Vườn Thượng uyển (kỳ 5)

Lê Anh Hoài

Lưu danh

Nghệ sĩ trẻ của thành phố nghệ sĩ nghĩ làm trai cũng phải lưu lại danh gì với núi sông. Cụ thể phải có đường mang tên mình. Nhưng để được đặt tên đường, dù là đường bé một người đi nghiêng cũng quá khó. Với chàng, cơ hội làm vua qua rồi, mà làm giặc thì ngại khổ.

Tự dưng một hôm nghệ sĩ trẻ đi qua Đại Hồ, thấy một công trình hoành tráng ven hồ mang tên "WC công cộng". Chàng nghĩ tên mình gắn ở đây cũng tốt rồi.

Nhưng hóa ra việc này còn khó hơn cả xin đặt tên đường, kể cả là sẵn sàng chi.

Loại hormone gây hưng phấn

Thành phố hôm nay tưng bừng trong không khí ngày hội thơ. Thỉnh thoảng, tất cả lại ồn ào, rồ dại trong một ngày hội kiểu như vậy. Ngày hội văn xuôi, ngày hội âm nhạc, ngày hội kịch nghệ, ngày hội nhiếp ảnh, ngày hội điện ảnh, ngày hội tạo hình… Từ trước mấy hôm, các nghệ sĩ thuộc chuyên ngành này đã bắt đầu xúng xính áo mũ, cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu. Lượng bóng bay và rượu tiêu thụ vào những ngày này tăng đột biến. Bóng bay là một thứ rất phù hợp với không khí lâng lâng, bay bổng – theo đúng nghĩa đen. Bóng bay cũng rất phù hợp với sự lòe loẹt và rỗng tuếch – cũng lại theo đúng nghĩa đen.

Hàm đứng giữa quảng trường, xung quanh những dòng người xô đẩy nhau như những chuyển động của đàn cá mòi giữa đại dương. Đám đông trôi dạt theo những quy luật mờ ám. Liệu có nhà nghiên cứu nào quyết tâm tìm hiểu những quy luật này? Trong một chương trình truyền hình về đời sống đại dương, Hàm thấy đàn cá mòi xô qua dạt lại khi gặp một con cá lớn chuyên ăn cá mòi. Cá mòi bơi theo đàn với số lượng hàng chục triệu con. Khi gặp kẻ thù, đàn cá khổng lồ nhanh chóng biến hình, tạo ra những cảnh tượng hết sức kỳ vĩ dưới lòng đại dương. Những con cá mòi lóng lánh ánh bạc. Lũ cá nhỏ bé tạo thành những dòng lượn xoáy kỳ ảo xung quanh con cá lớn với mục đích làm sao cho lượng cá bị đớp ít nhất.

Ở đây, Hàm thấy hiện ra lừng lững một con cá thơ nhiều mồm. Và mục đích của dòng người xô dạt trong sân hội thơ hoàn toàn ngược lại, chúng đang di chuyển sao cho lượng người bị thơ đớp lớn nhất và nhanh nhất.

Trên sân khấu chính đang diễn ra một hoạt cảnh kỳ quặc. Các nhà thơ ăn mặc mô phỏng công nhân, nông dân, quân nhân (ngoài trang phục, có thể thấy rõ thân phận qua các vật dụng họ mang kèm: búa, liềm và súng), trí thức (cầm một quyển sách dày cộp và đeo kính), tiểu thương (gánh theo một đống hoa). Tinh thần chung là đoàn kết, tươi vui cùng xây đắp thành phố. Tuy nhiên, họ lại đọc những bài thơ không liên quan. Điều này là tất nhiên vì đó là thơ cá nhân. Hàm đã từng góp ý với tay đạo diễn chương trình. Hắn gượng gạo bào chữa, ông chủ tịch muốn thay đổi hình thức trình diễn, mà tôi thấy việc lồng ghép này hay chứ, người xem vừa được tiếp cận với những sáng tác cá nhân, vừa được thấy những cá nhân hòa mình vào tập thể. Hàm hỏi, vậy tại sao không phải là các họa sĩ, diễn viên, nhà nhiếp ảnh, diễn viên múa đọc thơ cho đúng với hiện trạng của thành phố hôm nay? Đạo diễn chương trình mắt sáng lên, nói, anh thật sáng suốt, đây có phải là ý kiến của thị trưởng không; nhưng hiện nay thì không xoay sở kịp rồi, chắc phải để năm sau; tôi sẽ mời anh làm cố vấn chương trình.

Nhà thơ đóng vai quân nhân đang đọc một bài thơ rền rĩ với những câu dài. Dù đã lấy hơi để diễn liên tục không ngắt nhưng về cuối câu vẫn không tránh khỏi hụt. Câu vừa nghe hoàn toàn là một câu văn xuôi. Hàm nhớ đến cuộc họp của hội nhà văn về việc tổ chức Ngày Văn mới đây. Trước 3110, tất cả những người viết văn xuôi và thơ, thậm chí cả lý luận phê bình đều ở trong một hội gọi chung là hội nhà văn. Mọi việc ổn vì số lượng hội viên rất ít. Ông chủ tịch, trong diễn văn chào mừng các hội viên mới kết nạp hằng năm, luôn gọi họ là “những tinh hoa mới của nền văn học thành phố chúng ta”. Câu này luôn gây ra phản ứng ngược nhau giữa hai loại hội viên. Loại thứ nhất – những hội viên lâu năm và những kẻ ngầm nhận mình là tài giỏi. Loại thứ hai – những người vừa được kết nạp và những kẻ tự ti. Trong khi loại thứ nhất nhếch mép cười khi câu này vang lên – một phiên bản là từ “tinh hoa” được biến thành “tinh bông”, loại thứ hai thấy trong lòng rưng rưng, trào lên cảm giác yêu bản thân. Loại thứ nhất, trong những lúc trà dư tửu hậu, thường đem câu này ra tự trào. Loại thứ hai, không bao giờ nói đến câu này, nhưng họ thầm nhắc nó trong đầu, một việc có tác dụng tạo ra một loại hormone gây hưng phấn, có tác dụng nhất định trong việc thúc đẩy viết và xuất bản nhiều, nhưng không tác dụng trong việc viết hay.

