Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 2)

Phạm Viết Đào

anh

NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN CỘT MỐC SỐ 0 ĐỒNG ĐĂNG LẠNG SƠN 18/3/1979

Lưu Quang Vũ

Năm ngày sau khi tuyên bố rút quân, bọn giặc Trung Quốc vẫn bắn pháo dữ dội vào thị xã Lạng Sơn và khu vực chung quanh. Lính quan sát của chúng vẫn chốt trên mỏm núi cao nhất phía Tây Bắc thị xã. Buổi chiều, trên đường 1A cách thị xã 1 cây số, bị một trận pháo giặc kéo dài hơn nửa tiếng, tổ phóng viên chúng tôi bị lạc đâu mất một anh. Tối hôm đó, tôi và một đồng chí nữa phải đi về phía thị xã tìm anh bạn lạc.

Trời đầy sương lạnh, trăng sáng mờ mờ. Xe chúng tôi đi giữa những hố đạn pháo, những đống đất đá nát vụn, những cành cây gãy khét lẹt hai bên đường. Phía trước, một bóng người vẫy tay ra hiệu, xe chúng tôi dừng lại: Một anh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) xin đi nhờ xe. Đó là một chiến sĩ trẻ, khuôn mặt hiền hậu nhưng rắn rỏi. Anh đeo AK, cầm trên tay một ống nứa dài có bọc ni lông cẩn thận.

– Đồng chí vào thị xã à? Xe chúng tôi chỉ đi đến thị xã thôi.

– Được ạ. Tới đó em sẽ đi bộ tiếp.

– Lên chốt ở Tam Lung, hay rẽ sang Cao Lộc?

– Không, đi lên nữa cơ ạ, lên sát biên giới, tới tận cây số 0.

Chúng tôi ngạc nhiên:

– Tới cây số 0? Từ Tam Lung, Đồng Đăng trở lên địch vẫn chưa rút hết cơ mà?

– Chưa rút kệ nó chứ anh, chúng em phải lên gấp làm nhiệm vụ.

Biết rằng không nên quá tò mò về nhiệm vụ quân sự của bộ đội, công an, chúng tôi không hỏi nữa, nói sang chuyện khác.

Qua các câu chuyện, chúng tôi được biết anh chiến sĩ tên là Ngô Duy Nhung, quê ở Tiên Sơn, Hà Bắc. Anh là chiến sĩ Đồn Công an Hữu Nghị quan, ngay sát cột mốc cây số 0. Nhung làm nhiệm vụ ở đó mấy năm nay, sáng 17-2, đã cùng đơn vị đánh trả quyết liệt bọn lính Trung Quốc ngay từ phút đầu cuộc xâm lược của chúng.

Từ trước ngày 17-2, cả nước đã biết đến Đồn Công an Hữu Nghị quan, những người đã ngày đêm đối chọi với muôn vàn thủ đoạn chống phá, xâm lấn của bọn phản động Trung Quốc. Hôm nay, được gặp một chiến sĩ của cái tập thể gang thép đó, tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ hiền hậu, bình dị quá đỗi của Nhung.

Xe chúng tôi phải dừng lại nhiều lần, ghé vào hai bên đường hỏi thăm, tìm kiếm anh phóng viên bị lạc. Mỗi lần dừng xe, Nhung đều bảo: “Các anh cứ đứng đây, để em vào hỏi” hoặc “Em có súng, để em tìm, các anh không quen, nhỡ nơi này còn thám báo của Tàu”.

Đến sát thị xã, chúng tôi được mấy đồng chí bộ đội ở một barie cho biết: Anh nhà báo tên ấy, hình dáng ấy có tới đây và đã đi nhờ một chiếc xe díp về chỉ huy sở. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm: Thế là anh bạn chúng tôi đã an toàn sau trận pháo, đã ra khỏi thị xã, chúng tôi có thể yên tâm quay về.

Nhung xuống xe và từ biệt chúng tôi. Phía trước, con sông Kỳ Cùng nước chảy rào rào, núi Tam Thanh đen sẫm in hình lên nền trời mờ sương đục. Chúng tôi châm lửa, hút với nhau một điếu thuốc. Nhung vẫn ôm chặt trong tay cái ống nứa dài. Tôi hỏi:

– Ống gì thế ?

Lúc này, Nhung mới nói:

– Chẳng giấu gì các anh, cờ đấy, chúng em lên làm nhiệm vụ cắm cờ ở cây số 0. Tiểu đội em đã xuất phát từ chiều, em phải đuổi theo cho kịp. Ngay khi vừa quét xong bọn Tàu ở khu vực đó, cờ ta phải được treo lên.

Tôi sững sờ giây lát, những muốn ôm choàng lấy Nhung. Người chiến sĩ này sẽ cắm cờ ở cây số 0. Trong thoáng chốc, chúng tôi đều hình dung ra tất cả những nỗi nguy hiểm có thể xảy đến với người chiến sĩ đảm nhận cái công việc thiêng liêng này. Bọn giặc thì ngoan cố như vậy, hung tợn như vậy, Nhung sẽ phải treo lá cờ lên ở thước đất đầu tiên của Tổ quốc ta. Liền phía trước mặt, và có thể ở cả hai bên, sẽ là những mũi súng của giặc.

Chúng tôi như không muốn từ biệt Nhung, cứ nắm chặt bàn tay anh mãi, nhưng Nhung đang vội, anh chào chúng tôi rồi đi, khẩu AK khoác trên vai, cái ống nứa đựng lá cờ ôm trước ngực khuất dần về phía những ngôi nhà đổ nát của thị xã.

