VIẾT NGẮN

Trần Mộng Tú

Tình thương ở nơi đây

Hàng năm khí hậu nóng nhất ở Seattle thường vào hai tuần trong tháng tám. Năm nay mùa nóng tới sớm hơn, mới cuối tháng sáu đã bắt đầu những ngày nóng 90.F, kéo sang tháng bẩy.

Buổi chiều vừa xuống, đã lác đác tiếng nổ, bên kia hồ thỉnh thoảng hoa pháo bắt đầu nở. Đến khuya thì hoa pháo dồn dập thi nhau tung lên bầu trời đêm. Mặc dù khí hậu khô nóng và một vài nơi bị cấm đốt pháo, nhưng khó mà cấm hẳn được. Ngày lễ Độc Lập người dân Mỹ ăn mừng với tất cả niềm hãnh diện của dân tộc.

Nước Mỹ kỷ niệm 239 năm lập quốc, giành lại độc lâp từ tay người Anh. Hai trăm ba mươi chín năm, mới hơn hai thế kỷ. So với các nước khác trên thế giới nước Mỹ mới là đứa bé còn thơ dại.

Nước Việt của tôi có tới hơn bốn ngàn năm dựng nước.

Trải bốn ngàn năm dựng nước nhà/ Sông khoe hùng dũng núi nguy nga (VHC)

Tôi đứng bên này hồ, thưởng thức những bông hoa pháo ai đó bắn lên bầu trời từ phía bên kia hồ. Những chiếc pháo bông này làm từ Trung Quốc made in China, một nước có lịch sử già như một ông cố của đứa bé thơ dại (Các văn bản ghi chép lịch sử của Trung Quốc được tìm thấy có niên đại cổ nhất là từ đời nhà Thương khoảng 1700 – 1046 TCN)

Đài truyền hình trong nhà đang chiếu Lễ Độc Lập tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, cũng hoa pháo nổ tung trời, với diễn văn, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng vỗ tay như muốn nổ tung màn hình. Cả nước Mỹ đang ăn mừng lễ.

Tôi biết nước Mỹ có danh sách những người được giải Nobel dài nhất thế giới. Những người được giải này, có người, nguồn gốc chủng tộc là Do Thái, Đức và Trung Hoa v.v… Bằng lý do này hay lý do khác, họ khởi đầu là dân tỵ nạn của nước Mỹ.

Cái đứa bé thơ dại này mở lòng yêu thương, bàn tay từ ái, đón nhận các ông già, bà trẻ lưu lạc từ bốn phương kéo nhau vào ở trọ. Cũng nhờ vào tình thương nước Mỹ mới thu nhận được những nhân tài của thế giới trở thành công dân của mình.

Trên những trang mạng mấy tuần nay, người ta đang nói đến việc một ông quan trọng lắm của đất nước Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến, sắp sang gặp và xin được hợp tác với vị nguyên thủ quốc gia Hoa kỳ, một nước mới có 239 năm Độc Lập.

Lại một trường hợp một nước có lịch sử già như ông cố đi tìm một đứa bé thơ dại xin được chơi chung. Chơi chung với đứa bé này chắc phải có nhiều cái lợi.

Tối hôm qua, thằng cháu ngoại bốn tuổi sang ngủ với bà. Hai bà cháu nằm hát con mèo mày trèo cây cau mãi, rồi bà dậy cháu đánh vần chữ LOVE. Thằng bé sáng dạ, nói vài lần nhớ ngay. Sáng hôm sau bà khoe với ông là cháu học nhanh lắm, chắc tôi bắt đầu dậy nó đánh vần và làm toán. Ông ngoại người Mỹ, (gốc Anh và Ái Nhĩ Lan) nói: Không cần dậy chữ hay toán vội. Nó sáng dạ mai mốt đến trường, học mấy thứ đó nhanh lắm. Bây giờ cần dậy cho nó biết thương yêu trước tiên.

