Xưởng tái chế linh hồn

Tiểu thuyết ít chữ Trần Quốc Toàn

(Tiểu thuyết này dành cho những năm tháng tôi đã sống với những niềm bất an)

Trần Quốc Toàn

Tranh minh họa của Trần Quốc Toàn

Phần III

người về, vẽ lên cát chân dung của thời gian, trong khắc khoải, là mây bay về lối cỏ, mà thật rồi,

– năm tháng là cỏ

một người ngồi với nỗi cô quạnh có thật sự là nỗi hoài mong một người mà không bao giờ là hiện thực,

hiện thực bao giờ cũng bắt ta phán xét, đến nỗi trí thông minh của ta cũng chỉ là hơi khói, thốc lên lúc buổi muộn mằn của thời gian,

nghĩa là ta đang chiếm lấy ngôi báu của tàn úa,

– tàn úa có đẹp không?

hay là lúc ta đang trong cơn say, và lúc ta điềm nhiên trong cõi mộng,

hân hoan rồi đó, cứ như vết lăn trầm thêm vào nụ cười bé nhỏ,

– vậy, sự cật lực có chăng là góc cạnh của khuôn mặt,

người nói, máu ta đang chảy, đến hồi kiệt quệ, mà ham muốn cứ tuôn vào dòng thời gian đương đại,

– ta đã hỏi những bông hoa

những bông hoa có bao giờ tráo trở với sự đổi thay của ta không,

người bảo là vô ngã.

vô ngã là sự lựa chọn duy nhất sao?

người bảo ta, chẳng duy, cũng chẳng là cỏ, người cũng như ta, cứ nghìn năm rong chơi giang hồ, rồi kể chuyện về sự tưởng tượng,

– ta nói, ta và người cùng sinh ra và không biết gì nhiều về tồn sinh cả, chỉ sự tưởng tượng bắt đầu, là dường như ta và người cùng đổ lệ,

– vui là khóc cho những chân trời và khóc cho những đôi mắt không đầu không cuối, là thấy nỗi bi hoan, những đổ nát và hồi sinh, những tương tục nghìn đời trong vòm bàn tay của loài người,

– loài người, ta bảo là gì?

người bảo, là những gì mà chúng ta [những mắt và mắt nhìn nhau cười và đổ lệ, là không đầu tiên và cuối cùng]

vậy cứ dong dài mãi mãi,

nỗi nhớ cuộn máu tim tôi, ực lên tuổi hoa niên đầy những vết hằn suy tư,

người là tôi, ta là người, tôi là ta,

một ngày ngồi và thở, và nhìn thấy cuộc trăm năm đang diễn ra và tàn lụi nhanh chóng,

người bảo, hoa nở rồi, cứ thuận duyên, ắt sẽ gặp người!

người bây giờ là hoa nở bốn mùa, xuân về, tôi trồng đoá linh hương, hạt giống của người, của tôi, của mầm xanh trên ngôi mộ luân hồi,

trong lúc ngồi suy nghĩ về thời tiết, giọt nước trong bồn tắm rơi xuống, cái âm vọng trốn lẫn trong sự hư tưởng, giọt nước trong trẻo trong khi nhà vắng người, đã lâu tôi chưa đốt đèn dầu, cây đèn đặt trong cái ô nhỏ của bức tường sơn màu xanh, đèn dầu như chiếc chìa khoá mở vào tàng kinh các của một tiểu vũ trụ, ở một quãng cách đây nhiều năm về trước, khi tôi vẫn còn sống ở quê nhà, những kỉ niệm mộc mạc về nơi chôn nhau cắt rốn, là thứ ngôn ngữ linh thiêng, bấy giờ người ta đang làm cuộc thanh tẩy kí ức, bằng những tiện nghi máy móc,

lúc ấy phía trước nhà, là một bãi phá, gió nồm thổi mát những ngày hè, mấy chú chim nhỏ mỏ đen và dài, hơi cong về đỉnh, rúc rỉa vào bãi phá, mây in nhoè trên mặt nước,

