Vườn Thượng uyển (kỳ 4)

Lê Anh Hoài

Du lịch với các thần tượng

Buổi ra mắt sách đang độ cao trào. MC, một tiến sĩ văn chương, công tác tại trung tâm giáo dục văn học thường xuyên nở nụ cười roi rói, giới thiệu một tiết mục văn nghệ góp vui. Ngay trong khi ông đang sắp sửa kết thúc những lời có cánh, thì một toán những cô gái già tha thướt trong tà áo tứ thân đủ màu lướt ra sân khấu tươi cười. Và ngay sau khi tiến sĩ dừng lời, các cô triển khai ngay một bài quan họ với lời mới. “Em là em ra phố, í a à a, ra phố í à là, là em đi xây dựng, một nền văn nghệ sáng tươi… Văn í a, là văn, nghệ ấy í a… văn nghệ cho mọi í a là người, lao động nghệ thuật hôm nay!”

Từ khi cả thành phố làm nghệ thuật, việc kiểm soát diễn ra nghiêm túc, theo những quy định cứng. Chất lượng nghệ thuật là thứ khó đo, nhưng số lượng thì dễ. Thành phố có hẳn một đội quân kiểm tra, kiểm toán việc này. Và lời của một bài hát cũng là thứ được tính. Nó có giá trị ngang với một bài thơ. Những buổi ra mắt sách cũng được coi là một buổi công diễn. Chính vì vậy, tiến sĩ MC là nhân vật quyền lực. Ông hoàn toàn nắm quyền sinh sát, cho phép ai và cái gì được đóng dấu ra lò.

Tiến sĩ văn chương MC đi xuống đứng cạnh Hàm. Nụ cười sàn diễn của ông vẫn chưa tắt hẳn. Hàm hỏi nhỏ: “Cuốn này được không?”, tiến sĩ ghé tai: “Tôi chưa đọc. Nhưng tác giả là học trò của chúng tôi”.

Từ khi thành phố triển khai luật 3110, trung tâm giáo dục văn học thường xuyên làm ăn trên cả phát đạt. Hồi trước, cả năm họ mới tổ chức được một lớp vài chục học viên. Hàm cũng đã từng được mời dạy vào thời kỳ này. Thời đó, học viên đều là những người đã từng sáng tác. Họ làm đủ nghề để kiếm sống và việc văn chương đối với đa số họ chỉ như một thú vui thanh tao. Cũng có những người nuôi tham vọng thành tài và được kết nạp vào hội nhà văn. Hội nhà văn vào thời kỳ này mang hào quang của một viện hàn lâm cao vời. Hàm là người ở trong chăn lâu nên mới biết từng mặt những con rận, nhưng những học viên nghiệp dư làm sao biết. Đối với họ, các “thầy” vẫn là những đấng bậc mà chỉ được đến gần và nghe nói dăm ba câu đã là một kỷ niệm không quên trong suốt cuộc đời. Hồi đó, có lần Hàm đã góp ý với ban giám đốc một biện pháp có thể làm tăng số học viên, mở được nhiều lớp hơn, và tăng thêm thu nhập cho trung tâm. Giải pháp vô cùng đơn giản: thay cho việc công bố những tiết học về mỹ học, phương pháp sáng tác, bước đầu tiếp cận với phê bình văn học vân vân và mây mây (đây là cách nói của Phương họa sĩ), trung tâm nên nhấn mạnh việc đến học thì sẽ được gặp những thần tượng a b c d. Hàm thuyết phục ban giám đốc: “Thực tế, học có vài tuần thì học gì? Thực chất, nên biến khóa học thành một cuộc du lịch với các thần tượng. Vừa bổ ích vừa lý thú.” Ban giám đốc nhìn nhau dò hỏi. Không có sự thay đổi nào, lý do đơn giản mà mãi sau Hàm mới biết, không thể thống nhất được nên quảng cáo thần tượng nào. Ngay trong ban giám đốc, gồm toàn những nhà văn nhà thơ làng nhàng, họ cũng không đưa ra được một danh sách nào về những người đương thời mà họ cho là xứng đáng. Ác cái nữa là những người họ đều nhất trí xứng đáng thì đều đã quy tiên. Dạy dỗ cái gì nữa?!

Sau này, chính tiến sĩ MC văn chương tiết lộ với Hàm, lẽ ra trung tâm có thể mời được những nhà văn nhà thơ nhà mỹ học nhà phê bình có tiếng cả trong thành ngoài thành và thậm chí ngoài nước. Nhưng hóa ra việc này lại bị phụ thuộc vào vị chủ tịch hội đương thời. Ông ta can thiệp đến tận từng người đến trung tâm để dạy tiết gì. Việc này khiến đám người cầm đầu trung tâm bực bội và họ quyết định không tuyên truyền về những nhân sự ấy. Tiến sĩ MC cười ruồi: “Nếu việc đấy được thực hiện, hoặc giả chỉ cần bị hé lộ ra, lập tức chúng tôi sẽ phải in tên ông ta đầu tiên và to hơn những người khác. Ông biết rồi đấy, ông ấy không dạy một tiết nào, mà có gì để dạy? Ông ấy chỉ đến và chém gió ào ạt về cái gọi là thiên chức nhà văn. Theo ông ấy, nhà văn mang sứ mệnh làm đẹp cho đời, tạo ra hiện thực đẹp hơn hiện thực đang có, thay trời hành đạo, giáo dục thế hệ này thế hệ kia. Ông ta phủ dụ đám học viên, rằng nhà văn là những ‘mẫu’ của xã hội tốt đẹp…”.

