Về bóng tối của cái ác

(Trích ‘’Kết thúc của con người đỏ’’)

Svetlana Alexiévitch

Nguyên Ngọc dịch

VỀ BÓNG TỐI CỦA CÁI ÁC

VÀ VỀ MỘT CUỘC SỐNG KHÁC CÓ THỂ XÂY NÊN TỪ CUỘC NÀY

Éléna Razdouïeva, công nhân, 37 tuổi

Để có câu chuyện này, tôi mất nhiều thời gian tìm một người ’’đồng hành’’, một người kể chuyện hay một người đối thoại – thậm chí tôi không biết gọi như thế nào những người đến giúp tôi trong các chuyến du hành qua thế giới con người. Qua cuộc đời của chúng ta. Mọi người đều từ chối: ‘’Câu chuyện này, nó liên quan đến các nhà tâm thần học’’; ‘‘Một người mẹ bỏ ba đứa con vì những ý thích bất thường kỳ cục của kẻ mắc bênh tâm thần là chuyện của toà án, không phải của một nhà văn’’, ‘’Thế Médée thì sao? Tôi hỏi. Médée, người đã giết chính các con của mình vì tình yêu? – Đấy là một huyền thoại. Ở đây, là những con người thật.’’ Nhưng thực tế không phải là một khu biệt cư giành cho các nghệ sĩ. Đấy cũng là một thế giới tự do.

Và rồi tôi được biết người ta đã quay một bộ phim về nhân vật của tôi, có tên là Đau đớn (Hãng Fichka film). Tôi đã gặp nhà đạo diễn Irina Vassilieva. Chúng tôi đã nói chuyện nhiều, đã xem phim, rồi lại nói chuyện.

Trích câu chuyện của đạo diễn Irina Vassiieva

Có người kể với tôi chuyện đó… Và câu chuyện không làm tôi thích, nó khiến tôi sợ. Người ta đoan chắc với tôi đấy sẽ là một cuốn phim kỳ lạ về tình yêu, rằng tôi nên quay ngay đi. Một câu chuyện rất Nga! Một người đàn bà có một ông chồng và ba đứa con đem lòng yêu một người tù, và còn hơn thế nữa, một người tù chung thân, bị giam suốt đời, vì một tôi ác đặc biệt tàn bạo. Cô đã bỏ tất cả vì anh ta, chồng, các con, ngôi nhà của cô. Nhưng có môt điều gì đó ngăn tôi lại…

Ở Nga, từ những thời xa lắc xa lơ, bao giờ người ta cũng yêu những người tù khổ sai, đấy là những người đã sa vào vòng tội lỗi, nhưng cũng là những người đau khổ. Họ cần được động viên và hỗ trợ. Có cả một nền văn hóa của lòng thương hại mà người ta gìn giữ một cách trân quý, nhất là ở thôn quê và các thành phố nhỏ. Sống ở đấy là những người đàn bà bình thường, họ không có internet, nhưng họ sử dụng bưu điện. Theo lối xưa. Đàn ông uống rượu và đánh lộn, còn họ, họ bỏ những buổi tối để viết thư cho nhau. Trong những phong bì ấy, có câu chuyện hơi ngây ngô về cuộc sống của họ và về tất cả những thứ lặt vặt linh tinh – những kiểu quần áo, những cách nấu nướng, và cuối cùng bắt buộc bao giờ cũng có địa chỉ những người tù. Một người có một anh trai ngồi tù, và anh ấy đã cho những đầu mối liên lạc với các bạn tù của anh. Với những người khác, thì là một người hàng xóm hay một người bạn cùng lớp. Họ ghé tai nhau mà truyền tin cho nhau: anh ấy đã ăn cắp, đã làm những chuyện bậy bạ, đã ngồi tù, đã ra, rồi lại vào tù. Câu chuyện quen thuộc… Nếu ta lắng nghe thiên hạ, thì ở nông thôn, một nửa số đàn ông đã từng ở tù hay đang ở tù. Và chúng ta, chúng ta là những người cơ đốc, chúng ta phải giúp những kẻ khổ đau. Có những phụ nữ lấy những người tù tái phạm, và thậm chí những kẻ giết người. Tôi không có tham vọng cắt nghĩa cho bà chuyện đó là thế nào… Rất phức tạp… Nhưng đàn ông đánh hơi được kiểu con gái đó. Thường là, những phụ nữ không được may mắn, không thành đạt. Những phụ nữ đơn thân. Và thế là, đột nhiên, người ta cần họ, họ có một ai đó để mà hiến mình. Đấy là một cách để thay đổi một điều gì đó trong cuộc đời họ. Một thứ thuốc…

Cuối cùng, chúng tôi đi quay cuốn phim ấy. Tôi muốn kể rằng trong thế kỷ thực dụng của chúng ta, có tồn tại những con người sống theo một lô gích khác. Và họ không được bảo vệ biết chừng nào… Chúng ta nói rất nhiều về nhân dân của chúng ta. Một số người lý tưởng hóa nó, những người khác coi nó là lạc hậu. Nó đã bị ‘’xô viết hóa’’. Nhưng thực ra, chúng ta không biết nó. Giữa chúng ta có một hố thẳm… Bao giờ cũng là tôi quay một câu chuyện, và trong bất cứ câu chuyện nào, cũng có một cái cốt yếu. Bao giờ ta cũng tìm ra hai điều quan trọng: tình yêu và cái chết.

Ấy là ở trong vùng Kalouga, một ngôi làng hẻo lánh… Vâng, chúng tôi đi đến đó. Tôi nhìn qua cửa xe: mọi thứ ở đây đều không có biên giới, những cánh đồng, rừng, trời. Trên các ngọn đồi, những vệt trắng của các nhà thờ. Mạnh mẽ và an tịnh. Một cái gì đó rất xưa. Chúng tôi chạy xe, chạy xe… Chúng tôi rời con đường lớn để đi vào một con đường nhỏ bình thường. A, những con đường Nga ấy. Chỉ có ở ta mới thấy những con đường như vậy… Ngay cả một chiếc xe tăng cũng không đi qua nổi! Nếu cứ ba mét có hai hay ba cái ổ gà, thì ta có thể gọi là đường tốt. Và mỗi bên, là những ngôi làng… Những ngôi nhà gỗ khập khiểng với những hàng dậu so le, những con gà và những con chó lang thang trên các ngã đường. Những người say rượu đứng nối đuôi nhau từ mờ sáng trước nhà hàng còn đóng cửa. Tất cả những cái đó quá ư quen thuộc đến mức họng ta nghẹn lại… Giữa làng, tượng Lenin vẫn đứng đấy. (Bà im lặng.) Trong một thời… Thật khó tin cái đó đã từng tồn tại và chúng ta đã từng là vậy… Khi Gorbatchev lên cầm quyền, chúng ta vui mừng đển điên lên được. Chúng ta sống trong những giấc mơ, những ảo vọng. Chúng ta trút hết lòng mình trong các nhà bếp của chúng ta. Chúng ta muốn một nước Nga mới… Sau hai mươi năm, cuối cùng chúng ta hiểu ra: nó có thể ló ra được từ đâu, cái nước Nga ấy? Nó không tồn tại, và nó không bao giờ tồn tại. Có ai đó đã nhận xét rất đúng rằng trong năm năm, mọi sự có thể thay đổi ở nước Nga, và trong hai trăm năm, chẳng gì thay đổi hết. Những không gian không giới hạn và cùng với cái ấy, một tâm lý nô lệ… Không thể làm lại nước Nga trong các nhà bếp Moskova. Người ta đã phục hồi huy hiệu của các Sa hoàng, nhưng quốc ca thì vẫn quốc ca Stalin. Moskova là Nga, là tư bản chủ nghĩa. Nhưng nước Nga thì vẫn là nước Nga ấy – xô viết. Ở đấy, chưa bao giờ người ta nhìn thấy những nhà dân chủ bằng da và bằng thịt, và nếu nhìn thấy thì người ta băm nó ra từng mẩu. Đa số, tất cả những gì họ muốn, là có cái gì đó để ăn, và một ông chủ. Rượu vodka pha tạp chảy như suối. (Bà cười) Tôi cảm giác, bà và tôi, chúng ta thuộc ‘’thế hệ các nhà bếp’’. Chúng ta bắt đầu bằng việc nói về tình yêu, và sau năm phút, là chúng ta đang thảo luận về cách tổ chức lại nước Nga! Nhưng nước Nga chẳng cần chúng ta để mà làm gì cả, nó tự sống cuộc sống của nó…