tôi nghĩ ngợi về cuốn tiểu thuyết chưa ra đời, có tên “Đường Về An Nam”, tôi soi mặt vào gương, hình ảnh của tôi lúc này khiến tôi không thể cảm thấy hưng phấn hơn trong khi vẽ, đó là một khoảnh khắc thuộc về thời gian, mà chỉ trong những tháng ngày lá rụng, chim chóc kêu gọi mùa mới, mặt trời đứng bóng trên tháp chuông nhà thờ cũ,

tôi tự thiết kế một chiếc bàn nhỏ bằng tre, vài cây bút vẽ bằng rễ cây dứa gai, một tẩu thuốc lá bằng gỗ trắc, lúc suy nghĩ đã dần mùi mẫn, đoá hoa hồng tàn úa, tôi mở cửa sổ, hút một hơi thuốc lá, vẽ từng nét lên tấm canvas được căng lên tường, dán bằng keo cuộn, loại sơn dầu có mùi thơm từ sứ xở của miền hư tưởng mà tôi dùng để vẽ, có thể là do tôi luôn có những khắc khoải, nửa thực nửa hư huyền,

kể từ khi tôi có chứng nghiện màu sắc, đặc biệt là màu trắng, khi phủ lớp sơn nền, thì thời tiết bắt đầu có những thay đổi, đầu óc ngày càng căng thẳng, để thư giãn hơn tôi vẽ đều đặn hằng ngày, thức ăn tôi tự vun vén lấy trong cái tủ lạnh, mà ở trong đó là cá biển miền Trung,

cái rưng rức về tuổi thơ, bài hát chim chóc và những lần đi vào núi, tôi thấy sự tồn tại của trái đất, thấy không gian tràn ngập những cọng rơm khô, còn dính chút hạt lép,

đó là khi thời gian vẫn còn dịp để tự nhìn nhận lại mình bằng ký tự của sự sống,

tôi nhận ra khói thuốc lá đã bao bọc thứ ảo giác về một cõi miền, một nơi chốn, mà cặn bã thời gian có chăng là thứ mà bây giờ con người đang tái chế lại, đem chúng kiểm nghiệm cho những vụn vỡ đương đại,

cũng như một câu văn ngắn, đủ sâu và sức hút đối với độc giả, nhưng chỉ đến khi những hiện tượng giả hoặc làm đầu óc con người rệu rã, thì sức hút của nó mới bắt đầu đâm rễ,

thời gian mau hoặc chậm, mặt trăng đúng thời khắc mới ló ra khỏi núi, đoá hoa nở vào lúc bướm ong thức giấc, tuổi của từng niên đại cũng cần đúng thời điểm mới cho ra đời những con người mà nó cần tới,

cần phải chờ đợi, sự hứng khởi không quan trọng bằng chiều sâu của tâm tưởng, niềm cô độc được bồi đắp mỗi ngày thành hương thơm, có hương sẽ có nhiều ong bướm tìm đến,

tôi nói với em, sự chờ đợi là cần thiết, trong lúc chờ đợi cũng cần sắp xếp lại những ký ức rời rạc, cất giữ trên ngăn sách của mình bằng cách phân ra từng thể loại, để hàm dưỡng hạt giống cho mai sau, cũng cần những đêm dài trăn trở, trong ánh sáng của đôi mắt trầm tư,

tỉnh giấc sau tiếng kim đồng hồ báo thức, trên ô cửa, chiếc lá ướt sương, một vài con sẻ nâu chíu chít hót, một con đậu trên tay tôi, gió sớm lọt vào trong phòng, mát lạnh, tôi gần đến cái tuổi “tam thập nhi lập”, cũng như lúc mặt trời hửng nắng, tập làm con cá bơi trong cái dòng nước chứa nhiều ảnh hình mây núi, mộng mị, suy tư,

