Những ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc căn cứ vào dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác nhận thành viên Tự Lực Văn Đoàn – trường hợp nhà văn Đỗ Tốn

Cao Quang Nghiệp

Kính gửi Ban Biên tập Văn Việt!

Vừa rồi chúng tôi có đọc bài “Đỗ Tốn và Chúc thư văn học của Nhất Linh”, là phần thứ 13 trong loạt bài về “Tự Lực văn đoàn – Văn chương và cách mạng” của nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê đăng trên trang nhà của Văn Việt. Chúng tôi nhận thấy đây là một công trình nghiên cứu rất công phu, đáng hoan nghênh. Tuy vậy, cũng còn có một vài điều mà theo thiển ý còn chưa thoả đáng. Trong tinh thần cầu thị, đăng lại bài viết này (công bố cách đây hai năm trong sách Vietnamese Studies in Vietnam and Germany: Vietnamese Literature – Past and Present (Việt Nam học ở Việt Nam và Đức: Văn học Việt Nam – Quá khứ và Hiện tại). Hamburg: Publikationen der Hamburger Vietnamistik, 2018, trang 145 – 155; có sửa một vài chỗ), chúng tôi muốn trao đổi cùng tác giả Thuỵ Khuê và cùng độc giả, để rộng đường dư luận, mong cùng nhau tìm ra sự thật.

Rất mong Ban Biên tập Văn Việt cho đăng bài viết này.   

Cao Quang Nghiệp

Trong bài viết “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn đoàn là ai?”,[1] ngoài việc căn cứ vào bản phác thảo Đời làm báo của Nhất Linh[2] và bức hoạ “Thất tinh hội bên bàn làm việc tại toà soạn”[3] thì chúng tôi còn căn cứ vào dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” chua dưới các bút danh như theo điều hai của bản tuyên ngôn của văn đoàn chính thức công bố lần đầu tiên vào ngày 02.03.1934 trên báo Phong Hóa[4] để làm cơ sở trong việc xác nhận những ai là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn.

Tuy nhiên, có ba trường hợp rắc rối có liên quan đến việc áp dụng dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” để làm cơ sở cho việc xác nhận thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Trong bài viết nêu trên chúng tôi đã đề cập đến trường hợp của nhà văn Đỗ Đức Thu và nhà soạn kịch, nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Trong bài viết này chúng tôi bàn luận thêm trường hợp của nhà văn Đỗ Tốn và thử tìm lời giải đáp cho vấn đề này.

Mùa hè năm 2005, trong chuyến nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu ở Pháp chúng tôi có trao đổi với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê về vấn đề này. Sau khi nghe chúng tôi trình bày quan điểm của mình rằng chúng tôi sẽ căn cứ vào dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác nhận thành viên Tự Lực Văn Đoàn thì nhà nghiên cứu Thụy Khuê cho rằng nếu theo căn cứ vào dòng chữ trên thì cả Đỗ Tốn cũng là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn vì trong tác phẩm Hoa vông vang, dưới tên Đỗ Tốn, cũng có dòng chữ này.[5]

Bán tín bán nghi về thông tin này lập tức sáng hôm sau chúng tôi vào Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) ở Paris tìm tác phẩm Hoa vông vang của Đỗ Tốn. Rất may thư viện này còn lưu trữ một ấn bản nộp lưu chiểu (Depot legal) do nhà xuất bản Đời Nay in lần thứ nhất, năm 1945 của tác phẩm Hoa vông vang (xin xem tài liệu minh họa số 1). Sau khi xem kỹ thì chúng tôi đinh ninh rằng có thể là nhà nghiên cứu Thụy Khuê đã nhớ nhầm, vì trong ấn phẩm này, dưới tên Đỗ Tốn, không có dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn”. Tháng 2 năm 2006, khi viết bài “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”[6] chúng tôi đã không “đả động” gì đến trường hợp của Đỗ Tốn, vì nhà văn này từ trước đến giờ chưa bao giờ được giới nghiên cứu đặt nghi vấn rằng có phải ông là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn hay không. Nhưng chuyện này không dừng ở đây. Thật bất ngờ là sau đó ít lâu chúng tôi tìm thấy một ấn bản khác của tác phẩm Hoa vông vang và mới vỡ lẽ ra rằng thật sự thì nhà nghiên cứu Thụy Khuê đã không nhớ nhầm. Quả thật trên tranh bìa của ấn bản này, dưới bút danh Đờ (sic) Tốn, có dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” (xin xem tài liệu minh họa số 2). Theo thiển ý, đây là một thông tin rất đặc biệt, đáng được nghiên cứu nghiêm túc. Và đó cũng là lý do và đối tượng khảo cứu của bài viết này.

