Vọng

Truyện Lê Minh Hà

Xưa nàng Tô Thị lên non
Trong tay còn có đứa con bế bồng

Bây giờ người ấy tay không

Nguyễn Đức Mậu

Được buổi rỗi việc đồng, cỏ lúa làm xong rồi, còn mỗi cỏ vườn, chàng đứng đầu hồi gọi nàng, mắt vuốt dọc tấm lưng thon cúi cúi bên luống cải đang xanh. Nắng tháng ba như trêu ngươi, râm ran nóng trong từng phần da thịt. Gió xuân náu trên vòm xoan, thỉnh thoảng hẩy ngang người. Chàng rùng mình khi nàng thẳng lưng quay lại. Mắt chàng nhìn nửa dụ dỗ nửa đòi hỏi, lại đôi phần ngượng nghịu. Nàng thẹn thò, cái rổ cắp bên hông lồng bồng những lá cải sò xanh mướt vừa tỉa. Rau ấy, nàng cho ăn thêm cùng dăm ba lá kinh giới, tía tô với canh hến ngày xuân, chịu làm sao dương khí bừng bừng bốc.
Lúc xế chiều thì chàng thức. Ngoài sân, gà cục tác. Cái chậu sành nàng ngâm bồ kết nước chắc ấm rồi, bồ kết đã phai rồi. Nàng đang cúi người khỏa tay vào chậu. Chàng thắt lại giải rút cạp quần, bước tới:
– Mình gội đầu để anh dội nước cho.
Khi nói câu ấy, Tô lang không biết rằng cả hai vợ chồng đã bắt đầu một nỗi đau khổ mà dân nước này đã trải, một đời, nhiều đời, chẳng đời nào thoát được. Chàng cũng không biết, cái lúc lùa tay rẽ làn tóc ướt và ấm của vợ, ngón bất chợt thấy cái gì như vết sẹo lì tay. Nàng quay tóc ngoài sân, ngẩng mặt nhìn chồng, mắt lấp la lấp lánh:
– Thầy u em kể…
Nàng không biết thật ra nàng họ Tô.

***

Tô lang xốc lại cái đãy lép trên vai, bước mải. Đường chàng đi hướng về Nam. Ngày mỗi ngày chàng xa dần cái xóm nhỏ gần chân núi. Ngày mỗi ngày chàng xa dần nàng. Chân chàng rất mỏi. Cái mỏi thắt lấy từng cơ bắp, siết lấy mỗi đốt xương, mỏi như khi bị cảm. Chàng đi, qua bao nhiêu làng xóm. Cái đãy chỉ có bộ quần áo nâu mới mặt vải còn chưa dập hết và mươi bát gạo công sá chàng làm thuê dọc đường. Bộ quần áo này chàng đã lật chiếu để lại đầu cái giường tre, nhưng nàng giằng lại, dúi vào đãy, lấy từ đó ra bộ quần áo cũ đã có đôi ba mảnh vá, bảo chàng:
– Tã lót thì dùng vải đã rung rúc thế này mềm, tốt cho trẻ con mình ạ. Với lại…

