Vườn Thượng uyển (kỳ 3)

Lê Anh Hoài

Trên vai người khổng lồ

Trưởng hội nhà văn thao thao:

– Thật tuyệt vời, những người viết trẻ!! Chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng để các bạn đứng trên vai!

Nữ nhà thơ trẻ:

– Bọn em toàn mặc váy, đứng trên vai thì lộ hết hàng hóa à…

Các nhà thơ nữ trẻ xung quanh tán thưởng.

Nam nhà văn trẻ:

– Không sao mà các em. Họ đều là những người khổng lồ mù lòa.

Những nữ thần ngành nghề

Một thời trong thành phố rộ lên việc xây dựng những hình tượng những nữ thần ngành nghề nghệ thuật, dựa trên vinh quang của “nàng thơ”. Không biết từ đâu, có lẽ từ một đào bới của một tay viện sĩ Hàn lâm thành phố, bỗng nhiên những nữ thần Muses tái thế. Ngày còn đi học, tôi cũng chỉ biết qua khi xem một số sách in tranh vẽ thời kỳ Phục hưng và phong trào nghệ thuật tân cổ điển. Trong đó, hình ảnh của các nữ thần Muses mông to vú nở thật sự cuốn hút những chàng trai mới lớn như chúng tôi. Thực sự họ không hề có cá tính mà chỉ là mấy cô gái thỗn thện và chỉ có thể hiểu được họ là gì khi nhìn vật họ cầm theo trong tay kiểu như quyển sách, cây đàn hay mũi tên (?) hoặc vật gì đó hoàn toàn xa lạ bởi vì chúng có nguồn gốc tận xứ Nam Âu hoặc giả lai căng, không gợi ra được điều gì gần gũi về mặt văn hóa với thành phố này.

Tôi nhớ hồi đó, rộ lên những hội thảo về nữ thần. Nào thần Thơ ca sử thi, thần Lịch sử (lịch sử có khác gì với sử thi? tôi không tường), nào thần Vũ điệu. Lại còn nữ thần riêng về lời thơ (hay lời bài hát nữa luôn?). Thần Hùng biện hoàn toàn có thể là tổ của giới chính trị? Nữ thần Âm nhạc thì oách rồi, nhưng trong một hội thảo lại có ý kiến rằng nữ thần này có nhiệm vụ mua vui cho các thần trên núi Olympus. Điều này khiến Hội Âm nhạc phẫn nộ vô song và bắt đầu xuất hiện những ý kiến trên tờ báo của hội này ngầm ý, bản chất của nghệ thuật là để mua vui, không riêng gì âm nhạc. Loại ý kiến này nhanh chóng bị dập tắt bởi nó đi ngược lại với việc tạo dựng hình ảnh của thành phố cũng như triết lý lải nhải trên radio, TV mà tôi luôn nghe đi nghe lại, hoặc vô tình đọc được ở đâu đó rằng nghệ sĩ là vinh quang (Có hẳn một bức tranh cổ động rất nổi tiếng được phóng to hết cỡ, chế biến thành phù điêu, đắp ở bức tường hông Nhà hát Lớn thành phố. Bức đồ họa mô tả những khuôn mặt văn nghệ sĩ đầy tự tin, tươi bưởi, cùng nhìn về một điểm phía vô cực bên ngoài bức tranh. Phía trên là dòng chữ đại tướng “Vinh quang nghệ sĩ”). Tôi quen cả họa sĩ tác giả bức cổ động lẫn nghệ sĩ đầu nậu việc phóng to bức tranh, chuyển thể thành phù điêu. Hân hạnh được mời trong cả hai tiệc mừng trúng gói thầu mà thành phố chi trả.

Điều nực cười nữa, bên Hội Nghệ sĩ sân khấu đã tìm ra và dày công xây dựng hình tượng một “Nữ thần Kịch nghệ”. Việc này đang được tiến hành hào sảng thì bên Hội Âm nhạc – cũng qua việc đào bới những hình tượng, chỉ ra rằng nữ thần này khởi đầu là Nữ thần Ca hát (tức là khác với Nữ thần Âm nhạc?) nhưng sau này mới trở thành Nữ thần Bi kịch. Bà này thường mang một chiếc mặt nạ đau thương, đi ủng, tay cầm kiếm. Rồi nhiều hội thảo lại tiếp tục để khẳng định điều này điều nọ khá lằng nhằng mà đến giờ tôi không tài nào nhớ nổi.

