Vườn Thượng uyển (kỳ 6)

Lê Anh Hoài

Vu khống

Một người vừa mới được kết nạp vào hội nhà thơ. Rất sung sướng và muốn chứng tỏ mình là người hâm mộ với lãnh đạo hội, trong lời phát biểu cảm ơn anh nói: “Tôi xin chúc chủ tịch hội dồi dào sáng tạo, mỗi bài thơ của ông là tổng hòa của tất cả các bài thơ của hội viên”. Ông chủ tịch tái mặt và yêu cầu khai trừ anh kia ngay lập tức ra khỏi hội vì tội vu khống chủ tịch đạo thơ.

Ánh sáng vô hình

Cứt bỗng từ đâu xuất hiện. Chúng tôi đang ngồi uống bia quán quen ngay gần nhà triển lãm. Ở đó, một triển lãm nhiều người. Không phải triển lãm nhóm, vì ở đây không tạo thành nhóm theo nghĩa trường phái nghệ thuật, mà cũng không phải là một nhóm chơi với nhau ngoài đời. Người tổ chức triển lãm, một “nhà nghiên cứu mỹ thuật” – danh xưng này từ khi thành phố thực hiện luật 3110, nở rộ – tuy nhiên, ông này học ngành kinh tế nghệ thuật ở nước ngoài về. Đây là điều tốt, vì giới nghệ sĩ mọi ngành nghề ở cái thành phố này đa phần không hiểu rằng sản phẩm nghệ thuật cũng là một món hàng hóa. Do vậy, chúng hoặc tự coi rẻ hoặc mặc nhiên coi tất cả những gì mình làm ra đều là thiêng liêng. “Nhà nghiên cứu mỹ thuật” vừa tổ chức triển lãm này thì khác, với ông ta, tất cả đều là hàng hóa. Vấn đề của triển lãm này là tất cả đều dễ bán.

“Sao tranh của mày lại chỉ bán được có hai cái, còn thằng Y thì hoa gắn chì chạt?”, một thằng nghiêm túc hỏi một thằng có tranh trong triển lãm. Thằng bị hỏi mặt đỏ bốc lên “Tao đéo biết. Tranh tao vốn khó bán. Mà người mua lần này cũng vẫn toàn người đã mua tại xưởng từ lâu. Cuối cùng tao lại phải chia cho bên tổ chức.” Tôi cười nhạt. Thực tế thì các họa sĩ có nghề luôn có một nhóm hâm mộ hoặc buôn tranh bám theo. Thằng cu đang phân trần cũng vậy. Dĩ nhiên, fan club của nó thuộc loại nhỏ. Tranh của nó như tranh trẻ con vẽ, tất cả các kiến thức về tỷ lệ, hình khối, sáng tối không gian kiểu trường quy đều bị vứt hết. Trên mặt tranh là hằng hà sa số những khuôn mặt và dáng người, bóng bay, mèo, chó và những vật thể khó gọi tên được vẽ bằng nét. Những mảng màu be bét dập xóa. Đầy cảm xúc. Rất duyên. Nhưng khó xem. Dĩ nhiên là khó bán.

Còn tranh của Y thì khéo nghề, treo lên tường phòng khách tạo vẻ sang quý, nhưng không cổ mà lại mang vẻ cách tân mới bỏ mẹ. Có điều xem tranh Y hiện lên bao khuôn mặt họa sĩ thành danh đang sống ngay tại thành phố này. Công chúng không cần biết điều đó, “nhà nghiên cứu nghệ thuật” có thể biết, nhưng sự thúc đẩy của doanh số xóa mờ tất cả.

Cứt là thằng khách không mời. Đúng hơn, lâu rồi ít ai dám mời nó. Lòng lợn tiết canh từ sáng, nếu vay được tiền, hoặc bán được một bức ký họa chân dung khi ngồi vật vờ ở cạnh bờ Đại Hồ kiếm ăn. Hôm nay chắc đúng kiểu, mặt nó đã phừng phừng, chỗ mẩn đỏ, chỗ hồng tái. Đôi mắt nhỏ như mắt chuột lạc thần được gắn bừa vào cái mặt lành phành ngoại cỡ. Râu ria xơ xác phù hợp một cách máu thịt với lớp da ngầu bóng, hợp luôn với mùi ung ủng phát ra từ dưới lớp da đó.

Cứt thò bàn tay đen đen nhầy nhẫy ra, tôi kệ, lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt nó. Mắt nó cụp xuống, nhưng vằn lên những tia thù tức. Chủ tịch hội mỹ thuật chìa tay ra tôi còn không thèm bắt, huống hồ thằng Cứt. Thằng mất dạy này đã có lần bị tôi chỉ mặt đuổi khỏi một đám rượu. Tôi thì nhanh chóng quên đi chuyện đó cho đến khi gặp lại nó, nhìn bộ dạng của nó thì chắc nó chưa quên nỗi nhục.

Cứt là một trường hợp khá phổ biến trong giới. Và sau khi thành phố diễn ra cái gọi là “cập nhật nghệ thuật” thì những trường hợp này ngày càng nhiều. Tựa như ở một thị xã vùng biên, nạn nghiện ma túy sẽ không ảnh hưởng gì đến cảm quan của du khách; anh/chị ta sẽ vẫn thanh thản nhìn lên những rặng núi xanh rì bao quanh thị xã, tận hưởng không khí mát lành, cho đến khi tận mắt nhìn thấy một thanh niên sốc thuốc chết gục cứng đờ bên vệ đường buổi sớm mai.

Cứt không phải là kẻ ngu si. Nó vẽ hình họa rất khá. Các bài vẽ than của nó giờ vẫn được lưu trữ trong trường để làm mẫu cho sinh viên khóa sau. Nhưng chỉ thế. Chấm hết. Hồi sinh viên nó là một cây văn nghệ, tham gia hội đoàn rất hăng say. Thầy yêu, bạn nể, đại loại thế. Ra trường, nó mở một công ty thiết kế tạo mẫu, thuê bọn học mỹ thuật công nghiệp làm cho nó. Công ty ăn nên làm ra, chỉ cần làm biển hàng quán, biển quảng cáo đã không hết việc. Cứt, lúc ấy chưa được đặt hỗn danh như sau này, chiều nào cũng tụ tập một đám nhậu rồi đi hát karaoke, gái mú rầm rộ.

Nhưng không phải rượu bia, gái gú hay một vài trận cãi lộn, đánh nhau, đập phá quán xá làm thằng Cứt trở thành cứt như bây giờ. Tất cả là do nghệ thuật.

Mở công ty được chục năm, vẫn làm ăn ngon lành hơn bao giờ hết, tự dưng thằng dở hơi nhớ nghề. Bạn học cùng, đã có mấy đứa thành danh, báo chí chỉ mặt điểm tên. Mấy đứa khác chưa thành danh nhưng vẫn cặm cụi vẽ trong cảnh nghèo kiết rách rưới. Vấn đề, dù thành danh hay không thì hình như từ trong cách sống của một thằng nghệ sĩ, nó vẫn tỏa ra một thứ mùi hấp dẫn, không chỉ với công chúng mà ngay cả những thằng có học mỹ thuật tài năng hạn chế. Rõ ràng là, ánh sáng từ bức tranh dù rất âm thầm và yếu ớt vẫn mạnh hơn ánh sáng đèn LED hoặc laser phóng ra từ một bảng hiệu quảng cáo – trong trường hợp này.

Thế là Cứt hăm hở vẽ, khả năng dựng hình, xác định tỷ lệ chính xác chẳng giúp được gì nhiều cho việc tạo ra một tác phẩm hội họa. Hồi đi học, nó nổi tiếng với việc vẽ hình họa mà không cần dùng dây dọi que đo, nhưng kiểu vẽ dây dọi que đo vẫn ám ảnh trong từng nét vẽ của nó. Nó không tài nào vứt được những công cụ vỡ lòng ấy ra khỏi tâm trí. Tranh thằng Cứt vẽ cứng quèo, có hình mà thiếu không gian, có cơ thể nhưng không có hồn.

Nhưng nó không tự biết được điều đó. Nghệ thuật là loại ánh sáng kỳ lạ, nó có bước sóng đơn giản nhưng bí ẩn và trở nên vô hình với đa số người. Khốn khổ thay, trong số đó có cả những người theo nghề.

Lỗi thiết kế của ông giời

Ở trong nghề đủ lâu, tôi nhận thấy có hai loại nghệ sĩ. Loại thứ nhất phát triển nghề nghiệp dựa trên cảm giác, cảm xúc, linh giác và linh cảm. Loại thứ hai dựa vào lý thuyết, kỹ thuật, sự chặt chẽ, tỉ mỉ. Tất nhiên, để có thể sáng tạo, không thể chỉ có một mặt, nhưng người cân bằng được là rất hiếm có. Đa số nghệ sĩ đích thực là loại thứ nhất, có năng khiếu bẩm sinh, sau đó họ say mê và học thêm không chỉ ở trường lớp. Năng khiếu bẩm sinh, nghe thì sang trọng, nhưng trong rất nhiều trường hợp, nó đơn thuần là một lỗi thiết kế của ông giời giáng vào loại người này, khiến cho họ phải làm nghệ thuật mà ngu ngơ, mù mờ với việc kiếm ăn bình thường lành mạnh ở số đông. Nghệ thuật cũng khiến các mối quan hệ của họ dễ dàng lệch chuẩn, gây ra các loại bi kịch nhiều cấp độ. Sự cô đơn, lại một khái niệm sang trọng nữa, chỉ là một bản án dành cho loại người này.