Nàng nhìn chàng, thẹn thò không dám nói cốt giữ áo quần còn nồng sực hơi chồng. Mùi mồ hôi với bùn non lúc bừa ruộng cho nàng vào vụ cấy, mùi nhựa chuối lúc chàng chặt cái buồng trĩu nải, quả nào ra quả ấy căng mẩy, như là. Lại còn cái mùi hắc như sắc lại, nồng nàn, tỏa ra từ cổ từ nách chàng những lúc ban ngày ban mặt vợ chồng đang bận bịu mà chàng đứng dậy ra khép giại cửa. Có lần cơm sôi…
Tô lang đi. Từng bước lại ép mình từng bước. Như người ốm dở. Càng đi xa về phương Nam khí trời càng khác, càng làm chàng nhớ tháng bảy tháng tám chiều xuống hơi núi âm u dâng đầy xóm nhỏ, sông nước xa kia không còn hắt ánh trời, mềm như một dải lụa xám ngà, làm dịu lại rất nhanh cái nóng hầm hập về trưa. Nhẩm trong lòng, chàng biết nàng đã sinh. Chẳng biết giọt máu chàng để lại giữa lòng em gái mình nở thành giai hay là gái? Cũng chẳng biết nàng có xé bộ quần áo cũ của chàng ra làm tã bọc cho đứa trẻ không? Ngần ấy ngày xa, bộ quần áo ấy chắc phả nhạt hết mùi rồi, nó có giúp gì được nàng dỗ yên con nhỏ như người đời bảo vậy. Tô lang rộc rạc vì lo vì nhớ, chẳng để tâm chuyện ăn làm. Dừng đôi ba ngày ở làng nào, lúc đốn gỗ, lúc chặt củi, lúc cày thửa ruộng, lúc lợp mái nhà, cái đãy cứ phồng phồng được ít gạo là chàng lại lên đường, đi, chỉ dừng kiếm việc khi đói mà không thể mở lời xin ăn được. Chẳng ai tưởng được ra đằng sau sắc diện đàn ông quắt queo rừng rực cái nhìn kia là gương mặt một người trai trẻ. Càng chẳng ai biết, đến Tô lang cũng không biết vì sao lúc đêm về nằm co quắp đầu hồi góc bếp nhà người, tưởng rũ lả vì mệt vì lo vì buồn mà hạ thể chàng vẫn hừng hực trong cơn nóng. Chàng không nhớ con, nào có biết mặt mũi đứa trẻ thế nào đâu, lại chưa cứt đái mũi dãi cho nó ngày nào, biết nhớ gì. Chỉ thương. Nó và mẹ nó. Lại một mùa xuân. Con đã biết ngồi chưa… Vườn cải… Cữ này chiếu chăn ẩm lắm… Tháng ba… Nàng bây giờ ra sao? Gái một con có nở nang ra được không hay gầy còm vì xa chồng vất vả. Tô lang hoảng sợ đưa hai bàn tay lên ngang mặt, nhìn. Hai bàn tay tội lỗi, đã vuốt dọc tấm lưng thon ấy, dừng nơi eo mềm thắt ngực ấy, đã nựng nịu bầu vú bắt đầu ra sữa non ấy, ngay đêm trước buổi ra đi, khi đã biết rằng… Úp mặt vào hai bàn tay sần chai, Tô lang nuốt lấy một nhịp thở để ghìm cơn nức nở đang làm chàng run giật. Đấy là em mình. Cha mẹ chết rồi, nàng bảo vậy. Vậy là chỉ còn có hai anh em. Tại sao anh không thể nhớ về em như một đứa em? Tô nương ơi, tại sao anh nhớ mình đến thế?