Một tay moujik[1] nhỏ bé say khướt dẫn chúng tôi đến nơi nhân vật của chúng tôi cư trú. Cô bước ra khỏi ngôi nhà gỗ của cô… Lập tức cô khiến tôi thích. Đôi mắt xanh, dáng người oai vệ, quả là một nhan sắc. Một người phụ nữ như vậy sẽ sáng rực lên trong ngôi nhà gỗ nông dân khốn khổ, cũng hệt như trong một căn hộ Moskova xa hoa. Và bạn có thể tưởng tượng đấy là vợ chưa cưới của một tên sát nhân. Chúng tôi chưa được nhìn thấy anh ta, anh bị kết án chung thân và anh mắc bệnh lao. Khi cô biết vì sao chúng tôi đến, cô phá lên cười. ‘’Bộ phim truyền hình nhiều tập về cá nhân tôi cơ đấy.’’ Tôi không biết nên nói với cô thế nào về việc tôi sẽ quay phim cô. Không biết cô có mất ngượng ngập trước ông kính không? Nhưng cô bảo tôi: ‘’Tôi khờ khạo đến mức người đầu tiên đến là tôi kể toạc chuyện của tôi ra ngay. Có những người khóc, người khác lại chửi tôi. Bà cũng vậy, nếu bà muốn, tôi có thể kể cho bà…”

Tình yêu

Tôi chưa có ý định lấy chồng, nhưng tất nhiên, tôi có nghĩ tới chuyện ấy. Tôi mười tám tuổi. Người đàn ông của đời tôi… Anh ấy sẽ thế nào? Một hôm tôi nằm mơ: tôi đi trên một bãi cỏ về hướng một con sông, nó nằm ngay sau nhà, và đột nhiên tôi thấy hiện ra trước mặt tôi một người con trai cao lớn rất đẹp. Anh nắm bàn tay tôi và nói với tôi: ‘’Em là vợ chưa cưới của anh. Vợ anh trước mặt Chúa.’’ Thức dậy, tôi tự nhủ: tôi không được quên anh ấy… Không được quên khuôn mặt anh… Nó in vào ký ức tôi như một thứ chương trình… Một năm trôi qua… Tôi vẫn không gặp người con trai ấy. Nhưng Liocha tán tỉnh tôi đã lâu, anh làm thợ giày. Anh muốn cưới tôi. Tôi trả lời anh một cách trung thực là tôi không yêu anh, tôi yêu người con trai tôi đã nhìn thấy trong giấc mơ và tôi chờ người ấy. Một ngày kia, tôi sẽ gặp anh ấy, không thể, đơn giản là không thể không gặp anh ấy! Liocha, điều ấy khiến anh cười. Anh thuyết phục tôi rằng tôi nên lấy chồng đi, rồi tình yêu sẽ đến sau.

Tại sao bà cười? Mọi người đều coi thường tôi, tôi biết chứ… Nếu ta sống theo trái tim của mình, ta không là người bình thường. Nếu ta nói sự thật, họ sẽ không tin ta, nhưng nếu ta nói dối, à thế thì tốt! Một hôm, một cậu con trai tôi có biết, đã đi qua đây, tôi đang làm việc trong vườn. Tôi bảo cậu rằng tôi đã nằm mơ thấy cậu. ‘’Ôi, không! Nhất là đừng có chuyện đó!’’ Cậu bỏ chạy cứ như tôi mắc bệnh dịch hạch. Tôi không giống như mọi người, người ta tránh tôi… Tôi không tìm cách làm cho người ta thích, tôi không quan tâm đến quần áo, tôi không trang điểm. Tôi không biết tán tỉnh. Tôi chỉ biết nói. Có một thời, tôi đã muốn vào một tu viện, rồi tôi đã đọc được ở dâu đó rằng có thể trở thành tu sĩ ở ngoài một tu viện. Ngay cả ở nhà mình. Đấy là một cách sống.

Tôi lấy chồng. Liocha, anh ấy thật tốt! Và thật khỏe, anh có thể bẻ cong một thanh sắt! Và tôi đã yêu anh. Tôi đã cho anh một đứa con. Sau khi sinh con, tôi cảm thấy có điều gì đó, có thể là sốc do sinh đẻ… Tôi chán đàn ông. Tôi đã có một đứa con, tôi cần gì một người chồng? Tôi có thể nói chuyện với anh, giặt quần áo cho anh, lo cho anh ăn, soạn giường cho anh, nhưng tôi không thể có các quan hệ với anh… như với một người đàn ông. Tôi cứ hét lên, những cơn động kinh thực sự! Chúng tôi mất hai năm dày vò nhau như thế, rồi tôi bỏ ra đi, tôi ôm con tôi trong tay và tôi ra đi. Nhưng tôi chẳng có nơi nào để mà đi. Bố mẹ tôi đã chết. Chị tôi ở đâu đó trên Kamtchatka… Tôi có một người bạn, Ioura, yêu tôi từ khi còn ở trường, nhưng anh ấy không thổ lộ tình yêu của anh với tôi. Tôi cao lớn, còn anh ấy, anh ấy nhỏ con, nhỏ hơn tôi nhiều. Anh chăn bò và đọc sách. Anh biết đủ thứ chuyện, anh có thể giải các trò chơi ô chữ trong một thoáng. Tôi đi tìm anh. ‘’Ioura, hai chúng mình là bạn của nhau. Tôi có thể sống một thời gian ở chỗ anh không?’’ Tôi ở trong nhà anh, nhưng có điều anh không được đến gần tôi, cũng không được chạm vào tôi. Được chứ.’’ Anh đồng ý.

Chúng tôi sống một thời gian như thế… Và rồi tôi tự nhủ: anh ấy yêu mình, anh ấy cư xử rất tốt, anh không đòi hỏi gì ở tôi hết, tại sao tôi lại làm anh đau khổ như thế? Và chúng tôi đến tòa thị chính đăng ký kết hôn. Anh muốn chúng tôi kết hôn ở nhà thờ, khi đó tôi thú thật với anh là không thể. Tôi kể cho anh nghe giấc mơ của tôi, và tôi nói với anh là tôi chờ tình yêu lớn của tôi… Cả anh nữa, anh chế giễu tôi: ‘’Quả thật em là một cô bé! Em tin ở phép lạ. Nhưng sẽ không bao giờ có ai yêu em như anh yêu em đâu.’’ Tôi đã sinh cho anh hai đứa con. Chúng tôi đã sống với nhau mười lăm năm, và trong mười lăm năm, chúng tôi đã đi cùng nhau, tay trong tay. Người ta ngạc nhiên… Có nhều người sống không có tình yêu, tình yêu, họ chỉ thấy cái đó… trên tivi. Nhưng là gì vậy, một người không có tình yêu? Như một bông hoa không có nước…

Ở quê tôi, có một tục lệ… Các cô gái và các phụ nữ trẻ viết thư cho những người tù. Các bạn gái của tôi và tôi, tất cả chúng tôi đều viết thư, từ khi còn đi học… Tôi đã viết hằng trăm bức thư như thế, và tôi đã nhận được hằng trăm lần trả lời. Và lần ấy… Mọi việc diễn ra như thường lệ, cô bưu tá kêu: ‘’Léna, có một bức thư cho cô đây!’’ Tôi chạy ra… Tôi cầm bức thư. Có con dấu của một nhà tù, một địa chỉ mã hóa. Và chợt, tim tôi đập rất mạnh. Tôi vừa nhìn thấy lối chữ viết, và nó đã thân thuộc ngay với tôi… Tôi bị chấn động đến nỗi tôi không đọc được. Tôi là một người mơ mộng, nhưng tôi cũng biết hiện thực. Không phải lần đầu tiên tôi nhận được một lá thư như thế này… Thư viết giản dị: ‘’Cảm ơn những lời tốt đẹp của em, em gái bé nhỏ… Tôi biết em không phải là em gái của tôi, nhưng thì cũng hệt như vậy.’’ Ngay tối hôm đó, tôi viết lại cho anh: ‘’Hãy gửi cho em ảnh của anh, em muốn biết khuôn mặt anh.’’

