Vài kỷ niệm nhỏ về Bùi Ngọc Tấn

Nguyễn Ngọc Giao

Qua anh Vũ Thư Hiên tôi mới được biết anh Bùi Ngọc Tấn và được đọc tập Những người rách việc. Tôi xin đăng ngay trên Diễn Đàn truyện ngắn mà tôi thích nhất trong tập sách : Người chăn kiến. Khi biên tập để lên khuôn, khựng lại ở mấy chữ sân “xê rôm” không có trong từ điển nào, tôi điện thoại cho Vũ Thư Hiên, người đã ở gần 7 năm trong tù. Anh Hiên không biết : các nhà tù anh trải qua không có cái sân nào như vậy. Thế là chỉ còn cách điện thoại cho tác giả — tuy hồi ấy, cũng như bây giờ, tôi không thích gọi điện thoại mà biết có người nghe trộm, và phải nói thêm : điện thoại viễn liên thời ấy rất đắt. Người nhấc máy : “Bố cháu ra phố, nửa giờ nữa mới về”. Hơn nửa giờ sau, gọi lại, được nói chuyện ngay với anh. Sau này, tôi cũng không nghĩ hỏi lại anh, không biết anh nghĩ sao khi có một tay cha căng chú kiết từ phương tây gọi lại, chỉ để hỏi cái sân “xê rôm” kia là cái sân gì, chắc là từ tiếng tây, nhưng tiếng gì. Anh Tấn nói anh cũng không biết, chỉ thấy trong tù người ta gọi như vậy. Chỉ còn cách xin anh mô tả xem nó ra sao. Trong nhà tù Hải Phòng, xây từ thời Pháp (chắc nơi này đã từng giam “chính trị phạm” đợi tàu đi đày Tân Đảo, Côn Lôn…), cái sân “xê rôm” giữ một vị trí đặc biệt : cai tù đứng từ đó, có thể mở cửa sổ mắt lưới nhìn vào các phòng giam, từ bốn năm phía châu đầu vào cái sân. Hẵng biết vậy, mặc dầu hai “cú” điện thoại viễn liên vẫn chưa mang lại từ nguyên của hai tiếng “xê rôm”.

Câu hỏi vẫn lởn vởn trong đầu, ít lâu sau, tôi mang bộ từ điển bách khoa Universalis (lúc đó chưa có bản trực tuyến trên mạng, tôi chưa tống khứ cho khỏi chật tủ sách) ra tra. Nhà tù, rồi kiến trúc nhà tù. Mới hay trong thế kỷ XIX đã có một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới kiến trúc và cầm quyền về cách thiết kế trại giam. Phe thắng thế cuối cùng là phe chủ trương phải có “cour centrale” (sân trung tâm), đứng từ vị trí trung tâm đó, có thể giám sát các phòng giam xếp theo hình cánh sao hội tụ vào đó. Ôi, “centrale” (đọc là xăng t’ran) của cai tù, qua tai bình dân, hóa ra đã trở thành “xê rom“, như oeuf au plat đã trở thành trứng lập là, ventre à terre chạy văng tê, chứ không như Montesquieu đã phải chạy qua Đông Kinh, đánh một vòng về  Thượng Hải Quảng Châu mới thành Mạnh Đức Tư Cưu, inspiration thành yên sĩ phi lí thuần, humour nghiêm mặt thành u mặc… Chữ “xê rom” dường như chuyện dụng ở Hải Phòng. Còn ở Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò mang tên “Maison Centrale…”, thì “centrale” lại trở thành xăng tan với những đòn xăng tan nổi tiếng khắp nước.

Cái duyên của tôi với anh Tấn bắt đầu từ hai tiếng “xê rom” đó. Còn kỳ ngộ, thì phải mấy năm sau, mới được đón anh ở Paris (hai lần) và xuống Hải Phòng thăm anh chị khi tôi có thể về nước.