***

Đứa trẻ khi đó đã chạy vững rồi. Nó không biết ở miền kia bố nó ngày ngày ra biển, đứng ở mũi thuyền đang đè lên đầu sóng ngóng về phương bắc. Biển mênh mông không mùi. Đã có một thời mùi biển cồn cào trong trí Tô lang, cái lúc bỏ cái làng chài khốn khổ ra đi, chẳng biết đi đâu, cứ ngược ra đàng ngoài, khi người cha nuôi kể cho chàng biết mười bốn năm trước chàng từ nơi đó đến, thất thần, xác xơ. Trí nhớ đột ngột thức dậy, trồi lên, như xương rồng gai dính vào và không thể dứt khỏi được da thịt. Tô lang tạ từ cha mẹ nuôi, xóm giềng, những chiếc thúng úp ngoài bãi cát và những con thuyền đang hạ buồm nằm nghỉ mớm ngoài chân sóng. Đã nghĩ đồng đất đường dài, đã nghĩ tìm về cố hương rồi, chắc chẳng còn khi nào quay lại với nơi này, sẽ nhớ mênh mông ngoài kia, sóng bạc, gió mang mùi muối mặn và vị tanh tao đọng ở mỗi kẽ ván thuyền, mỗi mắt lưới. Nhớ, nhớ mãi thế, trong nỗi cô đơn không cùng ở một vùng đất chỉ biết là quê mà chẳng rõ thật nơi nào, chỉ loáng thoáng mẹ yếm nâu, bố cạp quần vặn một nùi trước bụng, và con bé. Con bé em xinh xắn gục rụi giữa mảnh sân đất nện, máu nhuộm đỏ góc nong ngô đang phơi khi thằng bé anh giang tay quăng khúc củi dọa bầy gà tham ăn ngu ngốc. Rồi một lớp sương mù phủ kín những giờ những khắc sau đó, chỉ còn biết mình lớn lên rồi thì đã biết hụp lặn như cá, chiều chiều một mình đủ sức kéo cái thúng phết cậy trên cát xuống biển, cùng trai bạn đi câu mực đêm. Nỗi nhớ biển chỉ dịu dần đi, rồi lặng hẳn, khi Tô lang đi tìm việc làm thuê ở làng chân núi ấy, và gặp người đàn bà của mình. Bây giờ, ở chỗ nào giữa mênh mông, đầu gành cuối bãi, đỉnh sóng và gió lộng, chàng cũng chỉ cảm ra hơi núi nặng và ẩm, âm u những buổi chiều về. Sóng bạc lóa mắt ngoài kia chỉ gợi chàng nhớ ngút ngàn đá xám và rừng rậm, nơi hai anh em đã ngồi bẻ nắm cơm chia nhau giữa buổi trưa rừng, vứt cái đòn xóc gánh củi đó mà ghì lấy nhau sôi sục thiết tha, không biết… Bao nhiêu chiều đưa thuyền về bến, Tô lang chẳng bận lòng với đám gái làng đang cắp thúng à à chạy về phía biển, tiếng cười át tiếng sóng. Cứ một mình chàng. Ngó qua chín bãi mươi đồng – biển xanh xanh lắm mà không thấy người – mênh mông con nước xa vời – biết ai còn nhớ những lời ngày xưa…(*)  Bao nhiêu đêm Tô lang ra bãi cát, để mình phủ dưới ánh sao trời, nhớ một người, vóc dáng, mùi khăn yếm, mùi bồ kết hương nhu, những đầu đêm mùa hè uể oải trên chiếc giường tre, những đêm mùa đông gió núi cuộn về cả tiếng mang tác thức giấc quờ tay chạm nhau đã thấy người bừng bừng. Bây giờ, con có làm nửa mình em ấm được không? Có người mới ở ngoài vào kể phía bắc đàng ngoài đang giặc giã!

***

Lúc Tô lang uể oải phủi mông quần dính đầy cát lên thuyền, ngước nhìn mặt trời như một quả cam đỏ khổng lồ vừa nhảy ra khỏi sóng, vùn vụt lên cao, biết mình sẽ làm gì, ngày mai ngày kia, thì ở làng xa kia có đứa bé cựa mình. Mẹ nó thắt lại dải yếm cho chặt, nhặt cái áo khách quàng vai bước ra giại nước. Xung quanh yên lặng chưa từng. Núi còn thẫm tối, chỉ tít trên đỉnh trời thấy một đường viền vàng sáng. Nàng biết ngày nắng lên. Bình thường ra giờ này đã thậm thịch đủ tiếng người, tiếng trâu bò gà qué. Bây giờ, chỉ có tiếng xào xạc của cây vườn. Dịu dàng mà đáng sợ. Cả xóm đi hết rồi. Nhà khá thu vén của nả dắt nhau chạy về xuôi, nhà kém chạy ăn từng bữa, chẳng bỏ được ruộng nương thì từ lúc còn tối đất đã dậy thúc nhau chạy vào chân núi. Khắp nơi giặc giã. Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ khoẻ mà con bé, có muốn chạy giặc thật xa thì cũng theo được người. Mà không thể. Sợ có ngày người về tới nhà chỉ gặp cửa. Tô nương nhớ chồng. Ngày chia xa chàng bảo đi ít ngày kiếm mấy đồng cho nàng yên tâm nằm ổ. Ngày chia xa chàng xoè tay tính rồi lại bảo chừng này tháng chắc anh về. Biền biệt mấy năm rồi. Thời tao loạn, làm thân trai ai thoát được. Chắc chàng đang trong hàng quân đi đánh giặc. Mới hôm nào có đoàn quan với quân lên đường, qua xóm núi này, đàn ông cũng khăn gói cung tên gậy gộc theo đi cả. Mẹ và vợ họ theo chân tới tận sườn non cuối thôn. Nàng cũng dắt con theo, còn ai đâu mà tiễn, chỉ hi vọng, thảng thốt, mơ hồ, biết đâu chừng có bố nó trong hàng quân.