cái vô cùng, nỗi hoài mong, sự xao xuyến, rung động trong đời sống, khi lớp lang từng gợn sóng phủ tràn hiện sinh, chứa trong đó, sự bất toàn của thời gian hiện hữu, tôi nhanh chóng bước vào đám đông nghi hoặc, trò chơi sọc ca-rô, ăn chéo ăn thẳng, lớp lớp suy tư làm tâm trí dõi theo từng dữ kiện,

nơi con chồn đèn đào hang, dưới những bức tường trét đất, lũ gà đêm bị làm phiền bởi đôi mắt sáng như đèn pin, cũng là lúc bầy chó đánh hơi con mồi trong giấc ngủ,

lạ lắm, một người vốn im lặng, quần áo cũ mùi, đầu tóc bờm xờm, vậy mà am hiểu nhiều thứ trên đời, từ đường bay của chim chóc, cho đến chỗ con người ta chết đi và hồi sinh một đời sống khác, quả nhiên, mọi thứ sẽ được lấp đầy trong cái rỗng không, rồi ở đỉnh điểm của sự hiểu biết, khi bâng khuâng về ngôi nhà trét đất, bữa cơm cá biển, canh rong, và tiếng trẻ thơ lễ phép với người lớn, sự tiết chế của tuổi xế chiều, hồn người thư thả uống trà, ngồi trên cái chấm nhỏ, con zero mỉm cười, con zero của sinh-lão-bệnh-tử, hơi thở đương đại thường là chiếc bánh ngọt, mà cộng hưởng trên nền móng, những sinh vật đi thụt lùi vào dĩ vãng, trong cái bóng khổng lồ,

cảm hứng tụ lại trong không gian, chùm âm thanh hay màu sắc, kết thành một sợi dây, tôi đã kịp mở tấm bản đồ, kịp ghi những chú giải, con đường đi vào rừng đen, để mở ra những bí ẩn, sự nghi hoặc, nỗi bất an, mà cho đến nay, mỗi ngày, tôi phải học lại từng đường bay của chim, từng hướng thổi của gió, từng tiết điệu của mưa,

mùa đông đã đến, vùng đất bị phủ quyết hiện diện trong tôi,

thầy ngồi châm thêm bình trà, con chim dồng dộc lót ổ trên giá sách, thầy bảo, giá sách của thiên nhiên, cháu của ta có thấy NGƯỜI hiện hữu đó không, bình yên là những ngày NGƯỜI ra ngoài cửa hang, nhặt quả thông già, đặt lên hốc cây, như là phẩm vật cúng dường những mẹ sóc, chúng đang chăm sóc con non,

khung Xương Sống đã trải qua những khúc quanh của cuộc đi, lên đường, chân không nhấc, mà tâm trí đang dịch chuyển, mùa đã cho chúng ta những nghĩ ngợi, sự có mặt của tất cả mọi hiện tượng, luôn luôn làm ta tò mò, và cố gắng lý giải, càng cố gắng, chúng ta càng mệt mỏi, vì sao? cháu của ta, chỉ khi nào tâm trí của chúng ta có những khoảng trống, là khi đó chúng ta mới nhìn thấy được những cái riêng biệt, nghìn năm qua, cùng bước đi của khoa học, của đời sống máy móc, chúng ta đã lý giải vô vàn những câu hỏi, nhưng rồi, trước những nhân tai, những cơn địa chấn tâm tư, chúng ta vẫn mãi cũng dừng lại trước hư vô, chỉ có thể bằng một cách nào đó, để thoả hiệp hoặc không thoả hiệp, như cách thức chiêm nghiệm, nỗi buồn cùng niềm vui, nhưng cháu của ta, có những thứ vốn bất di bất dịch làm cản trở cuộc đi của tâm trí, cháu thấy không, để đi bằng hai chân và đứng thẳng đâu phải dễ dàng, ta luôn nhắc và gọi về loài Homo sapiens, về quá khứ ngàn dặm, không đầu không cuối,