Suốt trên đường về, và cho tới những ngày ở Hà Nội, tôi cứ luôn nghĩ tới Nhung và tiểu đội cắm cờ trên cột mốc cây số 0. Không hiểu cờ ta đã cắm lên chưa, Nhung và tiểu đội của anh ra sao, ai còn, ai mất?

Những ngày giữa tháng 3, lại có một chuyến xe của cơ quan tôi lên Lạng Sơn, nhưng tôi không được đi, Toà soạn cử tôi cùng với một nhóm phóng viên khác lên Cao Bằng. Trước lúc chia tay, tôi kể với mấy anh bạn trong tổ đi Lạng Sơn câu chuyện về Nhung và tiểu đội cắm cờ, “Nếu lên được Hữu Nghị quan, các anh cố tìm hoặc hỏi thăm tiểu đội ấy, xem tình hình ra sao!”. Dặn vậy, nhưng tôi không tin rằng các bạn tôi sẽ lên được tận nơi và gặp được Nhung.

Thật bất ngờ, khi tôi từ Cao Bằng về và các bạn tôi từ Lạng Sơn về, câu đầu tiên lúc gặp nhau, các bạn tôi reo lên:

– Gặp tiểu đội cắm cờ rồi, gặp Nhung rồi, còn sống, đã hoàn thành nhiệm vụ, cờ ta đã treo lên ở cây số 0 rồi.

Và đây là câu chuyện các bạn tôi kể:

“Tới ngày 17, 18-3, bọn giặc vẫn ngoan cố đóng lại hai chốt, kề ngay hai bên đồn Hữu Nghị quan. Tiểu đội Công an nhân dân vũ trang, dưới sự chỉ huy của đồn phó Nguyễn Sĩ Đình và chính trị viên phó Vi Thế Sinh, vừa tấn công địch, vừa kiên quyết thực hiện nhiệm vụ treo cờ. Đồn công an Hữu Nghị quan, mấy hôm trước địch dùng làm nơi giam giữ đồng bào ta. Khi vào chiếm lại đồn, Nhung thấy ở cạnh một đống gạch vụn, một em bé 2 tuổi đang lả đi vì khóc. Một chị phụ nữ còn sống sót trốn ở gần đấy, cho biết: em bé là con chị Phòn ở xã Bảo Lâm, xã mà bọn giặc đã tàn sát dã man nhiều đồng bào ta. Bố mẹ của em bé cũng đã bị giặc giết cả. Nhung bế em bé ra, trao cho đồng đội rồi bắt tay vào nhiệm vụ treo cờ. Bọn địch từ hai chốt hai bên bắn xuống. Suốt trong 2 ngày 16, 17, bao lần chiến sĩ ta cầm cờ tiến đến cây thông sát cột mốc đều bị giặc bắn chặn lại. Cả một khoảnh đất bị đạn giặc cầy nát, bùn nhão trộn lẫn với máu các chiến sĩ. Sáng ngày 18, tiểu đội công an và các đơn vị bộ đội ta tập trung hỏa lực, nổ súng dữ dội vào bọn địch, dìm đầu chúng xuống. Lúc ấy, Nhung và một chiến sĩ nữa lại tiến lên. Vứt bỏ đôi giày vải, chỉ đi chân không, Nhung ôm cờ trèo lên ngọn thông cao vút, anh buộc thật chặt, thật kĩ cán cờ lên cành thông cao nhất. Lá cờ gặp gió xòe ra bay phần phật. Nhung giương khẩu AK bắn một loạt đạn giòn giã lên trời rồi mới tụt xuống. Anh và người bạn đồng đội, tuy không hẹn trước, bỗng cùng đứng nghiêm và hát : “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc….”. Bài Quốc ca quen thuộc, Nhung hát từ ngày còn nhỏ xíu, từ những buổi chào cờ trên sân cỏ trường làng. Anh cứ ân hận: Sao mình không có cái giọng thật hay, thật đúng nhịp để hát lúc này.

Phía sau, dưới công sự, các đồng đội của Nhung lăm lăm mũi súng sẵn sàng nhả đạn. Trong tay một chiến sĩ, em bé đã thôi khóc, ngước nhìn lên lá cờ mà người cứu sống em vừa treo lên.

Nhung xin phép đơn vị cho mình được nhận em bé làm con nuôi. Anh định sẽ gửi nó về Tiên Sơn cho vợ anh nuôi (Nhung đã có vợ, nhưng chưa có con). Đơn vị đồng ý, cả tiểu đội xúm vào đặt tên cho cháu bé, người bảo đặt nó là Đồng Đăng, người bảo đặt là Bảo Lâm, nhưng Nhung quyết định đặt tên bé là Trung Nghĩa.

Các bạn tôi đã chụp và mang về bức ảnh bé Trung Nghĩa trên tay chiến sĩ Nhung. Trong cuộc đời làm báo của tôi, chưa có tấm ảnh nào làm tôi xúc động đến như vậy. Tôi vội viết bài báo nhỏ này để được kể với bạn đọc thân yêu rằng: 9h30 sáng 18-3-1979, lá cờ đỏ sao vàng của chúng ta đã tung bay ở cây số 0 Hữu Nghị quan. Hai chiến sĩ công an nhân dân vũ trang – chân không giày, áo quần lấm lem khói đạn và bùn đất – đã thay mặt tất cả chúng ta cùng hát bài Quốc ca dưới lá cờ. Và bé Trung Nghĩa, em bé xã Bảo Lâm vừa được cứu thoát, người công dân hai tuổi của nước Việt Nam bất khuất đã được chứng kiến cảnh tượng đó…”

L.Q.V

Comments are closed.