Tô nương không biết, không bao giờ biết chồng nàng một lần nữa bỏ lại làng chài đã cưu mang mình từ thuở trốn nhà khi còn bé, cứ đàng ngoài cất bước, mạn ngược mà đi, tưởng về lại được với mẹ con nàng thì giữa đường bị giặc bắt. Khác với mấy người trung niên yếu sức bị chúng lôi theo gánh gồng lương thực, chàng bị sung vào một đoàn trai tráng Việt và bị đưa thẳng về nước giặc. Cũng chẳng xa xôi gì xóm núi năm nào. Nhưng không có cách nào thoát được.
Tô nương cũng không biết, chỉ thấy nỗi bất an cứ dâng đầy trong tiếng gió lá xạc xào. Nàng vội vã đùm đấu gạo và ít khoai, định đánh thức con chạy vào chân núi cùng làng nước. Mặt trời mọc rồi. Thì đã muộn mất rồi.

Đứa bé nghe thấy tiếng hét của mẹ, tiếng cười, tiếng quát, cả tiếng gì như tiếng người hì hục làm việc nặng lắm. Nó tụt khỏi chõng, nhòm ra. Toàn đàn ông, toàn bóng áo đen, mẹ nó ở đâu đó giữa đám người lạ và đang hét. „Chạy đi!“ Chạy đi Bòi ơi!“. Nó biết rồi. Mẹ dặn nhiều lần rồi, nếu khi nào mẹ bảo thế thì làm gì cũng phải trốn kĩ rồi chạy càng xa càng tốt. Nó lần ra cửa, nhoắt cái, nhào vào bụi cây sau nhà, tránh con đường mòn tơ hơ dưới ánh mặt trời vừa lên, cứ luồn qua những lùm cây, chạy, chạy.

Lúc trời sụp tối thì người trốn trong chân núi lại lục tục kéo về. Họ gánh theo cả thằng Bòi kiệt lực vì một ngày đói khát mà họ vấp phải giữa đường. Họ bế người đàn bà nằm thỉu ở góc sân vào chõng, bẻ nắm cơm để cả ngày đã thiu thiu cho thằng bé ăn, ép mẹ nó uống bát nước và nhấm nhót cùng con đôi ba miếng. Không ai hỏi thăm an ủi điều gì. Đất nước ngày giặc giã. Đàn ông ra trận hết rồi, chẳng biết đang đánh giặc những đâu, còn sống hay chết cả rồi. Chỉ còn lại người già, đàn bà, con trẻ, cứ chạy giữ lấy mạng sống chờ nhau đã, và chờ ngày yên hàn. Bới lên những nỗi đau từng ngày này, có bớt được củ khoai không?
Cứ thế, từng ngày trôi qua, đứa trẻ quen giấc, trời còn tối thẫm đã bò dậy, đeo cái đãy nhỏ mẹ nó nhồi trong đó hôm dăm ba củ khoai, hôm nắm cơm, và bầu nước nhỏ. Tô nương đêm nào cũng chuẩn bị trước như thế cho hai mẹ con, nhưng lại bắt con đeo. Nàng sợ, lúc chạy giặc con lạc mẹ.
Chỉ trong sự ấy thì người ta mới thấy Tô nương nhanh nhẹn. Còn ngoài ra, nàng cứ đờ đẫn dần mỗi ngày. Đi tìm củ mài, đi nhặt hạt gắm, lần mò kiếm miếng trong rừng cả ngày, lúc giáp mặt người làng, nàng chỉ thẫn thờ nhìn, chẳng chào hỏi, chẳng nói chẳng rằng. Về tới chỗ làng nước thu vén cho mấy ông bà già và lũ trẻ, nàng chui vào cái hang nhỏ, vồ lấy đứa con, siết chặt, khư khư không rời, vẫn chẳng nói chẳng rằng. Mà thằng bé sao mà ngoan, mẹ dặn từ tám hoánh điều gì, nó làm theo răm rắp.