Rất phân vân về dòng chữ chua thêm này, chúng tôi quyết tìm thêm một ấn bản khác của tác phẩm này để đối chiếu với nhau, thử tìm xem hư thật ra sao. Rất may chúng tôi tìm được một ấn bản năm 1969 của nhà xuất bản Đời Nay[7] (xin xem tài liệu minh họa số 3). Sau đây chúng tôi thử so sánh trang bìa trước và bìa sau của ba ấn bản này trên hai bình diện – hình thức trình bày và những thông tin trên đó.

image

Tài liệu minh hoạ số 1[8] Tài liệu minh hoạ số 2[9] Tài liệu minh hoạ số 3[10]

Dựa vào hình thức trình bày trên bìa trước và bìa sau

Nhìn kỹ hình thức trình bày trang bìa trước và bìa sau của ba ấn phẩm chúng tôi thấy có những điểm khác biệt sau đây: hình thức trang bìa của hai ấn bản năm 1969 và “ấn bản lậu” rất giống nhau, nghĩa là trang bìa trước được đóng trong một cái khung bởi bốn đường viền; duy chỉ cách xếp chữ tựa tác phẩm “HOA VÔNG VANG” thì được trình bày khác nhau. Và trên trang bìa sau của hai ấn bản này đăng cùng một mẫu quảng cáo cho những tác phẩm do nhà xuất bản Đời Nay in. Trang bìa hai ấn bản này hoàn toàn khác với trang bìa của ấn bản năm 1945, vì trang bìa này không có đường viền.

Dựa vào những thông tin trên bìa trước và bìa sau

Những thông tin trên trang bìa trước của ấn bản năm 1969 và ấn bản năm 1945 hoàn toàn giống nhau. Trong cả hai ấn bản, dưới tên Đỗ Tốn, không có dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn”; chỉ có hình chim phượng là dấu hiệu của nhà xuất bản Đời Nay thì khác nhau. Điều này có thể lý giải rằng vì ấn phẩm năm 1969 được chế bản do một người nào đó chủ trương sau khi Nhất Linh qua đời nên con dấu chính thức của nhà xuất bản Đời Nay trước kia, khi còn ở Hà Nội, không thể dùng đến được. Ngược lại, hình chim phượng trên trang bìa của “ấn bản lậu”[11] lại “giống như in” với hình chim phượng trên trang bìa của ấn bản năm 1969. Nhưng điều đặc biệt và đáng chú ý nhất là – khác với ấn bản năm 1945 và ấn bản 1969 – trên trang bìa của “ấn bản lậu” tên tác giả được ghi là Đờ (sic!) Tốn và dưới tên tác giả có chua thêm dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn”, như chúng tôi đã trình bày ở phần trên.

Ngoài ra, khi nhìn kỹ vào trang bìa sau của hai ấn bản độc giả có thể nhận thấy rằng mẫu quảng cáo về những tác phẩm của nhà xuất bản Đời Nay trên đó đều giống nhau, chỉ mỗi thông tin về việc đăng ký kinh doanh (GPKD số 1030 BTT/N/PHNT ngày 20-3-1969) trên ấn bản năm 1969 đã bị xoá bỏ (xin so sánh tài liệu minh họa số 4 và 5). Chắc là vì “ấn bản lậu” nên không thể lấy đâu ra giấy phép kinh doanh để thế vào!

image

Tài liệu minh hoạ số 4[12]     Tài liệu minh hoạ số 5[13]

Để cho tiện việc so sánh chúng tôi thành lập bản đối chiếu như sau:

image

Bảng đối chiếu số 1: Thông tin trên bìa trước và bìa sau của ba ấn bản Hoa vông vang