Hàm nghe xong thở dài không nói được gì thêm.

Một phần khí hậu thành phố

Từ khi thành phố thực hiện luật 3110, ông chủ tịch này bị thị trưởng hạ bệ. Chủ tịch mới là một nhà văn thức thời. Ông ta chủ trương đổi mới và đẩy mạnh hệ thống đào tạo, hệ thống xuất bản. Chuyện nhà văn mang sứ mệnh làm đẹp hay giáo dục không thấy nói đến nữa. Nhà văn không cần phải chạy theo những sự nghiệp hay công cuộc toàn dân phải quan tâm. Anh ta hay chị ta chỉ cần kể những câu chuyện xung quanh bản thân và cố gắng thuyết phục người đọc rằng trong những câu chuyện đó có họ – hoặc không hề có bóng dáng họ, và điều này họ càng quan tâm hơn. Kết quả là tính tò mò tọc mạch của công chúng được thỏa mãn tối đa. Trước đây, cả thành phố chỉ có vài trăm hội viên cả văn lẫn thơ lẫn phê bình. Thực hiện luật 3110, gần nửa thành phố đăng ký trở thành nhà văn nhà thơ (phê bình vẫn lép vế). Thành phố không ép các cư dân này phải đi học sáng tác, nhưng rất nhiều người tự thấy cần phải trang bị chút vốn liếng cho xứng với thời đại. Vai trò của trung tâm đào tạo vụt lớn mạnh còn hơn Thánh Gióng. Tiến sĩ MC hôm nay cũng một bước lên quan. Đời chủ tịch trước, anh ta chỉ là nhân viên quèn, nay đã là trưởng phòng giáo vụ.

Trên sân khấu, màn quan họ của các liền chị sồn sồn đã gần chấm dứt. Tiến sĩ MC nháy mắt với Hàm thay lời chào rồi rảo bước lên sân khấu. Hàm liếc nhìn quanh, giữa đàn gà vịt ngan ngỗng đang ngỏng cổ lên sân khấu là một số nhân vật quen thuộc trong giới văn chương thành đô. Ông giáo sư nọ núng nính như lợn Tết, chuyên về văn học cổ nhưng lại không biết chữ Hán. Bà nhà phê bình kia gầy rộc như chó đốm xì ke, chuyên viết về sân khấu thời giữa thế kỷ trước. Mấy nhà văn trẻ như đàn ngỗng con, trưởng thành từ phong trào sáng tác của một tạp chí dành cho tuổi mới lớn đang thì thào với nhau vẻ khinh thị. Một vài gương mặt thân quen nhạc nào cũng nhảy, cuộc ra mắt tọa đàm sách nào cũng có mặt. Mỗi ý kiến của những người này đều được định giá. Họ có cách phát biểu du dương, ngọt tai, trong đó có tầm vóc, hiện đại, tinh tế, yêu quê hương đất nước, thành phố của ta, cảm nhận sâu sắc, kinh nghiệm của một người đã làm nghề (điền vào chỗ trống), duyên phận với thơ ca, văn chương nên anh (chị) không thể an phận, đó vừa là hạnh phúc vừa là niềm đau ngọt ngào. Chúng ta có thể nghe trích đoạn sau (điền vào trích dẫn)… Họ luôn có vẻ mặt nhơn nhơn như thách thức, như quan trọng, như phòng thủ lúc phải chường mặt ra khán phòng; nhưng khi dấm dúi ở cánh gà hay góc phòng, họ mỉa mai tác giả đang được giới thiệu ngoài đó bằng những ngôn từ suồng sã thô tục. Hàm không lạ gì bọn này. Anh thường tìm cách tránh nhưng không dễ. Bọn này trở thành một phần khí hậu thành phố. Hàm chỉ tìm mọi cách để không lọt vào khuôn hình chung với đám ấy. Bởi những bức ảnh kiểu này thường bị diễn giải như sự thân thiết, quan tâm, ủng hộ.

Trần hiện bản thân

Hàm đến đây hôm nay để gặp gỡ một nhà thơ trẻ, cô này lại là bạn của D và cũng là bạn của tác giả đang ra mắt sách. Hàm bắt đầu sốt ruột, trên sân khấu tiến sĩ MC vừa giới thiệu một cây ý kiến chuyên nghiệp nhạc nào cũng nhảy. Hàm cau mày đang định quay lưng bước ra khỏi khán phòng thì từ cuối dãy ghế, D và một cô gái tóc xoăn tít như người da đen len lỏi bước đến.

Cô gái gần đây vụt trở thành hiện tượng với những tự sự tình ái. Những bài thơ của cô luôn dài thòng, kể lể và diễn giải. Bài thơ trong đó có câu “Anh yêu ngủ giấc mơ hồng/ còn em phải dậy lấy chồng đây anh” đang trở thành top hit. Câu nói trên trở thành câu cửa miệng của một thế hệ các cô gái mới lớn. Một số nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ tóc xanh tóc đỏ đã biến một đoạn thơ của cô thành đoạn rap, đọc lên với nhịp điệu gấp gáp đầy kịch tính. Cô đang trên đỉnh cao danh vọng và đè chết một cô thi sĩ trước đó. Cô trước cũng đã gây sốt với những câu kiểu như “cài then em đi/ cây chốt của riêng anh đó”, “Anh nói yêu em nhưng em chưa tin/ Em cho anh tự do nhưng chiếc chìa khóa anh đã mở cửa thân thể em/ anh phải đưa em nắm giữ”…

Ngồi ở quán cà phê, nữ thi sĩ mới nổi thao thao diễn đạt bản thân bằng những câu từ phê bình hàng chợ cắt ghép từ những bài báo dễ dãi. Hàm thầm nghĩ, người viết thực sự có khả năng nhận định đúng đắn về bản thân không? Và nếu không thì những bộc bạch được gọi là trung thực của họ có giá trị gì? Anh lạnh nhạt cắt ngang dòng thác tự bạch của nữ sĩ tóc xoăn:

“Cái đêm mà em ngủ với một anh nào đó, và khi sáng ra em nghĩ em sẽ bỏ anh ta để đi lấy chồng ấy, đã diễn ra những chuyện gì?”

