bà tôi vẫn cho là lệt bệt nhất làng. Nhưng anh phu bến tàu đã nói ngày ông ta lên đảo hành lý rất gọn. Chắc Hêm đã gọi gửi qua từ đất liền như những thùng rượu vang thiên hạ xì xào. Chiếc rương sắt đen bóng chiếm một góc phòng và cây giáo dựng bên tường vuốt một đầu sắc lịm. Tôi đến gần tấm mộc da máng trên cột gỗ sồi đầu cầu thang đưa lên lầu. Những mảng da thú căng láng nổi chi chít đường gân như mạch máu khô, nối với nhau bằng chùm lông hung đỏ như để đóng tuồng. Tôi quay lại hỏi:

– Chẳng lẽ mộc này dùng đi săn?

Hêm đang đứng quay lưng vào cửa sổ, đèn chưa thắp, nhưng tôi vẫn nhìn ra khuôn mặt bỗng nhiên bất động của ông trong ánh sáng là thấp cuối buổi chiều. Hình như sau đó ông nhếch miệng:

– Không thể săn bằng giáo ở rừng này. Rõ uổng.

– Tại sao không đánh cá ngoài biển mà hay vào rừng? Tôi nói với Hêm những lời trống không kỳ quái, ông ta đáp lại bằng cái giọng thẳng đuột khó hiểu:

– Săn cá làm gì! Có chăng tìm sư tử trên cát trắng.

Tối hôm ấy mẹ vẫn gọi ra từ thành phố ấy, như tôi một mực không cầm điện thoại mặc cái nhìn khẩn khoản của bà tôi. Những ngày đầu bà dỗ dành:

– Không về thì không về, ở lại thì ở lại, nhưng trả lời cho mẹ đi cháu, nói với nó một lời.

Dĩ nhiên bà hiểu, nếu tôi cất tiếng mẹ sẽ tuôn ra từng tràng về cái không quan trọng, chẳng đáng để bi thương của một mối tình tuổi trẻ, về sự ngu muội tột cùng nếu tôi ở lại nơi này với cái thế giới tàn tạ. Tôi không muốn hình dung lại những đêm khuya sau cửa sổ thấy mẹ xuống xe, chào những người đàn ông đưa đón bằng nụ cười duyên dáng nhưng vẫn khẩy nét gì khinh bạc. Chẳng nhớ từ bao giờ, hình như năm tôi sáu tuổi lúc bố hoàn toàn bặt tin, mẹ bắt đầu dạy tôi phải nhìn những người đàn ông bằng ánh mắt tự trên cao. Mỗi lần như thế tôi lại nhớ khuôn mặt bà tôi nghiêng đắm trên tấm ảnh của ông để đầu giường. Nhưng hình ảnh níu giữ đằm thắm này ngày một mờ đi như trôi theo sóng biển.

Không hẳn vì bà tôi tỏ ý lo ngại khi cháu mình đã đến nhà Hêm – dù bà chăm chú nghe với tất cả thích thú lời tôi thuật lại cuộc gặp gỡ – cũng không phải sau lần ấy người đàn ông đó đã mất sức hấp dẫn hay không còn là một điều bí ẩn đối với đứa con gái hai mươi. Nhưng khi trở về, với đêm tối cùng cảm giác bàn tay Sam vẫn luồn trong chăn gối thì tôi lại thấy nháy mắt tinh lanh, giễu cợt của ông ta nhấp nhánh trong bóng cây ngoài cửa sổ. Chính ánh mắt thấp thoáng màu thú ấy khiến bỗng dưng da thịt tôi chạm vào Sam tê man, rồi trở thành cứng lạnh. Sam mải mê, loay hoay trong khi tôi vểnh tai như đang rình ngóng con mồi. Rồi thót giật bắn người cùng tiếng súng nổ, đẩy Sam rơi xuống. Chàng níu lấy vai tôi nhưng chỉ tích tắc đã vụt chìm hay biến lẩn trong bóng đêm, rớt lại tiếng thở dài. Nên vừa sáng ngày, vùng chạy ngay sang khu phần mộ, tôi kết tội mình và dằn vặt gọi tên Sam. Những lần sau tôi đã lặng thinh cúi xuống đám rêu xanh mọc ẩm dưới lớp lá vàng dầy trên lối đi, mặc cho Hêm dừng xe gọi bên kia bờ rào. Lạ một điều ông ta chẳng bao giờ bước chân vào hẳn trong nghĩa trang như thể có một biên giới vô hình ngăn chia, chặn lối. Càng lạ hơn khi đứa con gái không mấy nhút nhát vốn sẵn chút kiêu ngạo lại giữ được im lặng trước lời lẽ lắm lúc khiêu khích, châm chọc của người đàn ông ấy. Cuối cùng Hêm rồ xe đi dưới đôi mắt bà tôi chong bên kia khuôn cửa.