Dựa vào cách dàn trang và so sách nội dung trong các ấn phẩm

Trong hội thảo quốc tế EUROVIET được tổ chức vào tháng 6 năm 2008 ở khoa Việt học, trường Đại học Hamburg, sau khi nghe chúng tôi trình bày về vấn đề này thì chủ tọa buổi thuyết trình hôm ấy là PGS. TS. Hoàng Dũng[14] có gợi ý cho chúng tôi so sách cách dàn trang cũng như nội dung của các ấn bản để thử xem có những khác biệt gì đáng chú ý hay không. Theo gợi ý đó chúng tôi tiến hành thao tác này dưới hai khía cạnh, đi từ tổng quát đến chi tiết, nghĩa là trước tiên chúng tôi sẽ so sánh mục lục của ba ấn bản này để xem thử trong những ấn bản sau có thêm bớt trong phần nội dung hay không. Sau đó chúng tôi sẽ so sánh một trang của một truyện ngắn trong ba ấn bản này trên bình diện câu văn làm ví dụ điển hình, để xem trong các ấn bản sau có sửa chữa hay không.

image

Bảng đối chiếu số 2: Mục mục của tác phẩm Hoa vông vang trong ba ấn bản khác nhau

Dựa vào cách dàn trang

Sau khi tham khảo qua mục lục của ba ấn bản này chúng tôi có thể khẳng định rằng ấn bản năm 1969 là một ấn bản có bổ sung (tuy không được ghi chú rõ ràng) các phần Chú tôi, Định mệnhVài lời nói thêm (xin xem bảng đối chiếu số 2) của ấn bản năm 1945 và “ấn bản lậu” là ấn bản chụp lại nguyên văn từ ấn bản năm 1969, kể cả những thiếu sót của ấn bản này (không có lá thư Anh Tạo trong phần mục lục) và những chữ được sửa chữa lại (xin xem bảng đối chiếu số 3). Ngoài sự sơ ý này ra còn có một lỗi hiển thị nữa, đó là sự sai lệch về số trang trong phần mục lục và trong ruột sách của “ấn bản lậu” này. Người chế bản cho ấn bản này đã chụp nguyên văn từ ấn bản năm 1969 nhưng trong việc dàn trang thì có sơ ý nên số trang ở trong ruột sách không ăn khớp với số trang trong phần “mục lục”.

Lý do cho việc trượt số trang, từ trang 40 của ấn bản năm 1969 sang trang 41 của “ấn bản lậu” là vì ở ấn bản năm 1969 truyện ngắn Một kiếp sống được dàn trang liền sau truyện ngắn Điệu Thu ca (kết thúc ở trang 39); trong khi đó ở “ấn bản lậu” thì người dàn trang đã bỏ trống một trang (trang 40) rồi mới dàn trang truyện ngắn Một kiếp sống ở trang 41. Cũng tương tự như vậy, trong “ấn bản lậu”, sau truyện ngắn Duyên số, kết thúc ở trang 69, thì người dàn trang đã bỏ trống một trang (trang 70) rồi mới dàn trang truyện ngắn kế tiếp là Chú tôi ở trang 71. Cho nên đến đây đã có hai trang bị trượt, trừ trang 69 trong ấn bản năm 1969 sang trang 71 trong “ấn bản lậu”.

Đến đây cần nói thêm rằng chính trong ấn bản năm 1969 đã có sự bất nhất về số trang ở mục lục và ở trong ruột sách. Chẳng hạn, truyện ngắn Hoa vông vang được bắt đầu ở trang 77 nhưng ở phần mục lục lại ghi là trang 75. Vì lý do này mà trong “ấn bản lậu”, vốn là bản chụp lại của ấn bản năm 1969, do “sao y bổn chính” nên trong phần mục lục cũng ghi là truyện ngắn Hoa vông vang bắt đầu ở trang 75, nhưng thật ra trong ruột sách thì truyện này lại bắt đầu ở trang 79.

Việc trượt trang, dẫn đến việc thêm số trang, một lần nữa được tái diễn trong “ấn bản lậu” với truyện ngắn Giáo huấn. Truyện này kết thúc ở trang 129 và truyện ngắn kế tiếp (Định mệnh) thì bắt đầu ở trang 131. Như vậy là trang 130 bị bỏ trống. Và đến đây số trang chênh lệch giữa hai ấn bản đã lên đến ba trang.

