Vòng cora quanh núi thiêng Kailash – ký sự Trần Thùy Mai

Ký sự  của Trần Thùy Mai

Tác giả gửi Văn Việt

unnamed

Nhà văn Trần Thùy Mai trước dấu chân Bồ tát Liên Hoa Sinh

Càng ngày càng nhiều người Việt quan tâm đến Kailash – Ngọn núi tuyết trong dãy Himalaya. Tuy chiều cao (6.638 mét) chưa thể so với Everest ( 8.848 mét và chỉ ở cách đó có 600km), nhưng Kailash mới chính là ngọn núi thiêng được chiêm bái nhiều nhất trên thế giới.

Đồng thời, đây cũng là ngọn núi nguy hiểm nhất: Hàng năm vẫn có những khách hành hương bỏ mạng trong khi đi quanh núi: Với người dân bản địa, cái chết ở Kailash không phải là một tai nạn, đấy là một ân phước.

Đi Cora quanh Kailash là một kiểu hành hương đặc biệt của người Tây Tạng. Hành trình mất khoảng hai ngày rưỡi, bằng thời gian để trèo lên đỉnh Fansipan của nước ta, và đường đi cũng không khó khăn bằng đường  lên Fansipan. Nhưng thực tế cho thấy đi Kailash nguy hiểm hơn rất nhiều lần…

unnamed

Khách hành hương Tây Tạng tam bộ nhất bái vòng quanh núi

Những người đi cora quanh Kailash đa số không phải là những nhà thám hiểm. Phần nhiều họ đi với niềm tin, và niềm tin đã nâng đỡ họ. Trên đường cora, chúng tôi đã gặp Wang Feng, một nữ giáo viên quê ở Dương Châu. Cô tâm sự: Đi lần này là lần thứ ba, với ước nguyện cầu cho mẹ khỏi bệnh. Không phải chỉ có những Phật tử Tây Tạng mới xem Kailash là núi thiêng, niềm tin ấy đã lan tỏa trong nhiều người từ nhiều quốc gia khác nhau.

Kailash, vì thế không phải chỉ là một ngọn núi cao với thách thức về mặt địa lý, không phải là một nơi mà người ta chỉ cần đi cho biết, chụp hình rồi quay về. Kailash là giao điểm của văn hóa tâm linh Tây Tạng với khát vọng tâm linh của con người trên khắp thế giới.

Từ Kathmandu lên cầu biên giới

Tuy vậy, hội chứng thiếu dưỡng khí trên núi cao là một thứ ai cũng ngán, và tất nhiên ai cũng mong đi an toàn để trở về. Bay đến Kathmandu, thủ đô Nepal, chúng tôi được Satish, một người bạn ở đây mách cho biết: kinh nghiệm dân gian là dùng củ hành, nhai sống hoặc hít khói đốt củ hành cũng rất tốt. Nhưng trên đường cora, làm sao mà đem hành cho tiện, nếu đem thì đem bao nhiêu cho đủ. Hay hơn hết vẫn là uống thuốc ngừa mỗi ngày, thuốc này có bán ở một vài tiệm thuốc tại Kaathmandu với giá khá cắt cổ.

Chiếc xe mười sáu chỗ nóng bức tung lên vật xuống gần nửa ngày trên đoạn đường đầy ổ voi từ Kathmandu lên biên giới phía Bắc Nepal.  Xe dừng, Souson bảo: “Các anh chị đã đến biên giới China.” Tôi ngạc nhiên: “Chúng tôi đi Tibet (Tây Tạng) mà?” Souson, người dẫn đường của công ty du lịch ở Nepal nhìn tôi như không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi chợt nhớ ra: Tây Tạng đã nhập vào Trung Quốc từ hơn nửa thế kỷ rồi!

Từ lãnh thổ Nepal qua bên kia biên giới là một cây cầu, mỗi nước giữ một nửa. Hai bên là hai bộ mặt xã hội hoàn toàn khác biệt: Phía bên Nepal chỉ có mấy nhân viên mặc thường phục đứng lờ phờ, còn một nửa cầu bên Trung Quốc thì hai dãy lính Tàu bồng súng đứng nghiêm tăm tắp, mặt lạnh tanh còn hơn hai hàng lính “Uy vũ” trước cửa Bao Công.

unnamed

Một dân phu Tây Tạng đang thồ hàng qua biên giới

Chokyi, người bạn Tây Tạng chờ chúng tôi ở cuối cầu. Anh chào đón chúng tôi bằng cách khoác lên vai mỗi người một dải khăn trắng có vẽ hình tám dấu hiệu: cái còi, cặp cá vàng, cái ô, chiếc phướn, hoa sen, cái bình, bánh xe pháp luân và dải lụa thắt nút vô tận. Theo phong tục, đấy là những dấu hiệu tốt lành mang ý nghĩa cầu phước.

Chokyi mới hai mươi lăm tuổi nhưng trông khá già dặn, khuôn mặt khắc khổ rám nắng, chỉ khi cười mới thấy khuôn mặt tươi lên một chút. Trên đường đến Yangmu, anh mở cho chúng tôi nghe tiếng nói của đức Dalai Lama lưu sẵn trong phone của anh. Tôi hỏi anh hiện nay người dân có được tự do nghe lời và treo ảnh của Dalai Lamma không, anh im lặng lắc đầu.