Nữ thi sĩ trợn mắt lên như trúng gió, ngáp ngáp vì bị hụt hơi, mãi mới thốt ra:

“Dạ… Em có định đi lấy chồng đâu ạ?!”

Câu chuyện sau đó nhạt như nước ốc. Hàm lấy lý do phải đi họp một cuộc ở hội đồng phát triển văn học trong nhà trường để đứng lên. D cũng nhân đó xin cáo từ. Cô gái kia giữ D lại thì thào vào tai điều gì đó, chỉ thấy D lắc lắc đầu. Sau D mới hỏi Hàm khi hai người đã ngồi trên xe:

“Sao anh lại hỏi nó như vậy? Em nghĩ văn chương đâu có nệ thực đến như thế?”

“Vì nó cứ tự khoe khoang là trần hiện bản thân, là trung thực đến tận cùng nên anh hỏi chơi một câu vậy thôi.”

“Nó rất ngưỡng mộ anh đấy…”

“Tôi kệ xác!!” Hàm gầm gừ.

D không dám nói nữa. Cô bạn có lời nhờ D nói với Hàm viết cho vài chữ nhưng tình hình này thì chịu. D nhớ lại có lần hai người gặp một nữ văn sĩ trẻ trong một nhóm nhiều văn nghệ sĩ các loại. Cô này say sưa kể về cảm giác muốn chết, đời vô nghĩa, “Cái chết có một vẻ đẹp tuyệt vời, em luôn bị quyến rũ, em luôn bị cái chết ám ảnh từng phút từng giây”. Hàm hỏi đầy vẻ quan tâm “Thật thế sao?”, “Tất nhiên!”, “Vậy tại sao cô không lao ngay vào ô tô. Ngoài đường ngay kia, tôi thấy rất thuận tiện?!” Vì những câu nói phũ phàng kiểu đó, Hàm bị rất nhiều kẻ căm tức. Nhưng lạ thay, càng phũ phàng như vậy, danh tiếng của anh càng lên cao.

Bí mật bẻ ghi

Buổi chiều muộn trong xưởng vẽ có một vẻ lạnh lẽo vô hồn đáng sợ. Ban ngày trời oi bức, thứ không khí nặng nề trì trệ như một bộ quần áo chuyên dùng để hạn chế cử động của người điên. Bóng tối lấp ló phía chân trời ngoại ô, một làn hơi lạnh từ từ xâm chiếm thành phố. Trên những con đường ken đặc người và xe, không thể nhận ra chuyển động vô hình này. Nhưng khi ngồi lặng lẽ trong xưởng vẽ, tôi nghe thấy cả tiếng lá đón chào làn không khí mới của buổi tối.

Con bé của tôi giờ đang làm gì? Tôi nhớ giọng nói ngọng nghịu non nớt của nó: “Bố, bố, tranh vẽ của bố, đẹp, đẹp!” Tôi chưa bao giờ vẽ nó. Có những hình ảnh không dễ dàng vẽ ra, dù tôi thuộc lòng từng chi tiết trên khuôn mặt ngây thơ với những nét tưởng như đơn giản nhưng vô cùng sống động, thay đổi từng phần nhỏ của giây.

“Bố, bố đâu rồi? Sao bố không về hôm nay?” Sau nhiều ngày tôi không về, con bé cũng không còn gọi điện hỏi nữa. Nhưng mỗi khi tôi về, nó lại chạy đến ôm chầm và cứ thế, bám vào để trèo lên. Bàn tay và cả đôi chân nhỏ cuống quýt bện vào, tôi lặng lẽ nhấc bổng nó lên. Tay chân nó chơi vơi trong không rồi ập vào, hai cơ thể áp chặt.

Mẹ con bé không nhìn cảnh tượng đó, cô ấy quyết không nhìn, không nghe. Cách cô ấy đáp trả tôi. Tôi không nói là trả thù. Nhưng nó có bóng dáng của việc đó.

Chúng tôi đã có một cuộc yêu say mê cuồng nhiệt. Tôi, chính tôi đã cầu hôn, nếu như có thể dùng một từ trang trọng nhưng sến súa như thế. Trong đêm, khi đỉnh điểm của đam mê, lúc tôi đến từ phía sau “Anh sẽ cưới em!”, nàng rùng mình chao đảo trong một phần nhỏ của giây rồi trở lại tư thế vững chãi “vâng”. Tôi đi sâu vào trong và vỡ ra.

Nhưng giao ước đó, việc định hình một cái mốc trong mối quan hệ đàn ông đàn bà, tưởng chừng bình thường như hạt cây gặp đất và nước thì nảy mầm, đối với chúng tôi lại biến thành bất thường. Hoặc, sự bất thường đến từ tôi. Chỉ tôi.