– những dấu vết thời gian, ở đó [luôn mang trong nó những trầm tích, mà lịch sử quên lãng, là khoảng trống để chúng ta nghĩ ngợi, dù là huyền ảo, hoặc có thể, là cách để làm cho việc ghi lại, thêm sức sống]

khi có một loài mới xuất hiện, điều lạ lẫm, là chúng ta vội phán xét về nó, loài mới đó đến thế giới này có phải ngẫu nhiên không?

lịch sử cứ được lặp lại, điều lạ là ở đây những sai quấy cứ được nhắc lại, thành văn bản, thành cột mốc, khi sự kiểm chứng về mặt thời gian thì không thể, chuyện đã nghìn năm, như bóng mây tan hợp, ta nhìn cái đương đại này còn lệch chuẩn, thì lấy gì để chắc chắn những việc ghi trong sử sách là chân xác,

– cơn gió lạ, [là buổi ta nghe trong ký ức một sớm hôm bước ra sân, và thấy nghìn năm đi qua, hiện hữu, chỉ một chỗ đứng, cơn gió đó là niềm man mác nhớ, cái lành lạnh thoáng qua tay]

dòng sông mãi trôi, mỗi ngày đều đặn nghĩ ngợi, nếu không nghĩ ngợi, ta e rằng công việc làm ra những ghi chép sẽ trì độn, thế giới này luôn vận hành cùng hơi thở của vạn sinh linh, chúng ta chỉ là người ghi chép, những gợi mở,

– rồi khi những gặp gỡ, sự va chạm, trong đời sống, [cũng là cách để đi vào nơi chốn ta nghĩ và bước ra] vì ta hiểu rằng, công việc của ta là nhìn ngắm mọi vật, mọi cử động cùng những dấu vết mà NGƯỜI đã trú ẩn,

dấu chân, là vết tích chiều xuống núi, khoanh đất lấp đầy lá vàng, sự im lặng của rừng thông, thành phố tàn lụi dưới cánh rừng thông, là thành phố cát, là sự buồn bã, mà lão Khứa sẽ kể cho chú tôi nghe,

hình ảnh NGƯỜI ngồi trong căn hầm, thi thoảng gió xuyên qua, những quả thông rụng,

chú tôi bảo rằng: mùa biển động,

nơi chú tôi đã gặp người con gái có tên là minh triết,

hồn ma thiên cổ neo trên gác mái

đó là một làng chài,

và những người từ ánh sáng văn mình đã về đây,

họ xây những ngôi nhà tổ ong trên cát,

những con quỷ mặt người cũng bắt đầu cùng họ làm nên thành phố,

họ đã đốn hết thông, đuổi chim thú

phủ lấp nền móng bê tông cốt thép,

đêm, tiếng dơi chừng như là điềm báo

không ai có thể thoát ra khỏi thành phố này,

gió ru câu hát triền miên, chỗ ngừng suy nghĩ, thì bỗng cái điềm bất trắc, cái làm cho con thằn lằn với một mái nhà,

thành phố, đền đài, lầu cát, những chiếc bóng của đèn dầu, à, đến với cuộc đi trên vách mái nhà, không phải nhà học thuyết nào cũng lý giải được đâu, con thằn lằn tặc lưỡi thách đố cả nghìn năm, triệu năm, thậm chí, tiếng tặc lưỡi đó có mất đi, thì sao nhỉ, ồ, có phải chúng ta, đang nghĩ về con thằn lằn, mà bấy lâu nay chúng ta đã quên loài thằn lằn, nghìn năm là hình bóng của con thằn lằn, của ánh sáng khi vào đêm tối, của mộng khi vỡ niềm đau đớn cõi thằn lằn,

tôi là linh hồn trôi dạt, chú tôi, thầy tôi có còn hiện tồn không? có, là lúc cái thành phố sắp chìm vào biển cát,

có con chuột nhắt nép mình trên bãi biển, mùa thu tức thì đã tới, sóng lăn chậm chạp, vàng long lanh ùa vào chân thành phố mới xây,