Câu “Hay”

Từ khi thành lập hội nhà văn, việc tổ chức cái gọi là Ngày Văn thành phố đã được đặt ra. Một số nhà văn gạo cội và khoảng một phần ba số hội viên thuộc loại tự tin vào văn tài của mình nêu ý kiến không nên tổ chức thành một lễ hội. Theo ý họ, việc viết văn và cả việc đọc văn cơ bản đều diễn ra đơn độc, âm thầm thì tại sao lại phải tổ chức thành một lễ hội. Và chẳng lẽ trong lễ hội đó lại phô diễn bằng cách đọc văn – ý này được các nhà tiểu thuyết đặc biệt nhấn mạnh, trong khi những người viết đoản văn thì chỉ cười trừ. Đó là chưa kể đến việc diễn tấu văn và thả văn.

Đưa ra vấn đề này vì theo truyền thống của hội nhà văn cũ, hằng năm đều đã tổ chức Ngày Thơ. Trong đó, các nhà thơ đọc thơ, ngâm thơ, nhờ các nghệ sĩ chèo, tuồng, cải lương, chầu văn diễn thơ mình theo các làn điệu cổ. Các bài thơ đã được phổ nhạc thì đặc biệt lên hương. Việc diễn tấu với thơ này tạo ra không khí tưng bừng rất cần thiết cho một lễ hội, nhưng nó lại bị chê trách là làm Ngày Thơ trở thành một ngày trình diễn tạp kỹ. Mặc kệ, chó cứ sủa, đoàn nhà thơ cứ đi. Ngày Thơ ngày càng thu hút công chúng chính bởi tính phổ biến, vui vẻ dễ dãi của nó. Thơ được đọc, được ngâm lên luôn có vẻ hay hơn. Thơ được hát lên – một số bài còn được múa phụ họa – thì sức lan tỏa rất ghê gớm. Thậm chí một số người viết bài hát, sau khi bài hát nổi tiếng, còn toan đăng ký phần lời như là những bài thơ và một số người đã thành công.

Cuộc họp bàn về Ngày Văn gần đây, nhóm theo truyền thống cúng bái nêu ý kiến rằng nên hóa tiểu thuyết để gửi về trời đất. Trúng vào lúc phong trào chống đốt vàng mã lên cao nên lại đành bàn sang hướng thả. Dù biết là cũng hơi cũ, vi phạm tinh thần đổi mới trong việc kỷ niệm, hội hè, cúng tế mà ông tân chủ tịch hội đã trót đề cao ngay đầu cuộc họp.

Hàm nhớ một nhà văn lão thành, người có gia tài văn nghiệp đồ sộ với nhiều cuốn tiểu thuyết, đa số đều được giải thưởng và một vài trong số đó đã từng khiến nhà văn lên bờ xuống ruộng, đứng lên gay gắt: “Một chương tiểu thuyết thì cần bao nhiêu quả bóng bay?” Chủ tịch hội cố giữ vẻ bình tĩnh, nhưng mặt đỏ dừ lên: “Ông nói quá rồi. Tại sao lại đi thả một chương tiểu thuyết chứ. Nói như vậy thì bao nhiêu quả bóng bay để thả một bộ tiểu thuyết? Quá tốn kém! Tôi cho rằng chúng ta có thể chọn ra những câu văn hay. Ai chả có những câu văn hay. Những câu văn làm sáng lên cả một trang văn. Thậm chí làm sáng lên cả một truyện ngắn. Thậm chí người ta có khi chỉ nhớ một câu văn thôi thì tác giả đã vinh hạnh lắm rồi – đến đây ông chủ tịch nhấn mạnh, và điệu cười của ông để biểu hiện rằng câu nói không phải là vô tình – Ví dụ, ‘Hắn vừa đi vừa chửi.’ Vừa đi vừa chửi đấy, nó là một câu văn hay!”

Nhà tiểu thuyết toan cãi, nhưng vốn là người quen viết chứ không quen nói, ông đang lúng túng sắp xếp ý tứ thì ông chủ tịch lão luyện tiếp tục: “Ông chọn mấy câu hay của ông đi, tôi đảm bảo nó sẽ gây xúc động cho công chúng khi trưng bày ra. Và nhất là khi thả nó lên trời.” Ánh mắt ông chủ tịch hướng dần lên trần nhà như nhìn theo một quả bóng bay tưởng tượng.

Câu chuyện nhanh chóng lan ra và tạo nên vô số hiệu ứng. Nhiều người, nhất là cánh giáo viên giảng dạy văn học, ủng hộ ý tưởng thả lên trời những câu văn. Nhưng đám viết tiểu thuyết phần lớn là cười nhạo. Một giai thoại nhanh chóng lan truyền, rằng sau khi ông chủ tịch phủ dụ bằng những lời có cánh, nhà tiểu thuyết gạo cội bèn trả lời “Vậy thì xin ông lấy hộ tôi câu này: ‘Hay’”. Ông chủ tịch tê liệt không hiểu gì. Nhà tiểu thuyết thủng thẳng “Đó là một câu mà. Câu chỉ có một từ, ông ạ!”

Trong thực tế, không có chuyện đó. Sau câu nói của chủ tịch, nhà tiểu thuyết im tịt. Đám nhà văn vẫn tiếp tục thêu dệt, thậm chí sau khi một số hội thảo về tiểu thuyết hiện đại diễn ra, lập tức chủ đề “đâu là những câu văn hay của nhà văn hiện đại A B C” lại được khới lên và được vu cho đó chính là một chủ đề quan trọng của hội thảo.

Mở cửa nghệ thuật

Một trợ lý của thị trưởng tới thuyết trình trong hội nghị phát động phong trào sáng tác. Sau rất nhiều những từ như “sứ mệnh”, “nhân văn”, “khai sáng”… Diễn giả nói, tinh thần cống hiến vì một thành phố nghệ thuật rạng ngời, là chìa khóa vạn năng để một công dân bình thường của thành phố (hoặc kể cả người nhập cư muốn cống hiến cho sự nghiệp của thành phố) mở cửa đi vào được mọi ngành nghệ thuật. Một người bình thường có thể trở thành nghệ sĩ đa ngành. Như tôi đây, là một ví dụ…

Một nhà thơ trẻ giơ tay phát biểu, ngắt lời vị diễn giả đáng kính: “Thưa ông nghệ sĩ đa ngành, tôi e rằng chỉ có bọn trộm cắp mới dùng chìa khóa vạn năng thôi ạ”.

