Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 5)

NGÀY 28/4/1984 – CAO ĐIỂM 1509 THẤT THỦ, BÙNG NỔ CUỘC CHIẾN VỊ XUYÊN

Phạm Viết Đào

Ngày 28/4/1984, cách đây gần 40 năm, sau gần một tháng trời dùng pháo binh bắn phá ác liệt, bừa bãi trên toàn tuyến biên giới, trọng điểm là khu vực Thanh Thủy, Vị Xuyên; 5 giờ sáng ngày 28/4/1984, Trung Quốc đã huy động, có nguồn tin cho hay, 4 tiểu đoàn tấn công ồ ạt lên cao điểm 1509 nằm tại khu vực ngã ba Thanh Thủy. Cao điểm này do Đại đội 22, E122, F313 chốt giữ. Sự thất thủ của cao điểm 1509 chiều 28/4 đã mở đầu cho một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu tại Vị Xuyên, cuộc chiến kéo dài tới đầu nhưng năm 90 gây tổn thất cho cả đôi bên.

Trung Quốc đã tấn công như thế nào, cao điểm 1509 đã rơi vào tay quân Trung Quốc trong hoàn cảnh nào, Phạm Viết Đào đã gặp gỡ rất nhiều nhân chứng, những CCB từng tham gia chiến đấu, bảo vệ cao điểm 1509, đề nghị họ kể lại và sẽ lần lượt đưa lên các ý kiến đó…

Sự thất thủ cao điểm 1509 cuối ngày 28/4/2984 chắc chắn rồi mai sau lịch sử sẽ phải ghi lại sự kiện quan trọng này. Sự thất thủ này không đơn thuần mang ý nghĩa lịch sử quân sự của một quân đội từng đánh thắng nhiều đội quân xâm lược nhà nghề; sự kiện lịch sử này sẽ còn mang ý nghĩa về quan hệ chính trị, quan hệ thế sự giữa hai nước Viêt-Trung, hai nước dưới quyền lãnh đạo của hai đảng chính trị có chung tôn chỉ, cương lĩnh hành động.20200604_151013 - Copy

 

Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định lại với các nhà lãnh đạo Việt Nam: “Quan hệ hai nước Việt-Trung lợi ích chung lớn hơn bất đồng” bởi Trung Quốc tiếp tục trung thành với “Phương châm 16 chữ” (tiếng Trung: 十六字方针 – thập lục tự phương châm) "Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan" nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hoà nhập văn hoá, có chung định mệnh…

Cuộc tấn công ngày 28/4/1984 cưỡng chiếm cao điểm 1509 của quân đội Trung Quốc mở màn cho một cuộc chiến tranh lớn, đẫm máu nổ ra tại khu vực châu Á. Cuộc chiến tranh này kéo dài cho tới đầu những năm 90. Tại “Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên”, nhiều bia mộ vẫn còn ghi tên các liệt sĩ đã ngã xuống tại chiến trường Vị Xuyên vào những năm 1990-1991.

Khói lửa của cuộc chiến Vị Xuyên cũng đã trui rèn lên những tấm gương anh hùng, quả cảm; chính chiến trường Vị Xuyên hình thành ý chí sắt đá của những người lính anh hùng, trung thành với Tổ quốc. Chính họ đã để lại cho muôn đời sau những lời thề quyết tử bảo vệ biên cương Tổ Quốc tới giọt máu cuối cùng: “Sống bám đá, Chết hóa đá bất tử bảo vệ Tổ quốc…”( Lời khắc trên báng súng của anh hùng Nguyễn Viết Ninh-F356) hay lời tuyên thệ “Giặc Tàu phải đánh, không thắng không về” (Tuyên thệ trước khi xuất trận của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Thuyên, Tiểu đoàn trưởng D8- E149- F356 trước khi vào trận đánh cảm tử cao điểm 300-400 tháng 1/1985)… Hành động anh hùng của Lê Trần Mãn, biết là sẽ hy sinh nhưng vẫn leo lên đạp đổ bằng được lá cờ của Trung Quốc cắm trên chốt 685, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc…