– ngày mai, Phong đưa cô Huỳnh vào thành phố nhé,

– tối đến, chúng ta sẽ nghỉ chân bên kia đảo Mặt Trời,

– mười ngày nữa, sẽ rời khỏi thành phố

– ông nói sao

– tại sao lại rời khỏi thành phố trong mười ngày nữa,

lúc này lão Khứa đang hồi tưởng lại cái lúc thành phố này chỉ toàn cát, phía bờ cát là những cây dương già cỗi,

thời đó chưa có điện đường,

tức thì, trong bộ não ông hiện lên ngôi làng chài, cái đêm đàn bà ngồi tụm lại đánh bài và hút thuốc, lão Khứa bắt đầu trở về làng, năm đó những người từ bờ bên kia mang bầy bướm đêm bay quanh thành phố, thành phố trên cát, trời mờ sao, gió đẩy tiếng sấm gần khung cửa, con mèo luồn qua máng xối, mưa rơi, những con dơi đen treo ngược trên nóc tu viện,

– những cuộc cách mạng bao giờ cũng đẹp,

rồi giọng chim thầm rót vào khuya, thành phố hoa giấy làm đám mây dạt về xứ trầm, như lúc cuộc viễn vông của đời sống cứ ám thị, cứ muốn giải nghĩa, cứ động lòng buồn cơn cớ chi, rồi giọng chim chợt dịu lại, thời gian đã vượt khỏi cõi âm thanh, tiếng thầm thĩ bên tai, có phải tôi đang truy vấn những niên đại xa gần, những đám mây trôi dạt như thế, và ngưng lại trong vùng khói xám,

như một thời thơ ấu thiếu ngủ, cứ hễ xế chiều là cơn dại ngủ lại tìm đến, tuổi thơ như cành lá, cứ động lòng của muôn người, rồi giọng chim thuyền thúng cứ như muốn nói ra những ảo ảnh, những câu hỏi lúc thần kinh rơi vào vùng tối, thế là, những dấu chân của con cò trắng in vết trong buổi trưa có người đàn ông lần giở những trang sách, vừa cất cày vào bóng râm, lại nằm võng đọc sách,

nước mắt, nơi đọng tình thương cao cả nhất, hãy khóc, dù là tiếng khóc bên trong của người đàn ông đang cày trên đường ranh của thế kỷ, của kỹ nghệ, của sấm chớp nhân tạo,

khuya hắt vầng trăng vào nghĩ ngợi của chú tôi,

có lẽ, câu trả lời hay nhất, là câu trả lời về tồn tại, về cách nghĩ, và lực hấp dẫn của trái đất, của từ trường suy nghĩ lại là sự sinh nở cho bước đi, suy nghĩ đã là thể dạng của đường đi chăng?

con trâu đã nghĩ gì về đường cày và những lằn roi nhỉ, nói thế, lại biết bao nhiêu chuyện được mở ra như thước phim của ký ức, giữ cho hồn mình là mây trôi trên vùng hoa giấy nở, là nước mắt, là kết đọng cái lòng của hạt sương sớm thả tóc chèo thuyền,

như những giấc mơ tha phương về phía gió

thổi thốc mộ khuya,

người đàn ông suy tư về cuộc đời,

[vũ trụ như một cái cây khổng lồ, mỗi một hơi thở luôn làm não bộ dịch chuyển, từ ý niệm này sang bên kia sông, trăng tà, tịch mịch]

tôi ủ trí nhớ tôi thành cơn mưa nấm rạ,

chú tôi vẫn kể chuyện cây trời cho lũ trẻ nghe,

và những ông vua đất cũ [làm chú tôi phải ngồi xuống và viết, từ ngày này qua ngày khác, để nhìn nếp thời gian gấp trên khuôn mặt kiếp người]

tôi thấy người đàn bà hát bài hát của khuya

miệng tràn máu [máu của những con sóng tràn qua giấc mơ hải sử, những sợi tóc xuyên họng]