Nhưng không phải lúc nào trong “ấn bản lậu” cũng được thêm trang so với ấn bản năm 1969. Có một trường hợp ngược lại là số trang ở ấn bản 1969 bị giảm đi so với “ấn bản lậu”. Trong ấn bản năm 1969 Vài lời nói thêm của tác giả được bắt đầu ở trang 179 sau một trang bỏ trống (trang 178); trong khi đó trong “ấn bản lậu” thì Vài lời nói thêm được dàn trang liền sát sau truyện ngắn trước đó. Vì vậy số trang chênh lệch bây giờ chỉ còn có hai như chúng ta có thể nhìn thấy trong bảng đối chiếu số 2. Trong bảng đối chiếu này chúng tôi đã chỉnh sửa lại và đưa số trang đúng vào ngoặc vuông tương đương với số trang trong ruột sách.

Ngoài việc trượt và lùi trang, dẫn đến việc chênh lệch số trang, người dàn trang còn bất cẩn, làm lộn xộn thứ tự số trang trong ruột sách. Chẳng hạn, trong “ấn bản lậu” này trang 46 bị thay bằng trang 94 và ngược lại.

Dựa vào nội dung

Khi so sánh một trang của một truyện ngắn trong ba ấn bản để làm ví dụ điển hình thì chúng tôi phát hiện thêm rằng giữa ấn bản năm 1969 và “ấn bản lậu” đều có những trùng khớp liên quan đến văn phong giữa hai ấn bản này, nhưng lại hoàn toàn khác nhau so với ấn bản năm 1945.

image

Bảng đối chiếu số 3: Trang cuối của truyện ngắn Tình quê hương trong ba ấn bản

Qua bảng đối chiếu số 3 chúng ta có thể thấy được rằng có một số thay đổi trong cách dùng từ giữa ấn bản bản năm 1945 và ấn bản năm 1969 cũng như “ấn bản lậu”, chẳng hạn như: “sau này” thay cho “từ đấy”, “chùm hoa” thay cho “cành hoa” hoặc “toả ra mùi hương” thay cho “toả hương thơm ngát” và “mối tình” thay cho “tình” (xin xem những chữ được tô đậm trong bảng đối chiếu số 3). Không những vậy mà còn có những thay đổi về chính tả (có khi mang nặng dấu ấn phương ngữ hai miền Nam-Bắc), ví dụ như: “giồng” và “trồng” hay “giây” và “dây” (xin xem những chữ in nghiêng trong bảng đối chiếu số 3).

Hơn nữa, trang bìa sau của “ấn bản lậu” (xin xem tài liệu minh họa số 5) ghi giá bán theo lối Anh Mỹ (ký hiệu tiền tệ trước, sau đó đến con số: GIÁ: $6.00)[21] rất khác với cách ghi giá ở miền Nam trước 30.04.1975, vốn theo quy ước Pháp (số trước, ký hiệu tiền tệ sau: GIÁ: 120$) ở trang bìa sau của ấn bản năm 1969 (xin xem tài liệu minh hoạ số 4); mặt khác, khó cho rằng $6.00 là sáu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa vì quá rẻ, chỉ bằng 1/20 của bản 1969. Tất cả cho phép chúng tôi phỏng đoán rằng “ấn bản lậu” này được in ấn và phát hành ở hải ngoại: $6.00 là sáu đô la Mỹ.

Ngoài những cứ liệu nêu trên ra thì lời “Tựa” do chính Nhất Linh viết tại Quảng Châu vào tháng 12 năm 1942 cho tác phẩm Hoa vông vang càng củng cố thêm kết luận ấn bản của “Đờ Tốn” chỉ là một cuốn sách lậu. Trong ba trang của lời “Tựa” này, Nhất Linh đã hai lần dùng từ “bạn”[22] để bộc lộ mối quan hệ giữa mình và Đỗ Tốn. Thiết nghĩ, nếu Đỗ Tốn thật sự là thành viên chính thức của Tự Lực Văn Đoàn thì Nhất Linh đã hãnh diện mà giới thiệu cho độc giả biết rõ.

Những cứ liệu và lập luận đã trình bày trên cho phép chúng tôi đưa ra kết luận rằng ấn bản có rất nhiều sai sót căn bản và thiếu những thông tin cần thiết cho một ấn bản chính thức như nơi xuất bản và năm xuất bản là một “ấn bản lậu”, chắc do những con buôn sách in ra vì mục đích thương mại. Ấn bản này theo chúng tôi không đáng tin cậy. Cho nên không thể căn cứ vào dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” ở ấn bản này để chứng minh rằng Đỗ Tốn là thành viên Tự Lực Văn Đoàn.

