Xóm Bầu Hoang

Truyện Ngu Yên

Tôi thường xuyên nằm mơ những câu chuyện lạ lùng, có đầu đuôi mạch lạc, y như xem phim quái đản. Giấc mơ đôi khi sợ hãi, bạo động, lạc lõng, chết, yêu một người chưa gặp bao giờ, bị ma quỉ rượt đuổi, bay trên không trung, thỉnh thoảng thấy sự khỏa thân như trái chín mọc cây cao, leo hoài không tới, hái không được, … đại loại là những chiêm bao kỳ dị, tôi biết, chứng tỏ đời sống ban ngày của tôi không được vừa ý, tức giận, chán ngắt, muốn bỏ cuộc…

Người thầy nói: “Chiêm bao là đời sống thứ hai về bản chất thật của mỗi người. Đây là thời gian dành cho một người biểu lộ hết những ước mơ, những bí mật, những giấu giếm, những xấu xa mà không sợ ai biết. Cũng là một cách nhận tội hoặc xưng tội với bản thân, để tâm tư được cân bằng”.

Rồi đêm hôm qua, chiêm bao xuất hiện một câu chuyện dài. Nhân vật chính là tôi, lo âu, sợ hãi khủng khiếp. Nhưng ngay trong lúc mơ đã cảm thấy khôi hài. Lúc gần thức dậy, cảm giác đó trở thành chua chát.

Trong chiêm bao, tôi là người đàn ông mang bầu.

Có lẽ, đây là ám ảnh bởi quyết định Tối Cao Pháp Viện thắt gút quyền phá thai vừa công bố tuần trước, trực tiếp gây phản ứng mạnh mẽ trong giới phụ nữ, còn đàn ông, chỉ là thủ phạm đứng bên ngoài cửa sổ nhìn lén vào phòng hộ sinh. Dù ủng hộ hay phản đối, họ chỉ là những người muốn chứng minh trí tuệ để hài lòng bản thân hiện diện trên mặt đất. Hoặc tệ hơn, họ không tự minh bạch với mình. Không có họ, làm gì có chuyện phá thai.

Chuyện thường ngày, chúng tôi đã kết hôn mấy chục năm rồi, đã có con cháu khá đông đảo. Nhưng chuyện chiêm bao, khởi đầu bằng một đêm gần Giáng Sinh, thành phố lạnh ướt lờ mờ sương mù, tôi trên đường đi đến nơi hẹn với tình nhân, lúc đó, nàng là một nữ sinh hiền lành. Nét mặt nghiêm trang, buồn buồn, một vẻ đẹp im lặng xa vắng. Về già, vợ tôi mới vui vẻ và nói nhiều hơn.

Giá như chúng tôi sinh ra muộn hơn chừng bốn mươi năm, yêu đương sẽ thoải mái và trung thực hơn nhiều. Thế hệ bây giờ, họ yêu nhau dễ dàng. Ăn chuối lột vỏ bỏ khắp nơi. Ăn trái-táo-ngôi-sao (người địa phương gọi là star-apple, người Việt gọi là vú sữa) bất kỳ lúc nào muốn. Ăn uống tự do và thay đổi chỗ ăn là chuyện bình thường. Còn thời chúng tôi yêu nhau, có quá nhiều cấm đoán, ngăn chặn, từ bên ngoài gia đình-xã hội và từ bên trong nội tâm. Chúng tôi ngửi nhiều hơn ăn, nhìn nhiều hơn cầm. Khát thì nuốt nước miếng. Đói thì tự gặm đỡ ghiền.

Người yêu của tôi không có vú mông choáng váng, nhưng đủ để tôi biết mình sẽ sở hữu một số đặc sản của phụ nữ. Còn đặc sản của đàn ông, tôi cho không, nàng chẳng những khiếp đảm, mà còn không thèm hưởng dụng. Kể một vài chi tiết này, để cho thấy chiêm bao bắt tôi mang thai quả là một sáng kiến dạy dỗ những đàn ông thường xuyên quăng vỏ chuối ngoài đường khiến phụ nữ trượt té.

