Tương Lai
Tôi đang mượn nụ cười hiền lành, đầm ấm và “lời nói gan ruột” của Cao Huy Thuần dẫn vào “Những gợn sóng trên dòng chảy của Hồi ức” thì đau đớn nhận được tin anh đã ra đi, vĩnh viễn ra đi:
Tôi hiểu anh đến tận ruột gan, bởi vì tôi lấy ruột gan của tôi để đọc thư anh. Giữa anh và tôi như thế là quá đủ, nói gì thêm cũng thừa. "Thoại nhược đầu cơ bán cú đa". Nói chuyện mà trúng ý thì nửa lời cũng nhiều, Thiền tông dạy như vậy. Tôi đọc ngay, vì cái tựa đề lôi cuốn tôi tức khắc. Anh, thì tôi đã biết rồi. Nhưng anh lúc thơ ấu thì đúng là chạm vào lĩnh vực tò mò của tôi. Suốt đời, tôi chỉ mơ ước làm một cuốn phim. Một cuốn phim về Cái Đẹp. Đó là Cái Đẹp của thanh thiếu niên một thời, Cái Đẹp mà không bao giờ tái diễn trong lịch sử. Anh đừng bắt tôi nói dài dòng. Chỉ cần anh hát lại một câu thôi của thời ấy thì anh hiểu ngay tôi muốn nói gì: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu...".
Ai xếp bút nghiên? Giới nào? Tầng lớp nào? Giai tầng xã hội nào? Giai cấp nào? Sao mà trắng trong thế? Sao mà hào hùng thế? Sao mà đẹp thế? Phim của tôi chấm dứt năm 1954 với đám cưới của chị Ngọc Toản và tướng Khánh. Ai có mặt trong phim đó? Bao nhiêu người! Bao nhiêu người hữu danh và vô danh, bao nhiêu người mà trái tim chỉ biết hướng về Cái Đẹp như loài hoa hướng phía mặt trời.
Trong bao nhiêu người đó, từ lâu tôi đã thấy có anh, và bây giờ tôi lại thấy có thêm, rõ hơn, Ông cụ của anh, Bà cụ của anh, người anh của anh, chiếc thuyền của anh, cần câu của anh… Ôi bi hùng… Nhưng thôi, nói chuyện phim ảnh cũng chỉ để mơ mộng văn chương thôi. Cái gì cũng qua, cái gì cũng không còn. Nhưng đừng mất lòng tin anh Tương Lai ạ. Vẫn có cái còn đấy, mà anh nhắc nhở đấy, trong bài: cái lương tri…”.
Luôn nặng nề thấp thỏm nỗi lo mỗi lần định gửi cho anh những dòng vừa viết vì sợ làm tội cho đôi mắt của anh còn lại đôi chút nhờ sự trợ lực của chiếc kính lúp, chỉ đáng để dành cho những dòng chữ, trang viết bổ ích cho đời hơn những dòng tào lao chẳng có mấy giá trị của mình, cho nên tôi không dám gửi trực tiếp cho anh mà biết vì cả nể và để an ủi tôi thế nào anh cũng chịu khó đọc, nên tôi phải gửi theo lối thăm dò qua Tố Nga và anh Trần Hải Hạc ở Paris, để liệu chừng tình trạng đôi mắt của anh mà chuyển hay không chuyển thư của tôi.
Thế là nỗi khắc khoải có dịp ngồi lại với anh đã tan thành mây khói. Trong cái vô thường của cuộc đời thì cũng chẳng nên thắc mắc làm gì, chỉ ấm ức thôi, vì anh còn kém tôi một tuổi cơ mà! Cho nên tôi cũng đã dự liệu cho tôi rồi, chúng ta sẽ thanh thản gặp nhau để tha hồ mà luận bàn thế sự nhiễu nhương như anh đã “buồn bã với những môi hôn” khi chia tay với Trịnh Công Sơn. Còn tôi, với ý nghĩ đang thường trực trong đầu suy ngẫm thú vị được gục ngay trên bàn phím chiếc máy tính tôi đang ngồi, chiếc máy MAC màn hình lớn học trò của tôi tặng vì đôi mắt tôi xuống cấp nhanh quá. Nhưng gay một nỗi là rất khó sử dụng nhưng tôi đành chịu trận chứ quyết không rời món nợ tình cảm sâu nặng của người học trò đã ra đi trước tôi.
Năm 2017 Cao Huy Thuần về Sài Gòn nhận giải thưởng văn học Phan Châu Trinh, chỉ nói với nhau qua điện thoại mà không ngồi được với nhau lần cuối. Tôi vốn thờ ơ với những chuyện giải thưởng này nọ vì vị mặn của chúng chẳng làm cho cuộc đời nhạt bớt, hay có khi lại làm chát lưỡi vốn đã nếm trải quá nhiều cay đắng ngọt bùi. Những lần trước đó chúng tôi thường ngồi với nhau bên ly cà phê, có cả chị. Hôm ấy cũng có cả anh Đào Duy Chữ mà dạo ấy chúng tôi hay ngồi với nhau bên ly cà phê sáng, anh Chữ đã thành người thiên cổ đúng nghĩa cách nay gần 20 năm.