*

Lần đầu tiên tôi ngồi lại trên thềm giữa bóng nắng trưa soi qua giàn hồng leo đã trụi lá. Bà đứng sau lưng chầm chậm chải gỡ những sợi tóc mà tôi chỉ tự cời bằng mấy ngón tay độ sau này. Tôi muốn nắm lấy bàn tay dài thời gian ấy ấp vào má, tôi sắp quay lại để cặp mắt ươm tro bụi kia nhìn thấy nỗi đau và thương cảm của mình. Vừa lúc đó, cánh cổng sắt kêu nhỏ, bà Li lò dò đi vào với chùm cúc trắng. Li và bà tôi là hai khuôn mặt biểu tượng vẻ đẹp tươi sáng và tín cẩn trong hồn tôi, và chắc chắn cho tất cả những người nhìn thấy họ năm xưa. Giờ đây tuy đuôi mắt và vầng trán nhiều nếp tẻ dài vẫn nụ cười chúm chím nét thơ ngây, gò má Li còn thoáng hồng màu mận chín. Chỉ có những sợi tóc khô xám, dựng đứng ót sau và vắt bừa xuống bên tai. Li mừng rỡ thấy tôi ngoan ngoãn ngồi đây thay vì dang tay lần dò trên bức tường long đá như thường lệ. Đặt bó hoa trong lòng tôi, Li cúi hôn âu yếm lên trán. Đứng vụt dậy kéo Li ngồi xuống ghế thay mình, tôi hỏi bà tôi về cái kéo cắt tóc cùng gương lược. Bà hướng mắt lên căn gác xép dưới nóc nhà.

Căn gác năm sáu tuổi tôi leo lên cùng con búp bê tóc vàng óng ả, ru nó ngủ trong chiếc nôi mây từng buổi trưa hè thoáng gió biển len qua mái ngói, đập rập rình cánh cửa gỗ cong. Chiếc rương của ông Hêm bóng bẩy đường bệ bao nhiêu thì những cái của bà tôi khiêm nhường nằm trên nhau, lặng im từng lớp bụi. Hẳn lâu rồi bà chẳng còn đủ sức bắc cái thang gỗ leo lên dù chỉ để chạm tay vào kỷ niệm. Chung quanh tường đầy giá kệ ông tôi đã đóng, đựng rất nhiều vật dụng lẫn sách báo đủ loại. Tủ kính nơi phòng khách dưới nhà toàn bày những cuốn đóng bìa da từng bộ cũ xưa và dĩ nhiên bà bảo là rất quý. Tôi tìm kéo cùng kẹp tóc của bà năm nào để thu vén mái tóc cho Li, loay hoay lật cái này lôi vật nọ, nhiều thứ theo đà rơi xuống sàn gỗ. Có cả những cuốn truyện Grimm cổ tích, tôi nằm cuộn tròn quấn cánh tay bố, thiêm thiếp trong khu vườn thần tiên với giọng bố đọc rì rào tiếng biển. Chẳng ngờ tập báo đó rơi xuống chân mở tung trên một hình ảnh rõ như sự thật. Tôi nhìn vào chăm chăm bàng hoàng, rồi cố giữ nhịp tim chạy bung xuống cầu thang tung ra đường, mặc Li vẫn hân hoan ngồi thẳng người ở ghế chờ tôi làm đẹp và bà cất tiếng gọi theo sửng sốt.