Phố núi Yangmu

 Trên quãng đường từ biên giới đến Thị trấn Yangmu xe di chuyển rất khó khăn, kẹt kin kít cả dãy dài vì đường rất hẹp mà xe nào cũng muốn lách chạy lên phía trước. Nếu trên cầu biên giới lính Trung Quốc bồng súng đứng canh dày đặc thì ở đây lại chẳng có một mống công an nào, các tài xế cứ thế lay hoay thu xếp với nhau.

unnamed

Trên đường đến Yangmu

Đến chập tối chúng tôi mới đến được Yangmu. Khí hậu đã khác hẳn, cái nóng oi bức ở Kathmandu đã thay thế bởi cái lạnh buôn buốt trên da thịt. Bước vào nhà nghỉ bốn tầng, thấy mỗi phòng kê đến 4 giường, cũng may chăn nệm khá sạch. Sau một ngày đi đường quá ê ẩm, chúng tôi ai cũng ngả lăn ra làm một giấc đến sáng. Đến sáng ở đây có nghĩa là 9 giờ, vì ở đây đã là “Khu Tự trị Tây Tạng” thuộc nước Trung Quốc, phải sử dụng giờ Bắc Kinh, cho nên tuy đồng hồ chỉ 9 giờ mà ngoài trời chỉ mới lờ mờ thôi.

Yangmu là một phố núi, nhà cửa ẩn hiện trong mây mù, làm cho tôi chợt nhớ đến bài hát “Phố núi cao, phố núi đầy sương. Phố núi quanh co, trời thấp thật buồn”. Đây là một thị trấn vùng biên có vẻ ăn nên làm ra, nên người Trung Quốc đã kéo đến ở đông đặc, nhà cửa của người Tàu san sát bên các con đường bên vách núi. Ở đây có nhà hàng ăn uống, có tiệm massage, có internet, có photocopy…Nhà nghỉ có nhà vệ sinh tuy còn lạc hậu nhưng cũng khá sạch. Cứ tưởng đấy chỉ là những tiện nghi thông thường tối thiểu, nhưng chỉ hôm sau khi đi khỏi Yangmu, chúng tôi mới biết đấy là những sự sung sướng không thể nào có lại trong suốt hành trình hơn mười ngày ở Tây Tạng.

Dọc theo Himalaya

Rời Yangmu đến Saga, xe đi qua con đường dài hun hút, càng lúc độ cao càng tăng lên, chẳng bao lâu sau cảnh tượng hai bên đường khác hẳn. Không còn một mống cây xanh nào nữa, chỉ toàn là núi đá, lớp dưới thì gân guốc lạnh lùng, lớp trên chồng chất xa xa với những chóp núi nhọn hoắt phủ tuyết. Chokyi ngồi ở ghế trước quay lui bảo :

– Đấy chính là Himalaya!

unnamed

Dọc theo Himalaya

Một cảm giác xao xuyến sững sờ tràn ngập trong tôi, không ngờ giờ này mình đang đi dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn tưởng chỉ có thể nghe nhắc đến trong sách vở.

Quá hùng vĩ, nhưng cũng quá khắc nghiệt. Không một ngọn gió nào lọt qua được dãy trường thành sừng sững này, chỉ có ánh nắng chang chang rực rỡ chiếu lóa trên mặt đất khô khốc đầy đá sỏi và cỏ cằn cỗi khô vàng; Nắng đến nỗi người Tây Tạng luôn phải bịt mặt trong khăn, nhưng đồng thời lại lạnh muốn cắt cả ruột. Trong xe đóng kín, cái lạnh càng lúc càng thấm dần vào, tôi vốn là đứa nhát lạnh nhất trong đoàn, vội vàng lấy áo len, áo phao ra mặc.

Bước vào khách sạn – Chokyi bảo là khách sạn lớn nhất ở Saga- tôi cảm thấy ngạc nhiên vì những căn phòng thấp bé, trên khoảng sân vuông vức khá rộng nhưng không được tráng lát gì cả, chỉ có nền đất với những vết nứt nẻ lỗ chỗ; Càng kinh hãi hơn với cái điều mà không một ai trong số những người đi trước viết lại: Nhà vệ sinh thực sự là một nỗi kinh hoàng, giống y như nhà vệ sinh ở miền Bắc trong những thập kỷ 60, 70. Trời ơi, tôi thầm nghĩ, đến thế kỷ này rồi, giữa một thị trấn hàng ngàn du khách đi qua, trong một khách sạn lớn nhất, mà người Tây Tạng còn phải sống trong những điều kiện như thế này sao? Trong những thiên du ký của các tác giả mà tôi đọc say mê trước đây chỉ có một Tây Tạng huyền bí, sâu sắc, với đời sống tâm linh sâu thẳm. Chưa nghe ai nói đến một Tây Tạng nghèo nàn lạc hậu như thế này. Mọi thứ đều thô sơ và bám đầy bụi bặm.

unnamed

Khách sạn ở Saga

Cũng may, nổi bật lên giữa khung cảnh nghèo nàn ấy, có một thứ rất tốt, tốt đến không ngờ, đó là chăn nệm trên giường. Người Tây Tạng dệt chăn bằng lông  trâu Yak, lông cừu nên rất ấm, khăn trải giường lúc nào cũng trắng sạch, tôi không hiểu họ làm sao giặt giũ và giữ sạch được như vậy trong tình hình nước rất khan hiếm. Một điều đau khổ nữa: Trong cả khách sạn không hề thấy cái phòng tắm, cũng không ai nhắc đến khái niệm phòng tắm ở đây. Tất cả mọi nhu cầu vệ sinh, khách phải xoay xở với hai cái chậu và một phích nước để ở đầu giường, thôi có vậy đã là may lắm rồi.

Saga đầy bụi, bụi mờ cả mắt. Lạnh như kim châm trên da thịt. Ở nước ta, điểm có độ cao nhất là chóp  núi Fansipan 3142 mét. Ở Saga, đứng trên mặt đất bằng phẳng đã ngang với độ cao ấy rồi. Trên cao nguyên Tây Tạng này, chúng tôi đang đi trên nóc nhà thế giới.