Thư trả lời đến, với tấm ảnh. Tôi nhìn ảnh… Đúng là anh ấy, người con trai tôi đã gặp trong giấc mơ… Tình yêu lớn của tôi! Tôi đã chờ đợi nó hai mươi năm. Tôi không thể giải thích nó với ai hết, đấy thật sự là một chuyện thần tiên. Tôi đã nói ngay lập tức với chồng tôi: ‘’Xong rồi, em đã tìm được tình yêu lớn của em!’’ Anh khóc, anh van tôi, anh cố gỉai thích lẽ phải cho tôi. ‘’Chúng ta có ba đứa con phải nuôi dưỡng…’’ Tôi cũng vậy, tôi khóc. ‘’Em biết anh là một người tốt, Ioura, ở với anh các con sẽ ổn.’’ Những người xóm, bạn bè tôi, chị tôi… Mọi người đều lên án tôi. Bây giờ tôi hoàn toàn đơn độc.

Tôi ra ga mua một chiếc vé… Trong khi sắp hàng, tôi làm quen với một người phụ nữ, chúng tôi đã nói chuyện với nhau. Bà ấy hỏi tôi đi đâu. ‘’Đi tìm chồng tôi (anh ấy chưa thành chồng tôi, nhưng tôi biết anh sẽ là chồng tôi.) – Anh ấy ở đâu? – Ở trong tù – Anh ấy đã làm gì? – Anh ấy đã giết chết một người. – Cô bé khốn khổ của tôi… – Không phải thương hại tôi. Tôi yêu anh ấy.’’

Bất cứ ai cũng cần được yêu. Dù chỉ để thành một con người. Tình yêu, ấy là… Tôi sẽ cắt nghĩa cho bà đấy là gì… Anh ấy bị bệnh lao, tất cả những người ở trong tù đều mắc bệnh lao. Vì thức ăn tồi, vì tinh thần sa sút. Người ta bảo tôi cần phải có mỡ chó. Tôi đã đi tìm khắp làng, và tôi đã tìm ra. Sau đó tôi biết mỡ chồn, thì càng tốt hơn. Tôi mua được ở hiệu thuốc, thứ đó đắt kinh khủng! Anh ấy cũng cần thuốc lá, và thịt hộp… Tôi xin làm việc ở xưởng bánh mì, lương khá hơn ở trang trại. Công việc rất nặng nhọc. Những cái lò cũ nóng bỏng đến mức chúng tôi cởi hết quần áo, chúng tôi mặc nịt vú và quần nhỏ mà đi lại. Tôi bê những bao bột năm mươi ký lô, những mẻ bánh mì nướng một trăm ký lô. Ngày nào tôi cũng viết cho anh.

Tiếp câu chuyện của Irina Vassilieva

Cô ấy như thế. Đấy là một người hành động theo thôi thúc của bản năng, mãnh liệt… Nó sục sôi bên trong cô, cô cần ngay tức thì. Và bao giờ cũng dư thừa, quá khổ. Những người hàng xóm kể với tôi rằng một hôm những người Tadjik tị nạn đã đi qua làng, họ đói, rách rưới… Thế là cô mang hết cho họ tất cả những gì cô có thể có ở nhà… Chăn, gồi, thìa… ‘’Ở nhà tôi thừa khối, mà họ thì không có gì cả.’’ Trong khi trong căn nhà gỗ của cô, chỉ có một cái bàn và những chiếc ghế… Có thể nói là cảnh khốn cùng. Họ ăn những gì có thể mọc trong vườn của họ, khoai, bầu non. Họ uống sữa. ‘’Không nghiêm trọng đâu, cô nói với chồng và các con cô để an ủi họ. Đến mùa đông, những người nghỉ hè sẽ ra đi, và họ sẽ để lại cho chúng ta đôi chút gì đó.’’ Ở đấy, về mùa hè, có những người từ Moskova đến nghỉ, nhiều họa sĩ và nghệ sĩ, nơi này tuyệt đẹp, và tất cả các ngôi nhà bỏ không đã được mua lại. Người ta thu lại hết mọi thứ sau khi họ đi, cho đến những cái bao ni lông. Đấy là một ngôi làng rất nghèo, chỉ có những bà già và những tay say rượu… Còn một chuyện khác nữa, thế này … Một trong những người bạn gái của cô vừa có một đứa con, và cô ấy không có tủ lạnh. Léna cho cô ấy tủ lạnh của cô. ‘’Tôi, các con tôi đã lớn, còn cô ấy, cô có con mới sinh.’’ Nào, lấy đi, lấy hết đi! Người ta chẳng có gì cả, và cuối cùng, người ta khám phá ra mình có đủ thứ để đem cho. Là cái kiểu người Nga ấy… Kiểu người Nga mà Dostoïevski đã viết rằng họ cũng hào phóng như đất đai Nga. Chủ nghĩa xã hội đã không làm cho họ thay đổi, và chủ nghĩa tư bản cũng không thay đổi được họ. Cả cái giàu lẫn cái nghèo … Những người Moujik ở cạnh một cửa hàng, họ mua một chai vodka cho ba người. Họ uống vì cái gì? ‘’Vì Sébastopol là một thành phố Nga! Sébastopol sẽ về tay chúng ta!…’’ Họ tự hào vì một người Nga có thể uống một lít vodka mà không chết vì say. Điều duy nhất họ nhớ về Stalin, là dười triều đại của ông, chúng ta đã là những người chiến thắng…

Tôi muốn quay tất cả những cái đó… Tôi đã kìm mình lại, tôi sợ sẽ bị lôi kéo đi xa tới mức không còn thoát ra được… Mỗi số phận là một câu chuyện xứng với Hollywood. Một đề tài mơ ước cho một bộ phim. Bà bạn Irina của cô chẳng hạn… Đấy là một cựu giáo sư toán, bà đã bỏ trường vì đồng lương tệ hại. Bà có ba con, chúng nói với bà: ‘’Mẹ ơi, hay ta đến xưởng bánh mì để ngửi mùi bánh mì đi?’’ Chúng đến đó buổi tối, để người ta không nhìn thấy chúng. Bây giờ, Irína làm ở một xưởng bánh mì, cũng như Léna, và bà vui vì ít ra các con bà có thể ăn bánh mì bao nhiêu tùy thích… Họ ăn cắp… Ở đấy, mọi người đều ăn cắp, chỉ duy nhất nhờ cái đó mà họ có thể sống sót. Cuộc sống hì hợm, bất nhân, nhưng các tâm hồn thì thật sống động. Nếu ta nghe những người đàn bà ấy nói gì… Tai ta không thể tin! Họ nói về tình yêu… Người ta có thể sống không có bánh mì, nhưng không thể không có tình yêu, thật là không thể, sẽ là kết liễu của mọi sự… Irina đọc những lá thư Léna nhận từ người tù của cô, và cái đó khiến bà thèm muốn. Bà đã tìm được một tên móc túi trong một nhà tù vùng. Tay ấy, hắn được thả nhanh thôi… Rồi sau đó, mọi sự diễn ra đúng theo quy luật của bi kịch… Những lời thề yêu nhau cho đến ngày xuống mồ. Đám cưới. Rất nhanh, anh chàng Tolia, hay là Toliane ấy, lại bắt đầu uống. Irina đã có ba con, bà có thêm hai đứa nữa với anh ta. Anh ta có những lần lên cơn hung hãn, anh ta đuổi bà chạy khắp làng, và buổi sáng, tỉnh ra, anh ta khóc nước mắt cá sấu, anh ta xin lỗi bà… Cả bà nữa, bà đẹp. Và thông minh. Ở ta đàn ông là thế – vua của các loài thú!