Loại thứ hai khá phổ biến trong giới, rất hay gặp ở những kẻ khéo nghề đầy đủ tư cách để làm thợ hoặc làm nhà phê bình lý luận. Nhưng công chúng thì luôn thích bọn này. Lý do đơn giản là vì những sản phẩm chúng làm ra bắt mắt số đông, việc thiếu cá tính nghệ thuật trở thành một lợi thế. Bọn phê bình lý luận thì tạo ra một vòng hào quang lấp lánh với những lời có cánh trong đó lổn nhổn các mẩu lý thuyết, các trường hợp được ghi danh trong lịch sử nghệ thuật. Công chúng không bao giờ biết, một lý thuyết vô cùng hấp dẫn không bao giờ thay thế được một nghệ sĩ đích thực; và lịch sử nghệ thuật thì chỉ là diễn ngôn của những kẻ ít hoặc không thực hành nghệ thuật.

Thành phố của các nghệ sĩ, từ khi có cái danh xưng điên rồ ấy, một sang chấn ngấm ngầm nhưng như một đòn âm cực mạnh đã giáng thẳng vào nội tạng thành phố. Nổi lên một đợt sóng thần những kẻ bất tài và ảo tưởng đủ sức tập tan và cuốn trôi mọi thành trì mà nhiều thế hệ văn nghệ sĩ âm thầm tạo lập qua nhiều thế hệ. Nghệ thuật của thành phố giờ đây như một con heo ăn quá nhiều chất tăng trọng khiến thịt tuy nhiều nhưng chỉ đáng vứt đi.

Tắt tiếng

Làm tình cũng cần chút ánh sáng. Không phải loại ánh sáng studio như trong các phim porno, loại ánh sáng dành cho khán giả, nó tố cáo hành động đầy vẻ kích động kia chỉ là diễn. Làm tình cũng không hợp với ánh sáng trực tiếp ban ngày. Nó gợi nên một nỗi sợ bản năng tích tụ từ hàng triệu năm trước: lúc làm tình là lúc mất hết khả năng cảnh giới và chống chọi với kẻ thù – những kẻ chỉ muốn thịt ta, không mảy may quan tâm đến những khoái cảm thiêng liêng thần thánh của con mồi. Đó là chưa kể việc làm tình giữa thanh thiên bạch nhật sẽ tạo nên sự ghen tức của đồng loại – những kẻ đang vất vả kiếm tìm cảm giác thăng hoa hiếm hoi trong một đời sống đầy rẫy bạo lực.

Chính vì vậy, làm tình cần một nơi kín đáo, an toàn với ánh sáng vừa đủ phô bày những hình ảnh của dục vọng. Có vẻ như ánh trăng nhập nhòa hoặc ánh đuốc lắt lay nơi hang hốc đã là lựa chọn tối ưu của giống người từ tiền sử.

Hàm suy nghĩ về những điều này vào một tảng sáng, sau những giờ ngủ vùi rồi dậy sớm, khi trời mới hửng, đêm còn lẩn quất với chiếc bóng mờ nhạt nhưng rộng lớn. Anh bỗng hiểu ra tại sao anh và D đặc biệt hứng khởi trong ánh sáng phát ra từ chiếc TV tắt hết tiếng. Ánh sáng xanh từ màn hình chẳng phải một mô phỏng ánh trăng? Thỉnh thoảng, những màu nóng dập dồn ẩn hiện khi trên màn hình phát một trận bóng đá với hàng ngàn cổ động viên mặc cùng một màu áo đỏ chẳng phải một ảo tượng của ánh sáng những ngọn đuốc chập chờn hang động?

Điều kích thích nhất của màn hình còn nằm ở sự xuất hiện những bóng người. Họ đều câm, nói đúng hơn, họ có thể trang nghiêm nói về người đã khuất của một lễ tang lịch sử, hào hứng về một chuyến thám hiểm mặt trăng, kinh hoàng mô tả một thảm họa kinh thiên động địa – nhưng thảy đều câm lặng. Trong trạng thái câm lặng cưỡng bức ấy, họ không còn khả năng tác động bằng các nội dung vốn luôn quá tải trong dòng thác lũ lời nói. Kỳ diệu hơn nữa, không chỉ lời nói, mà tất thảy mọi âm thanh đều câm tịt. Điều này khiến hiện thực xuất hiện trên màn hình trở thành một hiện thực què quặt nhưng lại có bóng dáng của siêu thực, chỉ qua một động tác đơn giản: tắt tiếng. Tất cả chỉ là những cái bóng vật vờ thay hình đổi dạng loang loáng rất gần với hình ảnh trong các giấc mơ, rất phù hợp với các chuyển động dập dồn đực cái.

Hàm chợt nhớ mới tối qua, giữa lúc anh và D đang cao trào, ở tư thế bên dưới, Hàm vươn người lên tìm bầu vú của người tình đang lắc lư giữa vùng ánh sáng phát ra từ màn hình TV. Tự nhiên hình ảnh của thị trưởng trong một diễn văn – ở một sự kiện trọng đại của thành phố nghệ thuật, hẳn rồi – hiện lên. Hàm cũng chưa lần nào trực tiếp gặp thị trưởng, nhưng đã không ít lần xem các phát biểu của ông trên TV. Rồi bỗng nhiên ông ta xuất hiện trong bối cảnh này với một tư cách và nhân dạng vô cùng đặc biệt. Lập tức, toàn thân Hàm cứng lại, cơ ở hai chân anh bị căng ra vô thức và anh nhận ra điều đó khi hoảng hốt thấy mình không còn điều khiển được cơ thể. Ở trên, D nhận ngay ra tình trạng bất thường của người tình. Cô thoáng nghĩ đến khả năng Hàm bị trúng phong.

Rất may TV đã chuyển cảnh tới đám văn nghệ sĩ láo nháo bên dưới. Một vài gương mặt quen thuộc, kẻ trơn bóng như một con hải cẩu, kẻ lem nhem và lì lợm như một con cá sấu vừa bò lên khỏi đầm lầy. Tình trạng bất lực tạm thời của Hàm tắt ngấm, một luồng sinh khí kỳ lạ ở đâu bốc lên. Anh vùng dậy, đè D xuống với một quyết tâm gần giống với một kẻ nung nấu trả thù bất ngờ gặp được cừu địch.

Giữa sống và chết

Nghệ sĩ hay nói buồn và cô đơn, nghĩ đó là tình trạng của riêng mình.

Loài người vốn thế – nghe sáo rỗng, nhưng giống người được sinh ra với một ảo tượng như thế. Nỗi sợ hãi phải ở một mình khiến các cá thể loài co cụm thành gia đình, dòng họ và xã hội. Nhưng tính ích kỷ khiến con người có xu hướng tách lìa.

Sự cô đơn là thứ không định hình, nó là một chỉ số biến thiên giữa nỗi sợ lẻ loi và tính ích kỷ muốn mình kiếm được nhiều quyền lợi nhất. Nghệ sĩ là loại người vừa sợ lẻ loi vừa ích kỷ nhiều hơn trung bình. Nên sự cô đơn của nghệ sĩ chưa chắc đã nhiều hơn mà chỉ biến thiên và biến thái nhiều hơn.

Người thế nào thì Chúa mới khuyên phải yêu thương và chia sẻ.

Người thế nào thì Phật mới khuyên thinh lặng.

Chỉ là lời.

Còn trong cuộc sống, ai cũng phải sống đời mình. Chọn vùng vẫy, bản năng hoang dã hay chọn chịu đựng với sức ép xã hội. Thường thì những trạng thái này đan xen và gây mệt mỏi. Cá thể người mệt vì lựa chọn, nhưng lựa chọn lại cho cảm giác sống và một ảo giác đang làm chủ đời mình.

Thực ra thì có phải mọi thứ đã được sắp đặt từ trước?

Con người sinh ra với số vốn hữu hạn. Đến lúc nào đó bỗng có người hiểu ra điều này. Cảm giác không ai trợ giúp nổi chính mình ngoài mình khiến họ càng thấy cô đơn.

Số vốn này thường bị một người tiêu hết mà không làm gì nên nổi để ghi danh với số đông hay thứ được gọi là lịch sử. Và rất ít người hiểu rằng họ vẫn làm được một điều mà không ai có thể làm được, đó đơn giản là sống cho mình. Sống đời mình.

Nghe người ta nói ai đó được Chúa chọn hay gặp duyên lành, tôi thường cười khẩy. Đó chỉ là cách nói so đọ của người tự ti, thất bại. Chúa không chọn riêng ai hay nhóm nào cả. Chúa chọn tất cả. Bằng cách đó, Chúa thờ ơ với tất cả. Còn các mối duyên thì lẩn quất mà ngập tràn trong thế giới, chẳng dành riêng cho ai.

Và như thế, tất cả bình đẳng giữa sống và chết.