Cơn sóng thần gái đẹp

Hàm bước nhanh trên những bậc thang dài dẫn lên tòa nhà lớn Hội Mỹ thuật. Anh nhanh chóng nhìn thấy Phương đang đứng ngơ ngáo gần lối vào. Hàm bước tới gần bạn: “Đến lâu chưa?”, “Cũng vừa một tí”. Hàm thấy Phương vẫn lơ đãng nhìn quanh “Gần đến giờ rồi, hay tôi với ông vào trong phòng họp?”, “Vào làm gì? Cái xứ này có ai đúng giờ bao giờ đâu?”. Quả vậy, từ khi thành phố ngập tràn nghệ sĩ, căn bệnh được định danh “giờ cao su” ngày càng trầm trọng. Nghệ sĩ – danh xưng này được hiểu như những kẻ lơ mơ, bay là là cách mặt đất vài mét, nhớ nhớ quên quên, làm việc không kế hoạch, sống cũng như sáng tác đều dựa vào “cảm hứng”. Trong một cộng đồng nhỏ, tình hình có vẻ còn kiểm soát được. Trên toàn thành phố, căn bệnh này vô phương chữa trị. Cuộc họp các thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi sắc đẹp Hội Mỹ thuật toàn là các nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng của thành phố cũng vậy. Đa số họ là nghệ sĩ trước 3110.

Bỗng cửa lớn mở toang. Một cơn sóng thần những gái đẹp tràn vào sảnh. Họ đến để đăng ký cuộc thi sắc đẹp Hội Mỹ thuật. Hàm chợt nhớ lúc nãy anh đã phải lách qua một đám đông ùn ứ trước cổng Hội, nhưng vì mải suy nghĩ nên anh không hiểu rằng đó chính là đám thí sinh và gia đình, bạn trai… của họ đang hồi hộp đứng chờ. Vừa rồi, ông Chánh Văn phòng hội, một họa sĩ hầu như không ai biết đến, đã ra cổng bảo mấy tay gác cửa cho thí sinh vào, gây nên cơn sóng thần gái đẹp. Vị Chánh văn phòng bị dạt vào một góc tường, nhưng không quên quay ra nháy mắt đĩ thõa với Hàm và Phương.

“Này, mày có thấy đây chính là một cơn lũ thịt sống không?”

Nụ cười nham nhở của Phương. Hàm định thần, đúng thật, gợi ý của thằng bạn khiến anh hình dung ra ngay cánh cửa Hội Mỹ thuật giờ đây như một lỗ thoát của một chiếc cối xay thịt. Những mảnh người-thịt lẫn lộn, chen chúc, vươn đè lên nhau. Anh nói nhỏ ý này với nụ cười nham nhở của bạn. Thì, nụ cười của nghệ sĩ kia dừng phắt. Anh ta cất giọng ồm ồm không che giấu: “Không. Mày văn chương quá! Tao thấy rõ một đàn những con cái đầy dục vọng đang lao vào giành giật danh vọng. Tao thấy rõ những mông, vú và những cái lồn căng mọng đầy hung hãn!”

“Hay! Sao mày không vẽ?!”

Một gái trẻ, cao, chân chắc chắn là dài đang bị ép sát vào hai nghệ sĩ vô tình nghe được mấy câu của hai nghệ sĩ đại tài. Cô nàng ngẩng bộ mặt hơi tái đi vì sốc, chợt nhận ra hai thằng đàn ông khả ố lại chính là hai khuôn mặt lừng danh thường hay lên TV, hai vị giám khảo của cuộc thi; nàng vội cúi mặt và nở nụ cười rất chuyên nghiệp chắc chắn đã luyện tập nhiều có tên là e ấp. Hàm lúng túng nhìn Phương hơi giận dữ. Anh không quen ăn nói tục tĩu kiểu mấy thằng nghệ hoang dã. Phương liếc nhìn Hàm và em gái kia đầy khiêu khích.

Thật ra, câu nói của Phương đã bị một bà mẹ đưa con đi thi hôm đó nghe được. Sau này, khi con gái bà ta trượt khỏi vòng chung kết, bà đã kiện từ ban tổ chức đến ban giám khảo với rất nhiều tội. Và bà ta còn mạnh miệng kết tội ban giám khảo không đủ tư cách đạo đức. “Tôi vô cùng thất vọng với tư cách của một số giám khảo. Tôi đã nghe được những phát ngôn rất xúc phạm đến vẻ đẹp của người phụ nữ hôm nay của thành phố chúng ta, ngay từ khi cuộc thi chưa bắt đầu.” Khi đọc được tuyên bố này trên báo, Hàm hơi chột dạ nghĩ đến chuyện xảy ra ở sảnh lớn Hội Mỹ thuật, khi đám thí sinh ùa vào như một cơn sóng thần. Anh gọi điện cho Phương, thì hắn như không còn nhớ gì hết. Hàm phải nhắc đến việc, anh đã từng gợi ý cho hắn hãy vẽ một tác phẩm, dựa trên cảm hứng một dòng thác lũ những người đàn bà khỏa thân. Lúc đó, Phương mới nhớ ra. Hắn nói với Hàm một câu không hề liên quan nghệ thuật: “Mụ già đó định kiện à? Nếu mụ ấy chưa kịp ghi âm, tao sẽ nhắc lại từng chữ trước tòa”. “Mày điên à? Tao với mày là thành viên ban giám khảo cuộc thi đó đấy! May mà mụ ta không ghi âm được.”