Ghi đang lúi húi dưới gầm xe, tôi hổn hển hỏi Ghi cho mượn ngay tức khắc một chiếc nào. Anh vội chùn người ra, nằm ngửa nhìn lên ngạc nhiên, lắc đầu. Xe của anh thì già Pát đã lấy đi chở hàng vào bến. Thất vọng tôi bước ra, chợt thấy cạnh gốc ngô đồng chiếc xe gắn máy xộc xệch anh vẫn dùng chạy rong thăm viếng dân làng, thỉnh thoảng chuyển đưa gói thuốc, cuộn phim hài hay phần bánh mà mụ Mát chia cho ông Đôn đang ốm dở, cài sau yên xe. Vội vàng tôi nhảy lên đạp máy nhưng vụng về hai ba lần không nổ. Ghi đến gần chẳng một lời, cúi xuống nhặt đưa tờ báo tôi đã đánh rơi rồi ra hiệu để anh đạp hộ. Tôi phóng xe lên đồi, gió tốc buốt chiếc pull mỏng thùng thình. Tóc quất từng vạt, đầu tôi tê điếng. Nhiều lần tờ báo kẹp cứng giữa cần xe chực vuột bay qua vực đá cheo leo trên những đầu ngọn sóng.

Khi tôi lên đến nơi Hêm đang ngồi thềm cửa, khẩu súng săn dựa bên và nùi giẻ vất dưới chân, tay đang xoay vòng rượu đậm trong ly thuỷ tinh. Vẫn trên yên xe, tôi hoang mang nhìn đăm đăm vào khuôn mặt ông, nắng sáng trên hàm râu quai nón và làn da rạm dầy. Nhưng bỗng dưng bộ mặt ấy nhoà đi như vừa bị xoá trắng bởi những vệt sơn quẹt vội, thế rồi nó lại bất ngờ hiện ra cùng tiếng gọi thản nhiên:

– Chào cô bé, lại đây ngồi chơi.

Gấp rút là thế nhưng bây giờ co chân bên cạnh Hêm trên bực đá này tôi chưa nói được câu nào, tờ tạp chí kẹp giữa hai đầu gối, trước tôi ne né, sau lại nhìn ông trâng trâng. Hêm biết nhưng lặng thinh để tôi trơ tráo, hẳn xem như một trò đùa, mãi sau bâng quơ:

– Khi người ta đắp xong nấm mộ, họ nghĩ rằng chẳng bao giờ gặp người chết nữa.

Tôi rùng mình gai người nhưng cố hỏi giật giọng:

– Ông từ đâu tới?

– Từ sâu trong Thung lũng Mặt trời. Hêm điềm nhiên trả lời, hướng mắt thật xa về phía vầng sáng tròn to đang sửa soạn lặn dần vào biển. Ông chợt quay lại lặng lẽ nhìn tôi rồi chậm rãi:

– Cái xứ đó hùng vĩ nhưng không hoang dại quyến rũ bằng Châu Phi mà cô muốn đến. Sao không đi đi, ở lại đây chẳng ích gì cho ai, cả người chết của cô và đám ông già bà lão.

Người chết của cô, Sam của tôi! Cơn giận nghẹn ngực và sự lạ lùng chen sợ hãi khiến hồi lâu sau tôi mới nói được:

– Ai chết! Còn những người già ấy, họ thương tôi.

– Ừ, họ thương nhưng họ làm được gì! Giả thử anh chàng của cô bị một du khách chạy xe ngang đây đụng chết rồi bỏ đi như vậy thì sao? À, hằng ngày họ sẽ sắp hàng ngồi trên băng đá ở lối vào làng để kiến nghiệm từng chiếc xe vụt qua mà không thể nhận ra cái nào là thủ phạm.