xuyên qua những linh hồn lạnh,

cơn mưa xoá dấu chân trời,

xoá cây cối, chim cỏ,

người đàn ông thấy mình đứng dưới mái tu viện

từng xác chuông ngân,

ký hoạ đêm…

chiều bỗng nhớ bầy ngỗng ngõ nhà, gió thốc tháng sáu, ngọn gió rát bỏng ký ức xa xôi, phải chăng bến sông đang nghĩ ngợi về ngôi làng, hàng bạch diệp đổ bóng xuống những ngôi nhà, và đường đi đầy hoa bọ cạp, tôi nhấc chân ra khỏi giấc mơ, và nghĩ đến khu rừng thông,

– những người mặc áo nâu sòng đã kể lại cho tôi nghe về thành phố bị phủ lấp dưới khu rừng này,

chú tôi bảo,

cứ hễ gió nồm nam là rừng thông cháy lá, chỉ khi đêm xuống, sương giá, thì cánh cửa đá lại hiện ra và cái khung Xương Sống lại xoay chuyển một vòng, cái giấc mơ có cánh bay vút lên, như lời mật truyền;

cháu của ta, cháu có nghe thấy những rung động của mặt đất không, chú cầm tay tôi và đặt lên cây già,

hang động đã khép rồi cháu của ta, huyết xà đã cuộn lấy thân cây già,

cháu của ta, tốt nhất nên quán sát và tìm nơi tốt nhất có thể để luyện cho tâm trí nhìn ra cái tiểu ngã, và này, cơn gió rát, như thách thức, hãy cảm nhận bốn mùa trong một ngày, và mưa từ khuya khoắt nào dấu chân của đại ngã về ngủ rất lâu trong tuổi thơ,

như thế, cuộc di cư cứ theo cơn gió về ngự trên gác mái,

cuộc tình của trăng sao mãi là nỗi hoài vọng,

hạt gạo người cất, và hạt giống trong khuya trăng,

một buổi sáng nào vừa thức dậy giữa hiện thực, bầy chim bay lên vùng mây trắng, bằng tất cả những gì ghi lại, đất mọc lên trong lòng bàn chân, và như thể, những ý niệm được khởi tạo,

– ta đã mưu đồ cho một miền cây cỏ, chim thú, những hình ảnh mà thể giới nghìn năm qua đã hiện diện, nhưng bằng một cách nào đó,

ngôn ngữ đã tự mình làm thức tỉnh, có những thất bại đến sớm, và dấu chân sa mạc cứ lớn dần, trong lòng khuya u buồn,

sự man rợ của loài quỷ mặt người, đâu đó trong đương đại còn tồn tại như để làm trò hề, tin không? những đêm thân phận người, điềm mộng, và đôi mắt cứ nhớ, và biến cố đã đến trong những lúc cô tịch, thầy Nhan muốn ôm lấy cô gái bên kia sông bằng kỷ niệm, lúc hai người còn trẻ, những đoá hoa của đất, hay là sự sinh sản của gió, thời tiết trong thời gian và hình ảnh của ngọn núi cô độc,

hãy quên đi cháu ta, chú tôi bảo: thương tích này sẽ mãi mãi là lòng vị tha của loài người, sự man rợ của lũ quỷ mặt người có chăng cũng ùa vào cõi u ám sau đêm rằm,

cháu của ta, thầy Nhan là bạn của ta, cháu nên tìm đến để ghi chép một khúc sử khác, như lúc hoàng hôn xuống, không còn trông thấy những gợn sóng trong tâm tư nữa, ta đã già, hơi thở còn giữ được, là hơi thở của chữ, của những quả bông gòn và những dấu chân người làng mang ra ngoài sân cùng với bầu trời và cõi đất,