Nghệ sĩ đa đoan

Thành phố làm cuộc tổng điều tra dân số, thoạt đầu làm theo cách lấy số hội viên các hội văn học nghệ thuật để cộng vào tìm kết quả. Thị trưởng tá hỏa khi thấy dân số tăng lên gấp ba lần. Thì ra, có nhiều người đã đăng ký làm hội viên nhiều hội. Thế là phải xóa đi làm lại.

Tác phẩm của những người lầm lỗi

Vị đắng của món ăn trong một chuyến thám hiểm phía tây thành phố. Khi đó, Hàm được tham gia một đoàn mà danh sách do chính thị trưởng chỉ định. Đường đi quanh quéo qua rừng qua suối để đến nơi vốn là vùng hoang vu có những tộc người hoang dã. Trong vai trò của một đại biểu văn nghệ sĩ thành phố đến thăm vùng chưa phát triển, anh cảm thấy tất cả thật êm đẹp. Hoa nở và nắng ấm. Thác gầm réo đâu đây. Chim chóc gọi bầy hoặc gọi tình nhân, và những tiếng bất thần nhưng rất nịnh tai, giống như đá lăn nơi xa xăm hoặc cành cây gẫy – chỉ có thể gọi là thiên nhiên lên tiếng.

Anh lịch sự đón nhận những nghi lễ khoa trương trang trọng và những thủ tục lạ lẫm kiểu thổ dân, uống vài ba ly rượu kèm vài lời chúc tụng. Một nhóm hát múa cùng nhạc cụ dân tộc từ đâu xuất hiện, trong đó các cô gái mặc váy dài xẻ tà từ trên bắp đùi xuống để mỗi bước nhảy thì cả cặp chân dài đen bóng lại tung lên loang loáng, còn các chàng trai thì đóng khố sặc sỡ như những con vẹt.

Bữa ăn có những món ăn bề ngoài rất kỳ lạ nhưng không hiểu sao lại giống những món anh hay ăn trong những dịp tiệc tùng. Kết thúc một màn múa nhảy, một cô gái vũ công tiến đến bên anh chúc rượu. Anh thấy cô quen quen, văn nghệ sĩ giờ quá nhiều, chưa kịp hỏi thì cô chợt nháy mắt ra hiệu. Có những tín hiệu thật đơn giản nhưng giá trị thông tin cực lớn. Anh lập tức nhận ra tất cả những người dân tộc thiểu số hoang dã xung quanh đều là văn công. Hoa giả. Tiếng chim, tiếng thác phát ra từ những chiếc loa được giấu khéo léo. Thậm chí thức ăn cũng được chế biến và trình bày lạ mắt, nhưng tất cả đều bằng nguyên liệu mang từ thành phố đến. Miếng ăn trong miệng anh bỗng có một vị đắng kỳ lạ và anh muốn ói.

Về sau Hàm mới biết, anh đã được đến tham quan phần rìa của Vạn Hoa Viên. Đây là nơi dành riêng cho các văn nghệ sĩ “cá biệt” của thành phố. Những người Hàm gặp là số ít ỏi được ân sủng vì “có thái độ tốt”. Họ là các nghệ sĩ biểu diễn, có vẻ nghề nghiệp đang giúp họ dễ thở hơn những văn nghệ sĩ thuộc loại hình khác. Theo nghĩa đen, họ còn có cơ hội biểu diễn cho một số khách hạn chế đến từ bên ngoài. Đám họa sĩ và nhà văn được cho là “chuyển biến tốt” cũng sẽ được sáng tác với các đề tài được chỉ định. Nhưng các tác phẩm của họ sẽ chỉ được lưu hành bên trong bức tường của trại.

Gần đây, một quan chức thành phố có phát biểu tại ngày hội tự do sáng tác. Theo ông ta, thị trưởng thành phố, với tinh thần nhân đạo và ủng hộ tự do phổ biến tác phẩm, rất ủng hộ việc phổ biến các tác phẩm “chọn lọc, từ những người lầm lỗi của chúng ta”. Vỗ tay kéo dài. Tuy nhiên, chẳng giám đốc xuất bản, giám đốc trung tâm triển lãm nào thừa hơi làm việc đó. Họ đã ngập ngụa trong số bản thảo, tranh pháo, bản nhạc, kịch bản đến từ những người “bình thường” của thành phố. Mà làm cái việc xuất phát từ một phát biểu mơ hồ thì được cái gì, ngoài rắc rối?

Tàn sát tập thể

Tại sao người ta lại phải sống thêm với tư cách là văn nghệ sĩ khi đã hết tài? Hàm bị ám ảnh bởi câu hỏi đó. Mình có tài không? Tài được bao nhiêu? Có người nói tài năng cá nhân có thể khơi gợi, kiếm tìm thậm chí đầu tư để phát triển. Như họ nói, tài năng giống như đồng tiền. Từ một số vốn nhỏ, có thể trở thành một cơ nghiệp đại cự phú, nếu biết cách, gặp duyên. Hàm không tin điều này. Anh thấy tài năng nếu may mắn có ở ai đó, sẽ vận hành theo cùng cách với tinh dịch hay buồng trứng. Ai cũng sở hữu một lượng tinh dịch hay một số trứng. Nhưng tài năng thì hiếm có. Mà hết là xong.

Do công việc, Hàm hay gặp ông nhà thơ cựu trào, một biểu tượng của thành phố – ông Ngoại Thi Hạng Sĩ Chót Đời. Ở ông, tỏa ra một ánh sáng rực rỡ giả trá thu hút truyền thông và lũ háo danh. Ông vẫn làm thơ và những bài thơ ấy vẫn được tung hô dù chúng sặc sỡ vô hồn. Khi gặp ông, Hàm luôn nhìn thấy một con vẹt già xơ xác đỏm dáng, lẽ ra sẽ được hưởng sự thương hại nhưng bị ghét chỉ vì tham lam và tự mãn.

Tài năng đã rời bỏ ông mãi mãi, như ánh sáng rời bỏ ngọn nến lụi tàn. Nhưng ông không biết hoặc cố tình không biết, chấp nhận tồn tại như một nghệ sĩ xác sống. Ông và nhiều người bạn ông.

Hàm hình dung mình là kẻ giết người cực kỳ tinh vi, không thể kết tội, thậm chí không mảy may nghi ngờ. Vào lúc phòng vắng, có thể là cuối giờ chiều, sau những câu chuyện tràng giang rỗng tuếch, anh bình thản đến bên ông và nói với giọng tương tự như nói về thời tiết trong ngày: Chú ạ, hay là chú đừng làm thơ nữa, cũng đừng viết bài phê bình, nhận định về thơ nữa. Người ta sẽ nhớ về chú đẹp hơn!

Và thế là ông sững sờ nhìn anh như nhìn cảnh ngày tận thế đang đến gần theo kiểu quay chậm. Rồi mắt trợn ngược lên, một luồng khí tắc nghẽn đâu đó ở cơ hoành thoát ra như một tiếng thở dài thế hệ, ông chết.

Hoặc Hàm có thể tàn sát tập thể, đợi hôm nào đó họ tụ tập lại thật đông, vẫn bằng cách đó.

Khí giới ngôn từ

Càng sống thêm, tôi càng thấy ngôn từ vô bổ. Nó nguy hiểm. Một từ khi đi vào não, nó loang nhanh ra như màu nước trên giấy dó. Nó lập tức bao chiếm một số lượng những sợi thần kinh và kết hợp những sợi này thành một nơi phát ra một loại sóng tác động vào toàn bộ cơ thể. Dĩ nhiên, các từ khác nhau sẽ loang ra với tốc độ khác, và bao chiếm những khoảng sợi thần kinh ở vị trí khác. Ngay một từ, tùy theo từng lúc khác nhau, nó hoạt động khác. Các từ đều có màu riêng, và tập hợp các từ cho những tổng phổ hòa sắc riêng.

Việc khó chịu của ngôn từ, khi từ kết hợp thành câu, là sự bó buộc của việc mang nghĩa. Ngữ pháp chỉ là một phần của vấn đề – phần dễ nhận ra nhất. Phần bào mòn cảm xúc nhất là việc các từ cần phải được ghép lại thành câu có nghĩa. Tôi biết, có khá nhiều cách kết hợp để đưa ra một thông điệp nào đó. Và mỗi kiểu, thông điệp lại có một sắc thái, hình dạng khác. Nếu người nói phun ra một con rắn, họ có thể lựa chọn để con rắn bành mang phun nọc dọa dẫm, hay con rắn xanh màu diệp lục nằm im trong đám lá với nọc độc kinh người, thậm chí một con rắn hiền lành giả dạng con lươn… Việc này thì đám nhà văn rất rành. Tôi hình dung được tất cả những điều đó, nhưng tôi chán ghét tất cả các hình thức tu từ, tất cả các kiểu khéo léo, xảo thuật. Điều này dần dà làm từ ngữ mất đi vẻ đẹp nguyên sơ. Nó biến dần thành một thứ khí giới thực dụng. Một thời gian dài, tôi cố gắng nói thật ít. Và khi nói, tôi cố gắng dùng những câu ngắn. Thậm chí một từ cộc lốc.