Khói lửa chiến tranh Vị Xuyên đã làm cho nhiều cánh rừng hoa mộc miên, (hoa gạo) một đặc sản của đất trời Hà Giang bởi vẻ đẹp của sắc màu tươi đỏ của máu được trồng từ thời Pháp, sừng sừng dọc theo quốc lộ 2, dọc theo các sườn núi cheo leo, nhiều thân gốc to 5-6 người ôm đã phải đốn đi để lấy gỗ làm quan tài chôn lính…

1509 THẤT THỦ CHIỀU 28/4/1984 NHƯ THẾ NÀO?

(Ghi theo lời kể của CCB F313 Đường Minh Tuấn)

Cuối tháng 7/2012 vừa qua, Đường Minh Tuấn, quê ở Hương Canh-Vĩnh Phúc, CCB của Sư 313, từng có mặt trên Cao điểm 1509 Thanh Thủy, Vị Xuyên Hà Giang từ tháng 7/1981 cho đến 15 giờ 30 chiều 28/4/1984, ngày Cao điểm này vĩnh viễn rơi vào tay Trung Quốc đã gọi điện cho tôi: Chiều 24/7/2012 này, bọn em tổ chức gặp mặt những CCB từng chiến đấu tại Hà Giang, có thời gian mời anh lên nghe chuyện chiến đấu bảo vệ 1509…71150885_171171404037208_3286935692784959488_n

 

Sở dĩ Tuấn chọn ngày 24/7 vì ngày 24/7 là ngày Tuấn nhập ngũ vào năm 1980; cùng nhập ngũ với Tuấn dịp này tại Hương Canh có khoảng 30 đồng đội; hàng năm Tuấn và đồng đội thường lấy ngày này để tụ họp nhau ôn lại một quãng đời lính…

Theo hẹn, chiều 24/7 tôi phi xe từ Hà Nội lên, vào nhà Đường Minh Tuấn đã thấy chật cứng các CCB của Sư 313, khoảng 30 CCB phần lớn đang sinh sống tại Hương Canh và xã Thanh Lãng; họ là những CCB từng có mặt tại Vị Xuyên những năm tháng ác liệt giai đoạn 1981-1984…

Thấy tôi đến, Đường Minh Tuấn dẫn tôi vào giới thiệu với CCB Nguyễn Đình Hát, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 457 thuộc Sư 313, đơn vị đã từng bắn tới những viên đạn cuối cùng nhằm bảo vệ 1509 và 772… Tại đây tôi còn gặp Đỗ Văn Năng, Trần Ngọc Viên, Kiều Văn Phong… những pháo thủ từng tham gia 2 trận đánh bảo vệ 1509 và 772… Đường Minh Tuấn cho biết: riêng thị trấn Hương Canh vã xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, trong đoạn ác liệt nhất 1981-1985, đã đóng góp khoảng 70 lính cho mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang…

Tuấn là kế toán pháo binh của Trung đoàn 457 được đưa lên 1509 làm nhiệm vụ phối thuộc cùng đại đội giữ chốt là C22, E122, F313; Tuấn có nhiệm vụ quan trắc, tính toán tọa độ bắn cho pháo binh ta bắn yểm trợ bảo vệ cao điểm nếu bị Trung Quốc tấn công…

Cao điểm 1509 có 3 mỏm: Đồi Cây khô, Mỏm 1 và Mỏm 2; Đồi cây khô do trung đội 1 chốt giữ do anh Sơn là Trung đội trưởng; Mỏm 1 do anh Sáng là Trung đội trưởng; Còn mỏm 2 lâu ngày Tuấn quên…Mỗi mỏm ở đây chiều dài khoảng 40-50m, chiều rộng khoảng 25m. Lực lượng chốt giữ cao điểm 1509 giai đoạn 1981-1984 về phía ta có khoảng 100 tay súng, vũ khí có: AK, B41, ĐKZ, cối cá nhân 60, lựu đạn, mìn định hướng ĐH 10 ( Kleymo )… Về trang bị cá nhân cho bộ đội có súng AK cơ số đạn mỗi khẩu có khoảng 300 viên/khẩu…