Buổi sáng, chúng tôi được bà chủ khách sạn chuẩn bị cho món bánh bột lúa mạch cán dẹp rồi áp chảo với mỡ trâu Yak. Để giữ cho lửa cháy đều, bà liên tục xúc vào lò những xẻng…phân ngựa phơi khô. Đấy là thứ chất đốt độc nhất tôi nhìn thấy ở vùng này.

unnamed

Bà chủ khách sạn đang chuẩn bị bữa sáng cho du khách

Chín  giờ sáng, chúng tôi tiếp tục lên đường, đi về hướng Manasarova.

Từ Saga trở đi, tôi bắt đầu lo lắng cho sức khỏe, vì hai lỗ mũi đã cảm thấy rát, hít thở hơi khó chịu. May quá có đem theo chai thuốc xịt mũi làm bằng bông ngũ sắc, cũng cứu vãn được tình hình. Lại thỉnh thoảng bắt đầu thoáng thấy đau nhói hai bên thái dương. Lại dùng dầu xanh bôi vào, cứ thế suốt hành trình, hai cái chai đó luôn kè kè trong túi tôi. Dù đã đề phòng, việc ăn uống vẫn làm khổ tôi kinh khủng. Từ Yangmu trở đi hầu như tôi không ăn được gì, mặc dù rất cố gắng.

Thiếu ăn, thiếu thở, không được tắm, chống chọi với khí lạnh….Vậy mà chuyến đi vẫn vô cùng kỳ thú, bởi quang cảnh Tây Tạng đẹp một cách kỳ lạ. Không nơi đâu trời xanh hơn ở đây, không nơi đâu nhiều mây trắng như ở đây, không nơi đâu núi cao, vực sâu như ở đây! Cái kỳ vĩ ấy, khắc nghiệt ấy chỉ có thể nhìn và cảm nhận bằng mắt chứ khó tả nổi bằng lời. Nhất là khi đi qua Drongba, vượt qua hai ngọn đèo Lalung cao hơn 5000 mét, nhìn xuống khe sâu là cả một cảnh tượng thần kỳ, tưởng như đang đi trên chín tầng mây biếc.

Khi đến Manasarovar, trời đã xẩm chiều. Thị trấn Manasarovar cao 4.550 mét, được đặt tên theo tên một hồ nước mênh mông xanh biếc. Đây là hồ thiêng, hàng năm cả ngàn người  đến hành hương. Manasarovar cũng là hồ nước ngọt ở độ cao nhất thế giới!

unnamed

Hồ thiêng Manasarovar

Chúng tôi xuống tận bờ hồ. Nước trong vắt, mênh mông như biển, nhìn sang bên kia chẳng thấy bờ. Bên kia hồ là dãy núi Gurla Mandhata với những chóp tuyết trắng xóa. Bên này hồ….Tôi ngẩng đầu lên nhìn về phía đối diện, và chợt thấy núi thiêng Kailash hiện ra! Không thể nhầm lẫn được, bởi tuy chưa đến bao giờ nhưng hình ảnh ngọn núi này, tròn trĩnh, phủ đầy tuyết mịn, với vài gợn lỗ chỗ nơi sườn núi …Trong cơn xúc động tôi chạy trở về nhà nghỉ để lấy máy ảnh, nhưng khi chạy xuống thì Kailash đã biến mất, như một phép lạ chỉ hiện ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhìn về phía ấy chỉ còn mây trắng phau che phủ kín cả chân trời.

Dấu chân Bồ Tát

Sau một đêm ngủ lại ở chỗ gọi là “Holy lake hotel”, mà tiện nghi cũng chẳng hơn gì khách sạn ở Saga nếu không nói là còn tệ hơn, chúng tôi quyết định lên đường sớm. Phải tranh thủ thời gian vì thời tiết đang rất tốt, để lỡ thời cơ nếu gặp mưa thì rất uổng. Chokyi ngăn lại: “Dù vội thế nào cũng phải thăm đền Chiu Gompa. Hồ Manasarovar sở dĩ thành hồ thiêng cũng là nhờ thánh tích này.”

unnamed

Dấu chân của Bồ tát Liên Hoa Sinh

Ngôi đền này rất nhỏ bé, kiến trúc cũng rất thô sơ, nhìn từ đường cái vào thoạt tiên tôi cứ tưởng là một cái lô cốt nhỏ. Khi bước vào, mới hiểu vì sao khắp nơi đến đây chiêm bái: Đấy là một trong những nơi lưu dấu ấn của Bồ tát Padmasambhava (Tức Liên Hoa Sinh), người đã có công đưa Mật Tông Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng. Người dân Tây Tạng vô cùng sùng bái vị bồ tát này, xem là “Đệ nhị Phật”.

Trên đỉnh đồi cao đầy gió, Chokyi kể sự tích Ngài Liên Hoa Sinh:

“Theo lời truyền, vua Tây Tạng vào thế kỷ VIII là Shantarakshita rất mộ đạo Phật, ngài định xây một tu viện lớn nhưng bị các quỷ thần ở trong vùng quấy phá. Cuối cùng theo lời khuyên của triều thần, vua sai người sang Ấn Độ mời Đại sư Liên Hoa Sinh sang giúp. Một trận đấu phép giữa Bồ Tát và vua quỷ đã diễn ra ròng rã trong 7 ngày, ngay trên hồ Manasarovar này. Đến bây giờ dấu chân của Ngài Liên Hoa vẫn còn in lại trên vách đá.” Cũng vì cái dấu chân này mà ngôi đền bé nhỏ thô sơ mới trở thành danh lam hàng đầu của Tây Tạng, thật đúng như người xưa nói : “Chùa đất, Phật vàng”.

Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, Chokyi kể thêm về sự tích Ngài Liên Hoa:

unnamed

Tu viện Chiu Gompa

Những câu chuyện của Chokyi làm tôi không khỏi kinh ngạc. Chokyi hiểu thắc mắc của tôi, cậu ta giải thích: Vào thời đó, với môn phái Kim Cương Thừa,  những cao tăng không phải từ bỏ tình dục, ngược lại còn xem đó là một lãnh vực tu chứng. Và mối liên hệ giữa Phật giáo với những quan niệm phồn thực cổ sơ là một đặc điểm tôn giáo rất độc đáo ở Tây Tạng cũng như ở một số nước láng giềng vào thời xa xưa ấy.

Chúng tôi rời Manasarovar, Chokyi ngồi phía trước quay lui khoe hai con cá khô tối qua vừa tìm mua được, vẻ hí hửng lắm. “Người ta đánh bắt cá dưới hồ để làm khô à?” “Không, không phải, cá già rồi, chết tự nhiên và nổi lên tự nhiên. Chữa được nhiều bệnh lắm. Bố mẹ vợ tôi đã dặn, có dịp đến Manasarovar phải mua cho các cụ.”

unnamed

Tượng Liên Hoa Sinh trong đền Chiu Gompa (Bên trái là công chúa Ấn Độ Mandarava, bên phải là công chúa Tây Tạng Tsogyal)

Thấy tôi im lặng có vẻ bán tín bán nghi, Chokyi tặng tôi một gói muối nhỏ, đấy là muối từ nước hồ, anh bảo muối này xoa bóp có thể trị được bệnh khớp và nhiều chứng đau đớn khác. Được xem là  nước ngọt nhưng nước ở Manasarovar lại có độ mặn, cô đặc lại thì thành muối. Theo Chokyi, có giả thuyết cho rằng triệu triệu năm trước toàn vùng Tây Tạng vốn là đáy biển, sau này địa chấn nâng cao lên thành cao nguyên nhưng tính chất nước biển vẫn còn sót lại trong các ao hồ. Có lẽ vì thế mà cả vùng đất này chỉ có cát và đá, không một cây xanh nào mọc được, trừ một thứ cỏ dạng tảo mọc lưa thưa trên các triền núi, động vào là ngứa kinh người. Chokyi bảo từ xưa tới nay chỉ có thuật sĩ lừng danh Milapera là dám ăn lá cỏ ấy thôi.

“Milapera là ai?” Tôi tò mò hỏi. Chokyi gật đầu cười: “Sẽ kể. Nhưng bây giờ thì đi thôi, phải đến Darchen trước khi trời tối.”

Darchen là chặng cuối, nơi chúng tôi sẽ bắt đầu hành trình đi Cora.

Đêm trước Cora

Darchen có độ cao 4600 mét.

Đến đây sức khỏe của tôi đã xuống dốc khá nhiều, tuy suốt ngày chỉ ngồi trên ô tô nhưng phải chịu đựng khí hậu thật khắc nghiệt, vừa buốt giá và khô khốc, nắng dữ dội muốn lòi cả mắt mà đồng thời lại lạnh buốt đến cóng cả tay chân. Chưa bao giờ tôi độn nhiều áo xống trong người như thế, ba lớp áo quần bằng len cán, lại thêm cái áo phao dày cộp, thế là đủ ấm rồi nhưng còn cái mặt, mỗi lần mở khẩu trang để chụp hình tuy  gượng cười nhưng sự thật là đang cảm thấy tối tăm mặt mũi. Khổ nhất là hai lỗ mũi đã sưng rát vì hít cái gió khủng khiếp này. Trên đường đi tôi đã liên tục xịt thuốc, vậy mà thỉnh thoảng hỉ ra khăn vẫn thấy màu đỏ nhờ nhờ của máu loãng.

Trên đường đến Darchen, ngồi trên xe tôi bắt đầu thấy từ vai gáy đến cánh tay  mỏi ê ẩm. Rồi một bên chân bắt đầu thỉnh thoảng bị chuột rút. Cảm thấy đấy là những dấu hiệu mở đầu của hội chứng thiếu oxy nên trong lòng tôi không khỏi lo lắng. Đã thế lại chẳng được bữa ăn nào vừa miệng, mấy thanh “High Calories” chắc cũng giống thức ăn ở trên phi thuyền, chỉ giải quyết cho mình cái chuyện khỏi chết đói chứ chẳng đem lại một chút cảm giác nào.

Tôi cố giảm bớt động tác để giữ sức, vì cứ ngồi yên thì hơi thở rất bình thường, nhưng hễ động tay làm một cử chỉ gì nhỏ nhặt: Với tay lấy cái khăn ở đầu giường chẳng hạn, hay lục tìm chai dầu trong ba lô, chỉ một vài cử động đơn giản ấy thôi cũng đủ khiến tôi thở hồng hộc như vừa vác một cái gì nặng lắm.

Khách sạn ở Darchen, nơi mỗi ngày hàng trăm du khách từ khắp thế giới tụ về,  cũng chẳng hơn gì khách sạn ở các vùng đã đi qua. Vẫn vậy, không có chỗ tắm rửa, nhà vệ sinh khủng khiếp. Cả vùng này tuy có ống nước nhưng nước dẫn đi đâu không rõ, tôi thấy ngay trước khách sạn người dân đã đào đất lôi cái ống nước nhỏ xíu lên, bẻ đôi cho nó phun nước ra, cả vùng đến hứng lấy nước về xài. Quả là một hành vi phá hoại, nhưng nếu không tạo ra cái chỗ phun nước bất đắc dĩ này, họ phải xuống suối bưng lên từng hũ như ta vẫn thấy trong những bức tranh dân gian vẽ hình cô gái Tạng đi lấy nước.