Thỉnh thoảng, tôi chơi một trò chơi gieo các từ không liên quan với nhau, như dùng các giọt màu nước ngẫu nhiên nhỏ bừa lên một tờ giấy dó. Tôi ngắm nhìn những khoảng màu đan vào nhau, những đường biên giãn ra chậm dần rồi cuối cùng chỉ còn một chấm bé xíu dừng lại hẳn trên một sợi giấy li ti.

Những kẻ có kinh nghiệm về ngôn từ, họ dùng chúng để mô phỏng theo cách bóp méo thế giới, bóp méo những suy nghĩ thật của chính họ. Tôi luôn ngạc nhiên về cách họ nhốt tất cả từ ngữ mà họ có vào trại tập trung. Họ khủng bố, tra tấn, thậm chí hỏa thiêu các từ, mục đích là tạo ra một đám nô lệ, sẵn sàng thực hiện các âm mưu của họ. Những kẻ nhiều tham vọng và bọn già đều có khả năng tạo ra những đạo quân ngôn từ độc ác.

Nghiệp diễn

Một diễn viên được đưa vào hội đồng thành phố. Cô tự hào mình là đại diện duy nhất cho giới diễn. Ít lâu sau, cô mới vỡ lẽ, cả hội đồng đều thuộc về nghiệp diễn.

Sắp đặt với vô vọng

Phương đến với vẻ khẩn cấp. Hàm biết thằng này chỉ có hai việc khiến hắn có dáng vẻ đó: bàn về tác phẩm và thèm uống rượu. Lần này thì cả hai.

Tác phẩm dự định của hắn là một mớ những phong bì được xâu chuỗi bằng một sợi len dài đủ để cuốn quanh một cây cột lớn rồi tỏa ra bốn phương tám hướng (với lổn nhổn những phong bì, tạo nên một chiếc mạng nhện khổng lồ). Trung tâm của chiếc mạng nhện này là một chiếc phong bì đại tướng làm bằng giấy các – tông màu đỏ.

“Đỏ hay là hồng? Có vẽ hình trái tim không?”. “Tao đang cân nhắc”. “Hay hình đồng tiền?”

Phương nhăn mặt. Hắn có vẻ muốn văng tục “Mày vớ vẩn quá, tại sao phải lộ liễu như thế? Một thằng kém nhạy cảm như mày mới cần những chỉ dẫn kiểu đó”. Y tiếp tục luyên thuyên về việc phải dùng đến hàng chục cân len, vì không chỉ kết nối đám phong bì mà y còn muốn những sợi dây này quấn vào mọi người đi vào khán phòng.

“Thế nếu có người không chịu?” “Tất nhiên sẽ phải thuyết phục? Tao đã có một số em xinh tươi tình nguyện làm việc đó”.

Hàm hình dung cảnh tượng hàng đống người ăn mặc ra dáng nghệ sĩ rất phong cách – bởi đi xem triển lãm chính là dịp thể hiện tư cách nghệ sĩ vốn nghèo nàn, họ lúng túng không biết xoay sở ra sao trong đám bùng nhùng được tạo ra bởi len và phong bì. Trời ạ. Nhưng Hàm thấy hay hay. Đa phần các tác phẩm nghệ thuật đương đại đều xuất phát từ những ý nghĩ kỳ quặc thậm chí bệnh hoạn nhất trên đời – đấy là nhìn dưới góc độ người đời.

Có lần đi xem một cuộc trình diễn của Phương, Hàm thấy hắn ngồi trong một đống than, hoặc có thể gọi là vũng than vì có be bờ ngăn chặn một vùng nho nhỏ khoảng hơn một mét vuông, trong đó sền sệt thứ than bùn. Hai tay hắn cầm hai nắm than, mặt vô cảm. Tác phẩm không đề nên cũng khó đoán định hắn định nói gì. Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ? Hay là đời bần hàn chung chung? Hay đơn giản chỉ là hành xác, gọi một cách chữ nghĩa là: thử thách sức chịu đựng của con người – việc mà nhiều nghệ sĩ thành phố này học đòi, dưới ảnh hưởng của một dòng trình diễn xuất phát từ một xứ sở người dân sung sướng không biết lầm than khổ sở là gì. Ở thành phố này, điều đó lại thừa thãi.

Hàm tiến tới định chào hỏi, nhưng chợt nhớ ra hiện hắn đã chuyển đổi thân phận thành tác phẩm chứ không còn là con người, đã là người hiểu biết nghệ thuật, thì tuyệt không thể chào hỏi. Tuy nhiên vì đã định chào nên trên mặt Hàm vẫn khởi động và tiến hành dở một nụ cười. Nụ cười này phải phanh lại giữa chừng cũng khá là khó chịu. Chính vì sự khó chịu ấy chăng, hoặc do một niềm vui bất chợt, Hàm cúi xuống bốc một nắm than lầy nhầy, bôi vào mặt Phương. Mắt hắn hơi lóe lên nét giận dữ, nhưng ngay sau đó chuyển trở lại vẻ vô cảm của một pho tượng.

Hôm sau trên các báo tràn đầy những hình ảnh khuôn mặt nghệ sĩ lem nhem đầy than. Tương tác vô tình hết sức đúng đắn và có duyên của Hàm. Dù anh không hề biết tác phẩm của Phương định nói gì, kể cả nó chẳng định nói gì, hoặc không nói được gì thì việc tương tác ấy cũng làm cho tác phẩm sinh động hẳn. Điều buồn cười là có vài tờ báo lại ra sức chê trách sự vô ý thức của những khán giả không hiểu biết, như thể tác – phẩm – mặt – mũi – nghệ sĩ phải được bảo tồn nguyên vẹn như với bức tượng David của Michelangelo.

“Thế tác phẩm của mày tên là gì?”

“Vô vọng!”

Nghệ thuật đi liền cuộc sống

“Chuyện mày với em nhà báo thế nào rồi?”

“Hết rồi!”

Phương ủ rũ. Đó là điều rất hiếm hoi của hắn khi nói về một đứa con gái đã đi qua. Phương tán được nó hôm hắn làm triển lãm với tác phẩm sắp đặt có tên là “Tiến lên”, gồm toàn những mũi tên sắt rỉ. Con bé cho tác phẩm của Phương là xuất sắc, rất gợi cảm và giàu triết lý. Sau đó, hai đứa đi chơi khắp nơi, chụp ảnh mặt người làm tư liệu. Phương về làm một cái video art trong đó lẫn lộn những khuôn mặt người được xử lý kỹ thuật thành hai màu xanh và đỏ chạy trên màn hình bằng nhiều tốc độ khác nhau. Hắn đặt tên “Nghệ sĩ thời đại”. Hàm thấy trong đó đầy những khuôn mặt thú vật.

Mới đầu con bé này theo đuổi Phương, có thể nói như thế, trong quá trình hai tuần nó bị sét đánh (hoặc điện giật gì đó), nhưng rồi dần dần Phương yêu con bé này, nếu như coi những thích thú khác với chuyện giường chiếu là tình yêu.

Phương thoạt đầu thì tưng tửng, sau hắn xúc động thực sự. Ác hại thay, con bé kia sau cảm xúc bị điện giật, thì đã tỉnh lại, trở thành một đứa con gái bình thường nhất trên đời, theo nghĩa biết cân nhắc thiệt hơn.

Câu chuyện của Phương tuôn trào. Không phải do rượu. Hàm bỗng hiểu lý do thực sự của việc hắn đến gặp anh hôm nay.

“Tao luôn tỉnh giấc lúc sáng sớm khi bóng hình con bé hiện lên. Hoặc tao tỉnh giấc vì mơ thấy con bé. Trong mơ nó luôn là một bóng hình có vẻ sầu não, nó nhìn tao vô vọng, ánh mắt của nó như nói, anh hãy làm gì đi, anh hãy kéo em ra khỏi cái mà em đang muốn thoát ra. Nhưng tao không biết nó muốn gì thực sự. Trong tao nổi lên sự căm hận, hãy cút xéo nhanh, cút về nơi cô gọi là lòng thương, là tình nghĩa, nơi cô thấy đầy kỷ niệm, những thứ rác rưởi thối hoăng mà cô ngỡ là ý nghĩa cuộc tình, thậm chí cuộc sống!

Rồi tao lại nghĩ, dường như tao đã bỏ sót điều gì, còn những đoạn đường lẽ ra tao và con bé cần phải đi qua. Tao muốn nói với nó, em nhầm rồi, đó không phải là tình yêu, đó chỉ là xác chết thối rữa mà em cần hỏa thiêu hoặc chôn lấp. Xác chết ấy nó đã chảy nước, đầy giòi bọ, thối hoăng và những con giòi bọ ấy nó sẽ bám chặt lấy em, nó không cho em yên, mùi thối tử thi sẽ đi sâu vào giấc ngủ thậm chí giấc mơ của em, nó sẽ ám ảnh niềm vui nhỏ nhất của em”…

Hàm hiểu, con bé kia đã có một mối tình, nếu như có thể gọi như thế, trước thằng bạn mình. Và nếu như không có Phương, như mọi người nói, mối tình ấy vẫn cứ đẹp như mơ, như tờ giấy trắng không vẩn đục. Hàm nhìn thằng bạn, cố hình dung ra hắn trong vai trò một vết vẩn đục, nhưng chẳng thấy gì ngoài một khuôn mặt thiểu não, hay có thể gọi là đau đớn.