Bây giờ tôi phải nói với bà về Ioura… Đấy là chồng của Léna. Ở làng, người ta gọi anh là ‘’người chăn bò đọc sách’’, anh vừa chăn bò vừa đọc sách. Tôi thấy trong tay anh nhiều cuốn sách của các triết gia Nga. Với anh, ta có thể nói chuyện về Gorbatchev và về Nicolaï Fiodorov[2], về cải tổ và về sự bất tử của linh hồn… Những người đàn ông khác uống, còn anh, anh đọc. Ioura là một trong những người mơ mộng… Một tính cách suy niệm. Léna tự hào vì anh có thể giải các ô chữ trong nháy mắt. Nhưng vóc người anh rất bé… Thời tuổi thơ, anh lớn lên nhiều. Khi anh học lớp sáu, mẹ anh đưa anh lên Moskova và, ở đấy, người tiêm cho anh một mũi không biết là thứ gì vào cột sống. Và anh hoàn toàn ngừng lớn lên, anh cao một mét năm mươi. Anh đẹp trai, đúng vậy. Nhưng bên cạnh vợ, anh là một thằng lùn. Trong phim, chúng tôi thu xếp để không nhìn ra chuyện đó, tôi đề nghị người quay phim tạo ra một kiểu gì đó, tôi đã van ông ấy. Không nên để cho người ta thốt ra một tiếng về bí quyết quá đơn giản: cô ấy đã rời bỏ một thằng lùn để đi lấy một siêu nhân. Một người đàn bà quá ư bình thường! Trong khi Ioura là một người đàn ông đầy hiền minh, anh biết rằng hạnh phúc có thể có nhiều màu sắc. Anh đồng ý rằng Léna sống với anh trong bất cứ điều kiện nào, ngay cả nếu cô không phải là vợ anh, chỉ là bạn của anh. Cô ấy chạy tìm đưa những bức thư cô nhận được từ nhà tù cho ai xem? Chính là cho anh… Họ cùng đọc. Trái tim anh tan nát, nhưng anh lắng nghe… Tình yêu chịu đựng được lâu… Tình yêu không đố kỵ… Nó không thì thào và không biết cái ác… Ôi, mọi sự không quá đẹp đẽ như tôi nói, đương nhiên rồi… Cuộc sống của họ không toàn màu hồng. Ioura đã muốn tự sát… Bỏ đi đến nơi xa nhất có thể… Có những vụ rầy rà rất thật, với thịt và máu. Nhưng anh yêu cô…

Niệm tưởng

Tôi yêu cô ấy từ mãi mãi… Từ nhà trường. Cô ấy lấy chồng và cô ra thành phố. Nhưng tôi vẫn yêu cô.

Ấy là một buổi sáng… Mẹ và tôi, chúng tôi ngồi ở bàn, đang uống trà. Qua cửa sổ, tôi thấy Léna đang đi đến với đứa con trên tay, và tôi nói với mẹ: ‘’Mẹ ạ, Léna của con kia. Con có cảm giác cô ấy đến tìm con cho mãi mãi.’’ Từ hôm ấy, tôi vui và hạnh phúc, và thậm chí đẹp ra… Khi chúng tôi cưới nhau, tôi như ở trên thiên đường. Tôi hôn rối rít chiếc nhẫn cưới của tôi, tuy nhiên ngày hôm sau tôi đánh mất nó. Thật lạ, tôi đeo nó vừa khít, nhưng trong khi làm việc, tôi gỡ bao tay của tôi ra và khi tôi lại đi vào, thì tôi nhận ra không còn chiếc nhẫn nữa, tôi tìm nhưng không tìm ra. Léna, lúc nào cũng đeo chiếc nhẫn của cô, nó hơi trượt, nhưng không lần nào cô đánh mất cho đến ngày cô gỡ nó ra… Việc gì chúng tôi cũng cùng làm. Vâng, như vậy đấy! Chúng tôi rất thích hai người cùng đi ra suối, tôi mang xô, cô đi bên cạnh tôi, cô nói với tôi: ‘’Em sẽ làm cho anh thư giãn đôi chút!’’ Và cô kể cho tôi nghe một chuyện gì đó… Chúng tôi nằm trên vàng, nhưng đồng tiền là đồng tiền, hạnh phúc là hạnh phúc. Mùa xuân vừa đến, căn nhà lúc nào cũng đầy hoa. Lúc đầu chỉ có tôi mang về, về sau, khi bọn trẻ đã lớn, chúng tôi cùng đi hái. Chúng rất yêu mẹ chúng. Cô rất vui. Cô chơi đàn dương cầm (cô đã đi học trường nhạc), cô hát. Cô sáng tác ra các câu chuyện. Đến một lúc, chúng tôi có một chiếc tivi, một ai đó đã cho chúng tôi. Bọn trẻ dán vào màn hình, không thể kéo chúng ra nữa, chúng trở nên xa cách, gây gổ. Thế là, cô lấy cái tivi và cô đổ đầy nước vào, như một cái bể cá. Nó hỏng. ‘’Bọn con nên nhìn hoa và cây thì hơn. Và nói chuyện với bố và mẹ.’’ Bọn trẻ không hề phản ứng, là mẹ chúng nói mà…

Lúc ly hôn… Quan tòa hỏi: ‘’Nhưng tại sao anh chị lại chia tay? – Chúng tôi có những cách nhìn cuộc sống khác nhau. – Chồng chị uống rượu? Anh ấy đánh chị? – Anh ấy không uống rượu, anh ấy không đánh tôi. Nói chung, anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời. – Vậy thì tại sao anh chị ly hôn? – Tôi không yêu anh ấy. – Đấy không phải là một lý do đúng‘’. Họ cho chúng tôi một năm để suy nghĩ…

Đám con trai trong làng coi thường tôi. Họ khuyên tôi tống cổ cô ấy đi, cho cô ấy vào một nhà thương tâm thần… Cô ấy thiếu cái gì? Bà biết đấy, ai cũng có thể gặp chuyện đó. Sự ủ dột, nó như dịch hạch, nó có thể rơi trúng bất cứ ai. Ta đang ngồi trên một con tàu, ta nhìn qua cửa sổ, và ta thấy buồn. Chung quanh, mọi vật đều tuyệt vời, ta không rời mắt, nhưng nước mắt ta chảy, và ta không biết làm gì. Nỗi sầu muộn Nga nổi tiếng… Dù một con người đã có tất cả, thì hắn vẫn thiếu một điều gì đó. Và người ta vẫn tiếp tục sống. Họ chịu đựng. Nhưng cô, cô nói: ‘’Ioura, anh là một người đàn ông rất tốt, anh là người bạn tốt nhất của em. Anh ấy, anh ấy đã nửa đời ở trong tù, nhưng em cần anh ấy. Em yêu anh ấy. Nếu anh không để em ra đi, em sẽ chết. Em sẽ tiếp tục làm mọi việc phải làm, nhưng em sẽ chết.’’ Số mệnh, là một cái trò rất buồn cười…

Cô đã bỏ chúng tôi và cô đã ra đi. Bọn trẻ con đau khổ, chúng khóc lâu, nhất là đứa bé. Thằng bé Marveï của chúng tôi… Chúng chờ mẹ chúng trở về, và chúng chờ mãi. Tôi cũng thế, tôi chờ cô. Cô viết thư cho tôi: ‘’Nhất là, đừng bán cây đàn dương cầm.’’Đấy là vật có giá duy nhất chúng tôi có được trong nhà, cô thừa kế của bố mẹ… Buổi tôi, tất cả chúng tôi ngồi cùng nhau, và cô chơi cho chúng tôi một khúc gì đó… Làm như tôi có thể đem bán nó vì tiền! Cô không thể đuổi tôi ra khỏi cuộc đời cô, tạo nên khoảng hư không… Không làm được đâu. Chúng tôi đã sống chung mười lăm năm, chúng tôi đã có những đứa con. Đấy là một người đàn bà tốt, nhưng cô không giống những người khác… Cứ như cô không thuộc thế giới này… Cô nhẹ phổng, nhẹ phổng… Tôi, tôi là một kẻ nào đó trần tục. Tôi thuộc số những người cắm rễ trong đất này…

Người ta đã nói về chúng tôi trên tờ báo địa phương. Rồi, họ đưa chúng tôi lên Moskova, lên truyền hình. Vụ đó diễn ra như thế này: chúng tôi ở đó, trên một trường quay, và chúng tôi kể câu chuyện của mình trước một công chúng. Sau đó, có một cuộc thảo luận. Léna bị mọi người mắng chửi, nhất là các bà phụ nữ: ‘’Con điên khốn khổ! Thứ bị ám ảnh tình dục!’’ Họ sẵn sàng ném đá cho cô chết. ‘’Bệnh hoạn! Xấu xa!’’ Tôi, họ phủ đầu tôi túi bụi các câu hỏi… ‘’Con đàn bà tà dâm đó đã bỏ các người, anh và bọn trẻ con, nó không đáng một cái móng tay! Anh là một vị thánh. Nhân danh tất cả phụ nữ Nga, tôi nghiêng mình đến tận đất trước mặt anh …’’ Tôi muốn trả lời, nhưng tôi vừa mở miệng, họ liền bảo tôi: ‘’Thời gian của anh đã hết…’’ Tôi bật khóc. Mọi người đều tưởng là vì bực mình, vì tức giận. Nhưng điều khiến tôi khóc, là tất cả họ đều thông minh, đều có học đến thế, họ sống ở thủ đô, mà họ không hiểu chút gì hết.