Chiều hôm ấy chợt Souson từ ngoài chạy vào kêu to:

“ Kailash kia kìa!”

 Thì ra mây vừa tan, nhìn qua cửa sổ chúng tôi thấy Kailash trắng toát hiện ra ở xa xa, trên mấy lớp núi xanh phía dưới.

unnamed

Kailash nhìn từ Tarboche

 Chúng tôi quên cả mệt, vội chụp hình, chụp liên tục mặc dù nhìn từ Darchen thì còn xa lắm. Nhưng cứ chụp đã, vì nghe nói đã có nhiều đoàn đã đến đây mà rồi cũng chẳng có duyên đi đến chân núi, và nhất là gặp ngày âm u thì có đến tận nơi cũng chẳng hề thấy cái đỉnh núi huyền thoại.

Đêm đó tôi lên cơn nhức đầu dữ dội, càng nhức đầu thì càng khó thở. Tôi lo âu hết sức, tình hình này biết sáng mai có đi nổi không đây, nhất là từ mai sẽ đi ngựa chứ không có chuyện ngồi trong ô tô nữa. Lo quá nên tôi mất ngủ, càng mất ngủ càng đau đầu hơn. Lòng tôi hoang mang: Có nên tiếp tục đi không?

Có đi tiếp không? Câu hỏi đó có lẽ đã xuất hiện trong lòng rất nhiều người khi đến cái cung đường quyết định này. Vì đến đây thì sức đã cạn, xảy ra nhiều hiện tượng lủng củng trong cơ thể. Hôm nay nằm trong chăn ấm mà còn như thế, ngày mai dang mình giữa nắng và có thể cả mưa ướt lạnh…rồi sẽ còn lủng củng đến đâu? Độ cao sẽ tăng dần theo hành trình, rồi còn hiện tượng gì sẽ xảy ra? Những chuyện chết người ở Kailash trong quá khứ lại ám ảnh tôi…

Khi bình minh đến, tôi ngồi dậy, đầu đã bớt đau nhưng trong người cứ như trống rỗng, bước đi như bước trong chân không.  Bỗng dưng thèm được ăn một tô phở, thèm đến cháy môi. Giá có một tô phở bây giờ, chắc tôi lành bệnh liền. Lúc đó bỗng nhiên quờ tay vào vali thấy một gói cà phê hòa tan đem từ Việt Nam, tôi liền nhờ Souson xuống bếp xin giúp ít nước sôi nóng để pha. Thật bất ngờ, uống xong cốc cà phê quen thuộc tôi thấy người dễ chịu hẳn, đầu óc tỉnh táo trở lại.

Tôi quyết định theo đoàn lên đường, không quên nhắc Souson ôm theo 10 bình oxy.

Đường đến núi thiêng

Từ khách sạn Darchen đến Tarboche khoảng 15 cây số. Chúng tôi xuống xe, trước mắt là một vùng hoang vu chỉ có hàng đàn trâu Yak đang đứng sẵn để chờ thồ hàng cho du khách.

Mấy người chăn ngựa dắt ngựa đến gần. Những con ngựa Tây Tạng, chân cao, đuôi dài, bờm tung lên dũng mãnh, đẹp hơn hẳn những con ngựa mà tôi đã thấy ở Mexico hay ở Bhutan. Cũng như Mông Cổ ở gần đó,  Tây Tạng là nơi sinh ra những con tuấn mã đẹp nhất nhì thế giới.

Tôi chỉ vào một con ngựa trong bầy, nhưng Chokyi ngăn lại. “Phải bắt thăm.” “Sao vậy?” “Vì mỗi con ngựa có một số phận riêng, cũng như mỗi người chúng ta đều có vận may rủi khác nhau.” Nghe vậy tôi thoáng cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy ngang lưng. Chokyi nói vậy, nghĩa là con ngựa này sẽ nhân danh số phận để đưa tôi đi xuyên qua một đoạn đường sinh tử.

Thú thực lúc đó tôi cảm thấy sợ, nhưng khi đã đến Tarboche, mỗi khách hành hương cũng giống như mũi tên đã lắp vào cung, chỉ còn việc phóng đi.

unnamed

Khách hành hương Tây, Tàu, Tạng

Quả là số tôi không may cho lắm, nên con ngựa tôi cỡi không phải con ngựa hiền. Thỉnh thoảng đang đi chú ngựa Tây Tạng bỗng chồm lên, xoay tít như đang nhảy valse vậy, làm tôi hết hồn hết vía. Trên con đường này, có đủ  Tây, Tàu, Tạng nối đuôi nhau lũ lượt, kẻ đi bộ, người đi ngựa, nhưng ai  cũng chăm chú lo đi, nên dù tôi kêu lên oai oái thì cũng chẳng ai cứu được. Đành là “Chót lên voi phải cầm vố”, nhắm chặt mắt, kẹp chặt hông ngựa, may sao sau vài phút  nó hết cơn hứng thì lại đi túc tắc như thường. Sau lần đầu bạt cả vía ấy, tôi nắm được quy luật của nó rồi nên thấy nó trở chứng thì cứ nhắm mắt bám chặt lấy mỏm yên, nín thở chờ nó qua cơn trái tính là xong.