Hàm bỗng hiểu ra. Đó chính là trạng thái vô vọng.

Phương liên tục viết những bức thư điện tử nhưng không gửi đến em kia. Hộp thư của hắn đầy những thư nháp. Hắn nói con số lên đến gần năm mươi!

Email là thứ gần như vô hình, còn lá thư kiểu truyền thống, viết hoặc in ra giấy cho vào phong bì thì ai cũng hiểu, bằng thị giác. Thì ra, đó là nguồn gốc tác phẩm của Phương. Như vậy có thể nói, tác phẩm này bắt nguồn từ cuộc sống, và tình yêu.

Sến thật. Hàm nghĩ. Ai ngờ một thằng nghệ sĩ luôn tỏ ra cứng cỏi, cái gì cũng có thể giễu cợt lại vẫn có những lúc sến vãi đến như thế.

Nếu hắn gửi những email này đi, cùng một lúc, có thể làm con bé kia phát điên, trong trường hợp nó chịu đọc. Nhưng nhiều khả năng, nó chẳng thèm đọc hết vì chỉ cần đọc một hoặc hai email, nó cũng đã nhận ra những gì Phương định nói.

Có thể nó cũng hiểu những điều đó, nhưng hiểu không có nghĩa là nó sẽ quyết định đến với hắn. Con người ta, sau khi bị sét đánh hay điện giật, dù không thành nhà tiên tri thì cũng phải khôn hơn lên. Tệ hơn, qua việc đọc email, với những điều khá siêu hình mà Phương đưa ra, nó lại nhận ra bản chất điên khùng của Phương, và nó nhận thấy những điều mà nó được người ta bảo là đúng, quả là đúng. Con người ta, với bản chất bất an, khó chịu đựng thêm một kẻ bất an nữa.

Nếu Phương không chơi trò những lá thư không gửi, có thể y sẽ gửi đi từng email một, con bé trả lời. Câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu sau khoảng hai-ba lần trao đổi. Như vậy, Phương không thể có năng lượng để viết thêm và rồi đạt được con số kỷ lục những thư nháp kia.

Và nó cũng chẳng đủ sự dồn nén năng lượng để nghĩ ra một thứ sắp đặt như thế. Và thế giới mất đi một tác phẩm nghệ thuật.

Hàm bỗng nghĩ tới một trò chơi lý thú: Phương có gần năm mươi email chưa gửi, tại sao giờ đây hắn không gửi đi từng cái một theo thứ tự, với một nhịp độ kiểu như ba ngày một cái, bất chấp con bé kia có trả lời hay không. Và dù con bé trả lời như thế nào thì hắn vẫn gửi, như một cỗ máy tự động.

Việc đó không những là điên khùng mà còn có màu sắc bạo lực, pha trộn với lãng mạn. Đúng thứ cocktail phù hợp với khá nhiều phụ nữ. Chưa chừng đủ sức mạnh để con bé kia quay lại với Phương.

Với phụ nữ, cần đánh vào cảm giác chứ không phải là vào lý trí.

“Mày nghĩ cái gì đấy, có nghe tao nói không?”

Phương hét lên khi thấy Hàm bỏ dở mạch tuôn trào của hắn để lan man trong trò chơi với những cái email. Nhưng Hàm không nghe vẫn hiểu.

“Này, mày có cần tao mời con bé ấy đến xem triển lãm của mày không?”

Phương văng tục, chửi Hàm ngu, không hiểu gì. Nhưng Hàm nghĩ nó rất muốn điều đó.

Quyền lợi của tình yêu?

Hàm thuộc loại người tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của nghệ thuật, trong việc hướng con người tới những điều thiện, lẽ phải và dĩ nhiên là cái đẹp. Chơi với Phương đã lâu, anh không thấy bạn mình tin tưởng vào điều gì, tất nhiên trong đó có nghệ thuật và tình yêu. Anh thấy thằng bạn đang đầy tâm trạng, thứ cảm xúc có thể tạo tác ra cái gì đó được gọi là nghệ thuật, theo kiểu anh nghĩ. Anh biết thứ cảm xúc này còn hàm chứa tình trạng phá phách, đôi khi là phá hoại chính bản thân.

Bỗng Phương ráo hoảnh “Mày nghĩ sao nếu trong mỗi phong bì nhét vào đó một tờ tiền lẻ?” “??!” “Và tác phẩm có tên là Bôi Trơn?”

Thì ra Phương không chỉ nghĩ về những lá thư vô vọng của hắn. Hàm bỗng thấy hoang mang. Có vẻ anh vẫn chẳng hiểu gì về bạn mình.

“Có lẽ nên là Định Vị?”

“Hay! Mày đúng là thằng lắm chữ!”

Phương cười hể hả. Không còn dấu vết của kẻ si tình sến sẩm. Hàm thở ra khe khẽ, anh không biết nên vui hay buồn.

Xã hội của thành phố này được cấu tạo theo một kiểu bo chớp nhoáng, không chỉ hàng hóa và đồng tiền, mà cả tình yêu và nghệ thuật. Tình yêu có phải là một thứ quyền lợi hay không?

Bệnh lãnh cảm nghệ thuật

Hàm thường được nghe tán dương “Anh là văn nghệ sĩ đích thực, chắc là rất nhạy cảm”.

Tạm bỏ qua các vấn đề như vùng nhạy cảm, hay vấn đề nhạy cảm trong sáng tác – vốn ngày càng nhiều lên trong các văn bản từ văn phòng thị trưởng, đều là những chủ đề hay và tốn chữ. Tính nhạy cảm của văn nghệ sĩ, có hơn người không, và có thực là tính ấy thì giúp ích hơn hay là gây hại?

Hàm vẫn thấy đầy những văn nghệ sĩ thiếu nhạy cảm và càng thiếu vắng thì càng thành đạt ở thành phố nghệ thuật này. Có loại chức sắc to. Hay họ nguyên là nhạy cảm, và bị ông trời hờn mà trù dập tuyên án phải bị hoạn đi cái phần nhạy cảm?

Có thể thành phố này, với tinh thần phổ cập nhanh văn thơ nhạc họa để đặng phục vụ được đủ cuộc sống muôn màu của các tầng lớp nhân dân lao động, nên đã trở thành thiên đường của bệnh lãnh cảm nghệ thuật?

Mà báu gì, văn nghệ sĩ đích danh cục nợ của gia đình và xã hội. Công nông khinh ghét là đúng. Khinh ghét nhưng họ thèm muốn cái danh hão ấy. Năng khiếu, sự nhạy cảm trời cho khi nghe được sự biến đổi rất khẽ của thanh âm, khi nhận ra sự biến ảo rất mơ hồ của hòa sắc, khi nhận ra khe hở ngữ nghĩa giữa một tập hợp những từ đồng nghĩa, khi nhận ra những chuyển vận rất sâu xa của trời đất và các mùa, hay lòng người, thì, hỡi ơi, giúp ích được gì? Được gì cho nồi cơm của gia đình? Được gì cho sự đường bệ của dòng họ?

Khi một người được định danh là văn nghệ sĩ, có một thái độ kép mà người đời dành cho họ. Một mặt, người đời cho rằng dân văn nghệ ngây thơ, bộc trực, bản năng. Lũ văn nghệ sĩ hay phát ngôn cá nhân, cà trớn, vớ vẩn, thiếu trách nhiệm. Cách nghĩ này khiến các phát ngôn của văn nghệ sĩ trở thành một thứ mua vui dấm ớt mì chính không đáng quan tâm. Nó vô hiệu hóa tư cách công dân của nghệ sĩ.

Nhưng vì văn nghệ sĩ là những người được công chúng quan tâm quá mức, nên phát ngôn của họ ảnh hưởng mạnh với đám đông. Họ văng ra câu gì đó, lập tức trở thành ồn ào. Lời nói, nhiều khi chỉ tầm phào, bỗng trở thành tuyên ngôn. Cá nhân văn nghệ sĩ lúc này bị thổi phồng lên, trở thành một con ếch trường cổ đại thanh.

Một văn nghệ sĩ nào đó, nếu họ thực tâm quan sát tình cảnh của chính mình khi mở miệng, họ sẽ thấy bị kẹt trong thế lưỡng nan. Một mặt, xã hội coi thường họ. Điều này thôi thúc họ phát ngôn như một cách tự khẳng định ảo tưởng bản thân. Mặt khác, dường như xã hội đang tôn trọng họ. Điều này ve vuốt cái tôi, khiến họ tưởng mình đang bay cùng thần thánh.

Có những người ý thức rất rõ về những điều này. Họ lợi dụng tình thế và lướt sóng trên những hoàn cảnh khác thường mà trời dành hoặc hành họ.