sẽ không ai thoát ra khỏi thống khổ, cộng nghiệp, nếu không để linh hồn này bay như mây, như âm thanh khuya tiếng dế hát và gửi đi vào giấc mơ, giấc mơ nào cũng là đôi cánh, ta nghĩ, điều lớn lao nhất của một người ngẫm ngợi là đôi cánh của tư tưởng, cần đập cánh vút lên không trung những cuộc tiến triển của thời gian, từ trên cao ném ánh nhìn xuống đất, chỉ có như vậy, mới có thể mở ra niềm khao khát về cách nhìn thế giới,

sóng trôi dạt vào thành phố, và vết tích hằn in dấu của cuộc tình nước với núi non là cuộc tình mà cả đời thơ tuổi bé dại, theo tôi để một ngày kia trong vô tư cuộc đời [vô tư ấy không tuổi tác, không còn là sự băn khoăn, hoài nghi nữa] tôi thấy trong sự hoà quyện, đất và trời [biết nói sao cho hết những gì bộ não chứa đựng trong hằng tỉ năm ánh sáng của kí ức] nghĩa là khi loài chim có mặt ở thế giới này, là lúc sự phúc lành mà tạo hoá ban cho vạn loại, con muỗi thôi cũng là biến cố quan trọng, huống hồ chi là con chuồn chuồn mỗi mùa nắng oi ả phơi cánh trên cành tre khô, nơi này, hiện thực đã phơi bày, và phần còn lại của thế giới có chăng [là sự thao thức, và từ dấu vết của nghìn năm sử tích, là mỗi nét vẽ, để tái hiện lại một sự kiện] chú tôi bảo: – liệu lời ta nói có đúng hay không,

thế giới là sự hoài nghi không chỉ về thân phận, mà còn là linh hồn của một vùng đất, con người dù có biến cố thế nào đi chăng nữa thì cái linh hồn ấy vẫn cứ mãi là điềm nghĩ ngợi của chú tôi

– cháu của ta, để nhìn ra đôi cánh của tư tưởng, chúng ta thật sự phải chịu khổ nạn rất nhiều, và nếu không né tránh sớm những thói đời, thì mất thời gian để nghĩ, vì cái chết, nó luôn ở bên cạnh mỗi hơi thở,

– cháu của ta, vì sao khi cuối đời ta chỉ còn thấy, cái giấc mơ theo gió về trời?

đôi mắt tôi lúc này đẫm lệ, tôi hiểu chứ! nhưng tôi vẫn mãi ngập ngừng, vì biết cái đương đại này còn là những thách thức, tôi phải đi qua,

đôi mắt trầm tư của chú tôi, là tiếng chim sẻ trên mỗi nhành cau buổi trưa gió nồm thổi nóng hôi hổi, ôi cái nóng chỉ chỗ làng tôi hưởng thụ được, thế giới này liệu có cơn gió nào như vậy không,

nhục cảm nhỏ bé, ở tiểu quốc này, là thứ dễ làm con người ta hét toáng lên, la khát cả cổ họng, là sự hiểu biết về đời sống đã đủ to lớn phủ trùm, ảo tưởng đủ điều phủ trùm lên mọi tư duy của đương đại, và rồi sự buồn bã đó đã kéo dài cả nghìn năm rồi,

– [nghìn năm đó, có là gì so với thiên tai, và nói ra là nhân tai, con người càng mưu sâu , che đậy, lại càng đoạ trong sự đau đớn]