Tôi sẽ chờ cho đến đủ thời gian cần có. Đủ thời gian cô ấy muốn… Tôi không thể hình dung mình với một người đàn bà nào khác . Nhưng đôi lúc… Đột nhiên tôi chợt…

Trích những cuộc trò chuyện trong làng

-Léna, là một thiên thần…

– Ngày trước, những người đàn bà như vậy, người ta giam trong một phòng hẹp, hoặc giả người ta cầm một con roi…

– Nếu cô ấy bỏ anh ta vì một người giàu, thì hiểu được! Những người giàu có một cuộc sống thú vị hơn. Nhưng một tên cướp, thì có thể có quan hệ gì với hắn được? Lại còn, là một tên chịu án chung thân! Thăm nuôi mỗi năm hai lần, tất cả chỉ có thế. Tất cả tình yêu của họ…

– Đấy là một người đàn bà lãng mạn. Cứ để cho cô ta sống câu chuyện của cô, rồi ra cô sẽ biết…

– Chúng ta, chúng ta có cái đó trong máu, lòng thương xót đối với những người đau khổ. Với những tên sát nhân và những kẻ mạo hiểm. Hắn có thể giết một con người, nhưng hắn có đôi mắt của trẻ sơ sinh. Vậy nên ta thương hại hắn.

– Tôi, tôi không hề tin chút nào ở con người nói chung, và những kẻ ở tù nói riêng. Trong tù chúng bực dọc. Vậy nên vụ đó giải trí cho chúng. Chúng dùng giấy than sao các lá thư của chúng: ‘’Con chim non bé nhỏ của tôi, tôi mơ ước em, em là vừng sáng long lanh trên cửa sổ của tôi…’’ Một con bé ngốc khốn khổ tin chuyện đó và lao vào cứu hắn: cô bê các gói bưu kiện trong những thùng không nhích lên nổi, cô gửi tiền cho hắn. Cô chờ hắn. Khi vừa được thả ra, hắn đến nhà cô, hắn ăn, hắn uống, hắn lấy tiền của cô, và một ngày đẹp trời, hắn biến mất trong thiên nhiên. Ciao[3]!

– Một tình yêu như vậy, con gái, giống như trong xi nê!

– Cô đã cưới một tên sát nhân, và cô đã bỏ một người chồng tốt. Và dẫu cô lại còn có những đứa con… Ba đứa con trai… Chỉ để mà mua một cái vé tàu… Cô phải đi cho đến đầu mút bên kia thế giới! Cô tìm ra tiền ở đâu? Cô không ngừng tước đi mẩu bánh mì trên miệng các con. Khi cô vào trong một cửa hàng, cô tự hỏi cô có nên mua đồ ăn cho chúng không.

– Một người đàn bà cần phục tùng chồng mình… Họ đi cùng nhau đến với Đức Ki-tô. Nếu không, đúng như thế, thì để làm gì? Nếu ta không có mục đích đó, thì phỏng để làm gì?

Chúa đã nói: Không có Ta, các người không thể sáng tạo gì hết. Và cô ấy, cô thử sáng tạo từ chính trí tuệ của cô. Đấy là kiêu ngạo! Ở đâu không có sự nhún nhường, thì ta gặp một sức mạnh khác. Đấy là quỷ sứ đã chen vào rồi.

– Cô ấy phải vào tu viện, tìm con đường cứu rỗi. Con người tìm thấy sự cứu rỗi trong đau khổ. Đau khổ, thậm chí phải đi tìm nó…

Tiếp cuộc trò chuyện của tôi với Irina Vassilieva

Tôi cũng vậy, tôi đã hỏi cô ấy: ‘’Cô có biết cô chỉ được quyền thăm nuôi hai lần trong một năm không, Léna? – Vậy thì sao? Thế là đủ cho tôi rồi. Tôi sẽ ở cùng anh ấy trong ý nghĩ. Bằng con tim.’’

Để thăm anh, phải đi rất xa, lên vùng Bắc. Trên đảo Ognienny[4]. Thế kỷ XIX, các đệ tử của Serge Radonège đã đi bộ lên đến đấy và họ đã khai phá rừng. Trong khi xoi đường trong rừng, họ nhìn thấy một cái hồ, và giữa hồ, những lưỡi lửa. Đầy là Hồn thiêng hiện lên với họ. Họ đã chở đất bằng thuyền đến chỗ đó, họ tạo nên một hòn đảo, và họ xây trên đó một tu viện. Với những bức tường dày một mét rưỡi. Hôm nay, tu viện ấy là một nhà tù cho những tên tội phạm nguy hiểm nhất. Cho các tử tù. Trên mỗi cửa xà lim, có một tấm bảng ghi các tội ác tên tù đã phạm: đã dùng dao giết chết Ania, bảy tuổi… Nastia, mười hai tuổi… Khi đọc cái đó, ta khiếp đảm, nhưng khi bước vào, ta gặp một con người hoàn toàn bình thường, người ấy chào ta… Hắn xin ta một điếu thuốc, và ta cho hắn. ‘’Ngoài kia đang có chuyện gì thế? Ở đây, thậm chí không biết thời tiết thế nào.’’ Họ sống trong đá. Khắp chung quanh là rừng và đầm lầy. Không bao giờ có ai vượt ngục.

Lần đầu tiên, Léna đã đến đó mà không nghĩ rằng người ta có thể không cho cô thăm. Cô gõ cửa ở quầy, nơi người ta đặt giấy tờ, nhưng chẳng ai chịu nghe cô. ‘’Ông giám đốc nhà tù đến kia. Đến mà nói với ông ấy.’’ Cô lao tới chỗ ông ấy. ‘’Xin cho phép tôi được thăm một người tù! – Ai thế? – Tôi đến thăm Volodia Polboutski. – Cô không biết ở đây giam giữ những tội nhân đặc biệt nguy hiểm sao? Chế độ rất chặt chẽ: mỗi năm họ được cho thăm hai lần ba ngày và ba lần hai tiếng. Chỉ những người thân gần gũi mới được phép, mẹ, vợ, chị em. Cô là gì với hắn? – Tôi yêu anh ấy.’’ Được rồi, chẳng cần nhọc công giải thích, cô này, đáng gửi đến nhà thương tâm thần! Ông giám đốc đã muốn bỏ đi, nhưng cô nắm một cái cúc áo níu ông lại. ‘’Tôi yêu anh ấy, ông có hiểu không! – Nhưng cô không có quan hệ gì với hắn cả. – Vậy thì, ít ra tôi nhìn qua anh ấy một chút thôi! – Vì cô chưa bao giờ nhìn thấy hắn à?’’ Tới lúc đó mọi người bắt đầu cười nhạo, và những người gác bước lại gần: xem nào, cái con điên này là thế nào đây? Ha ha ha! Và cô bắt đầu kể cho họ nghe giấc mơ cô thấy hồi mười tám tuổi, cô nói với họ về người chồng và ba đứa con của cô, cô bảo rằng cô yêu người đàn ông đó từ mãi mãi. Sự thành thật và chân thành của cô có thể làm sụp đổ bất cứ bức tường nào! Đứng trước cô, người ta nhận ra có một điều gì đó khập khiễng trong cuộc sống vốn rất nền nếp của họ, rằng họ là một thứ đồ súc sinh đặc quánh, rằng họ thật nghèo năng lực xúc cảm. Ông giám đốc nhà tù không quá trẻ, và với công việc ông làm, ông từng chứng kiến bao chuyện lạ đời… Ông tự đặt mình vào địa vị của cô. ‘’Được rồi, vì cô đã tới từ xa đến thế, tôi sẽ cho một cuộc viếng thăm sáu tiếng, nhưng sẽ có một người lính gác cùng với cô. – Hai người cũng được, nếu ông muốn! Dẫu thế nào, tôi cũng sẽ nhìn thấy mỗi anh ấy…’’