Vĩnh Cửu

Hàm có mặt trong một đêm thơ của một câu lạc bộ mang tên “Vĩnh Cửu”. Bà cô của D làm chủ tịch câu lạc bộ này. Bà – chủ hãng vàng, trang sức, đá quý; Bà – nhà từ thiện nổi tiếng; Bà – Chủ tịch câu lạc bộ thơ có nhiều hội viên nhất thành phố. Nghe nói, thị trưởng đã nhiều lần tiếp riêng bà và rất hoan nghênh hoạt động sáng tác, hoạt động xã hội “vì thành phố nghệ thuật” của bà. Quả thật, bà được tặng một tấm huy chương ghi đúng nội dung như thế. Thành phố có không biết bao nhiêu người được tặng chính tấm huy chương ấy. Nhưng với bà, nó long trọng khác thường, nó luôn được in trang trọng bên cạnh logo của hãng vàng – cũng mang tên “Vĩnh Cửu”. Và trong những đêm thơ của câu lạc bộ, dĩ nhiên không thể thiếu hình ảnh của nó trên phông nền sân khấu. Trong những buổi gặp gỡ, đọc thơ có mặt bà, nghe nói không hội viên nào dám đeo tấm huy chương ấy.

Người ta từng kể một giai thoại rằng, có lần một nữ nhà thơ tài năng, nhưng quá nghèo, đến gặp bà. Nữ thi sĩ có một đứa con riêng, không chồng. Đứa nhỏ rất thông minh và nghịch ngợm. Thi sĩ muốn gặp để xin vay một món tiền, hoặc để xin hoãn một khoản vay. Thế nào, thì tóm gọn, đó là một hoạt động mà chủ tịch câu lạc bộ thường thích thú, mong muốn và luôn chụp ảnh đưa lên trang cá nhân và các phương tiện truyền thông khác. Không phải với chú thích về việc vay tiền – bà không bỉ ổi như thế, mà sẽ là chú thích về việc bà đang đàm đạo thơ ca với một nhà thơ khác. Và cả hai đều nổi tiếng.

Điều bất ngờ, mấu chốt của giai thoại này là ở chi tiết: thằng bé nghịch ngợm đang đeo chính tấm huy chương “Vì thành phố nghệ thuật”! Khi đã dụ dỗ được nó đến gần, bà tóm lấy và ôm nó vào lòng. Thợ ảnh của riêng bà đã xuất hiện rất đúng lúc. Anh ta đang nâng máy ảnh lên, bà chủ tịch câu lạc bộ đã nở nụ cười thi sĩ – nhà từ thiện quen thuộc, mẹ thằng bé đang huy động các cơ mặt để tự làm tươi tỉnh lên và đang cố bảo con trật tự để chụp ảnh, thì bà chủ phát hiện ra tấm huy chương. Bàn tay bà đang thể hiện cú ôm nhà nghề, nó chạm vào một vật cứng. Bà nhìn xuống, ánh mắt bà chạm phải chiếc huy chương quen thuộc. Trong ánh đèn flash lóe lên, chiếc huy chương ngạo nghễ vàng chóe như đang nhe răng trêu chọc. Bà giật nảy mình, mặt tái mét, khóe miệng bà giật giật và bà hẩy thằng bé xuống, với cung cách như phủi một cái rác vô tình dính vào mình.

Giai thoại kể, bà chủ hãng vàng “Vĩnh Cửu” giàu có đã mắng người mẹ khốn khổ, và nhất quyết không cho vay. Giờ đây, bà đang mỉm cười lịch thiệp, lách qua đám người hâm mộ bà, tiến về phía Hàm và D. “Không phải như thế, bà vẫn cho cô nhà thơ ấy vay, anh ạ. Dù sao, bà cũng làm thơ cơ mà”, D đoán được suy nghĩ của Hàm, cô ghé tai anh. “Tươi tỉnh lên tí, vì em một chút đi, trông anh như đang đi đưa đám ấy.” Hàm lập tức thay đổi nét mặt, chính anh cũng không biết D có sức ảnh hưởng tới bản thân lớn đến mức đó. Gần gũi lâu ngày, giao thoa thân xác, quá trình ấy tạo ra sự hòa hợp tự động. Hàm chợt nhớ, bà cô vẫn đều đặn tài trợ cho các nghiên cứu của D.

Sang trọng, nổi bật, hoàn toàn phù hợp với vai trò và bối cảnh, bà chủ đêm thơ đã lướt đến trước mặt Hàm. Liếc nhanh đứa cháu gái như xong một lời chào kiểu người nhà, bà lập tức mở chuyện rất thân thiện với Hàm. “Từ đêm thơ này, chúng tôi sẽ tuyển để đăng một trang thơ của ‘hội’ trên tờ Văn Nghệ thành phố. ‘Hội’ của chúng ta đang khởi sắc, anh thấy đấy” – bà ngọt ngào. “Nếu anh viết cho vài dòng giới thiệu thì tốt quá.” Mọi khi Hàm lập tức thoái thác nhưng lần này anh im lặng, kiểu im lặng dễ được hiểu là đồng thuận. Bà chủ tiếp tục tỏ ra thân gần với anh “Tôi biết thị trưởng rất quý và tin anh. Ông quả thật có con mắt xanh, biết trọng dụng người tài. Và trẻ tuổi. Ôi, tuổi trẻ, năng lượng! Lần đó, khi được thị trưởng tiếp, tôi đã để ý đến anh. Chắc anh không nhớ đâu, nhưng tôi rất nhớ, vì tôi luôn yêu quý những người trẻ tuổi tài năng…”

Mặt Hàm hơi đanh lại, D lo sợ kín đáo liếc anh. Bà cô khoe tiếp đã có giấy phép in một tập thơ nhưng chưa thuê được họa sĩ. “Nghe nói anh rất thân với họa sĩ Phương, cũng một người trẻ và tài, hôm nào xin mời hai anh đến uống trà, mà không, uống rượu với tôi. Với các nghệ sĩ đích thực của thành phố, tôi sẽ mời rượu…” Đúng lúc này, thợ ảnh riêng của bà chủ hãng vàng xuất hiện như từ trời rơi xuống, đúng vào góc chụp đẹp nhất.

Giữa lúc ánh đèn chụp lóe lên. Hàm có vẻ mặt cay đắng và hài hước, nhưng đây lại là vẻ mặt thật anh nhất. Nó sẽ cực phù hợp với chú thích của bà chủ, rất kín đáo nhưng đủ để hiểu, anh – một nhà văn nổi tiếng, thân cận với thị trưởng, đang gặp gỡ bà trong một sự kiện nghệ thuật, với tư cách người nhà.

Bà không biết anh đang nghĩ chắc chắn bà đã bịa đặt cuộc gặp với thị trưởng. Bởi chính anh cũng chưa bao giờ gặp mặt thị trưởng, và có lẽ không ai thực sự được gặp mặt ông ta. Tất cả đều thực hiện các lệnh của ông nhân danh, qua các văn bản phát ra từ văn phòng của ông. Những người khoe khoang từng gặp thị trưởng, cũng như bà “Vĩnh Cửu”, không bao giờ có ảnh chụp chung với ông ta cả.

Thiếu i ốt

Đọc xong danh sách tác giả trúng giải nghệ thuật thành phố, nữ nhà thơ xây xẩm mặt mày, ngáp ngáp rồi thều thào "Muối! Muối!"

Ông chồng họa sĩ mang cả cân muối ra định pha nước cho vợ dùng, chỉ thấy lắc đầu quầy quậy. Rồi lại: "Muối i ốt cơ!"

Mang đúng muối i ốt ra, chồng gặng:

"Giờ thế nào? Cho vào đâu?"

"Giải, cho vào giải. Nhạt quá!"

"Nỡm, thế sao phải muối i ốt?"

Hóa thơ dâng Thánh

Thành phố quá nhiều nhà thơ. Rất nhiều câu lạc bộ thơ mọc lên, mang những cái tên vĩ cuồng, huênh hoang khoác lác. Nhưng “Vĩnh Cửu” là câu lạc bộ thơ lớn nhất thành phố. Nó còn có tham vọng vươn ra toàn quốc, và thực tế, nó đã có khá nhiều hội viên không chỉ ở thành phố. Thậm chí, nó có cả hội viên ở nước ngoài. Ông chủ tịch hội nhà thơ thành phố rất căm ghét những câu lạc bộ này. Ông ta lôi kéo nhiều chủ tịch các hội khác, vận động để thành phố ra một thông báo. Theo đó thành phố ủng hộ tất cả các câu lạc bộ, nhóm thơ, ca, nhạc, họa, múa, xiếc, kịch, phim… nhưng tuyệt đối không được gắn với chữ “hội”. Các tờ báo thực hiện điều này, nhưng chính các câu lạc bộ, trong các hoạt động nội bộ, vẫn tự phát ngôn như thể họ cũng là một “hội”. “Chúng tôi có các hội viên. Hội viên nhé, không ai lại gọi là ‘câu lạc bộ viên’ cả”, một chủ tịch câu lạc bộ thơ phát biểu đầy khiêu khích. Ông tiếp tục, tự vỗ bồm bộp vào ngực “Và tôi, tôi cũng là chủ tịch!” Lý lẽ của ông ta sắc sảo, dựa trên cái gọi là “bằng chứng ngôn ngữ học.”

Trên sân khấu của đêm thơ Vĩnh Cửu vẫn liên hoàn những màn đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ. Đa số là những khuôn mặt già nua, những cần cổ rướn lên lấy hơi, càng lộ những dây chằng và yết hầu rệu rã. Số lượng nhà thơ, sau 3110, tăng lên theo cấp số nhân nên quảng trường thành phố cũng không thể chứa hết các hội thơ. Ngày thơ của hội, và cả các ngày hội thơ cấp câu lạc bộ luôn kín đặc những gương mặt hau háu tự mãn. Nhìn từ trên xuống, quang cảnh giống một khoảnh sân rộng đầy những chiếc bát cùng cỡ vừa tráng men đang chuẩn bị xếp hàng vào lò. Chiếc lò thì ọp ẹp cơ chừng sắp vỡ ra vì quá tải.