Con bé ra đời chính từ cuộc yêu đó. Nó đến và lạnh lùng thay đổi mối quan hệ của bố mẹ. Bằng một cách nào đó, nó chấm dứt sự đam mê của tôi và sự dịu dàng của mẹ nó. Đó là những gì tôi thấy được sau này nhưng rất hiển nhiên. Thoạt đầu tất nhiên cả hai chúng tôi đều không biết số phận của từng người và số phận hay đoạn đường chung đã bị bí mật bẻ ghi.

Tốc độ ánh sáng

Tại thành phố nghệ thuật người ta tiến hành thử nghiệm khoa học. Từ trên tòa tháp cao, các nhà khoa học cùng một lúc thả chiếc đèn pin đang sáng và một bức tượng. Hai vật rơi xuống đất nhanh như nhau. Các nhà khoa học thành phố kết luận: nghệ thuật thành phố chuyển động với tốc độ ánh sáng!

Dập xóa sự sến súa

Trí nhớ, nó là một thử thách đối với sự tồn tại của một cá nhân. Với những giây phút trôi qua, trí nhớ lặng lẽ ghi nhận, xếp vào một nơi nào đó trong bộ não. Để rồi những ký ức này trở lại vào một lúc khác, chen vào cái hiện tại, tác động, pha trộn với hiện tại. Và, rất nhanh, trở thành một quá khứ gần, rồi xa dần, xa dần. Trí nhớ có cách vận hành riêng. Mọi cố gắng chỉ đạt được kết quả rất hạn chế, trong thời gian hữu hạn. Con người chỉ giữ lại được những gì mà trí nhớ tự nó muốn.

Đấy chính là thử thách cho cái gọi là tồn tại sống của một người. Những trải nghiệm riêng có, khẳng định một người đã sống trong lúc đó – giữa chỗ đó – với người khác, lại biến mất hoàn toàn. Nhưng có thể, chính khoảnh sống đó, vẫn còn được lưu giữ bởi người khác, bởi một cái tôi khác. Anh không có quyền gì với hình ảnh của anh trong khoảnh ký ức đó. Sự chủ quan của anh bị loại trừ, và cũng không tồn tại khái niệm khách quan.

Thỉnh thoảng tôi nhớ về mẹ con bé. Cô gái lặng lẽ mỉm cười, hai tay bắt chéo hờ hững kiểu Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Về sau, tôi nghi ngờ hình ảnh này. Liệu có đúng là hai tay bắt chéo như trong bức tranh nổi tiếng đó? Thậm chí nụ cười, càng lúc càng giống nụ cười của người đã chết cách đây bốn thế kỷ và khi sống thì ở một xứ sở xa lạ? Đây là lý do tôi căm ghét bức tranh kinh điển kiệt tác ấy. Nó dường như đã quy định trí nhớ của tôi?

Hoặc giả, cô ấy đã có đúng vẻ mặt, nụ cười ấy vào một ngày xa xăm?

Để tự chế giễu, chống lại ý nghĩ rằng mình đã bị cái sến súa tác động, tôi cố hình dung cảnh cô trần truồng và chúng tôi đang làm tình. Cách này vốn rất có tác dụng trong những trường hợp khác, nhưng với trường hợp mẹ con bé thì vô phương. Cảnh duy nhất mà tôi còn lưu giữ được chính là lúc hoài thai con bé. Không hiểu sao tôi tin chắc chính là lúc ấy, mẹ con bé không bao giờ nói điều này. Nhưng nếu gọi đó là “cảnh” thì cũng không đúng, bởi ký ức hình ảnh vô cùng nghèo nàn. Là một họa sĩ, tôi hiểu rất rõ các ký ức hình ảnh. Ở đây, ký ức hình ảnh nhạt nhòa và mập mờ, như trong một giấc mơ. Tôi cố ý làm cho nó như phim quay chậm, kết quả càng tồi tệ. Nhân vật nữ trong đoạn phim này liên tục thay đổi bằng những người khác. Thậm chí, có lúc đó chính là Mona Lisa. Dù sao, ý định dập xóa sự sến súa đã có tác dụng.

Môi giới phi pháp

Từ hồi trở thành thành phố của các nghệ sĩ đến nay, nền kinh tế của thành phố thay đổi đáng kể. Về lý thuyết, các nghệ sĩ đương nhiên chỉ làm ra các nghệ phẩm, do đó nền kinh tế ở đây xoay quanh việc mua bán, cho thuê tác phẩm nghệ thuật và các dịch vụ nghệ thuật, dành cho nghệ sĩ. Các con số chính quyền công bố đầy những tín hiệu lạc quan, rạng rỡ rằng kim ngạch xuất khẩu tranh tượng năm sau cao gấp đôi năm trước, số lượng các bài hát, bản nhạc bán được bản quyền cũng tương tự, các vở diễn liên tục đỏ đèn nhà hát trên toàn quốc. Một bài báo rụt rè đưa ra thực trạng rằng số lượng các nhà hát không đủ đáp ứng số vở diễn đang sinh sôi nhiều như mối cánh bay ra sau mưa. Nhấn mạnh, đây là số nhà hát trên toàn quốc chứ không phải chỉ ở thành phố này. Giới họa sĩ và điêu khắc thì thầm với nhau về những cú áp phe để được mua tranh tượng bày ở những nơi công cộng. Thành phố đã ra một sắc lệnh về việc tất cả những không gian công cộng, bao hàm cả không gian của những khu chung cư, đều phải có các tác phẩm nghệ thuật. Giới quy hoạch, các chủ đầu tư rất nhanh nhạy, các tác phẩm đều được kê khai với mức giá trên trời. Các tác giả chẳng thu lại được bao nhiêu, nhưng không ít người không cần tiền, chỉ cần có chỗ bày tác phẩm mang danh được mua. Thậm chí chức danh tổ trưởng dân phố cũng rất có giá do được tham gia vào quá trình thẩm định và mua bán tác phẩm nghệ thuật dành cho không gian công cộng trên địa bàn mình phụ trách. Đám cò hoạt động với công suất tối đa, giàu lên bất thường. Thành phố có quy định rất nghiêm ngặt về những người làm dịch vụ nghệ thuật. Họ được cấp chứng chỉ hành nghề và được miễn giảm công việc sáng tác, căn cứ theo doanh thu cá nhân. Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi giới, chẳng cần chuyên môn hay chứng chỉ đều có thể chỉ trỏ, móc nối để hưởng những khoản hoa hồng béo bở. Và chính các bậc thầy nghệ thuật đa số trở thành các tay môi giới lành nghề, tác oai tác phúc vang lừng thiên hạ. Công an thành phố thỉnh thoảng lại công bố một vụ bắt bớ “một đường dây buôn bán, môi giới phi pháp tác phẩm nghệ thuật”. Nhưng ai cũng biết đó chỉ là việc bắt cóc bỏ đĩa, công an nghệ thuật bảo kê đầy. Những kẻ không chịu ăn chia hoặc làm ăn tẹp nhẹp thỉnh thoảng sẽ bị đánh đòn, một công việc vừa thuận lợi cho việc moi tiền vừa làm đẹp lòng thị trưởng.