Tất cả những gì là dư thừa, là quá khổ ở cô, cô trút hết lên anh chàng Volodia ấy: ‘’Anh không biết em hạnh phúc đến thế nào đâu… Em đã chờ anh suốt cuộc đời em, và thế là cuối cùng chúng ta đã sum họp!’’ Anh ta, tất nhiên, anh không được chuẩn bị cho điều đó. Anh đã có những lần viếng thăm của một người phụ nữ theo thuyết rửa tội mà anh có quan hệ. Về chuyện đó, mọi sự đều rõ ràng: một người đàn bà hiền từ rất chi là bình thường, trẻ, có một cuộc đời thất bại. Cô ấy cần một người đàn ông, một con dấu hôn nhân trên tấm hộ chiếu của cô. Còn ở đây, là cả một tấm lòng nồng nhiệt, một niềm mê đắm! Có một người nào đó quyết móc chặt vào cuộc đời mình đến thế, điều ấy khiến bất cứ kẻ nào cũng cảm thấy sợ. Anh ta, chuyện này khiến anh ta rối óc… Cô nói với anh: ’’Em van anh, cho phép em được cưới anh! Để người ta cho em có quyền được thăm anh và em có thể nhìn thấy anh. Đấy là tất cả những gì em xin anh. – Nhưng em đã có chồng! – Em sẽ ly dị. Em chỉ yêu anh.’’ Cô đã đi với một chiếc túi đầy những lá thư của anh trên ấy đặc kín các hình vẽ nhỏ những chiếc trực thăng và hoa. Cô không thể rời chúng một giây. Đối với cô đây là cực điểm hạnh phúc, bởi cả cuộc đời cô, cô đi tìm cái tuyệt đối, mà cái tuyệt đối thì chỉ có ở cái được viết ra, nó chỉ có thể được thực hiện hoàn toàn trên giấy. Trên mặt đất, trên giường, cái đó không tồn tại. Không thể tìm ra nó ở đấy. Tất cả những gì quan hệ với những người khác – đôi lứa, gia đình… Chỉ là một thỏa ước.

Cứ như cô được thúc đẩy bởi một điều gì đó… Là gì vậy, cái lực ấy? Giấc mơ ấy có bản chất gì vậy?

Cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng đã đến đảo Ognienny. Chúng tôi cần rất nhiều giấy tờ và giấy phép với những con dấu tròn. Nhiều cuộc điện thoại… Khi chúng tôi đến, Volodia đuổi cổ chúng tôi đi. ‘’Tại sao các người lại bày cái trò xiếc này?’’ Anh ta đã sống nhiều năm trong cảnh cô đơn, anh đã mất thói quen với con người. Anh trở nên nghi kỵ, anh không tin ai hết. May là có Léna cùng chúng tôi. Cô nắm bàn tay anh. ‘’Volodia bé nhỏ của em…’’ Và anh ta trở nên dịu hiền như một con cừu non. Cùng nhau chúng tôi đã thuyết phục được anh, nếu không phải là anh đã là anh đã suy nghĩ, anh ta không dại đâu: trong những trường hợp đặc biệt, sau hai mươi năm, người ta có thể áp dụng một lệnh ân xá. Nếu chúng tôi quay một bộ phim về anh, anh sẽ là một nhân vật nổi tiếng ở đia phương và điều đó có thể có lợi cho anh về sau… Ở trên ấy, tất cả bọn họ đều mong được sống. Họ không thích nói đến cái chết…

Chúng tôi đã bắt đầ từ đó…

Chúa

Một mình tôi trong một xà lim, tôi chờ cuộc hành quyết. Tôi suy nghĩ nhiều… Nhưng ai có thể giúp ta giữa bốn bức tường? Thời gian không còn tồn tại, là một thứ trừu tượng. Tôi cảm nhận một hư vô như thế… Và một hôm, điều ấy cứ thế mà đến: ‘’Lạy Chúa, nếu quả Người tồn tại, chỉ xin cứu giúp con! Xin đừng bỏ con! Tôi không xin được phép lạ, chỉ ‘’xin hãy giúp con hiểu điều gì đã đến với con.’’ Tôi sụp quỳ xuống. Tôi cầu nguyện. Chúa không bắt người đã quay về với Người phải chờ lâu.

Bà chỉ cần đọc hồ sơ của tôi: tôi đã giết một con người. Tôi mười tám tuổi. Tôi vừa kết thúc trường học, tôi viết những bài thơ. Tôi muốn được lên học ở Moskova. Để trở thành nhà thơ. Tôi sống một mình cùng mẹ tôi. Chúng tôi không có tiền, tôi phải tự tìm lấy tiền mà học. Tôi tìm được một công việc ở một gara. Buổi tối, ở làng có những hội khiêu vũ… Và tôi đem lòng yêu một cô gái đẹp. Tôi say đến điên. Một hôm, chúng tôi đi về sau buổi tối. Đang mùa đông, trời tuyết… Đã có những cây thông long lanh ở các cửa sổ. Sắp đến Năm Mới. Tôi không uống. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện… Và cô ấy hỏi tôi: ‘’Anh yêu em thật không? – Hơn cả cuộc đời! – Và anh có thể làm gì vì em? – Anh có thể tự giết mình. – Tự giết mình, thì có là gì đâu. Nhưng anh có thể vì em mà giết chết người đầu tiên chúng ta sẽ gặp không? Tôi không biết đấy là một lời nói đùa hay tôi đã gặp phải một cô gái giang hồ… Tôi không còn chút kỷ niệm gì về cô, thậm chí tôi đã quên khuôn mặt cô, cô ấy không viết thư cho tôi một lần nào khi tôi ở tù. ‘’Thế nào? Anh có thể giết chứ?’’ Cô phá lên cười khi nói thế. Và tôi, tôi là một người đàn ông, một người đàn ông thật sự! Tôi phải chứng minh tình yêu của tôi. Tôi rứt một tấm ván trên hàng dậu… Trời tối đen. Và tôi đứng đó chờ. Cô ấy cũng vậy, cô chờ. Rất lâu, không có ai đi qua, và cuối cùng, một người đàn ông đi đến. Tôi phang một phát lên đầu anh ta. Vlan! Một lần, hai lần … Anh ta gục xuống. Và tôi tiếp tục đánh. Với tấm ván đó. Đấy là thầy giáo của chúng tôi.

Lúc đầu, tôi bị kết án tử… Sáu sáu tháng, án tử được giảm xuống chung thân. Mẹ tôi đã từ tôi. Chị tôi viết thư cho tôi một thời gian, rồi thì ngưng. Đã lâu, tôi chỉ một mình… Đã mười bảy năm tôi bị giam chặt trong chiếc xà lim này. Mười bảy năm. Một cái cây, hay bất cứ một con vật nào, chúng, chúng không biết thế nào là thời gian. Chúa nghĩ thay cho chúng. Thế đấy, đối với tôi thì cũng như vậy… Tôi ngủ, tôi ăn, người ta cho tôi ra đi dạo… Ở đây, chỉ thấy trời qua song sắt. Trong xà lim, có một chiếc giường, một cái ghế đẩu, một cái cốc, một cái thìa… Những người khác sống bằng các kỷ niệm của họ. Nhưng tôi, tôi có thể có được kỷ niệm gì? Tôi không biết gì hết, tôi không có thời gian để sống dù là một chút gì. Khi tôi nhìn lại phía sau, là đen ngòm, với thỉnh thoảng một bóng đèn cháy. Thường nhiều hơn cả, là tôi thấy mẹ… đứng trước lò bếp của bà, hay trước cửa sổ nhà bếp. Ngoài kia nữa, là hoàn toàn đen…

Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh… Tôi không thể rời ra được… Tôi run rẩy toàn thân. Tôi nói với Người: ‘’Người trừng phạt con vì tội gì vậy thế này?’’ Người ta cám ơn Chúa vì mọi niềm vui của họ, nhưng khi sa vào đau khổ, họ thét lên: ‘’Tại sao lại là tôi?’’ Họ không tìm hiểu ý nghĩa của những gì họ phải chịu đựng. Đặt cuộc đời họ vào đôi tay Người.

Và đột nhiên Léna đến… Cô nói với tôi; ‘’Em yêu anh.’’ Cả một thế giới mở ra trước mặt tôi… Tôi có thể tưởng tưởng ra bất cứ điều gì… Một gia đình, những đứa con… Sau màu đen tuyệt đối, tôi đã trở lại trong ánh sáng rực rỡ nhất… Tôi được bao bọc bằng ánh sáng… Vâng, đúng vậy, tình huống không bình thường: cô có một người chồng và ba đứa con, và cô bày tỏ tình yêu của cô với một người không quen biết, cô viết thư cho người ấy. Nếu tôi ở vào vị trí của chồng cô… Tôi không biết tôi sẽ làm gì! ‘’Em là một nữ thánh hay sao? – Không có tình yêu mà không có sự hy sinh. Nếu không, thì tình yêu ấy là gì vậy?‘’ Tôi không biết có tồn tại những người phụ nữ như vậy… Làm sao tôi có thể biết điều đó, ở trong tù? Có những con người và những rác rưởi, vậy đó thôi. Và rồi cô đến, vì cô, đêm tôi không thể chợp mắt. Khi cô đến, cô khóc, cô cười. Và bao giờ cô cũng đẹp.