Đằng kia, Phương cười ha ha.

Xiền

Tôi vừa nghe điện của cô nàng nhà báo – môi giới nghệ thuật gặp hôm triển lãm nhóm. Hẹn dẫn một khách đến xưởng xem tranh. Dọn dẹp qua loa, như thường lệ, tôi sắp xếp ra mặt tiền một số tranh thường bán được. Vài bức cởi truồng, vài tĩnh vật, phong cảnh. Vài bức tranh biếm nhại gần đây tôi hứng thú để lấp ló. Những bức này thường chỉ để cho phong phú mặt hàng, làm đối sánh khiến những bức dễ bán càng dễ bán hơn. Một bức tôi vẽ đám đông tràn nghẹt một quảng trường và những con đường dẫn đến đó. Tất cả đều ngẩng mặt như chăm chú dõi theo một cái gì vô hình ở trên trời với nhiều biểu cảm khác nhau. Một bức tôi vẽ khuôn mặt phì nộn và bóng nhẫy của một người đàn bà, khuôn miệng mở to như đang hát của bà ta tuôn ra hàng đống những đôi trai gái đang hôn hít, làm tình. Bức khác mô tả ba bức tượng trong công viên đang tranh luận, có lẽ cãi vã thì đúng hơn. Đây là những bức tôi dự định tập hợp lại trong một triển lãm sắp tới, có thể vào cuối năm. Nhưng nếu bán được thì tôi sẽ bán ngay. Tại sao không? Vấn đề là bao nhiêu. Câu chốt trong giới họa sĩ thành phố này là như vậy: Bao nhiêu?

Trong giới nghệ, bọn họa sĩ luôn tỏ ra hám tiền, và chúng tôi gọi nó là “xiền”. Ít nhất thì bọn họa sĩ không khinh tiền, luôn thẳng thắn với đồng tiền. Thậm chí, kiểu ứng xử này còn được một số họa sĩ nhấn mạnh như một thứ trang sức. Thật ra từ “xiền” này có lẽ không phải do nghệ nghĩ ra, mà nghe đâu là dân mạng. Dân mạng thì hay nói lái, bẻ chữ, bóp chữ. Theo cách này, nhiều từ khác dần dần đi vào đời sống. Đa số bọn nghệ trẻ nói chung, bọn họa sĩ, ca sĩ, diễn viên thích thú kiểu này. Nhưng hội già, bọn từ sĩ, bọn coi nghệ thuật là thiêng liêng, nghệ sĩ là sứ mệnh thì đương nhiên không thích. Và chúng cũng luôn tỏ ra cao đạo trước đồng tiền. Nhiều văn nghệ sĩ trí thức đương thời, đói vàng con ngươi, nhưng cứ nói đến tiền là lại đểu giả, nhày nhụa xấu xa, hoặc chí ít, như cách nói bóng bẩy của chúng – đồng tiền không cao xa, không sang trọng, không lãng mạn, không nghệ thuật, thiếu nhân văn…

Tôi thì thấy thành phố này không khá lên được là vì thái độ khinh tiền. Khinh tiền nhưng rất thèm tiền. Cái đồng tiền ấy, nó có tội lỗi gì đâu mà coi nó như lỗ trôn, như con đĩ. Nó có tội gì? Nó hầu hạ con người, nó tận tâm lắm. Ta cần ăn, nó cho ăn, ta cần mặc, nó cho mặc, ta cần gì nó cho nấy. Có tiền mua tiên cũng được, câu này cần hiểu theo nghĩa đen. Khi tôi có nhiều tiền, tôi có thể thuê tiên về làm mẫu cởi truồng để vẽ. Hàm nghe tôi nói, vẻ khinh thị. Hắn trịnh trọng lưu ý, rằng tiền thì không mua được tài năng, không mua được sức khỏe, không mua được tình yêu. Ai chả biết!