Xuất bản lên giời

Hàm kể với Phương câu chuyện hội nghị, trong đó có ý kiến thả tiểu thuyết lên giời, thơ thả theo đơn vị câu thì tiểu thuyết thả theo đơn vị chương, vân vân và mây mây. Tay họa sĩ hôm đó tóc bù xù, mặt hình như không rửa, móng tay cáu bẩn không biết là màu hay đất, lẩm bẩm “Xuất bản lên giời, xuất tinh lên giời. Thả thơ, thả thính. Thả thính, thả thơ. Xuất bản lên giời, xuất tinh lên giời!” Hàm giật mình, mới thấy nhiều khi kẻ không có chữ thì chữ còn hay hơn đám người tự nhận là có chữ.

“Địt mẹ. Người cuồng văn chương, cuồng thơ phú, cuồng nghệ thuật chứ sao lại bắt cả giời cũng cuồng theo? Thử hỏi, lão giời có cần thơ không? Lão giời đã từng giao cho ai việc kiểu như: ‘Chúng mày lo tuyển văn thơ gửi lên cho tao đi. Hàng năm ấy. Nhanh!’ bao giờ chưa? Mà thơ văn của chúng mày cứ in ra là được, chứ tranh của bọn tao chẳng lẽ thả bản duy nhất ấy lên giời? Hay là phải ra chợ tranh nhái thuê chép lại rồi thả?”

Hàm thầm nghĩ, từ lâu, giống làm thơ ở thành phố này bị mặc định với cái chuẩn rằng, thơ được tuyển để thả lên giời là thơ oách. Đây đích thị chốn tạo danh, tạo nghiệp. Và thế là, như bất cứ một chỗ nào có mùi danh lợi, lập tức có chuyện chạy chọt, ban phát. Một nhà thơ uy tín nói thẳng: chỉ trừ có thơ lãnh đạo và danh nhân thành phố, mấy đám cỏ xanh rồi, còn thì không bao giờ tự nhiên lại có thơ được thả lên giời – nhưng chính ông ấy, năm nào cũng có thơ thả lên giời. Và từ đó, chất lượng của thơ thả lên giời – theo chuẩn người, đương nhiên không phải của ông giời, nó như nào thì cả đến đám nhà thơ ào ạt gia nhập hội sau 3110 đều biết.

“Tao nghĩ thế này, này, mày, có nghe không?” – Hàm sực tỉnh, thằng bạn họa sĩ giơ những ngón tay cóc ghẻ ra ngay trước mặt hoa hoa, như cách làm với một nạn nhân bất tỉnh, thử xem còn phản ứng – “Tao sẽ làm một tác phẩm trình diễn về việc này. Thật sự, đây là một tình huống rất hay để làm một tác phẩm trình diễn có ý niệm”; “Trình diễn có ý niệm là cái gì, bọn họa sĩ chúng mày toàn bày đặt. Chúng mày vẽ mà có biết là đang vẽ gì đâu”.

Phương ồ lên một tiếng toàn hơi rượu từ đêm trước, cười nhạt, toan chửi. Như một số lần, hắn sẽ nói “chỉ có bọn lắm chữ mù màu chúng mày mới đi tán về tranh thôi, nhé”. Đoán thế, thay cho việc châm chọc rằng bọn chúng mày cứ trình trình diễn diễn mà chẳng ai hiểu gì, cuối cùng lại phải nhờ mấy thằng có chữ diễn giải hộ, Hàm ngọt nhạt “Tao có lần đã nói với một số người bạn, rằng sao không tự in thơ ra, máy in giờ đầy, và tự thả lên giời. Một bầu trời đầy những tờ giấy in thơ. Bay lên. Đó là những tâm tình, hay dở chưa nói, nhưng rõ ràng là một hình ảnh về tự do thi ca. Rất cao lộng. Rất khai mở. Một bầu trời!”

Phương vằn mắt, cái ánh mắt hắn thường như vậy những khi rất yêu thích hoặc sắp đánh nhau. Hàm chợt nhận thấy vị đắng phía dưới cuống họng.

Rồi Phương lại oang oang, phấn khích “Thực ra giời cũng chả nhận đâu, rồi cũng rơi xuống đất thôi. Nhưng để trò chơi thú vị, nên gắn chíp vào những bản thơ văn ấy, xem chúng nó đã đi được đến đâu. Và cũng nên để lại số điện thoại, hay cách liên lạc gì trong đó, để ai nhặt được mà họ lại có cảm hứng phản hồi, thì họ phản”.

Hàm ngẫm nghĩ, những hình ảnh lướt nhanh. Đúng. Tất cả những gì bay lên trời rồi cũng rơi xuống đất. Lúc bay lên thì trông cũng lung linh siêu thoát đấy, nhưng lúc rơi xuống thì sao? Liệu có đến được tay người, mà người biết đọc văn thơ? Ngọn cây, bụi cỏ còn đỡ, chuồng trâu chuồng lợn, hố xí bãi rác thì sao?

“Chúng mày thử chơi đi, xem nhân quần ở cái cuồng quốc về thơ này họ có quan tâm đến thơ thật không. Hay là chỉ mấy ông bà gà vịt với nhau?”, tiếng Phương vẫn oang oang, đầy khiêu khích.

Hàm thấy ý tưởng của thằng bạn rất thú vị. Nó luôn là thằng xông vào mọi thứ với vẻ nhơn nhơn, trực diện không khoan nhượng. Chắc chắn màn trình diễn sẽ không được phép. Chủ tịch hội thơ, chưa nói thị trưởng, cần gì khới lên chuyện thơ thả lên giời rồi sẽ rơi vào đâu. Hàm mường tượng nếu viết bài về trình diễn này, anh sẽ diễn giải đây là một hình thức xuất bản mới, xuất bản lên giời? Thật tự do. Giời là của chung – gì nhỉ, như một trào lưu phê bình mới mang tên sinh thái, “vùng sinh thái cộng đồng” – vậy tại sao không tự gửi lên, vào bất cứ lúc nào mình thích, từ bất cứ điểm nào thuận tiện, mà phải đợi ngày hội văn hội thơ? Lại phải thông qua một cái hội đồng nào đó toàn những vị già nua cũ kỹ, sợ sệt, năng lực sáng tạo đã bị con cóc thời gian gặm nham nhở? Cứ thử xuất bản lên giời đi, đừng in ra đống thơ rồi cặm cụi đi tặng. Tặng thì ai đọc? Đã thế tặng luôn cho giời…

Rồi anh lại nghĩ, thả lên giời chỉ là một lát cắt rất nhỏ của quá trình, trước khi rơi xuống đất, quả bóng bay sẽ mang những bài thơ, đoạn văn phiêu du ngẫu hứng trong không gian. Theo gió. Vậy tại sao không nói đó là công việc gửi cho gió? Nghe thì hơi sến, nhưng chẳng phải những cái đi nhanh nhất vào lòng người, đi rộng nhất trong nhân quần thì đều phải sến đó sao?

