Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 99): Đỗ Kh. – Mùi hương Dubcek

(Nội. Ngày.)

Cô gái tóc cột và mông nảy mặc áo trắng quần đen.

Tuy là quần xệ hở đáy lưng và lộ một đường mông vừa mới chớm, cô vẫn như là từ trong “Tôi từng phục vụ nhà vua Anh Quốc”, tức là từ ngày xửa ngày xưa, bước ra để sóng sánh khom người mà chùi đi chùi lại các bàn ăn.

Có lẽ cô đây là hình ảnh 30 năm về trước của bà xếp đang đứng trông chừng buffet bằng một con mắt nhà nghề, phục phịch tóc vàng màu rạ và toát ra ở trên người một vẻ đẹp, gọi là thế nào nhỉ, matrone Phục hưng, hay chính xác hơn, một vẻ đẹp phấn son Brezhnev chủ nghĩa.

Bức màn sắt đã đổ vừa tròn 20 tuổi nhưng vào buổi sáng này năm 2009, bức màn nhung của cuộc cách mạng cùng tên vẫn còn như lung lay phập phồng trong thứ ánh sáng nhạt nhoè nửa ban mai và nửa bóng điện yếu tại phòng điểm tâm của khách sạn Kyjev ở Bratislava.

*

(Ngoại. Đêm.)

Người bạn tôi biết từ 40 năm nay vỗ mạnh lên tay lái, Đù mẹ chóng thật, vậy mà đã chập chờn tuổi 60!

Những ông già vào tuổi tôi năm lên 60

Ở khách sạn Neva, 115 Invalidenstrasse…

Mà 60 thì đã sao, tôi bảo.

*

Khách sạn Kyjev, số 2 đường Rajska ở Bratislava, cũng như là Neva ở Đông Berlin, một dạo thuộc vào hệ du lịch gọi là Intourist của Liên Xô. Đây tựa tựa như là tập đoàn Hilton của tư bản, nhưng cả khối Xã hội Chủ nghĩa bằng ấy năm không sinh ra được chị em nào Paris… Intourist (hay là Warsaw Intourist thì đúng hơn) nên đành nuốt hận mà tan rã. Ngày nay, khách sạn Neva của nhà thơ Nazim Hikmet vào tuổi lục tuần là một trung tâm nghệ thuật đương đại ở Berlin Mitte thì phải. Phần Kyjev, mang cái tên thủ đô Ukraine mà lại ở Cộng hoà Slovak thì vẫn còn tồn tại, bề thế một cách và xám xịt 20 từng sừng sững tại ngoại vi trung tâm phố cổ Bratislava. Kiến trúc gọi là “Thô bạo chủ nghĩa” (Brutalism) này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt mặc dù mấy năm nay nghe đâu bị tập đoàn Anh-Tiệp Lordship (!) đòi “tân trang” (có nghĩa là đập phá) để thế vào bằng một công trình phù hợp hơn với bước tiến của thời đại. Có lẽ và may thay, Khách sạn Kyjev được suy thoái kinh tế mới đây kịp thời phi ngựa đến cứu.

clip_image001

Brutalist thì Brutalist, nhưng Kyjev, ra đời trong thập niên 70 vẫn là hàng hiệu chính thống của một thời. Đây không phải ngày hôm nay ăn theo phong trào hoài cố Xã hội Chủ nghĩa như Red Star Hotel cùng thành phố hay là xa vời, Creative Culture (sic) Hotel chiều hướng Mao Pop ở đâu đó Bắc Kinh chẳng hạn. Kyjev là thứ thật, được bảo trì hàng năm bằng một lớp bụi tồn kho từ thời Yuri Andropov, tuy rất hiếm vào ngày nay nhưng vẫn được quản lý của Khách sạn phóng khoáng mà đều đặn rắc từng nắm ở cùng khắp. Trên những đèn treo tròn trịa Soyuz của lobby, trên lớp skai simili da bọc chung quanh thành của chiếc cầu thang cuốn, trên những chiếc ghế bành modern chủ nghĩa nhưng bằng một thứ vải mô-típ tuy kín đáo mà vẫn nhất định Art Nouveau.