Trái mìn xịt

Một nguồn thu quan trọng của thành phố đến từ du lịch. Danh tiếng của thành phố không còn chỉ phạm vi quốc gia mà đã ở tầm quốc tế. Có những lúc số khách du lịch tại nội thành còn nhiều hơn số cư dân ở trên địa bàn. Sở Du lịch liên tục đòi tăng thêm biên chế. Việc này khá tế nhị vì nhân viên du lịch, cũng như một số ngành phục vụ gián tiếp, được miễn giảm định mức hoạt động nghệ thuật. Chính giám đốc sở du lịch là người nhận ra nguy cơ đầu tiên. Luận án tiến sĩ của ông gây tiếng vang trong dư luận ngay từ cái tên, Mối quan hệ giữa lực lượng nghề phục vụ nghệ thuật và chất lượng nghệ thuật chung của cộng đồng nghệ thuật thành phố. Nên lưu ý, ở một thành phố bình thường, người dân lao động vốn không coi trọng học thuật (và cả nghệ thuật, trừ giải trí). Ở thành phố nghệ thuật, tình trạng chưa chắc đã khá hơn, vì bản chất của người lao động nghệ thuật vẫn là ngại và khinh thường lý luận – dù là lý luận về nghệ thuật. Tuy nhiên, luận án của giám đốc du lịch nhận được sự quan tâm rất lớn. Qua rất nhiều kênh diễn giải khác nhau, công chúng hiểu được vấn đề cốt lõi của nó: 1 – Nếu số nhân viên gián tiếp được hưởng quy chế miễn giảm định mức hoạt động nghệ thuật tăng lên, đồng nghĩa với việc tổng sản phẩm nghệ thuật của thành phố giảm xuống; 2 – Nếu tổng sản phẩm nghệ thuật giảm xuống, thành phố sẽ dần dà mất đi tính chất nghệ thuật của nó, độ thu hút du lịch của nó giảm đi, điều này sẽ ảnh hưởng đến những người làm du lịch đầu tiên; 3 – Nếu người làm du lịch nghệ thuật lại bị suy giảm “hàm lượng nghệ thuật” (vì họ giảm lao động nghệ thuật), chất lượng hoạt động nghề nghiệp (du lịch) của họ cũng suy giảm theo. Chính điều thứ ba này gây ra cuộc tranh luận gay gắt ban đầu ở chính sở Du lịch, sau lan ra toàn thành phố. Bởi số người tham gia vào các ngành nghề được coi là “gián tiếp phục vụ nghệ thuật” ở thành phố là vô cùng lớn. Thậm chí, có lúc những người mở quán phở, quán bia cũng tự coi mình thuộc lực lượng lao động này.

Phản ứng lan truyền. Hiện tượng lãn công xảy ra trong ngành du lịch và bắt đầu lan ra. Những người thạo tin xì xào rằng một cuộc đình công lớn đã manh nha, nhưng bị dập tắt tức thì bởi chính công đoàn ngành du lịch. Giám đốc sở du lịch nghe đâu thoát khỏi một vụ ám sát trong gang tấc. Hôm đó, ông đang say sưa diễn thuyết trước một hội nghị những công nhân viên chức tiêu biểu ngành. Chủ đề của cuộc nói chuyện đại loại là phát huy tinh thần làm chủ thành phố, những người làm du lịch tự giác tăng cường hoạt động nghệ thuật của chính mình. “Mặc dù chính quyền thành phố miễn giảm số lượng tác phẩm cần hoàn thành hằng tháng, hằng quý, hằng năm, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm phấn đấu trở thành những nghệ sĩ hàng đầu. Đề tài sáng tác của chúng ta không chỉ là những vấn đề của ngành, mà còn lan rộng tới những vấn đề cấp thiết của thành phố, những vấn đề của con người thành phố hôm nay. Như tôi đây, tự mình ngày nào cũng sáng tác…”. (Ông vốn là nhạc sĩ nghiệp dư, đã được công nhận là chuyên nghiệp loại 1 sau khi nhậm chức khoảng gần một năm). Giữa lúc này, một trái mìn tự tạo từ phía cử tọa bay lên lơ lửng trên không trung, ngơ ngác một giây như để xác định mục tiêu lần cuối, rồi quả quyết lao vào đúng bài diễn văn của nhạc sĩ – giám đốc (có phiên bản nói lao trúng mặt). Tuy nhiên, trái mìn bị xịt.