Cơn co thắt tuổi mới lớn

Khi gặp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đẹp, Hàm cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Anh cảm thấy ở họ toát ra một luồng khí lạnh đầy đe dọa.

“Vú To” nhà ngõ trong khiến cậu trai mười lăm tuổi nhận ra tình trạng đáng thương của mình. Cô gái mười chín tuổi hằng ngày đi bộ qua nhà Hàm để đến làm việc ở xưởng sản xuất bánh kẹo gần đó. Ngực cô căng tròn dưới lớp vải áo pha nilon bắt ánh nắng chớm hè lấp loáng. Vú To là biệt danh bọn thanh niên đặt cho cô, mang ý tôn vinh nhiều hơn là dung tục. Khuôn mặt cô tươi roi rói dù cô không hề cười. Ở tuổi này, các cô gái luôn giữ vẻ nghiêm trang để giống với người lớn, nhưng cặp môi mọng của cô luôn hé mở mà chính cô không biết đó là khiêu khích. Cô cố giữ dáng đi khoan thai, không quá nhanh để bị coi là hấp tấp nhưng không quá chậm để mau chóng thoát khỏi những cặp mắt đàn ông hau háu, những cái nhìn như xuyên qua quần áo, bằng bản năng đàn bà cô cảm thấy rất rõ, khiến cô vừa tự hào vừa kinh tởm.

Nhưng cô không bao giờ có thể biết mình đã gây ra điều gì với một cậu trai mới lớn. Ngay khi Vú To sắp đi qua cửa nhà cậu vào mỗi sáng, cậu đã bắt đầu thấy nôn nao, bụng dưới râm ran. Lúc này cậu chỉ kịp nhào tới khe cửa sổ đang mở hé, tim cậu bắt đầu đập nhanh, tiếng tim đập rất lớn khiến cậu sợ nó tố cáo cậu với cả phố, cô bắt đầu xuất hiện trong một khuôn hình rất hẹp và nhanh chóng biến mất. Hình ảnh thực chất chỉ kéo dài khoảng một giây nhưng với cậu trai, nó dài vô tận. Khi cậu ra được khỏi cơn choáng váng, cậu thấy mồ hôi toát ra đầm đìa sau gáy, lưng cậu lạnh toát và cơn đau ở bụng dưới biến thành một co thắt rất giống với lúc muốn đại tiện.

Đái dầm

Vào lúc tảng sáng, đôi khi Hàm tỉnh dậy chợt thấy vùng hạ bộ căng nhức. Anh mơ hồ thoáng thấy một hình ảnh mong manh như trong giấc mơ. Người đàn bà bế xốc cậu bé lên, rồi cà đầu vú vào đúng con chim bé tí của cậu. Cậu ra sức giãy lên trong lúc người đàn bà khéo léo xoay chuyển cậu giữa hai bầu vú đồ sộ. Hàm nhìn thấy cảnh tượng này từ bên ngoài, trong khi cảm nhận rất rõ sự cọ xát êm ái nhưng đầy đe dọa và mùi sữa nồng nồng phấn khích. Cảm giác sợ hãi như một con vật sơ sinh không có một mảy may khả năng bảo vệ đang bị một con thú ăn thịt to lớn vờn giỡn.

Hình ảnh này – như một đoạn phim tư liệu, thiếu màu sắc nhưng lại có cả mùi, vẫn trở lại bất chợt với Hàm. Một tiếng nói bên trong thầm bảo anh, sự việc đó là có thật và người đàn bà đó là mẹ. Một tiếng nói khác, cãi lại gay gắt, nói rằng ở tuổi đó, ngay cả khi có cảm nhận thì anh cũng không thể nhớ được gì hết, đó là chưa kể việc anh lại thấy mọi sự với cái nhìn của một bản thể vô hình hiện diện ở khoảng cách chỉ chừng hai mét?

Vào lúc Hàm tỉnh dậy lúc tảng sáng, khi hình ảnh nói trên chạy qua đầu, anh đang ở trạng thái nửa thức nửa ngủ. Sau đó chỉ vài giây, khi anh đã thoát hẳn khỏi giấc ngủ, một ký ức hiện lên rất rõ ràng. Cậu bé mười lăm tuổi mở mắt, bóng tối đặc quánh, cảm giác nặng căng vùng bụng dưới. Dù không hề gây ra tiếng động nào, chưa kịp cử động dù chỉ là một cái cựa mình, anh đã nghe tiếng mẹ vang lên từ buồng trong “Con ơi, dậy đi đái đi”. Tiếng nói của bà tỉnh táo như cả đêm bà không hề ngủ, và chỉ đợi anh mở mắt để nhắc anh điều đó.

Hồi bé, Hàm hay đái dầm và để ngăn chặn điều này, người mẹ thỉnh thoảng lại sờ vào chim cậu bé trong đêm và bà thường gọi rất đúng lúc. Bản thân cậu bé cũng vô cùng sợ hãi và ghê tởm chính mình khi trót đái dầm. Mẹ anh không bao giờ trách mắng, nhưng với bản tính sạch sẽ khác thường, bà rửa ráy cho cậu con trai rất kỹ càng và ngay lập tức thay giặt tất cả mọi thứ. Hàm không bao giờ ngủ lại được ngay, cậu vờ nhắm mắt, nằm im trong bóng tối, cậu thấy việc luồng nước đái khai nồng và ấm nóng vung vãi ra ngoài theo cách không kiểm soát thật đáng hổ thẹn. Cảm giác này mạnh đến mức nhiều khi át cả cảm giác sợ bóng tối. Hàm vốn rất sợ bóng tối và sự im ắng. Nhưng cậu bé không dám gọi mẹ vì một nỗi sợ mơ hồ rằng mẹ cậu có thể bất chợt nổi điên.