Ngoài ra từ bình độ 1200, Trung đoàn có đặt một số khẩu cối 120 để bắn yểm trợ trực tiếp; Để yểm trợ bảo vệ 1509, Sư 313 còn bố trí Trung đoàn pháo binh 457 đặt pháo 105 bắn yểm trợ… Công sự phòng ngự trên Cao điểm 1509 là hệ thống hầm bê tông, mỗi tiểu đội một hầm hình chữ U…

Tuấn kể: Vào khoảng 5 g sáng ngày 28/4/1984, bọn em bắt đầu nghe pháo Trung Quốc bắn dồn dập lên; nghe pháo bắn rát, cả đơn vị thức giấc đoán là sắp bị tấn công nên đã sẵn sàng chiến đấu. Pháo Trung Quốc bắn dồn dập đến khoảng 7 giờ thì thưa dần và bộ binh Trung Quốc bắt đầu tràn lên, chúng tấn công từ phía sườn 1450…

Phía ta bắt đầu phát hỏa đánh trả: cối từ bình độ 1200 và của Trung đoàn 457 bắn vào đội hình địch và khá chính xác; đợt tấn công thứ nhất ta đã đẩy lùi được lính Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho lui quân và cho pháo bắn lên ác liệt hơn, phía ta bắt đầu có thương vong; khoảng 9 giờ phía Trung Quốc tấn công đợt 2 và chúng đã chiếm được mỏm Đồi Cây khô…

Đợt thứ 3, vào khoảng trưa, phía Trung Quốc cho xe ô tô bổ sung quân và tổ chức tấn công đợt 3; đợt 3 này phía Trung Quốc đã tràn lên được Mỏm 2; hai bên xảy ra thế trận giằng co ở Mỏm 2 này… Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thông đã phải gọi điện cho pháo Trung đoàn bắn thẳng vào trận địa của ta vì địch đã tràn lên xen kẽ với ta… Đáng tiếc, tầm trưa thì pháo ta bắn thưa dần, không còn mãnh liệt như lúc sáng vì hết đạn. Đại đội trưởng Thông chiến đấu ở Mỏm 1 cùng với Đường Minh Tuấn, thấy bắn nhau ác liệt ở Mỏm 2, đại đội trưởng Thông lao xuống để chỉ huy anh em chiến đấu, không may anh lại lao đúng vào căn hầm đã bị lính Trung Quốc chiếm, nên anh đã bị chúng bắn chết… Như vậy đến tầm trưa thì ta gần như mất nốt Mỏm 2; bộ đội ta thương vong rất nhiều…

Từ trên Mỏm 1, mỏm cuối cùng Tuấn và đồng đội còn giữ được tới tầm 3 giờ chiều; Tuấn cho biết: bọn em còn nghe rõ đồng đội kêu la từ Mỏm 2, đồng hương ơi cứu nhau với… Sau đó thì nghe súng nổ. Bộ đội ta thương vong và hy sinh đều được đưa vào trong hầm, khi lính Trung Quốc tràn được lên thì chúng xả súng bắn chết cả thương binh. Trong trận đánh bảo vệ 1509 những thương binh liệt sĩ ta không mang được ai về; chắc lính Trung Quốc đã chôn cất anh em mình tại chỗ…

Tôi hỏi Tuấn: Thế Tuấn và số đồng đội còn lại đã rút lui như thế nào? Tuấn cho biết: khoảng 10 giờ, từ Bình độ 1200, Trung đoàn đã cho một đại đội lên tiếp viện nhưng chủ yếu là mang đạn dược bổ sung; trong khi đó thì phía Trung Quốc từ sáng đến chiều đã tập trung khoảng 2 đến 3 tiểu đoàn bộ binh với sự yểm trợ tối đa của pháo binh…

Ta có 2 khẩu cối 120 bố trí ở Bình độ 1200 bắn lên yểm trợ rất tốt, nhưng đến trưa thì không bắn được vì bàn đế bắn nhiều nên lún sâu xuống 1m, nòng bị nóng; còn pháo 105 của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt thì tầm trưa cũng hết đạn…