Anh Thuần rất thích thú khi tôi nhấc điện thoại gọi Hoàng Anh ở NXB Trẻ: “Giáo sư Cao Huy Thuần đang ngồi với chú đây và muốn gặp cháu để bàn về việc in cuốn sách. Cháu gọi taxi lên ngay và để chủ trả tiền taxi nhé”. Vừa cạn ly cà phê thì Hoàng Anh đã đến, hai anh chị Cao Huy Thuần đều rất vui và cảm động. Và thế rồi anh lẳng lặng ra đi.
Và tôi hiểu sâu hơn điều Bùi Văn Nam Sơn có lần nói: “Sao lạ, cứ đọc xong vài chuyện tôi phải dừng lại khá lâu, có lúc muốn đọc lại. Một cảm giác thật hiếm gặp: vừa bồi hồi, xao xuyến, vừa thấy lòng mình trong trẻo, mát rượi, không gợn một chút bứt rứt hoang mang”. Vậy là thanh tịnh đó. Vậy là hạnh phúc đó. Cho nên, đúng như Đỗ Hồng Ngọc viết: “Khi anh Cao Huy Thuần gởi tôi tập Im lặng, như lời chia tay…, tôi nghĩ: chắc là “Im lặng thở dài…” đây rồi! “Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe im lặng đời mình” (Trịnh Công Sơn)? […] Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận. Cao Huy Thuần đang bay. Đường bay của hạnh phúc. Lấp lánh ánh vàng!”.
Cao Huy Thuần nói về “chia tay mà không biệt ly”. Anh nói về cái chết, về linh hồn. Anh dẫn các triết gia đông tây kim cổ để rồi kết luận không có cái chết, cũng chẳng có linh hồn nào bất tử! Trịnh Công Sơn cũng bảo “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên/ và có đâu bao giờ đâu có cái chết sau cùng…”. Tuệ Sỹ cũng viết đại ý “Cái tử chỉ là chấm dứt của một giai đoạn tạm thời cũng như cái sinh là khởi đầu của một giai đoạn tạm thời khác”.
Tôi hiểu vì sao Bùi Văn Nam Sơn viết trong lời giới thiệu: “… sao lạ, cứ đọc xong vài chuyện tôi phải dừng lại khá lâu, có lúc muốn đọc lại. Một cảm giác thật hiếm gặp: vừa bồi hồi, xao xuyến, vừa thấy lòng mình trong trẻo, mát rượi, không gợn một chút bứt rứt hoang mang”. Vậy là thanh tịnh đó. Vậy là hạnh phúc đó… Anh mượn chữ “còn” để luận thời gian. Thời gian của quá khứ hiện tại và tương lai. Luận một lúc, thì ra chả có quá khứ hiện tại vị lai gì cả. Chỉ có cái khoảnh khắc ở đây và bây giờ thôi. Biết sống là sống với cái khoảnh khắc đó. Không thì thôi. “Chỉ có cái khoảnh khắc ấy là có thật. Cái khoảnh khắc ấy chứa đựng tất cả. Thấy để làm gì? Đâu phải để bàn hươu tán vượn triết lý suông. Mà để sống”. Đó là một cách nói khác về một bài kinh của Phật:
Người biết sống một mình
Dĩ vãng đã qua rồi
Tương lai thì chưa tới…
Marc Aurèle của Hy Lạp cổ đại có một cách hay: vẽ một vòng tròn nhỏ cho hành động trong một vòng tròn lớn mênh mông của thời gian. Khoanh tròn cái gọi là hiện tại và chia nhỏ ra thành từng khoảnh khắc như những nốt của một bản hòa âm. Hãy đừng muốn cái gì khác ngoài cái ta đang có, thương cái đó, yêu cái đó, amor fati, Nietzsche nói. Nhưng không quên cái vòng tròn lớn của thiên nhiên…. Thác là thể phách, lại bàn về chữ “còn” khác: còn là tinh anh. Dẫn từ Socrate tới Sartre, từ Lamartine tới Marcel Proust đến Nguyễn Du… Cái gì còn? Còn cái gì? Tưởng là linh hồn mà không phải. Không có một cái linh hồn bất biến nào cả. Cao Huy Thuần nói đến tiền kiếp, đến nghiệp, nhân quả, duyên sinh…
“Linh hồn của Socrate đã bay rồi! Linh hồn bay như một cỗ xe có cánh do hai con ngựa kéo…”. Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa (Trịnh Công Sơn) rồi đó chăng? Cao Huy Thuần bèn nhắc lời Phật: hãy niệm tử. Hãy nhớ đến cái chết. Cái chết không xa lạ. Nó thân quen và gần gũi xiết bao. Nhiều điều trong cuộc sống không thể biết chắc nhưng cái chết thì biết chắc, lúc nào đó, cách nào đó. Phật dạy phải niệm tử. Và nói thêm: Ai làm bạn với Thần chết thì Thần chết chẳng làm khó dễ mình! Đã là bạn bè, ai nỡ làm khó dễ nhau! Bây giờ y học cũng nói đến không chỉ “Chất lượng cuộc sống” mà cả “chất lượng cuộc chết” rồi đó! Nói chuyện triết lý Cao Huy Thuần cũng bàn về cái chết và dẫn Cicéron, trước Tây lịch: “Nói chuyện triết lý, ấy là học chết”, rồi dẫn Epicure, để đi đến cái kết: “Luận bàn về cái chết chính là để… trẻ lại. Hơn thế nữa, để bình yên, để hạnh phúc”. Và chính vì già trẻ lớn bé gì cũng chết cả, cho nên lúc nào cũng phải nghĩ đến cái chết không đợi đến già”. Sợ chết là vô lý. Nhưng ta vẫn sợ. “Sợ cái không biết”. “Đằng sau cái chết, triết lý đành thoái vị, nhường ngai cho lòng tin, cho tôn giáo.”