Tôi đã có lần nghe D – bạn gái Hàm nói về một nghiên cứu của cô. Cô này là một nhà ngôn ngữ học. Theo khảo cứu của cô, cứ tra mạng từ “xiền” sẽ thấy trên 600.000 trường hợp. Tôi nhớ có những ví dụ: “Kiếm nhiều xiền vào cho bạn vay, vay xong bạn quỵt đó hà hà hà”; “Kiếm xiền không hứng thú bằng đếm xiền”; ấn tượng nhất là thành ngữ mới: “Ăn chơi rẽ xiền”. Có hồi bọn tôi cứ bán được tranh, dù đắt hay rẻ thì đều hò nhau đi ăn chơi rẽ xiền. Điều thú vị ở đây, nghe ăn chơi rẽ xiền kiểu như ném tiền ra tứ phía, nhưng thật ra rẽ là rẻ, theo một kiểu phát âm địa phương đã được du nhập từ lâu vào thành phố.

Đám bọt bèo nổi lên trên dòng nước chảy cuồn cuộn

Một lần tôi, D và Hàm ngồi chuyện phiếm về ngôn ngữ đời thường. D mở sổ tay đọc mấy câu thơ, trong lĩnh vực quan tâm của cô, những ghi chép này đầy mấy cuốn sổ, chưa kể những thứ lưu trong máy tính còn nhiều hơn. Câu thơ liên quan đến xiền được chú thích là lấy trong một bài được gọi là “thơ học trò”:

Hok đâm hok chém đời hok nể

Hok xiền hok bạc gái hok theo

Tôi và Hàm trố mắt nghe, được giải thích hok nghĩa là không. Trong lúc tôi đang cảm nhận âm thanh của cái từ kỳ quặc nhưng gợi cảm sinh ra từ thế hệ xì tin thì Hàm cau mặt gắt:

“Toàn những thứ linh tinh, vớ vẩn. Những thứ này chỉ như đám bọt bèo nổi lên trên dòng nước chảy cuồn cuộn. Nhanh chóng xuất hiện và lại nhanh chóng biến mất thôi.”

“Nhưng nó có thật, nó đã được sinh ra và có đời sống của nó.” D nhỏ nhẹ. Cô lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Điều này khiến nội dung những lời của cô cũng nhẹ bẫng, dễ dàng bị bác bỏ, bị quên.

“Nhưng lẽ ra những thứ này sẽ nhanh chóng biến đi như tàn tro của lớp vỏ cây. Chỉ còn lại ngọn lửa của những thân gỗ già lâu năm. Chính nghiên cứu của em lại nối thêm tuổi cho những thứ đó!”

Tôi giật mình vì trong thanh âm của Hàm, có cái gì đó như kết tội. Một tội lỗi gì rất kinh khủng. Một âm mưu? Một khuynh hướng đồi bại? Một cách tân lố lăng, phá phách?

Tôi đã biết sự đe dọa của những thanh âm kiểu này. Hồi còn học trong trường mỹ thuật, tôi treo bài của mình lên trần. Gã thầy giáo trẻ chỉ hơn chúng tôi chưa đầy chục tuổi nên hay ra oai. Chắp tay sau đít đi quanh phòng một lượt, gật gật gù gù bí hiểm, gã thầy to giọng:

“Bài của anh Phương đâu? Hả?!”

Tôi ngửa bàn tay, dùng ngón giữa, chỉ lên trần.

“Ahhhh, anh này láo! Bài anh đâu? Tôi hỏi, bài đâu?”

“Thưa thầy, em đang chỉ cho thầy vị trí treo tranh của em.”

Lúc đó, gã thầy mới giật mình ngước lên. Cả lớp ngước lên theo với sự đồng loạt rất hài kịch. Chúng nó đều chờ đợi giây phút này.

“Tại sao anh lại treo tranh ở trên đó? Tôi không cho phép!”

Giọng thầy giáo trẻ đã gần lạc đi. Tôi lễ phép đến tuyệt đối:

“Thầy có cho phép. Hôm rồi, thầy bảo mọi người tự treo bài lên trong-phòng-này” – vừa nhấn mạnh những chữ cuối, tôi vừa khoát tay thể hiện một vùng không gian của căn phòng, không chỉ là những bức tường.

Lúc này thì lũ bạn học của tôi đã không còn nhịn được. Những tiếng cười hô hố, ha há của bọn con trai, những tiếng cười phì phì cố bịt lại của bọn con gái. Thầy giáo trẻ đỏ bừng mặt rồi thoắt tái mét:

“Anh… Anh bố láo! Tôi… anh sẽ biết tay tôi!”