Bước vào Kyjev là bước vào một bảo tàng sống, tuy bảo tàng và sinh động là hai từ mâu thuẫn với nhau. Trước quày lễ tân bằng gỗ và bọc cả một nửa vòng khổng lồ (thì Liên Xô vĩ đại) là sáu cái đồng hồ tròn chỉ giờ. Giờ Sydney, New York, London, Tel Aviv, Moscow và Tokyo vô cùng thực dụng, thứ thực dụng của chủ nghĩa mang tên này vào thời mà ông Gorbachev chưa hề nghĩ đến chuyện đăm chiêu mà quảng cáo va ly cho nhà Louis Vuitton. Dĩ nhiên, ba cái tủ lạnh kính bên cạnh phòng gửi hành lý là để bày bánh mì thịt và nước ngọt chứ không phải để bày… xác Lenin. Một cái lại mang nhãn Coca-Cola làm hỏng mất mấy phần không khí tuy được cái là nhãn này cũng nhác nhác đỏ lòm cách mạng.

Nhưng phải đợi 2 giờ sáng, khi khách ngồi trước mấy cái máy cái vi tính nối mạng đã lên phòng thì mới tận hưởng được cái không khí. Tủ đây là tủ bày, chứ không phải tủ bán nước tự động. Bạn phải gọi ông gác phòng hành lý đang đứng chong mắt mơ màng về quá khứ, đợi ông ta tìm ra chìa khoá và mở tủ cho bạn lấy mấy chai nước uống ngày nay là tư bản Hoa Kỳ và quen thuộc toàn cầu, 7Up, Fanta. Sau đó ông cẩn thận khoá tủ lại, trở về phòng và đứng sau quày xé một phần tư tờ giấy học trò để làm toán cộng bằng tay trong khi miệng lẩm nhẩm các con số vừa mới viết xuống. 3 đồng 20 Euro mà tôi cứ tưởng là tiền Ruble hoán đổi được (convertible). Vì tiền tệ lưu hành thì giờ đã là đồng Euro, đi đôi với nhắc nhở 1 ăn 30 đồng Slovak.

Vậy thì cho tôi nói lại, đây là tủ bán nước chứ không phải là tủ bày. Tủ bày thì tôi đã không mua được thức uống, chỉ được đứng xem. Hoặc là phải mang theo hộ khẩu và sổ gạo, trả tiền hàng trước và tuần sau hay 10 ngày nữa mà xếp hàng cầm phiếu đến lãnh!

*

Khách sạn tên là gì thì tôi đã quên mất. Nó nằm cạnh Nhà Hát Hà Nội và vào năm 1990 vẫn còn mang một vẻ lơ là với kinh tế thị trường đang chập chững tập đi. Vôi vàng thuộc địa và cửa sổ gỗ phên xanh chưa có khung nhôm kính, tôi bước vào thì cô lễ tân đỏng đảnh bỏ đi vào phòng nhân viên ở ngay cạnh quày sau khi liếc tôi một nửa cái. Thì tôi ngồi đợi trên cái ghế bành hữu nghị của Trung Quốc có lẽ từ thời con trai của ông Đặng Tiểu Bình được Hồng Vệ binh cho tập phi thân nhẩy lầu. Một lúc lâu sau, độ nửa tiếng, cô lễ tân mới đỏng đảnh tái xuất hiện. Áo trắng quần xanh công nhân viên chức, đầu tóc mỡ và cắt ca-rê, phải nói là nhan sắc của cô rất xa vời và còn mâu thuẫn nặng nề với sự đỏng đảnh đeo đuổi này. Tay cô cầm một chén đồ ngọt tráng miệng, thì ra cô tạm thời dấu mặt là để dùng bữa. Trời đánh còn tránh miếng ăn, tôi ngồi yên mà hưởng tiếp cái ẩm mốc thụt thò trong căn phòng dưới lớp sơn quét dối. Tôi đợi cô chùi mép bằng sống tay rồi mới đứng dậy lại gần, hoà nhã hỏi với một nụ cười thân thiện, xin lỗi chị và làm ơn cho biết, ở đây tối nay hay ngày mai tôi có thể đặt phòng?