Rồi cũng hết loạn lạc. Chẳng biết tin tới từ đâu. Nhưng đã lâu rồi không thấy giặc tràn vào, và loáng thoáng làng xa làng gần đã có người ra lính trở về, thế là họ mạc láng giềng giục nhau tìm bắt lại trâu thả trong rừng, thu vén lợn gà về xóm, run trong bụng lắm nhưng thôi không chạy giặc từng ngày nữa. Xóm làng xơ xác, ruộng bỏ bao lâu cỏ phật phờ như bãi hoang. Rừng nuôi người, đã đành rồi, nhưng kiếm miếng từ rừng bữa được bữa chăng, lòng dạ không sao yên được.

Tô nương cũng dắt thằng Bòi theo làng nước trở về. Nhà không có lấy một chân trâu, một tay nàng phạt cỏ, làm đất, rồi tự mình gieo hạt, cấy trồng. Một tay nàng đánh gianh, hàng xóm giúp rập vào lợp lại mái nhà. Một tay nàng buộc lại cổng, đan lại cái giại che cửa. Nhưng làm gì thì làm, cứ chiều xuống các nhà cơm nước là nàng dụi hết củi lửa, dắt thằng bé ra đi. Xóm giềng đã nhìn quen trên con đường mòn cuối thôn dẫn tới ghềnh đá chơ vơ bóng hai mẹ con Tô nương bước thấp bước cao. Uy nghi bóng núi trong sương chụp lấy hai dáng người bé nhỏ. Cứ tháng ngày bằn bặt thế.

***

Đứa trẻ chẳng thích gì sự theo mẹ. Ngày còn giặc giã, mẹ con chỉ có nhau. Giờ thanh bình rồi, chiều muộn xóm núi vàng trong nắng, trẻ con dong trâu gánh củi về, vừa làm vừa hò hét, vui ơi là vui. Nhà nó một mẹ một con, trâu không có, ruộng thì bé tí hin chỉ như cái vạt váy mẹ, gieo cấy xong rồi thì chỉ một mẹ nó đã đủ sức làm cỏ, có dắt nó đi theo thì cũng bắt nó ngồi đầu bờ. Mà muốn theo chúng bạn vào rừng đặt bẫy lấy củi cũng không được với mẹ nó. Tới cái lúc xóm đông lên, có thể ra ngõ í ới với nhau, xô đẩy nhau lăn trong rơm rạ, thì đấy, mẹ nó đã lại dắt nó đi. Chiều nào cũng đi. Chẳng thấy gì cũng đi. Chỉ có mỗi một chiều, lâu  rồi, lúc cả làng còn trốn giặc trong chân núi thì hai mẹ con không lên núi. Đấy là cái hôm mẹ nó đau bụng vật vã cả ngày, máu sũng váy. Rồi mẹ nó lấy cái quần mới cắt từ váy cũ ra khâu cho nó bọc lấy cái gì, rồi mẹ nó dẫn nó đi, tới ven rừng thì lẩy bẩy ngồi thụp xuống đào hố chôn xuống, mặt mũi tái ngắt tái ngơ. Nó đứng lơ vơ bên cạnh dáng mẹ bơ thờ, chỉ muốn về ngay và chỉ nghĩ tới mỗi cái quần không được mặc. Từ ấy nó vẫn cởi truồng. Nhưng nó đã quen chân leo dốc trèo lên ghềnh đá rồi. Nhưng chán lắm rồi. Mẹ chẳng nói với con một lời gì, chỉ khư khư giữ chặt bàn tay bé bỏng của đứa trẻ, dõi mắt ra xa tít. Từ lâu, đứa trẻ đã biết mẹ nó cứ giữ riệt nó bên mình thế thôi nhưng chẳng nghĩ gì về nó. Mẹ chỉ trông ngày bố về. Bố nhiều đứa trong xóm ai chưa chết cũng về rồi. Còn bố nó… Chẳng biết ai là bố nó.