Vút nhanh ra cửa. Sầm! Bên trong bùng nổ một trận cười điên dại. Đến mức một số phòng học gần đó cũng không thể tiếp tục, cả thầy cả trò đổ sang mở cửa nhìn chúng tôi như nhìn lũ thần kinh. Nhìn thái độ ngỡ ngàng, kinh ngạc đó, chúng tôi càng phá ra cười.

Trong cuộc họp hội đồng kỷ luật tôi, lão trưởng phòng giáo vụ – quản lý sinh viên phát biểu dài dòng. Nhiều chỗ lão ta dùng cách nói móc xích cái nọ vòng qua cái kia, cộng với việc dùng những từ cực kỳ quý hiếm, tôi không hiểu gì luôn. Trong lúc vô cùng hoang mang, lo sợ bị đuổi học, tai lùng bùng câu được câu chăng, tôi vẫn thấy rõ sự đe dọa ngầm. Ẩn sâu bên trong những từ ngữ tuôn ra không ngớt, có cái vẻ bề ngoài như thể ân cần của lão trưởng phòng giáo vụ – quản lý sinh viên, tôi thấy một con trăn to lớn đang từ từ cuộn lại, thít chặt lấy mình.

Chính vì vậy, tôi trở nên nhạy cảm với kiểu thanh âm đe dọa, kết tội này. Tôi nhìn D, cô đang co rúm người lại, hoảng sợ. Tôi mở đường thoát cho cô:

“Bọt bèo cũng là một kiếp bọt bèo chứ. Không có vỏ cây thì làm sao có lõi gỗ trăm năm?”

Hàm thoắt lúng túng. Cái não bộ đầy lý luận của hắn vẫn không kịp phản ứng với kiểu nói giản dị. D ngồi thẳng lên, cô thở ra.

Huyền thoại

Về chuyện hội đồng kỷ luật thời sinh viên của tôi, sau cùng thầy hiệu trưởng phát biểu. Ông nói ngắn gọn, hòa nhã. Tất cả những khuôn mặt đầy căng cứng giãn dần ra. Lão trưởng phòng quản lý sinh viên nhìn lơ láo qua cửa sổ. Kết luận, tôi chỉ bị phê bình trước toàn khóa.

Thầy hiệu trưởng ra hiệu cho tôi ở lại. Tôi cúi đầu chịu trận, thầm nghĩ chắc tiên chỉ lại rao giảng đạo đức. Hiệu trưởng hất hàm khá trẻ trung so với tuổi của thầy, hỏi:

“Cậu biết cậu vớ vẩn không?”

“Dạ…”

Thực sự, tôi chới với như vừa bị đá quét trúng chân trụ. Tôi chờ đợi một bài đạo đức với nhiều khái niệm lớn lao, sâu sắc mà tôi đã ngầm đạp đổ tất. Tôi chờ đợi một thái độ ban ơn mà tôi căm ghét. Nhưng, ở đây là một từ hoàn toàn bất ngờ: “vớ vẩn”.

“Cậu biết cậu vớ vẩn ở chỗ nào không? Tôi đang nói chuyện nghề nghiệp với cậu đấy”

“Dạ??!…”

“Cậu vẽ trên giá vẽ. Cậu nhìn cái cậu đang vẽ và cái mà cậu nghĩ là tác phẩm theo một chiều không gian. Rồi cậu bắt người xem phải xem tác phẩm của cậu theo một chiều khác. Cậu đã thực sự chuẩn bị một thứ dành cho cách xem ấy chưa?”

Tôi đần ra và câm luôn. Quả thật tôi rất ngu si và lố bịch, chứ không phải là vớ vẩn như thầy hiệu trưởng nói.

Sau này, tôi nghe chuyện thầy bị thị trưởng gợi ý điều chuyển sang làm chủ tịch hội mỹ thuật thành phố. Đúng vào thời điểm thành phố bắt đầu thực hiện luật 3110. Theo cách nhìn của rất nhiều người trong giới, đó là “được” chứ không phải là “bị”. Vì làm hiệu trưởng trường mỹ thuật, tức là đứng đầu chỉ vài chục giáo viên, công nhân viên. Nếu tính cả sinh viên mấy khóa trong một thời điểm thì cũng chỉ vài trăm. Nhưng làm chủ tịch hội mỹ thuật trong bối cảnh đến cỡ một phần ba cư dân thành phố theo đuổi nghề này thì ảnh hưởng vô cùng lớn. Lợi lộc cũng nhiều. Tay chủ tịch hiện tại mua nhà đổi xe chỉ sau có vài năm. Chủ tịch những hội lớn như hội nhà văn và nhất là chủ tịch hội nhà thơ thì giàu sang khó tả. Nhưng thầy cương quyết từ chối. Thậm chí khi bị ép quá, thầy đã nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Đời tôi gắn bó với ngôi trường này rồi. Cũng chỉ một vài năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu. Nếu chính quyền thành phố không đồng ý để tôi làm hiệu trưởng, thì tôi xin làm một giáo viên thường”.