Hàm không biết bố mình là ai, lần đầu tiên cậu bé hiểu rõ sự thiếu hụt này là nhờ những đứa trẻ khác cùng tuổi. Chơi ô ăn quan Hàm thường thắng cuộc, trò chơi này cần biết tính toán và một chút tưởng tượng. Những đứa trẻ thua cuộc kết thành lũ ngồi một phía, bên kia chỉ một mình Hàm. Trò chơi ô ăn quan không thể chơi gian, và số đông ngốc nghếch không làm nên lợi thế. Hàm lại thắng, cậu ăn liên tiếp mấy ô nhà quan và nhà giầu. Điên tiết, mấy đứa trẻ cùng phe thua cuộc bốc đám sỏi ném vào người chiến thắng. Đứa cầm đầu không ném, nó bận suy nghĩ cách hạ nhục đối phương. Đôi mắt vằn đỏ cay cú của nó bỗng sáng lên.

“Mày là đồ không cha!”

Câu nói như một lưỡi dao găm xuyên thẳng.

Trí óc tê liệt. Thằng bé gục xuống. Trong đầu nó như vừa diễn ra một vụ nổ rất nhỏ và gọn gàng, nhưng sức công phá thì cực lớn. Những đứa trẻ đang hung hăng tấn công sợ hãi đứng ngẩn ra và đồng loạt bỏ chạy. Đứa cầm đầu chạy cuối cùng, mắt nó vẫn sáng lên những tia độc ác.

Trước những câu hỏi dai dẳng, quan trọng hơn là vẻ cầu khẩn tội nghiệp của thằng bé, cuối cùng mẹ nó đã phải hứa “Lúc nào mẹ sẽ cho con biết ông ấy”. Trong đầu người mẹ trẻ, bố thằng bé bị đặt tên là “thằng mặt lồn”. Nhưng dĩ nhiên không thể nói với thằng bé như vậy.

Rồi dịp ấy cũng đến, dù mẹ thằng bé không bao giờ muốn. Đúng hơn, chị ta luôn trì hoãn việc này. Hội thảo của viện hàn lâm văn học thành phố, chị phải đến và phát biểu ý kiến. Chị biết sẽ gặp cha thằng bé. Ông ta chính là giáo sư trước đây hướng dẫn luận văn cho cô sinh viên nhỏ bé, rụt rè, người tỉnh lẻ. Ông ta là thần tượng của cô. Thần tượng chủ động tự giải thiêng trong phạm vi hạn chế. Cô chưa kịp phân biệt đâu là tình yêu và đâu là sự ngưỡng mộ thì đã có thai. Thậm chí, cô sinh viên còn chưa kịp hiểu hết cái gọi là khoái cảm.

Trong những lần gặp gỡ bất đắc dĩ kiểu thế này, giáo sư luôn giữ một vẻ vô can. Thậm chí có lần ông còn toan tỏ ra thân mật. Nhưng ngay khi ông vừa thi triển, chỉ trong một phần ngàn giây, người đàn bà lập tức phản ứng. Một số cơ trên mặt và cơ thể co lại theo cách những con thú dùng qua hàng triệu năm để thể hiện sự ghê tởm, cảnh giác, sợ hãi và đe dọa sẵn sàng chiến đấu. Tất nhiên giáo sư, bằng bản năng thú lớn cũng nhận ra ngay những dấu hiệu ấy. Ông lúng túng trong giây lát, rồi nhanh như chớp chuyển hướng công việc, sự thân mật cởi mở của ông trút vào một đồng nghiệp ở bên trái của người đàn bà. Người ngoài chỉ thấy ông như một người bình thường trong hoàn cảnh bình thường và quen thuộc.

Tất cả những điều này diễn ra vô cùng nhanh chóng, gọi là sát-na cho cập nhật với những cuốn sách truyền bá đạo đang nở rộ trong thành phố cũng chẳng sai. Trong một thời gian hạn hẹp gần như bằng không, nhưng nó có sức nén khủng khiếp. Sức nén khiến năng lượng được tạo ra bị bó chặt không phải kiểu một quả bom thông thường mà là bom nguyên tử – xét về nguyên lý chế tạo.

Giáo sư sau đó có bị giày vò lương tâm không? Người đàn bà không biết và không thèm biết. Chị chỉ tự hỏi, nếu chị bình thản hơn, cứ để ông ta đến sát, ông ta sẽ nói gì, vẻ mặt ông ta sẽ thế nào, bàn tay ông ta sẽ hoa lên trong không khí hay sẽ đặt lên vai chị, hay sẽ nắm vào cánh tay phía trên khuỷu. Nghĩ đến đó, người đàn bà rùng mình ghê tởm. Tâm trí chị lại văng ra cái từ đã vang lên không biết bao nhiêu lần “thằng mặt lồn”.

Cái mà chị gắn cho giáo sư, người tình cũ, thần tượng sụp đổ cũng bị chị đối xử tàn tệ. Chị coi nó là bẩn thỉu. Chị chà xát nó với đủ loại chất tẩy rửa mỗi khi có thể. Nếu có thể tháo gỡ và vứt bỏ khỏi cơ thể thì chị đã làm ngay sau khi sinh thằng bé.

Cứ thổ ra

Thằng cu làm triển lãm cùng tôi, thằng dàn âm thanh nhạc vàng, thao thao kể về buổi gặp gỡ với một gallery cùng mấy thằng bạn Lùn, Cứt, Hấp… Gallery này có ý định mở ra một trang web buôn bán tác phẩm nghệ thuật qua mạng, lấy tiềm năng của “lực lượng sáng tác” đang nở rộ của thành phố, nhất là “lực lượng” trẻ. Theo “Giám đốc nghệ thuật” của gallery “Trong những năm phát triển đầu tiên, thành phố từ nơi tù túng, không có tên trên bản đồ mỹ thuật, dù có khá nhiều họa sĩ có tay nghề, bỗng trở nên lấp lánh vì xuất hiện nhiều tác phẩm đặc sắc, bởi người ta khó tìm ở đâu phong vị của sự kìm nén mọi cảm xúc đến mức cô đọng, giờ đây được dịp bung nở và tỏa hương đến như thế”. Những điều này tôi đọc được trong tập giấy thằng cu mang về.