Tức thì hiện ra trước mắt tôi những bộ mặt nhăn nhúm, những con mắt lờ đờ ngoái từ trái sang phải theo chiều xe rồi loà dần loà dần. Tôi không còn đủ sức để ngạc nhiên về một điều gì nữa trước người đàn ông này mà khuôn mặt bây giờ đã trở thành một mảng trắng chờn vờn, tiếng nói lúc rành mạch lúc rền rền như chuông vọng cõi xa. Tuy thế tôi cố cãi rằng bọn người thành phố càng tệ mạt hơn, dửng dưng và không hiệu lực gì trong việc tra tìm chiếc xe giết người, húc Sam hôm ấy. Hêm chặn lại bằng một câu rất gọn:

– Chính mình còn bỏ trốn ra đây thì ai hơi đâu bận tâm. Đâu cũng thế, điều cần thiết là phải biết có mặt đúng chỗ.

Sau đó dường như ông ta còn muốn tôi phải nghe nhiều thứ nữa, những mũi dao xoáy trong mảng óc nhờn liệt của tôi. Hết chịu đựng nổi, tôi đứng dậy bước vào nhà. Vẫn những đầu hươu và lợn rừng chăm bẳm nhưng không gian lần này khác hẳn trước, ảo ảo hư hư. Ngay cả mấy cuốn vở kẻ dòng bìa xanh bây giờ tôi đã biết là gì của ông ta. Nhưng khi lật ra, thật chẳng ngờ chúng hoàn toàn trinh nguyên, không nét chữ. Hêm đứng sau lưng từ bao giờ tựa đợi chờ câu hỏi. Thấy tôi chỉ nhìn vào những trang giấy mà không nói, nên cuối cùng ông tự trả lời:

– Bắt đầu từ dạo đó, được thênh thang một mình vứt bỏ mọi ràng buộc, gia đình, bạn bè, danh vọng, thế sự, chiến tranh, ngay cả những đống sách vở mà mình cho rằng không có chúng thì con người chỉ là thứ bọt nước rong rêu tầm thường. Chẳng muốn đọc gì nữa nhưng nghĩ rằng thỉnh thoảng nên ghi chép vài điều lý thú.

– Nhưng… những quyển vở này chưa có chữ nào. Tôi ngắt lời.

– À, ờ…tôi sẽ khởi đầu, mà cũng có thể không bao giờ. Biết đâu.

Lúc này thì tôi đã bớt lao đao và hoang mang. Đôi mắt tinh nhanh và vành miệng sóng mũi Hêm dần dần hiện ra rõ nét hơn. Chỉ những lằn nhăn vầng trán là còn lẫn lộn trong vệt sơn nhoà nhoà hư thực. Chúng tôi trở ra ngồi lại thềm đá cửa, buổi chiều đã thực sự rơi xuống sau rặng cây đen biên giới bìa rừng. Hêm kể về hành trình khởi đi từ Thung Lũng Mặt Trời, sang Havane, vòng qua Paris, xuống Madrid, quay lại Kenya nhưng ông không ghé thăm trò chuyện với bất cứ quen biết nào xưa cũ. Khi ông nói đến Phi Châu hồn tôi lại sục bùng những mơ ước náo nức tưởng phải vùi chôn. Tôi hỏi ông tất cả về nơi ấy và cuối cùng, khi bóng tối đã choàng khắp khu đồi, chỉ để vương chút ánh đỏ lập loè từ đống củi tro mà chừng như Hêm cố tình giữ lửa, tôi mới nói ra câu muốn hỏi từ đầu:

– Làm sao cho Sam có thể trở về cõi người như ông?

Hêm im lặng vài giây rồi xoay hẳn lại nhìn tôi. Cũng chính lúc ấy thì khuôn mặt ông hoàn toàn hiển lộ, trọn vẹn vòm trán nám nâu đầy tàn nhang nhưng mạnh mẽ, bộ râu bạc sáng ánh trăng. Ông cầm tờ báo vẫn nằm trên đùi tôi nhưng không mở ra lại đặt xuống. Bỗng ông đưa hai tay nắm cứng hai bờ vai tôi, giọng thẳng thừng:

– Không có biên giới giữa sống và chết. Không phải chỉ đoàng đoàng hai phát súng tự chĩa vào mình là có thể chấm dứt tất cả. Tôi và đám già lão thân thuộc của cô ở đây ai sống và ai chết? Tôi bảo đảm Sam đang ngao du đó đây như tôi thời đầu được giải thoát. Còn cô, đừng tưởng cách duy nhất để tang Sam là lầm lũi ở lại đảo này, đấy chỉ là một sự chạy trốn dễ dàng nhưng vô ích, một cái chết dần mòn, ngu xuẩn.