cùng là nơi chốn sinh ra những hoài niệm, dường như từ lúc nào cái cảm giác về một miền đất có cánh đồng, dòng sông, và tiếng chim, làm tôi luôn day dứt, nỗi day dứt đó khiến những đêm nằm suy nghĩ, lại đầy ắp hơn những hình hài của núi non của đất, bắt đầu nằm và ghi chép những sự việc, và có chăng sự lưu lại, nhớ lại và ghi chép lại, một quá trình tự thân như thế, sẽ đem lại cho tôi và cuộc sống hiện hữu này điều gì mà tôi không rõ, chỉ mông lung, đôi lúc xảy ra những mâu thuẫn trong nội tâm, thời gian trôi, con đường đi qua cánh đồng lúc bình minh thức giấc, sương mờ như khói buổi chiều, lành lạnh, tôi đọc được âm thanh của gió, và nhìn ra màu sắc chuyển dịch trong một ngày của những mùa, thời khắc chuyển giao, hay những ký tự trong khoảng không gian làng mạc, sự thật, tôi vẫn còn trong chiếc kén, chiếc kén của thời gian, suy nghĩ như những chiếc lông gây ngứa, sột soạt vừa chớm, khi nhìn bông hoa nở, nhận ra mùi của trời đã chuyển sang những giọt mưa ướt át, tôi học từ mùa chuyển dịch, những cử động của thời tiết, hay đó là lúc linh hồn của một miền quê hương đang âm thầm lột xác, nhưng không, cái gì không nhìn ra, không thấy là sự thật thì luôn làm giấc ngủ chìm sâu.

trôi về đâu hỡi đám máu xưa tụ bờ huyền sử?

ngũ hành là linh hồn của mẹ: vì sao, trong đương đại này đây, hễ nước dâng xối xả, nhấn chìm thành phố, màu nắng có chăng là thứ ảo ảnh, mây ngàn xanh ngút ngát mộ phần,

xưa, thuở còn răng nanh và vuốt nhọn, thuở trăng sao đúng buổi hẹn hò ló dạng trên cội cây già, là lúc điệu vũ của đất nước lửa gió xum vầy, âu yếm hòa chung một bước tiến hoá của màu hoa đại ngàn,

thuở con kiến còn cảm nhận được nguồn cội, sự linh thiêng và huyền nhiệm của những cơn mưa rào mát mẻ, là lúc hạt mặt trăng còn là hạt mơ mộng bay đầy và tràn ngập, đến nỗi cái vũ trụ khổng lồ này còn không chịu thoả hiệp cho cái năng lượng tích cực đó nữa,

những linh hồn mát mẻ, không buồn khổ, không ẩn chứa niềm bất an, và trôi dạt trong vô vàn vì tinh tú,

những đoá hoa nở rồi vụt biến vào bình nước cam lồ, những niềm tin bất tử,

à! và đó là sơ nguyên mộng!

hiện thực ư, nơi này hiện thực không thể đến được….

về sự hàm dưỡng đất, tôi bò lên giấc mơ, mỗi khi tiếng gió làm chiếc lá rụng, hay một cuốn sách khơi lửa, lửa chữ, những hồi âm tràn ngập, trong kệ sách, nhân vật bước ra, mang nhiều ý tưởng, rồi cứ thế, ngày qua ngày, họ sống bằng sự đọc, bằng suy nghĩ của độc giả,

mùi nước mưa, trên mái nhà, đủ để gọi tên một ký ức cũ. Tôi nhớ người làng tôi, những người nông dân, hay những người có tính chất phát, hay là cọng rơm phơi trên con đường đất, thế kỷ đương đại với nhiều hình ảnh mới, thời gian công nghệ, hay thời gian của những ký tự, con số,

có lúc, tôi chập chững tập viết lại tên từng thứ, và tập tưởng tượng rằng, những gì mình đang nghĩ cũng là sự sống. Thật buồn bã, khi hiểu rằng: Thứ tôi đang viết ra, liệu nó có thật sự cần thiết ra đời hay không? Có thể là lãng quên, hoặc có thể cần thiết trong trình tự nào đó liên quan đến những mối quan hệ xung quanh.

người trở lại khu rừng thông, một bức phù điêu gió tượng đá, ăn vào sâu lớp trầm tích, cuộc chiến này đã im lặng, trong hằn sâu lớp trầm tích, lửa vẫn âm ỉ cháy,

tôi thấy tôi trong muôn trùng sự lặp lại những thể dạng, thôi thì, việc làm thì vẫn cứ linh hoạt, hãy tìm và tìm trong đáy đêm, tìm mãi một ý niệm bị chôn lấp trong đống rác thải của tâm hồn…

giã, 15/07/2020

Comments are closed.