Truyền thông chính thống không đưa bất kỳ thông tin nào về sự kiện trái mìn mà chỉ đưa thông tin cuộc gặp mặt và bài phát biểu “đầy cảm hứng, gây rung động lòng người” của nhạc sĩ – giám đốc. Chính vì thế, những thông tin lề trái ngày càng nở rộ, xuất hiện cả những bài vè chế giễu và hình ảnh, clip cắt ghép rất sinh động.

Hàm được mời tham dự một cuộc họp kín nhằm nhận định tình hình, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra những biện pháp đối phó khẩn cấp. Thông tin chính thức được đặc biệt lưu ý là mật, một nhân viên du lịch rất lành nghề kiêm nhạc sĩ đã lột giầy ném lên bục diễn giả. Đứng vụt dậy với chiếc giày trái, vì đương sự thuận tay trái (vô cùng cụ thể), ông ta hét lên: Giám đốc gì cái loại mày, đồ bất tài! Ông này thậm chí còn là thành viên ban sáng tác của ngành, chuyên sáng tác những bài hát có nội dung quảng bá du lịch của thành phố. Câu luận tội của ông ta cũng được mô tả đến từng chữ, giúp những người dự họp hình dung động cơ của việc phản kháng là đố kỵ cá nhân. Hàm cùng một số ít người tham gia cuộc họp ủng hộ phương án xử lý đương sự theo cách hành chính, có thể hạ bậc công chức, điều chuyển công tác về sở vệ sinh môi trường hoặc thậm chí đuổi việc. Tuy nhiên, đại diện lực lượng công an nghệ thuật phát biểu rất cứng rắn, đề nghị thị trưởng “xử lý thật nghiêm để làm gương”. Việc làm gương, về chính thống thật ra là vô nghĩa vì cuộc họp đã nhận được lệnh từ trên, theo đó toàn bộ sự việc cần phải được xóa trắng như chưa từng có. Số phận của người này về sau không ai được biết rõ. Nhưng đúng như quan điểm của bên công an nghệ thuật, việc trừng trị nghiêm người này có tác dụng gây sợ hãi. Để sợ hãi, thì những điều mù mờ, những câu chuyện đồn thổi, những tình tiết tô vẽ có tác dụng lớn lao.

Hàm đã từng bỏ thời gian tìm hiểu nhưng cũng không biết gì nhiều ngoài việc ngôi nhà cũ của gia đình người này đã biến thành nhà văn hóa tổ dân phố, còn toàn bộ gia đình đã biến mất như bị bốc hơi. Hàm làm việc này hoàn toàn chỉ vì sự tò mò của một nhà văn với số phận một con người. Anh biết rất rõ những đề tài kiểu này là cấm kỵ không bao giờ được xuất bản. Thậm chí, nếu có viết thì những trang bản thảo cũng phải giữ bí mật tuyệt đối, nếu không muốn chịu chung số phận với nhân vật trong bản thảo. Những nhân vật cỡ như Hàm cũng chỉ mơ hồ biết rằng thành phố có một khu vực huyền thoại mà dân tình gọi là “vườn thượng uyển” – trong khi tên chính thức là Vạn Hoa Viên – ở phần mở rộng phía tây. Những thành phần chống đối luật 3110, vi phạm những quy định về sáng tác của thành phố sẽ bị thu gom vào đây. Họ sẽ phải trồng cây, xây nhà theo quy hoạch mở rộng của đô thị. Hình phạt đáng sợ nhất với một số người là ở đây hoàn toàn không được sáng tác dưới mọi hình thức. Với họ, điều này đáng sợ hơn cả việc bị hạn chế tự do đi lại.

Sau sự cố này, giám đốc công an nghệ thuật bị khiển trách nặng nề, suýt mất chức. Kế hoạch đối phó của ông nhanh chóng được chấp thuận. Ngành du lịch là ngành đầu tiên nhanh chóng được bổ sung một lực lượng công an. Lực lượng này tên đầy đủ là công an nghệ thuật đặc trách du lịch, nhưng dân tình chỉ gọi nó là công an du lịch, cũng như các loại công an y tế, công an giáo dục và thậm chí cả công an ăn uống như dân tình đồn thổi.

Đục kén chui ra

Làng quê bắt đầu trở mình thức dậy. Tiếng xe máy ì ầm từ khi đêm còn đen kịt. Hàm vẫn nằm co quắp cạnh tôi như một xác chết. Tối qua tôi cũng uống nhiều như hắn nhưng không say đến thế, hoặc vì tôi thính ngủ. Trong đêm đen, tôi nghe tiếng không gian im ắng nhưng vẫn hoàn toàn khác những đêm khi tôi còn bé về quê nằm trằn trọc vì lạ giường. Đêm ở nông thôn giờ chật hơn, bị chia thành từng ô nhỏ lộn xộn, không như đêm hồi trước. Khi ấy, tôi thấy đêm như một bầu trời rộng rãi sâu thẳm và tôi bay rợn ngợp trong đó.

Không gian đêm cũng cạn hơn, cằn hơn. Hay vì tôi đã trưởng thành và mất đi dần trí tưởng tượng? Hay vì đêm ở các vùng quê quả thực đã bị co lại, bị chia cắt do tác động hối hả của con người, của phương tiện cơ giới? Nếu vẽ đêm bây giờ tôi làm sao thể hiện được điều đó? Chỉ với một màu đen? Lập thể? Lập thể liệu có quá công thức, quá giống mấy thằng Tây? Hay chỉ dùng sắc độ theo kiểu tranh mực nho Tàu?

