Hoàng Ngọc Biên, Cảo Thơm xb, 1970, 176 trang, 200 đồng.
Nguyễn Đăng Thường
Có thể nói rằng Hoàng Ngọc Biên, tác giả Đêm ngủ ở tỉnh, một quyển truyện ngắn mà nhà Cảo Thơm – nhà xuất bản chuyên về những loại sách quý và cổ điển – vừa in xong vào đầu năm dương lịch, là một “nhà văn trẻ cổ điển” và cũng là người đầu tiên tôi được biết, trên xứ sở này, đã loại bỏ ra ngoài câu chuyện tình tiết và nhân vật.
Nhân vật, vai chính của câu chuyện dù là truyện ngắn, hiểu theo nghĩa thông thường, hay cổ điển cũng vậy, là phải có ít ra một cái tên, một khuôn mặt, một vóc dáng, một tánh tình, một đam mê… (tất cả những thứ phụ tùng để đặt vị trí và định nghĩa rõ ràng một sinh vật tưởng tượng, để cho độc giả – những người bị đánh lừa nhưng cứ khăng khăng cho rằng mình đang nắm trong tay sự thật – dễ tin tưởng hơn vào sự có thật của nhân vật đã thoát thai, có thể nói từ một cái không, và tùy vào những chi tiết giống thật hay không giống thật đó mà các tác giả được quần chúng hay các nhà phê bình nông nổi xếp vào hàng những nhà văn lớn hay những nhà văn nhỏ), nhân vật tưởng tượng và được nhào nắn theo kiểu đó, từ bấy lâu nay bất khả xâm phạm, vì người ta nghĩ nếu đụng tới nhân vật thì câu chuyện tất nhiên sẽ phải sụp đổ theo, nhân vật cổ điển đó trong những truyện ngắn đầy thi vị – cái thi vị đôi khi bắt gặp nhưng rất khó trong đời sống hàng ngày – của Đêm ngủ ở tỉnh, đã bị xóa bỏ và được thay thế (luôn cả người kể truyện, nhân vật thường dùng chữ tôi gượng gạo, như trong truyện đầu, còn ngụy trang và che giấu dưới một hình thức cổ điển, chữ tôi đã được thay thế trong những truyện sau bằng đại danh từ ngôi thứ hai anh hoặc em) bằng một kẻ vô danh, nghĩa là chính chúng ta, người đọc, bằng một cái nhìn lướt nhanh trên đồ vật và ngoại giới, bằng một giọng nói đồng đều, nhỏ nhẹ, nhưng triền miên như một cơn gió đang thổi, như một ngày mùa đông, như một buổi sáng êm ả có mây trắng bay, tưởng chừng như chẳng bao giờ chấm dứt, trong suốt những trang sách – những truyện kế tiếp – mà độc giả không thấy xảy ra một chuyện gì khác thường, hay có thể gọi là đáng chú ý, tuy rằng ở mỗi khúc quanh của một câu văn dài, đôi khi không dấu chấm, dấu phết, người ta hồi hộp chờ đợi một biến cố hay một tấn bi kịch diễn ra, sự chờ đợi luôn thất vọng này khiến chúng ta thêm tò mò, như một kẻ sốt ruột muốn nhìn thấy khu rừng mà những thân cây thản nhiên, thẳng đứng, che khuất mất, cái mà chúng ta muốn thấy, muốn biết, nghĩa là cuộc đời (và cuối cùng khi quyển truyện chấm dứt và rời khỏi tay chúng ta, chúng ta ngỡ ngàng trong giây lát để rồi chợt hiểu rằng không có gì khác nữa mà chỉ có bấy nhiêu thôi, khu rừng cũng là những thân cây và cuộc đời chúng ta là cái bề mặt phẳng lì đó) cuộc đời như vậy không phải bị che giấu bởi mà chính là những suy nghĩ tầm thường, những cử chỉ máy móc, những công việc làm quen thuộc mỗi ngày như ăn như ngủ, thức dậy, đi chợ, đi đến sở, đến trường buổi sớm mai, dặn dò tiễn đưa hay nhớ một người đi xa, một người bây giờ vắng mặt, một kỷ niệm xưa, một đôi lời bâng quơ, ngồi trong quán ăn nhìn ra ngoài đường phố bụi bặm, sình lầy, ngập nắng, mưa, của một tỉnh lỵ nghèo nàn để giết thời giờ trong lúc chờ đợi người bồi bàn mang đến một cái ly và một chai bia, gặp mặt một người quen không buồn chào hỏi, hay bỏ ra mấy đồng bạc để mua một cuốn tập học trò có kẽ những hàng ngang dọc và một cây viết nguyên tử mới để thay thế cho cây viết cũ mà đầu đạn đã hư và mực đã chảy ra ngoài, mặc dù rằng quyển vở học trò và cây viết mới đó dung để viết tập truyện mà chúng ta đang cầm trong tay.