(Hình 13, 14)

 

unnamed

Trâu Yak thồ hành lý theo sau

Chặng đầu tiên từ  Tarboche đến Dirapuk là một chặng đường vô cùng thú vị, trời xanh lồng lộng bao phủ trên đầu, hai bên là hàng hàng lớp lớp núi hùng vĩ, những tảng đá khổng lồ chồng lên nhau, nhẵn thín,  trơ trụi. Sau gần một ngày đường, đến xế chiều chúng tôi mới kết thúc chặng đầu cora, dừng chân ở nhà nghỉ Dirapuk.

Đến Dirapuk là đã đến chân núi Kailash! Ngọn núi tuyết hiện ra ngay trước mắt, sáng lóa màu tuyết trong nắng chiều. Trời đã hoàng hôn mà hình ảnh Kailash vẫn hiện ra tròn trĩnh, đẹp lồng lộng.

Ngọn núi này được sùng bái bởi tín đồ cả hai đạo: Đạo Bon, tôn giáo nguyên thủy của Tây Tạng, và Mật Tông Phật giáo.

Với đạo Bon (một dạng thần đạo cổ sơ của người bản địa) thì đây là nơi Thủy tổ Tongpa Sherap từ trời xuống đất.

Với Mật tông Phật giáo thì đây là nơi thường trú của Chakrasamvara, một vị Phật được xem là hình ảnh của Cực lạc.

Với chúng tôi, những người hâm mộ ngọn núi phi phàm, thì có một điều thật xứng đáng để mình phải vượt ngàn dặm đến đây : Ở nơi này, thiên nhiên kỳ vĩ là cánh cửa tuyệt đẹp mở ra một thế giới văn hóa tâm linh mênh mông như biển, bước vào đó ta có thể đi mãi không ngừng trong cái bề sâu hướng nội vô tận của nhân loại.

unnamed

Kailash nhìn từ Dirapuk

Vui lắm, nhưng tất cả chúng tôi ai cũng mệt, mệt rã rời và ai cũng cố gắng cử động rất hạn chế, để giữ oxy trong máu. Độ cao của Dirapuk đã là 4.900 mét.

Đêm lạnh không thể tưởng tượng. Khách người châu Á tất cả đều nằm trong phòng, còn một số khách Âu Mỹ, tự cho là quen với cái lạnh, nên thuê lều vải ngủ ngoài sân cho nó thêm “phong trần”. Nhưng đến khoảng 10 giờ đêm trời rét dữ dội, họ đều phải bỏ lều chạy vào phòng hết.

Nửa đêm, Chokyi đập cửa phòng tôi, hỏi tôi lấy mấy bình oxy. Cậu ta bảo có 5 khách hành hương bị kiệt sức phải cấp cứu. 5 khách này là 5 thanh niên Trung Quốc, ỷ sức khỏe nên đi bộ mà lại không mang theo bình. Đến sáng sớm có chiếc xe cứu thương cọc cạch đến đưa họ vào bệnh viện. Tôi hỏi Chokyi bệnh viện cách đây bao xa, cậu ta bảo: Cách ba trăm cây số!

Rút kinh nghiệm ở Darchen, tôi đã cố gắng ngủ, và sáng sớm lại pha cà phê Việt Nam uống cho tỉnh người. Vẫn còn mệt lắm nhưng lần này tôi biết sức mình có thể đi được.

Nhưng đến đây Chokyi bỗng trở giọng bàn lui:

– Dirapuk là chỗ ngắm núi đẹp nhất rồi, có đi nữa cũng chẳng có gì mà xem.

Lẽ nào lại thế. Chúng tôi đã gắng lên đến độ cao gần 5000 mét. Chỉ phải ráng lên cao thêm khoảng bốn trăm mét nữa thôi. Vậy mà Chokyi cứ một điệp khúc “Nothing to see”. Souson, anh bạn người Nepal cũng phụ họa để tìm mọi cách cho chúng tôi nản lòng. “Nên về thôi, không có gì hơn nữa đâu.”

Chắc các cậu sợ trong chúng tôi có ai đó lăn ra chết thì phiền phức biết bao nhiêu. Lúc đó tôi cũng cảm thấy nao núng, vì nhớ lại mùa hè năm qua hai du khách Singapore, một 60 và một 62 tuổi đã chết đột ngột sau khi vượt qua đèo Dromo-la, nghĩa là khi vừa đi hết chặng thứ hai của vòng Cora quanh núi.

Chokyi và Souson là những người đưa đường giàu kinh nghiệm, biết lo xa, thấy chúng tôi đã có tuổi, sợ nguy hiểm nên không muốn liều. Nhưng bác sĩ Tâm, trưởng đoàn của chúng tôi là người có máu mạo hiểm, ông cứ lên ngựa và quát to : “Đi! Đi lên đỉnh núi!”

Lúc bấy giờ tôi hiểu. Cái tiếng tăm chết người của Kailash,cũng chính là  sức hút mãnh liệt của ngọn núi này.

Chokyi và Souson không còn cách nào khác, đành phải tiếp tục đi.

Bên cạnh chúng tôi, nhiều người Tây Tạng đang “tam bộ nhất bái” trên đường. Cứ ba bước một lạy, họ chẳng hề để tâm đến cảnh tượng quanh mình, chỉ tập trung vào thế giới lặng lẽ bên trong.

unnamed

Rời Dirapuk ra đi: Kẻ đi bộ, người đi ngựa, lại có người vừa đi vừa lạy.

Nói dại, nếu lỡ ra trong đoàn tôi có ai chết thì sao? “Nếu mà chết thì khỏi có chuyện đem xác về nhà, sẽ thiên táng trong bụng chim trời.” Tôi nghe mà hú vía. Chokyi nói, không phải cậu ta dọa đâu, người Tây Tạng đến nay vẫn giữ tục lệ ấy cơ mà.