Nhà trên có tiếng nan giường răng rắc, tiếng loẹt xoẹt của bàn chân tìm dép. Rồi tiếng rít thuốc lào vang lên giòn tan. “Phương, dậy chưa? Ra xem tằm không?” Anh họ đã vào phòng, bật điện. Tôi ngồi dậy. “Mày không ngủ à?”, “Em ngủ được”. “Ra xem tằm không?”.

Tôi lay Hàm, nhưng hắn chỉ xoay mình đổi tư thế rồi lại nằm im như xác chết.

Anh họ dẫn tôi xuống nhà tằm. Dưới ánh điện, những con tằm to bằng nửa ngón tay đầu đen ngóc đầu lên đón nắm lá dâu thái chỉ anh gieo xuống. Chúng ngốn lá dâu nhanh tàn bạo.

“Đấy, mày mang về. Đừng để dính nước, không được phơi nắng hay để đèn điện quá gần đấy! Chỉ mai, ngày kia là sẽ kết kén”.

Sáng rõ mặt người, anh Hồng kéo tôi ra ngồi trước hàng hiên hút thuốc lào. Anh nói nghề chăn tằm kéo lụa ở quê mình đang chết. Ở đây chỉ còn hai gia đình vẫn theo nghề. Ruộng dâu thì cằn cỗi. Anh nói, hình như cây dâu nó cũng buồn khi mọc trên những khoảnh đất hẹp, khi xung quanh không phải là ngút ngát những đồng loại của chúng. Con tằm cũng thế, không hiểu sao dịch bệnh ngày càng nhiều. “Năm ngoái, tự dưng cả một lứa tằm bỗng bỏ ăn. Rồi quặt quẹo, trên thân chúng nó bắt đầu xuất hiện những đốm vàng. Tao vội vàng rắc thuốc, các loại đều không ăn thua. Rồi nước xanh bắt đầu rỉ ra. Nước xanh như mủ ấy. Tao gọi điện cho ông chú, ông ấy hình như làm viện sĩ gì trên thành phố ấy. Độ này ông ấy lại còn làm phim. Trên ấy nghe nói giờ ai cũng phải làm nghệ thuật à? Thế còn thời gian đâu mà làm ăn, hả? Ông ấy nói về cũng không kịp, nghe đâu đây là căn bệnh mới, từ mãi bên nước ngoài lan sang. Chẳng hiểu từ đâu, hay là từ chính những loại thuốc trị bệnh cho tằm?”

“Rồi làm thế nào?”

“Đốt.”

Tôi rùng mình. Những con tằm quằn quại trong lửa. “Này, nhưng mày mua tằm của anh về làm gì? Mày nói mà tao vẫn không hiểu nổi.” Tôi lại phải giải thích. Rút kinh nghiệm những lần trước, tôi nói đơn giản, rằng những con tằm này sẽ đóng kén trên cái nhà bé mà tôi làm, rồi tôi sẽ triển lãm, tới đúng ngày mà kén phải nở sẽ là ngày khai mạc, sẽ là một cảnh tượng rất đẹp.

“Ừ, nhưng để làm gì? Đẹp, rồi sao?”

“Chỉ thế thôi.”

“Này, anh hỏi thật, thế chú được bao nhiêu?” Tôi cười, nói em không được tiền. Anh tin tôi, nhưng chính vì thế mà anh không hiểu.

Bỗng chính tôi hiểu ra một điều mà trước đây tôi không hiểu. Tôi đang làm một công việc vô nghĩa, vô nghĩa nhất trên đời. Hàm nói với tôi rằng, tác phẩm của tôi rất hay, rất ý nghĩa. Nó sẽ là một đột phá trong nghệ thuật sắp đặt của thành phố, của quốc gia, thậm chí là một dấu ấn trong nghệ thuật thế giới. Nó không đơn thuần là việc dùng sinh vật sống để làm tác phẩm, mà nó còn là một trích đoạn về cuộc sống của người thành phố đương đại giới thiệu ra với khán giả quốc tế, là văn hóa kết tinh, v.v. và v.v. Nhưng nay thì tôi hiểu ra, tác phẩm này chẳng nói được một điều gì hết ngoài việc phô ra một hiện tượng lạ lùng đối với đông đúc khán giả. Còn nếu muốn là một “trích đoạn về cuộc sống của người thành phố đương đại” thì tôi cần triển lãm quá trình con tằm đang khỏe mạnh đầy sức sống bỗng nhiên mắc bệnh, một căn bệnh vô phương cứu chữa, một căn bệnh không rõ nguồn gốc lai lịch, chỉ có thể lờ mờ đoán được nó đến từ một xứ sở xa xôi, một nơi bí ẩn đầy đe dọa. Những con tằm bỗng nhiên chảy mủ xanh và rồi quằn quại trong lửa, ngay buổi khai mạc triển lãm. Nếu muốn là “văn hóa kết tinh”, có lẽ tôi phải triển lãm được màn đêm của cái làng ngoại thành quê tôi, vốn là làng chăn tằm dệt lụa bao nhiêu đời trước này. Một màn đêm nguyên sơ, óng ả nay trở nên thô cục, cạn hẹp và bị phân cắt.

Hàm đã dậy và ra ngồi cùng chúng tôi. Mặt hắn bệch bạc nhưng sau một chén trà đã trở nên hoạt bát. Hắn bảo anh họ:

“Con bé, anh cho nó đi theo thằng Phương làm chuyên gia về tằm nhé. Nó thích ra thành phố xem triển lãm lắm, với lại bọn em có biết gì về tằm đâu, phải có người biết thì yên tâm hơn.”