Không hiểu ai là thủ phạm quăng vỏ chuối, lúc đó, tôi còn nhỏ, chị ở trong nhà đạp lên, té nhào, nghe chị khóc lóc, hình như sầu khổ hơn đau đớn, rồi cái bụng từ từ sưng lên. Đạp vỏ chuối té, dù bất kỳ ngã trong tư thế nào, cũng sưng bụng, chị tôi nói như vậy. Về sau, vừa lấy chồng mấy tháng, bụng chị cũng sưng lên. Tôi hỏi đùa: “Té hồi nào vậy?”.

Thật không rõ, chị ở đã làm gì với cái bụng lớn. Tôi là phái nam, không quan tâm lắm, nhưng mẹ tôi lo lắng, nhiều đêm thù thì với chị. Tôi thấy, mẹ cho chị khá nhiều tiền rồi nói: “Em về dưới quê tìm việc gì làm ăn. Muốn giữ cũng được, muốn phá cũng được. Nếu muốn bỏ, phải làm sớm, đừng để quá lớn”. Chị ở biến mất. Về sau, thỉnh thoảng ghé thăm mẹ, dẫn theo hai thằng con trai giống nhau y hệt.

Đừng nói chi cho xa, chung quanh láng giềng, cùng xóm, thiếu gì chuyện có bầu éo le. Dì bán cá, một phụ nữ độc thân vì tính tình quá hung tợn. Không sợ đàn ông, không sợ cảnh sát, không sợ du côn, vì vậy dù còn trẻ, cô đã lên chức dì: “Bầu không có chủ là bầu hoang. Không ai nhận. Bỏ lên bỏ xuống. Nếu tìm ra thằng cha nào trồng, tao đá cho nó dập háng”.

Chiêm bao thay đổi cảnh trí câu chuyện không giống như sân khấu, tắt đèn báo hiệu sang cảnh rồi sáng lên lại. Chiêm bao không có thứ tự, không luận lý, không thể kiểm soát. Bất chợt cảnh thay đổi như ảo thuật. Tôi và em ở trong một căn phòng, nhìn khá quen thuộc, nhưng không biết ở đâu. Tôi táy máy, tò mò, rồi trèo lên. Thì thầm vào tai người yêu: “Anh sẽ cưới em làm vợ”. Câu nói hết sức thật lòng với tất cả niềm say mê của cậu học trò mới lớn chỉ là tiếng gà trống trẻ gáy lên vì muốn đạp mái lần đầu, chưa biết vì sao cuộc đời lại có trứng. Trong im lặng sôi nổi, chợt có tiếng nói rất nhỏ: “Em không muốn có bầu”. Như cú đá của thằng du côn thúc vào bụng, tôi gập người đau đớn thở không ra hơi. Đánh nhau, tôi thường là kẻ bị thua, nhưng không thể nhịn được sự xấc láo của thằng khốn này. Rõ ràng, tôi đến trước, chọn bàn, lấy bi và cơ để chơi bi da. Trong khi chờ hai người bạn đến sau. Nó xuất hiện giành lấy bàn. Nghênh ngang như thổ phỉ. Xem tôi như tên nô lệ. Tự động cầm cơ thụt bi da trên bàn của tôi. Tên nô lệ vùng dậy, tống một cú đấm tay mặt vào quai hàm, cú đấm tay trái vào bụng rất chính xác. Phải ngã xuống mới đúng. Không. Nó đứng trơ trơ như người giả. Thằng này ghê gớm thật. Trong lúc đang bối rối, cú đá của nó bật ra, như cú cây cơ thụt trái banh chạy lùi. Tôi khom xuống nằm im trên người em. Thể xác không đau đớn, nhưng tâm hồn giãy giụa xấu hổ.

Phải chăng đây là lý do tôi có bầu?