Tranh thủ một lần nghỉ mệt, tôi vừa thở vừa nói thật với Chokyi là tôi thấy tục lệ ấy dễ sợ lắm, có phải người Tây Tạng phải giữ tục thiên táng là vì đất đá khô cứng quá không đào nổi huyệt mộ, củi gỗ cũng chẳng có để hỏa táng?

Chokyi lắc đầu bảo không phải. Trước kia người Tây Tạng từ vua chúa đến dân thường khi tạ thế đều được an táng trong lòng đất. Nhưng kể từ khi gần như toàn dân theo đạo Phật, nhiều người muốn đem thân xác bố thí cho các loài chim, như vậy người chết có thể làm được một việc phước cuối cùng. Lâu dần thành tục lệ chung. Như vậy thiên táng không phải một tập tục dã man, mà biểu lộ lòng từ bi vô lượng của người Tây Tạng.

Chặng đường thứ hai của vòng cora kết thúc ở đèo Dromo – la, đỉnh cao nhất của hành trình ( 5.470  mét).

unnamed

Đường lên Dromo-la

Dromo-la được đặt tên theo tên nữ thần Dromo, còn gọi là nữ thần Tara, vị nữ thần tượng trưng cho phúc đức và lòng nhân ái (Cũng là nữ Bồ tát, bởi cả Đạo Bon thờ thần và Đạo Phật Tây Tạng đều sùng bái Tara.)  Những ngày ở Tây Tạng, tôi được xem tranh cổ dân gian (Thăngka), và rất ngạc nhiên thấy ở đây Quan Âm Bồ tát (Avalokitesvara) là đàn ông, vì vậy hình tượng Quan Âm ở Tây Tạng khác xa hình tượng Quan Âm bên ta. Tara, với vẻ mặt hiền dịu và dáng vẻ xinh đẹp mới chính là vị nữ thần, nữ Bồ tát mang hình ảnh người mẹ cứu khổ trong tâm tưởng người Tây Tạng.

Người Tây Tạng nguyện cầu Tara mỗi khi họ gặp khó khăn, tai nạn, bệnh tật, như đứa con kêu cầu tình thương và sự che chở của mẹ. Có lẽ vì vậy mà tên Dromo (Tara) được đặt cho điểm cuối chặng thứ 2 vòng cora, bởi đấy là đỉnh cao nhất nơi mà người hành hương phải vượt nhiều đoạn cheo leo hiểm trở mới đến được, cũng là nơi thường xảy ra những vụ chết người vì hội chứng loãng oxy. Trong khoảnh khắc sinh tử, danh hiệu Tara được gọi lên, giúp cho người lâm nạn sức mạnh tinh thần để vượt qua cõi chết.

unnamed

Bồ tát Tara

Đến đèo Dromo, xem như cuộc hành hương đã đạt, nên người hành hương Tây Tạng thường ném lại một mẩu áo cũ, một chiếc mũ cũ…với ý nghĩa tượng trưng là từ nay sẽ lột bỏ thân xác cũ để tái sinh trong một chặng đời mới đầy ân phước. Những mảnh áo mũ vứt đi này nằm vương vãi trên những đám cỏ lơ thơ ven núi.

Để tôn vinh Tara, những lá cờ nguyện cầu rực rỡ được người hành hương giăng khắp triền đèo. Theo Chokyi, cờ nguyện cầu có năm màu là biểu thị năm yếu tố cấu thành vũ trụ theo quan niệm của người Tây Tạng: hư không (xanh dương), gió (trắng), lửa (đỏ), nước (xanh lục), và đất (vàng). Treo cờ nguyện cầu là ghi lời nguyện của mình vào vũ trụ bao la, và cũng là góp phần vào hòa điệu vô tận của trời đất. (Quan niệm của người Tây Tạng về các yếu tố cơ bản của vũ trụ khác quan niệm về ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ của người Trung Hoa ở chỗ họ không nhắc tới yếu tố mộc (cây) và kim (kim loại). Điều này có lẽ cũng xuất phát từ hoàn cảnh thiên nhiên ở xứ sở vùng cao trơ trụi này.)

Qua khỏi Dromo-la, những con dốc xuôi dần xuống thấp. Cuối chặng đường, sau vài giờ đi bộ, tu viện Zutul Gompa hiện ra.

Zutul nghĩa là cái hang, đặt tên như vậy vì ở đây có cái hang nhỏ nơi nhà thánh thi Milarepa đã ngồi thiền định. Đến đây, qua khỏi những nỗi âu lo, Chokyi mới nhớ ra còn nợ tôi câu chuyện về Milarepa, là nhà thơ đồng thời là thuật sĩ vĩ đại của Tây Tạng vào thế kỷ 11.

unnamed

Những lá cờ nguyện cầu

Và đây là câu chuyện của Chokyi trong buổi tối dừng chân nơi trạm nghỉ này:

 Milarepa vốn là một đứa con côi nghèo khổ có tuổi thơ bị đày đọa,  ông căm thù những kẻ đã đối xử tàn tệ với mình nên đi học phép phù thủy và dùng phép để báo thù. Trong phẫn hận, ông dùng phép thuật làm ra một cơn bão lớn, khiến cho cả trang trại của kẻ thù bị tàn phá, ba mươi người chết sạch trong một đêm.