Đây là một trong rất ít lần thị trưởng phải chịu thua. Câu chuyện trên nhanh chóng trở thành một giai thoại. Theo thời gian, có lẽ nó sẽ trở thành một huyền thoại.

Người vợ tài năng

Chồng là nhà thơ trước 3110. Vợ cũng đăng ký làm nhà thơ sau 3110. Chồng ra sức ngăn cản, nói vợ nên làm nhạc sĩ hoặc họa sĩ. Vợ: “Em yêu anh, đến với anh vì những vần thơ của anh. Em muốn làm nhà thơ như anh.” Chồng chịu, không thể ngăn nổi quyết tâm. Một thời gian sau, vợ đâm đơn ly hôn. Lý do: “Chồng bất tài, làm thơ không bằng vợ mà cũng dám nhận là nhà thơ chuyên nghiệp.”

Cộng đồng chu cấp cho các nhân tài của họ

Không biết khách mà cô nhà báo dẫn đến là loại người nào. Kinh nhất là những khách “họa sĩ”. Không nói số họa sĩ sau 3110 đang đi đầy đường và tràn ngập các triển lãm, mở mồm là nói đến trường phái, phong cách, số họa sĩ bất tài và vô cảm luôn nhiều, kể cả số được học hành bài bản và số vỗ ngực khoe khoang là loại đã thành danh trước khi thành phố được nâng cấp thành đô thị nghệ sĩ. Bình thường thì họa sĩ vốn không phục nhau, cùng lắm là quý chứ không trọng, nên việc họa sĩ mua tranh của nhau là vô cùng hiếm hoi. Nhưng nay thì khác, đám “họa sĩ” nửa mùa không vẽ nổi một cái minh họa, vẫn phải đi mua tranh và họ thường bảo là “mua hộ”. Tuy vậy, đám này vẫn rất tinh tướng và tôi đã phải mời ra khỏi cửa khá nhiều ông, khỏi phải mua bán gì mất thời giờ.

Tranh pháo muốn gì cũng vẫn là một thứ được tạo ra từ hoạt động cơ thể, một cách trực tiếp, nên mọi thứ đều bày ra trên mặt tranh, ý nghĩa sâu xa gì tính sau. Điều này khiến người vẽ phải tập luyện thường xuyên và phải có một kỹ năng đủ dùng. Trong khi, đám văn sĩ thì không hẳn thế. Viết hay vượt bậc hẳn là khó, nhưng viết được thì chỉ cần học qua phổ thông trung học. Phần còn lại là sự tự tin đến mức ảo tưởng. Tôi nhiều lần trêu chọc Hàm nhà văn. Thoạt đầu, hắn phẫn nộ khiến tôi vô cùng thích thú. Sau hắn chỉ cười nhạt. Và tôi phỏng đoán có thể hắn cũng đồng ý với tôi phần nào.

Hôm rồi tôi mới gặp một thằng bạn học cùng lớp hội họa. Hắn sống ở thành phố khác, một thành phố bình thường và đến chỗ chúng tôi để mua tranh mang về bán. Ở thành phố phương nam của hắn, các nghệ sĩ muốn gặp nhau phải đi hàng chục cây số, khác hẳn với thành phố này, ra ngõ gặp nghệ sĩ. Không hiểu có phải vì thế mà hắn say sưa nói về nghệ thuật. Những điều tâm huyết. Như không thể gặp được người tương đồng để nói. Hắn nói như thủy điện xả lũ, như cách ví von trong nghề của chúng tôi là văng nước miếng. Vừa xong một bài tràng giang về nghệ thuật hậu hiện đại, bỗng hắn gọn lỏn:

“Thôi, đi kiếm xiền đã!”

Hắn đến kiếm xiền ở thành phố của chúng tôi bằng cách đi thu mua tranh chép, tranh nhái ở các chợ tranh. Vô thiên lủng. Cần một chút kinh nghiệm và kiến thức nghề nghiệp là xong.

Hồi còn đang học trường mỹ thuật, bọn tôi luôn đói vàng con mắt, đói xanh toàn thân. Một hôm, thằng bạn quê miền Nam này đến nhà trọ của tôi, khi đó tôi còn có chút tiền tiêu vì đã nhúc nhắc bán được tranh. Tôi đưa hắn ít tiền bảo ra ngã tư mua ít cổ cánh gà về uống rượu. Hắn đi một lát rồi về, mặt vui như nông dân được mùa, quăng trả số tiền tôi vừa đưa:

“Đưa mình túi cổ cánh xong, con bán hàng còn trả tiền thừa. Nhưng mình đã đưa tiền gì đâu mà!”