Anh ở đâu đến?

Tôi ở Thành phố ra.

Giờ anh đang ở đâu?

Tôi đang ở bên khách sạn Hoà Bình…

Khách sạn Hoà Bình (Continental thời Pháp thuộc), tôi ở là vì cái cầu thang cuốn trong một bức ảnh của Raymond Depardon. Khi tôi đến Hà Nội, cả khách sạn đang được tu bổ và cái cầu thang chính không được dùng.

Anh đang ở bên đó thì ở luôn, còn sang đây tìm phòng làm gì!

Cô lễ tân bảo và trừng xéo một nửa con mắt trước khi bỏ vào phòng nhân viên trở lại (chắc là để đun trà). Tôi đoán là thời cô còn làm cửa hàng mậu dịch thì cô quát và trừng thẳng cả hai con trắng dã! Đó là vào thời khách sạn Métropole (5 sao, 5 sao) còn đang được khôi phục, sau khi đoàn làm phim “Điện Biên Phủ” của Schloendoffer chỉ “dựng” lại có cái phòng bar cho nhu cầu điện ảnh. Vài ngày trước đây, ở tại Vinh tỉnh lẻ, một anh lễ tân khác thấy tôi hăm he tìm chỗ ngủ, đã ra yêu cầu tôi phải có giấy giới thiệu của cơ quan!

Mùi hương Xã hội Chủ nghĩa ở Prague thì vào cùng thời điểm đó thoảng nhẹ hơn hoa sữa Hà Nội. Ông Maître d’Hotel cửa một nhà hàng Thủ đô Tiệp nổi tiếng chắn lối của tôi rất dáng Bohumil Hrabal và bảo dùng cơm tối ở đây phải giữ chỗ trước (chứ giấy cơ quan giới thiệu với đầy đủ con dấu hành chính và hai trưởng phòng ký tên chắc là cũng không có hiệu lực). Tôi không có giữ chỗ trước nên thay vì bước trở ra, tôi dúi vào tay ông một tờ 10 USD.

*

Hai mươi năm trước thì tôi không rõ ở Kyjev đón khách đến thế nào nhưng giờ thì các cô lễ tân áo chẽn cũn cỡn và quần xệ rất dễ mến và năng hiệu. Chẳng hiểu vì sao, trong khi cả khách sạn vẫn còn hơi hướm của sĩ quan cao cấp Hồng quân khi đi phép thì các cô quày lễ tân lại phục sức như là phía bên Phố cổ ở cạnh đây và mới được Disney hoá. Phố cổ Bratislava, đến 2009 đã được trùng tu gần như là đầy đủ, cửa hàng Armani đã treo bảng tuy là chưa kịp khai trương để phục vụ khách tiêu dùng. Nói thế nào nhỉ, tôi thấy nó giống như những máy chụp ảnh bày bán trong cửa kính các tiệm Hong Kong một dạo, cẩn thận được bọc bằng plastic ép. Đó là thời của ép nhựa nhưng ngày nay kỹ thuật này được mang ra áp dụng không phải là cho đồ dùng hay thức ăn mà cho những trung tâm “lịch sử” như Phố cổ Budapest hay Phố cổ Beirut. Thứ ăn ép nhựa không có mùi thì phố cũng thế, thế kỷ 19 được bảo vệ và giữ đúng độ lạnh. Kyjev vẩn bụi, vừa quá đát mà lại không đủ tuổi, người ta đòi đập bỏ.