 

Tài liệu tham khảo

Bản phác thảo “Đời làm báo”, gồm hai trang viết tay, do nhà văn Nhất Linh để lại. Tư liệu trong tủ sách gia đình của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, Seatle, USA

Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Trong Thế Kỷ 21. Năm thứ mười tám, số 207, 7. 2006, trang 62–76.

Đỗ Tốn. Hoa vông vang. Hà Nội: Đời Nay, 1945

Đỗ Tốn. Hoa vông vang. [Sài Gòn]: Đời Nay, 1969

Đờ Tốn. Hoa vông vang. S. l. [không có thông tin nơi xuất bản]: Đời Nay, s. a. [không có thông tin năm xuất bản]

Phong Hóa, số 87 – 02.03.1934

Phong Hóa, số 197 – 03.02.1940

Thế Kỷ 21, số 207 – 07.2006 


[1] Cao Quang Nghiệp 2006; trang 62–76.

[2] Bản phác thảo “Đời làm báo”, gồm hai trang viết tay, do nhà văn Nhất Linh để lại. Tư liệu trong tủ sách gia đình của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, Seatle, USA.

[3] Phong Hóa, số 197, 03.02.1940; trang 6.

[4] “Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận và đặt dấu hiệu”. Phong Hóa, số 87 – 02.03.1934; trang 6.

[5] Nhân đây chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn nhà nghiên cứu lịch sử, nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê đã lưu ý chúng tôi điều này và cũng cảm ơn chị cho những buổi tiếp đón, trò chuyện, trao đổi thật thú vị tại nhà riêng của chị.

[6] Cao Quang Nghiệp 2006; trang 62–76.

[7] Nhà xuất bản Đời Nay này được thành lập khoảng năm 1969, chứ không phải là nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn trước 1945.

[8] Bìa trước ấn bản năm 1945. Chụp từ Đỗ Tốn. Hoa vông vang. Hà Nội: Nxb Đời Nay, 1945.

[9] Bìa trước của “ấn bản lậu”. Chụp từ Đờ Tốn. Hoa vông vang s. a. [Không đề năm xuất bản].

[10] Bìa trước ấn bản năm 1969. Chụp từ Đỗ Tốn. Saigon: Nxb Đời Nay. Hoa vông vang 1969.

[11] Để tiện trong việc gọi tên chúng tôi tạm đặt tên cho ấn bản mà không có thông tin về nơi và năm xuất bản là “ấn bản lậu”. Còn vì sao là “lậu” xin xem sự lý giải của chúng tôi ở phần sau.

[12] Bìa sau của ấn bản năm 1969. Chụp từ Đỗ Tốn. Hoa vông vang. [Sài Gòn]: Đời Nay, 1969; trang bìa sau.

[13] Bìa sau của “ấn bản lậu”. Chụp từ Đờ Tốn. Hoa vông vang. S. l. Đời Nay, s. a.; trang bìa sau.

[14] Nhân đây chúng tôi chân thành cảm ơn PGS. TS. Hoàng Dũng đã cho chúng tôi gợi ý hữu ích này.

[15] Đỗ Tốn. Hoa vông vang 1945; trang 173.

[16] Đỗ Tốn. Hoa vông vang 1969; trang 183.

[17] Đỗ Tốn. Hoa vông vang s.a.; trang 185.

[18] Đỗ Tốn. Hoa vông vang. Hà Nội: Đời Nay, 1945; trang 170.

[19] Đỗ Tốn. Hoa vông vang. [Sài Gòn]: Đời Nay, 1969; trang 177.

[20] Đỗ Tốn. Hoa vông vang. S. l. Đời Nay, s. a.; trang 180.

[21] Đỗ Tốn. Hoa vông vang 1969; trang bìa sau.

[22] “Đây là một tập truyện ngắn của một nhà văn còn trẻ tuổi, bạn tôi” và “Người bạn trẻ của tôi đã có có những nhận xét rất tinh vi về đời sống”. Nhất Linh. “Tựa”, trong Đỗ Tốn: Hoa vông vang 1945.

Comments are closed.