Chúng tôi cưới nhau rất nhanh. Sau đó chúng tôi quyết định làm một lễ cưới theo tôn giáo… Trong tù có một nhà thờ nhỏ. Và biết đâu các thiên thần hộ mệnh của chúng tôi có ghé nhìn về phía chúng tôi?

Trước khi gặp Léna, tôi ghét tất cả phụ nữ, tôi nghĩ rằng tình yêu, chỉ đúng là một vấn đề kích thích tố. Là ham muốn xác thịt… Nhưng cô ấy, cô không sợ các từ, cô thường nói: ‘’Em yêu anh! Em yêu anh!‘’ Tôi, thì tôi đứng đấy, không nhúc nhích… Tất cả những cái đó… Nói với bà thế nào? Tôi không quen với hạnh phúc. Có những lúc, tôi tin nó. Tôi muốn tin đấy là thật, rằng người ta có thể yêu tôi, chỗ khác nhau duy nhất giữa những người khác và tôi, là họ, họ tự coi mình là những người tốt. Nhưng một con người không tự biết được chính mình, nếu hắn biết chính hắn, hắn sẽ kinh hoảng. Có thể bà nghĩ rằng tôi tin tôi có thể… có thể biến thành thú hoang? Không bao giờ? Tôi tin rằng tôi là một người tốt. Mẹ hẳn còn giữ đâu đó những cuốn vở thơ của tôi, nếu bà chưa đốt… Những lần khác… Tôi sợ… Tôi sống trong cô đơn quá lâu, tôi không thể thoát ra khỏi nó. Tôi rất xa cuộc sống bình thường. Tôi trở nên bực dọc và hoang dã… Tôi sợ điều gì? Tôi sợ câu chuyện của chúng tôi, sẽ chỉ là điện ảnh, và tôi, điện ảnh, tôi không cần nó! Có thể là tôi chỉ là mới bắt đầu sống… Chúng tôi muốn một đứa con… Cô ấy đã có thai, nhưng rồi bị sẩy. Chúa đã nhắc tôi rằng tôi là một kẻ có tội…

Điều ấy làm tôi hoảng sợ… Tôi khiếp sợ đến mức có những lần tôi đã muốn tự sát, hay là… Cô ấy nói với tôi làm tôi làm cô ấy sợ. Và cô không bỏ đi… Chuyện này sẽ là một cuốn phim hay cho bà, đúng không?

Trích những cuộc trò chuyện bên trong nhà tù

– Toàn những điều ngu ngốc, tất cả các chuyện này! Phải đưa cô ta đến bác sĩ tâm thần, cái cô gái giang hồ ấy!

– Ngày trước, những phụ nữ như thế, tôi thấy trong sách… Những người vợ của những người tháng chạp… Đấy là văn học! Nhưng trong cuộc sống… Léna, là người duy nhất như thế tôi từng gặp. Quả thật, lúc đầu tôi không tin chuyện đó. ‘’Có thể cô ấy điên?’’ Và về sau, cứ như có một sự đảo ngược bên trong tôi… Jésus cũng vậy, người ta coi ông là một người điên. Thực tế, cô ấy còn bình thường hơn tất cả những người bình thường!

– Một lần, đêm tôi đã không ngủ được vì cô ấy. Tôi nhớ cả tôi cũng vậy, tôi đã biết một người phụ nữ yêu tôi vô cùng…

– Đấy là cây thập tự của cô ấy. Cô đã nhận lấy cây thập tự của cô và cô vác nó. Một người phụ nữ Nga chân chính!

– Tôi biết tay ấy, Volodia!… Một vị hôn phu ư? Là một tay ngu ngốc bẩn thỉu, cũng giống như tôi. Tôi sợ cho cô ấy. Đấy không phải là người cứ cưới lấy một ai đó để rồi bỏ rơi người ta sau đó. Cô sẽ làm tất cả để là một người vợ. Còn hắn ta, hắn có thể cho cô những gì? Ở đây, người ta không có khả năng cho bất cứ thứ gì cả. Người ta có tất cả tội ác đè nặng trên lương tâm. Điều duy nhất người ta có thể làm, là không lấy gì hết. Nếu ta nhận một cái gì đó, thì có nghĩa là ta vẫn còn lấy cắp của một ai đó… Và cô không sợ làm một người đàn bà hạnh phúc.

– Trong Kinh Thánh… Không nói rằng Chúa là nhân từ, hay công bằng… Mà Người là tình yêu.

– Ngay cả linh mục… Khi ông đến, ông đưa bàn tay cho tôi qua song sắt và ông thu lại nhanh nhất có thể, ông không nhận ra điều đó, nhưng tôi thấy rõ. Điều đó có thể hiểu. Tôi có máu trên bàn tay… Nhưng cô ấy, cô đã trở thành vợ của một tên sát nhân, cố tin hắn, cô chia sẻ tất cả với hắn. Bây giờ, mỗi chúng tôi tự nhủ rằng mọi thứ không phải đã hết. Nếu tôi không biết có sự tồn tại của người phụ nữ ấy, mọi thứ ở đây sẽ khó nhọc hơn rất nhiều đối với tôi.

– Tương lai nào chờ họ? Tôi, tôi sẽ không đưa một xu cho một bà thầy bói để biết được điều đó…

– Bọn đần độn khốn khổ! Cứ làm như là có tồn tại thứ ấy, các phép lạ! Cuộc sống, không phải là một con tàu trắng tinh với những cánh buồm trắng! Đấy là một đống phân bọc sôcôla.

– Cái cô ấy tìm, cái cô ấy cần, không sinh linh nào trên trái đất này có thể cho cô, chỉ có Chúa…

Họ làm lễ cười theo nghi thức tôn giáo trong tù. Tất cả đã diễn ra đúng như Léna hình dung: những cây nên cháy rực, những chiếc nhẫn bằng vàng… Dàn đồng ca hát: ‘’Isaïe, điệu hoan ca…’’

Linh mục: Vladimir, con có ý chí, tốt đẹp và không bị ép buộc, và tâm nguyện chắc chắn lấy Éléna con đang thấy trước mặt con đây làm vợ không?

Người chồng: Vâng, thưa cha.

Linh mục: Éléna, con có ý chí, tốt đẹp và không bị ép buộc, và tâm nguyện chắc chắn lấy Vladimir con đang thấy trước mặt con đây làm chồng không?

Người vợ: Vâng, thưa cha.

Linh mục: Con có cam kết với ai khác không?

Người vợ: Không, thưa cha.

Linh mục: Lạy Chúa, xin Người thương xót…’’

Irina Vassilieva, một năm sau

Bộ phim của chúng tôi được chiếu trên kênh chính của đài truyền hình… Chúng tôi đã nhận được những bức thư của khán giả. Điều ấy khiến tôi vui nhưng… thế giới ta đang sống có điều gì đó chệch choạc. Như trong lời đùa cợt nổi tiếng, bà biết đấy: ở ta, con người thì tốt, nhưng nhân dân lại xấu… Tôi nhớ một số câu… ‘’Tôi ủng hộ án tử hình, ủng hộ tuần hoàn chất thải người’’, ‘’Những con quái vật như nhân vật của bà, cái thứ siêu nhân-sát nhân đó, cần phanh thây chúng ra trên Hồng trường trước mọi người, và bày cái đó ra giữa những lần quảng cáo các thanh sôcôla’’, ‘’Chỉ cần thứ nghiệm những loại thuốc mới trên các cơ quan trong cơ thể chúng’’… Nếu ta xem trong từ điển Dahl, thì từ Nga dobrota, ‘’nhân hậu’’ là xuất phát từ động từ dobrovat, ‘’có của cải’, ‘’sống sung túc’’… Ấy là khi có sự ổn định và phẩm cách… Nhưng tất cả những cái đó, không có ở ta. Cái ác không đến từ Chúa. Thánh Antoine đã nói: ‘’Chúa không mang tội về cái ác, Người đã cho con người trí thông minh, khả năng phân biệt cái thiện với cấi ác…’’ Quả đã có những bức thư tuyệt vời, như bức thư nói: ‘’Tự khi có bộ phim của bà, tôi tin ở tình yêu. Quả thật, dẫu sao Chúa vẫn tồn tại…’’