Khu thương mại ở mặt đường với cửa hàng Tesco (ngày trước là Prior) giờ tuy theo nhịp tiến (tiêu dùng) của thời đại nhưng vẫn lỏng chỏng những gian hàng hớt tóc sấy gội và xúc xích khoai chiên. Hãng du lịch với bảng Đại lý Alitalia, Delta, CSA, Aeroflot, rất là tương xứng với sáu cái đồng hồ chỉ giờ thế giới bên trong lobby của Kyjev, nhàn nhạt sắc những ngày ở Việt Nam người ta còn đeo túi du lịch đề chữ ngô nghê “Air France” hay “Canon” (!) ra phố, thứ làm bằng nhựa dễ rách của Trung Quốc ở nơi nào Thẩm Quyến. Bên trong CT (TNHH) Du lịch này, thời đại vé điện tử mạng Expedia, Travelocity thì làm sao mà sống, phải thu nhập thêm với ba cái quà lưu niệm, áo jersey đá banh Arsenal nhái tại Thái Lan và áo thun đề bằng Anh ngữ “I love Slovak women”.

Thì đầu kia của Kyjev, là một hộp đêm nổi tiếng của vài năm trước, cuối tuần đón khách nam người Anh hai ba giờ máy bay sang đây uống bia rẻ hơn là ở Liverpool. Phụ nữ Slovak mà họ yêu, từ khi quốc gia này sát nhập Cộng đồng Âu châu và không còn ngăn sông cách chợ, giờ đang thõng cặp chân dài ở những khu đèn đỏ Đức Quốc hay là Hà Lan. Cuộc di tản vĩ đại của thiếu nữ chuốc rượu này chỉ còn để lại mấy cô người Rom vị thành niên, loè loẹt nghèo nàn cầm lon bia vào lúc 10 giờ sáng trước nhà ga Thành phố tìm một người cả tín đang buồn lẻ loi để một tay ve vuốt và một tay móc túi (vì vậy các cô này không có cô nào độc thủ nữ hiệp hết, nghĩa là cụt một tay, mà cô nào cũng có cả hai).

*

Hội nhập với kinh tế thị trường ngày hôm nay của Khách sạn Kyjev tóm tắt là mấy điểm. Giá phòng giữ nguyên không tăng dù Boris Eltsin có leo lên thiết giáp hay là leo xuống. Bia ly ở đây được quảng cáo là rẻ nhất thành phố, 1 Euro cho những anh hùng (sau giờ) lao động. Nâng cấp lên ngang tầm thời đại là lễ tân áo chẽn như đã nói, và Wi-Fi miễn phí khắp 20 từng. Chẳng tốn gì hết và low tech là cấm hút thuốc trong khách sạn, có lẽ là vì bụi và mốc đã đủ làm khó thở hay đây là tiếp thị nhắm vào du khách Mỹ đi tìm cảm giác còn sót lại sau Bức màn sắt nhưng mà lại ngại nicotine?

clip_image002

Nhưng thế nào, dù có phải xuống đường để đứng hút thuốc lá dưới cái hiên Streamline Ost-modern thì Kyjev vẫn là một nơi đáng để qua đêm ở Bratislava, hơn hẳn những nhà trọ boutique trong phố hay Inter Continental lợt lạt phía bờ sông Danube. Cái mái che xe này làm tôi nhớ cái hiên của Grace Hotel ở Bangkok, vươn mình ra mưa nắng trong nỗ lực tập tễnh hiện đại. Chẳng phải là cái gì 30 năm thì “lịch sử” và nên gìn giữ, nhưng đêm ở Kyjev tôi nghe thầm mùi hương. Đêm nghe thầm mùi hương, mùi dầu xức tóc của Alexander Dubcek.

Văn bản do tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.