“… ??”

“Cũng không cần lấy tiền thừa, nhưng không lấy thì lộ mất nên mình vẫn cầm!”

“… ??”

“Xong rồi thấy nó đông khách, mình giả vờ vào lấy thêm giấy ăn rồi mình ném nắm tiền nó đưa vào chỗ nó ngồi. Chắc tí nữa nó sướng điên vì nhặt được tiền!”

Tôi quát lên, bảo nó phải phóng xe ra trả tiền, nhưng nó cứ ngây ngô:

“Tao có lấy tiền của nó đâu, tao trả lại rồi mà?”

Về câu chuyện này, nhiều người khi nghe tôi kể lại bảo bạn tôi là thằng ăn cắp. “Còn gì nữa, không đưa tiền mà nhận hàng là ăn cắp!”- Họ khẳng định. Tôi thì thấy việc làm của hắn không ổn, nhưng tôi biết hắn là thằng bạn hồn nhiên, tốt tính nhất trên đời. Thời gian này, tôi chơi với một thằng học trường luật. Hắn giảng giải dài dòng, với rất nhiều từ chuyên môn. Chịu đựng mớ lý luận lằng nhằng đó một hồi, tôi hiểu: hành vi của thằng bạn cùng lớp không phải là ăn cắp, cũng không phải lừa đảo, những hành vi như thế pháp luật còn đang nghiên cứu, chưa có kết luận.

Chuyện của nó một thời gian ngắn sau đã trở nên nổi tiếng toàn trường và lưu truyền tới các khóa đàn em. Chuyện chỉ có vậy, điều thú vị ở đây là cách lý giải của nó: Cộng đồng chu cấp cho các nhân tài của họ! Câu nói huyền thoại này hiện vẫn còn lưu truyền trong giới họa sĩ đích thực, dành để chỉ rất nhiều trường hợp “tiền rơi vỡ đầu” một cách kỳ bí.

Áp thấp nhiệt đới

Nữ nhà báo dẫn khách đến, đó là một chủ quán ăn đặc sản ven con sông lớn nhất vùng này. Thành phố nằm ở hạ lưu, trên vùng đồng bằng châu thổ trù phú nhất. Ngày trước, con sông còn có mùa nước lên và mùa nước cạn. Quán của tay khách này tôi không lạ. Nó đã có mặt ở ven sông gần ba chục năm nay. Trước đây, chủ quán là cụ thân sinh tay này. Ông cụ không biết gì về các trào lưu nghệ thuật, chỉ nhìn tranh, cảm thì mua. Hồi đó giá tranh cũng rẻ. Nhiều khi chỉ chai rượu ngon, xôm hơn là một bữa no nê đủ mời một nhóm nghệ. Ông cụ đã qua đời, bộ sưu tập năm cha ba mẹ tứ tán khắp nơi. Bốn đứa con, bốn cái quán rải dọc bờ sông. Chỉ duy nhất tay này còn chơi tranh. Những người kia bán tống bán tháo hết.

Khách đi lại lăng xăng trong xưởng, tỏ ra lão luyện. Tác phong nhiều tiền. Một kinh nghiệm với khách nhiều tiền thực sự là đưa ra tranh tốt, giá cao, nhưng với khách tỏ ra nhiều tiền thì vô cùng khó đối phó. Cũng như có hai loại người xem tranh hoàn toàn khác nhau. Loại thứ nhất cảm nhận tốt, thậm chí hiểu nghề. Loại hai, tỏ ra cảm được và tỏ ra hiểu. Hàm thuộc loại thứ nhất nhưng có một thời gian hắn vẫn say sưa nói chuyện với loại thứ hai. Khách vẫn lăng xăng trong xưởng và lải nhải bình luận. Tôi kệ, lặng lẽ châm thuốc hút.

Cô gái hôm nay ăn mặc, đặc biệt là phong cách khác hẳn hôm gặp tôi trong triển lãm. Ở cô vẫn chủ đạo là kiểu mạnh mẽ, dứt khoát, chuyên nghiệp. Nhưng hôm nay kín đáo mà quyến rũ hơn. Ánh mắt của cô bớt đi những tia xuyên thẳng. Cô vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi khi trao đổi điều gì đó, nhưng ánh mắt dịu đi và tôi nghĩ đó là do ảnh hưởng của tiết trời. Hôm nay, một cơn áp thấp nhiệt đới đang hình thành bão ở ngoài biển.