Cầm ly rượu Hêm đã rót, tôi ngắm màu nho thẫm như máu sắp đông, dưới cặp mắt chăm chú của ông ta. Ha, tôi biết Hêm đợi con bé ngồi cạnh nói một câu phản kháng hay công kích nhưng tự nhiên tôi thấy cổ mình khô rát nên đưa ly uống cạn. Mùi nồng bốc lên mũi, rạo trong ruột, và lạ thay tôi bắt đầu nghĩ đến những miếng thịt rừng cháy thơm trên lửa.

*

Từ đầu trưa khi những người đàn ông còn cố giữ điềm tĩnh để ngồi đợi dưới cây dẻ trước cửa hàng mụ Mát thì ngoài sân lẫn trong nhà bà tôi hầu như tụ họp gần đủ các phụ nữ của làng này. Tôi bận tíu tít suốt từ sáng, bà tôi cũng không ngừng chạy ra chạy vào lấy thêm ghế, pha thêm trà và đưa tôi tấm khăn cùng quét gom những mớ tóc rớt xuống sàn. Bao nhiêu tiếng nói rộn rã, nét hớn hở không khác trẻ con chờ ngày hội lớn hiện rõ trên những khuôn mặt chùng dấu thời gian. Họ nghe lời Li quảng cáo ùn ùn kéo đến cho tôi cắt tóc, chải chuốt, điểm thêm chút phấn hồng. Mụ Mát đeo tấm tạp dề phục phịch chạy tới, chỉ kịp ló đầu vào dặn tôi cố đợi mụ đóng cửa tiệm sớm. Bà An kéo theo Êmi, Mun rồi đến Nina đem theo mấy chiếc áo mặc vào, thử cái này cái khác nhờ tôi chọn lựa. Tất cả xúm xít ngắm nghía đầu tóc mới, chăm chú trầm ngâm lẫn ngỡ ngàng trước gương như thể đã quên mất bóng dáng mình từ lâu lắm. Có những mái tóc còn mềm nhưng màu đã bệch đi với nước thời gian và gió biển. Chúng càng khiến tôi nôn nao tiếc nuối dự án dùng lá rừng thảo mộc chế thành màu nhuộm tóc của Sam, từ bạc rựng sáng đến nâu óng chuốt, đồng hung, thu đỏ. Những sợi tóc già nua này phải được hun lên bằng sức nóng cùng sắc mầu của trời và đất để giữ lấy sự sống.

Lúc tất cả những người đàn bà đã vội vã gom thu áo sống với nữ trang, những thứ ướp sâu mùi thời gian trong lòng gỗ cũ được dịp rũ tung giữa khí trời, và ra khỏi nhà để cùng nhau lên đường thì bà tôi xem chừng thấm mệt. Bà ngồi xuống chiếc ghế bành vẫn kê bên cửa sổ, nhắm mắt và thở nhè nhẹ. Tôi đến cạnh vuốt những sợi tóc thân quen và đôi vai mà hôm nay tôi mới nhận ra là gầy guộc, nhớ xa xót hình ảnh bà cười đôn hậu, cặp má đầy và ánh mắt còn xanh trong vào những ngày tôi ngồi trên đùi mẹ trong vườn nắng. Nhưng hình như bà mỉm cười, bà đang trả lại tôi nét cười thanh thả ánh điều gì thích thú. Tôi vội lôi chiếc thang gỗ, trèo lên gác xép, mở tung chiếc rương trên cùng, may thay trong ấy là quần áo. Chiếc áo nhung dài màu ngọc lam phớt dịu lên người bà, những nếp tóc tôi cuốn lọn rồi kẹp cao lộ vuốt gáy thanh mảnh. Tôi đeo vòng trai muốt trắng quanh cổ bà rồi hôn khẽ lên má. Bà đẩy nhẹ cháu mình ra, đáy mắt reo vui bởi hai giọt nước ngập ngừng.