Gallery có cái tên đại loại nghệ sĩ đương đại đồng hành tuổi trẻ. Dĩ nhiên không quên gắn với thương hiệu thành phố nghệ thuật. Buổi gặp gỡ thoạt đầu mang vẻ gượng gạo. Phía nhà buôn tranh trình bày về những ý định lớn lao, tất nhiên là phát triển nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại ở thành phố. Theo họ, thành phố rất giàu tiềm năng nghệ thuật. Thành phố đổi mới từ chỗ đang tồn tại như một vùng trũng nghệ thuật, với những cư dân chủ yếu chỉ buôn bán nhỏ, công nghiệp lạc hậu và vùng ngoại thành đói khổ, giờ đây phát triển vượt bậc về nghệ thuật do chính sách phát triển nghệ thuật toàn dân. Tiềm năng là vô cùng lớn, như những mỏ vàng, vân vân và mây mây. Vì vậy, họ muốn “tập hợp lại một nhóm những nghệ sĩ trẻ giàu tiềm năng và nâng đỡ họ để họ vươn ra tầm thế giới và thế kỷ.”

Tôi chợt nhớ, những phát biểu kiểu này tôi đã từng nghe lúc mới ra trường. Thoạt đầu nghe ở hội mỹ thuật, khi tôi là một kẻ vô phương hướng, như con cá nhỏ đứng trước một miệng cống há ngoác, đang hút tất cả vào cái miệng không đáy hôi thối của nó. Nhờ một mẩu nhạy cảm tiềm ẩn đâu đó trong bộ não lộn xộn khi ấy, tôi đã không lao thẳng vào miệng cống. Tôi chỉ có chút lăn tăn khi nghe những điều tương tự từ một đàn anh vốn có tay nghề rất oách. Tôi ngỡ sự tinh tế của anh khi diễn tả những sắc thái mặt người, hay những cách đặt màu cũng ngang bằng với những lý thuyết cao rộng do anh nói.

Cuối cùng, tôi hiểu nghệ sĩ, mang nghĩa như người làm ra tác phẩm, cái có thể đem ra cho người ta xem, như đúng nghề của tôi, là đơn nhất. Anh chỉ có thể làm tất cả trong khả năng mình có thể làm được – tranh hay tượng hoặc tất cả những gì mình thích. Cứ thổ ra, và ngồi đó chờ những người thích, đến.

Nấu món lẩu chính mình

Chúng, những kẻ chạy đua theo phong trào, đến với anh theo truyền thông; hay những kẻ biết nghề – tuyệt, hoặc rất nguy hiểm; hay những kẻ lọc lõi thương trường – anh sẽ phải đối phó với chúng qua những bữa nhậu vô bổ hoặc những chuyến viếng thăm nhà nghề; hay những kẻ giỏi về luận lý, diễn giải – chúng có thể rất tâm huyết như đi vào gan ruột anh, hay sẵn sàng nói những điều anh không hề ngờ tới khi anh sáng tác, như đúng rồi.

Tất cả tạo nên một thứ gọi là thương trường, nếu anh quan tâm đến việc bán tác phẩm hoặc lọt vào bảng xếp hạng doanh nhân. Hoặc tất cả tạo nên thứ gọi là danh tiếng, nếu anh quan tâm đến môn lịch sử nghệ thuật, trong đó bọn hậu sinh tùy thích chế biến hình ảnh của anh theo ý của thời đại chúng.

Hoặc cả hai, trong đó anh nấu món lẩu chính mình.

Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, không có chỗ cho bầy đàn. Hàm nói, các nghệ sĩ cùng khuynh hướng cần phải tập hợp lại, có người phát ngôn của mình. Các nghệ sĩ cần trợ giúp cho nhau, trong ý tưởng sáng tác, thậm chí trong kỹ thuật. Các nghệ sĩ cần thể hiện được tư tưởng thời đại, đưa nghệ thuật đi lên. Những ấn tượng, siêu thực, lập thể, đa đa… Toàn bọn chết thối rồi. Địt mẹ! Tôi cười khẩy. Hắn nhìn khinh khỉnh. Dù sao thì tôi cũng nghe hắn khi để hắn trở thành người viết về các tác phẩm của tôi và cả của những đứa bạn. Lũ bạn phục lăn, tôi thì chỉ thấy đó là sự lừa bịp, nhưng cần thiết.

Tất cả những oang oang hoa mỹ, lươn lẹo, bịa tạc ấy, sau này, vào lúc tình hình kinh tế đi xuống dốc, nó lại được chính các nhà buôn tranh sử dụng. Tôi thừa biết, bởi khi thị trường tranh đang lên, không hề thấy các phát ngôn, nhận định khuynh hướng, phê bình hướng đến tương lai gì hết.

Thế hệ trơ lì cảm xúc

Thằng cu sắp đặt nhạc vàng chửi tục, kể. Buổi gặp chỉ thực sự sôi động khi bàn đến cách thức triển lãm. Phía gallery nói, mỗi họa sĩ đóng góp mười tranh hoặc hơn nữa tùy thích, số tranh này sẽ được đưa lên trang web và “được sắp xếp cho các cuộc triển lãm khác nhau”, bao hàm cả hoạt động bán đấu giá. Nhà tổ chức sẽ giữ lại tranh trong nửa năm. “Nửa năm?” – Tôi hỏi. “Ừ, thế là thằng Cứt nó cười hềnh hệch và bảo phía các anh chị muốn giữ đến lúc nào cũng được! Em tức quá”, “Họa sĩ gì mà ngu như thế. Họ có mua tranh hay ít nhất là tạm ứng?”, “Không thấy bàn gì. Chỉ thấy nói nếu bán được thì chia đôi”, “Sao mày không hỏi luôn?”, “Chưa kịp nói thì thằng Lùn đã vội vàng bảo như thế là quá tốt, quá hay. Nó nói trong lúc này, họa sĩ không mong gì hơn thế. Đấy là sự ưu ái của gallery với họa sĩ trẻ.”

Lại một sự tung hô theo kiểu hội đoàn. Khi họa sĩ không bán được tranh, họ bị chia rẽ theo hai hướng: một là tiếp tục không nghĩ đến tiền dưới bất cứ hình thức nào, chỉ làm việc theo hứng thú và sự cần thiết do chính mình đặt ra; hai, họ trở nên rối loạn như một đàn kiến trước đám cháy, và cầu âu với mọi thứ.