Có bầu? Xóm tôi có thiếu gì bầu hoang.

Tôi đã từng suy nghĩ. Những người phụ nữ Châu Phi đội trên đầu những vò nước lớn đi bộ lên xuống những con dốc cao. Họ đi rất thăng bằng, giữ bình không rớt khỏi đầu, giữ nước không trào ra ngoài, mà không cần sử dụng đôi tay. Thậm chí, có khi còn ăn mía, ăn khoai lang, hoặc trò chuyện cười giỡn. Hay thật. Y như có phép. Từ hình ảnh đó, hãy chuyển cái vò trên đầu xuống trước bụng. Người mang bầu phải tự động thu thập một cách điều chỉnh thăng bằng nào đó vì sức nặng tụ vào phía trước, kéo tới, trì xuống. Đi đứng cấn cái. Ngồi càng cấn hơn. Cúi xuống mang tất, mang giày? Cứ hỏi ông trời cho mượn cái tay.

Khi cái bầu lớn quá khổ bình thường, mặc quần còn khó huống chi mang giày cột dây. Chị ấy có bầu. Tin này động trời. Không phải vì chị mới mười sáu tuổi, mà còn là bạn với chị tôi, còn nữa, tôi và chị rất gần gũi vì chị không có em trai. Tin đồn về có bầu rất dễ chứng thực vì độ cao của bụng. Gia đình chị mấy đời Công giáo, bố chị có địa vị cao, nghĩa là mặt mũi trọng vọng, rất nghiêm khắc, gần như không biết cười là gì. Luật đạo Công giáo không được phá thai. Ông không muốn giữ thai. Chọn lựa thứ ba là đuổi con gái ra khỏi nhà. Đạo cấm phá thai, nhưng không nuôi đẻ, không nuôi con không cha. Ai nuôi? Mẹ của chị lén thuê một căn phòng ở xóm dưới và lén tiếp tế mọi thứ cần dùng, thực phẩm, thuốc thang cho con. Tôi đến thăm chị thường xuyên vì không sợ người cha, hơn nữa, học trò độc thân có dư nhiều thời giờ. Chị ở một mình, trông thảm hại khi cái bụng lớn dần rồi lớn hơn bình thường. Các bà già sau khi đẻ con chuyên nghiệp, dùng kinh nghiệm suy đoán, chị ấy sẽ đẻ sinh đôi, không chừng sinh ba. Số con nhỏ này xui, trúng thằng chơi bậy, tốt giống.

Tôi thường ghé giúp chị làm một số việc nặng. Đôi khi ở lại ăn chiều cho có bạn. Chị mừng khi tôi đến chơi vì ở một mình thường khóc lóc tủi thân. Đôi khi, mẹ chị đưa tiền nhờ tôi đi mua một số đồ cần thiết cho bà bầu. Mấy tháng sau, chị sinh một đứa con trai, rồi dọn về quê ngoại ở tận miền xa, sinh sống với các bà dì. Lần cuối tôi đến giúp chị gói cột mấy thùng đồ để xe vận tải chở đi. Tôi và chị đều buồn. Hình như có gì muốn nói mà không có gì để nói. Chị ôm tôi trước khi ra về. Thật là một cái ôm thắm thiết, ấm áp, mềm mại, còn mãi trên da thịt.