***

Lúc bấy giờ Tô lang đương trên đường về nhà. Từ phương nam ngược hướng chàng có bao nhiêu người gồng gánh trở về. Mặt ai cũng gầy sắt nhưng mừng vui. Thấy chàng đến từ phương bắc, ai cũng buồn buồn tủi tủi nhắc cái ngày quan với quân lên đường. Chàng nhìn họ, thương cảm, mà không thể nào kể rằng chàng chưa bao giờ được đứng trong đoàn quân ấy. Chàng chỉ là một anh trai Việt nghèo, dọc đường bạt xứ gặp phải cơn loạn lạc thì bị bắt làm phu, mà cơ khổ, lại là bị giặc bắt được đưa qua biên ải. Bao nhiêu ngày khốn khổ, sức trai kiệt cùng rồi, sống được chỉ nhờ ý nghĩ ở xó núi ấy có một người đàn bà cùng với một đứa trẻ nếu chưa chết thì hẳn vẫn chờ mình. Chàng đã tính rồi. Giả như về lại được nhà, nếu còn Tô nương và con, thì sẽ làm ăn nuôi hai mẹ con nàng, mà không nói. Mà biết nói gì, chẳng lẽ lại bảo nàng là em gái chàng. Nói thế thì chẳng bằng thôi thì đi biệt coi như bỏ xác thời tao loạn.
Có một ngày dọc đường về chàng nghe nói…

***

Buổi chiều ấy mùa xuân không mưa mà rét lắm, thằng bé cởi truồng lủi thủi theo chân mẹ trèo dốc. Từ trưa tới giờ nó mới có củ khoai hàng xóm cho bỏ bụng. Ghềnh đá chon von mờ mịt trong sương. Hai mẹ con đứng trong khí núi khô lạnh, thằng bé cảm giác như người quắt dần lại, bòi cũng teo dần, chân cứng dần. Nó giật giật tay mẹ, giục về. Nhưng mẹ nó không động đậy.
Thằng bé hoảng sợ. Nó dùng bàn tay bé nhỏ gỡ bàn tay mẹ đang nắm tay kia của nó. Chân nó lạnh quá. Lặng lẽ, điên cuồng, thằng bé gỡ mãi gỡ mãi những ngón tay khô khô tố tuổi của mẹ nó. Những ngón tay cứ lơi ra lại siết vào. Bất lực.
Thì đúng lúc đó trong sương sấm động. Sấm khan. Dội từ đằng rừng lại, tưởng chừng nứt đá. Nghe như tiếng trống kêu dồn buổi đã lâu rồi quan với quân lên đường dọc sườn non cuối thôn. Tô nương bừng tỉnh, cúi nhìn con. Mặt đứa trẻ như đá xám. Nàng hốt hoảng bế con lên. Cái gì hút chặt lấy nó thế này. Tô nương gồng tay, hít căng bầu ngực đàn bà thiết tha mãi một bàn tay âu yếm. Nàng cố sức giật nhấc con lên, ghì chặt, vội vàng xuống núi. Nhưng nàng không bước được một bước nào. Bàn chân nàng đã dính chặt vào gờ đá, đã biến thành đá. Chưa bao giờ Tô nương đau đến thế, đau không thở được, khi ôm con ghì sát ngực mình. Đau, vì không thể nào buông được con xuống nữa cho nó quay trở lại. Biết đâu có làng có nước… Biết đâu bố nó vẫn có ngày về…

