Trịnh Cung
Anh ra đi đột ngột do tai biến vào sáng 6-8-2024 tại tư gia, thọ 85 tuổi.
Hình chân dung này do anh bạn trẻ yêu nghệ thuật Thuận Huỳnh chụp vào cuối năm 2023 tại lễ tang Vương Hương, con gái tôi, anh đến chia buồn.
Trong số ít những nhà điêu khắc tài hoa nhất của Miền Nam Việt Nam trước 1975 như Mai Chững, Lê Thành Nhơn thì Dương Văn Hùng là người ít được biết đến do anh không có nhiều triển lãm và không có những tác phẩm ngoài trời được công chúng ngưỡng mộ và truyền thông quảng bá.
Tuy nhiên, với tôi, do có điều kiện gần gũi với anh nhiều năm từ lúc còn trong nước cho đến sau này ở quận Cam California nên tôi chủ quan cho rằng Dương Văn Hùng mới là nhà điêu khắc, không, tôi xin gọi anh là Nghệ sĩ điêu khắc đáng trân trọng hơn cả vì tính sáng tạo vượt qua mọi tiêu chuẩn cố định như chúng ta thường quan tâm, trong phạm vi điêu khắc Việt Nam.
Dương Văn Hùng, vẻ bề ngoài rất bụi đời, gần như anh chỉ mặc có một bộ đồ, tóc râu không hề tỉa gọn, cái mũ vải kaki xám bẩn luôn chụp xuống quá trán khiến cho khuôn mặt góc cạnh ngoài hai con mắt sáng le lói phần còn lại đều xám xịt lại còn tăm tối hơn và chiếc tẩu thuốc không rời khỏi miệng luôn bập cho thuốc không phải tắt.
Do anh không giao du rộng và âm thầm sống như một cái bóng mờ trong sự tối giản tiện nghi không thể tối giản hơn nhưng tình yêu dành cho điêu khắc của anh không hề tối giản chút nào. Đó là một giấc mơ lớn cho điêu khắc Việt Nam.
Trong con người nhỏ bé và bụi đời ấy lại là một nhà kỹ thuật cho những công trình điêu khắc lớn ngoài trời. Ví dụ như pho tượng Bông Lúa bằng đồng lá ghép, cao 18 mét của Mai Chững, được đặt ở thành phố Long Xuyên năm 1973, ai là người thiết kế cốt tượng và các giải pháp thi công? Đó chính là Dương Văn Hùng, anh đã đóng góp phần rất quan trọng để pho tượng Bông Lúa đứng sừng sững giữa thành phố Long Xuyên được coi là thủ phủ của lúa gạo Miền Nam.
Cũng con người nhỏ bé, ốm yếu và áo quần rất lùi xùi ấy, nếu bạn gặp, sẽ không tin nổi đó là một nhà điêu khắc hiện đại bậc nhất của điêu khắc Việt Nam cho đến hôm nay là ít nhất và tôi e là còn nhiều năm sau này, khó có ai.
Để biện chứng cho điều vừa nêu, tôi xin các bạn xem một trong những tác phẩm Dương Văn Hùng làm khi sang định cư ở quận Cam – California qua hình kèm theo. Đó là bức “Nằm” và bạn đọc dòng thủ bút của chính tác giả viết sau lưng bức hình của “Nằm”.
Ở đây, điều gì đặc biệt Dương Văn Hùng đã làm? Đó là, anh đã đưa hội họa vào điêu khắc. Điêu khắc và hội hoạ không còn là hai bản thể độc lập, một khái niệm mới để phá bỏ điêu khắc không màu, đơn sắc.
Ít triển lãm, ít tác phẩm, không có nghĩa là bộ óc sáng tạo của Dương Văn Hùng không làm việc mà ngược lại. Anh còn không dừng lại ở đó, làm cho điêu khắc đứng yên mà không đứng yên là mục đích sáng tạo lớn nhất của anh. Tham vọng của Dương Văn Hùng là muốn vượt qua cả Calder, người đưa điêu khắc chuyển động không ngừng trong không gian khi áp dụng vật lý học (xem hình đính kèm).
Để làm được điều khác Calder, Dương Văn Hùng đã kết hợp giữa thị giác và ảo giác nhờ vào cánh tay của hội họa (vì viết ngay nên chưa có hình minh họa cho trường hợp này).
Hôm nay, anh không còn nữa, giấc mơ lớn và tuyệt đẹp cho điêu khắc Việt Nam cũng đành bay theo cùng anh.
Vĩnh biệt anh, một giấc mơ lớn cho điêu khắc Việt Nam!
Little Saigon, 7-8-2024
TC