Bà ngoại ngẩn người ra. Ừ nhỉ, giản dị như thế mà mình không nghĩ tới, cứ chưa gì đã nghĩ tới con đường tính toán, chữ nghĩa cho cháu rồi. Ở tuổi này, thằng bé cần phải biết yêu em, nhường và chia xẻ thức ăn, đồ chơi với bạn, với mấy anh, em, họ của nó. Lớn lên nó sẽ biết mở cửa đón người thiếu thốn vào nhà.

Tình thương là điều căn bản trước tiên cháu cần học. Học bao nhiêu chắc cũng không thừa.

Lớn lên ở phần đất bao dung này cần nhiều tình thương để cho đi lắm, vì ai ai ở nơi xa xăm nào đó cũng tìm tới đây và ở lại.

T.M.T.

Jul.4th, 2015

Bảo vật để lại

Mùa hè, giữa những chùm hoa nắng lung linh, giữa những trái táo chín đỏ, trái cam ngọt lừ, giữa tiếng ong vo ve, tiếng chim ríu rít, tiếng lao xao rất nhẹ của cánh bướm muôn màu, có người kể tôi nghe một câu chuyện:

Một tai nạn giao thông xảy ra, người đàn ông qua đời ở tuổi bốn mươi. Lục phủ, ngũ tạng anh không hề tổn thương, nhưng bộ não bị chấn thương mạnh đã đưa anh tới cái chết.

Người mẹ già, ôm thân thể bất động của người con trai duy nhất, không khóc được nữa. Bà như đang chết cùng với con, con bà tách khỏi đời sống bà từng mảnh, từng mảnh.

Anh đã hiến tặng tất cả nội tạng của anh cho những người đang cần để nối tiếp cuộc sống của họ.

Bà biết hai lá phổi của con đã đặt vào một lồng ngực con của người khác. Bà nghe thêm: trái tim cũng đã mang đi, đập thổn thức trong một khung ngực lạ. Rồi hai quả thận, nhiều người đang xếp hàng, nó sẽ làm công việc thật tốt đẹp cho một người phải ra vào bệnh viện thường xuyên trong cả mấy năm nay để lọc máu. Nó rất hữu ích và hiền lành. Lá gan của con bà có hai thùy, thì một thùy đã được mang thay thế cho người có một bên gan hư hại. Bây giờ còn lại một thùy gan, chắc chỉ nay mai sẽ có người tới nhận.

Đôi mắt là phần cuối cùng cũng sẽ được cho đi. Chao ôi! Đôi mắt của con bà, đôi mắt biết cười, đôi mắt cười trước khi môi nhếch lên. Bà yêu đôi mắt đó vô cùng.

Đôi mắt từ tuổi thơ ngây cho đến lúc trưởng thành lúc nào cũng cười với bà, làm sao bà không tiếc. Người ta nói với bà là đôi mắt cũng đã được xếp đặt để mang đi, trong một sớm mai, có một người con của ai đó sẽ được hưởng đôi mắt của con bà. Không, bà không muốn, bà nhất định không muốn cho đôi mắt đó.

Nhưng chao ôi! Dù không cho đi bà cũng làm sao mà giữ lại. Đôi mắt đó sẽ thành tro ngay lập tức nếu bà hỏa thiêu thân xác con, hay đôi mắt đó sẽ mục nát trong lòng đất nếu bà chôn con xuống đất. Hình như có một vòng tay của ai đó đang ôm đầu bà vào lòng vỗ về: “Đôi mắt biết cười của con sẽ lại tiếp tục cười trên một khuôn mặt khác.Cho đi, cho đi mẹ ơi!”

Mai đây, trong những ngày tháng còn lại của đời người có khi nào bà mẹ này bâng khuâng tự hỏi: “Tim, phổi của con tôi, đôi mắt của con tôi hiện đang ở trong thân thể ai, hiện đang ở đâu trên mặt đất này?”Rồi bà ngơ ngác đi tìm, đi nhìn vào từng lồng ngực, từng cặp mắt của mỗi người trên quãng đường bà qua.