Thằng em nhạc vàng tiếp tục kể lể và chửi bới. Tôi và nó đã từng là những họa sĩ bán được tranh ngay từ thời bọn kia còn đang loay hoay với những bài tập bố cục. Giá tranh rẻ thôi, chúng tôi vẽ ào ào những bức tranh cởi truồng. Của đáng tội giờ nhìn lại thấy tay nghề non nhưng rất cảm xúc. Bọn buôn tranh mỗi lần lấy cả chục cái. Tiền nong bay đi vèo vèo, trả nợ xong, cả bọn gọi nhau đi uống một trận say mềm rồi đi karaoke. Chúng tôi nghĩ cuộc đời họa sĩ thật vui tươi và thời đại của những họa sĩ nổi tiếng đi trước, thường được xếp theo cặp bốn kiểu tứ tử trình làng, đã vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi là một lớp hậu sinh với cái nhìn mới mẻ, cuộc sống này hoàn toàn là của chúng tôi, lớp trước người đã chết, kẻ đã lụ khụ, biết gì nữa. Mặt trời thì vẫn mọc, nhưng ánh sáng của ngày hôm nay đã khác xa.

Sau này, khi đã chín nghề thêm, tự nhiên tôi không vẽ được những bức tranh như hồi sinh viên nữa. Tôi cũng chán bọn buôn tranh cò con lúc nào cũng rình mò đúng lúc họa sĩ khốn nạn nhất là có mặt.

Theo nghề thêm một số năm, vào những lúc không rượu, không bạn, ngồi cô độc trong xưởng vẽ, giữa những bức tranh xếp lộn xộn quay mặt vào tường, tôi bỗng hình dung đến một họa sĩ chuyên vẽ phố. Ông lặng lẽ thu mình như một con mèo già ở một góc phố, cảm nhận sự khô nóng của mái ngói cuối chiều hè. Ông thấy những lớp rêu vươn lên đón những giọt mưa rào đầu tiên và từ từ tươi xanh trở lại. Ông thấy loang loáng trước mặt mình những thân phận ngược xuôi qua phố, bóng dáng của họ như tự động vào tranh, in hằn trong tâm trí của ông không cần nhìn lại những ký họa.

Ông nhìn thấy màu của không gian thay đổi theo mùa và theo giờ trong ngày. Chính vì thế, dù tranh của ông dùng rất ít màu nhưng lại hiện ra rất nhiều sắc thái tinh tế.

Không phải ai cũng biết trong tranh của ông có những gì. Nhưng một vài kẻ trong chúng tôi biết, biết để rồi bỏ qua. Thế hệ chúng tôi là thế hệ ào ào với những tuyên ngôn sống sít, những thông điệp nổ như sâm banh ngày khai mạc triển lãm. Chúng tôi vẽ tranh nội dung mà bỏ qua sự tinh tế của màu sắc, ánh sáng. Chúng tôi chỉ muốn làm tình chứ không phải là tình yêu.

Một thế hệ trơ lì cảm xúc.

Việc thiếu tiền càng làm trầm trọng vấn đề. Họa sĩ càng bị lệ thuộc vào các gallery mì ăn liền, trong đó đa số những kẻ buôn tranh thừa hiểu biết về chuyên môn nhưng luôn thiếu tình yêu nghệ thuật.

“Vậy cuối cùng thì sao? Mày định thế nào?”, “Anh có tham gia không. Họ bảo em rủ anh…”. “Không! Và mày cũng đã biết là trong việc này không có chuyện rủ rê gì hết. Họ muốn mua tranh của tao, họ muốn tao làm triển lãm, họ phải đến và nói với tao.”

Thằng em cụp mắt xuống, không nói gì. Mắt nó nhìn mông lung ra phía dòng người xe cộ ồn ào. Từ ngày vợ nó sinh con, nó trở thành người khác hẳn. Nó sợ hãi mọi thứ.

Khi sợ hãi, người ta không thể làm nghệ thuật được nữa. Và yêu.

Nỗi sợ

Hàm luôn đối diện với những cơn giận dữ từ bên trong. Về sau, anh học được thói quen dìm chúng xuống. Có nhiều cách, cách anh hay dùng nhất là ngấm ngầm coi kẻ gây ra sự giận dữ của mình là một con vật. Đôi khi, xuất hiện những con vật khá hài hước. Điều này lẽ ra phải làm cho anh vui vẻ hơn, nhưng thật ra tác dụng của sự hài hước với Hàm không cao. Nó chỉ giúp anh lãng đi trong một suy nghĩ đi sang nhánh rẽ.

Hàm bị ám ảnh với những vật sắc. Anh hoàn toàn không thể làm cái việc đơn giản với nhiều người là cắt, thái đồ ăn, đặc biệt là chặt xương hay thịt. Thậm chí nhìn một người làm việc đó anh luôn cảm thấy rùng mình. Dường như bất cứ lúc nào con dao phay kia cũng có thể chặt phăng ngón tay hay thậm chí cả bàn tay của người đang sử dụng. Một số mẫu máy cắt càng khiến Hàm sợ hơn, dù trong thực tế sử dụng những máy này an toàn hơn. Anh luôn hình dung máu phun ra và phần cơ thể bị chặt đứt vẫn còn cử động tiếp tục, như một con vật sống. Nhưng anh lại thích xem những bộ phim rùng rợn trong đó có những kẻ tội phạm máu lạnh hoặc các anh hùng phẫn nộ dễ dàng đâm chém, hạ sát đối phương bằng những kỹ thuật khó tin và chính vì thế – đẹp mắt. Ngày càng nhiều những nhân vật như vậy là phụ nữ, mà là phụ nữ đẹp. Trong các bộ phim kiểu này, họ luôn có vẻ mặt cương quyết đến vô cảm, trong khi trang phục lại hết sức khêu gợi. Đôi khi, Hàm tưởng tượng cảnh những nhân vật này làm tình với mình. Anh run rẩy thống khoái nhận ra một cảm giác cực lạc rất gần với cái chết.

Phim dù sao cũng không phải là sự thật. Quy ước hình thành từ đầu khiến Hàm yên tâm. Hình ảnh và âm thanh cũng như toàn bộ câu chuyện trong phim được đẩy lên ở mức siêu thực. Điều này thử thách các giác quan, nhưng nó tiếp tục gây cảm giác yên tâm bởi siêu thực không phải là sự thực.

Trạng huống này đúng không chỉ với phim hành động – kinh dị – siêu anh hùng… mà đúng với cả phim porno. Tuy nhiên, Hàm lại không thích thể loại này. Nó luôn gây ra cho anh sự ức chế, nặng nề mà anh không biết vì đâu. Những hình ảnh trần trụi, khốc liệt, trơ trẽn, tước bỏ hoàn toàn tình cảm bình thường của con người khiến trong Hàm dấy lên một nỗi sợ hãi ngấm ngầm. Hoặc giả, bản thân anh đã đủ loại năng lượng này, nên tất cả những điều tô vẽ, nhấn mạnh, đẩy lên nhằm kích thích, đối với anh là vô bổ.