Tô lang đang trên đường về. Nhưng bước mỗi ngày một chậm. Từ mấy hôm trước chàng đã rời đường lớn rẽ về hướng núi. Giặc giã tan rồi nhưng xóm làng chưa ấm nóc, chẳng nhận ra đâu là đâu. Thỉnh thoảng lắm chàng mới gặp dọc đường đi một đôi ba người cũng cảnh như chàng đang lần về quê. Có lần chàng nghe họ kể ở xóm xa có người vợ dại đợi mãi chả thấy chồng về mẹ con đã biến thành đá vọng chờ trên đỉnh núi. Không hiểu sao Tô lang nghĩ ngay đấy là Tô nương, đấy là mẹ con nàng, đấy là vợ chàng, đấy là em gái chàng. Còn đứa trẻ, chàng không biết phải gọi nó là gì nữa? Con mình ư? Cháu mình ư? Nó là do chàng với nàng cùng sinh ra, nó có biết bao nhiêu tội tình đã chảy trong mình nó?
Niềm tin nàng và con đã chết, niềm tin rằng mình mãi mãi chậm mất rồi làm Tô lang sức đã kiệt càng thêm kiệt. Một buổi mai kia, những người cùng chung khúc đường với chàng nhận ra chàng trai ốm yếu cùng đi không thức dậy. Họ không biết, linh hồn của chàng đã tan vào trong sương, lần về được đỉnh núi, tụ lại thành mây nơi vợ con chàng hóa đá, thành hòn vọng phu cho muôn đời ngợi ca. Chỉ có điều, hồn ma thì không thể nào nói chuyện được với nhau, cả nỗi mừng vui vì dù gì thì cũng đã được đoàn tụ, cả nỗi nhớ thương, cả những niềm chua chát.

Đứa trẻ đá vẫn là đứa trẻ, nhưng ngàn năm thì đá cũng già. Nó nhìn ngó mãi rồi, trải đủ sương nắng rồi, ngửi đủ hương khói rồi, thế nên khi đá sụp thì nó vui sướng lắm, chẳng cần biết vì sao, vì phong hóa tự nhiên hay có người nung vôi nên phá đá. Hồn bố mẹ nó thì bối rối lắm, không biết nương vào đâu. Còn hồn đứa trẻ bay tít lên từng cao, nhìn ngược phương bắc qua biên ải, nhìn xuôi phương nam, tới tận vùng biển xanh nơi ngày xưa bố nó tránh ẩn chính mình, u uất nỗi ngó qua chín bãi mươi đồng biển xanh xanh lắm mà không thấy…
Hồn thằng bé cất tiếng cười khan giữa không trung. Lần đầu tiên nó cười. Lần đầu tiên nó được tự do. Nó thoát được huyền tích về bố mẹ nó rồi. Kì diệu?Người đời bảo thế là kì diệu, bảo thế là thủy chung tuyệt vời. Kì diệu? Ối giời! Nó trẻ con nhưng đã sống qua ngàn năm kiếp đá rồi. Kì diệu? Tưởng gì! Chỉ là kì tích chịu đựng đau khổ, những nỗi đau khổ ngoài sức chứa chở của con người. Chỉ là đi qua được những năm tháng chẳng đáng coi là sống. Như nó ấy, một đời con trẻ, đá ghì chân vào huyền sử, đã bao giờ thực được sống đâu.

Berlin 26.3.2015

Comments are closed.