Bùi Ngọc Tấn trước Cổng Địa Ngục, tác phẩm của A. Rodin (Paris)
(ảnh NNG)

Một buổi trưa ở ngõ 10 Điện Biên Phủ, Hải Phòng, tôi không nhớ chúng tôi nói những chuyện gì, chỉ nhớ bầu không khí “về nhà” của buổi gặp. Còn lại trong ký ức là hình ảnh anh chị ngồi bên nhau trong căn phòng hai mươi mét vuông (cái gác xép mới làm cách đó không lâu) suốt mấy chục năm trời, sáu người sống trong đó (trừ thời gian 1968-1973, chỉ có năm người). Nhìn chị Bích ngồi đây, nụ cười hiền hòa, sao đếm được những lần thăm nuôi, những đêm mất ngủ ? Và không thể quên, cái cầu thang tối om, ọp ẹp đưa lên phòng anh chị. Và căn phòng bên cạnh, mà đọc không biết trong truyện nào (hình như Cún), tôi biết đó là nhà anh công an tình báo, cuối đời hoang tưởng, nhìn ai cũng thấy công an. Lúc anh tiễn ra về, tôi hỏi anh, anh nói đúng. Anh gõ cửa. Không ai trả lời. Không biết anh ta đi vắng, hay không muốn tiếp… công an. Có lẽ tôi không diện kiến lại hơn. Đối với tôi, anh ta mãi mãi là một điều bí ẩn, một thảm kịch không tên.

Ở Paris, lần đầu anh sang là do lời mời của em họ người bạn thân của anh, nhà văn Nguyên Hồng. Lần đó, chúng tôi ra sân bay đón anh. Lần sau, khi được tin anh tới Paris, đi tìm, thì anh Hiên đã đưa anh sang Đức, và hình như cả Tiệp… Bỗng một hôm, chuông điện thoại réo. Ở đầu dây bên kia, anh Tấn : “Anh có thể đến… giải thoát cho tôi không ?”. Anh Hiên giới thiệu anh Tấn tới ở nhà anh chị bạn. Anh bạn đã đưa anh Tấn đi chơi vùng Normandie, khi trở về, cả hai anh chị phải đi làm, thế là anh Tấn quanh quẩn trong căn hộ khang trang ở một ngoại ô xa, và cũng không biết chính xác địa chỉ ngôi nhà mình đang ở. Sau một vòng điện thoại, tôi tìm ra và đến… giải thoát anh ra khỏi “ấp chiến lược”, và đưa anh đi chơi, gặp lại những bạn bè mà anh đã quen trong chuyến thăm lần trước.

Câu chuyện trung tâm là làm sao dịch ra tiếng Pháp và xuất bản Chuyện kể năm 2000. Phan Huy Đường dường như lúc đó đang bận dịch một tác phẩm khác. Những “mắc dịch..  giả” nghiệp dư khác, thì ai cũng có công ăn việc làm, không thể tập trung làm trong một thời gian ngắn. Bà Marion Hennebert, giám đốc Editions de l’Aube, rất muốn xuất bản, nhưng cũng nói thẳng : “Ông Tấn, độc giả Pháp chưa biết là ai, một tiểu thuyết 700 trang, không thể đưa ra được. Hay là ta bắt đầu, thí dụ bằng một tập truyện ngắn ?” Từ đó, nảy ra ý kiến dịch tập truyện ngắn mà đầu đề tiếng Pháp là Une vie de chien (Kiếp chó). Đó là tên bản dịch truyện ngắn Cún. Ý này cũng phù hợp khả năng thời giờ của chúng tôi (Đặng Trần Phương, Vũ Văn Luân và tôi), với sự yểm trợ tận tụy của chị Janine Gillon. Thế là tác phẩm đầu tiên của Bùi Ngọc Tấn ra mắt độc giả nước ngoài vào năm 2007.