Các bộ phim tài liệu, đấy là những tình tiết… và những cái bẫy, thể loại tài liệu có cái điều mà tôi sẽ gọi là một thiếu sót có tính bản chất: một khi phim đã làm xong, cuộc sống vẫn tiếp tục. Các nhân vật của tôi không phải là những sáng chế, đấy là những con người sống, rất thật, và họ không phụ thuộc vào tôi, ý chí của tôi, những tư tưởng của tôi và tính nghề nghiệp của tôi. Sự hiện diện của tôi trong cuộc đời họ là ngẫu nhiên và tạm thời. Tôi không tự do bằng họ. Nếu tôi có thể… Tôi sẽ để cả đời quay một nhân vật duy nhất. Hay một gia đình duy nhất. Ngày tiếp ngày. Họ cầm tay các con họ… Họ đi về nhà nghỉ nông thôn… Họ trò chuyện vừa uống trà, hôm nay họ nói một chuyện này, ngày mai một chuyện khác… Họ cãi nhau… Họ mua báo… Xe hơi của họ bị hỏng… Mùa hè chấm dứt… Một ai đó khóc… Chúng ta dự vào tất cả những cái đó, nhưng có nhiều chuyện diễn ra không có chúng ta. Bên ngoài ta. Nắm lấy một lúc hay theo một người trong một thời gian nào đó, như thế không đủ cho tôi. Không đủ! Tôi không thể rời được các nhân vật của tôi, tôi không biết cách làm điều đó… Tôi kết bạn với họ, tôi viết cho họ, tôi gọi điện cho họ. Chúng tôi gặp lại nhau. Tôi tiếp tục quay phim họ lâu bền trong tôi, những hình ảnh mới diễu qua trước mắt tôi. Cứ như thế tôi có hàng chục bộ phim bên trong…

Một trong những bộ phim đó dành cho Léna Razdouïeva. Tôi có một cuốn sổ tay với những ghi chép. Một thứ gì đó như là kịch bản của một bộ phim không bao giờ tồn tại…

‘’… Cô đau khổ khi làm việc đó, nhưng cô không thể không làm…’’

‘’… Đã rất nhiều năm trôi qua trước khi cô quyết định nhìn hồ sơ của anh. Nhưng những gì cô đọc được không khiến cô sợ: ‘’Cái đó chẳng làm thay đổi gì hết, dẫu sao đi nữa cô vẫn yêu anh. Bây giờ tôi là vợ anh trước Chúa. Anh ấy đã giết một con người bởi vì lúc đó, tôi không ở cạnh anh. Tôi phải nắm bàn tay anh và đưa anh ra khỏi đó…’’

‘’… Một vị biện lý cấp vùng cũ bị giam ở đấy, trên đảo Ognienny. Anh trai ông và ông đã dùng rìu giết hai người phụ nữ, một người kế toàn và một thủ quỹ. Ông ta đang viết một cuốn sách về cuộc đời ông. Thậm chí ông không đi ra ngoài trong các cuộc đi dạo để khỏi mất thời gian. Họ đã ăn cắp một món tiền chẳng đáng gì. Vì sao? Họ chẳng hề biết gì cả… Hay một người thợ khóa đã giết vợ và hai con của ông. Trước đó, tất cả những gì ông từng có trong tay chỉ là một cái mỏ lét, và bây giờ các bức tường trong tù của ông đầy những bức tranh do ông vẽ. Mỗi con người đó mang trong mình gánh nặng của những con quỷ nội tâm của họ và tìm cách biểu lộ ra những gì họ có ở trong tim họ. Các vụ giết người cũng bí ẩn đối với kẻ giết người như dối với các nạn nhân…’’

‘’… Một cuộc trò chuyện nghe được ở trên ấy: ‘’Cậu có nghĩ rằng Chúa có tồn tại? – Nếu Người tồn tại thì cái chết không phải là kết thúc của tất cả. Tôi không hề muốn Người tồn tại.’’

‘’… Tình yêu, là gì vậy? Volodia cao lớn và đẹp. Ioura là một thằng lùn… Cô ấy đã thú nhận với tôi là trong tư cách đàn ông, Ioura thỏa mãn cô nhiều hơn… Duy có điều, đây là bổn phận của cô… Chồng cô là vậy đó, anh ấy đã gặp một tai họa. Cô cần phải cầm lấy bàn tay mà dắt anh đi…’’

«… Lúc đầu, cô sống trong làng với hai con của cô và cô đi thăm anh mỗi năm hai lần. Anh ấy đã đòi hỏi cô bỏ tất cả và lên sống ở trên ấy. ‘’Em lừa dối anh, anh có cảm giác em lừa anh! – Làm sao em có thể bỏ các con em, Volodia? Matveï còn bé tí, về cơ thể, nó cần em. – Em là một người công giáo… Em phải phục tùng chồng mình, tuân lời chồng…’’ Cô đội một chiếc khăn choàng đen lên đầu, và cô sống cạnh nhà tù. Cô không có việc làm, và ông linh mục cho cô trú trong nhà thờ địa phương. Cô làm công việc nội trợ. ‘’Volodia ở ngay cạnh… Tôi cảm nhận được anh đang ở đó… Tôi viết cho anh: ‘’Đừng sợ gì hết, có em cùng anh đây…’’ Đã bảy năm nay, ngày nào cô cũng viết cho anh.’’

‘’… Ngay tức thì sau đám cưới, Volodia đã muốn lúc nào cô cũng viết cho anh rằng anh là bố của ba đứa con và anh phải chăm nom chúng. Đó là cơ may duy nhất anh được thả. Chỉ có điều, Léna là một người phụ nữ thanh liêm… Cô cố gắng làm điều đó, nhưng cô không thể. ‘’Dẫu sao anh đã giết một con người. Không có tội lỗi nào lớn hơn.’’ Vậy là anh gây gổ với cô kinh khủng. Không cần một người vợ như thế. Anh cần một người vợ giàu có hơn, với các mối quan hệ. Anh đã chán vị nữ thánh này.’’

‘’… Anh ở tù từ năm mười tám tuổi. Thời ấy còn là Liên Xô, cuộc sống xô viết. Và con người, là con người xô viết. Là chủ nghĩa xã hội. Anh không về biết chút gì về chuyện đất nước là như thế nào hôm nay. Nếu anh ra tù, anh sẽ té lộn nhào trước cuộc sống mới này. Sẽ là một vố nặng đối với anh… Anh không có nghề nghiệp gì cả, gia đình anh đã quay lưng lại với anh. Và anh đầy căm hận. Một hôm, trong tù, anh cãi nhau với một người bạn, anh suýt cắt cổ anh ấy. Léna hiểu rằng cô sẽ phải đưa anh đi đâu đó, xa con người. Ước mơ của cô, là cả hai họ cùng làm nghề gác rừng. Sống trong rừng. Giữa cây cói và những con vật câm…»

‘’… Hơn một lần cô đã nói với tôi: ‘’Đôi mắt anh ấy đã trở nên thật lạnh, thật trống không! Một ngày nào đó, anh sẽ giết tôi. Với một đôi mắt như vậy, tôi biết anh sẽ giết tôi…’’ Nhưng điều đó lôi cuốn cô, cái vực thẳm đó lôi cuốn cô… Vì sao? Cứ như là tôi đã không chú ý, cả tôi nữa, cái loại hiện tượng đó ở trong tôi… Bóng tối, cái đó lôi cuốn…’’

‘’… Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, cô nói với tôi: ‘’Tôi không muốn sống nữa! Tôi không còn có thể!’’ Cứ như cô đang hôn mê, không sống, không chết…’’

Chúng tôi quyết định cùng nhau đi thăm lại Léna. Nhưng đột nhiên cô biến mất. Không còn chút dấu vết nào. Có tin đồn hiện nay cô sống trong một nhà tu khổ hạnh hẻo lánh. Với những người nghiện, những người bệnh sida… Ở đấy, có nhiều người nguyện được lặng im.


[1] Nông dân Nga. (ND)

[2] Nicolaï Fiodorov (1828-1906), nhà tư tưởng và triết gia Nga, được coi là ‘’Socrate Nga’’. Ông là một trong những người sáng lập cái gọi là ‘’chủ nghĩa vũ trụ’’ Nga.

[3] Tiếng Ý: Chào! Tạm biệt! (ND)

[4] Đảo nhỏ trên hồ Novozero, trong vùng Vologda. Tên có nghĩa đen là ‘’đảo lửa’’, ‘’đảo cháy rực’’

Comments are closed.