Lòng căm thù đã hả, nhưng ông không thấy vui, trái lại, nỗi trống vắng lạnh lẽo xâm chiếm tâm hồn ông. Khuôn mặt của những người chết ám ảnh ông, nỗi ân hận càng lúc càng lớn. Thế rồi ông quyết tâm theo Phật, dứt bỏ lòng hận thù để đến với tình thương và tha thứ. Sau nhiều thập kỷ tu tập và thiền định, Milarepa đã được xem là vị Phật sống, trở thành người kế tục dòng truyền thừa của Phật giáo Mật Tông Tây Tạng…

Câu chuyện rất người của đời ông là chứng thực của điều Phật dạy: Buông dao xuống, kẻ sát nhân có thể thành Bồ Tát.

 Cuộc đời kỳ vĩ của vị Phật sống đã được Neten Chokling dựng lại trong bộ phim Milarepa nổi tiếng thế giới.

Một ngàn năm nữa…

Từ Zutul – Gompa trở đi, đường dễ đi hơn nhiều. Sau nửa ngày đi theo những đoạn đường ngoằn ngoèo, lại đến một thung lũng hẹp,  rồi con đường men núi rẽ sang phía tây. Lúc này khách hành hương đang đi về hướng Darchen, đi khoảng 3 giờ đồng hồ sau mới thấy thị trấn hiện ra đằng xa với những mái nhà xám xỉn.

Lẽ ra theo hành trình, Chokyi sẽ gọi xe đến đón chúng tôi ngay ở đây rồi lên đường về lại hồ thiêng Manasarovar. Nhưng đã quá mỏi mệt vì chuyến đi, và cũng để nhâm nhi niềm vui của mình thêm một chút, chúng tôi quyết định quay về khách sạn Darchen với kế hoạch “liên hoan” một bữa để mừng đi đến nơi, về đến chốn.

Chà chà, muốn liên hoan cũng khó đây, vì biết ăn gì bây giờ. Vị trưởng đoàn của tôi vốn rất quan tâm đến ẩm thực, chợt nhớ ra trên đường đến khách sạn Darchen có thấy một nhà hàng mang bảng hiệu tiếng Hoa, tên là Tứ Hải gì đó, có ghi chú là bán các món ăn Hoa Nam. Chokyi tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi, nhưng sau nể khách quá nên cũng chiều. Nhà hàng đông khách, tất nhiên toàn là khách vãng lai đi qua Darchen chứ dân Tạng thì không hề có ai xuất hiện ở đây. Chokyi ghé tai nói nhỏ cho tôi biết lý do khiến anh ngại ngần: Theo anh thì các nhà hàng Hoa ở đây thường lấy thịt chó giả làm thịt bò, mà anh là Phật tử Tây Tạng, tuyệt đối kiêng thịt chó (Rất giống thói quen của Phật tử ở Huế). Tôi chợt nhớ lại khi vào cửa nhà hàng đã nhìn thấy cả đàn chó ngao nằm la liệt trong sân, thấy ớn lạnh nên dù đã đói cả tuần nay và các món ăn đều thơm phức hấp dẫn nhưng tôi chỉ dám húp nước mà thôi…

unnamed

Đàn chó ngao trong sân nhà hàng

Chokyi cũng không ăn uống gì nhiều, chỉ nhấm nháp lấy lệ. Không biết giờ phút ấy người bạn Tây Tạng của chúng tôi đang nghĩ gì? Suốt trên đường đi, không biết bao nhiêu lần Chokyi đã phải lên xe, xuống xe để trình giấy tờ qua các bót gác có lính Tàu canh giữ. Ở Tây Tạng bây giờ, các trường học đều dạy bằng tiếng Hoa, các bảng tên đường cũng tiếng Hoa, cả những thánh tích cũng có bảng chỉ dẫn tiếng Hoa. Nhưng, trong khi  người dân những nước láng giềng đã quên đi khái niệm Tây Tạng về mặt địa lý, thì trên toàn thế giới người ta vẫn nhắc về quê hương của Dalai Lama như một đất nước, một dân tộc với tất cả những bản sắc độc đáo có lẽ đời đời không thể nào bị đồng hóa.

Từ Kailash trở về trong lòng tôi khắc sâu hình ảnh gương mặt rám đen cằn cỗi của những người bạn đã gặp: Chokyi, ông lão chăn ngựa, người phu khuân vác hành lý, những khách hành hương tam bộ nhất bái trên đường.  Với niềm tin sâu sắc khó dời đổi, họ giữ trong lòng những tập quán tâm linh, những thánh thần sông núi của ngàn xưa, giữ cho văn hóa Tây Tạng mãi mãi  là một thực thể rất khó bị tan hòa.

Tôi bỗng nghĩ, nhất định sẽ có một ngày Tây Tạng độc lập. Người Việt Nam đã từng nội thuộc Trung Hoa cả đến một ngàn năm. Tây Tạng mới nội thuộc Tàu bảy mươi năm. Vậy từ nay cho đến chín trăm ba mươi sáu năm nữa, lẽ nào lịch sử không cho những người Tây Tạng một cơ hội?

Tay tang 21Rời Darchen, chúng tôi tiếp tục đi. Hai bên đường là cảnh tượng hùng tráng của thiên nhiên, tương phản với cuộc sống lam lũ nghèo nàn của con người. Chúng tôi đang trên đường đến Everest Base Camp, nơi  có thể chiêm ngưỡng chóp núi cao nhất thế giới. Chokyi bảo hãy chuẩn bị tinh thần, sẽ được xét giấy tờ kỹ lắm đó vì mỗi năm hằng trăm người Tạng trèo qua Himalaya để vượt biên qua Nepal.

Trong tiếng gió lạnh khô buốt, tôi tưởng mình đang nghe được những lời nguyện cầu thầm lặng từ những lá cờ ngũ sắc mà người Tây Tạng đang giăng khắp các rừng sâu núi thẳm…

2014

TTM

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.