Thiêng liêng, cấm kỵ, kích dục

Phụ nữ, đối với Hàm, là một thế giới vừa hấp dẫn vừa thù nghịch. Anh luôn cảm thấy bất an, một luồng khí hắc ám, đe dọa toát ra từ những sinh vật đẹp đẽ nhưng giả trá.

D không đẹp theo các tiêu chuẩn của các tạp chí, nhưng ở cô có một sức hút kỳ lạ với Hàm. Cô vừa gợi lên hình ảnh của người mẹ vừa giữ được tư thế nhu mì và phụ thuộc, điều mà đàn ông – đặc biệt là Hàm rất thích và hàm ơn. Khi làm tình, cô thích chủ động cà vú vào dương vật của Hàm. Cô rất chủ động nhưng không lấn lướt mà chỉ như cổ vũ. Về sau, có lúc Hàm nghi ngờ rằng từ thói quen của D, anh đã bịa ra một ký ức về người mẹ. Và anh phải xác lập lại với bản thân, sự thật là hình ảnh người mẹ bế bổng anh lên và cà con chim nhỏ của anh vào bộ ngực to lớn nặng mùi sữa của bà đã ám ảnh anh từ nhỏ, trong khi anh chỉ mới gặp D mấy năm nay.

Chính cô khởi xướng một trò chơi phụ trong cuộc chơi lớn trên giường. Cô cung cấp cho anh rất nhiều từ lóng, từ cổ cho đến nay ít dùng, từ nguyên và các biến âm, phương ngữ, hoàn cảnh dùng các từ đó – để chỉ bộ phận sinh dục cả hai giới và các sắc thái quan hệ của chúng. Cuộc chơi về sau còn phát triển ra với các từ của các dân tộc thiểu số, của các ngôn ngữ khác trên thế giới. Hàm vô cùng kinh ngạc, có lần, sau khi cả hai đã mệt lả, tơi bời nhưng chưa hết phấn hứng, anh hỏi “Em đã từng nghiên cứu về vấn đề này à?”, cô chỉ cười và bóp nhẹ vào chim anh, lúc này như một quả bóng bay dành cho trẻ con bị bỏ quên lâu ngày trong gầm giường, đã mất khả năng căng nẩy và tràn trề sức sống, chỉ còn lại chút hơi tàn tạ.

Sự thật thì lần đầu tiên của trò chơi này, D chỉ buột mồm. Tình huống này các nhà phân tâm học đã tốn bao nhiêu giấy mực, tuy nhiên họ không lý giải được vấn đề vì sao sự buông thả và giải phóng điều cấm kỵ lại chỉ xảy ra với người này vào lúc này, mà không bao giờ xảy ra với người khác vào mọi lúc.

Khi xảy ra việc buột mồm vào lúc cao trào như vậy, D vô cùng hoảng sợ. Cô cứng người lại, cảm giác mình phạm tội, trơ trẽn và bẩn thỉu. Nhưng gần như ngay lập tức, cô cảm giác con đực trong người tình của mình bỗng vụt lớn và bùng phát dữ dội. Cùng với đó, dường như người đàn ông trong anh ta cũng hốt nhiên trưởng thành thêm vài bậc. Cô cảm nhận được một năng lượng mới của sự gắn bó và bao bọc xuất phát từ anh. Điều mà từ đầu cho đến thời điểm này, không phải thế mạnh của anh.

Nhận thức rõ rằng mình đã tìm được một vũ khí mới vô cùng lợi hại, D biến nó thành một câu chuyện ngàn lẻ một đêm không có cốt truyện li kỳ hấp dẫn mà chỉ thuần túy mênh mông ngôn ngữ. Sức hút của trò chơi khiến cô phải đổi mới nó bằng việc tìm hiểu thêm phương ngữ và thậm chí tiếng nước ngoài. Dù các nhà ngôn ngữ học, trong nghề nghiệp của mình họ cũng như các bác sĩ, nhưng D vẫn khiến bạn bè và các thầy ngạc nhiên khi họ thấy cô đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ngôn ngữ liên quan đến dục tình và các khí cụ của nó.

Sau khi đi trọn một vòng quanh thế giới, lạc vào những vùng nhỏ của nhân loại với những ngôn ngữ sắp tuyệt chủng, ở trong hoặc ngoài biên giới quốc gia – hôm nay hoặc một ngày nào đó quá vãng; những từ mà Hàm và D thường dùng nhất vẫn là những từ nguyên sơ trong tiếng mẹ đẻ. Những từ này, bị quy là tục tĩu chỉ vì sức công phá khủng khiếp với bề dày tiền sử. Đó là những từ, bằng mối dây bí ẩn trao truyền qua các thế hệ, trải qua bao cuộc chiến tranh, tàn sát và đồng hóa, vẫn sừng sững như những điểm mốc khẳng định sự tồn tại của một cộng đồng chung một hệ gen, rộng hơn là một nền văn hóa với những tập tục và lễ nghi vô cùng phức tạp, đôi khi lẩn thẩn, luẩn quẩn, mê muội nhưng gắn bó mật thiết với mảnh đất, con sông, núi đồi, các loài muông thú, cây cối và rau quả, sự chuyển vận của mùa, các tiết trong năm, biên độ xuống lên của nhiệt độ, độ ẩm, tỷ lệ oxi, chiều hướng gió mùa, cảm giác với trang phục riêng. Đặc biệt là cảm thức của con đực và con cái lúc trần truồng giao hợp giữa chốn riêng – xứ sở, thứ mà các thế hệ trước để lại.

Những điều đó đã tiếp sức, truyền năng lượng cho những cuộc giao hoan của họ. D có thể hiểu phần nào vì cô là người được đào tạo về ngôn ngữ. Còn với Hàm, nó là điều bí ẩn, thiêng liêng, cấm kỵ, kích dục, vừa là kho báu vừa là hố phân chung của một cặp đôi. Nó tăng thêm độ gắn bó, như sự gắn bó của các thành viên trong một băng cướp hoặc của một hội kín, nhưng với mức độ chiết xuất cô đặc đến mức gần với sát thương.

Comments are closed.