Đó là nói độc giả tiếng Pháp. Độc giả người Việt trên thế giới, mặc dầu Chuyện kể năm 2000 in ra ở Việt Nam được hơn một tháng thì bị cấm, đã có hai ấn bản, một ở Hoa Kỳ, một ở Canada. Bản in ở Mỹ theo đúng bản in trong nước, còn nhiều lỗi chính tả và typo. Bản Canada là một biểu tượng của tình yêu văn học và niềm quý mến tác giả của những anh chị em xuất bản. Một họa sĩ lo trình bày và phát hành. Mạnh Thường Quân là một bác sĩ chuyên môn bỏ tiền ra in, lấy từ quỹ làm việc ngoài giờ ở bệnh viên. Và người cặm cụi ngồi biên tập và sửa lỗi in là một nhà giáo thông thạo Hán văn, Anh ngữ, ngày đêm sống trên một “núi” sách. Không tiện liên lạc để xin phép, nên tôi xin không kể tên các anh ra đây. Nhưng kể ra câu chuyện này để thấy, từ con người và tác phẩm Bùi Ngọc Tấn, toát ra một sức mạnh an nhiên, khiến người ta tự nhiên muốn đáp ứng, muốn làm gì với anh, không đơn thuần là chỉ muốn đền bù những mất mát, đau khổ của anh. Vài năm sau, độc giả tiếng Pháp liên tiếp được đọc Biển và chim bói cá, rồi Chuyện kể năm 2000 qua bản dịch của anh Nghiêm Phong Tuấn (dưới bút hiệu Hà Tây). Cựu học sinh Ecole Polytechnique, một đời miệt mài công tác khoa học kỹ thuật, đến khi về hưu, anh thả mình trong đam mê mới : dịch văn học. Anh chủ động dịch xong rồi mới liên lạc với bà Hennebert mà trước đó anh không quen biết. Cái may mắn của Bùi Ngọc Tấn là “gặp” được những dịch giả ăn cơm nhà, vác ngà voi, không đợi nhà xuất bản ký hợp đồng, trả thù lao, mới ngồi dịch (cho dù, tiền công người dịch, như Phan Huy Đường đã có lần ngồi tính, rẻ hơn tiền công của người đi lau chùi nhà cửa). Nói rộng ra, may mắn của văn học Việt Nam, là có những Phan Huy Đường, Kim Lefèvre… mở đường, và những nhà xuất bản như Philippe Picquier, Editions de L’Aube, Actes Sud… chịu chơi, dám giới thiệu văn học Việt Nam, mà không có một xu tài trợ (tài trợ dịch giả và tài trợ xuất bản) như khi họ xuất bản văn học Nhật Bản, Hàn Quốc (với sự tài trợ lớn của những đại công ti, tập đoàn Nhật, Hàn…). 

Trưa hôm qua, tôi gọi về nhà anh Nghiêm Phong Tuấn, phòng hờ anh chưa biết tin buồn (hai tuần trước, khi anh Tấn bị di căn, anh Tuấn đã liên lạc với tôi). Hóa ra anh chưa biết tin. Anh bận dịch suốt buổi sáng, nên chưa mở hộp thư. Anh đang dịch — anh nói gần xong rồi — tác phẩm cuối cùng của Bùi Ngọc Tấn : Thời Biến Đổi Gien (mà cuối cùng, tác giả đặt tên là Hậu Chuyện Kể Năm 2000).

image

Vòng hoa của Diễn Đàn (Paris) viếng nhà văn Bùi Ngọc Tấn
mang dòng chữ Tiễn Người Về Vũ Trụ Không Ngừng
(tên một truyện ngắn của anh). Sáng 19.12.2014 tại nhà lễ tang, “cơ quan chức năng” đã giật hàng chữ đó, cũng như họ đã giật băng giấy của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam và của Câu Lạc Bô Lê Hiếu Đằng
(ảnh VHN)

Anh Tấn ơi,

Vài giờ nữa, anh sẽ an nghỉ nơi nghĩa trang Ninh Hải. Chúng tôi không có mặt bên cạnh chị, bên cạnh con cháu anh, bạn bè anh, và độc giả của anh, vòng hoa của chúng tôi đến bên quan tài thì không còn tên người gửi, nhưng tôi biết anh biết. Cũng như tôi biết anh đã ra đi thảnh thơi, trong niềm thương mến của biết bao người. Không thể khác, khi mỗi dòng chữ của anh đều toát ra tình thương đối với mọi người, kể cả những người đã đày đọa anh. Anh ra đi thảnh thơi, vì anh biết người thân và bạn bè anh, khắp nơi, sẽ tiếp tục công việc của mình. Cũng không có cách nào khác, để dịu đi nỗi đau thương đã được báo trước.

Paris, 19.12.2014

Nguyễn Ngọc Giao

Nguồn: http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/vai-ky-niem-nho-ve-bui-ngoc-tan

clip_image001

Comments are closed.