Mùa thu với lá phong đỏ, với sóc nâu, với hạt bồ đào, với cá Hồi đang từ biển tìm về dòng suối cũ để sinh nở, sinh xong cá mẹ sẽ lìa đời. Giữa sự hồi sinh và hy vọng có người kể tôi nghe một câu chuyện khác về cái chết, về tình mẫu tử, về sự trao tặng nội tạng.

Người con trai 19 tuổi, trong một phút bất mãn với cuộc đời, anh tự hủy mạng sống mình. Sau cái chết đó anh cũng để lại nội tạng của mình cho những người không may mắn. Người mẹ chỉ giữ được hũ tro của phần thân thể con còn lại. Biết con khi còn sống ôm mộng được du lịch vòng quanh thế giới. Ba năm sau cái chết đau thương đó, người mẹ đã tìm cách liên lạc được với những người trên mạng xã hội nhờ họ mang tro của anh đi rải bất cứ nơi nào trên thế giới. Khi có một người bằng lòng, bà lấy một phần tro, cho vào một cái túi nhỏ, kèm theo một lá thư và bức ảnh của anh gửi tới họ. Thân xác tro bụi của anh đã được mang rải vào lãnh thổ của 100 quốc gia trên thế giới. (*)

Người mẹ đó tin rằng, làm như thế, anh sẽ được di du lịch khắp thế giới như khi còn sống anh từng mong ước.

Nghĩ xa thêm một chút thì chắc bà sẽ thấy: Thân thể của anh phải chăng chỉ là một cái hộp vô tri, dùng để cất giữ những nội tạng của anh mà thôi. Những nội tạng này đã hiến dâng cho người khác, đang mang sự sống mới đến cho người khác, mới là những bảo vật quý giá nhất.Những người được nhận các bảo vật này, họ chắc không bao giờ quên người đã hiến tặng.

Mùa xuân vào tuần lễ có rất nhiều hoa đào nở hai bên đường, có áo len mỏng đi trong gió, có những buổi sáng lất phất mưa xuân tạt ở hiên nhà, tạt cả vào những ly cà phê còn bốc khói, có những buổi chiều mưa rắc nhẹ trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi cũng được nghe những câu chuyện xúc động của cha mẹ sẵn sàng cho đi nội tạng của đứa con bất hạnh còn rất bé của mình cho đứa bé khác. Có khác chi mẹ nói: “Chia cho em đi con, món đồ chơi này con không còn chơi nữa, chia cho bạn đi con.”

Phải là người có trái tim bao dung nhân hậu lắm, thương yêu con người như con mình, mới làm được những việc cao cả đó.

Rồi cả bốn mùa tôi được nghe những câu chuyện người này được lắp bàn tay, người kia được thay bàn chân. Giống như những phép lạ trong truyện cổ tích, có bà tiên cầm chiếc gậy thần, quơ lên một cái, cho người sắp chết được sống, người tàn tật trở thành bình thường.

Thế rồi, xuân tàn, hạ qua, thu chết, đông ngưng, nhưng dòng đời vẫn chảy, sinh tử vẫn nối tiếp theo nhau. Tôi lại được nghe, một nhân viên làm việc trong cơ quan phụ trách phân phối nội tạng đã nói với đôi mắt rớm lệ:

Cái xác người nằm đó, hiến tặng nội tạng của họ cho những người đang cần. Cho dù khi sống họ có làm điều gì nhầm lẫn tới đâu, tôi cũng chắc Thượng Đế sẽ tha thứ hết cho họ.”

Thượng Đế tha hết những lỗi lầm thế gian của người hiến tặngnội tạng và những người nhận tặng vật mang mãi cái ơn trong lòng họ đi suốt đời người.

Có bao giờ người ta nghĩ tới, ở mỗi nghĩa trang, nên dựng một tấm bia ghi ơn cho những người hiến dâng nội tạng. Vì chắc chắn trong bất cứ nghĩa trang nào cũng có những cái hộp thân thể đã chôn xuống đất, nhưng những bảo vật trong đó đã để lại dương trần cho người khác thừa hưởng, một người họ chưa gặp bao giờ.

T. M.T.

Tháng 7/29/2015

Comments are closed.