Lúc này, tôi và vợ tôi nắm tay đi bộ trên đường xuống xóm dưới. Ngang qua căn phòng trọ của chị ấy, cảnh nhìn tiêu điều, chắc lâu rồi không có ai thuê. Đột nhiên, tôi nhìn quanh không thấy vợ nơi nào. Biến mất không lời nhắn. Một mình đến trước cửa phòng quen thuộc, cửa không khóa, đẩy, bước vào. Thấy chị ấy ngồi trên giường, cái bụng to kinh khủng, lớn hơn lúc chị gần sinh, đang cố gắng mặc chiếc quần dài. Chị ngả lui ngả tới, nghiêng bên này, nghiêng bên kia vẫn không xỏ được hai chân lọt vào ống quần. Tôi nói, để em giúp. Chị nằm ngửa ra, chổng hai chân lên. Tôi xỏ hai ống quần vào, kéo sát tận mông, rồi chị nhích mình qua lại cho tôi kéo quần lên cao. Cảnh da thịt trắng, căng phồng sức sống, chuyển động, nhấc bên này, nhấc bên kia, làn vải sa-tanh đen láng lấn lên, chôn vùi những đường cong tạo ra sức nóng. Tôi không thể không nhìn chăm chú. Chị hỏi: “Em thấy đàn bà ở truồng chưa?”. “Thấy rồi. Bồ em khỏa thân đẹp lắm, nhưng không có lông nhiều như chị”. Chị mặc chiếc xì líp mỏng màu xám. Giống như nhìn qua sương mù thấy mõm cỏ rậm rạp. Chị nói nhẹ nhàng như tự than thở với chính mình. “Lông nhiều, lông ít, không có lông, đều khổ hết”.

Sau đó, tôi lại thấy mình đi với vợ ra phố mua áo quần bầu. Vợ tôi có bầu? Đã có bốn đứa con, tôi không muốn có nữa. Người phụ nữ phá thai nhiều nhất trong xóm tôi là cô vũ nữ phòng trà. Tôi quen biết khá lâu, từ lúc cô mới vào nghề, cô dạy tôi nhảy đầm. Tôi luôn luôn gọi bằng chị, vì nhỏ tuổi hơn, nhưng chính xác, vì tôi kính phục và ngưỡng mộ sự lão luyện trong tình ái và trường đời của bà chị này.

Chị có đời sống khá giả. Nhiều đàn ông danh vọng trong thành phố cung cấp tiền cho chị hàng tháng, mua nhà, mua xe hơi, và cung cấp bầu cho chị. Không ngần ngại phá thai. “Chị lúc nào cũng cần độc thân, mới kiếm được tiền”. “Ôi, phá thai dễ thôi. Mấy người chủ bầu phải trả chi phí. Họ đâu muốn ai khác biết”. “Phá riết rồi cũng quen, như bị bệnh vài ngày”. “Đứa bé chưa ra đời, làm gì có tương lai. Trong trường hợp của chị, không thể nuôi con như các bà mẹ khác”. “Chị nghĩ, trong đám thai bị phá, chắc sẽ có những đứa lưu manh giống thằng bố của nó; có đứa làm chính trị bỉ ổi như cha của nó; không chừng trở thành trộm cắp, xì ke, mại dâm như chị. Di truyền mà”. Tôi không thực sự biết rõ, nhưng nhìn cách sống của chị, nếu có mười mấy đứa con, chắc xã hội mai sau sẽ nhức đầu, phiền phức. Một đêm gần cuối năm, chị vũ nữ bị tình nhân bắn chết vì ghen tương tại vũ trường. May mà không có con, nếu không ai nuôi? Chính phủ? Nhà Thờ? Hay nhà chùa?

Khôi hài nhất xóm, có lẽ là chuyện dì bán cá, sau cùng ở tuổi bốn mươi mấy, dì mang bầu, bầu hoang. Dì vui vẻ tuyên bố: “Mẹ nó, đá nó không dập mà mình dập”. Trong thời tôi lớn lên, chung quanh xóm có nhiều bầu hoang. Cô này phá, cô kia giữ. Bà này chấp nhận nuôi cháu. Bà kia gửi trẻ sơ sinh vào viện mồ côi. Xóm chia làm hai phần, xóm trên tập trung nhiều dân cư trí thức như thầy giáo, kỹ sư, công chức, doanh nhân. Xóm dưới chứa nhiều thành phần lao động. Bầu hoang mọc lây lan không chừa xóm nào. Dì bán cá nói: “Tụi bây còn nhỏ, tương lai còn dài, nếu thấy không được, cứ phá đi. Còn tao, già rồi, cũng muốn có con nít cho vui nhà vui cửa”.