Chúng tôi được Ghi đưa xe lên căn nhà cao mút của lão Phê khi lửa đang bùng cháy giữa khuôn sân. Mấy ngọn đuốc sáng cắm đó đây rạng tươi vải vóc, khuôn mặt và mái tóc của những người khách Hêm mời đêm nay. Có nụ cười nhút nhát móm mém chen với tiếng nói bỗng nhiên rộn rã, hả hê. Bà tôi hơi e dè vịn cánh tay tôi và láy mắt về phía mùi thịt bốc khói ngậy thơm trên than củi, thầm thì:

– Toàn đám răng rụng gần hết, làm sao ăn hở cháu. Mà không biết là thịt gì nữa, có ai quen ăn mấy thứ này đâu.

Tôi trấn an:

– Hình như gà rừng bà ạ, dễ thôi.

Vừa lúc ấy, Hêm đã đến bên:

– Chưa lần nào tôi ngửi ra gấu hay sư tử ở đây, chỉ vài chú heo, nai, chán thật.

Tôi nghịch ngợm nhìn Hêm:

– Đâu còn thời ông hạ được cả một con hà mã!

Ông nháy cười trả lại. Còn bà hết ngó tôi rồi quay sang Hêm, ngơ ngẩn chẳng hiểu gì. Hôm ấy trăng lên thật cao, trời khá lạnh, khí núi sương sương, vậy mà bà tôi cùng tất cả những con người kiên trì với nơi chốn hầu đã bị đời bỏ quên, nói cười rộn ràng bên lửa ấm. Gương mặt đầy nếp nhăn của họ căng lên, hồng đỏ qua màu rượu. Những hàm răng trệu trạo nhóm nhém từng miếng thịt vàng chất ngọt, chảy lan xuống cằm. Họ nắm tay nhau nhảy tròn theo điệu nhạc do Ghi và anh phu bến tàu thay nhau cho quay mấy cái đĩa bốn lăm, ba mươi ba vòng cũ rích nhưng là loại nhạc quen thuộc dân làng năm xưa. Rồi là tango, pasodoble và một điệu valse chầm chậm thư thả. Tấm áo xanh mềm mại của bà tôi lánh óng mỗi lần tôi ngóng qua tia lửa. Cùng một lúc tôi cũng chạm vào ánh mắt Hêm đứng dựa cửa nhìn họ với ly rượu trong tay. Có lúc dường như ông nhắm mắt lại, cả khuôn mặt bỗng nhiên lại toang mờ vệt sơn hư ảo.

Tôi không nói từ biệt Hêm buổi sáng hôm sau trước khi bước xuống tàu. Ghi đứng cạnh bà im lặng. Bà đưa khăn thấm nước mắt nhưng tôi biết bà yên lòng hơn ngày tôi đặt chân lên bờ. Qua những cành ô-liu trơ lá tôi cố tìm nhưng không thấy được rõ ràng căn nhà lão Phê, chỉ thoáng một góc mái nhô lên xám bạc. Vách hoàng thổ rưng mắt dưới mặt trời. Chẳng cho ai biết, nên cuộc ra đi cũng có nghĩa trở về này chỉ có bà và Ghi đưa tôi ra bến. Những thân thể già nua kia còn đang yên ngủ, thả dài nghỉ ngơi sau một tối đêm được rộn rạo hân hoan trở ngược thời gian. Lúc Ghi đưa cho chiếc túi hành lý tôi rút ra tờ tạp chí có tấm chân dung in chồng lên góc một bức hình gia đình bạn bè Hêm và ông cố đạo đang đọc kinh hạ huyệt giữa một vùng đất mênh mông. Có những cột chữ thông báo một mất mát lớn cho thế gian, theo người viết. Định đưa nó lại cho bà, nhưng chợt hiện ra ánh mắt Hêm tinh quái, Hêm đang nói thật nhỏ, chỉ đủ tôi nghe:

– Hãy để tôi được rong chơi, đừng làm họ sợ, không thấy rằng họ đang vui sao. Đường đi Phi Châu chẳng có gì khó khăn. Tôi sẽ nói lại với Sam, khi nào gặp.

Mai Ninh

(đầu tháng 11, hai ngàn)

Comments are closed.