Tưởng dài dòng dẫn dắt những điều người khác nói về Cao Huy Thuần như thế cũng đã quá lạm dụng vì lười biếng rồi, nay xin lạm dụng lời của chính Cao Huy Thuần mà lần cập nhật cuối cùng đã đúng 10 năm, 21.6.2014 về bài Buồn bã với những môi hôn mà tôi thức suốt đêm để nghe cái clip ghi lại lời dẫn của Cao Huy Thuần trong một đêm nhạc tại Paris tưởng nhớ Trịnh Công Sơn vừa mất tại Sài Gòn mà Trịnh Vĩnh Trinh vừa kịp gửi cho tôi:
“Tôi giật mình: đoá quỳnh của thuở xuân xanh chính là đoá hoa vô thường nở trong tâm của anh ở khoảng cuối đời. Anh đi với đoá quỳnh, anh đến với đoá quỳnh, khép lại một chu kỳ vòng quanh. Anh là đêm trăng của ngày xưa đã hôn nhau buồn bã với đoá quỳnh mong manh và từ đó dòng nhạc của anh róc rách những mong manh như thế cho đến khi anh chơt nhận ra ta là đêm nở đoá hoa vô thường.
Còn lại chuyện cuối cùng phải nói: vậy thì tôi với em là một hay hai? Là một chăng? Thì đấy, Trịnh Công Sơn đã có lần hăng hái:
Em là tôi và tôi cũng là em
Chẳng ai tin. Người không tin nhất chính là anh. Đừng tin!
Đừng nghe tôi nói lời tăm tối
Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười
Tôi như là người ngồi trong đêm dài
Nhìn tôi đang quá ngậm ngùi
Tôi với em không thể là một được bởi vì em là muộn phiền và muộn phiền thì đối nghịch với hồn nhiên mà tôi mơ ước. Hồn nhiên lấp lánh như mặt trời trong lắm bài. Trịnh Công Sơn mơ ước trở về với hồn nhiên như trở về với bản chất của anh, như trở về với con chim thuở nhỏ, với hoa trên đồng xanh một sớm mai rất hồng. Anh muốn trở về với thật thà, với khờ dại, với ngây ngô, anh ngẩn ngơ nhìn người kia, dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi, anh nhìn đứa bé. Đứa bé! Đó mới thật là một của Trịnh Công Sơn, bởi vì đó là hồn nhiên, đó là cội nguồn, đó là quê nhà nằm sâu trong tiềm thức của anh. Hồn nhiên có khi trở về lồng lộng trong cả bài hát như cánh diều lồng lộng trong không, có khi âm thầm, văng vẳng, thiết tha, sâu lắng trong một câu, trong một chữ. Những lúc đó, Trịnh Công Sơn hân hoan:
Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa trời về hót giữa đời tôi
Hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia
Trịnh Công Sơn là người thi sĩ duy nhất của tình yêu không cho chữ em đi sóng đôi một cặp ngọt ngào với chữ anh. Chữ em mồ côi chữ anh trên lưỡi. Chữ em mù loà đi tìm chữ anh. Gặp vớ vẩn một hai lần trong một hai bài hát đầu, nhưng nhạt nhẽo, vô duyên lắm. Còn thì Trịnh Công Sơn chỉ tôi với em, em với ta, như thử hai người yêu là hai người ở trọ gần nhau.
Có lẽ vì thế mà tôi hát Trịnh Công Sơn với hạnh phúc tràn trề. Bởi vì tôi hát sự thực trong lòng tôi, trong lòng người, trong lòng đời. Có bao giờ ai một với ai trong cuộc tình? Cứ xa xa mà tôi khiêm tốn như thế, hoạ may tưởng mình có lúc đến gần làm một. Như thế là hạnh phúc. Đến gần, giọt nắng thủy tinh có khi là giọt lệ.”
Anh Cao Huy Thuần ơi, anh có phải là “giọt nắng thuỷ tinh”? Tôi thì tôi tin chắc như vậy, càng thiết tha mong như thế để còn gặp được anh trong giọt lệ yêu thương và nồng ấm để hát sự thực trong lòng tôi, trong lòng người, trong lòng đời.
Một ngày đầu thu ở Sài Gòn.