Nghĩ thử đi, luật tự nhiên vượt qua hết mọi hiến pháp, mọi luật pháp trên cõi đời này. Tự nhiên thôi, có thân xác là có đòi hỏi sung sướng. Tự nhiên thôi, có ăn nằm sung sướng là có bầu. Tự nhiên thôi, có bầu sẽ có hai lựa chọn: hoặc giữ hoặc bỏ. Có lựa chọn thứ ba chăng?

Bốn ông thẩm phán bỏ phiếu ngăn cản việc phá thai của phụ nữ, khiến tôi suy nghĩ cả tháng trường. Họ tự hào đã làm nên lịch sử, những người cổ động cũng tự hào theo. Dựa vào hiến pháp, luật pháp, đạo đức, kiến thức, lý luận, họ quyết định giùm cho phụ nữ. Theo tôi, chuyện phá thai phải do những ai có kinh nghiệm sinh đẻ, nuôi con qua nhiều hoàn cảnh khác biệt, mới có thể bỏ phiếu thuận hay chống. Kết quả bầu phiếu tuy quan trọng nhưng không quan trọng bằng thực chất và phẩm chất của người bỏ phiếu. Lẽ ra, nên để cho các bà thẩm phán trên Tối Cao Pháp Viện bàn thảo và bầu phiếu. Còn các ông thẩm phán nên bỏ phiếu cho việc truy lùng và trừng phạt những phái nam ăn chè không trả tiền.

Đúng hơn nữa, ngăn nước lụt vào đồng lúa, phải ngăn từ nguồn. Muốn không phải đối đầu với phá thai, thì phải ngừa từ đâu? Ngày nay, lịch sử dạy cho họ hiểu biết rõ ràng, không thể để người da trắng làm quyết định giùm dân da đen, nhưng họ lại ủng hộ đàn ông đặt luật lệ cho đàn bà?

Với khả năng khoa học ngày nay, người ta có thể cấy bầu vào đàn ông. Hãy cho các ông thẩm phán mỗi người mỗi cái bầu. Cứ tưởng tượng, ông thẩm phán mang cái bầu to tướng, đi đứng hào hển. Vào phòng vệ sinh phải ngồi. Vào văn phòng phải đẩy ghế ra xa kẻo cấn thành bàn. Lên tòa thì chặp chặp phải đi phòng vệ sinh. Khi bất ngờ lên cơn đau, tòa phải đình chỉ. Lúc nào cũng nóng nực, ngứa ngáy. Ăn thịt bò thấy ớn. Ăn cá nướng thấy tanh. Thỉnh thoảng lại nôn mửa. Tắm rửa khó khăn, có nhiều nơi trên thân thể sờ không tới. Và mỗi buổi sáng trước khi đi làm phải nằm ngửa cho vợ giúp mặc quần. Mang nặng rồi đẻ đau vì mổ, mới biết đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Sau khi đẻ xong, mới có đủ hiểu biết, kinh nghiệm căn bản để bàn thảo, rồi bỏ phiếu.

Vợ chồng tôi đứng trước gian hàng trong chợ. Vợ lựa mấy bộ đồ giống như đồ cho đàn ông mặc.

“Em mua chi đồ bầu nhiều vậy? Bộ đồ ngủ này quá lớn?”.

“Mua cho anh mà”.

Đó là vì sao tôi biết tôi có bầu.

Tuần trước cảm thấy đau bụng. Vợ đưa đi bác sĩ khám rồi chụp hình quang tuyến. Sau đó, bác sĩ gọi điện thoại về nhà giải thích cho vợ tôi, trong khi tôi đi vắng. Nàng tưởng tôi đã biết. Thai mới một tháng, còn nhỏ. Hơi giống bụng uống nhiều bia.