“Tao cho làm sao được. Chúng mày đi hỏi mẹ nó ấy. Con bé ấy không hiểu sao rất thích tằm chứ nó có họ hàng gì với tao đâu. Bố nó rượu nhiều dặt dẹo chết năm kia rồi. Ông ấy đi lính với tao hồi xưa.”

“Em lại cứ tưởng nó là cháu anh. Thế coi như anh đồng ý rồi nhé.”

“Tiên sư nó, cứ thấy nói về thành phố là mắt long lanh cả lên. Cũng phải kiếm việc gì cho nó làm, ở nhà quê thế này rồi tàn lụi đi hết cả. À, tao nghe nói ra thành phố làm việc lâu dài thì phải làm cả nghệ thuật mới được ở đấy, đúng không? Làm thế nào?”

Hàm nói, yên tâm, yên tâm. Không hiểu hắn làm thế nào mà mẹ con bé đồng ý. Thế là em gái yêu tằm đi về cùng chúng tôi. Em giúp tôi được rất nhiều việc và đêm trước triển lãm, em đã ngủ lại xưởng tôi. Chẳng hiểu thế nào nhưng đêm đó em rất ngoan ngoãn khi tôi chui vào chăn em ấy. Thật ra thì em cũng chẳng còn trinh, mười tám tuổi và ở quê thì thế là sớm hay muộn?

Sau thì Hàm cũng xin được việc cho em bé này ở một nhà hàng đặc sản. Em rất chăm chỉ và biết tích cóp. Gần đây nhất, khi tôi cùng một cậu bạn đến một khu giải trí ven đô rất lớn có chữ “Thiên Đường” trong cái tên thì thấy em đang chỉ huy một nhóm các cô gái đều là dân nhập cư chuyên múa may phục vụ ở đó. Ca múa là một việc trở nên phổ biến ở mọi nhà hàng, khách sạn trong thành phố. Bởi nó đáp ứng được quy định “người sinh sống lâu dài trong thành phố phải hoạt động nghệ thuật”. Chúng tôi chẳng chơi bời giải trí gì ở đó mà đến để nhận vẽ tranh tường kiếm ăn. Em nhìn thấy tôi trước và chủ động đến chào hỏi. Có một cảm giác ấm áp như thể tình anh em, ít nhất là anh em họ giữa tôi và em bé làng tằm ấy. Nó khác hẳn với những cô gái mà tôi đã qua đêm, họ luôn mất tự nhiên và khiến tôi cũng mất tự nhiên. Em không thế. Em coi mọi chuyện đã xảy ra là bình thường như cân đường hộp sữa, lành mạnh như khí trời, dù khí trời thời nay đã ô nhiễm ít nhiều.

Cuộc triển lãm của tôi thành công rực rỡ, nói theo Hàm. Không hiểu hắn làm thế nào, khách Tây đến nườm nượp và báo chí thì như ong vỡ tổ. Trong ánh sáng rực rỡ từ những ngọn đèn LED nhiều màu, những con ngài cắn kén chui ra, run rẩy nguyên sơ như khi Chúa sinh ra thế giới. Chúng nằm im lặng bất chấp đàn người nhắng nhít vây quanh, những ánh mắt tọc mạch nhìn cơ thể đầy phấn của chúng. Một lát sau, những con ngài đầu tiên khô mình bắt đầu duỗi cánh bay lên. Những tiếng ô a đầy kinh ngạc lan dần trong đám người vốn xa cách trầm trọng với thiên nhiên và loài vật, biến thành một âm hưởng tán dương pha lẫn khiếp sợ, thần phục – như đám người ngu dốt thiếu đức tin bỗng nhiên thấy Đức Chúa phục sinh đi về qua phố nhỏ.

Giám đốc trung tâm văn hóa hợp tác của thành phố, nơi tài trợ cho triển lãm của tôi đứng với Hàm. Giám đốc luôn miệng bắt tay và cảm ơn. Mặt lão tươi như hoa đã nở ra rồi thì không thể khép lại được nữa. Hàm giữ vẻ mặt cao ngạo nhưng tôi biết hắn đắc thắng, như thể giây phút này, hắn mới là tác giả đang được vinh danh. Mà cũng đúng. Những con tằm đang trình diễn. Những lời lẽ diễn giải của Hàm đang nhảy múa trong đầu bọn đi xem triển lãm. Vai trò của tôi chỉ rất nhỏ.

Tôi và mấy thằng họa sĩ trẻ chui vào một xó khuất với hai chai vang trắng. Việc bắt tay và nghe những lời chúc tụng của quan khách bằng đủ thứ tiếng lẫn đủ thứ giọng điệu khiến tôi lộn mửa. Em gái xứ tằm đứng lơ ngơ giữa đám người như đứa trẻ đi lạc nhưng tôi không gọi em. Mà tại sao không triển lãm chính em gái ấy cùng với những con ngài đang đục kén chui ra?

Những con ngài bay lượn ngày càng nhiều xung quanh những ngọn đèn. Chúng thích ánh sáng trắng, trong thứ ánh sáng này những vũ điệu giao hoan của chúng thăng hoa kỳ diệu. Thật tuyệt vời nếu chỉ có chúng và chúng tôi – những thằng nghệ sĩ vô vọng múa những khúc điệu lạc loài xung quanh thứ ánh sáng được gọi là nghệ thuật.

Comments are closed.