Với đêm thơ của Vĩnh Cửu, quang cảnh cũng na ná. Ở đây, thi nhân các cấp cũng đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ; nhưng tuyệt đối không được thả thơ. Việc đó là một đặc ân với những người có câu thơ được tuyển chọn. Và nghi lễ này chỉ được thực hiện trong Ngày Thơ của thành phố, tại quảng trường lớn. Trong cái ngày đầy bon chen ấy, không phải ai muốn là đều được lên đọc thơ ở quảng trường. Tất cả đều phải qua tuyển chọn gắt gao nhưng dư luận vẫn luôn ì xèo chế giễu. Vì tựu trung, trong giới, có ai thực sự phục ai bao giờ.

Chợt Hàm nhận thấy, sân khấu tắt ngấm đèn nến, lặng ngắt mọi âm thanh. Đám người lộn xộn bên dưới lặng lẽ nhưng quyết liệt dịch chuyển theo cách đàn cá mòi vận động dưới đại dương. Hình như có một con cá to đang xuất hiện, và đám cá mòi, rất nhẹ nhàng, uyển chuyển và nhanh nhẹn, đang lao đến một cái miệng đang ngoác ra.

Ở lâu trong môi trường nghệ thuật thành phố, từng thấy rất nhiều những biến chuyển động trời ghê gớm, Hàm không còn lạ lẫm trước những thay đổi của đám đông. Nhưng trong sự vần vũ của đám thi nhân cá mòi Vĩnh Cửu, Hàm nhận thấy sắp diễn ra điều mà anh chưa từng biết. Bản năng khiến anh theo dòng.

Tất cả các ngọn đèn cùng lúc bật lên khiến Hàm lóa mắt. Và điều anh kinh ngạc không thể tưởng tượng được bỗng hiện ra. Trên sân khấu sừng sững một cái lò được tạo hình giống lư hương trang trí đầu rồng, sơn nhũ vàng chóe toàn bộ. Bà Vĩnh Cửu uy nghi nhưng không kém phần duyên dáng, tay cầm ngọn đuốc rực cháy xuất hiện như một nữ thần. Phần cán đuốc cũng trang trí đầu rồng nhũ vàng. Một giọng trầm âm u cất lên, như từ địa ngục “Nghi lễ hóa thơ dâng Thánh. Bắt đầu!”. Bà Vĩnh Cửu châm đuốc vào lò. Lửa bốc lên ngùn ngụt. Tất cả đèn đột ngột tắt lịm. Đám đông rùng mình, cùng cộng hưởng một âm tần số thấp.

Ánh lửa bập bùng mờ tỏ từng khuôn mặt thành kính lần lượt theo hàng. Cúi đầu. Lẩm nhẩm khấn (hay đọc thơ?). Hai bàn tay chắp lại, ở giữa kẹp một tờ giấy chép thơ. Có người mang theo cả tập. Thành kính thả vào lò. Ngọn lửa nháng lên trong giây lát soi rõ một mặt người tê dại, mê cuồng, thống khoái.

Người điên nghiên cứu tâm thần

Giáo sư cười: “Dạy dỗ gì đâu ông? Dân ở thành phố này giờ đều là thiên tài. Họ không cần học nữa”, Hàm cười trừ: “Giáo sư cứ nói thế, ngoài nghệ thuật ra còn bao nhiêu cái phải học”, Giáo sư hềnh hệch: “Trước đây họ đã không học rồi, giờ lại có cái mác nghệ sĩ, cần gì học. Việc của chúng tôi coi như chỉ để làm cảnh.”

Hàm hiểu, giáo sư nói không sai. Ngoài việc học những lớp kỹ năng sáng tác theo kiểu siêu tốc, dân thành phố này gần như không quan tâm đến cái gì. Thậm chí việc kinh doanh, lẽ ra cũng phải có chút bài bản, nhưng thị dân coi thường. Họ sống bừa phứa – như những thị dân – nghệ sĩ, mà phần đầu thì có sẵn, phần sau được lắp ghép sau 3110. Họ kinh doanh theo lối trông trời trông đất trông mây, điều này càng phù hợp với môi trường nghệ sĩ của thành phố. Ngành nghề thiết thân với họ còn như thế, huống chi tâm lý học – ngành nghề của giáo sư.

Hàm gặp giáo sư theo chỉ thị riêng, điều này chính D cũng không thể biết. Anh cần gặp vị giáo sư này để xác định thêm về mối lo ngại đến từ văn phòng thị trưởng. Theo đó thì “phát triển óc sáng tạo, cũng chính là yếu tố có thể khiến con người trở nên điên loạn”. Văn phòng nói riêng với Hàm, thị trưởng lo ngại rằng thành phố nghệ thuật sẽ bùng phát bệnh tâm thần.

Trước đây, D có tham gia một công trình nghiên cứu việc ảnh hưởng của tâm lý cộng đồng, gắn với những biến cố lịch sử, liên quan đến phát triển ngôn ngữ. Nhóm nghiên cứu có nhờ giáo sư giúp đỡ. Hàm gợi ý D dẫn đến gặp giáo sư. Việc này rất dễ dàng, hóa ra giáo sư cũng đã nghe danh Hàm đã lâu, ông nói, nguyên văn, việc gặp Hàm là “một trong những hoạt động giải trí mà ông thấy là bổ ích.”

Nhưng Hàm chờ mãi không thấy giáo sư nói gì về văn học nghệ thuật, lĩnh vực mà Hàm cho là mình am hiểu, thậm chí anh còn có sự chuẩn bị trước, kiểu như chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Giáo sư dường như không quan tâm, thậm chí ông còn đang chuyển hướng câu chuyện đến các vấn đề về tình dục – dĩ nhiên có liên quan đến tâm lý là lĩnh vực chuyên môn của ông. Hàm bắt đầu thấy sốt ruột, lĩnh vực giáo sư đang muốn nói chính là cái anh không có chút hứng thú nào, thậm chí đó là lĩnh vực anh sợ hãi.

Anh cố gắng chuyển hướng câu chuyện, điều mà anh đề cập tới rất quen thuộc đến mức nhạt nhẽo đối với cư dân thành phố, nó tương đương với chủ đề thời tiết trong một câu chuyện xã giao. Đó chính là chủ đề định mức nghệ thuật phải thực hiện trong năm. “Với giáo sư, hiện giờ ông có phải sáng tác nghệ thuật không? Định mức của ông là thế nào?” Khi mới thực hiện 3110, đây là chủ đề vô cùng nóng. Nó còn đủ sức dập hầu hết các bức xúc cá nhân, và non nửa những vấn đề thiết yếu của thành phố. Nhưng qua một thời gian, chủ đề này chỉ còn là câu chuyện làm quà đối với cư dân. Nó vẫn thú vị, với độ phức hợp gây tưởng tượng sâu xa của nó, độ phiền toái của chính sách này cũng chưa hẳn đã thuyên giảm. Nhưng với sự dễ dãi trong mọi sự, cộng với sự thích nghi siêu phàm, đồng thời biết cách luồn lách, cư dân thành phố sớm coi nó chỉ như vấn đề thời tiết. Người ta có thể lo lắng về cơn bão tố siêu khủng sắp tấn công thành phố, nhưng tin tức về cơn bão mãi mãi chỉ thuộc loại tin thời tiết.

“Trước đây thôi, khi đó tôi còn là phó giáo sư. Đến khổ với cái trò sáng tác. Mà tôi có học vị tiến sĩ đấy nhé. Nhưng tiến sĩ cũng phải sáng tác, phó giáo sư cũng phải sáng tác. Chỉ duy nhất giáo sư kiêm tiến sĩ thì được miễn hoàn toàn! Chính vì thế, tôi đã phải cố chạy chọt để được miễn hẳn cái khoản sáng tác vớ vẩn kia đi! Làm thơ! Tôi làm thơ cơ đấy!”

Giáo sư nhăn mũi, phẩy tay mạnh một cái như xua đi một mùi khó chịu. Ông thuộc loại dám làm, dám nói, có trình độ. Người như ông ta khá khó lường, thái độ thay đổi thất thường. Dường như ông ta trêu tức Hàm, hoặc muốn thông qua Hàm để chuyển một thông điệp đến lãnh đạo thành phố, thậm chí đến tận thị trưởng? Hàm nhìn D có ý nhắc nên hướng vào chủ đề đã định. D đang bị lời nói và những cử chỉ sinh động của giáo sư cuốn hút. Cô hơi giật mình.