Tôi cũng nghĩ đến phá thai, nếu không, ăn nói làm sao với người chung quanh, với các đồng nghiệp, nhất là cha mẹ tôi? Nhưng vợ tôi khuyên nên giữ đứa bé. “Anh sẽ thấy đứa con sinh ra từ ruột của mình khác hẳn với đứa ra từ ruột người khác. Tình máu mủ trực tiếp chỉ có người mang bầu sinh đẻ mới biết. Những người bàng quan tưởng rằng họ biết nhưng sẽ không bao giờ biết thực sự. Một kẻ đứt tay làm sao thực sự cảm thấu nỗi đau của người xé ruột”.

Người thầy nói: “Có bầu là một mầu nhiệm, vì từ đó sẽ mang đến mầu nhiệm thứ hai là con người”. Tôi bối rối: Bầu có chủ là mầu nhiệm tốt. Còn bầu hoang là loại mầu nhiệm gì? Người sinh ra từ mầu nhiệm hoang, lại là mầu nhiệm gì nữa đây? Trường hợp của tôi là bầu không có chủ, nhưng không phải bầu hoang.

Việc hay nhất của chiêm bao là thức dậy. Tất cả chuyện gì xảy ra trong đó đều xóa bỏ, khi mở mắt. Cảm giác tỉnh giấc sau những chiêm bao ghê gớm là mừng rỡ. Cảm ơn đời sống hàng ngày đã trở lại. Cái bụng tôi vẫn bình thường.

Thỉnh thoảng tôi nhớ lại lời chị ấy. Nhiều …, ít …, không có …, đều khổ. Chị không phải là người học vấn cao, chỉ cảm nhận chyện đời sau khi mang bầu hoang. Nhưng ngẫm nghĩ thì đúng phần lớn, như:

Nhiều tiền, ít tiền, không tiền, đều khổ.

Nhiều tài, ít tài, không tài, đều khổ.

Nhiều tình, ít tình, không tình, đều khổ.

Nhiều hạnh phúc, ít hạnh phúc, không hạnh phúc, đều khổ.

… Cuối cùng sẽ đi đến: Nhiều khổ, ít khổ, không khổ, đều khổ. Nghe nói chị ấy đã kết hôn với một kỹ sư, kể cả bé hoang, chị có bốn đứa con, có đứa đã tốt nghiệp đại học. Không biết tâm lý của chị có được bình an?

Ngồi nghĩ lại chuyện xưa. Nhớ đến chị ở và hai đứa con trai. Nghe chị tôi kể lại, một đứa đi lính miền nam, một đứa lên bưng chống chính phủ rồi theo lính cộng ra bắc. Hai đứa xung đột dữ dội, ngay cả ngày đám tang của người mẹ, hai đứa con đánh nhau sau khi tranh cãi. Cuối cùng một đứa đi tù. Một đứa làm quan.

Người thầy nói, sống và chết có nguyên do rất phức tạp, nhưng rất đơn giản khi tin đạo, đạo nào cũng được. Nếu không đồng ý có thần linh tạo nên con người, cho dễ hiểu và chấm dứt sự truy lùng nguồn gốc sống từ trí tuệ, thì sống sẽ rất khó hiểu, khó tin. Ai có quyền quyết định sống hoặc chết? Ai có trách nhiệm về ai sống ai chết? Phá thai là quyền của phụ nữ. Nhưng quyền sống thuộc về bào thai, và quan trọng hơn hết, ai chịu trách nhiệm khi bào thai đó bước vào đời, trở thành một liên hệ chằng chịt trong xã hội và lịch sử.

Ví dụ như người phụ nữ Đức đó phá thai, đời sống sẽ phát triển khác, sẽ không có thế chiến thứ hai, phá hủy hơn nửa thế giới và hàng triệu người vong mạng, nhất là không có bom nguyên tử. Vì không phá thai, cô đã sinh ra Adolf Hitler.

Trong khi, một phụ nữ Ấn Độ khác không chịu phá thai, cô sinh ra Mahatma Gandhi.

Comments are closed.