Hoàng Ngọc Biên – ảnh Ted Thai, Time-Life Magazine 1973. Ảnh bên phải được một đồng nghiệp ở Long An chụp vào một buổi trưa tác giả ở lại trường, và tranh thủ sử dụng máy chữ của văn phòng giám học để viết giữa mùa hè.
Ngay ở trang đầu của truyện đầu, tác giả dưới hình thức khôi hài tự chế diễu mình của một nhân vật, đã gián tiếp đề cập đến sự có mặt của quyển sách của ông và giới thiệu với chúng ta, cũng một cách gián tiếp, quyển sách đó như những chuyện riêng tư nhảm nhí.
Chắc hẳn ông Hoàng Ngọc Biên muốn đùa vui khi nhại lại, một cách đảo nghịch và khôi hài như thế hai tác giả lớn của nước Pháp mà ông hiểu biết rất thấu đáo, hai tác giả đó là Proust và Butor, bởi vì toàn bộ A la recherche du temps perdu cũng như L’emploi du temps và La modification có thể được coi như là những quyển sách kể lại sự tích mình, và viết, đối với các tác giả trên, chắc cũng như đối với tác giả Đêm ngủ ở tỉnh, chỉ là để chứng tỏ trước tiên với chính mình là mình đã hoặc đang sống, cái nhìn tỉ mỉ đặt trên mọi đồ vật vây quanh chúng ta như để kiểm chứng, và cái giọng nói kể lể, độc thoại, như đang cố thử làm một bảng thống kê những chuyện cỏn con đã xảy ra, những nỗi vui và nỗi buồn, những hạnh phúc thấp thoáng, những vật dụng đã thấy, đã cầm trong tay, đã sờ mó, những âm thanh và những hương vị dai dẳng hoặc thoáng mau, chiếc áo len ấm của một ngày cô đơn, tất cả những thứ đó được gợi lại (và chỉ được gợi lại thôi) như để thuyết phục với chính mình hay với một người khác, sự hiện diện của ta và của người đó trên đời.
Cái nhìn và tiếng nói ở đây là khí giới chống lại cái chết và thời gian đang lôi cuốn và thiêu hủy chúng ta, và nếu như thế thì Đêm ngủ ở tỉnh có thể được xem như là những mảnh vụn của đời sống và những mảnh vụn của thời gian đã mất mà tác giả đã giành giựt lại từ trong tay cái chết.
Như chúng ta đã thấy, ngoài Proust và Butor, nhất là Butor mà ông Hoàng Ngọc Biên đã mượn lại một vài khám phá mới về hình thức, nhưng đã sửa đổi lại cho hợp với người mình, với chính ông, và với thực tế Việt-nam, ông chắc cũng đã chịu một vài ảnh hưởng, tuy xa xôi và gián tiếp, của những nhà văn tiểu thuyết mới của những năm 50 và gần đây (ông Hoàng Ngọc Biên chính là tác giả công phu của quyển sách bán chạy trong giới sinh viên, Tuyển tập những nhà văn Pháp hiện đại, do nhà xuất bản Trình bầy ấn hành).
Nhưng xét ra thì đó là một ảnh hưởng rất tốt, vì nó không cho ra đời một thứ văn chương ngoại lai, gút mắc, không đọc được, như của một số những tác giả bây giờ (sách của họ chỉ là những sự cóp nhặt tư tưởng ngoại nhân nhưng chưa “tiêu hóa nổi”, những bảng ghi tên các tác giả Đông Tây và tên những quyển sách danh tiếng), mà trái lại nó đã mang về cho văn chương nước nhà đang trong thời kỳ bế tắc và hầu như kiệt quệ ngày nay (mặc dù số tác giả và số sách in ra rất nhiều) nếu chưa hẳn là một lối thoát, thì ít nhất cũng là một bút pháp, một hình thức mới lạ, và sau cùng là những truyện ngắn giá trị có mãnh lực làm cho người đọc tìm thấy lại một phần nào sự say mê đọc các tác phẩm, và cùng với sự say mê đó là những hình ảnh quyến luyến và êm đềm của quê hương chúng ta, những con cá nhỏ, những bó rau tươi, những con đò xuôi mái chèo, những đứa nhỏ trần truồng nô đùa trửng giỡn dưới sông, hay những hình ảnh Tây phương hơn của một người giáo sư dạy sinh ngữ trong cung cách quí phái và lơ đãng, của một người vợ trẻ tìm đọc những bài báo nói về bệnh gan, của một cô gái khoác áo choàng màu xanh da trời đi trên dốc đồi của một thành phố cao nguyên phủ kín sương mù – mà hằng tấn những truyện ngắn, truyện dài viết cẩu thả và in bừa bãi đã làm lu mờ vẻ đẹp và làm cho chúng ta chán ngấy không bao giờ muốn nghe nhắc tới nữa.
NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG
* Trình bầy số 14 – ngày 15 tháng Hai 1971