“Em theo chuyên ngành gì vậy? Vẽ luôn à?”

Đây là câu hỏi xã giao thông thường nhất ở thành phố này. Nó thường được hỏi trước câu hỏi về nghề nghiệp, tức là phương tiện kiếm sống. Trước 3110, vẫn rất ít nghệ sĩ sống được bằng nghệ thuật. Nay thì cả thành phố đều là nghệ sĩ, trừ một số ít kẻ ngông cuồng bỏ cả nghề kiếm cơm để theo đuổi nghệ thuật, đại đa số vẫn cần mẫn làm nghề cũ.

“Em là nhà báo. Và là nhà báo thì không phải làm nghệ thuật theo chỉ tiêu. Trừ khi thích!”

Tôi không hề biết quy định đó. Hàm có viết cho các tờ báo, nhưng hắn là nhà văn. Và hắn chưa bao giờ nói chuyện với tôi về việc này.

“Như vậy, thành phố coi làm báo cũng là làm nghệ thuật?”

Câu hỏi của tôi chân thành, nhưng chính tôi giật mình vì nó như một câu mỉa mai.

“Không anh ạ”, cô nhìn thẳng vào mắt tôi “Làm báo không phải nghệ thuật, cũng không phải chính trị, và cũng không phải làm tiền!”

“Nhưng em làm ở một tờ báo văn nghệ.”

Sau đó, cô giải thích cho tôi, ở thành phố này, có một số nghề nghiệp không phải làm nghệ thuật. Cái này quả thật tôi chưa hề biết, nói chung, những cái gọi là chính sách, pháp luật, quy định tôi khá lơ mơ. Thậm chí, tôi nghĩ đó là những thứ không có gì ảnh hưởng đến mình. Việc tôi tôi làm, tôi không cần biết đến những điều đó. Tôi chỉ cần biết những gì liên quan đến công việc của mình.

Thì ra, vì nghề làm báo được coi là phải khách quan, nên một nhà báo không bị bắt buộc phải trở thành (thêm) là một họa sĩ, diễn viên, nhà thơ hay nhà văn. Cũng như vậy, công an, kiểm soát (hay kiểm sát?? tôi không rành lắm) và quan tòa được hưởng ân sủng này.

“Vậy cả cảnh sát nghệ thuật cũng được miễn giảm?”

“Không anh ơi. Cảnh sát nghệ thuật được chia thành các đơn vị theo dõi theo chuyên môn sâu. Họ phải học chuyên ngành và nếu họ lại xuất thân là một văn nghệ sĩ thì càng tốt. Nghề phóng viên phải va chạm với đủ loại người nên em đã gặp khá nhiều cảnh sát nghệ thuật thành phố…”

Đến đây thì tôi không thể nhịn được. Tôi trở thành kẻ lỗ mãng. Tôi ngoạc mồm ra mà cười. Tôi gập người lại mà cười. Một cảnh sát nghệ thuật và cũng là một nghệ sĩ ư? Chưa bao giờ tôi hình dung ra được chuyện đó. Tôi cũng đã từng nghe nhiều người xì xào về họ như thể họ là những bóng ma. Nhưng thực sự tôi chưa từng gặp một cảnh sát nghệ thuật nào. Là nghệ sĩ, tôi ghét sự trói buộc. Tôi càng ghét sự theo dõi. Tôi ghét cái cảm giác phải đề phòng. Một nghệ sĩ làm cảnh sát ư?

Khách hàng – chủ quán chạy lại gần chúng tôi. Y thực sự hoảng vì trận cười bất thường của tôi. Khi đó tôi mới trấn tĩnh lại được và ý thức được sự vô duyên, bất nhã của mình với cô nhà báo. Tôi liếc nhìn nàng. Cô cũng đang mỉm cười. Trước nụ cười của nàng, tôi thấy mình là thằng trẻ con. Một cảm giác êm dịu tôi chưa bao giờ thấy.

Rút cục thì vị khách hàng đương kim chủ quán đã không thể chọn được tranh để mua. Y có rụt rè hỏi một bức. Tôi lạnh lùng lịch sự đưa ra một cái giá đuổi khách. Thực ra thì vẫn có lúc dù đưa ra giá chát chúa như vậy, khách vẫn mua. Hoặc giả, chính vì cái giá như vậy, khách lại mua. Nhưng hôm nay, tôi không muốn bán chác gì hết. Thật kỳ quặc, có thể nói tôi đang vô đạo đức với cái ví tiền của mình. Nhưng tự nhiên, với cô gái này, tôi không muốn giữa tôi và nàng lại dính dáng chuyện tiền nong.

Comments are closed.