Tuấn chỉ cho tôi gặp Đỗ Tiến Năng và Kiều Văn Phong, những pháo thủ pháo 105 tham gia trận này. Tôi hỏi đùa Đỗ Tiến Năng: nghe nói khi tham gia trận này, các ông bị xích chân vào pháo có đúng không? Năng cười: bọn em được phát mỗi người 1 khẩu AK, được giao nhiệm vụ giữ lại 3 viên đạn pháo cuối cùng để đề phòng trường hợp bị lính Trung Quốc tràn đến trận địa thì cho nổ tung pháo và dùng AK đánh nhau với chúng để bảo vệ trận địa…

Đường Minh Tuấn kể tiếp: vào khoảng 3 giờ chiều, sau khi ta đã mất Mỏm Đồi cây khô, Mỏm 2 chỉ còn Mỏm 1; Trong khi đó thì pháo của ta gần như đã im hẳn, bọn em mỗi người chỉ còn vài chục viên đạn; khẩu AK của em bị hỏng, may còn vớ được 1 khẩu của đồng đội…

Đến đợt tấn công thứ tư của lính Trung Quốc thì bọn em đành phải rút lui… Con đường rút lui của bọn em từ Mỏm 1 về phải qua Mỏm 2; bọn em gần như phải mở đường máu mà rút vì phải qua một dốc đá trống, không có giao thông hào trong khi đó thì phía Trung Quốc bắn chéo sang từ Đồi Cây Khô và Mỏm 1… Khoảng trên một chục đồng đội của em đã hy sinh khi chạy qua đoạn đường máu này, may mà em thoát chết…

Tôi hỏi Tuấn: ta phòng ngự, phía Trung Quốc tấn công lên, thế mình có tiêu diệt được nhiều lính Trung Quốc không? Tuấn cho biết: phía Trung Quốc chắc cũng thương vong nhiều, em chỉ kể về trường hợp một quả ĐH 10 do anh Thủ phát hỏa đã tiêu diệt gần như cả một trung đội của lính Trung Quốc… Tuấn đã chứng kiến cảnh này; quả ĐH 10 (mìn kleymo) bị pháo Trung Quốc bắn văng ra khỏi hào, Thủ đã bò ra lấy lại và cài sẵn trên miệng hào, chờ cho lính Trung Quốc bò lên đông, gần anh mới phát hỏa… Khi mìn nổ xong bọn em ra xem thì thấy cả một sườn đồi sạch bong… Tôi hỏi thế bây giờ Thủ ở đâu? Tuấn cho biết: đáng tiếc, Thủ đã bị tai nạn bị rơi và chết năm ngoái khi đang thi công xây dựng khu nhà Keangnam ở Hà Nội…

(Theo một nguồn tin trên 1 trang mạng Trung Quốc, trận này phía Trung Quốc tổn thất mất 198 lính…)

Tôi hỏi Tuấn: Thế anh em chiến đấu, hy sinh như vậy có ai được khen thưởng gì không? Tuấn cho biết: đơn vị sau này cũng đã có ý định đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho Đại đội trưởng Thông nhưng vì cao điểm mất nên không ai còn nghĩ đến nữa…

Nhìn gương mặt khắc khổ già trước tuổi của CCB Đường Minh Tuấn, Kiều Văn Phong, Đỗ Tiến Năng, Trần Ngọc Viên, Nguyễn Văn Thơm…, tôi hỏi Tuấn: thế anh em mình bây giờ sống như thế nào? Tuấn cho biết: anh trông anh em thì sẽ thấy; chỉ có em và một số anh em xoay xở được là còn tạm ổn, phần lớn anh em bây giờ vẫn nghèo, chưa kể còn bị di chứng chiến tranh, về quê làm ruộng thì đất đai vốn đã ít lại bị chính quyền địa phương thu hồi không đền bù…

Hoàn cảnh bi đát của những người tham gia cuộc chiến Vị Xuyên-Lão Sơn sau chiến tranh không chỉ xảy ra với với các CCB Việt Nam và cả với các CCB Trung Quốc. Tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình lớn, các CCB Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt đã về tận Bắc Kinh để biểu tình phản đối sự vô trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc, đòi hỏi quyền lợi với các CCB tham gia xâm lược Việt Nam…

P.V.Đ.

Comments are closed.