“Thưa thầy, em muốn hỏi về một số vấn đề về mối liên quan giữa bệnh thần kinh và tâm lý với khả năng sáng tạo. Anh Hàm rất quan tâm đến chủ đề này. Anh ấy muốn có thêm tư liệu để trao đổi với học viên các lớp viết văn… bồi dưỡng siêu tốc ạ (lẽ ra cô phải dùng từ “ngắn hạn”, Hàm nhìn cô giận dữ).” “Ồ, thế là giờ học viên của các lớp viết văn lại còn muốn biết cả những vấn đề như vậy sao? Nên nhớ rằng người bị bệnh thần kinh, bệnh tâm thần thường không nhận thức được tình trạng bệnh của mình. Anh bảo sao? Không, tôi nói để anh biết và dùng trong công việc của anh thôi. Còn tôi thì không thể lấy đâu ra thời gian cho những cái lớp kiểu đó”.

Theo lời giáo sư, lịch sử nghệ thuật đã cho thấy những thí dụ rất rõ ràng và không thiếu những dẫn chứng khẳng định mối liên quan giữa khả năng sáng tạo và sự lệch lạc về những chuẩn mực tâm lý. Kết quả cho thấy một số bệnh tâm thần cũng như các rối nhiễu lưỡng cực rất phổ biến trong các gia đình có những người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học kỹ thuật.

“Hiện nay chúng tôi đang làm một công trình nghiên cứu ở chính thành phố của chúng ta. Vâng, cái thành phố điên rồ này này! Cần phân tích trạng thái của cả triệu người, đối chiếu với nghề nghiệp của họ. Tới đây, chúng tôi cần rất nhiều cộng sự”, giáo sư chỉ vào D “Cô có muốn cộng tác với chúng tôi không? Không cần cô phải làm việc với những bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần. Cô có thể giúp chúng tôi phỏng vấn những người tạm coi là bình thường hoặc thành viên gia đình của bệnh nhân, thành viên gia đình văn nghệ sĩ nổi tiếng…”

D mắt sáng lên, cô hỏi giáo sư về “danh sách những văn nghệ sĩ bị tâm thần hoặc các vấn đề lệch lạc tâm lý”, giáo sư cười ngạo mạn “Đó là một danh sách mật, nhưng tôi có thể nói rằng ai cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn, anh Hàm đây, một văn nghệ sĩ lớn của thành phố, hoàn toàn có thể”; giáo sư cười nụ cười có thể gọi là đểu “Xin lỗi anh Hàm, chỉ là một cách nói. Điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không lãng mạn hóa những thiên tài cô đơn bị bệnh tâm thần. Và cũng không bỏ qua những người có vấn đề về sức khỏe tâm lý, bị ám ảnh rằng trong đầu mình có những thiên tài đang tranh chấp, nhưng thật ra thì bất tài.” Theo giáo sư, cứ 4 người thì 1 người bị chẩn đoán là có vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp. Hàm vội vàng ghi chép. Anh hỏi đó có phải là số liệu từ cư dân thành phố. Giáo sư xua tay, không, đây là số liệu chung thế giới. Thành phố này chắc chắn phải có những con số khác. Khác thường! Cách ông ta nhấn mạnh chữ “khác thường” ẩn chứa một sự đe dọa, mắt ông ta long lên, như một tên sát nhân.

Hàm chợt nhận ra giáo sư đây chắc chắn là một con bệnh thần kinh. Chính giáo sư đáng kính. Hình như nếu có quyền, ông ta có thể thảm sát cả thành phố. Anh rùng mình ngắm nhìn vẻ sinh động biến chuyển trong từng phần nhỏ của giây khi giáo sư hăng hái diễn giải các vấn đề chuyên môn của ông ta.

“Ngoài ra các chuyên gia còn nhận thấy những thiên tài bẩm sinh thường có khuynh hướng tự sát và khoảng 50% đã tự sát thành công. Họ cũng là những người phát kiến ra rất nhiều kiểu tự thương. Về chuyện tình dục, rất nhiều kẻ lệch lạc, bạo dâm, cuồng dâm, khổ dâm…”

Hàm hiểu ra. Từ khi có 3110, theo những con số chính thức, tỷ lệ ly hôn, những vụ bạo hành gia đình, những vụ đánh nhau – ở mọi nơi chốn người ta có thể gặp nhau từ hai người trở lên, đã tăng vọt.

Gắng vượt qua cảm giác sợ hãi không biết từ đâu đến, Hàm hỏi “Thưa giáo sư, phải chăng muốn sáng tạo, chúng ta phải suy nghĩ theo một lối khác, phải vượt ra khỏi cái khung gò bó của thói quen? Vấn đề là, khi đã bỏ nếp suy nghĩ đóng khung của người thường lại sau lưng khi thức dậy để sáng tạo, thì vào ban đêm khi trở về, đôi khi ta không tìm lại được cái khuôn nếp cũ nữa?”

Giáo sư bật cười, rồi ông ta ôm bụng cười, vật vã cười. Có thể nói, ông không hề giữ được sự lịch thiệp; hoặc ông ta không cần giữ; hoặc đơn giản ông ta không có, đã vứt đi từ lâu.

Hàm và D thoạt đầu kinh ngạc và phẫn nộ nhìn giáo sư, nhưng sau họ nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh, kiểu như những người lớn không chấp một đứa trẻ ranh hỗn hào.

Hết cơn cười, giáo sư thoắt cái trở lại nghiêm trang khác thường. Chính vì thế, ông ta có vẻ rất mỉa mai “Anh đúng là một nhà văn. Xin lỗi anh, trong đầu của một thằng người không hề có một căn nhà nào có tên là ‘cái khung của thói quen’. Và sự sáng tạo cũng không phải là đứa con hoang đàng lạc lối. Ngoài ra, xin anh nhớ cho là rất nhiều người tâm thần không phải là nghệ sĩ và họ cũng chẳng sáng tạo gì hết!”

Hàm thấy việc moi tin từ vị giáo sư khùng có vẻ bế tắc. Hơn nữa bản báo cáo mà anh cần làm để gửi lên văn phòng thị trưởng có vẻ cũng đã ổn. Không biết vì sao anh lại bị chỉ định làm công việc này. Trong giới chóp bu của thành phố đang xì xào về khả năng thăng tiến của Hàm.

Như đọc được suy nghĩ của anh, giáo sư nheo mắt “Các nhà khoa học phát hiện rằng trong các lĩnh vực cần tới óc sáng tạo, tỷ lệ người mắc chứng rối loạn lưỡng cực cao hơn 8% so với các đối tượng khác. Như tất cả mọi thứ trên đời, óc sáng tạo có cái giá của nó. Cái giá phải trả là: cứ 100 nghệ sĩ thì có 1 người sẽ phát chứng tâm thần phân liệt”.

Hàm nghĩ đã tìm ra đáp số cho bài toán mà anh phải giải hôm nay. Một lần nữa, giáo sư lại đọc được suy nghĩ của anh.

“Vấn đề tôi không thể trả lời, và ông thị trưởng thiên tài của thành phố này cũng không thể trả lời, anh biết là gì không? Đó là ở đây, không còn phân biệt được đâu là nghệ sĩ nữa để mà tìm kẻ điên – nghệ sĩ. Thành phố này đang xuất hiện một hội chứng tâm thần rất mới. Đó là điên – giả nghệ sĩ. Bên cạnh đó còn có giả điên – nghệ sĩ. Anh chị có phân biệt được không…?”

Mắt giáo sư lại long lên, cảm giác ông ta sẵn sàng giết người và đốt cháy cả thành phố. Hàm và D chào và ra về như chạy trốn. Tiếng cười ma quái của giáo sư vẫn đuổi theo.

Hàm phân vân không biết có nên đưa vào báo cáo nhận định của anh về tình trạng tâm thần của giáo sư. Suy nghĩ này khiến anh định vị lại, anh bỗng nhận ra tỉnh táo quá cũng là một kiểu bệnh tâm thần.

Hàm lắc mạnh đầu để xóa đi những suy nghĩ u ám về tương lai thành phố. Anh bỗng thấy muốn rúc vào bầu vú của D. Một ham muốn cực mạnh đến mức như có thể cầm nắm được, nhưng lại không dính dáng mảy may đến việc làm tình.

Đường tới thiên đường

Nghệ sĩ của thành phố khi chết sẽ được lên thiên đường nghệ thuật. Một họa sĩ nổi tiếng từ trần. Sau khi lưu luyến chứng kiến từ trên cao đám tang hoành tráng của mình, họa sĩ thanh thản bay lên trời. Ông nhìn thấy đường đến thiên đường nhưng một tấm biển đập vào mắt: “Muốn lên thiên đường không thể đi tắt, phải đi theo từng dấu sơn.”

Con đường rất bằng phẳng nhưng quả thật, họa sĩ thấy một kẻ vụng về nào đó đã vạch những đường kẻ lem nhem nhiều màu khác nhau. Ông cần mẫn đi lên nhưng càng đi đường càng xa. Đi mấy ngày liền, họa sĩ chán nản ngồi lại ngẫm nghĩ: thiên đường xa quá, biết thế này ta xuống thẳng địa ngục cho đỡ mệt. Bỗng ông thấy thị trưởng thành phố đang mệt nhọc không kém đang đi xuống. “Ngài đi đâu vậy? Thiên đường còn xa không?”, “Ta cũng không biết, nhưng chắc chắn còn xa lắm!”, “Vậy ông xuống làm gì?”, “Ta xuống lấy thêm sơn”.

Khởi từ giữa năm 2017

Viết xong 22/2/2019

Comments are closed.